Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

NGẪM NGỢI

Posted on 16.05.2012 by nguyentrongtao





 
i

Rate This
NGUYỄN ĐỨC GIAO
NGẪM NGỢI TỪ MỘT ĐÁM MA
           Thân gửi Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận nhưng mỗi lần đi đám tang của công chức hoặc người nhà của họ trong những năm gần đây vẫn cứ thấy thế nào ấy. Sự thương xót, tiếc nuối hình như ngày một vơi đi, mà sự chiếu lệ, vờ vĩnh, toan tính thì ngày càng hiện rõ trên khuôn mặt của những người tham dự. Sáng nay đi viếng đám tang của Sơ, người cùng cơ quan, tôi vừa buồn cho người đã khuất, vừa buồn vì cảm nhận này càng rõ. 
          Cách đây hai hôm, nửa đêm tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại. Anh Trưởng phòng thông báo với giọng thảng thốt: “ Anh Sơ mất rồi, anh đã biết tin chưa?”. Sao lại thế? Vừa uống rượu với nhau lúc tối đây mà. Hội nghi tổng kết công tác của ngành bế mạc lúc chiều. Anh em điếu đóm phục vụ phấn khởi vì hoàn thành nhiệm vụ, được Bộ trưởng biểu dương nên tổ chức bữa cơm thân mật ngay tại nhà ăn phục vụ Hội nghị. Anh Sơ là Vụ trưởng, lại là người biên tập lần cuối Báo cáo tổng kết được Bộ trưởng dõng dạc đọc trước Hội nghị sau nhiều lần do nhiều người viết đi viết lại không thành. Vì hứng chí, phấn khích nên anh uống hơi nhiều cả rượu lẫn bia. Có lẽ vì vậy chăng? Cũng cần nói thêm anh Sơ là một ứng cử viên nặng ký trong lần chuẩn bị bổ nhiệm Thứ trưởng lần này. Ôi thôi! Thế là hết! Hết cả sự kèn cựa, tranh giành. Hết cả sự nhờ vả, cầu cạnh. Chỉ còn lại những người lãnh cảm, thờ ơ.
          Chợt nhớ lại bài thơ Đám ma bác giun của Trần Đăng Khoa mà mình thuộc từ ngày còn bé khi Tập thơ đầu tay Góc sân và khoảng trời của Khoa vừa ra đời, gây xôn xao trong dư luận. Xin lỗi anh Khoa: tôi chỉ thích bài này theo nguyên tác ngày xưa anh viết. Bản anh chỉnh sửa sau này là từ góc nhìn của người lớn, làm thay đổi ít nhiều chất ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Mà lạ thay anh Khoa ạ: tôi cứ nghĩ là với bài thơ này theo nguyên tác, anh đã mô tả, đã chỉ đúng và sâu hơn cái không khí, cái chất, cái hồn của các đám tang công chức thời nay. Này nhé:
Bác giun đào đất suốt ngày
Trưa nay bỗng chết bóng cây sau nhà
          Thế là bác giun đột tử vì làm việc quá sức, chắc vì lao lực. Thì đúng rồi như anh Sơ của chúng tôi đây suốt đời tận tụy, càng phải tận tụy vì anh vốn xuất thân trong một gia đình công giáo. Tận tụy cho đến khi chết vì bản báo cáo mà không kịp trăng trối một lời với vợ con, bạn bè. Nhưng mà cũng có niềm an ủi là anh đi mát mẻ, nhẹ nhàng như bác giun chết dưới bóng cây chứ không phải dưới cái nắng chang chang chết cả cá cờ mà Khoa đã tả.
          Bác giun chết, thế là lũ kiến kéo ra làm thịt bác nhưng vì anh Khoa thương bác, nên anh cho là chúng đi đưa tang bác. Thật là nhân văn mà cũng rất trẻ con.
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến ông đi trước, kiến bà theo sau
          Nghe đọc thì hai câu này được anh sửa thành: “Kiến con đi trước, kiến già đi sau”. Vậy là không có tôn ty trật tự, không hợp với cách ứng xử của người Việt Nam mình anh Khoa ạ. Không ai cho trẻ con đi trước, tức là liền sau linh cửu vì sự tôn nghiêm đã đành mà còn vì xót đám trẻ, không nên để cái phần âm ám vào bọn nó.
          Hai câu tiếp anh cũng sửa:
Cầm hương kiến đất bạc đầu
Khóc than kiến cánh khóac màu áo tang
          Theo trí nhớ của tôi thì ngày trước anh viết: “Cầm hương cụ kiến bạc đầu/ Khóc than kiến cánh khoe màu áo tang”. Thôi thì “cụ kiến” hay “kiến đất” cũng được. Mà cho kiến đất cầm hương thì có đủ thêm loài kiến. Nhưng  “Khóc than kiến cánh khoe màu áo tang” hay hơn, ít nhất cũng hợp hơn với cảnh đám viếng mà tôi đang thẩn thơ ngắm nhìn đây. “Kiến cánh” bây giờ nhiều lắm anh Khoa ạ. Họ may sẵn hẳn vài bộ quần áo tang, nghĩa là màu đen, không phải bằng vải xô đâu mà bằng vải đẹp hẳn hoi, may theo mốt hẳn hoi. Và chờ có đám tang thì họ diện (như anh dùng chữ “khoe” ấy) và lăng xăng chạy ra chạy vào, đôi kẻ mau nước mắt còn vờ vịt than khóc để tỏ ra là mình có nghĩa, có tình, để làm xúc động những người họ đang muốn lấy lòng tin.
          Nhưng kinh hoàng là loài kiến lửa: “Kiến lửa đốt đuốc đỏ làng”. May quá, câu này anh không sửa, trong khi có thể cần chỉnh vì sự vô lý: đám tang bác giun diễn ra buổi trưa mà sao kiến lửa “đốt đuốc đỏ làng” được. Nhưng trong sự vô lý ấy tôi thấy có sự hợp lý vì tôi nhìn thấu tâm can những “con kiến lửa” đang bâu quanh anh Sơ của tôi đây. Khổ thân anh Sơ! Chúng nó đốt đau lắm anh à, sưng cả người lên ấy. Không phải chúng đi đưa tang anh đâu. Chúng nó đang xâu xé anh đấy. Lại còn vừa ăn cướp vừa la làng. Cứ xem cái cách chúng ngang nhiên “đốt đuốc” ấy. Thôi không thèm chấp cái loại người vô nhân tính ấy.
          Bây giờ hãy xem kiến kim và kiến càng: “Kiến kim chống gậy, kiến càng mang mai”. Đây đích thị là những người tốt, những người thực lòng,  chịu khó gánh lấy cái phần việc vất vả nhất đối với người đã khuất: đào huyệt! (Xin anh Khoa đừng giao cho kiến càng cái việc khiêng quan tài “nặng vai”. Cứ để kiến càng vác cái mai xen đất để nó tỏ được cái tình, cái nghĩa của nó).
          Cuối cùng là:
Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió chạy ra chia phần
          Xin đừng trách kiến đen. Đám tang nào mà chẳng có người say. Có kẻ nát rượu mà say, nhưng cũng có người buồn mà uống cho say đấy. Thực ra họ cũng vô tứ, vô tâm, không có ý đồ gì trước sự ra đi của một con người. Đáng trách, đáng giận, đáng phỉ nhổ là lũ kiến gió. Khi bác giun mất chẳng biết trốn đi đằng nào, sau khi “Đám ma đưa đến là dài/Đi qua vườn chuối, vườn khoai, vườn cà” mới chịu thò cái mặt ra “chia phần” quả thực. Vội đến nỗi có cánh nhưng không kịp khởi động để bay mà chạy ba chân bốn cẳng.
          Thưa anh Sơ! Tôi vừa nhẩm đọc cho anh nghe bài thơ của anh Trần Đăng Khoa. Rất có thể lúc viết bài Đám ma bác giun Trần Đăng Khoa không nghĩ như tôi khi đi viếng anh. Xin anh đừng buồn nơi chín suối. Cuộc đời ấy mà.
          Tây Hồ, tháng 5/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét