Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Vụ án Lệ chi viên

         Dẫu đã biết đức Lê Thánh Tông đã giải oan cho người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới rồi, cũng đả rõ ai là người hãm hại, nhưng vẫn cứ muốn đọc. Vì đây chính là lời của người cầm cán cân công lý xét xử vụ án oan khiên này. Chỉ có điều tiếc là sao ngài có tâm, có đức lớn  mà cách ứng xử vẫn phải mềm như nước vậy? Cái dũng của bậc công thần khai quốc, coi  thường mọi hiểm nguy thậm chí cả tính mạng mình... sao lại nể nang, để cả dân tộc phải oán hờn?...Xin mời nghe tác giả lý giải:
2* Đinh Liệt và chùm thơ về vụ án Lệ Chi Viên
Đặc biệt tâm huyết, rung động hậu thế hơn cả có lẽ là chùm thơ tứ tuyệt xung quanh chuyện động trời: thảm án Lệ Chi Viên. Thị Anh tham lam, tàn ác và xảo quyệt. Lê Thái Tông yêu quý Thị Anh quá mức. Đó là mối nguy cơ lớn cho xã tắc. Bút ký Hồng Mai còn có bài thơ: 
Tống Thai mạc kiến nguy ký hiện
Nịch ái thịnh y nhật nhật tăng
Mỹ sắc diễm ngôn gia phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp hải hà băng.
Dịch thơ:
Thái Tông chẳng thấy nguy đã hiện
Yêu quý Thị Anh quá nồng nàn
Lời ngọt, người xinh chê tất cả
Cơ đồ sự nghiệp biển sông tan!
   Thị Anh đã vu oan cho bà Ngô Thị Ngọc Dao (đang có mang với vua, bụng chửa lớn) làm bùa hại Bang Cơ, khép tội voi giầy cho đến chết (để giết cả cái thai bên trong, sau này sinh Lê Thánh Tông). Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ (có sự  hỗ trợ của Đinh Liệt) can vua, cứu được, cho đi lánh. Ấy là mối nguy cho Nguyễn Trãi.
   Lê Thái Tông băng, Bang Cơ hai tuổi lên ngôi, bà Thị Anh lên làm Hoàng Thái hậu. Từ đó, thế lực hắc ám lấn át cả. Đại công thần Đinh Liệt cho rằng, Thị Anh nói rằng nhờ linh dược, thực ra là hoang thai. Đinh Thắng - viên quan biên chép còn ghi rành rành. Thị Anh có mang mới sáu tháng đã sinh con. Bang Cơ tức Nhân Tông. Bang Cơ không phải là giống rồng, không phải là con của Thái Tông. Đinh Liệt làm một bài thơ chữ Hán, nhưng ông sợ, các tên người đều phải viết kiểu nói lái: Nhân Tông thì viết là Nhung Tân, Thái Tông thì viết là Tống Thai, Đinh Thắng viết là Thăng Đính. Ông bảo, nỗi nhục này của hoàng bào (vua) ngàn năm khôn rửa sạch:
Nhung Tân hà hữu Tống Thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Định ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh*
Dịch thơ:
Đâu phải Nhân Tông huyết Thái Tông
Sinh con sáu tháng lạ vô cùng
Tháng ngày Đinh Thắng còn ghi chép
Nhục mãi, hoàng bào khó gột xong!
          
    Thời Lê sơ, đầu thế kỷ XV có nhiều oan khuất: Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị sát hại năm 1431 (sai đã được sửa năm 1456), Thái Bảo Phạm Văn Xảo bị hãm hại năm 1432 ( đời Trần Nhân Tông được minh oan), Thừa chỉ Nguyễn Trãi bị trảm năm 1442 ( Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, lại truy tặng ông: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê buổi sớm)…
 Xử: Nguyễn Trãi dùng bà Lộ tiến độc vua là oan, xử “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, trảm bà Lộ cũng là oan. Sử gia thời Lê sơ không cùng đẳng cấp với các thái sử Đổng Hồ, Thôi Trữ xưa, đã ghi theo “lề phải”, chính thống.
Nguyễn Thiên Tích - bạn cố tri của Nguyễn Trãi, làm phán quan đành bó tay, mà Đại công thần - chánh án Đinh Liệt, người thương kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ vì sợ liên luỵ, bị tru di tam tộc, cũng bất lực. Hồi ấy, hai chục năm sau, ông vua Thánh mới biết Nguyễn Trãi bị oan, chứ quan lại dân chúng thấy ngay sự oan khuất.
Đại công thần Đinh Liệt, người phải đứng ra làm chánh án vụ xử Nguyễn Trãi thấy rõ oan mà đành bất lực. Ngay trong ngày Nguyễn Trãi bị trảm (16 tháng 8 năm 1442). Đinh Liệt gọi Nguyễn Trãi là quan gia, ông là chánh án nhưng không phải là Bao Công và than, chờ Bao Công còn xa lắm:
Khả tích quan gia mạc thức thời
Tru di tam tộc thị thương ôi!
Phá kính trung viên, hà thời giải
Bao Công, chân lý đẳng tương lai.
Dịch thơ:
Quan gia đáng tiếc chẳng theo thời
Tam tộc chu di xót quá thôi
Gương vỡ bao giờ lành được nhỉ?
Bao Công, chân lý ngóng xa vời...
Xin nói rõ thêm, theo sử, ngày 3 tháng 8, vua dời Côn Sơn về kinh. Bà Lộ được đi hộ giá. Từ Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức (Đuống) thuyền rồng ngược dòng, nên luôn phải hàng chục phu thuyền dùng dây tam cố gò lưng mà kéo. Đến ngang xã Đại Toán thuộc Quế Võ thì phu kéo mãi thuyền không nhích lên được. Vua hỏi. Lương Dật (em nuôi Lương Đăng - viên quan chống Nguyễn Trãi quyết liệt) tâu: “Ngay trên bờ có Cầu Bông, cạnh cầu có mộ Bạch Sư rất thiêng, nếu không cúng sẽ nhiều trắc trở”. Tham tri chính sự Nguyễn Xí nói, không tin vào điều đó được, song vua lại truyền bảo: “Cho thuyền dừng, cắm trại, lệnh cho sở tại thịt nghé tơ để tế thần”. Mấy hôm liền, vua vẫn không được khoẻ. Đêm 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên... Trong chuyến vua vi hành này, Hoàng hậu Thị Anh không có mặt, nhưng tất nhiên tất cả các quan và năm cung nữ bên vua đều là người của Thị Anh cả. Chỉ có bà Lộ một phía. Có việc gì qua mắt được cánh Nguyễn Xí, Tạ Thanh, Lương Dật, các cung nữ? Vua băng, cả đoàn lặng lẽ hồi kinh. Từ Lệ Chi Viên đến kinh đô chỉ chừng 45 cây số. Chặng ấy, đoàn xa giá phải đi cả ngày, đêm mồng 5, hết ngày mồng 6, nửa đêm mới vào cung, phát tang.Nếu bà Lộ có mưu giết vua, cớ sao khi vua đã băng, không trốn?  Vì ngoại phạm, bà Lộ tự cho vô can mới không trốn. Từ đó, suy ra, ngay câu mà sử gia chép “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, cũng là câu đã qua dàn dựng!
Thơ Đinh Liệt chân thực đã chiếu rọi và phá tan đám sương mù bao trùm gần sáu thế kỷ nay trên nhiều trang sử chính thống.  Thơ có sức mạnh riêng, vẻ đẹp riêng. Không chỉ là một Thái sư trung quân ái quốc, Đinh Liệt còn có tâm hồn, cốt cách thi nhân chân chính, treo gương sáng cho nhiều thế hệ bút lông, bút sắt....   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét