Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

"CAN TỘI GIẦU, MỘT THỦA..."

           Nghệ-Tĩnh, ai chả biết là quê hương của tiếng trống Xô-Viết, cuộc diễn tập lần thứ nhất, đường lối cách mạng vô sản Việt Nam. Nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú, tiền bối cho Đảng, cho Cách mạng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong...
           Nhưng ít ai biết rằng...
           Vâng! ít ai biết, chưa ở đâu trên đất nước ta, cương lĩnh của Đảng ( Hội nghị lần thứ nhất, tháng 10/1930)  về giai cấp được thực thi triệt để đến vậy, và tàn khốc đến vậy trong cuộc Cải cách ruộng đất.
          Thầy giáo dạy Văn cấp 3 tôi," thoát cơn ác mộng giữa đêm trường" bởi gia đình thầy" Can tội giầu một thủa" đến nỗi:
              Chị cõng em Đồng sang Nghi Xuân
              Đường xa, sức kiệt mấy gian truân
              Sợ con địa chủ, ai người nhận
               Lại cõng em về
                                     tủi cực thân!
            Đã có nhiều nhà văn dũng cảm viết về những ngày tháng ấu trĩ và đen tối này: Ngô Ngọc Bội, Hoàng Minh Tường...
            Sẽ còn nhiều hồi ký chân thực về nỗi oan khiên. Nay xin rinh từ trang Nguyễn Trọng Tạo về một đoạn trong hồi ký ấy... của Thái Doãn Hiểu
           

THÂN PHỤ TÔI

 
 
 
 
 
 
2 Votes

THÁI DOÃN HIỂU
 Giáo sư Hương trường, Bác sĩ Đông y THÁI DOÃN TIÊN (1904-1988)
Giáo sư Hương trường, Bác sĩ Đông y THÁI DOÃN TIÊN (1904-1988)
Cha tôi sinh năm Thìn (1904), và người mất cũng năm Thìn (1988). Những hai con Rồng cơ đấy! Ông cưỡi Rồng đến với thế giới hoang dã này và giã từ thế kỷ máu lửa đầy giông bão này cũng trên mình Rồng. Nhưng rất tiếc con Rồng của cha tôi chỉ là Rồng Đất, Rồng giáng chứ không phải Rồng thăng. Bạn thử nhìn kỹ coi. Nó không có vảy, nghĩa là Rồng lươn như thời nhà Lý. Nó chỉ giỏi bò và trườn hệt lươn. Náu mình trong đầm phá, bao phen Rồng cất mình bay là là trên mặt nước rồi bổ nhào đâm đầu cắm xuống bùn, suýt chết.
Năm 2000, đón chào thiên niên kỷ mới anh em nhà chúng tôi dù tứ tán khắp nước nhưng đều nhận được tập hồ sơ tù của cha tôi Thái Doãn Tiên cùng chú  Út Thái Doãn Nghiên do Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh gửi. Thật xúc động khi nhìn gương mặt trẻ của cha chú đầu trọc lốc, gầy gò, mặt rầu rầu trong tư thế chụp chính diện hay chụp nghiêng… Do mối quan hệ tốt đẹp thế nào đó, Chính phủ Pháp có thiện ý giao cho phía Việt Nam 300 hồ sơ tù nhân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 của Sở Mật thám Đông Dương tàng trữ ở Paris. Danh sách có đăng báo Nghệ An. Cha tôi lãnh bản án 5 năm tù cấm cố với tội danh “Trong hỏi cung khai là đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, chi bộ Vầng Hồng”. Thật dám làm dám chịu đúng tinh thần thượng võ của một con người trung trực. Khai làm cộng sản thì tù mọt gông chứ chẳng chơi. Xót con, bà nội Hoàng Thị Nguyên phải bán không biết bao nhiêu mậu ruộng chạy đôn chạy đáo mới lo lót cứu hai anh em ra khỏi tù, thoát chết, sau 2 năm bị nhốt xà lim Vinh.
Sau 12 năm ngâm cứu, nhờ  sự  kiên trì  của cháu Thái Thị  Hải Châu với tất cả lòng yêu kính ông nội, ngày 18-2-2012, từ Thành phố Vinh, Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An ra quyết định 1545- QĐ/TU  công nhận Đồng chí Thái Doãn Tiên (1904-1988) Nhà giáo, Bác sĩ Đông y quê xã Yên Lăng, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An (nay là xã Thịnh Sơn huyện Đô Lương) là  Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương vào Đảng năm 1931, nguyên là cán bộ hoạt động cơ sở có thời gian hoạt động cách mạng từ 1928 đến 1931. Gia đình đồng chí Thái Doãn Tiên được hưởng chế độ đãi ngộ đối với bậc lão thành cách mạng trước 1-1-1945 kể từ ngày ký quyết định. Kèm theo là 50 triệu đồng. Thay mặt Ban thường vụ, Phó bí thư thường trực. Đã ký Trần Hồng Châu.
Bao nhiêu biến thiên dâu bể cuộc đời. Cha ơi, cha không còn sống để thấy sự kiện lớn ngày hôm nay. Cha được chiêu tuyết rồi ! Cha sống lại rồi ! Bao nhiêu tháng năm dài dằng dặc cha ngậm oan để sống. Cha bị nghi ngờ, xét nét, hành tội bởi những người lãnh đạo chính quyền. Họ vẫn giao việc như Chủ tịch làng Kim Liên khi cướp xong chính quyền, Trưởng ban Bình dân học vụ xã Yên Hòa trong chiến dịch diệt giặc dốt 1946-48…Bác sĩ đông y Thường trực trạm xá xã 27 năm… nhưng họ không tin. Họ hành xử theo cương lĩnh Xô Viết Nghệ Tĩnh do Trần Phú thảo “Trí, phú địa hào đào tận gốc xốc tận rễ..”, xem ông là phần tử trí thức xấu – kẻ thù của giai cấp cần loại bỏ. Họ xử tệ với cha tôi bằng những hành vi thô bạo nhắc lại thêm đau lòng. Các con của ông cấm không được học bất cứ một trường đại học nào, không được vào đảng trong tiến trình chúng tôi cúc cung đi theo cách mạng. Trong lý lịch đi học Đại học sau khi rời quân ngũ của tôi, hồ sơ mật bí thư TD Ngữ bịa tạc ghi “ông bố tổ chức tập toàn phú hữu chống phá cách mạng”. Việc vào đảng của mấy anh chị tôi mới bi đát hơn : anh Sửu 33 năm 5 làm đối tượng Đảng, Chị Thanh 35 năm đối tượng Đảng. Anh Hảo 25 năm đối tượng Đảng. Chỉ có anh Sửu kiên trì nên thành công. Trời, thời đó mà có một đạo bùa chú như thế này hôm nay thì  chúng tôi đâu đến nỗi long đong lên bờ xuống ruộng. Không phải riêng cha tôi mà cả 7 anh chị em chúng tôi nữa đều là nạn nhân của các đồng chí của cha tôi! Cũng may, Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại bị dìm trong bể máu, nếu nó thắng lợi thì còn đau biết gấp mấy lần cho anh trí thức?
Cho đến tận ngày mất, chưa bao giờ thấy cha tôi khoe với các con tao là “đảng viên Cộng sản” như một vinh danh thời thượng. Hình như có uẩn khúc gì đấy, ông ém nhẹm giấu tiệt điều này tài thế. Chỉ có chuyện này thì ông kể say sưa : ông bị nhốt cùng một xan với cụ Hồ Tùng Mậu và Tôn Quang Phiệt. Mấy ông trí thức hay chụm đầu vào nhau bàn bạc chuyện quốc sự. Bọn cai ngục thấy bất an bất lợi, tách mỗi người ra một khám. Không được trò chuyện với nhau cũng buồn, cha tôi nẩy ra sáng kiến khi đi tiêu, nhặt những tờ báo người ta chùi khu có tít chữ lớn giữ lại. Khi muốn thông tin cho các cụ, chỉ cần kết nối các con chữ lại với nhau trên một tấm bảng. Vì phát minh này mà các cụ bị bọn cai ngục đàn áp cho ăn một trận mưa dùi cui. Cha tôi lõa máu đầu chạm đến não di hại đến cả cuộc đời, về sau cứ  hễ động trời cắn nước thì đầu lại đau như búa bổ.
Ra tù cha tôi lại trở về với nghề gõ đầu trẻ, tuy có gián đoạn một thời gian tù đày. Mặc dầu có tì vết nhưng bọn Pháp thực dân  vẫn tin dùng người. Ông tốt  nghiệp trường sư phạm Bảo hộ, ra trường năm 1926 với tấm bằng ghi rất trang trọng “Giáo sư Hương trường”. Ông Giáo sư hương trường dạy học trò trường làng khai tâm phóng học đến cấp một với đồng lương đủ cho cả nhà sống sung túc: 9 đồng/ 1 tháng lương khởi điểm (2đ 8/ 1 tạ gao), vải, đường, xà phòng, thịt hộp… phát riêng. Ông ăn vận rất sang, mặc Tây, mặc Ta đủ cả, thích nhất là bộ quần ba ba tơ tằm màu mỡ gà do mẹ tôi nuôi tằm dệt lụa làm lên. Chân ông dận đôi dép cao su Sài Gòn trắng mỏng dính, đầu đội mũ phớt, tay cần cái ba tong và đi trong tư thế ung dung đạo cốt. Những lúc cao hứng ông làm thơ hoặc đọc cho chúng tôi nghe một đoạn văn của Bôđơle hay Veclen thật diệu nghệ, phát âm chuẩn như Tây. Ngày nghỉ, ông thường lên  Thị trấn Đô Lương đi  bát phố coi cảnh phố phường buôn bán nhộn nhịp  sầm uất, kết thúc bằng một chầu phở xào giòn mà ông khoái khẩu, rồi lại thong dong bộ hành 4 kilômết về nhà. Bọn trẻ chúng tôi căn giờ đón ngoài cổng. Gặp ông là sà xuống vây quanh, thọc tay vào áo bađơxuy lôi ra những thỏi bánh mì  thơm thơm mùi lúa mạch, mùi lên men chua chua. Mẹ tôi lườm lườm nhìn ông và lũ trẻ mắng yêu “Cao lâu thì cha xơi, đem về cho con những cục cơm nguội nướng”. Theo định kỳ, ông được tăng lương lên 11 đồng, 15 đồng…Ông giáo Thiệu (tên chị Cả) mà  dân  làng và  học trò  kính cẩn gọi như  thế  đã sắm được xe đạp Steclinh ngang với ông nhà giàu PhóKy.
*
Vào đầu năm 1953, xóm trên làng dưới bỗng truyền đi tin đồn: Một ông công an gộc, nghe đâu là trưởng đồn công an huyện Con Cuông sẽ biệt phái về xã Yên Hoà để đối mặt với một tên phản động gộc. Hắn về thật. Hắn là Học Mai,Thái Doãn Mai, có học chút ít nên mới gọi là Học. Hắn về chiều thì hai giờ sáng đã đến viếng ông  chú họ. Lễ nghĩa quá ta ! Tên hung thần này kéo theo một đám lâu la dăm  bảy đứa tay gươm, tay mác bặm trợn như lũ cướp. Học Mai vận một bộ quân phục ka ki vàng choé thưả theo lối Amêricơn bê rê trễ trên đầu, súng pachoọc chễm chệ bên hông, nòng dài quá đầu gối, giày săng đá với những hàng đinh dày lộp cộp nghiến trên nền gạch. đến ghê. Hắn đập cửa rầm rầm, dựng cả nhà dậy. Mọi người nhà tôi ngái ngủ tưởng trời sắp sập. Học Mai cất cái giọng khê lòm rin rít qua hai hàm răng sít sịt đều đặn trắng nhởn như bắp ngô :
-  Lệnh bắt người và khám nhà.
-  Lệnh của ai !Vì tội gì ? – Mẹ tôi hỏi
-  Lệnh của Công an. Tội làm phản động, làm giặc.
-  Chứng cớ đâu ?
-  Chúng tao sẽ đập cho lòi cái chứng cứ ra !
-  Công an không có quyền, chỉ có lệnh của Tòa án mới có hiệu lực – anh Hợi vặc lại.
-  Đừng lôi thôi lắm lời. Chính quyền – toà án – công an chỉ là một. Lệnh ai chẳng được. Chúng bay ! khám nhà.
Sau hai tiếng lục soát chẳng tìm được gì khả nghi, chúng tiu nghỉu bắt cha tôi và anh Hợi đi để lại một bãi chiến trường ngổn ngang tủ, bàn ghế tanh bành,  quần áo bươi chười, sách vở tài liệu rủ tằm rủ rối. Mẹ tôi ngao ngán, thở dài. Các anh em tôi chết lặng đứng như trời trồng.Cảnh cướp bóc ở nhà Vương Ông dưới chính thể mới đang tái diễn.
Tối hôm đó, Học Mai hối thúc dân làng đến Hội quán làng mở cuộc đấu tố cha tôi. Hai cha con bị bắt quỳ dưới đất, ngứa không dám gãi. Hắn tuyên bố :
- Trước mắt bà con dân làng là một tên phản động gộc. Hãy tấn công không khoan nhượng vào tên tội phạm, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân. Theo tình báo của ta, thằng thầy giáo Nguyễn Ngạn làm việc ở ban tu thư Bộ Giáo dục đứng ra thành lập một chính phủ lâm thời phản động gọi là Cộng hòa Việt Nam. Danh sách nội các chính phủ của y gồm 15 bộ trưởng. Cách đây nửa tháng tên Nguyễn Ngạn giữ chức Thủ tướng ghé qua nhà  Thái Doãn Tiên giao cho tên này chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Giáo Thiệu ! Ông có nhận tội không ?
Cha tôi từ tốn:
-  Có lẽ các ông nhầm với ai đó. Nguyễn Ngạn là bà con đằng ngoại mẹ tôi ở Yên Thành. Cũng như Phan Đăng Diêu, ông ấy là bạn  học đồng khóa sư phạm ghé thăm xã giao chứ tuyệt nhiên chẳng có chuyện tổ chức chính trị nào  cả như các ông vu oan giá họa.
-  Vu oan giá họa à !  – Học Mai rít lên – Nguyễn Ngạn hiện đã bị bắt, đang nhốt trong lao. Để xem cái thành thực của ông đến mức nào, ông giáo ạ. Sớm muộn rồi cũng cháy nhà ra mặt chuột. Ông ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc nên ông lú lẫn chuyên đi ca ngợi văn minh thực dân.
Lời ném qua câu quặng lại, gậy gộc đánh đập phũ phàng lên thân thể mảnh mai nhà nho của cha tôi. Ông bị treo ngược lên xà nhà hội quán. Thương cha, anh Hợi dùng vai đỡ cho cha khỏi mỏi, lấy thân làm chiến lũy thịt che chở cho cha mà không kín được, ông vẫn phải ăn những ngọn đòn hiểm từ mấy tay côn đồ đánh rất có nghề.
Khi đưa ông về đến chỗ tạm giam thì thân thể cha tôi rũ ra như ngọn rau muống héo, máu mê bết mặt, bết tóc, toàn thân bầm dập. Các anh chị tôi phải dùng thuốc  đông y xoa bóp khắp toàn thân để tan máu bầm.
Đêm thứ hai lại đến. Vẫn là trò nhục hình khốn nạn đó lặp đi lặp lại. Tiếng đánh đập thình thịch, tiếng kêu thét dậy trời. Đau quá, cha tôi xin khai. Chúng cởi trói hạ cha tôi xuống đất, thì vừa lúc ông ngất đi. Chúng lấy nước ruộng hắt vào mặt. Một chốc ông tỉnh lại, ngơ ngác không nhớ ra chuyện gì đang xẩy ra với mình.
Đêm thứ ba. Ngón đòn hiểm cuối cùng chúng dở dói ra là dùng lưỡi cày nung đỏ, bắt nghi phạm  ngồi lên may ra nó khai. Chiều ấy, mẹ tôi khẩn thiết nhờ lão bộc Bon cấp tốc ra Yên Thành mời cho bằng được ông Nguyễn Ngạn lên cứu chủ.
Khi quần ông Thiệu cháy khét rẹt, da thịt ông ở mông sắp chạm chiếc lưỡi cày đỏ lòm thì một tiếng thét vang lên :
-  Dừng tay! Ta là Nguyễn Ngạn đây. Các ông giết người vô chứng cớ. Ông đòi nhân chứng thì ta đây là nhân chứng sống. Còn gắp lửa bỏ tay người nữa không? Chúng tôi sẽ kiện các ông ra tòa về tội vu khống.
Học Mai sai người xét giấy tờ, cứng họng, đuối lý, nhũn như con chi chi, len lét như rắn mồng năm.
-  Chúng tôi lầm. Xin lỗi. Xin lỗi !
Ngay lập tức, Học Mai buộc phải trả lại tự do cho ông giáo Thiệu. Một vài tiếng chê trách xì xầm trong đám đông “Cháu giết chú. Đồ dã thú”. Học Mai đốp cháp ngay “Chú cháu thì rồi vẫn là chú cháu, nhưng nếu là kẻ thù giai cấp của nhân dân thì tôi đây không tha”. Các anh chị tôi khiêng cái xác thoi thóp của cha về nhà. Đau và mừng. Năm ấy cha tôi mới 49 tuổi qua ba ngày tra tấn nhục hình sọm đi như ông già bảy mươi. Mẹ tôi phải khôi phục những vết bầm dập toàn thân động đến nội thương lục phủ ngũ tạng mất ba tháng trời  bằng một lứa tằm chín ngào với  mật ong với khoảng dăm chục chén thuốc bắc..
*
Giữa năm 1955. Cải cách Ruộng đất  tràn qua quê tôi như một cơn lốc xoáy làm làng xóm xơ  xác tiêu điều, con người sống trong tâm trạng nơm nớp hãi hùng, sợ Đội như sợ cọp, không ai dám túm tụm chuyện trò sợ bị liên lụy. Chính quyền xã bị vô hiệu hóa. Đội Cải cách xâu rễ bắt chuỗi với bần cố nông, đoàn kết với trung nông lớp dưới, cô lập bọn phú nông, tiêu diệtgia cấp địa chủ, thành một thế lực lớn mạnh nhất thao túng làng quê. Hoe Giao, tay bợm trạng xung đội du kích xã vác thanh đại đao trên vai, áp giải ông chủ tịch xã Tùng. Ông bị hắn trói giật cánh khỉ bằng một sợi dây thừng to tổ bố đi nghệu nghễn ngoài đường. Hắn vào nhà Hoe Hoét, sợ ông bỏ trốn hắn trói nghiến ông Chủ tịchđáng kính vào gốc dâm bụt như trói chó làm mặt ông biến sắc nhăn nhó, đứng cũng không được, ngồi cũng không xong. Tôi đi ngang qua bắt gặp cặp mắt ông van lơn thấy mà thương. Ông Chủ tịch lãnh đạo xã nhà từ sau cướp chính quyền đến giờ rất có uy tín với dân làng bởi đức độ hiền hậu và tính mẫn cán trong công việc. Ông bị tội gì đây ? Tội phản động !
Gia đình cha tôi bị quy là địa chủ thường, sau khi đã trừ đi những tình tiết giảm nhẹ vô cùng quan trọng  là có người anh thứ 3 Thái Doãn Hợi quân cách mạng, vừa mới tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ông bị quy kết ba tội : 1-Trí thức (biết tiếng Pháp đích thị là tay sai gián điệp của bọn thực dân Pháp; biết chữ Nho đích thị là tay chân cho bọn phong kiến),  2- Phú: Gia đình  máu mặt có 7 gian nhà ngói, ao dưới vườn trên; 3- Địa: có những 2 mẫu 3 ruộng tự cày cấy. Vẫn là theo chuẩn của cương lĩnh Tổng bí thư Trần Phú vạch. Thoạt đầu cha tôi thoát án tử, rồi hạ xuống 20 năm tù giam cũng thoát nốt. Ông anh ở chiến trường đã đỡ thay cho bố thoát khỏi tử hình và tù tội, lợi hại thật. Nếu thế thì rất tiếc không động viên anh Sửu (chưa đủ tuổi) ra lính luôn – mẹ tôi tiếc rẻ – không chừng nhà ta chẳng bị thành phần cũng nên !
Ngày tịch biên gia sản đến. Một lũ khố rách áo tải 13 gã đàn ông 3 mụ đàn bà chân đất đầu trần sát khí đằng đằng, quần nâu áo cộc, tay thước tay dao xông vào nhà như chốn không người. Cha mẹ tôi bị du kích cầm gươm khống chế ngay. Họ đọc quyết định trưng mua 2/3 gia sản, đuổi cả gia đình tôi xuống mấy gian nhà ngang lợp tranh tá túc. Họ lục lạo, xô cái tủ đẩy cái ghế kêu rít lên. Ảnh chân dung của cha tôi bị giật xuống, gạch chéo mặt, vứt xuống sàn xéo lên cho hả. Tôi muốn thét lên, nhảy xổ vào thằng người thú cấu xé, nhưng sợ lưỡi gươm lăm lăm, lại thôi. Rút kinh nghiệm Cải cách ở Hà Tĩnh trước đó một năm, mẹ tôi là người đàn bà đảm lược, quyết không để của cải mồ hôi nước mắt của mình tạo nên lọt vào tay bọn nhác làm siêng ăn đã sơ tán triệt để những thứ  quý giá cho bà con họ hàng tâm phúc giữ. Cái nào cồng kềnh quá thì thôi hoặc bán tống bán tháo.Thành thử khi Ban thu mua vào nhà thực thi công vụ thì chỉ còn cái xác  nhà trống. Chúng bực tức hậm hực, truy cứu vàng giấu chỗ nào ? Tôi 12 tuổi và em Tâm 7 tuổi bị tách ra hai nơi để khảo vàng. “Thằng anh mày khai rồi, mày không khai tao cho một nhát gươm bây giờ.” Tâm một mực “Tui không biết”. Tôi bị một con mụ lải nhải tra khảo hoài, bực mình tôi chỉ tay lên ngọn dừa bên ao. Một thằng đầu trọc nhanh nhảu trèo lên lục lạo khắp nơi, bỗng nó la ré lên như phải bỏng, vội vàng tụt xuống gốc cây, mặt và người đầy kiến lửa. Nó chạy lại cho tôi một thoi như trời giáng vào mặt “Mày chơi khăm ông à?”.
Khi vào kho khám xét, người ta không tìm thấy gì, chỉ có đôi bồ con năm 1953, anh Hợi đi dân công Thượng Lào đem về. Trong bồ có gì ? Một mớ khoai dong chuột gặm nham nhở. Nhìn sang bên có một cái sàng đựng mớ rau má khô còng queo. Ông Đội ái ngại nhìn cốt cán Hoan “Thật tao không thể tưởng tượng nổi, cả gia đình 7 miệng ăn mà không có lấy một hạt gạo !?  Không hiểu chúng nó sống bằng gì ?”
Đến non trưa thì cuộc khám xét trưng mua và biên bản đã hoàn tất. Cái gì tốt họ mua như 7 gian nhà lim cổ, dong, gường mođen, sập, tủ gụ, còn cái gì cũ nát không dùng được thì tống xuống nhà ngang phần gia đình bọn tôi. Họ niêm phong nhà, giao một biên bản trưng mua cho cha tôi. Mua nhưng không có giá tiền, không hẹn bao giờ trả tiền. Vĩnh viễn không có tiền trả ?
Khi bọn đầu trâu mặt ngựa đi khỏi, tôi dùng nước thấm vào băng niêm phong mở cửa vào nhặt bức hình chân dung cha tôi. Tôi ôm vào ngực, lòng dào lên nức nở.    Đứng trước phòng ngủ đêm qua của cả nhà ấm cúng là thế nay thuộc kẻ khác rồi mà cám cảnh trời đất. Về sau, tôi đã bảo vệ bức hình cha tôi cẩn thận, dùng kỹ thuật hiện đại phục chế nó hoàn hảo hôm nay mới có đăng kèm theo bài này như bạn đọc thấy đấy. Đó là bức hình cha tôi chụp trước lúc người đầu đội vòng nguyệt quế ung dung đi vào bóng tối của nhà tù đế quốc 1931.
Cha tôi chỉ bị đưa ra Hội quán chòm đấu tố nhiếc móc một đêm. Vì chẳng có tội gì cả ngoài việc dạy chữ mở mang tâm trí bọn trẻ, ông tiệt không gây ra một ân oán cá nhân nào. Ông hiền có tiếng, đi đường hễ gặp đàn kiến hành quân qua, ông xuống xe nhấc hai bánh để không cán lên chúng. Bà con thương tình chỉ lườm nguýt qua quýt cho xong chuyện. Riêng ba gia đình lão bộc Duận, Nhã, Bon gia nhân của cố cụ Tuần tôi đều lên kể nhân đức Cố tiếp đến chuyện cha tôi  đã  chăm sóc họ tử tế như thế nào từ chuyện cất nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái họ… làm ông Đội cạu mặt đuổi huầy huậy xuống đài đấu.
Từng ấy cũng đủ hạ uy thế cha tôi, đường đường là một ông giáo đạo cao đức trọng. Ông co vào nội tâm sống âm thầm như chiếc bóng. Buồn nhất là khi đấu tố ở xã, cha mẹ tôi và chị Thanh lớn tuổi bị nhốt vào chuồng như nhốt thú dành  riêng cho địa chủ. Ông thấy nhục, cúi gằm mặt xuống đầu gối. Thỉnh thoảng một gã oắt du kích vác thanh kiếm cùn đi tuần qua thét “ngẩng mặt lên, thằng kia”. Cha tôi ngửng mặt lên bắt gặp ánh mắt của thằng học trò, mắt hắn cụp lại lảng sang chỗ khác. Chiều ấy, tôi đi đào rau má ở Bạch Ngọc cách nhà 15 cây số, được một gánh đầy nhóc, ra sông Lam chỗ đền Miệu nơi có cây búp quả linh thiêng xổ sạch bùn đất, cùng O Niêm con chú Trị gánh về.Tôi bỏ vào kho, ra lu tọc một gáo nước lã, rồi nhảy chân sáo xuống Đồng Lạc coi đấu địa chủ. Tôi dè dặt đi lại chuồng nhốt cha mẹ và chị tôi. Cha me và chị ngước nhìn tôi mừng rỡ. Tôi khoe với người là đào được một gánh rau má tươi non.”Ôi con tôi giỏi quá” – mẹ khen. Tôi mon men lại gần khu trung tâm đấu tố. Một tấm phông màu cháo lòng như cánh buồm  no gió trên can quốc kỳ và ảnh bốn lãnh tụ hai Tây hai ta: Mã khắc Tư (Mác) -  Tư Đại Lâm (Stalin)  – Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông. Trên bàn chủ tịch đoàn kê cao hơn đầu người gồm có Chắt Hoan cốt cán là chánh án, ông Đội mặc y phục quân nhân bạc màu trong vai cố vấn, ả đĩ Thắm, hai gã trai cày không rõ tên chuyên cày thuê cuốc mướn, không biết chữ làm bồi thẩm đoàn. Người ta lôi ra trước vành móng ngựa ông Phan Tư Giản một địa chủ biết làm ăn nhất ở Hội Tâm. Một ả nông dân chân đất  mặt như Thị Nở chạy choi choi lên, nắm chặt tay dúi lia lịa vào đầu kẻ thù của mình. Ả kể lể “Mày bắt tao làm lụng suốt ngày đêm không cho nghỉ ngơi, ăn thì toàn đồ thừa vợ chống mày thải ra. Ngày nọ mày đè sấn tao bên bụi khoai môn mày hiếp tao. Như thế này ! Thế này !  Cái thằng bạo dâm chết dẫm”. Ông Tư Giản ngẩng cao đầu hắt ra một câu “Cái thứ đĩ rạc ma chê quỷ hờn như mày nằm ngửa giữa đường chó nó cũng không thèm đ. chứ là tao”. “Đả đảo địa chủ ngoan cố” – tiếng hô đả đảo dậy trời từ một rừng cánh tay vung lên căm giận ngút trời…
Đấu một chặp nữa, đến trưa, tội trạng bóc lột nông dân đến tận xương tủy đã phơi bày rõ ràng. Toà nhân danh công lý  của nông dân tuyên ông Giản 15 năm,  phạt 5 năm về  tội ngoan cố không chịu khuất phục nông dân. Tổng cộng hình phạt lên đến 20 năm tù giam..
*
Buổi sáng ấy, chúng tôi đang ngồi học trong lớp nơi sơ tán nhà ông Cẩn thì nghe những phát súng trường chát chúa nổ rất đanh, gần lắm.Thầy Thạc Tân cho lớp nghỉ giải lao, chúng tôi chạy ùa ra phóng xuống cánh đồng xem bắn địa chủ. Đến nơi, thấy một xác người nằm còng queo dưới huyệt hai tay vẫn bị trói dật vào cây cột tre, máu sủi bọt từ những vết thương bị đạn phá ra to bằng cái dĩa. Một du kích dùng kiếm chặt đứt những nuôộc trói, kéo tóc bật ngửa mặt người chết lên. Trời, thì ra là Thái Doãn Thi – bác họ  của tôi. Một người nông dân hiền lành cơ chỉ biết cách làm ăn, ông chết vì tội gì vậy ? Mãi sao này tôi mới biết “tội” của ông là: năm 1953, chính trị viên tiểu đoàn Thái Doãn Mậu chỉ huy đánh chùa Non Nước Ninh Bình. Trên đường khải hoàn đi qua cánh đồng Pháp câu moócchiê ông bị trúng đạn tử thương tại chỗ. Thương em trai,  ông Thi len lỏi từ vùng tự do khu Bốn vào vùng địch hậu tìm hài cốt của em. Cuộc đi không thành. Đến Cải cách ông Thi bị khép vào tội tử “nhảy vào vùng tề ngụy, cấu kết với bọn công giáo Phát Diệm chống phá cách mạng”. Trước đó, trong giảm tô ông anh Cả của ông Thi là Thái Doãn Yết cũng bị bắn đợt đầu. Ông Yết là người sáng lập ra chi bộ Đảng đầu tiên của xã Yên Hòa (thời đó gồm 3 xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn và Bài Sơn), huyện Anh Sơn (nay là huyện Đô Lương), và nhận lãnh chức vụ bí thư. Theo chỉ thị của bí thư đảng Vầng Hồng nhà doanh nghiệp đồ gỗ là ông Cửu Thiện, Thái Doãn Yết được biệt phái sang hoạt động hai mang bên địch với vai bang tá. Lịch sử Đảng bộ xã Thịnh Sơn viết “Khiếp nhược trước uy vũ của thực dân Pháp, Thái Doãn Yết đầu hàng giặc làm tay sai cho chúng chống phá lại cách mạng”. Đến Giảm Tô, ông lãnh án tử hình vì tội “phản bội” đó. Rất tiếc nhân chứng sống duy nhất là bí thư Cửu Thiện bị xử lý trước đó.
Một nhà ba anh em tham gia cộng sản, ba đảng viên, cả ba đều chết vì tay cộng sản. Cho đến nay Đảng bộ xã  Thịnh Sơn vẫn ngủ  yên trên sai lầm tai quái này !
*
Sáng nay anh em chúng tôi lại vào rừng như thường lệ. Hôm nay có cha đi theo để kiếm cái mỏ cối đạp mà cả tháng nay ông lục cục đục đẽo chưa xong. 5 giờ sáng. Đêm còn tối bưng. Chúng tôi quen rồi với cảnh âm phủ suốt hơn năm sống nhờ rừng, nên bước đi vững chãi. Cha tôi không quen bóng tối chân nam đá chân chiêu trông đến tội. Đường theo lối sỏi thân quen lượn lờ quanh đồi núi. Được nắng hương cỏ mật hai bên vệ đường dâng lên ngào ngạt, đầy cả hai buồng phổi. Khí rời mát mẻ, se se gió lạnh. Xa xa, đôi chim từ quy khắc khoải gọi tàn canh. Phương Đông màu trắng ửng dần sang hồng. Bọn tiều phu chúng tôi đi trong bình minh rực lửa và râm ran tiếng gà. Đây là làng Yên Bài, nối tiếp dãy lèn Yên Mỹ với Mỏ Diều hùng vĩ, vượt qua quãng đồng Tiên Cảnh có ngôi mả ông ăn mày to như trái núi con bởi ông ta chết vào giờ thiêng, đây rồi Khe Nước Nhỉ – nơi chúng tôi thường nghỉ ăn trưa, uống nước, tiếp đến làng Hậu Trạch lơ thơ dăm mái lá hiền hoà. Đi một đỗi ruộng bậc thang nữa thì đến bìa rừng. Cha theo kịp nhưng khá vất vả, thở dốc ra khó nhọc. Kia rồi, một súc gỗ dẻ nằm lẫn trong đám lá dẻ khô queo. Anh Hảo gạt mấy cành nhánh, lộ ra gốc cây ngon lành. Anh Hảo nói “Cha chặt cây này khoảng độ 1m 2, rồi ra điếm canh nghỉ ngơi ăn cơm, xong vác về trước. Các con còn đi sâu vào rừng mới chặt được củi” . Nói rồi, anh em chúng tôi xăm xăm đi. Rừng bỗng trở nên yên ắng tịch mịch. Có tiếng gọi với theo “Các con ơi, sao nỡ bỏ cha giữa rừng già thế này”. Tôi chạy quay trở lại. Ông sợ run bắn lên. Tôi trấn an ông “rừng ở đây hiền hòa không có thú dữ đâu cha”. Ông hơi yên dạ vung rựa lên đẵn vào cây thiết mộc.Tiếng cum cum vọng lên từ thung lũng như khắc vào hồn tôi như chạm vào hồn rừng từng nhát từng nhát khắc khoải nhói đau. Tiếng cum cum yếu dần, thưa dần rồi im bặt. Tôi đâm hoảng sợ có gì bất trắc, định chạy ra thì anh Hảo xua tay “không việc gì đâu, lo làm khẩn trương lên tránh cơn giông kia kìa”. Đến trưa mặt trời lấp lửng trên đỉnh rừng anh em gánh củi ra thì thấy khúc gỗ dẻ đã đem đi rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tháng trước, dượng Thung cũng vào rừng này chặt gỗ dẻ về làm cối xay, bị cây thoi từ trên xuống gãy đầu gối, máu xối lênh láng, không ai cứu kịp đã tử vong.
Rừng Hậu Trạch là ân nhân của chúng tôi, cứu cả vài chục gia đình địa chủ thoát chết đói, vốn bà con họ hàng dây rau rễ má liên kết  đùm bọc lại cùng nhau để sống. Rừng cho chúng tôi củi, lá dong, hạt muồng, củ nâu, hạt dẻ, lá lốt, lá trầu rừng, chạc chìu, cánh kiến, sa nhân, mật ong, thú rừng… mùa nào thức ấy, bất cứ cái gì cũng đổi được ra gạo, khoai, ngô. Con cháu địa chủ đông đến mấy trăm người, cứ bảnh mắt là lùa vào rừng, gánh củi luôn ra chợ Tràng, chợ Lường, chợ Xóm Giếng bán, mua thực phẩm, tối mịt mới về nhà, đi không ai thấy về không thấy ai. Rừng Hậu Trạch là thế giới riêng là công quốc tự do không có hung thần Đội Cải cách của những người bị nạn. 12 tuổi, tôi đã sống hòa vào người thân cảnh đời của Thạch Sanh hàng năm trời “Rong rêu mọc, nước suối tuôn – Đỡ lòng ngồi ngắm giang sơn chuyển vần”.
Các bạn tiều phu bất đắc dĩ của tôi ơi, sau này dẫu đi bốn phương trời: Mỹ, Anh, Pháp, Canađa, Úc…các bạn còn nhớ chiến khu nơi cưu mang nuôi sống chúng ta không những năm tháng gieo neo vận hạn kiếp người ? Còn tôi, tôi luôn đau đáu nhớ về những cánh rừng Hậu Trạch, hễ nhắc đến là chực trào nước mắt.
*
Cha tôi có người chú út là ông Thái Doãn Châu. Ông Châu làm nghề dạy học kiêm thầy lang thuốc Bắc.  Ông giáo Châu người quắc thước có ánh   mắt nhìn dữ, tiếng nói oang oanh quát tháo như lệnh vỡ. Chỉ có mẹ tôi là chế ngự được ông. Ngày giỗ Cố cụ Tuần, ông bao giờ cũng đến muộn, ngồi độc một mâm trên cao chửi mắng con cháu hết điều khi rượu vô. Cải cách đến ông lâm vào cảnh đói, bốc thuốc không có khách. Ông thường ngồi thừ một xó vuốt bộ râu rậm rì, nghĩ ngợi kế sinh nhai. Quẫn quá, một lần dân làng thấy ông đang ngồi xóc chiếc điếu cày sau cái giếng đất cuối làng. Người ta báo với đội Cải Cách. Đội sai dân quân du kích gô cổ  ông. Tội danh đánh thuốc độc vào giếng đầu độc dân làng, buộc ông lãnh 20 năm tù. Tưởng vào tù có cơm ăn, ai ngờ chỉ sau hai tháng ông bỏ mình trong trại tù Bến Hới.
Ông để lại cho cha tôi tủ sách thuốc hàng trăm quyển. Cảm thương cái chết oan uổng của chú ruột, lại không có việc gì làm, ông cắn răng bấm bụng đói meo đọc sách thuốc quyết nối nghiệp thay chú cứu nhân độ thế. Thoạt đầu ông chữa những bệnh đơn giản cho những người thân trong nhà. Thấy được, ông dấn lên đọc tài liệu, luyện nghề cho tinh thông. Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông như tìm đến một cứu nhân. Ông nổi tiếng thầy lang mát tay, giỏi nhất là chữa bệnh nhi khoa và phụ khoa. Ông bắt mạch kê toa không lấy tiền. Thương ông, bà con đem biếu thầy mớ khoai, củ sắn, bò gạo để ông giáo đắp đổi qua ngày. Sau này, khi đã có thương hiệu, ông vẫn chứng nào tật ấy, không lấy tiền của bà con, hoặc nếu có lấy thì lấy chút ít cho có lễ để ông bà đủ sống và bù trì cho người nghèo hơn. Một lần tôi thấy một bệnh nhân nam rách rưới, da mặt ưởi, bủng beo đến xin ông chạy chữa. Cha tôi khám kỹ, rồi cho đơn. Ông viết bằng chữ Hán đẹp như vẽ. Cầm đơn thuốc trong tay, người bệnh tần ngần. Hiểu ý, ông mở túi cho hai hào tiền thuốc. Bệnh nhân cảm ơn rối rít. Ra về đến ngoài ngõ, ông gọi giật lại, nói “bà ơi cho cháu này xin 2 bò gạo”. ông bảo tôi “Uống thuốc mà không có gì ăn thì làm sao khỏi bệnh”. Tôi đã vỡ nhẽ ra tất cả. Trong nhà cha tôi chỉ tôn thờ một câu châm ngôn của Danh sư Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác “Nhân nghiã trân tàng bất hoán phương” [Cái nhân nghĩa là của quý giá nhất phải biết bảo tồn không bao giờ thay phương đổi hướng]. Trong ngôi nhà tranh vách đất chỉ có câu kim chỉ nam ấy là sáng rực lên một vùng bởi nét chữ bay bướm như rồng múa phượng chầu. Sau ngày ông mất, tôi giữ gìn bức châm ấy như giữ linh hồn của ngôi nhà, dù tôi ở quê hay ở nhà riêng Sài Gòn. Tôi thích nó và quyết tâm sống theo lễ nghĩa đó.
Bức họa châm “nhân nghĩa trân tàng..” hiện treo tại thư viện Thái Doãn Hiểu
Bức họa châm “nhân nghĩa trân tàng..” hiện treo tại thư viện Thái Doãn Hiểu
 Cha tôi là người hiếu học. Sự hiếu học xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với người bệnh. Ông học theo lối kiến văn là chính cộng với rút kinh nghiệm từ các ca bệnh nhưng không quên chính danh về mặt bằng cấp. Ông đi thi để lấy bằng sơ cấp ở huyện, thi lấy bằng trung cấp ở tỉnh hội Đông y. 70 tuổi ông còn lóc cóc ra tận Hà Nội  đến TW Hội Đông y thi lấy bằng Bác sĩ đông y (đại phu). Việc này diễn ra đúng 10 năm !
*
Tôi đi làm thầy giáo vào năm  1960. Chính thức đứng trên bục giảng năm chưa đến 17 tuổi. Cha tôi lo lắm “Không biết nó làm ăn ra sao. Dù gì thì nó vẫn còn là đứa trẻ” – Cha tôi nói với mẹ  – “đêm ngủ phải có cha, không rời nửa bước”. Nói rồi, ông đi lên trường cấp 2 Cao Sơn, Anh Sơn nhiệm sở của tôi. Ông lân la hỏi mấy vị đồng nghiệp đồng môn về sự dạy dỗ của tôi. Anh Bính thưa: “Bác đừng lo, tuy trẻ người nhưng anh ấy già tay nghề lắm. Học trò ở đây lống con, có em đã từng đi bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Điện Biên về học. Họ lớn hơn thầy giáo cả chục tuổi nhưng vẫn thấp hơn thầy giáo cái đầu. Họ dày dạn bom đạn nhưng lại nơm nớp sợ thầy Hiểu nổi trống truy bài”. Ông xin thầy hiệu trưởng dự giờ dạy của tôi rồi mới yên tâm quay về nhà. Hai năm sau, tôi thuyên chuyển lên Dừa, trường cấp 2 Hùng Sơn, cha tôi nhớ con lại lên thăm. Đường xa 38 km, ông thường cuốc bộ, ít khi mua được vé xe khách quốc doanh. Có lần ông lên và tôi về. Hai cha con gặp nhau ở lèn Kim Nhan. Dáng ông phăm phăm sải dài trên con đường vắng, nắng chiều dát vàng lên đỉnh núi Kim Nhan rực rỡ. Hai cha con ngồi nghỉ dưới khoảng rừng thưa, bạch đàn lao rao nắng, tiếng chim cu gù đầm ấm gần xa, sông Lam như một giải lụa mềm mại vắt qua núi non xanh biếc.
Sau này, 1976 vợ chống chúng tôi chuyển cư từ Hải Phòng vào Sài Gòn định cư, dạy trường Cao đẳng Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, ông lại vào thăm. Bữa đó, tôi  giảng bài Thu vịnh của Nguyễn  Khuyến cho 12 lớp văn khóa 2 trên giảng đường lớn. Không hiểu làm sao ông biết được và xin dự giờ. Anh Hoàng Xuân Tâm đành phải tháp tùng hướng dẫn ông. Tôi thì trổ hết tài nghệ để chứng minh tính ưu việt của học thuật phái đỏ, và để cha tôi biết sự trưởng thành của tôi. Dạy xong, về văn phòng ông nói ngay “Cũng được, nhưng vẫn khai thác chưa hết ý. Bức tranh tâm cảnh thì phải đánh từ trong ra chứ không phải ngoài vào”. Tôi tiếp thu và về sau hoàn chỉnh nội dung và nghệ thuật bài giảng tốt hơn.
*
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ dùng không quân leo thang đánh ra cả nước. Cả nước dốc người đi đánh Mỹ. Nông thôn miền Bắc rỗng người, chỉ  có  một sư  đoàn bảo vệ , còn lại người già  trẻ  em, phụ nữ tay cày tay súng đảm việc nhà, nuôi con chờ chồng đến ngày chiến thắng. Không một làng quê nào yên bình được với bom đạn. Làng tôi nằm trên trục giao thông đường 7. Ngày, triền miên không lúc nào chúng ngớt đánh phá. Đêm, pháo sáng từng đợt từng đợt đốt lựng, lũ ó lùng sục săn ô tô. Làng tôi bị đánh không biết bao bận, nhưng kỳ lạ không ai nỡ rời làng. Ai cũng bám chặt lấy làng như một lẽ sống. Lần bị bom chụp nặng nhất  là năm 1973 cả làng bị tan hoang nát bấy, người chết, gia súc chết ngổn ngang, mọi người  mới chịu dời làng lên núi.
Quê mới có gì ? Có núi và rừng. Rừng núi cho cha tôi cả một kho dược liệu quý không phải mua. Nguồn thuốc Bắc từ Trung Quốc sang bị giao thông chặn tứ phía. Sau này, chiến tranh biên giới Trung Việt xẩy ra 1979, nguồn thuốc bị cắt hẳn cha tôi cũng không hề lúng túng. Tuệ Tĩnh theo lệnh vua Lê Thái Tổ đi cống Minh rồi bỏ lại thân xác ở quê người, nhưng vị Thánh Y này đã để lại cho cha tôi một bửu bối “Người Nam dùng thuốc Nam”. Cha tôi đã triệt để khai thác nguyên lý chữa bệnh này và đã thành công. Trong dược điển của cha tôi có hàng trăm dược liệu quý giá. Ông có thể chữa được hàng chục thứ bệnh nan y mà Tây y bó tay. Cha tôi huy động bà con vào núi hái thuốc đem về phơi đầy sân đầy vườn trạm y xá xã. Bà con chữa bệnh không tốn bao lăm tiền
Những năm chiến tranh gian nan đó, gia đình tôi chia xẻ ra ly tán mỗi người một phương. Anh Hợi ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình. Anh Sửu làm việc ở phòng phổ thông Ty Giáo dục Phú Thọ. Anh Hảo dạy học ở Thanh Hóa đầu quân đi Thanh niên Xung phong chống Mỹ, cứu nước tổng đôi TNXP Thanh Hóa. Tôi – Thái Doãn Hiểu gia nhậpTNXP Nghệ An. Chị Thanh làm Thư ký Công đoàn Nông trường Quân đội 1-5 Nghĩa Đàn. Út Tâm đi dân công tải đạn chứa vào hang động Phong Nha Quảng Bình. Chúng tôi toàn sống ở những trọng điểm đánh phá quyết liệt của máy bay Mỹ : Cầu Hàm Rồng, Cầu Cấm, Truông Bồn…, suýt chết không biết bao lần. Cha mẹ tôi sống ở hậu phương, ngày nào cũng cầu nguyện cho các con đi chân cứng đá mềm. Mẹ còn phải giữ đám trẻ để phụ thêm công điểm hợp tác xã kiếm thêm chục cân thóc mỗi tháng phụ vào đồng lương ít ỏi của cha 30 đ/ tháng.. Già rồi mà các cụ cơm không được no, khoai ngô sắn độn cơm. Cả nước sống như thế cả.
*
Năm 1973. Lần ấy tôi từ Dừa ghé thăm nhà. Hai cha con chuyện trò đến tận khuya. 12 h hơn, bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở. Một bộ mặt gớm giếc thò vào : cu Minh ở sau nhà. Tên sát nhân đã từng đeo mặt nạ bắn bác Thái Doãn Yết đây mà.
-  Có việc gì khuya khoắt thế này.
-  Thưa ông, ông cứu con con với. Đã mấy ngày nay nó bí đái không tiểu được. Con đã làm đủ mọi cách.
Tôi đưa mắt nhìn cha tôi dò hỏi. Ông ngồi bật dậy với túi đồ nghề khoác vào tay:
- Nào ta đi.
Đề phòng bất trắc tôi vớ chiếc đèn pin soi đường đi theo hộ tống người. Đến nơi, một thằng bé mặt xanh nanh vàng nằm thở khò khè trên chiếc chõng tre. Cha tôi vạch áo khám cho nó, nấn khắp bụng, đến dương vật. Một hồi lâu ông hỏi cu Minh:
- Nhà có bồ kết không ?
- Dạ có nhiều ạ.
- Lấy ba quả nướng lên hòa với nước sôi để nguôi cho uống cách nhau 2 tiếng một lần. Ba lần thì khỏi bệnh. Xong rồi !
Ông khoát tay tôi ra về.
Sáng hôm sau, cu Minh sang nhà quỳ mọp xuống trước mặt ông Phật sống lạy như tế sao:
-  Ông ơi, sao ông nhân từ thế. Một đời con chỉ làm ác cho ông và gia đình ông. Sao ông lại cứu chúng con ?
Cha tôi điềm đạm vuốt râu:
- Cứu người là việc của thầy thuốc. Giết người là nghề của đồ tể, là lý tưởng người ta dạy anh. Nếu anh thấy đúng thì cứ giết. còn nhược bằng anh thấy giết người là tội ác dã man thì thôi ngay. Anh nên nhớ nhà Phật dạy: Ác giả ác báo. Gieo gì gặt nấy.
Cu Minh ửng đỏ mặt như đã thấm. Vẫn trong tư thế quỳ :
- Con cảm tạ ông đã cứu con con và cứu vớt linh hồn con. Amen !
*
Bạn đọc. Bạn sẽ hỏi Thái Doãn Hiểu viết văn đã thành danh, có chịu ảnh hưởng gì ở cha mẹ của mình không ? Ảnh hưởng nhiều lắm chứ. Trên tạp chí Sông Hương cách đây vài chục năm tôi đã trả lời phóng viên Dương Quang Minh -Vụ phó vụ Thông tấn báo chí Văn phòng chính phủ rằng:
“Còn một lý do rất đỗi quan trọng nữa tôi viết sách là để trả nghĩa cho hương hồn Phụ Mậu tôi. Cha tôi là một nhà nho thanh bạch, đi dạy người và làm thầy thuốc đông y cứu nhân độ thế. Cha mẹ tôi không để lại cho tôi một cây chỉ nào cả, nhưng người đã để lại cho tôi một tài sản tinh thần vô giá. Cha tôi sống rất hiền đức, là đồ đệ của Lão Tử, Thích Ca, ông chủ trương không chống lại đều ác bằng bạo lực. Cha tôi là một nhà giáo mô phạm từ chữ viết, lời nói, quần áo, tư tưởng, tác phong, một thầy thuốc có y đức lớn xứng đáng là đồ đệ của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh. Còn mẹ tôi – người là biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm, hệt như bà Nguyễn Khuyến. Mẹ làm lụng quần quật từ bảnh mắt cho đến tận khuya, quần áo lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Tôi thừa hưởng những nết tốt đó. Có thể nói: tôi viết sách dưới ánh sáng đức nhân của cha, miệt mài thức khuya dậy sớm bằng cái cần mẫn của mẹ. Không thừa nhận có ngày chủ nhật và ngày lễ, tôi làm việc đều đặn không dưới 14 tiếng mỗi ngày, chỉ nghỉ ngơi bằng cách thay đổi hình thức công việc. Tôi viết với tất cả nỗi đam mê vốn có, và cả sự cưỡng bức lao động chính mình”.
