Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Thơ anh Lò Vũ Vân

Trong mấy ngày đi thực tế Phù Yên, anh Lò Vũ Vân sáng tác được 3 bài. Anh bảo rất khiêm nhường: Phác thảo thôi  đấy nhé. Vâng, cái nháp của anh cũng đã hay hơn cái kỳ khu của em!
                   THỜI KHẮC
  Ngày
 Trườn qua núi
 Đồng hồ cá cược tháng năm
Giọt giọt thời gian cứa lên đuôi mắt
Tí tách hạt men
Tuổi mùa đang trôi vào vết lõm
Cuống cuồng chạy níu hoàng hôn
Mặt đất mà cả bóng đêm
SaoKhuê nức nở
 Thời gian rệu rã
Mòn vẹt tháng ngày
Ai may
Đạp lên cung Hoàng đạo
Chồi xanh trổ ngời ngời
Ngày mới!
         Phù Hoa, 4/2013.

                        GIỌT   XUÂN
Chạm khẽ
Hạt sương pha lê
Ban mai xanh ngọn cỏ

Lấp lánh
 Ánh mắt thơm mùa mật
Giũ sạch bụi trần
Bám vạt nắng trinh nguyên

Ngẩn ngơ
Giơ tay hái
Vỡ òa
Mùa xuân tinh khôi
          Phù Hoa, 4/2013.

CHIỀU PHÙ HOA
 Chiều Phù Hoa
Sương khói la đà
Gió xòa mang mang
Những con đường dọc ngang hối hả
Đồng chiêm-xuân lúa ngả mướt xanh
Bức tường thành, boong ke đồn Pháp
Qua bao năm xám lạnh rêu phong
Chìm khuất trong bóng chiều ngách phố
Phù Hoa
Qua bao mùa mưa, mùa nắng
Từ tay người mở đất khơi nguồn
Hóa rừng vắng đất hoang
Thành đồng quê nước trong gạo trắng
Câu ca truyền khắp nẻo
Cơm Mường Va, cá suối Tấc
Ngân vọng mãi mai sau
         Phù Hoa, 4/2013.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

MỘT NỐT TRẦM ĐỘC ĐÁO

Mượn lời bình của anh Trần Đại Tạo-Viết từ miền hoa ban- Về nhà thơ Lò Vũ Vân:" ta gặp cách thể hiện trí tuệ triết lý của con người miền núi ở tuổi chín chắn nhất".
 Anh như cây sa mu đang kết trầm trong ruột
 Cây Sa mu già ngật ngưỡng... say?
 Để nỗi buồn rơi vào miền cổ tích
 Mặc nắng, mưa gió rét
 Mùa nối mùa năm tháng đi qua
 Cây Sa mu vẫn hiên ngang trầm mặc
 Đứng giữa trời ngày đêm ca hát
 Anh hát gì? Ta hãy xem:
 +Vòng xoè
 +Thanh gươm xứ Đáng
 +Tiếng sấm vào mùa
 +Nhặt hoa trăng
 +Đi từ miền gió hoang
 Và ba công trình nghiên cứu văn hoá dân tộc Thái đã xuất bản
 Anh hát gì?  Những bài hát do anh sáng tác.
                    Những bài thơ được anh phổ nhạc.
                    Cả nhạc sĩ quốc gia soạn nhạc... phỏng thơ anh!
Anh hát gì?
Đi trên đồng lúa, anh hát cho: Gió nâng hương mùa về bên bếp lửa quê nhà
                                              Bầy cu xanh, cu cườm run rẩy tìm hạt
Về cuộc sống nhân gian, anh hát: Cho người già khát khao tuổi trẻ
                                                   Cho những cô gái đang mải miết soi gương
                                                    Lần tìm mình trên cung đường khốc liệt
 Anh hát :.                                    Cho những bàn tay dại dột
                                             .........Rút ngắn cuộc đời của mình
   Cho cả... những kẻ tham lam say sưa ước vọng/Những sợi dây thòng lọng thít dần hoàng hôn
Anh hát Bài ca Sơn La khi:
  Bầy chim Lạc đang bay về phía mặt trời
 Con rồng thiêng rẽ mây bay về trải vầng dương ấm áp
...... Đã bao đời ông cha đổi vai gánh
         Nay đặt lên đôi vai ta......
          Một giang san...
Đó là những khúc ca sáng chói - Bình minh rất tinh tế:
Dải mây... chăn bông đè lên ngực núi/ Nén chặt nhịp thở phập phồng/.Những ngày Đông Em lách  sương mây bằng ngón tay lá cỏ/ Vạch tìm...mạch nắng chói chang
Và...Cánh còn bắc cầu vồng qua núi/ Tiếng khèn con trai níu chặt piêu con gái... Để trái tim đến với trái tim
Và anh còn hát, nghe rất đò đưa, là lạ:
Vẳng nghe tiếng sáo chơi vơi nắng chiều/Một đời lang bạt phiêu diêu/ Nay về lại với cánh diều tuổi thơ...
, hôm qua, ngày 24/4/2013 sau khi tặng tôi hai tập thơ còn sót lại (Anh cho hết bạn rồi!) anh đã hát  cho tôi nghe về tuổi thơ anh, về nguồn cội bi hùng. Anh gọi tôi là bạn thơ. Vâng ! bạn vong niên, anh hơn tôi gần một giáp. Và anh vẫn hát! Một nốt trầm độc đáo rất khó lẫn!

ĐẤT NƯỚC CÓ BAO GIỜ BUỒN THẾ NÀY CHĂNG ?


Thơ Trần Mạnh Hảo

Đêm trường ma giáo mặt trời đỏ
Những dòng sông là đất nước thở dài
Chó sủa trăng nhà ai ?
Không phải vầng trăng đất nước

Tôi ngồi ngót bảy mươi năm
Chờ một lời nói thật
Bầy sói tru ý thức hệ lang băm
Người nông dân bị cướp đất phải hát bài dân chủ
Đêm đêm thạch sùng tắc lưỡi bỏ đi

Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành
Sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt
Có kẻ rước giặc lên bàn thờ
Xì sụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa
Những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ

Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân
Mối mọt ăn rào rào lòng rường cột
Ôi thương thay giẻ rách cũng tâm thần
Anh sẩm bạc đầu dẫn đường dân tộc
Đám gà què bàn hiến pháp cối xay

Đất nước có bao giờ buồn như hôm nay
Những thiên đường vỡ chợ
Những học thuyết đứng đường
Hoàn lương tượng đài
Hoàn lương chân lý
Nghị quyết còn trinh bạch cũng hoàn lương

Không ai đuổi cũng giật mình bỏ chạy
Nhốt hết mây trời vào hiến pháp tự do
Mơ được đứng bên lề đường
Nói một câu gan ruột
Đất nước buồn
Đất nước bị ruồi bu

Đất nước bị cầm tù trong ngực trái
Chưa kịp nghĩ một điều gì
Sao đã toát mồ hôi ?
Có nơi nào buồn hơn đất nước tôi ?

Lý tưởng của loài dơi là muỗi
Dơi bay đêm cho đất nước đỡ buồn
Không ai tin vào hoa hồng nữa
Không ai tin vào dơi nữa
Dơi trở về làm chuột khoét quê hương

Sài gòn 24-4-2013
Tác giả gửi cho Quê Choa

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

TRUYỆN NGẮN HAY

       Hoàng Thuy Thuỷ chẳng những rất ấn tượng với tập thơ Giữa sóng, mềm mại mà can trường, cô gái xứ Thanh sinh năm 1969, hiện đang công tác ở Bệnh viện YHCT Sơn La còn nổi tiếng với tập truyện ngắn Cánh bướm bạc mà câu truyện rất giầu lòng nhân ái được Văn nghệ Đất Tổ đăng lại, chương trình Đọc truyện của VOV, qua giọng đọc Hoàng Yến phát đi, gây xao xuyến bao trái tim thính giả.
 Suối reo số 141 giới thiệu truyện ngắn Mùa này hoa bìm bìm đang nở, Thuỷ đồng ý vào hiên Kengungo nghỉ chân chốc lát. Mời mọi người tranh thủ ngắm nghé.





          Lín nằm giữa chồng và con trai.Cả chồng và con trai Lín đều ngủ say sưa mà không hề hay biết ngoài trời gió đã bắt đầu nổi lên,quặn từng cơn,gầm gào giận dữ.Ngôi nhà của Lín rung lên bần bật sau mỗi tiếng gầm của gió.Không có tiếng sấm,chỉ thấy những tia chớp lóe lên loằng ngoằng chui cả vào tận trong nhà.Lín thấy sợ,quay sang ôm chặt chồng.Chồng Lín giật mình,bàn tay thô ráp choàng qua lưng vợ vỗ vỗ như dỗ dành rồi lại thèm thuồng ngủ tiếp.Lín thở dài,dụi mặt vào ngực chồng,hít thật sâu mùi mồ hôi nồng nồng của những mùa nương rẫy nhọc nhằn như vẫn bám chặt,ăn sâu vào da vào thịt,dù đã được gột rửa dưới dòng nước trong veo chảy ra từ trong lòng những dãy núi đá.
          Trời bắt đầu mưa.Lúc đầu tiếng mưa rơi cứ ngập ngừng,bất chợt ào ào rồi lại tắt,ào ào rồi lại tắt.Vài lần như thế rồi mưa dồn dập,mưa xối xả,mưa như bị nén đã lâu ngày nay không thể nén lại được nữa.Tiếng mưa trên mái nhà cứ roàn roạt như cào vào lòng Lín làm Lín rối bời khó chịu trong người.Biết là không thể ngủ được,Lín gỡ tay chồng ngồi dậy,vén màn chui ra ngoài.Lín đến bên bếp,kéo chiếc ghế mây ngồi xuống,khúc củi được vùi trong gio từ đầu hôm đến giờ vẫn còn âm ỉ cháy,mùi khói bốc lên làm Lín thấy cay cả mũi.
          Dạo này Lín thường mất ngủ, không phải chỉ những đêm trời có trăng mà cả những đêm trời tối mịt mùng,vạn vật tưởng chừng như đều bất động trong bóng đêm Lín cũng thấy khó ngủ. Trong đầu Lín toàn nghĩ những việc mà Lín không muốn.Lín hay nghĩ đến người đàn ông không phải là chồng của Lín mặc dù Lín đã cố xua nó đi.Nhưng nó như bóng ma,Lín càng đuổi nó càng theo sát,càng bám chặt.Nó xuất hiện trong lúc Lín ngủ,lúc Lín thức,lúc Lín ở nhà và cả lúc Lín ở trên nương.Lín nhớ lắm ánh mắt buồn da diết người ấy nhìn Lín lúc người ấy bước chân lên chiếc xe tô bóng loáng để về Hà Nội. Ai gặp cũng bảo, Lín dạo này gầy đi nhưng lại xinh hơn. Lín lấy gương ra soi những lúc chồng đi vắng. Lín thấy Lín xinh hơn thật nhưng Lín không dám nhìn mình lâu trong gương. Mắt Lín trong gương buồn lắm mà lại như có điều gì lo lắng cất giấu trong đấy nữa, nó cứ xa xăm như mắt của người bị ma bắt mất hồn mất vía vậy.
          Lín lấy chồng và trở thành đàn bà lúc Lín tròn 16 tuổi. Khi ấy bà nội Lín còn khỏe lắm, tay chân lanh lẹ, thoăn thoắt như con sóc trên rừng vậy mà bà cứ sợ chết. Bà bảo: “Cái chết đến không ai biết trước được, ông trời cho sống thì sống, bắt chết thì phải chết thôi. Lín phải có nơi để dựa thì có chết bà mới nhắm được mắt!”. Lín vùng vằng : “Sao bà cứ xách váy chạy khi nước lũ chưa về thế!”. Bà giận Lín mất hai ngày . Đêm đến Lín đòi bóp chân cho bà, lúc đầu bà không cho cứ gạt tay Lín ra  nhưng Lín cứ làm, về sau bà để yên, thế là bà hết giận Lín.
          Ông Nội bị cây gỗ to đè chết khi đang chặt gỗ trong rừng.Lúc ấy bà còn đẹp như bông hoa rừng đang độ. Bà không dám soi gương. Mỗi lần soi gương, nước mắt bà cứ chảy tràn ra hai bên gò má, hai mắt lại sưng mọng lên. Bà cứ lầm lũi nuôi con mặc cho cây trên rừng hết mùa thì thay lá, ngô trên rừng già bắp thì cây lụi tàn. Bà như con suối trước nhà, vật vã qua những mùa mưa lũ. Búi tóc trên đầu bà ngày càng bé dần đi, màu tóc không còn đen bóng nữa mà cứ nhạt dần, nhạt dần rồi lốm đốm sợi bạc. Khi ấy bố Lín cũng đã đến tuổi lấy vợ.
          Mẹ Lín đẻ Lín được hai tuổi thì bố Lín bỏ nhà đi rồi không trở về nữa. Bà và mẹ Lín đã khóc cạn nước mắt rồi mà bố Lín vẫn không quay về. Bà mang cả áo của bố sang nhà thầy cúng. Thầy cúng cho áo vào chảo rang lên để bố Lín nóng ruột mà biết đường quay lại nhưng bố Lín vẫn không về. Nhà chỉ còn ba người đàn bà, đến bữa cơm dọn ra không ai muốn ăn. Có người trong bản mách bà là đã nhìn thấy bố Lín ở  thị trấn cách xa bản đến mấy ngày đi ngựa. Họ xì xầm với nhau, bố Lín bị nghiện thuốc phiện nên mới bỏ nhà ra đi, vì không muốn cho mẹ và vợ biết. Bà bán đàn lợn cả mẹ cả con vừa mới đẻ được mươi ngày cùng vài bao ngô, bảo mẹ Lín giắt tiền vào cạp váy đi tìm bố Lín. Mấy ngày rồi,chiều nào bà cũng địu Lín trên lưng, leo lên cái dốc đầu bản ngóng mẹ Lín trở về. Rồi mẹ Lín cũng về nhưng vẫn chỉ một mình mà không có bố Lín. Vừa bước vào nhà mẹ nằm vật ra khóc ào ào như cơn lũ . Từ đó không ai nhắc đến bố Lín nữa, coi như không có bố Lín trên đời này, nhưng trong bụng bà và mẹ thì vẫn mong ngóng tiếng bước chân đàn ông dừng ngoài cửa liếp.
          Một đêm Lín tỉnh giấc vì tiếng khóc của mẹ. Mọi đêm mẹ vẫn hay ôm Lín mà khóc rấm rứt nhưng hôm nay mẹ khóc to, cả bà cũng khóc. Tiếng khóc của hai người đàn bà trong đêm khuya lẫn trong tiếng gió mùa đông đang rít lên ràn rạt trên mái nhà nghe buồn và sợ quá. Lín bịt chặt hai tai lại…
          Lín bây giờ đã biết cầm que đuổi gà vào bới ngô đang phơi ngoài sàn, biết ở nhà một mình khi cả bà và mẹ lên nương.Một sáng,Lín thức dậy chỉ thấy bà mà không thấy mẹ .Mấy ngày qua đi rồi mấy đêm nữa vẫn không được gặp mẹ. Lín nhớ mẹ quá. Lín khóc đòi mẹ. Bà dỗ dành Lín bằng một bắp ngô nếp nướng thơm phức nhưng Lín vẫn khóc. Lín khóc nhiều, giọng khàn đặc lại như tiếng mèo gào làm bà cũng khóc theo. Đêm đến, bà lấy cái áo của mẹ gối đầu cho Lín để Lín ngửi mùi mồ hôi của mẹ cho đỡ nhớ. Bà bảo Lín ngoan rồi hôm sau mẹ sẽ về. Lín hỏi bà :“Mẹ Lín đi đâu?”. Bà mếu máo: “Mẹ Lín đi làm, Lín có thương bà thương mẹ thì đừng khóc nữa!”. Lín gật đầu, mắt ầng ậng nước nhưng trong lòng Lín giận mẹ lắm. Sao mẹ đi mà không bảo Lín một lời.
Đến một ngày Lín đã thôi không khóc đòi mẹ nữa thì mẹ về. Khi ấy Lín đang chơi ở gầm sàn với con mèo khoang. Thấy mẹ đẩy cánh cổng tre bước vào, Lín sững lại nhìn mẹ. Lín định gọi mẹ ơi nhưng không gọi được. Mẹ cũng đã nhìn thấy Lín. Mẹ chạy đến bên Lín, giơ tay ra định ôm lấy Lín nhưng Lín đã co chân chạy đi. Bà gọi theo nhưng Lín vẫn chạy mà không quay đầu lại. Ra đến ngoài bờ rào, Lín dừng lại ghé mắt nhìn vào nhà. Mẹ đang đưa tay quệt nước mắt. Mẹ hơi gầy nhưng xinh hơn ngày ở nhà.Gương mặt mẹ như bừng sáng dù nước mắt mẹ đang chảy tràn hai bên gò má. Bây giờ thì bà đã nói hết với Lín rồi. Mẹ đã đến nhà người khác ở. Bà bảo “Lín nhìn mẹ mà xem, mẹ Lín còn trẻ còn đẹp như thế, nếu cứ giữ mẹ không cho mẹ đi lấy chồng là có tội với mẹ đấy. Mà mẹ có đi đâu thì mẹ vẫn yêu thương Lín. Lín là máu là thịt của mẹ, không bao giờ mẹ lại quên máu thịt của mình. Đúng không Lín!
          Dưới gầm sàn, tiếng con gà mẹ lục tục gọi đàn con dậy, đàn gà con nháo nhác kêu “Khiếp khiếp”. Trời sắp sáng rồi,mưa đã tạnh từ khi nào mà Lín không biết. Lín đưa tay quệt nước mắt,đứng lên vo gạo cho vào chõ. Cả cái chõ này cũng như còn  in dấu bàn tay của ông, của bà. Ông đã tự tay đẽo cái chõ này cho bà, bà đã dùng nó mấy chục năm nay, bây giờ màu gỗ đã trở nên láng bóng.
          Lín gọi chồng mấy tiếng rồi mà chồng Lín vẫn không dậy.Chồng Lín vẫn muốn ngủ nên quay mặt vào vách. Lín phải lay, gọi mãi chồng Lín mới mở mắt ra nhìn vợ , ngáp một cái thật to rồi đưa tay cho Lín kéo.
                                                 *            *
                                                        *
             Những mảnh nương nhà Lín nằm cheo leo giữa lưng chừng núi. Để đến được nương Lín phải còng lưng qua ba con dốc. Những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá sắc như dao, cứa nát bàn chân ai lỡ chạm vào. Người đi sau đầu chạm vào gót chân người đi trước.Bà đã đổ gập người để leo hàng nghìn lần qua những con dốc đó, đã mòn vẹt cả gót chân vì đá tai mèo. Bây giờ Lín lại gập người trên con đường mòn đó, lại dẫm vào những vết chân của bà.Vừa thở Lín vừa nghĩ  đến vẻ mặt rầu rầu của bà lúc bà dặn Lín. Bà bảo những mảnh nương đó là do công sức của ông và bà khai phá.Nó đã thấm nhiều mồ hôi và nước mắt của ông bà, nhờ nó mà cả nhà đã sống được mấy chục năm nay.Bà mong Lín sau này sẽ giữ gìn nó như giữ gìn thứ tài sản quý báu ông bà để lại. Bà thương Lín vất vả nhưng không thể đỡ đần cho Lín được nữa rồi. Tuổi già đến, bà như cây bon bị vắt kiệt nước, bây giờ bà chỉ ngồi thôi mà vẫn  thấy mệt. Bà ăn ngày càng ít, thở ngày càng nhiều. Lín đã cố gắng phần bà những gì ngon nhất có được nhưng bà vẫn không muốn ăn . Người bà ngày càng quắt lại, da nhăn nheo như quả  Sơn Tra đem phơi nắng. Lưng bà còng gập xuống như đang mải mê tra hạt ngô vào lỗ, như đang nhổ cỏ cho lúa cho ngô. Có lần Lín bảo bà thử đứng thẳng lên, bà ưỡn ngực, hai tay chống vào hông, đau đến ứa nước mắt nhưng mà vẫn chẳng duỗi ra được là bao. Bà bảo Lín: “ Nó đã thành như vậy rồi Lín à!”. Lín xoa tay vào lưng bà, những cục xương trệu trạo gồ lên dưới bàn tay của Lín.Nhiều lúc Lín cứ đứng nhìn bà không chớp mắt,không hiểu sao Lín cứ nghĩ,bà là hình ảnh của Lín khi Lín về già.Lín không muốn nhưng tiếng thở dài cứ bung ra…
          Bà xa Lín đã hai mùa rẫy rồi. Những ngày cuối cùng, bà nằm mắt nhắm chặt, nhưng mặt quay ra ngoài cửa như có ý mong đợi ai. Lín biết là bà ngóng bố nhưng biết tìm bố ở đâu cho bà bây giờ?. Lín biết hỏi ai đây. Lín hỏi ông Giời nhưng ông Giời đâu có nói gì với Lín.
          Vợ chồng Lín lên đến nương thì mặt trời cũng vừa thập thò ở rặng núi phía xa.Trời không một gợn mây,cứ như đêm qua chưa hề có cơn gào thét giận dữ của trời đất.Những giọt mưa tối qua vẫn còn vương vãi trên lá cây ngọn cỏ chưa kịp rơi mà Lín đã thấy nóng quá.Áo của Lín và của chồng thấm đẫm mồ hôi,dính bết vào người. Lín quấn lại chiếc khăn che nắng trên mặt rồi bắt đầu  cúi xuống…
          Những cây ngô thiếu nước thân còi cọc, lá ngô cằn cỗi màu vàng úa vì thiếu phân khẽ rung lên khi Lín chạm tay vào. Lín nghĩ đến cái hòm gỗ đặt ở góc nhà, trong đó số ngô và thóc dự trữ đến mùa sau đã vơi đi quá nửa.Đã mấy vụ ngô rồi,trời làm nắng lâu ngày,bắp ngô thu về chỉ to bằng con chuột nhắt,bông lúa hái về chẳng chịu cong đầu cứ chổng ngược lên.Vợ chồng Lín ngày nắng cũng như ngày mưa,mặt thì cúi xuống đất,lưng thì phơi lên trời vậy mà cái đói cái nghèo vẫn không chịu buông tha. Lín nghĩ đến người đàn ông sang trọng với ánh mắt rực lửa mỗi lần nhìn Lín cùng những chiếc xe tô bóng loáng sang trọng lướt êm trên đường bản làm xôn xao cả bản làng . Bỗng Lín kêu lên, Lín thấy đau nhói ở đầu ngón tay. Lín đưa tay lên nhìn,một giọt máu ứa ra đỏ như màu thỏi son Lín vừa mua ở chợ hôm qua . Một cành cây có gai lẫn trong đám cỏ, Lín không nhìn thấy đã đâm vào tay Lín.Chồng Lín vứt cuốc,chạy đến bên Lín,vội vàng nắm chặt ngón tay của vợ đưa vào mồm mút,mồ hôi túa ra,chảy thành giọt trên gương mặt đen sạm vì nắng và gió.
                                                    *
                                              *           *
Từ ngày bản Lín có điện, đêm đến không ai đi ngủ sớm như trước kia nữa. Người lớn thì đến nhà nhau trò chuyện mãi đến khi lửa trong bếp tàn mới chào nhau ra về. Người trẻ đang ở tuổi tìm chồng tìm vợ thì tụ tập thành từng nhóm đứng ngoài đường, tiếng cười tiếng nói cứ dội vào vách núi. Giữa bản người ta dựng một nhà văn hóa mới vừa đẹp vừa to Nghe nói bản nào cũng có một nhà văn hóa như thế. Ngày lễ ngày tết, cả bản của Lín tập trung nhau ở đấy. Những chum rượu cần được khiêng ra, người già người trẻ thay nhau vít cần rượu mà uống. Mắt ai cũng long lanh niềm vui, má ai cũng ửng đỏ vì men rượu.Những bàn tay thô ráp đen trũi  khéo léo đan chặt vào nhau.Vòng xòe cứ rộng dần ,tay trong tay nhịp nhàng theo điệu khèn tiếng trống,tạm quên đi những nhọc nhằn,những lo toan cơm áo muôn thuở,cùng nhau đắm chìm trong niềm vui mà lẽ  ra tạo hóa nên ban thưởng thật nhiều cho con người.
          Lín có tên trong danh sách đội văn nghệ của bản. Chồng Lín không vui. Trưởng bản động viên : “Vợ anh xinh đẹp giỏi giang nên mới được chọn vào đội văn nghệ đấy, có phải ai cũng được vào đâu. Bây giờ tỉnh ta đang khôi phục lại phong trào văn hóa văn nghệ ở các bản. Các bản khác phát triển mạnh lắm. Bản mình không thể thua họ được. Đây là vinh dự là trách nhiệm lớn của vợ chồng anh. Cố lên nhé!”.
          Từ hôm đấy, ngày thì Lín cùng chồng lên nương, tối đến Lín giao việc nhà, giao con cho chồng. Lín phải đi tập múa.      
          Lũ bạn ở đội văn nghệ í ới gọi làm Lín phải ăn vội nốt chỗ cơm trong bát. Lín gỡ tay con, ấn nó vào lòng chồng rồi vội vàng chạy đi. Tiếng khóc của con đuổi theo bước chân của Lín.
          Đội văn nghệ của Lín đi thi với đội văn nghệ của các bản khác lần nào cũng đoạt giải. Mỗi lần như thế, cả bản Lín vui như ngày hội lớn, mừng như được mùa ngô.Bên bếp lửa,bây giờ ngoài chuyện nương rẫy  mọi người trong bản còn nói chuyện về đội văn nghệ . Ai cũng nhắc đến Lín. Lín là người múa đẹp nhất, hát hay nhất, duyên dáng nhất. Lín cứ đỏ hồng cả hai má khi nghe mọi người khen.
          Những đoàn khách ở tận dưới xuôi khi lên thăm Sơn La đều tìm đến bản của Lín. Khách chân thành bày tỏ ý muốn được ăn cơm ở bản vì các mẹ các chị nấu những món ăn dân tộc ngon quá, lạ quá. “Chỉ là những thứ bình thường thôi mà!”, trưởng bản nói với khách như thế như thế,nhưng giọng nói của ông không giấu được niềm tự hào.
          Bản Lín quý khách lắm. Đó là lòng tốt có từ bao đời nay. Vì thế mỗi lần bản có khách, đội văn nghệ lại được mời đến vì khách mong được như vậy. Khách bảo : “ Đặc sản của bản Lín là món rau rừng nộm, còn những điệu múa là sợi dây vô hình níu họ lại khó mà dứt ra”. Có những vị khách đến bản của Lín nhiều lần nên trở thành thân quen. Mỗi lần gặp nhau, khách và chủ cứ như người cùng bản. Vòng xòe đã tan từ lâu, gà trên rừng đã vươn cổ gáy mấy lần rồi mà họ vẫn cùng nhau ngồi bên bếp lửa, trò chuyện mãi không muốn chia tay.
          Đội văn nghệ của Lín được mời về Hà Nội biểu diễn. Cả bản vui quá, vui như được mùa ngô.Vẻ mặt người nào cũng hân hoan xen lẫn niềm tự hào. Lín bồn chồn,hết nhìn chồng rồi nhìn con,ruột gan rối bời bời. Đây là lần đầu tiên trong đời Lín được về Hà Nội và cũng là lần đầu tiên Lín xa chồng xa con.Lín gỡ đôi tay cứng như cây gỗ Lim của chồng đang ôm ghì Lín vào lòng,hôn chùn chụt vào má con rồi xách túi chạy đi.Con Lín khóc thét lên.Không chịu được, Lín định quay về dỗ con nhưng đứa bạn cùng đội múa kéo tay Lín mạnh quá,Lín đành phải vừa chạy  theo bạn vừa ngoái cổ lại nhìn…
                                               *                                *
                                                                                         *
           Lín ngắm nhìn những bóng đèn rực rỡ trên sân khấu. Lín cứ ngỡ Lín đang lạc vào một giấc mơ.Đẹp quá,cái gì cũng đẹp, cũng lạ mắt,cũng muốn nhìn.Lín nhìn xuống phía dưới, những vị khán giả ngả người trên ghế, vị nào cũng to béo sang trọng khác hẳn những con người ở bản của Lín.
            Người ta vỗ tay, reo lên ầm ĩ khi đội văn nghệ của Lín xuất hiện. Giữa chốn phố phường hiện đại, sự xuất hiện của những cô gái Thái trong trang phục dân tộc như những bông hoa lạ làm cho khán giả thích thú quá. Họ vỗ tay, họ reo lên, họ há mồm im lặng, mắt dán chặt vào sân khấu. Họ không thể ngờ được rằng mới hôm qua thôi, những cô gái này đang cúi gập người trên nương vậy mà hôm nay đã hóa thành những cô tiên duyên dáng. Những thân hình chắc lẳn do quen lao động, những cặp mông căng tròn ngúng nguẩy sau làn váy nhung đen mượt cứ bay cứ  lượn như mơ trước mặt họ.
          Hết điệu múa, Lín vội vàng thay trang phục. Bây giờ Lín phải một mình bước ra sân khấu trước rất nhiều những cặp mắt lạ lẫm mà không có các bạn bên cạnh Lín. Lín hít một hơi thật sâu rồi bước ra. “ Đẹp quá!”. Có ai đó ở hàng ghế đầu không kìm được thốt lên. Lín tươi trẻ dịu dàng như đóa hoa Ban trong bộ váy áo cóm của dân tộc Lín. Chiếc áo cóm màu trắng với hàng cúc bạc sáng lấp lánh, trên nền chiếc váy nhung đen  nhức,bó sát vào cơ thể chắc lẳn của Lín làm nổi bật những đường cong mềm mại, duyên dáng. Chiếc khăn Piêu vắt ngang vai được những ngón tay nhỏ xinh tung rộng ra như cánh của một nàng tiên đang chuẩn bị bay về trời. Không phải Lín bước đi trên sân khấu mà Lín đang bay. Lín là hiện thân của hương, của hoa, của suối ngàn nơi bản làng quê hương Lín. Người ta lắc lư người dõi theo cơ thể mềm như lụa của Lín, lúc thì như những cành cây oằn mình trong mưa bão, lúc lại lững lờ như dòng suối êm ả trôi. Mỗi lần Lín cúi xuống hái hoa rồi lại ưỡn người ra phía sau để cho hoa vào giỏ, cơ thể Lín uốn lượn như dòng suối Nậm La. Dòng Nậm La lúc cong bên này lúc ngả bên kia, hiền hòa mà dữ dội, lặng thầm mà sục sôi. Khi Lín một tay xách giỏ hoa đưa ra phía trước, một tay tung rộng chiếc khăn Piêu sặc sỡ sắc màu vừa đi vừa nhảy như con chim Pít thì tất cả mọi người đều đứng dậy. Tiếng vỗ tay ầm ầm như sấm đầu mùa làm Lín run cả người, cảm động mờ cả mắt.
          Ăn cơm ở chốn thành phố cũng khác bản Lín. Người ta không ngồi khoanh chân trên đệm mà ngồi xung quanh chiếc bàn được trải khăn trắng muốt. Họ xếp các cô gái ngồi rải rác thành nhiều mâm. Lín cứ nhấp nhổm muốn ngồi gần bạn mà không được. Một bàn tay ấm nhưng cứng lắm đã ấn vai Lín ngồi xuống, nắm tay Lín kéo  lại.
          Phía sau Lín những tiếng cười cứ rộ lên vui quá. Lín quay lại nhìn, cái Ban đứa bạn thân nhất của Lín đang uống rượu “khát vọng” với một người đàn ông lạ lắm. Người đàn ông cao to hơn Ban nhiều quá. Ban phải kiễng cả hai chân lên, môi Ban mới chạm được vào miệng chén. Đầu Ban ngửa ra phía sau, ngực Ban vươn ra phía trước áp sát vào vồng ngực người đàn ông. Lín thấy ngực Ban phập phồng, chiếc áo cóm chật căng như chỉ chực bung ra…
          Lín nhìn sang chỗ khác, các bạn Lín cũng đang được những người đàn ông vây xung quanh. Người ta đến để uống chén rượu làm quen, uống để chúc mừng những cô sơn nữ đã mang hương núi hương rừng xuống thành phố, uống để chúc mừng chuyến đi biểu diễn  đã thành công ngoài mong đợi, tương lai còn tiến xa hơn nữa… Có nhiều lý do để chúc mừng quá. Mỗi lần chúc là một chén rượu đầy sóng sánh như tình cảm của người đến chúc. Các bạn Lín dịu dàng nâng chén rượu trên tay, mắt đong đưa, miệng cười duyên như hoa pắc mạ trước khi đổ trọn cả chén rượu vào cái miệng xinh tươi chúm chím. Những người đàn ông sung sướng quá, vỗ tay reo lên : “Giỏi quá, thế mới cá tính, mới đậm đà bản sắc chứ!”. Má các bạn Lín hồng lên, mắt long lanh như người lên cơn sốt.Mỗi lần uống xong một chén rượu,người đến mời và người được mời lại chìa bàn tay ra để nắm chặt bàn tay. Có người không kìm nổi, giang rộng vòng tay ôm bạn Lín vào lòng, bàn tay vỗ vỗ vào lưng như đang ban phát phần thưởng cho người con gái đang nóng rừng rực trong  tay họ.
          Lín quay đi không nhìn nữa. Lín thấy các bạn Lín khác quá, ai cũng xinh hơn, cười nói nhiều hơn ở nhà. Lín cảm thấy một bên má nóng ran. Lín ngước lên nhìn, người đàn ông ấy đang nhìn Lín. Lín đứng lên định chạy đi nhưng không kịp nữa rồi. Người đàn ông đã đến bên, một tay cầm chén rượu, một tay giơ ra, lòng bàn tay để ngửa chờ Lín đặt tay vào. Không thể chối từ, Lín run run đặt bàn tay Lín vào đó, lập tức bàn tay ấy nắm chặt lại. Trước khi nắm, người đàn ông ấy liếc nhìn bàn tay Lín, bây giờ nó trắng trẻo, mềm mại với những chiếc móng tay được gọt giũa rất điệu đà, khác hẳn đôi bàn tay trước đây gần một năm, lần đầu tiên người đàn ông gặp Lín ở bản…
         Bản của Lín nằm trên một sườn núi thoai thoải dốc. Những ngôi nhà sàn nhấp nhô dưới những tán cây cổ thụ, thân cây đã mọc đầy rêu xanh. Mùa này hoa bìm bìm đang nở. Những bông hoa tím dịu dàng có ở khắp mọi nơi. Khi lớn lên Lín đã thấy hoa nhiều như vậy rồi. Bà bảo thứ hoa này không biết có từ bao giờ, rễ của nó bám vào từng kẽ đá, ăn sâu vào lòng đất, theo thời gian cứ lan rộng mãi ra, lan đến tận khe núi, xuống tận bờ suối. Mùa đông đến thì lá rụng chỉ còn trơ lại thân cây cứ ngỡ đã chết khô vì khát nước. Nhưng khi những cánh hoa ban cuối cùng đã bay theo gió rời cành rơi xuống đất, những quả ban màu xanh nõn nà đã lúc lỉu trên cành thì cũng là lúc trời làm mưa xuống, sau một đêm ngủ dậy, sáng ra người ta đã thấy những lá non thi nhau mọc ra thành những dây lá. Rồi không lâu sau, cả một sườn núi rộng phủ đầy sắc tím của hoa. Hoa leo trên bờ rào xung quanh nhà. Hoa vươn lên phủ kín những mái nhà sàn có lớp gianh đã gần mục nát vì thời gian. Hoa quấn vào chân người đi lên nương lên rẫy. Lín thường cố tránh không dẫm chân lên những bông hoa. Lín rên lên khi nhìn thấy những bông hoa bị dập nát dưới bàn chân của chồng Lín đi phía trước. Chồng Lín không biết Lín đang nghĩ gì, bàn chân to bè cứ vô tư giẫm phầm phập xuống đất. Sau mỗi bước chân, cỏ từ từ ngóc đầu dậy nhưng những bông hoa tím thì đã dập nát. Nhũng cánh hoa yếu ớt nát vụn, dính chặt xuống đất, dính vào thân những ngọn cỏ xung quanh…
          Lín đưa từng chén rượu lên môi, chậm rãi và duyên dáng quá. Những chén rượu lúc Lín đưa lên môi thì đầy sóng sánh, nhưng khi Lín đặt chén xuống bàn thì không còn một giọt. Lín không thể không uống mặc dù Lín rất muốn chối từ. Mỗi khi người đàn ông ấy nâng chén rượu giơ ra trước mặt Lín thì Lín lại ngoan ngoãn nâng chén rượu của mình lên, hai cái chén chạm miệng vào nhau kêu “cách” rất vang. Ông ta vừa uống rượu với Lín vừa đưa Lín trở về với bản của mình bằng một giọng đàn ông trầm buồn và thân mật. Ông ta hỏi thăm những người quen trong bản, hỏi về những nương lúa nương ngô, cả thung lũng hoa màu tím đã giữ hồn ông ta ở lại. Gần một năm rồi nhưng ông ta không lúc nào là không nhớ đến Lín. Nhớ đôi mắt đen buồn ẩn dưới hàng lông mày rậm, nhớ cái cười dịu dàng như hương như hoa, nhớ cả những nương ngô đang mùa bồng con mà khát nước.
          Lín uống từng lời người đàn ông nói. Gần một năm rồi Lín mất ăn mất ngủ, Lín thành người ngẩn ngơ, thành người vợ vùng vằng mỗi khi chồng đặt tay lên ngang bụng là do người đàn ông này. Bây giờ người ấy đang ở bên cạnh Lín, rất gần, gần đến nỗi Lín nghe thấy tiếng người ấy thở, ngửi được từ quần áo người ấy có mùi thơm của người thành phố. Lín như người đang khát bỗng gặp dòng nước mát, như ngô trên rẫy đang chết héo bỗng gặp mưa rào. Trai ở bản Lín không ai biết nói hay như thế, chồng Lín không làm cho Lín thấy con tim nhảy loi choi trong ngực như thế. Lín cứ nhìn chằm chặp vào cái miệng rộng của người đàn ông. Người Lín ngày càng rạo rực. Lín gần như lả đi, yếu ớt như ngọn cỏ trước gió. Lín đưa mắt tìm các bạn. Cái Ban đang được một người đàn ông dìu đến chiếc xe ô tô đang mở cửa chờ sẵn. Nó xinh quá, hàng ngày Lín vẫn gặp nó lên nương, sao Lín không nhận thấy nó xinh như thế. Mắt Lín mờ đi, Lín đưa tay dụi mắt. Lín say rượu thành phố rồi. Rượu ở thành phố không giống ở bản Lín, lúc uống thì thấy ngọt nhưng khi xuống khỏi cuống họng rồi thì nó làm cho bụng Lín sôi lên, nó làm cho cái đầu Lín loáng choáng và tay chân Lín thì không làm theo đầu Lín nữa. Lín gục đầu vào ngực người đàn ông. Người đàn ông đỡ Lín trong tay, vuốt tóc cho Lín rồi dìu Lín bước đi…
          Trong mơ màng Lín nghe thấy tiếng người ấy thì thầm bên tai:“Lín thơm như loài hoa màu tím mọc ở thung lũng nơi có bản Tà Sài  xa xôi của Lín!”.Tiếng người ấy  ngọt ngào như mùi ngô nếp đang vào mùa ngậm sữa. Hình như Lín nghe thấy cả tiếng thì thầm của dòng suối trước nhà, tiếng con chim Pí đực thì thầm gọi mái ngoài bãi sậy mỗi khi mùa hoa bìm bìm dịu dàng nở…
                                                          Sơn la, Mùa thu 2012
                                                              Hoàng Thu Thủy

 16-jpg-11072012114212-U1
 Bức ảnh minh hoạ này cóp từ trang Quê Choa- Cảm ơn Bọ Lập

Đố không cười

 Theo Blog Nguyễn Trọng Tạo, không dám sai dấu chấm, phẩy
Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại – mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka – Râu – Ô – Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”

Âm U

 
 

Thật buồn, những ngày u ám, những này mà đến như cụ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Bộ trưởng bộ VH cũng còn phải thốt lên
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
..........
Mình cùng bao kẻ sống dở còn bi thương hơn... nhưng thôi kệ!
 Có tin đổi tiền!  Nhiều người lo sốt vó. Thôi kệ!
 Nếu thế cũng may,
 đúng  hay sai nhỉ?
 Lúc ấy sẽ có tiền mà tiêu
 Chứ bây giờ!
Ai cũng chắc mẩm nình có nhiều tỷ
Sờ túi còm, chẳng thấy có một xu
Đất nước âm u
Trông vời lên, nhìn thấy gì sang sáng
Mong ánh chớp
Nhoáng nhoàng

TRỌN KIẾP LUÂN HỒI




Kính viếng hương hồn bạn thơ Trần Thanh Phúc

              Người đi trọn kiếp luân hồi
 Nhớ thương nẫu một khoảng trời Sơn La
               Giã từ phố thị phồn hoa
Trang thơ khép lại người xa xa rồi

                Đời sông khi lở khi bồi
Nào ai cưỡng  được mệnh  trời hở anh?
              Kiếp người sương gió mong manh
Biển đời hoạ- phúc song hành triền miên

             Lánh trần về ngự cõi tiên
Nợ cơm áo, nợ bút nghiên thôi đành
            Giã từ biển thẳm non xanh
Lặng im nghe gió dỗ dành lặng im
             Thiếu thừa gói chặt vào tim
Khói rơm để lại làm tin dâng đời
             Suối reo còn nhớ tên người
Rưng rưng Cây gạo mồ côi mịt mờ...

                              Mộc Châu, 22/3/3/2013
Những chữ in đậm là tác phẩm của cố thi hữu T.T.P
Đây có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của anh Ngô Quang Đức. Phải thôi một khi cái tình nó thật, nó run lên bần bật trước một mất mát, một bi thương, lại được lãnh đạo Hội và tạp chí tin cậy đặt bài. Song cơ bản nhất là cái tài của người viết.Anh xứng đáng được suy tôn là nhà thơ của... điếu văn cho các bạn Văn.
Mở ngoặc: Nếu anh Ngô Quang Đức tình cờ mở trang này , xin anh thông cảm đại xá cho, tôi trót sửa một vài từ theo ý mình mà chưa được sự đồng ý của anh, ./.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Thắp nén tâm hương viếng cây gạo mồ côi





                                     

   Bao giờ đom đóm bay ra
 Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng
Quê tôi cũng có cây gạo đại thụ ở Đình Đông khoảng 500 tuổi, ( Nay cụ tịch rồi vì quá già). Cụ từng là niềm tự hào của bao thế hệ  thanh thiếu niên làng quê tôi, sừng sững uy nghi, xa dăm bẩy cây số vẫn nhìn thấy ngọn. Cũng như nhà thơ Nguyễn Khắc Hào, tôi  từng vương vấn:
 Không nuôi sống ai mà thành hoa gạo


 ........
Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son
Có ai biết những ngày hoa gạo trút
Một khoảng trời trơ trụi nỗi cô đơn
 Còn nhiều người viết và viết rất hay về hoa gạo nữa, song với tôi, hôm nay khi đọc SR số tháng 4 này, bỗng giật mình Cây gạo mồ côi của cố thi hữu Trần Thanh Phúc. Anh đã ra đi ngày 22/3/2013, mà thay mặt các bạn văn, anh Ngô Quang Đức có bài thơ Trọn kiếp luân hồi rất khắc khoải, thành tâm viếng anh.
Mình chưa được gặp anh Phúc, cứ ngỡ anh ở SM vì theo danh sách, anh là hội viên chi hội Sông Mã.Thôi đành vậy!Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ anh!và xin trân trọng giới thiệu bài thơ cuối cùng của anh:
  Cây gạo mồ côi
Tháng 3 hoa gạo nở                         Những lá thư của em
Dọc hai bên bờ sông                        Từ giảng đường Đại học
Từng chùm như lửa cháy                  Đã tiếp sức cho tôi
Trên trời cao mênh mông                  Những đêm truy kích giặc

Nhớ thủa còn thơ ấu                         Em hẹn ngày chiến thắng
Em cứ thích theo tôi                          Cùng về bến sông xưa
Đi nhặt hoa gạo rụng                         Tháng 3 hoa gạo nở
Xâu từng chùm đỏ tươi                     Đẹp như là giấc mơ

Em công chúa con Vua                     Son phấn nơi thành phố
Kén tôi làm Hoàng tử                       Đã cướp mất em rồi
Vương miện đỏ trên đầu                   Tôi ra bờ Sông Mã
Ôm tôi cười nắc nẻ                           Thương cây gạo mồ côi

Tôi đi vào bộ đội                              Em ơi hãy trở về
Đánh giặc tận bên Lào                      Dù giầu sang đài các

Em được vào Đại học                       Hay tả tơi thân xác
Thật vui mừng xiết bao                      Anh vẫn đợi vẫn chờ
                                                                Tháng 10/2012

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Bế mạc hội trại

Thế là đã qua một tuần dã ngoại về báo cáo tác phẩm, mình không nghĩ làcác bác ấy còn dồi dào sức sáng tạo thế. Ngoài số anh chị em trẻ thì đã đành!
Về nhạc. Nhạc sĩ nào cũng hoàn thiện được tác phẩm mới, cho học sinh trường nghệ thuật trình làng ngay. Hay!
Về hoạ: Mới là các phác thảo, mình chưa đọc được hồn. Chắc còn phải tiếp cận nhiều thì mới có được khả năng đọc hội hoạ.
Về ảnh: Xuân Trường ( Chi hội trưởng) rất ấn tượng với thông reo gọi hè , đúng là thấy nó reo thật, lại thấy cả ông mặt trời tí tẹo ẩn trong kẽ lá, có lẽ Về bản cũng gây được thiện cảm. Mình đùa: Ba bà đi chợ đồng xa, vừa đi vừa...để thằng cha nó ngắm L...mình !
             Cảnh Đợi Xuân Hải ghi cũng thấy cái bùi ngùi của cảnh chợ trưa vắng khách, ba con thuyền gối bãi, nhưng mưu sinh trên sông Đà, thì ngược lại, thấy có cả tĩnh lẫn động. Con thuyền rẽ sóng rất khí phách hai bên bờ trù phú xanh tươi
              Điêu Chính Tới ấn tượng với mưu sinh (2 kiểu). Mình bình bán vớ vẩn mà lại có người khen mới bỏ mẹ. Rằng Xem ra mấy ông ngư phủ này thật nhàn hạ: Thủng thẳng chèo, chài lưới trễ tràng buông. Áy cái sự nhàn này mới làm ông vật vã đấy, hãy nhìn cái tay ông để trên vầng trán suy tư xem!
              Xuân Đức đặc tả cây thông cổ thụ, ống kính hướng lên trời. Cái vỏ xù xì, nứt nẻ rất can trường, rất Nguyễn Công Trứ: Kiếp sau xin chứ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo
               Mình đặc biệt thích bức Nuôi cá tầm của bác Cao Thành, bởi nó hợp với tâm trạng bâng khuâng khi nghĩ về thân phận nghệ sỹ, vòng vo mãi chẳng dám nói thực lòng chỉ bởi mỗi bài vài ba trăn nhuận bút. Bức ảnh đẹp ở chỗ, ánh tà dương rọi vào, làm sáng lên mấy lồng cá no đủ trong hồ nước mênh mang, thanh bình. Mình xin luôn để cho vào minh hoạ cho bài  thơ Hồ bâng khuâng tặng Hoàng Thu Thuỷ. Chiều mang tặng Thuỷ, thơ rất nghề và ảnh rất xinh. Ôi! người đẹp khen rồi, chả biết thực lòng hay nịnh thối. Riêng ảnh xinh, mình nghĩ là câu đánh giá rất công bằng!


Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Giữa sóng

Khi đi tham quan khu du lịch sinh thái Hồ Suối Chiếu ở xã Mường Thải huyện Phù Yên, nảy ra được tứ thơ khao khát tự do của con cá tầm nuôi lồng, trong khung cảnh non nước mênh mang, bình yên,  khi mình liên tưởng đến Hoàng Thu Thuỷ đang tự do vùng vẫy đầy khó nhọc. Viết và nói với Thuỷ vài điều....
 Thuỷ có tập Giữa Sóng, mỏng ( 40 bài,68 trang) nhưng già dặn mọi nhẽ đời, được nhà thơ Mai Liễu xăng hái viết lời tựa, nhưng Thuỷ quên không đưa vào.! Dưới đây là bài thơ mà đầu đề lấy  cho cả tập. NXB Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2010

                          Giữa sóng
               Khúc sông tôi đã vượt qua
               Dập dềnh sóng to sóng nhỏ
               Tay chèo vững vàng hăm hở
               Đưa thuyền tôi tiến đi xa

               Khúc sông tôi phải vượt qua
               Giờ
               Mình tôi đơn lẻ
               Mái chèo trong tay tôi lặng lẽ
               Nước sông sao đặc quá chừng

              Nhộn nhịp rất nhiều người dưng
               Mình tôi giữ thuyền giữa sóng
                                      Sơn La 2002
Mãi sau tôi mới biết, đó là năm Thuỷ mất người thân yêu nhất, cứng cỏi giữ thuyền giữa sóng mãi đến giờ!
Rất đáng yêu!

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

HỒ BÂNG KHUÂNG

 Thân yêu tặng thi nhân Hoàng Thu Thuỷ




            



Lăn tăn
                        Suối Chiếu* chau mày
          Nghiêng trời xuân bóng mây bay lững lờ
                              Cá tầm quậy cũi ngẩn ngơ
           Phải chi
                          Giữa sóng**
                                          người thơ vẫy vùng!

                                                                                                                                           17/4/2013
                    
                                                      *   Địa danh du lịch sinh thái ở  huyện Phù Yên, Sơn La
                                                      **  Tên tập thơ của thi nhân

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

VỀ MỘT TẤM BIA ĐÁ ( tiếp)




 Chú thích bức ảnh trên:
 Cùng nhạc sĩ Xuân Dũng bên tấm bia chưa đặt đúng chỗ.

       Xuân Dũng là tác giả của Hoa núi, của Tình sơn nữ Sông Đà và gần đây là Lỗi hẹn Mộc Châu…, những bài hát vang vọng suốt một vùng sông nước mênh mang dọc dài trên hồ nước Sông Đà…,  mà tôi được nghe, khi thì từ cái cátxet cũ kỹ, âm rè kèn kẹt,  khi thì từ đám đông say mê nhảy múa tùm lum  thi thoảng còn sai lời sai nhạc. Dù sao thì vẫn thấy sướng cực. Ước gì, văn mình cũng được người ta hâm mộ thế./.

VỀ MỘT TẤM BIA ĐÁ



         Trung tâm văn hoá thể thao huyện còn lưu giữ ( ở ngoài sân ) bia Đá Phổ tìm thấy tại bản Đá Phổ xã Bắc Phong Văn bia là bút tích của vua Lê Thái Tổ tạc vào đá năm 1434 (?)
              Năm 1983 văn bia được Viện Hán Nôm dịch, Bảo tàng Sơn La kết hợp với Phòng TTVH Phù Yên bóc từ nguyên khối đá tảng chuyển về lưu giữ ở huyện trước khi ngập nước thành hồ Sông Đà
Dịch âm
Đá tảng khen ai khéo đặt làm
Giặng sông loạn thạch kế khung nham
Tiêu tương lứa thứa mầu phơi bạc
Bích thuỷ bóc lần vẻ tao lam
Khai thác xưa kia đã thánh trí
Vu chính sau đó chẳng dung phàm
Diệu an muôn vững định bàn thạch
Hiền dị đâu là kịp bảo nam

Mậu tý niên… trong đông ………bút


 
         Sau đây là lời bình chú của tôi ( Nguyễn Song Hào) về văn bản của cuốn lịch sử huyện Phù Yên ( Lưu hành nội bộ- Dùng trong nhà trường) do Phòng VHTT Phù Yên cho mượn và đã lấy lại tôi chưa kịp chụp, chỉ ghi lại như trên
      1/- Trước hết năm 1434  là năm Giáp Dần  chkhông phải là năm Mậu Tý như bản dịch.
      2/ Năm Mậu Tý như bản dịch ghi phải là năm 1468. Mà năm đó thì đức Lê Thái Tổ đã băng hà được tới 35 năm rồi.
       Như vậy tài liệu có sai sót không thể có chuyện Lê Thái Tổ đề thơ ở  bia bản Đá Phổ năm Mậu Tý
          Suy nghĩ của tôi, rất có thể bản dịch sai chữ Mậu, lẽ ra là chữ Nhâm .Vì năm Nhâm Tý 1432. là năm theo ĐVSKTT thì đức Lê Thái Tổ đi tiễu phạt Đèo Cát Hãn và  cũng có đề thơ ở xã Hào Tráng huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Tấm bia bản Đá Phổ cũng được ngài lau đá đề thơ và được khắc cùng thời gian !
          Mong các bậc cao nhân và Hội Lịch sử Sơn La cho ý kiến xác đáng để các thế hệ sau, đặc biệt là con em Phù Yên không bị nhầm lẫn
        Còn về dịch nghĩa, cá nhân tôi thấy cứ để bản dịch âm cho mọi người tìm hiểu, cảm nhận còn hay hơn là tin vào bản dịch nghĩa, do vậy tôi không đưa vào./.

                                               Chào các bác !

Photo: Xuân Trường





LỐI TA ĐI




                  Thân yêu tặng anh Đ.H.X

                                   Hạ về rồi xuống mó nóng làm chi ?
                                   Bốn bánh xe dùng dằng đường đất ướt
                                   Dáng văn nhân chập chờn leo dốc ngược
                                   Chiếc dây thừng
                                                             lầm lụi
                                                                        dắt xe đi !
                                    Gió đồi cam lao xao xanh tiếng ve
                                    Tha thiết gọi dẫu chưa thành nỗi nhớ
                                    Hồ Suối Chiếu đong đưa cá tầm lồng hớn hở
                                     Dịu ngọt mắt em.
                                                      Thôi! Dứt áo.
                                                                          Ta về !
                                                     
                                                          
                                                                             Phù Yên 17/4/2013

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

TÓC NGƯỜI GOÁ CHỒNG

    Thứ nhất là mồ côi cha ... ( Ngạn ngữ)


          Nó đã tỉnh ngủ nhưng chưa mở mắt được. Đúng hơn là nhip rùng rình của sạp tre nơi giường ngủ của mẹ làm nó thức. Tiếng thở hổn hển, gấp gáp, xen tiếng ư ư kìm nén làm nó nghẹt thở, lo sợ và hồi hộp. Tiếng suỵt khẽ sau tiếng khùng khục bị bóp tắc ở cổ họng, nó chịu không đoán được. Không gian đen đặc, bí hiểm vang lên tiếng thở dài  như quả bóng xì hơi. Mãi một lúc sau tiếng uỵch của thân người như lăn từ cái đệm bông lau xuống sạp thì nó mở mắt, tỉnh hẳn. Tim đập thình thịch, mấy lần nuốt nước bọt mà vẫn khát bỏng cổ; nhưng nó vẫn nằm im, không dám cựa quậy.
                  Láng máng nhớ, chập tối qua, nó uống rượu. Không thích, không thèm, chẳng ai ép cả, bảo uống, thì uống, tay mình đổ vào miệng mình thôi, giờ thấy mệt, khát nước, đầu óc còn nằng nặng, chẳng trách ai, nhưng nó hơi buồn và thấy bực thân. Hôm qua phải cuốc bộ gần ba tiếng đồng hồ từ trên xã, nơi đang học lớp 8 về nhà lấy gạo, cái mệt đã nằm sẵn trong bụng nó rồi. Mọi khi, sướng vì bố thằng Hặc đèo xe máy luôn thể cho. Gạo ăn của cả bản, mấy chục nóc nhà đều nhờ ông đứng ra bán non ngô cho bọn buôn ngoài huyện, lấy ăn trước, đến mùa mới trả. Sướng! tuy bố nó hay cằn nhằn, lão Hặc(1) đứng giữa ăn dầy. Bọn buôn chỉ làm giá với ông, ông gật thì mọi người nghe, bị bóp lòi mắt!- Còn hơn ăn gì mà sống. Đố ai mua chịu được cái gì ở chợ huyện? Bực vì hôm qua, ông không chở cho nó nữa, còn nói bóng gió tò vò nuôi nhện,  cứ về khắc biết. Vừa đi, vừa bực. Đi bộ, đường cứ lê thê, dài thế.
                 Bữa cơm chiều qua lạnh ngắt, nó vẫn nhớ thế. Chỏng chơ nồi cơm tẻ, nấu từ sáng, ăn trưa còn lại. Ba mẹ con ngồi quây bếp lửa, vùi than con cá khô, nhỉnh hơn ngón tay cái, thơm lựng mũi, nhường nhau chả ai chịu nhón. Giá như, không bị con mèo già nhà Hặc nhẩy lên ăn vụng cả gói treo trốc bếp, thì mỗi người phải hai con cá mới xong bữa. Mẹ nhẫn nại nhai, hệt bò ăn rơm, thi thoảng hớp ngụm nước lã, chứ bát cơm chẳng vợi đi mấy. Chợt thấy búi tóc to vổng cao trên đầu mẹ đã thả buông, tràn qua lưng, loà xoà xuống sàn, nhớ chuyện lúc chiều, nó liền hỏi mẹ vì sao ông Hặc giận. Mẹ nó vẫn cúi gầm mặt, lớn lên thì biết. Người lớn lại nói thế. Chán thật.
          Câu chuyện và bữa cơm chiều ể oải bị ngắt quãng bởi tiếng xe máy èn èn leo dốc, lao thẳng vào trong gầm sàn. Phải chống chân xe hai lần trên nền đất bột lùng lên vì chó bới, người đó phăm phăm bước lên, từng nấc thang ọp ẹp xiêu xiêu như chực ngã. Chú Khụt! Chú làm thống kê kiêm phó chủ tịch hội nông dân xã xuống chơi, mang cả chai Lavi to rượu ngô với phong bích quy. Nó nhớ rồi, đúng  lúc cả nhà cười ré lên vì chú Khụt vớ phải miếng bánh hết đát,(2) đắng khé chạy ra đầu chan(3) nhổ phì phì, mồm kêu khiếp, thì em gái ôm đầu nó, nói thật khẽ, ông Hặc giận mẹ vì chú Khụt. Ra vậy. Nhưng hôm nay chú không phải chơi suông, quan trọng là đến báo cho mẹ con nó một tin cực nóng. Xã sắp duyệt danh sách các hộ nghèo được Chính phủ cho tiền dựng nhà ở kiên cố, mà theo chú, thì nhà nó có nguy cơ trượt. Chú thong thả gỡ quai đeo chéo ngực, nâng cái cặp da đen ở phía mông sau vòng lên khỏi đầu, đặt trên đầu gối, mở khoá đánh soạch và e hèm một cái rồi mới giở giấy ra, như làm việc ở trụ sở làm mấy mẹ con thấy chú quan trọng mà thân thiết.
          Nhà nó nghèo, cả xã biết. Mấy năm trước bố từ trại Yên Hạ về, người gầy nhẳng, thi thoảng xổ ra cơn ho thóp bụng, phải cúi gập người, trông thật tội. Có lần khạc tẹo đờm, bố ngậm miệng, lập cập tìm tờ giấy nhè vào, lấy ngón tay di di, mặt tái nhợt đi vì lại thấy vương cục máu đỏ tươi như hạt gạo bóp gấc. Không phải phổi bố bệnh bẩm sinh, tại bố bị quăng quật như vò trong xe công nông lăn lộn mấy vòng xuống vực, tưởng chết. Nhà nó nghèo lụi đi từ độ ấy. Bố làm cửu vạn(4) theo xe bốc ngô. Bọn cai ngô quý, bảo: thằng này được; cày ngang trâu, lên xuống xe y sóc, ăn ngủ hệt trư, cuối vụ cho ra huyện giải ngố, xem có được như con mùi, thì phong làm thủ lĩnh. Bố ngẩn mặt, chỉ thích học lái xe. Ừ! từ từ, học theo kiểu cầm tay, chỉ việc. Năm sau, lái sõi, bố cứ theo đường dắt trâu, lái công nông luồn lách bản sâu, mua tận gốc. Chủ sướng, cười phe phé. Chẳng may chuyến ấy gặp hạn; chủ chết, xe tan, bố bị tù ba năm, sau khi hai dẻ sườn bị gẫy được bó thuốc nam liền rồi nhưng vẫn còn gồ lên như hai nửa quả ổi, khô đét. Bố nó mất đến nay đã bốn tháng, lúc nhà không còn tiền để ra viện Lao ngoài Hát Lót nằm điều trị tràn dịch màng phổi theo giấy hẹn.
          -Đảng uỷ có nghị quyết rồi, rõ như ban ngày; nhà nào hưởng chế độ hộ nghèo ba, bốn năm, phải thoát ra chứ; ai cũng cố bám lấy, khư khư giữ thì thành tích xoá nghèo ở đâu? Ủy ban cùng các đoàn thể, nói chung là hệ thống chính trị sẽ rà soát cực kỳ kỹ. Chú hạ giọng, ghé sát vào tai mẹ, tay trưởng bản này không đưa nhà em vào danh sách đâu; làm mẹ giận sôi lên, chửi mẹ nó chứ, đồ giở mặt!
          -Ấy ấy! Chú lại suỵt, quờ vào lòng mẹ, tìm lôi tay mẹ ra, ấn chén rượu vào. Nó cũng có lý của nó đấy. Ngần ấy đất nương, mỗi năm thu gần tấn ngô với tạ nếp tan. Ổn. chồng mất rồi, còn ba khẩu thôi đúng không? vậy tính ra mỗi khẩu cũng tạm đạt trên 400 nghìn đồng một tháng rồi còn gì? Uống đi cháu! Rót cho nó lưng cái cốc sữa chua, chú lại bảo: Hảnh(5) đi, thanh niên, biết chọc sàn(6)  rồi chứ hả? Thì nó uống, sợ gì, tuy nó chưa hề pay ỉn(7) 
          Mẹ nó ngửa cổ uống cạn, gỡ cái tay chú Khụt cứ nhăm nhe rót nữa để cúi xuống thổi bếp. Ngọn lửa cháy bùng, sáng lung linh trên những khuôn mặt hồng lên vì rượu. Em gái nó ngồi chầu rìa ôm gối mẹ, ngáp ngắn ngáp dài, chẩy cả nước mắt, nó điều mãi mới chịu đi ngủ song còn ngoái cổ gửi nó cái nhìn khó hiểu, nửa như van nài, nửa lại như dậy nó, y bà cụ non...Người ta bảo con gái khôn sớm cấm có sai, lại càng đúng với những đứa còi. Mẹ chửa em vào một đêm hun hút gió, do bố nó cải tạo tốt nên được suất ngủ thăm vợ tại trại giam. Đẻ em, bố vẫn nằm trại, mẹ ít sữa, nó còi đã đành; bố về, bữa ăn  cũng chẳng mấy khi có thịt, nên người em nó cứ sắt ròn. Nhưng bù lại, khôn như mọt già, lũ trẻ láu tháu cùng lứa, nghe nó răm rắp, vì nó làm lớp trưởng thay cô giáo nhắc nhở bọn trẻ cùng lớp phải rửa tay trước khi ăn, và sau khi ỉa. Ấm nước trên bếp sôi rào, đẩy cái nắp kêu lịch xịch, dàn xuống bếp xèo xèo, bụi mù lên, làm mẹ nó ho sặc, trong khi đang đều giọng kể tội trưởng bản. Chuyện này nó nghe mãi, chán rồi nên leo lên sạp ngủ, người còn bồng bềnh, bồng bềnh…
          Hồi nó mới đẻ, thì nhà nó với nhà Hặc cùng nghèo xơ xác như nhau;  nhưng ông Hặc làm an ninh bản, nên được huyện tin cậy xuống giao nuôi một con bò lông vàng nâu mịn màng. Năm sau, con bò sinh ra một chú bê con cũng có bộ lông nâu óng, phổng phao lắm. Bố mẹ nó mừng quýnh, ngày nào cũng cắt bao cỏ non mang sang gầm sàn nhà Hặc cho mẹ con con bê. Vì theo chính sách, chỉ vài tháng nữa thôi, nhà Hặc sẽ chuyển con bò mẹ cho nhà nó nuôi, hễ sinh bê con lại luân chuyển cho nhà khác... Ai ngờ! Khi đầu con bê mới nhú gồ lên hai mống sừng non y như đít con ốc nhồi và con bò mẹ đã phát quầng, động đực thì một chiều rét mướt, ông Hặc gọi cả bản kéo nhau xuống thung Khe để lôi con bò nhà ông mới sa xuống hố về xả thịt! Lần nào kể chuyện đó, mẹ nó cũng khóc rấm rứt, thương con bò chết oan. Có phải nó bị ngã xuống hố đâu? Khi đôi bò quần nhau, mẹ nó sợ, dạt xuống nấp dưới bờ ao xem, lòng mừng khấp khởi, con bò kia sắp của nhà mình rồi, lại nhất định sẽ sinh bê… thì anh em nhà lão Hặc tròng dây rừng vào chân lôi bò ngã xuống. Lúc ấy nó có biết gì đâu, cứ đứng ngây ra, chứ như lúc còn cho bê bú thì có mà nó xoay hông đá cho lão Hặc vỡ dái; Con bò đực bị đứt tình, thất kinh vùng chạy, được một quãng thì dừng, quay lại nhìn bạn tình rống lên đau đớn. -Đấy! búa bổ củi ông Hặc phang mấy phát vào đầu nó mới nghẹo. Lúc cầm cái chậu hứng tiết, nó còn nghển nhìn tôi, chẩy nước mắt! Vừa tủi phận mình không được chăm con bò, không được có những con bê con xinh xắn như nhà ông Hặc…Hôm nay mẹ còn sụt sịt, mếu máo lâu hơn, vì bố nó đâu còn sống để quát mẹ nó là đồ đàn bà thừa nước mắt, lại được chú Khụt như thổi gió vào con bùi nhùi ủ lửa, mẹ tồng tộc kể mọi cái xấu của ông trưởng bản. Anh em nhà họ tham lắm, xí hết phần, sẽ không bầu cho nhà nó được nghèo nữa. Nó nghe lơ mơ, câu được, câu chăng… mình coi như xong, rau rừng, sắn nương, nước suối chưa hết….chả mơ nhà Chính phủ cho, ừ thì cái lều coi ao hơn chục năm nay ở, ọp lắm. Mong nhất là vẫn được như cũ để con học. Khỏi phí, đứa nào cũng khá nhất trường… Loáng thoáng gạo cứu đói, quà Chính phủ, con học Sơn La, Hà Nội lại về làm việc xã… ngọt như mía nướng của chú Khụt xen những tiéng xuýt xoa như nấc lên tự đáy lòng của mẹ …Mẹ cởi lòng, mê mải đón vầng hào quang chính sách mà chú Khụt đang chiếu rọi, cả nó nữa, cũng thấy lâng lâng…khẽ mỉm cười rồi chìm dần vào giấc ngủ ngọt ngào. Hình như, nó thấy mẹ dọn đệm ra gian trống phía quản, không có màn, bọn muỗi tinh khôn chỉ nhè cắn người thơm thịt hay sao, chú Khụt cứ vỗ đèn đẹt…
          Tiếng sột soạt mẹ nó ngồi vấn lại tóc, tiếng sụt sùi nghèn nghẹn từ trong khuông màn đen nhầu nhĩ, đêm thanh vắng, nghe sắc lạnh nhói vào tim nó.
          Cái sàn nhà bằng tre lại rung lên, kêu kèn kẹt bởi đôi chân nặng chịch của chú Khụt rờ rẫm đi về phía cửa. Nó vội nhắm nghiền mắt, tuy lúc đó đang trừng trừng nhìn lên mái gianh, rất bực vì con thạch sùng ỵ một cục rơi đúng mặt. Ánh đèn pin sáng xanh dưới gậm sàn, làm con chó hộc lên một tiếng chạy chỗ, không sủa, vì nó đã quen, nhưng chó hàng xóm thì thi nhau kêu loạn xạ khi cái xe máy của chú khèng khẹc mấy cái mới nổ giòn, trước khi bật đèn sáng quắc khoan thai trôi ngoằn nghèo về cuối bản. Nó đưa ngón tay di di vết phân thạch sùng còn dính trên mặt, thấy lờm lợm, bỗng nấc lên tức tưởi.        
         
          Phừng! phừng! phừng!
          Tiếng trống treo ở đầu nhà văn hoá bản vang lên một hồi dài dõng dạc. Đánh lấy lệ vậy thôi, chứ mọi người đã tập trung đông đủ rồi, vui như hội, vì hôm nay là ngày tuyên dương hộ thoát nghèo đã được cấp trên công nhận, đồng thời cấp sổ mới cho các hộ tiếp tục nghèo. Trên bàn chủ toạ, ngoài bí thư chi bộ, trưởng bản còn có đại diện xã, là ông chủ tịch mặt trận, nét mặt đăm chiêu, lộ vẻ quan trọng, thi thoảng liếc cái hòm các tông dán giấy đỏ kín mít, đặt ngay ngắn nghiêm trang trên bục, dưới bức tượng Bác Hồ.
          Sau một hồi lâu đọc nhiều quyết định, cuối cùng công bố kết quả được một mình nhà nó thoát nghèo, lấy thành tích cho cả bản, đạt tỷ lệ 4,7%. Mẹ nó tru lên u ơ không thành tiếng, ôm mặt chạy ra ngoài, giẫy đạp, cào cấu loạn xạ trước khi ngất xỉu, phải mấy người cậy răng, đổ nước đái trẻ con vào miệng mới dần tỉnh, dìu về nhà. Nhưng giọng khàn cứ ồi ồi rền rĩ anh ơi muốn chết, còn vất tung tờ giấy khen với một chục quyển vở ô ly gói vuông vức làm phần thưởng ai nhận hộ cho đặt ở đầu giường.
           Lúc đi, lúc chạy gằn, chập choạng nó về tới đầu bản. Nhà văn hoá lập loè đèn com pắc chạy điện nước, lúc mờ lúc tỏ như ma chơi, nhưng tấp nập  những mâm người ngồi vòng tròn, lố nhố người khom lưng bê chén đi chúc, hỉ hả tiếng cười nói. Nó không muốn nhìn, không muốn nghe, nhưng lối phải đi qua, không tránh được. Rõ là tiếng ông bí thư, gọi vui là chúa bản nói gì gì lúc cả đám lặng một tý rồi rồ lên phấn khích. Hảo hán nớ! Khoẻ nhá! Cạn nhá! Nó chạy. Quáng đèn, xô vào lưng bà Hặc lúc gần chân thang nhà nó. Chính bà ấy bắt chồng điện cho con trai, để thằng Hặc hốt hoảng báo tin cho nó. Tự nhiên lúc ấy nó thấy mình đã lớn, bình tĩnh bảo, thôi tao về, rồi quay gót bước đi dưới chiều nắng quái, dẫm lên cái bóng chính nó thập thững đổ dài dưới dốc. Em gái, mặt mày lem nhem đang quấy cháo, thấy nó về, đứng vội lên, oà khóc làm nó ngồi xuống ôm em thấy rưng rưng. Nhưng nó cắn chặt môi đi về phía mẹ, trong khi được bà Hặc đỡ lưng vừa ngồi dậy, mẹ vươn cả hai tay đón nó. Nó thấy giọt nước mắt mẹ không lăn xuống được mà đọng cạnh một bên cánh mũi phập phồng.
          - Con biết phải làm gì!
          - Làm sao mà biết được? Bà Hặc vừa tươi cười vừa long trọng gỡ gói phần của bản liên hoan chia cho nhà nó, đủ cả rượu, thịt lợn, ếp xôi bốn mầu. Vừa khoe: Pỉnh tộp(8), tôi làm đấy! Ai cũng làm pỉnh tộp được, nhưng ngon phải để tay gái Phiêng Ngùa. Nếu nay mẹ nó không ngất thì làm gì đã đến tay bà Hặc làm. Hôm nay liên hoan to chào mừng thành công thoát nghèo gì gì và   vẫn giữ vững bản nghèo. Đấu đá trên xã, trên huyện ác liệt lắm mới giành được. Thôi nhá, ăn uống tự nhiên đi, tôi phải ra với phụ nữ khát vọng(9) tiếp đại biểu, ông Hặc bảo cô khoẻ thì cũng nên ra giao lưu. Ghé vào tai mẹ thì thầm. Nó thấy mẹ buồn bã lắc đầu.
          Chiều hôm sau, đi nương về, bà Hặc mang một gói mỳ chính nhỏ sang cho mẹ nó. Đấy là phần an ủi cho khoản tiền vay ngân hàng chính sách mà bố mẹ nó nhờ trưởng bản giữ hộ đã mấy năm! ( năm nào cũng cho một gói mỳ) cùng với lời nói khéo, từ giờ trở đi, muốn mua bán gì nhà nó phải trả tiền tươi, hoặc nợ ngô non giá bèo hơn nhà khác. Mưa xuân lắc rắc mấy ngày, nay đã hinh hỉnh nắng, người ta kéo nhau lên nương trỉa ngô, cười nói râm ran. Mẹ nó nẫu ruột, đứng ngồi không yên, bèn sang nhà bà Hặc, bạn thân thủa thiếu thời.
          Bố nó với bố Hặc, xưa chưa vợ là đôi bạn thân lắm, đâu cũng có nhau. Cái lần xuôi theo nước cá vật đẻ quăng chài, đi mãi… đã như chết lặng trước hai cô thiếu nữ đùa vui vung vẩy mái tóc dài đen nhánh xõa ra quay tít, bị gió xoắn ngọn vào nhau, đang cười như nắc nẻ. Dòng nước tinh nghịch lôi ghìm váy xuống, lồ lộ thân hình chắc lẳn, trắng muốt như con cá măng trên làn nước trong xanh. Phía trên thác, nước lặng lờ. Hai thằng vin theo cây cối la đà, mê mẩn đi như bị hút về phía dưới, lớ ngớ sẩy chân cùng bị nước lôi sập xuống ghềnh bọt sôi ùng ục. Một lúc lâu sau, họ như hai cột nhà gỗ nghiến ngâm đen nhẫy trồi lên dựng đứng dũng mãnh gần sát hai cô gái ở trần há to mồm kinh ngạc. Sau đận ấy, bố nó cùng bố Hặc tay bo mấy phen với đám trai bản Phiêng Ngùa, lỳ nên đã thắng, cưới ngay, chỉ ba ngày ở rể theo phong tục.
          Nghe tiếng bà Hặc gọi, nó lững thững sang, bụng nghĩ, chắc mẹ lại nhờ  vợ chồng bà ấy động viên nó đừng bỏ học, để thằng Hặc có chỗ hỏi bài. Thực ra  nó thấy mình thường thôi, thi học sinh giỏi huyện, chẳng được giải rút gì. Nhưng không phải! Có tiếng giằng co. Nó chạy vào. Nhìn, bỗng hiểu, chạy quay ra. Trời ơi! Mẹ!
          Nó bỗng mệt lả người, chân không buồn bước nữa. Ngồi phệt xuống bờ ao, có nhiều cây xương cá, trơ thân cành xương xẩu, nó ôm đầu, choáng váng. Cái kéo thợ may to nhà bà Hặc đã cắt mái tóc dầy hơn bờm ngựa của mẹ rồi! Nó bỗng nhớ cô kỹ sư chỉ huy thi công cái nhà 2 tầng lừng lững ở trường nó, có mái tóc ngắn ngủn, mà tình cờ nó nhìn thấy gió hất xoã, lộ ra mảng hói ở thóp, cô thường chải lật tóc sang che đi. Cô học theo dân bản gội đầu bằng nước lá mần trầu đun kỹ, bảo vùng này chả thấy ai tóc xấu như cô. Cô hiền hậu, tài giỏi, nói gì các bác thợ cũng làm theo ngay, chỉ có mỗi ước mơ tóc đen dầy mà chẳng được. Thi thoảng chặt bán cho cô gánh củi, thể nào nó cũng nhổ mấy búi cỏ mần trầu bánh tẻ xanh mướt biếu cô. Còn mẹ, có mái tóc dài óng đẹp thế sao lại cắt đi? Có phải tóc dài thì số khổ như mẹ thường than thở?  
          Lưng bỗng nhói như bị con gì cắn, nó quay phắt lại. Không phải, chỉ là nhánh cây xương cá đâm vào. Nó bực bội đứng lên, định tìm cái gì phang chết  hết đi cho hả giận. Chả có cái gì. Tay bo chẳng được, khẳng khiu mà cứng lắm. Ồ! mà lạ! Mưa có mấy ngày mà đã lấm tấm chồi, giờ nhìn kỹ mới thấy. Suốt nửa mùa thu, suốt cả mùa đông, tưởng nó chết rồi. Mà kỳ lạ nữa, chẳng ai trồng, chẳng ai để ý nó bao nhiêu tuổi. Vạ vật vậy, chăm bón gì đâu, chỉ để làm hàng rào, khô khốc thế, sao mùa xuân lại xanh tươi ngằn ngặt? Đúng là cây chết dở, sống dai!
           Loang loáng ánh mắt cầu cứu, van nài của em gái sắt ròn. Búi tóc to cao vổng xoã ra thành một vệt đen như mực Tầu, nằm sõng soài trên nền gạch men trắng phau nhà Hặc!  Văng vẳng lời hứa ngọt, gieo vào lòng mẹ nó hy vọng bao la về hộ nghèo được hưởng, cùng tiếng cười khùng khục hả hê trong đêm…rồi tiếng sụt sùi xót xa, tiếng thở dài chịu đựng... Hình ảnh đám người tưng bừng mãn nguyện, hò hát phát rồ được cái hộ nghèo, bản nghèo… tan dần đi hết. Vân vi đọng lại là vết phân thạch sùng tởm lợm xoáy vào tâm thức nó đang rạng dần. Không! Xin để được nghèo như há miệng nằm chờ sung rụng. Nhục.
           Vĩ thanh: Một ngày nắng đầu hè khó chịu, tôi đi lại lơ vơ trong công trường xây dựng trường học 2 tầng đang hoàn thiện cầm chừng, lòng buồn rượi. Quý này lại móm, không ghi vốn được, biết làm sao, chẳng lẽ laị đắp chiếu và giãn thợ? Đôi chân đưa tôi đi vào các phòng nhỏ, các góc khuất. Kinh nghiệm dậy tôi, đó là những nơi thợ làm ẩu nhất. Bỗng tôi sững người. Ở dưới gậm cầu thang, lổn nhổn gạch vỡ, đá cuội, thò ra nửa dưới một người nhỏ thó, đen đúa đang nằm ngửa trát hộc tam diện, như không hề biết đến xung quanh. Lúc thò cái bay siêu vữa ở khay hồ đặt cạnh người, chắc là nhác thấy bóng sáng từ bộ quần áo trắng lốp tôi diện từ huyện vào luôn đây, hoặc mùi thuốc lá Sapa khen khét đánh thức khứu giác chăng nên cậu ta luống cuống ngồi dậy, đầu va vào bản thang bê tông đánh cộp, lại vội nằm xuống, đùn người trở ra. Cái quần đùi rộng thùng thình cồn lên, thò lò hòn đỏ nhõn. Lắp bắp. Cháu …cháu xin bác!
          Đầu giờ chiều, tôi gọi cô kỹ sư quản lý công trường lên quạt về chuyện sử dụng lao động dưới tuổi cho phép, giữa lúc công nhân ruột của công ty phải thay nhau nghỉ không lương, tìm đủ mánh mung người xin ốm, kẻ nạo hút thai, hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Dân kỹ thuật, em không biết phong tục tằng cẩu(10), cái búi tóc to, cao ngổng kiêu hãnh của người phụ nữ Thái có chồng, thiêng liêng mức nào? nhưng tiếc thương món tóc dài đen nhánh, bóng mượt, bỏ gọn gàng vào cái túi ny lông bèo nhèo dúm dó, thoang thoảng thơm mùi cỏ mần trầu, được thằng bé lôi từ trong cặp sách ra. Cô ơi! mua hộ cháu! Em tái mặt. Tóc thề ư?, không dám mua! Cháu cần tiền lắm! Bao nhiêu? Nó cắn môi: ông Hặc bảo ngoài huyện 200 nghìn một lạng!
          Mắt cô đỏ hoe. Công ty phạt em thế nào, em chịu và sẽ giữ mãi lọn tóc này, kỷ niệm vào nghề xây dựng, mà là xây dựng vùng sâu.
                                                                         5/2013

( 1):Tên con trai cả, để gọi thay tên bố.
(2): Đát: Âm Việt đọc tiếng Anh: Hạn sử dụng; (3)Chan: Sàn đầu hồi nhà phía bếp; (4)Cửu vạn: Người bốc vác thuê; (5)  Hảnh: Cạn ;(6) Chọc sàn: Động thái hò hẹn của trai Thái; (7) Pay ỉn: Đi chơi (với trai gái); (8)  Pỉnh tộp: Cá mổ lưng nhét gia vị, nướng than rất ngon; (9) Khát vọng: động tác nâng chén rượu vòng qua đầu người được mời -thể hiện hiếu khách của phụ nử Thái vùng này (10) Tằng cẩu: Nghi lễ búi tóc lấy chồng của gái Thái.
.