Nhớ gió run gầy năm ngón tay
Người xa thăm thẳm biết bao ngày
Người đi một bước, thương một bước
Châu Mộc mùa này mây trắng bay
Lúa chín rồi đây ngô đọng hạt
Thu kịp hoang liêu một dãy đồi
Tìm tôi lối cũ, tôi tìm lại
Chỉ gặp một trời mây trắng bay
Người có thương thì trở lại đây
Cỏ hoa thì vẫn cỏ hoa này
Đồi xưa vẫn rẽ đường xưa cũ
Sao chỉ một trời mây trắng bay
Người ở cuối hè kẻ cuối đông
Mùa thu giăng mắc sợi tơ hồng
Ngọn lau phơ -phất chiều biên ải
Khua trắng một trời mây trắng bay
Mộc Châu, thu Tân Mão
( Suối reo số ĐB năm 2011)
Tứ thơ chủ đạo, day dứt người đọc Một chiều/ một trời mây trắng bay mãi khôn nguôi.
Mình đã từng ở vùng này, từng xao xuyến về những bình minh và hoàng hôn trên cao nguyên Châu Mộc, từng hít thở không khí trong lành rười rượi mát, giấc ngủ thật đằm, thật yên bình, và cả những con người chân thật, mộc mạc nữa, làm người ta" đi một bước, thương một bước"... Nhưng mình ăn, làm, ngủ nghỉ ở đất này... dễ đến 3,4 tháng hết mùa thu, và gần hết cả mùa đông ... hồi làm nhà, xưởng chế biến chè cho công ty ông Yasuda ( Nhật Bản) mà chẳng viết được một chữ nào, còn anh Tý chẳng biết ở lâu mau sao mà có hẳn một bài dầy dặn thế, thật quý!
Đáng nể nữa là, nay vào mạng, lại gặp tứ thơ này trong" Những câu thơ hay" được anh sửa lại như sau:
Lúa đã vàng rơm ngô đọng hạtBê con lạc mẹ cuối chân trời
Vườn cũ đợi người hoa nở muộn
Sữa trắng pha mầu sương trắng bay
Câu thơ hay lên rất nhiều bởi các hình ảnh: Bê con lạc mẹ thay cho Thu đã hoang liêu...
Vườn cũ đợi người hoa nở muộn thay cho Tôi tìm lối cũ...
đặc biệt thích là: Sữa trắng pha mầu sương trắng bay thay cho
Chỉ gặp một trời mây trắng bay nghe nó tội tội thế nào ấy
Ai đã từng thấy cảnh cô gái, chị gái ( thường là phụ nữ) mặc đồng phục bảo hộ lao động, quấn khăn, đi ủng...( Quy định bắt buộc để bảo đảm vệ sinh) gánh đôi thùng thiếc ra trạm cân sữa, đổ xô suối sữa trắng muốt vào bồn...trong những buổi sớm mai mới thấy sự rung động tinh tế của người viết. Câu thơ vì thế ấm áp, rất gợi ...
Gợi riêng cho mình: Chú bê con nào đây sắp được gặp bố rồi !He he... phải thế không anh Mai Văn Tý?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét