Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

NGƯỠNG THANG VĂN CHƯƠNG CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG QUA TẬP THƠ: “CHÂN TRỜI SAU CHÂN TRỜI”

  Văn nghệ Nam Định đăng liền hai tiểu luận về thơ Vũ Quần Phương. Bài của bác Đặng Hiển" Vũ Quần Phương- hành trình đi đến đích của thơ" là bài luận về sự nghiệp  thơ đồ sộ của nhà thơ VQP, mình chưa có hân hạnh đọc một phần mười thơ bác Phương, chắc cũng như vịt nghe ông ù, nên tiếc vẫn đành thôi. Chỉ bài viết sau, luận về tập" Chân trời sau chân trời", mình  cũng hân hạnh được nhà thơ tặng, xin cảm ơn Văn nghệ Nam định giới thiệu,  bài luận của nhà thơ Vũ Từ Sơn( Hội VHNT Bắc Giang) xin rước về để cùng suy ngẫm
 
NGƯỠNG THANG VĂN CHƯƠNG CỦA VŨ QUẦN PHƯƠNG QUA TẬP THƠ: “CHÂN TRỜI SAU CHÂN TRỜI”

          Gần đây, trong một buổi tiếp kiến nhà thơ Vũ Quần Phương, tôi nói: “Anh bình thơ của nhiều người, nhưng ít người bình thơ anh. Nay tôi xin bình tập thơ: "Chân trời sau chân trời" của anh”. Anh vui vẻ trả lời: “Hay lắm, xin hoan nghênh!” Và tôi thực hiện với một tinh thần nghiêm cẩn.
          Tập thơ "Chân trời sau chân trời" xuất bản năm 2011 tại NXB Văn học, gồm 50 bài thơ đa phần anh viết những năm gần đây, có một bài viết 1966 - bài Chiếc vòng.
          Vũ Quần Phương là người đạt kỷ lục về các lần nói chuyện về thơ Việt Nam với các đối tượng yêu thơ trong cả nước: trên 2000 buổi. Song rất ít người bình thơ của anh, lác đác có bài viết của Phạm Khải, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vũ Tiềm và một vài trường hợp khác.
          Sau khi đọc, suy ngẫm kỹ về tập thơ "Chân trời sau chân trời", tôi phân tích theo tinh thần thẳng thắn, có gì không đạt, chưa đúng, chưa tới... mong anh thông cảm bởi nhận thức và trình độ của lớp đàn em. Về tuổi đời tôi kém anh 6 tuổi, có một điểm giống anh là cũng từ một nghề mà đến với văn chương: anh nghề Y, tôi nghề Điện .

          1- Khái quát về tập thơ.

          Về kết cấu tập thơ gồm 8 thể loại thơ. Đó là: Thơ tự do 32 bài, thơ truyền thống 6 bài, lục bát 3 bài, thơ hai câu 2 bài, tứ tuyệt 2 bài, tứ ngôn một bài, ngũ ngôn một bài. Qua bố cục tỷ lệ về thể loại thơ chứng tỏ anh rất chú ý đến đổi mới thơ. Đúng như Nguyễn Vũ Tiềm đã viết: "Lớp nhà thơ có thành tựu từ thế kỷ trước như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Hoàng Hưng... có những bứt phá ngoạn mục trong việc tự đổi mới thơ mình, vẫn đang đồng hành cùng lớp trẻ ở thế hệ mới.
          Ngay cả tên tập thơ đã cho thấy một sự trừu tượng, khó hiểu, cần phải khai phá tường tận, công phu và tinh tường mới thấy được những gì ở sau hai lần chân trời ấy. Về không gian thơ là ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Về thời gian đề cập trong thơ chủ yếu từ 1997 - 2011, có một bài cá biệt vào năm 1966.
          Có thể nói: Đi qua khu rừng bí ẩn và gai góc 50 bài thơ của Vũ Quần Phương là vất vả, mệt nhọc, phải có một năng lực trí tuệ nhất định, trải nghiệm nhất định, tới hạn nhất định mới hiểu được thơ anh, chưa nói là hiểu thấu đáo và khúc triết. Mặc dù vậy tập thơ vẫn có những khiếm khuyết đáng tiếc nhất định, chúng ta sẽ khảo sát sau.

          2 - Phân tích tổng thể tập thơ.
 

          Với con mắt tinh đời, với nhạy bén văn chương, kiến thức, tri thức sâu rộng, trình độ uyên bác cộng với tính nghề nghiệp, cá tính cẩn trọng và ý đồ tuyển chọn theo chủ đề sâu sắc (vì có bài từ 1966 còn được đưa vào là bài "Chiếc vòng" đã lọt qua 9 tập thơ trước).
          Song, bóc ra chi tiết ta có thể chia nhỏ phân tích, quy 50 bài thơ về 6 ý xếp loại như sau:
          a - Tám bài thơ nặng tính triết luận, triết lý sâu sắc, thâm thúy, đó là: Trà đạo, Phản trà đạo, Con sâu đo, Bài thơ không thành, Chữ, Thăm Hang Bà Côn Đảo, Trong đêm, Ghi nhanh ở New York.
          b - Hai bài tuyệt hay, toàn diện, toàn bích: Mực lạnh, Phải chăng.
          c - Hai bài thơ tình hay, trữ tình: Làng, Làng Canh quê mẹ.
          d - Hai bài mang tính cách mạng cao: Chiếc vòng, Âm vang.
          e - Những bài thơ nhân sinh, đời thường, hồn nhiên vui vẻ, dí dỏm: Cháu đón sinh nhật ông, Đêm thức, Cầu qua đại dương, Đón giao thừa, Đêm nghe tiếng chó, Thơ tặng cháu.
          f - Những bài nhẹ nhàng, bâng khuâng, mang tính tự sự: Thơ lúc đi đường, Gửi sen, Trường tôi trăm tuổi, Ngắm anh đào Nhật ở Mỹ, Sân bay, Hoa một loài cây, Giọng mùa thu, Hương mưa, Hơi mát đêm qua, Tuyết lặng im, Bỗng dưng sắc trắng hoa lau, Thời tiết, Nó đấy - trái tim tôi, Khát trùng khơi, Tiếng hót, Bài thơ trăng sáng, Đàn chim di trú.
                                                          *
                                                     *      *
          Phân tích một số bài thơ điển hình để thấy chất tinh túy, bác học của thơ Vũ Quần Phương.
          Bài thơ "Trà đạo" là bài thơ sâu sắc, hàm ý triết luận, đạt đến đỉnh cao của sự thanh khiết, am tường: Nghe cơn khát của mình /Mà đo hương trời đất. Bài "Con sâu đo" hay, có tứ thơ lạ, một sự chiêm nghiệm sâu sắc: Lịch sử cân vĩ nhân / có ông tưởng nghìn cân / mà rồi bay như bụi / có ông chìm tận mấy trùng sâu / mà rồi sáng chói . Thiên chức của nhà thơ được anh gói gọn trong những câu thơ bao hàm rộng lớn mà chi tiết: Ông nhà thơ là con sâu đo / lấy thân mình mà đo / lịch sử / đo kích thước vĩ nhân / châu chấu , cào cào, gió trăng, vui khổ / muốn đo vào tất cả / những rộng dài nặng nhẹ sâu nông / thân trải ra với đất / trái tim làm quả cân.
          Chỉ bằng 8 câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn, anh vạch trần những âm mưu quyền lực phong kiến và cũng là bài học cho đương đại ngày nay: Vợ thì nhốt vào hang / Con thì quăng xuống bể / Tất cả cho ngai vàng / Làm vua thì phải thế / Ông Gia Long hoàng đế / Chết tám mươi đời triều / Thăm Hang Bà , tiếng thét / Còn rợn rừng nếp rêu. (Thăm Hang Bà Côn Đảo). Những ý tứ sâu xa, ẩn dụ mông lung về nhận biết vũ trụ, về con người rất tinh tế: Sau chân trời, lại chân trời nữa / Nghĩ chân trời / lại nghĩ chân ta. (Ghi nhanh ở New York).
          Trở về thơ lục bát dân dã, anh có những vần thơ thật chuẩn mực, tế nhị, khéo léo mà đầy triết lý:
          Nước trôi thì đá phải mòn
          Ở đâu cũng trái đất tròn dưới chân
          Nhớ xa mới biết thương gần
          Đục trong ai chọn cho thân phận người
          Cong cong là cái đường đời
          Chân lem cát bụi, lệ người long lanh
                                      (Đêm nghe tiếng cháu)
      
Bài thơ "Mực lạnh" viết về nỗi niềm khi nhớ đến Hàn Mặc Tử là một bài tuyệt hay. Nó đạt trình độ nghệ thuật tuyệt tác như Kiều vậy:
          Bấy nhiêu trút lại cho đời
          Giấy hoang mực lạnh thét lời âm u
          Đôi chân đã ngập sa mù
          Thì đem nguyệt bạch đền bù tấm thân
          Trăng làm gối, gió làm chăn
          Dại tê sần sượng thoắt ngân thành lời
mà sâu sắc, ẩn dụ, tinh tế, chắt lọc đến cạn cùng của nghệ thuật thơ lục bát:
          Cõi mê vi vút mặt người
          Nghe trong hút lạnh tiếng cười thủy tinh
          Lấy thơ vẽ mặt người tình
          Rụng bông hoa máu hồn thành bơ vơ
          Lấy mình vẽ mặt cho thơ
          Trái tim rát bỏng trên tờ lạnh băng.
          Có người khen bài thơ Gia Dũng viết về Hàn là bài hay nhất, theo tôi bài đó chưa thể so sánh với bài này của Vũ Quần Phương, vì bài ấy còn ngồ ngộ và trực ngôn bỗ bã, kém tính trâm anh .

           3 – Kết luận.
      
          Tập thơ "Chân trời sau chân trời" của nhà thơ Vũ Quần Phương, theo tôi là một thành công lớn của Anh trong chặng đường thơ có thể gọi là chặng cuối (vì Anh cũng ở tuổi 70 rồi). Tất nhiên chúng ta còn trông chờ những tác phẩm sau này nữa.
          Trong một trường liên tưởng rộng lớn, 50 bài thơ trong tập thơ là 50 bông hoa cho đời, mang tầm vóc Vũ Quần Phương mà ít người có được. Tập thơ có nhiều bài đĩnh đạc đạt tầm vóc Quốc gia và Quốc tế. Tập thơ này chắc chắn sẽ cùng với các tác phẩm khác của Anh sẽ mang đến vinh hạnh lớn hơn những vinh hạnh trước đó Anh đã đạt được trong lĩnh vực văn chương.
          Cuối bài, dù sao tôi cũng phải nêu ra một vài gợn, sạn mà đáng tiếc Anh đã đề cập đến trong tập thơ . Đó là những câu: Chuột và ta / thằng nào gặm sách, và: hại dạ dày là cái chắc (Thơ tặng bạn thơ), hay là: Luật nước trang nghiêm và bố láo (Con sâu đo).
          Bút chẳng hết lời!
 
Tháng 5 - 2013

Vũ Từ Sơn
(Bắc Giang)

ĐI TÌM MỘT NHÀ THƠ

 Hay là, sức sống mãnh liệt của bài thơ về một tình yêu ...bị tự sát!

CHU QUANG MẠNH THẮNG
Ông Khổng Văn Đương (phải)
Ông Khổng Văn Đương (phải)
Một buổi chiều xuân. Sau hơn một tiếng đồng hồ lặn lội, hỏi thăm, tôi cũng tìm đến được căn nhà của tác giả bài thơ tình nổi tiếng: EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN CĂNG (*). Thủa còn là học sinh, tôi cũng đã được thấy bài thơ này nằm trong những cuốn sổ tay của bạn bè cùng lớp. Nó đã được truyền lại từ những thế hệ học sinh đi trước. Có điều, tác giả là ai thì không ai biết. Chúng tôi cứ ngỡ, đó là bài thơ tình của một nhà thơ danh tiếng nào đó ở tận trời Âu xa xôi. Từ khi xuất hiện đến nay, bài thơ đã được in ở đâu đó với cái tên Onga Becgon, nữ thi sĩ người Nga (1910-1975) nhưng lại không có tên người dịch. Mãi gần đây, mọi người mới được biết, tác giả bài thơ là một người Việt Nam. Ông hiện đang công tác và sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn là tác giả một tập thơ hơn một trăm bài có tựa đề “Tình quê hương” trong đó có gần năm mươi bài viết về mối tình của ông với Valentina, cô gái tóc vàng trên bán đảo Ban Căng, thời còn là lưu học sinh ở Rumani.
Năm nay đã 61 tuổi nhưng ông hãy còn khá trẻ trung, phong độ, rắn chắc như một nhà thể thao chuyên nghiệp… Tính tình sởi lởi, thân ái, dễ gần và cũng đầy chất nghệ sĩ, ông đón tiếp tôi rất nhiệt tình và vui vẻ… Khi biết tôi “thừa lệnh” của Nhà văn Hoàng Đình Quang (*) đến gặp và mong ông cho xuất bản tập thơ “Tình quê hương” trong đó có bài thơ tình nổi tiếng đang gây xôn xao trong dư luận, ông bỗng trầm xuống và lắc đầu: “Tôi hết sức cảm ơn lời đề nghị của Nhà xuất bản. Nhưng “chuyện cũ” đã qua lâu rồi, tôi không muốn khơi lại làm gì!”- Tôi hiểu, “chuyện cũ”- đó chính là mối tình đầu đầy nước mắt của ông với Valentina.
Thấy tôi khẩn khoản muốn được nghe chính ông kể lại một chút về mối tình và xuất xứ của bài thơ, ông do dự một lúc rồi tâm sự:
“Năm 1965, tôi được nhà nước cử sang học tập tại trường đại học bách khoa Georgiu Dej Bucarest – Rumani. Tình cờ, trong dịp nghỉ hè năm 1966 tại biển Đen, tôi đã gặp được Valentina, cô gái người “Ru” có cái tên thường gọi rất dễ thương: Valy! – Cô ấy dáng người mảnh khảnh, có mái tóc màu vàng hạt dẻ, đôi mắt to, đen, đẹp như một thiên thần. Tôi đã có cảm tình với nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Năm ấy nàng 17 tuổi, là nữ sinh lớp 11 trường THPT Cristina ( Brasov ). Từ đó, nàng cũng thường xuống Bucarets để gặp tôi. Rồi chúng tôi đã yêu nhau từ lúc nào cũng chẳng biết. Mùa hè 1967, nàng tròn 18 tuổi. Sau khi thi tốt nghiệp, nàng lại xuống chơi nhà người chú ở Bucarets, cạnh chỗ tôi đang học. Suốt kỳ nghỉ hè năm đó, chúng tôi được ở gần bên nhau. Đó thực sự là những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tình yêu giữa tôi và nàng. Chúng tôi đã yêu nhau bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình. Mối tình của chúng tôi thật là trong sáng… Cũng mùa thu năm đó, sau khi thi đậu, nàng xuống hẳn Bucarets, học ở trường đại học Tổng hợp, khoa tiếng Đức. Trường của nàng cách trường tôi chỉ chừng hai kilômét. Chúng tôi lại có dịp thuận lợi để gặp gỡ nhau hằng tuần… Kỳ nghỉ đông năm đó, nhân một chuyến đi du lịch, tôi đã quyết định về quê thăm cha mẹ của nàng. Cùng đi với tôi còn có một người bạn tên Đỗ Công Doanh. Cha, mẹ nàng đều là giáo viên và đang dạy học tại một trường THPT ở thành phố Brasov . Họ chỉ có một người con gái duy nhất – là nàng. Tôi còn nhớ, đó là một ngày mùa đông bão tuyết mịt mùng. Cả thành phố Brasov chìm trong tiếng bão gầm, tuyết bay tơi tả, phủ dày đặc khắp mặt đất… Khi thấy tôi xuất hiện trước cửa, sau vài giây kinh ngạc, Valentina đã chạy ra, ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở vì xúc động… Đó là một ngày tôi không thể nào quên! Sau này, mỗi lần xuống Bucarets thăm Valentina, cha mẹ nàng đều không quên gửi cho tôi một món quà, khi thì một giỏ trái cây, khi thì một con gà tây quay với vài ba lít rượu nho đựng trong một hũ sành, lúc lại là một rổ trứng luộc mà ngoài vỏ được vẽ trang trí bằng những hình ảnh rất công phu với nhiều màu sắc sặc sỡ… Ngày ấy, đã có đôi lúc tôi thầm nghĩ đến những niềm hạnh phúc của một gia đình nho nhỏ…
… Anh biết không? Thế rồi tình yêu của chúng tôi chỉ kéo dài thêm được một năm nữa thì bị tổ chức phát hiện. Tôi bị kiểm điểm, bị khai trừ khỏi đoàn và cam kết phải chấm dứt quan hệ với Valentina. Còn nếu không, tôi sẽ bị trục xuất về nước. Mà bị trục xuất ư? Anh thử nghĩ xem, trong hoàn cảnh ấy, nếu bị trục xuất về nước thì gia đình, làng xóm, bà con và bè bạn… còn ai là người tôn trọng và thông cảm cho tôi? Chắc chắn không còn ai cả! Mặt khác, trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy có lỗi rất nhiều với các chiến sĩ đang phải hy sinh ngoài mặt trận!… Sau một lần đi chơi xa, tôi đã nói tất cả những gì cần phải nói với Valentina và quyết định chấm dứt mọi quan hệ với nàng. Tôi cũng không ngờ quyết định đó đã gây ra những hệ lụy vô cùng buồn bã đối với nàng. Khoảng nửa tháng, sau cuộc đi chơi xa với những quyết định đẫm nước mắt đó, tôi nhận được một lá thư dài của nàng với những lời lẽ hết sức thiết tha và oán hận… Vào một buổi chiều giữa tháng 3 – 1969, mọi người trong phòng đi vắng hết. Chỉ còn mình tôi ở nhà. Nhìn qua khung cửa sổ, thấy tuyết trắng xóa, dày đặc, bay đầy trời… tôi lại nhớ Valentina ghê gớm và cảm thấy mình thật cô đơn, trơ trọi. Tôi liền đem thư nàng ra đọc lại, vừa thương nàng, vừa hận mình… Tôi liền ngồi vào bàn, làm một bài thơ phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong bức thư nàng gửi cho tôi. Bài thơ có tựa đề EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN CĂNG đã ra đời như thế đấy! Tôi xin được đọc lại, anh nghe:
Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng
Em trèo lên đỉnh núi cao Cácpát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!
Ôi dòng xanh rì rầm sông Đanuyp
Mây trời in lồng lộng giữa lòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!
Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?
Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mùa xuân
Đâu Trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà Trần gian đầy bể khổ trầm luân?
Con lạy chúa Jê-Su ban phép lạ
Cho nước người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hòa tan làm một, ngàn đời!
Em cầu nguyện. Còn anh, anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng đợi chờ…
Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Cácpát
Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban căng!
(Bucarest, 19.3.1069)
Bài thơ này sau đó đã bị tổ chức tịch thu cùng với cả một tập thơ tôi viết tặng cho nàng và họ gửi đi đâu, tôi cũng không được biết. Cho đến năm 1971 về nước, tôi mới phát hiện bài thơ đã được cả một thế hệ học sinh, sinh viên thời bấy giờ lưu giữ trong sổ tay của mình. Và trong suốt thời gian đó, người ta còn lầm tưởng là một bài thơ tình của nữ sĩ người Nga – Onga Becgon…”.
Kể đến đây, ông ngừng lại, vẻ trầm ngâm. Ông khẽ nhấm một ngụm nước, ánh mắt xa xăm, rất buồn… Hình như ông đang nhớ tới những tháng ngày của quá khứ!…
Im lặng hồi lâu, ông kể tiếp:
“Sau cuộc chia tay và lá thư gửi cho tôi không được hồi âm, Valentina lâm bệnh nặng. Một người bạn thân của nàng cho tôi biết, nàng gần như người bị mất trí và phải nghỉ học để ở nhà dưỡng bệnh. Vào lúc đó, tình trạng của tôi cũng chẳng khá hơn nàng. Thất vọng đến tiều tụy… Rồi một hôm, tôi quyết định đến Brasov thăm nàng, mặc dù biết điều đó có thể sẽ gây hậu quả khôn lường. Nhưng lúc bấy giờ, tôi cứ phó mặc tất cả…
… Bước vào cổng nhà nàng, cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó là những cây hạnh nhân mới lớn chừng gang tay bị nhổ lên nham nhở, khu vườn hoa thường ngày đẹp là thế, giờ bị phá tan hoang, xơ xác… Valentina nằm dài trên giường với thân hình tiều tụy và ánh mắt vô hồn. Nhưng vừa nhìn thấy tôi, nàng vội bật dậy, ôm chặt lấy tôi, miệng thoảng thốt kêu tên tôi thê thảm… Cha mẹ nàng đứng ở cửa buồng nhìn chúng tôi, bất lực! Mẹ nàng khóc, nước mắt cứ trào ra mà không nói được một câu gì rõ rệt… Đó là một ngày buồn thê lương. Có thể, đó là một ngày buồn nhất thời trai trẻ của tôi!
Từ đó cho đến khi về nước, tôi không còn có dịp được tiếp xúc với nàng nữa. Nhưng đúng vào cái hôm cuối cùng, đó là ngày 17 – 6 – 1971, khi đoàn sinh viên chúng tôi đã kết thúc khóa học, kéo nhau lên tàu liên vận, chuẩn bị rời Bucarets để về Việt Nam thì phía bên kia đường ray, đằng sau chiếc cột to lớn ở sân ga, nàng xuất hiện. Hôm ấy nàng mặc chiếc váy trắng gấp nếp, chiếc áo Pul màu xanh da trời, đi một đôi dày cao gót màu trắng sữa, dáng dấp vẫn mảnh mai, xinh đẹp… Không biết ai đã báo cho nàng biết ngày chúng tôi về nước? Tôi đứng trong toa tàu, cửa toa đã được đóng lại và khoảng một phút sau, đoàn tàu bắt đầu rời ga… Hình ảnh cuối cùng của nàng mãi mãi còn đọng lại trong tâm khảm của tôi, đó là hình ảnh người con gái mảnh mai chạy theo con tàu, chới với vẫy tay như níu kéo và cuối cùng, gục đầu vào cột nhà ga… Tôi không biết phải gọi cái cuộc chia tay ấy bằng một cái tên gì cho đúng? Gặp gỡ mà lại chẳng được gặp nhau. Chia tay mà lại chẳng được một cái bắt tay nào. Chỉ được đứng từ xa mà nhìn nhau trong thoáng chốc với hai dòng nước mắt chảy tràn… Hình ảnh nàng hôm ấy càng làm con tim tôi thêm rỉ máu, có lẽ không biết đến bao giờ mới hết nếu không có một cuộc gặp gỡ với nàng sau đó tám năm. Ấy là vào tháng 7 – 1979, khi đang công tác tại Tổng công ty Dược Việt Nam, tôi có dịp sang công tác ở Tiệp Khắc hơn bốn tháng. Đến Tiệp, tôi liền gọi điện cho một người bạn Rumani, nhờ anh báo cho Valentina biết, tôi đang ở Praha, rất muốn được gặp lại nàng nhưng vì đi chung với đoàn, không thể tách ra để xin visa sang Rumani được. Không ngờ, chỉ hơn một tuần sau, Valentina đã có mặt ở Tiệp Khắc. Cùng đi với nàng còn có chồng và một cậu con trai hai tuổi khá kháu khỉnh. Chúng tôi gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết. Biết bao câu chuyện được chúng tôi kể lại cho nhau nghe trong vui buồn và nước mắt… Rồi lại phải chia tay nhau trong sự luyến tiếc khôn ngôi… Và, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp lại nhau anh ạ. Sau cuộc gặp có hậu đó, trong lòng tôi mới thực sự được yên tâm…”.
Ông ngừng kể. Hình như ông lại đang nhớ tới Valentina (tôi đoán thế)… Trong lòng tôi cũng đang đọng lại những cảm xúc rất lạ. Câu chuyện của ông đã làm tôi quá xúc động…
Chiều hôm ấy, ông còn tâm sự rất nhiều về những nỗi khó khăn gian khổ khi ông mới về nước. Ngoài những khó khăn về vật chất sau cuộc chiến tranh ác liệt và thời bao cấp, còn rất nhiều những khó khăn về tinh thần vì hầu hết xung quanh, mọi người đều có định kiến về một thanh niên đã từng bị khai trừ ra khỏi đoàn TNCS và những nỗi khổ tâm dằn vặt về mối tình đầu không trọn vẹn… Nhưng rồi ông đã quyết tâm phấn đấu không ngừng nghỉ. Sau nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp ngành và cấp thành phố, năm 1980, ông đã chính thức trở thành một Đảng viên Đảng CSVN…
Như sực nhớ ra điều gì, ông ngồi dậy, mở tủ rồi lôi ra một tập bản thảo viết tay. Ông đưa tôi xem. Đó là một số bài thơ ông còn nhớ và giữ được cho đến hôm nay. Lướt nhanh qua những trang giấy, tôi dừng lại khá lâu trước bài thơ NGẪM MÌNH – Là một trong số 50 bài ông đã viết tặng Valentina và cũng là bài thơ cuối cùng ông viết trên đất Rumani:
Hỡi nhân tâm ở trên đời
Tìm cho biên giới lòng người ở đâu
Tưởng rằng thời loạn xa nhau
Ngờ đâu nay cũng địa đầu cách ngăn
Sáu năm ở đất Bancăng
Vì yêu để nợ ngàn năm chốn này
. . .
Rồi ông sai cô con gái mang tập bản thảo đi photocoppy, xong, đưa cho tôi hai bản:
- Tặng anh và anh Quang để “tham khảo” cho vui. Nói lại với anh Quang, tôi cảm ơn nhiều!
Ông siết tay tôi thật chặt…
Nắng chiều cũng đã nhạt…
Chia tay với ông nhà thơ họ Khổng (Khổng Văn Đương), tôi trở về nhà. Trong lòng vẫn lâng lâng những cảm xúc thật lạ…
TP.HCM, mùa xuân 2006
Lời bình của em:
Còn nhớ cái dạo chúng tôi, lứa lao động hợp tác đầu tiên, năm 1980, 1981 vô phép cụ Nguyễn Du loan truyền nhau mấy câu nhại Kiều:
Trăm năm, trăm cõi người ta
Ai ai cũng muốn thò ra, thụt vào
Lạc hậu như thể người Lào
Đêm đêm ai cũng thò vào, rút ra
Văn minh như thể người Nga
Đâu đâu cũng thấy thò ra, thụt vào
Cho dù phản động như Mao
Kề miệng lỗ, vẫn thò vào rút ra
Chỉ riêng có sứ quán ta
Ban hành lệnh cấm thò ra thụt vào
Vậy "Xù" ta phải tính sao
Để ai cũng được...???
  Nghe đâu, cũng nhiều đôi lứa, tội tình lắm, nạo phá... cô vắt...Rồi cũng nhiều đôi phải thất thểu về nước trước thời hạn. Nhưng rồi, cấm sao xuể. Nhạt nhạt dần, rồi tự thân, những người trong cuộc cũng tự ý thức được, một khi chẳng ai cần cấm đoán nữa. Lạ thế!

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

THƠ THỔ TẢ

Rinh từ bài" Thơ khốn, thơ khổ" của trang Văn Công Hùng
Yêu thơ và làm thơ là quyền của tất cả mọi người, chả ai có đặc quyền trong việc này cả. Nhưng cái nguy của việc yêu thơ và làm thơ là nó rất dễ khiến người ta ngộ nhận, thậm chí ngộ nhận... sâu sắc. Các cụ xưa cũng cảnh báo: Văn mình vợ người. Ngày nay nhiều bác yêu thơ quá vừa dễ bị ngộ nhận vừa dễ bị người khác lợi dụng.

Chả yêu thơ mà cái câu lạc bộ thơ Việt Nam của bác Bành Thông có đến mấy vạn hội viên, dằng dặc từ nam chí bắc, từ đông sang tây, từ tỉnh xuống huyện. Bác hô một tiếng cả vạn người ứng, ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để in thơ mình trên cái tạp chí một trang in mấy tác giả, có ảnh hẳn hoi. Sướng. Lâu lâu lại tổ chức sinh hoạt. Là lượt thướt tha, sênh phách rộn ràng. Oách.

Và giờ lại xuất hiện một cái câu lạc bộ sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam do nhà thơ nhà báo Đăng Hạ làm chủ soái, hihi, oách không thể tả.

Mình cop cái này từ nhà Phong Điệp về bà con đọc vui chủ nhật nhé:


Nhân danh thơ để lũng đoạn …thơ?

Văn nghệ Trẻ : Nếu là những bài thơ rời lúc trà dư tửu hậu, bằng cảm xúc có thể bị “nhập tâm” những câu thơ hay mà bản thân người sáng tác mơ hồ cho là tâm trạng của mình, người nghe còn có thể thông cảm được. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm, có giá trị lưu hành trên diễn đàn văn học, đòi hỏi tính nghiêm túc hơn. Đó cũng là lòng tự trọng của người sáng tác và biết tôn trọng người yêu thơ

Một tập thơ bị phản ứng

Đó là tập thơ “La Gi biển nhớ” của Hải Đăng. Nhà thơ Phan Chính, - 70 tuổi- Chi hội trưởng Chi hội VHNT thị xã La Gi, trực thuộc Hội VHNT  tỉnh Bình Thuận đã rất bức xúc trước một tập thơ mà theo ông là: “nhập nhằng từ ý thơ, câu chữ của người khác để coi đó là sự sáng tạo, xuất thần, thực sự “cày ải” của mình”. Theo nhà thơ Phan Chính, đây là một việc khó chấp nhận đối với người sáng tác!

Nhà thơ Phan Chính đã nhặt ra  một số câu thơ “nhập nhằng” của tác giả Hải Đăng trong tập “La Gi biển nhớ” như sau:
Con đã về nơi Bác ở xưa/ Vẫn xoài cam bưởi trái đong đưa/ Vẫn hồ nước mát reo tăm cá/ Vẫn nắng ban mai rợp bóng dừa…” (bài Viếng Lăng Bác- trang 61). Trong khi đó thơ Tố Hữu ai cũng thuộc lòng: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa…” (bài Theo chân Bác). Trong bài Khói chiều vắng mẹ, Hải Đăng viết : “…Con đi kháng chiến gian lao/ …Mưa bao nhiêu hạt, đếm ngày con đi/ …Qua làn khói mỏng, thương thầm nhớ con/ …Giặc tan con lại về bên mẹ hiền (trang 20). Không coi là thấp thoáng thơ Tố Hữu nữa mà chính xác từ các câu: “Con đi mỗi bước gian lao/…Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu/…Chiều nay chắc cũng thương thầm nhớ con/…Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm (bài Bầm ơi).  Người đọc không thể coi đây là câu thơ sáng tác đúng nghĩa: “Lô nhô dưới bến mươi thuyền thúng/ Lác đác trên bờ những quán cây…” (bài Đồi Dương Hồ Tôm -trang 49) vì Bà Huyện Thanh Quan đã viết “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà…” (bài Qua Đèo Ngang). Lại càng khó chấp nhận việc sử dụng gần nguyên câu thơ đã trở thành quen thuộc với mọi người: “Nhà nàng ở cách nhà tôi/ Đầy vơi nỗi nhớ muốn sang thăm người” (bài Đầy vơi nỗi nhớ- trang 40), với Nguyễn Bính trong bài Cô Hàng Xóm thì “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”, tức chỉ đổi từ chữ “cạnh” sang chữ “cách” mới thật quá quắt. Tương tự câu thơ “Cỏ non xanh mướt tới chân trời” (bài Xuân về- trang 63) với “Cỏ non xanh dợn chân trời” (Kiều- Nguyễn Du).

Nhà thơ Phan Chính cho biết, ông đã thử thống kê trong tập “La Gi biển nhớ”; thấy có không dưới hai chục bài bị trùng lặp câu chữ, ý thơ, thậm chí nguyên si gần trọn câu. Trong đó còn có nhiều bài dính dáng đôi câu của thơ Xuân Quỳnh, Đỗ Trung Quân, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương… Như : “Từ buổi xuất quân đi giữ cõi/ Tháng năm luôn nhớ đất cha ông” (bài Tình người chiến sỹ biển đảo-trang 55). Đọc và liên tưởng ngay đến câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Hoặc câu “Mình về mình có nhớ ta/ La Gi ngày ấy thiết tha mặn mà/ Mình về mình có nhớ ra… ” (bài Mình có nhớ ta- trang 180) đã sao y cả lời lẫn tứ thơ của Tố Hữu trong bài Việt Bắc.

“Nếu là những bài thơ rời lúc trà dư tửu hậu, bằng cảm xúc có thể bị “nhập tâm” những câu thơ hay mà bản thân người sáng tác mơ hồ cho là tâm trạng của mình, người nghe còn có thể thông cảm được. Nhưng khi trở thành một ấn phẩm, có giá trị lưu hành trên diễn đàn văn học, đòi hỏi tính nghiêm túc hơn. Đó cũng là lòng tự trọng của người sáng tác và biết tôn trọng người yêu thơ”.- Nhà thơ Phan Chính khẳng định.

Theo chúng tôi, hành vi của Hải Đăng trong tập thơ “La Gi biển nhớ” là hành vi đạo thơ một cách trắng trợn.
Vậy, vì sao tập thơ này lại được cấp phép?


Ai đã cấp phép cho tập thơ ?


Trên xinhe của sách ghi: đơn vị cấp phép là Nhà xuất bản Văn Học và GPXB số 22 (ngày 15/1/2013).
Trên tinh thần xây dựng, ngay sau khi phát hiện ra tập thơ dở, nhà thơ Phan Chính đã gửi thư đến NXB Văn học. Nội dung thư có đoạn:

“Vì uy tín của NXB Văn học đã có từ lâu, cho nên dư luận địa phương chúng tôi hết sức bất ngờ là, không hiểu vì sao với tập thơ “La Gi biển nhớ” của Hải Đăng (không phải là Hội viên VHNT địa phương) do NXB Văn học lại liên kết với một đơn vị không biết từ đâu, uy tín thế nào, đó là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” (do Đăng Hạ) đứng ra xuất bản với một nội dung vừa kém nhưng điều quan trọng là có nhiều sai phạm lớn do sao chép thơ người khác (đạo thơ) quá thô thiển. Tập thơ này được lưu hành rộng rải trong tỉnh Bình Thuận và được công bố giới thiệu nhiều hình thức. Trước đây, ở địa phương chúng tôi cũng được phổ biến một tập thơ tựa Cát Bồi của Minh Trinh, dưới hình thức NXB Văn học liên kết Câu lạc bộ  Sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản (Cụ thể ghi in 1000 cuốn, tại Nhà in Hà Đăng. Giấy Chấp nhận KHĐKXB số 233-2012/CXB/25-07/VH ngày 23/4/2012-nộp lưu chiểu quý II/2012). Chất lượng nội dung rất kém.

            Tôi xin cung cấp các thông tin liên quan để NXB nghiên cứu nhằm bảo vệ uy tín tên tuổi NXB Văn Học, xứng đáng là Bà Đỡ cho nhiều tác phẩm Văn học có chất lượng.”

Ngay sau khi nhận được thư từ nhà thơ Phan Chính, NXB Văn học đã lập tức rà soát lại công tác cấp giấy phép xuất bản, đặc biệt là kiểm tra số giấy phép của hai cuốn “La Gi biển nhớ” và “Cát bồi” theo như thông tin mà nhà thơ Phan Chính cung cấp.

Thật bất ngờ, trong danh sách cấp giấy phép của NXB hoàn toàn không có danh mục hai cuốn sách này. Rõ ràng đây là sự mạo danh, làm giả một cách trắng trợn của Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam.

Vén tấm màn bí mật về “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam”

Thật trùng hợp, chúng tôi cùng lúc nhận được bài viết của nhà báo Lê Hồng Thiện, vén tấm màn bí mật về “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” (CLB), Số hội viên của CLB này theo thống kê sơ bộ có trên 4500 người, sinh hoạt tại 15 chi nhánh đóng tại các địa phương (như: Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hoà Bình, Hà Nội, Thanh Hoá, Hải Dương, Đồng Nai  v.v….).  Người khai sinh ra CLB  là Đăng Hạ - một nhân vật hoàn toàn xa lạ với giới sáng tác .

Vậy Đăng Hạ là ai?

Trong phóng sự điều tra của mình, nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: Đăng Hạ tên thật là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, quê Thanh Hóa, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú hiện nay tại số 1, ngõ 31/2, đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Từ năm 2008, Ngô Văn Khích thành lập một số công ty TNHH tư nhân như: Công ty Cổ phần phát triển Truyền thông thương hiệu Việt, Công ty TNHH dịch vụ tư vấn Thành Phát (sau chuyển đổi thành Công ty Cổ phần dịch vụ và tư vấn Thành Phát và tiếp theo lấy danh nghĩa của Công ty Thành Phát này để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam (ngày 20/6/2009). CLB lấy địa chỉ nơi ở của  Ngô Văn Khích làm trụ sở hoạt động.

Điều kiện tham gia CLB hết sức đơn giản: chỉ cần 2 bài thơ và nộp phí (gồm phí nhập hội, và phí hàng năm). CLB dù lấy tên là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” nhưng thực tế hội viên đều là… “nhà thơ”.

Nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: “Bề ngoài CLB sáng tác VHNT Việt Nam họat động ra vẻ “phong trào”, nhưng bên trong Đăng Hạ làm nghề kinh doanh thơ phú, trong nhà Đăng Hạ có máy in màu, máy in đen trắng các hội viên của Hạ muốn in thơ đều phải qua nhà in của Hạ, Hạ vừa biên tập viết lời giới thiệu tán tụng và lo giấy phép, làm bìa. Tất cả các khâu này anh ta “ăn” đậm, “chém” đau các cụ. Chém các cụ như thế chưa đã, Đăng Hạ còn chém các cụ bằng các thủ tục hành chính, thi đua, khen thưởng.”

Với cái tên rất “kêu”: “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” nên không ít người nhầm tưởng nó là cơ quan ngang bộ, có người lại tưởng đó là … Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nên khi đi các tỉnh làm việc, Đăng Hạ và cộng sự của mình dễ dàng lừa phỉnh được lãnh đạo ban ngành tại nhiều địa phương.

Những việc làm khuất tất, thu lời bất chính của cái gọi là “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” đã lọt vào mắt các cơ quan chức năng. Bắt đầu từ 5/2/2013 CLB sáng tác VHNT Việt Nam đã bị ngừng hoạt động, theo yêu cầu của Bộ Công an, Đăng Hạ phải tự giải tán, có trách nhiệm thông báo cho 15 chi nhánh

Tuy nhiên, trong bài điều tra của nhà báo Lê Hồng Thiện cho biết: bất chấp kết luận của cơ quan công an, Đăng Hạ vẫn tiếp tục Đại hội theo dự kiến vào 13/7/2013. Hạ cho họp BCH mở rộng và lập danh sách BCH mới cho nhiệm kỳ II (2013-2018).Những hội viên bị sa thải ở nơi này lại đến CLB VHNT chi nhánh nơi khác cũng được Hạ cho tái kết nạp.

Xuất phát từ những sai phạm trên, Ngày 13/7/2013 cơ quan An ninh Hà Nội đã không cho CLB sáng tác VHNT Việt Nam  tiến hành đại hội. Tại Hưng Yên, sau khi có đơn tố cáo của một số cụ, phòng Bảo vệ Chính trị an ninh nội bộ công an tỉnh Hưng Yên đã xác minh và yêu cầu ông Lâm Sơn Hà – chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên dỡ bỏ tấm biển “Văn phòng đại diện CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên” trụ sở đặt tại số nhà 106, đường Tô Hiệu, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Sự “lộng hành” của “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” kéo dài suốt bốn năm qua, đến giờ mới bị phát hiện.
Nhà báo Lê Hồng Thiện bức xúc đặt câu hỏi trong bài viết của mình: “tại sao CLB sáng tác VHNT Việt Nam do Đăng Hạ lập ra và đứng đầu này đã tồn tại nhiều năm với những sai phạm như vậy mà nhiều cơ quan chức năng ở Hà Nội không biết? Câu hỏi này xin được gửi đến Cơ quan bảo vệ Chính trị an ninh nội bộ công an thành phố Hà Nội, Sở VHTT và Du Lịch, Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam?”

 Chúng tôi thiết nghĩ, câu hỏi cũng cần đặt ra cho cả những người cầm bút hiện nay, rằng: tại sao thơ bị lũng đoạn?

...  Lời bàn của em:
Có cầu thì ắt có cung
Tại ai  nhấp nhổm ... cảo thơm ...đẻ đời
Nên thằng Đăng Hạ nó sơi !!!