Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

MỘT CHUYỆN TÌNH



Lẽo đẽo theo cụ Vũ Quần Phương suốt cả tiếng đồng hồ, chiều ngày 8/3/2013 được nghe cụ rủ rỉ một số chuyện, nhưng tịnh không thấy giai thoại về nữ sĩ X.Q như trang Nhật Tuấn đã đăng (Bác N.T  có gửi mail tặng mình), nhưng cụ Phương bảo nên tìm đọc Trần Nhuận Minh, thú vị lắm. Vậy là mình vào, tìm mãi, giờ mới thấy, đăng hầu các bạn..
          Trần Nhuận Minh từng để tay lên ngực, nơi có trái tim rất thực và thề rằng, trên đời này, ông chưa hề biết đến người đàn bà nào khác ngoài vợ(!) Chắc sẽ phá lên cười, nhưng với vẻ mặt thành thực đến tội nghiệp của Trần Nhuận Minh, tôi tin !( Blog Mùa thu Hà Nội).

nha tho Tran Nhuan Minh

                                                    

( Nhà thơ Trần Nhuận Minh )
Nhưng khổ thế, người đàn ông một đời duy nhất chỉ biết có vợ mình, chỉ yêu mỗi vợ, thực hiện chức năng đàn ông, vai trò bổn phận một cách tuyệt đối chung thuỷ, chưa chắc đã viết được những câu thơ hay, ám ảnh người đọc như từng viết cho người yêu của mình, dù mối tình chỉ là mây gió bảng lảng khói sương…cho dù sự ám ảnh ấy chưa chắc đã là tình yêu, mà đó có thể chỉ là một hoài niệm mất mát trong quá khứ.

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau

Anh đã chẳng buộc em bao tội lỗi

Em đứng lặng. Mặt úp vào bóng tối

Khổ thân em có nói được gì đâu

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau

Anh đã chẳng hẹn em đêm ấy nữa

Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ

Và tương lai ít ra cũng ngọt ngào

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau

Anh đã chẳng trách em yêu người khác

Điều đơn giản bây giờ anh mới biết

Thì em xa, em đã quá xa rồi“…

Bài thơ tình này, và rất nhiều bài thơ tình nữa trong những tuyển thơ của Trần Nhuận Minh, ông đều viết cho một người con gái trong mối tình đầu. Người con gái ấy làm kế toán ở một lâm trường, vì thế trong thơ tình của anh, rừng thường hiện lên với nhiều cảnh sắc huyền diệu.

Thời ấy, ông còn là một thầy giáo. Mỗi lần được nghỉ dạy, thầy giáo Trần Nhuận Minh lại hối hả đạp xe lên rừng thăm người yêu. Yêu nhau đã lâu nhưng có bao giờ thầy giáo Trần Nhuận Minh dám cầm bàn tay người yêu mình, dám đâu vuốt mái tóc mượt mà của nàng, hay nói lấy một từ yêu thương, nói gì đến nụ hôn. Bao nhiêu lần gặp nhau, đi chơi với nhau trong cánh rừng chỉ có hai người, thầy Minh vẫn giữ một khoảng cách đủ cho sự thiêng liêng thánh thiện của tình cảm.

Sự rụt rè “ngu ngốc” ấy đã làm cho ông đánh mất người yêu mình, và để lại phía sau cuộc đời ông những bài thơ tình buồn xa xót.

Đêm ấy rừng thu, nhiều trăng quá, nhiều trăng quá

Vàng rót tràn trời

Anh muốn nắm tay em mà không dám nắm tay em

Mỗi chiếc lá là một con mắt nhìn

Đứng ở chỗ nào cũng thấy trống trải…

Đêm ấy rừng thu, nhiều gió quá, nhiều gió quá

Cây lá rì rào

Cây lá nói với nhau là chúng yêu nhau

Anh cũng muốn nói với em điều ấy nhưng anh im lặng“…

Và thế rồi, lần gặp lại sau, người yêu ông đã thuộc về một người đàn ông khác. Khi anh đạp xe đến thăm chị, có một người đàn ông lạ có mặt trong căn phòng của chị. Tối ấy, gặp nhau, chị đã nói: “Anh thì ở xa quá, những lúc em đau ốm, anh ấy đã ở bên cạnh em, chăm sóc em, vì thế mà em đã yêu anh ấy và anh biết đấy, điều gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi”.

Sau đó, bài thơ “Thơ tình ngày không em” ra đời.  Anh hỏi: “Bây giờ em có còn yêu anh nữa không”. “Em vẫn còn yêu anh”. Vậy thì em hãy theo anh, anh đưa em về ra mắt thầy mẹ anh rồi chúng mình cưới nhau”. ” Không được, anh ạ. Em đã thuộc về anh ấy rồi”. “Không sao, nếu em còn yêu anh, thì điều ấy coi như là không có”. ” Cũng không thể được, anh ạ. Em không có đủ can đảm để nhìn vào mắt mẹ anh mà nói…”. Nhà thơ Trần Nhuận Minh nói rằng, sự trung thực thẳng thắn của nàng làm cho nỗi nhớ của anh thêm nặng lòng hơn.

Hôm ấy, người tiễn Trần Nhuận Minh ra về lại chính là người đàn ông vừa thế chỗ anh trong trái tim người con gái anh yêu. Trần Nhuận Minh cho rằng, anh rất mừng cho nàng đã có được một người chồng tử tế và chu đáo mà anh hiếm gặp. Gần 30 năm sau, đúng vào sinh nhật lần thứ 50 của nhà thơ Trần Nhuận Minh, người đàn ông năm xưa giờ đã là chồng của cô gái ấy, đã đưa vợ từ Sài Gòn về Quảng Ninh nghỉ mát và tìm đến nhà Trần Nhuận Minh.

Khi đến nhà, chỉ có mình vợ ông ở nhà, người đàn ông ấy đã nói với vợ ông rằng: “Chị ạ. Nhà tôi đây và chồng chị, ngày xưa hai người yêu nhau. Nhưng họ không lấy được nhau, cũng là số trời. Nay nhà tôi đã già, chỉ muốn được một lần tận mắt trông thấy anh chị“. Khi ông về, vợ ông thuật lại cho ông nghe và trong chiều đó, Trần Nhuận Minh đã viết bài thơ “Tím biếc”:

Sắc chiều bay trên thành phố úa vàng

Mây chợt thức giữa cơn mơ ngơ ngác

Khói biển lan xanh mờ con sóng bạc

Một nửa mùa thu nghiêng bóng xuống khoang thuyền

Cây cỏ vô tình nhuốm nỗi dở dang em

Gió thổi suốt đêm trăng mười bảy tuổi

Em ở đâu đây? Trời dịu dàng bối rối

Thả vào hồn ta giọt sương cũ đầm đìa…

Bầu không trong, tinh khiết đến nhường kia

Mái phố sẫm nỗi buồn mùa đông rớt

Chân ta vấp bóng chiều ẩm ướt

Em nhớ ta chăng? Gió động sắc bàng già

Năm tháng qua đi. Vui buồn cũng qua đi

Ta cúi nhặt dấu chân thời mây nước

Bồng bềnh hỡi! Làm sao mà tới được

Một màu QUÊN lãng đãng cuối trời XƯA…“.

Sau khi bài thơ này in ở báo Văn nghệ, nhà thơ Trần Nhuận Minh nhận được điện thoại của chồng người yêu cũ nói rằng: “Anh Minh ơi, tôi đã đọc và mua tờ báo văn nghệ có bài thơ anh viết tặng nhà tôi rồi. Nhà tôi đọc và xúc động lắm. Tôi biết, đây là bài thơ anh viết dành tặng cho vợ tôi”.

Trần Nhuận Minh rất bối rối, ông bèn nói: “Cảm ơn anh chị. Nhưng bài thơ ấy, tôi không viết về chị ấy đâu”. Nghe xong câu này, chồng người yêu cũ của anh, hạ giọng xuống. nói rất khẽ: “Anh Minh này, anh nói khẽ thôi, kẻo nhỡ nhà tôi nghe được nhà tôi sẽ buồn lắm đấy”.

Ngừng một lúc, ông lại nghe: ” Anh Minh ơi, đây là số điện thoại của nhà tôi. Anh ghi đi…Thi thoảng, anh nên nói chuyện với nhà tôi, để nhà tôi đỡ buồn. Tôi đi làm cả ngày, chỉ ở nhà vào ngày chủ nhật…” Chính vì thế, mà cho đến nay, ông chưa một lần gọi vào số máy ấy…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh tâm sự rằng, ông chưa từng thấy trong đời, một cặp vợ chồng nào yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc, và trân trọng kỷ niệm của nhau đến như vậy.  Mỗi lần ra tập, Trần Nhuận Minh vẫn gửi sách vào tặng cho cả hai vợ chồng. Trong một bài thơ của ông có đoạn: “Ta giáng sinh vào tình yêu của Em/ Vì thế, suốt đời Em khao khát/ Những gió trăng muôn thuở chẳng bến bờ/ Và vĩnh viễn, nợ nần khói sương“.

Sau đó, người yêu cũ của ông đã ra một tập thơ lấy nhan đề: “Nợ nần khói sương”, trong có có câu mà ông lấy làm đề từ cho bài thơ “Tím Biếc”: “Trái vàng cho em chẳng chín/ Thì thôi xanh đến bạc đầu“. Tập thơ này, người chồng đã đứng ra in cho vợ mình. Hôm ra sách, hai vợ chồng bay từ TP HCM ra và đến nhà tặng cho hai vợ chồng ông. Mối tình ấy đã nhuốm màu bàng bạc, bảng lảng trong những trang thơ của Trần Nhuận Minh như một sự dang dở của cái đẹp, sự khao khát vươn tới sự hoàn thiện của tâm hồn con người.

Trong một bài thơ tình mà ông nói, có lẽ là bài thơ tình cuối cùng, ông đã viết:

Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời rồi

Vào phút ấy thì em nên gần nhé

Đứng ở vòng ngoài nói cười khe khẽ

Như một người dưng…Anh vẫn nhận ra em

Ta đã không nhau, tất cả mọi ngày đêm

Vào phút ấy thì em nên có nhé

Dù bận thế nào, em cũng nên lặng lẽ

Đi theo anh..chỉ một đoạn đường thôi

Ta đã quên nhau, trong tất cả mọi buồn vui

Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé

Hình như đài đưa tin, Hình như ai nói thế

Hình như là… chả ai nói gì đâu…

Phút ấy là phút gì, tôi chắc là bạn đọc đều hiểu cả…

Lê Thị Thanh Bình (Theo CAND)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

MỪNG THỌ THI NHÂN

             Hôm qua, trung tâm VHTT tỉnh cùng câu lạc bộ Hương Đào tổ chức " Cao Thành với phong trào thơ Sơn La", là món quà ý nghĩa, mừng anh Cao Thành, chủ nhiệm CLB thơ Hương Đào suốt 16 năm qua, tròn 80 tuổi.
              Rất đông những người làm công tác quản lý VHNT của tỉnh, của các bạn và thi hữu đến dự.
              Mình nhớ là anh Thành có  ghi tặng mình một bài
                   
1

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

TẤM HÌNH NGÀY 8/3



Nhóm dân phố chúng tôi đa phần là lao động tự do, một số ít là công nhân nghỉ một cục về chạy chợ, nhưng phong trào phụ nữ sôi nổi lắm, các nhóm trong xóm phục sái cổ; chí ít, mỗi năm đôi lần kỷ niệm giới đều góp gom để hò hét tưng bừng cho bõ 363 ngày lam lũ.
          Năm nay cũng không ngoại lệ.
          Được cái, các ông chồng ở nhóm tôi lành mạnh lắm. (Cả mạnh lẫn lành). Mạnh thì rõ rồi, trọm trẹm bốn chục nghỉ mất sức, ai nấy bắp thịt cuồn cuộn, chiều dăm bẩy séc cầu lông là chuyện nhỏ, thuế má đủ đầy, nên mỗi tháng hơn triệu bạc lương, các anh được chị em cung phụng như những ông hoàng. Lành là kết quả tất yếu của phong trào bình đẳng giới. Cơm no bò cưỡi, hoạ có điên mới gây sự. Thế nên nhà nhà đều treo bảng công nhận gia đình văn hoá do phường tặng.
          Tôi mới mua nhà, về nhập xóm được mấy năm, lấy đó làm mừng.
          Của đáng tội, tôi không tháo vát được như họ, nên cứ lăn tăn, các chị phải động viên mãi mới vào, vậy rồi sinh ham, chỉ mong vài tháng nào lại có ngày Phụ nữ hay biết bao? Để rộng cẳng, chiều ấy tôi mang đứa con út lên gửi thím, lối nào thím chả phải trông hai đứa song sinh của mình, rồi te tái lên khu văn công thuê trang phục cho cả nhóm, chẳng phải biểu diễn chi đâu, chụp hình cho vui ấy mà.
          Dăm bẩy chị em, tuổi sồn sồn hăng máu lắm, thôi thì tạo dáng đủ kiểu, đèn chớp nhoang nhoáng, mặt hoa da phấn, phó nháy luôn mồm khen. Chết nỗi, đúng lúc tạo kiểu chéo tay, nhón chân y như vũ công Ba lê, thì điện thoại giắt trong quần rung, làm mình cười sặc như điên. Điện thoại cô em dâu báo đứa nhỏ bị nôn. Thoáng lo lắng, rồi tặc lưỡi. Ôi giời! con mình vẫn thế, viêm họng hạt,  nuốt nước dãi vào, nôn trớ ra, có gì lạ! Thế nhé, thế nhé, rồi cười toét. Rồi lão chủ quán cao hứng lao sát vào vịn vai. Phó nháy lại làm cái roác. Cực đẹp ! Nữa đi, nữa đi! Trong ngày hội vui vẻ, đông người, sợ gì. Roác!  Hết ý !
          Vui nữa là lúc cụng ly. Phụ nữ Kinh có truyền thống đáng ghét là chẳng thật lòng. Dù mình có uống được bao nhiêu, nhưng ở nhà, trước mặt chồng con, cứ phải giả vờ không uống được. Giờ là lúc chim được xổ lồng, tẹt ga đi! Rượu vào, cái gì ra được thì ra tuốt. Hôm nay là ngày phụ nữ vùng lên, chúng mày ạ- Gớm ông hói nhà tao sợ độ cao, tao đã chẳng vùng lên phi ngựa  từ lâu rồi, ai nấy cười chẩy nước mắt. Lúc đó, hình như chồng mình đi ngang qua, liếc vào, thấy vui, không gọi, giời đánh còn tránh miếng ăn. Cám ơn chồng nhá! Mãi sau sang phần hát hò nghiêng ngả, mình đành giã bạn, vì có thằng nhỏ  chạy vào nói khẽ vào tai: Con cô bị làm sao ấy!
          Suốt buổi tối ấy, con bé nóng như hòn than, nôn vài lần, thành một bãi to bằng cái áo buồm, chồng mình nhẫn nại xé cuộn giấy vệ sinh gon lại, lưng một chậu, đổ vào toa let, tắc, mình chửi ngu, chồng  im, ngượng.
          Mặt trời thốc những tia nắng quý hoá, rất giầu VitaminD vào mặt, tôi bừng tỉnh và nhớ lại tất cả, cũng là lúc lão phó nháy nhe nhởn đứng dưới đường gọi vống lên mời người đẹp ra nhận ảnh. Toàn phôtôsốp, hoa hậu quý bà còn phải chạy!  Hắn còn tưởng bở,  nghiêng sát đầu bình loạn, khi tôi lơ đãng lật vài tấm, xem chiếu lệ. Bao nhiêu? Hữu nghị, giúp ấy mà, vài trăm bạc, bõ bèn gì?
          Trời ơi! Nếu lão phó nháy biết rằng, hiện nay kể cả đồng mua  gói muối I- ốt gia đình tôi cũng còn đang phải vay nợ lãi đây, vay ngoài đấy; nhưng vẫn cố tạo dáng một lần nữa cho oai, để em lên mở két. Kỳ thực là tôi tìm cái ví, hôm qua con bé nôn dây vào, anh quệt qua quýt vào quần, rồi dúi xuống dưới gối để xem còn đồng nào không; chứ két kiếc gì, thông thống từ trước Tết, ai thèm khoá.
          Trước mắt tôi bây giờ là tấm giấy viết tay khất nợ của chồng, nét chữ hoạt với chữ ký rồng lộn không lẫn vào đâu được, phía dưới là bút phê của kẻ cho vay nợ lãi: "7 tiếng đồng hồ sau ngày 8/3" với cái dấu nhân thay cho chữ ký.
          Tôi hiểu ký hiệu này.
           Nhoi nhói đâu đó nơi ngực trái. Chồng  ơi?
           Này thì ảnh !
                                         11/3/2013

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

MỘT GIỜ HẦU CHUYỆN PHẠM VIẾT ĐÀO

Dịp Tết, du Xuân Nam Định, Thái Bình xong,  nán lại HN thăm con, mình có dịp hầu chuyện anh Phạm Viết Đào, người đã cho mình cái hẹn từ hồi trong năm.
Được trò chuyện cùng anh nhiều điều, đặc biệt, dịp này, anh " hói" nổ rất quyết liệt! Điều ấy không làm mình sướng bằng cùng anh trao đổi về tâm linh, về cái ngượng của anh,  khi phải viết lời xin lỗi trước hàng ngàn người yêu và đọc anh mỗi ngày, về cái  niềm tin thái quá vào " Trung tâm TL " xứ Nghệ dự báo về động trời, động đất...hồi năm ngoái
 Mình nhờ anh, bằng ảnh hưởng của trang " Văn chương, thế sự, tâm linh" hãy  đưa ra công luận cái câu chuyện ly kỳ  và  bi thảm mà mình đã Post lên mạng với tiêu đề " Có nỗi oan nào lớn hơn".
 Sau đấy, anh tặng mình cuốn thơ" Thơ hậu hiện đại ION MILOS"  anh dịch và in từ 2009.
Xin giới thiệu một bài:
                   THỜI GIAN VÀ TÌNH YÊU
                  Thời gian ơi, xin hãy đừng trôi
                   Đó là lời khẩn cầu
                  Của những kẻ đang yêu

                   Tại sao các vị lại không cầu ngược lại
                   Tình yêu hãy ở bên các người mãi mãi
                   Còn thời gian thì...
                    Cứ kệ nó trôi đi

Ngồi bên NGƯỜI NỔI TIẾNG

Nhà thơ Vũ Quần Phương, quá nổi tiếng, được các thế hệ bạn đọc yêu thơ qua hàng chục tập thơ, bình thơ, giải thưởng Nhà nước năm 2007; ông còn nổi tiếng là người biết tạo dựng và giữ gìn hạnh phúc: vợ đẹp, con khôn, gia đình êm ấm. Đặc biệt, người con trai cả, giáo sư Vũ Hà Văn, giải thưởng thế giới (tra cứu sau, hình như cũng xấp xỉ giải Feu mà giáo sư Ngô Bảo Châu được tặng) về toán.

Ngày 8/3 vừa rồi, mình hân hạnh được... ngồi bên ( hì hì!) để nghe ông đọc 3 bài thơ mới viết!
 Tuy nhiên, sau đó mình đọc lại thích nhất bài thơ Gửi sen trong tập Chân trời sau chân trời  mà ông  thân  quý tăng mình:
                                                                        Gửi sen
                                                           Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
                                                                                (Ca dao)
                                                             Quên bùn vội thế hả sen
                                                       Vừa ngoi khỏi nước đã chen hóng trời
                                                            Hóng mây, hóng gió cao vời
                                                       Lả lơi gương nhuỵ chào mời gió trăng
 
                                                              Nữa mai tàn tạ trong đầm
                                                         Ai buông giọt lệ âm thầm khóc hoa
                                                               Đâu vàng, xanh, trắng cao xa
                                                        Nuôi mầm, giữ gốc lại là bùn đen

                                                            Quên bùn vội thế hả sen !
                                                                                                9-3-2011
         Sao lại viết sau  ngày QT phụ nữ chỉ 01 ngày ? Ông tủm tỉm cười độ lượng, kéo tay mình chen vào sân

 nông trường Cờ Đỏ, nơi đang diễn ra cuộc thi "Nữ công gia chánh" rất rôm rả để thưởng lãm các món ăn dân tộc được bày san sát, rất bắt mắt. Các văn nghệ sỹ Hà Nội cực thích thú, mồm hỏi, tay ghi, máy quay, ảnh chụp, lúc gần lúc ra... chị em ngượng phát sướng!