Lần nọ, 1987 từ Sài Gòn về thăm nhà,  cha tôi bảo “Cha yếu lắm. Nghỉ hưu, chẳng có việc gì làm, lại không có lương hưu. Ăn rồi lại ngủ, chẳng biết đi đâu, chơi với ai nơi khỉ ho cò gáy này. Thôi để cha về với ông bà Tổ tiên. Đa thọ đa nhục”. Tôi động viên ông , “cha thường làm thơ Thọ trường trăm tuổi danh thơm sẽ về. Danh của cha đã thơm rồi, nhưng cây cao bóng cả vẫn là nơi các con được nương nhờ”.  Tôi lại hỏi cha “Nếu phải từ biệt thế giới đầy khổ nạn này, cha thương tiếc nhất cái gì ? “Không tiếc gì cả, những thứ cha mong đã có hết, cha chỉ thương 7 đứa con yêu quý của cha. Chị Cả Thiệu  đẹp người tốt nết, hiền hậu. Chị Thanh đảm đang chạy chợ ngược xuôi cứu cả gia đình khỏi chết đói qua ba cơn hiểm họa. Hy sinh lớn, vì thế, chị con đâm ra công thần thao túng mọi việc trong nhà. Thật tội nghiệp và bất hạnh sống không chồng con. Anh Hợi có cái chín chắn đức độ của một người từng trải trận mạc và nhân tình thế thái. Anh sẽ  là người con trai duy nhất  ở  bên cạnh cha cho đến phút cha lâm chung. Anh Sửu hào hoa phong nhã, nói năng lợi khẩu bặt thiệp, ước gì được nấy, muốn là ông Đốc khi ba tuổi về sau làm Đốc học suốt đời. Anh sống hơi vị kỷ,  thời trẻ có ý oán hận đã trót thác sinh vào gia đình ta làm cản đường tiến chính trị của mình. Anh Hảo kiến văn hạn hẹp, nhìn đời, nhìn người, nhìn sự việc rối. Hay nói, nói nhiều, nên lầm lẫn; được cái tính tình vui vẻ, ruột để ngoài da, hay trạng, luôn giữ trong mình một đứa trẻ con cho đến già. Còn con  – Thái Doãn Hiểu tài hoa, chịu học, sống vị tha, con sẽ làm nên nghiệp văn lớn, hậu vận con cháu tốt tươi. Cha kỳ vọng ở con. Có điều cầm bút phải lo là tai nạn nghề nghiệp “Thủ thân vi đại” [giữ mình là việc lớn]. Con thấy đó, trên tấm hoành phi đặt ở nhà thờ, Tổ tiên ta chỉ để lại ba chữ “Di dĩ an” [lấy cái bình yên để lại cho con cháu]. Còn út Tâm, đứa con út da trắng tóc vàng  cùng chồng là thuyền trưởng viễn dương Vương Đình Đỉnh lúc nào cũng chỉ lo đói nên tằn tiện tích cốc phòng cơ đến là… khu đỉn. Giàu có nhưng lệ thuộc đồng tiền, làm cho chất lượng cuộc sống thấp. Được cái em nó biết căn cơ từ lúc 5 – 7 tuổi, cái đận cả nhà vào rừng, ở nhà một mình Tâm biết hái rau tập tàng, kiếm cái mẻ bác nấu canh muối cho cả nhà ăn”. Trong 7 anh chị em, mỗi đứa mỗi nết, chỉ có anh Hợi và Hiểu là hiếu đễ bậc nhất, không bao giờ sao nhãng việc nuôi thân dưỡng tâm cho cha mẹ. Cha cảm ơn các con. Cha biết ơn các con, cả 4 con trai đều phát huy truyền thống võ công và văn trị của dòng họ Mạc nhà ta, nối nghiệp nho gia của cha – cái nghề dạy người thật thanh bạch, nghèo chút nhưng sống ra con người”. Nói đến đây ông rung rung chòm râu, rơm rớm nước mắt. “Còn mẹ thì sao cha ?” “Không có mẹ thì cái nhà này không thành. Mẹ là nội tướng quán xuyến trong ngoài, bếp núc đỏ lửa, mâm cỗ cúng tế Gia tiên tươm tất, đối nhân xử thế với họ hàng nhân hậu lịch lãm, người hy sinh tất cả để tái tạo, dẫn dắt tương lai. Cha con ta chịu ơn mẹ nhiều lắm”.
“ – Thế cha có oán trách ai không cha ?” Ông lặng đi một lát rồi cất tiếng – “Ngồi buồn mà trách ông Xanh – Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Trách ai được con. Thực ra thì họ cũng là nạn nhân. Nạn nhân của sự ngu dốt, tham lam và đố kỵ. “Nhân chi sơ tính bản thiện” – thầy Mạnh Tử bảo thế,  nhưng Tuân Tử ngoặc lại   “Nhân chi sơ tính bản ác”. Cái xứ mình nó thế. Không có gì nhân đức bằng con người nhưng cũng không có gì tàn ác bằng con người. Thôi thì, có thân có khổ, có khổ mới nên thân. “Cha có nhận xét gì về những cuộc cách mạng long trời lở đất tràn qua quê ta và giày xéo lên cuộc đời của cha ?” “- Cách mạng !? nó không đem lại mục đích gì cao quý ngoài sự đổ vỡ và chết chóc. Cuộc cách mạng mà con gọi là long trời lở đất đó đã giáng một đòn chí tử vào xương sống đạo lý, tín nghĩa dân tộc được thiết lập xây đắp hàng nghìn năm, nó tiêu diệt những đầu óc biết làm ăn và quản lý kinh tế ở nông thôn và thành thị, nó triệt hết trí thức hiền tài nguyên khí của quốc gia. Không hiểu làm sao người ta lại dại dột chọc tay vào mắt mình” “ – Cách mạng là phản cách mạng – ông Mabớp triết gia Pháp đã nhận xét về những cuộc cách mạng tư sản như vậy đấy”.
Sang năm sau, 5-12-1988 cha tôi đi thật. Ông bị tiêu chảy, không chữa, hai ngày thì mất. Bà con họ hàng quyến thuộc, những bệnh nhân khắp huyện nghe tin thương tiếc một  người hiền. Họ đến đưa tang đông chật cả thung lũng Cây Chanh để vĩnh biệt vị bồ tát ân nhân cứu khổ cứu mạng của mình. Ngày cha mất, tôi không  về chịu tang được vì không có một đồng tiền nào cả. Khốn nạn thân tôi với cái nghề cao quý chết đói. Việc này cha tôi đã dặn rồi “Cha chết thì đừng về, đã có họ hàng bà con ngoài này lo. Về thì mang công mắc nợ khốn thân con”.  Tôi cùng út Quỳnh nằm khóc cha  suốt ba ngày ba đêm, mắt sưng húp không nhìn thấy gì cả
Sinh 1904. 11 tuổi (1915) mồ côi cha, cùng người mẹ trẻ nuôi nấng và dẫn dắt một bầy em lít nhít 4 đứa. 15 tuổi (1919) thay cha chăm sóc ông nội ốm liệt giường. 22 tuổi (1926) – (1945) làm giáo sư Hương trường. 24 tuổi (1928) bất bình với Pháp, tham gia hoạt động cách mạng. 26 tuổi (1930) vào tù bởi vụ Xô viết Nghệ Tĩnh. 27 tuổi (1931) gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. 41 tuổi (1945) tham gia cướp chính quyền ở địa phương, làm Chủ tịch làng Kim  Liên. 42 tuổi (1946-1948) Trưởng ban Bình dân học vụ xã. 49 tuổi (1953) mắc phải vạ vu khống làm Bộ trưởng Giáo dục. 51 tuổi bị quy là địa chủ. 56 tuổi (1960- 1987) làm Bác sĩ Đông y trực trạm xá xã Thịnh Sơn. Năm 85 tuổi (1988) giã từ cõi thế.
Con Rồng đất đã giáng mang người đi rồi ! Thái Trung Tiên! ông Tiên giữa đời đẹp lão, vị trích tiên đạo cốt đã về Trời thật rồi ! Adi đà Phật !
Một buổi sáng vào năm 2009, khi còn ở trên nhà viết Hương Viên Các, Gò Vấp, tôi thức dậy thì liền thấy cha tôi ngồi cạnh bên, âu yếm nhìn tôi như hồi còn tấm bé, như hồi cha con tôi háo hức thức đón giao thừa bên mâm cỗ Tết cúng Gia tiên. Tôi thảng thốt kêu lên “Cha ơi cha ! Con đây!”. Tôi đưa tay ôm chầm lấy người. Ông biến mất. Thì ra hình tôi chiếu vào trong tấm gương soi trên cánh cửa tủ đặt cạnh giường.
Buồn. Bâng khuâng suốt cả một ngày trời…
Bao nhiêu ảnh hình thân thuộc theo ký ức lại hiện về. Này đây, cha đang đi chân nâng – ồ không người đang đi trên mặt nước sông đào xanh trong như đi trên đất đầy khói sương; này đây cha đang rung đùi và cười vang khi một sáng tìm được tứ thơ “Thanh nhàn vui vẻ là người thần tiên”; này đây, cha tỉ mần gắn kết từng cái bát yêu sứ  vỡ bằng xi măng để có cái ăn đồ đựng cho cả nhà; này đây, cha đang phá vườn để trồng toàn thuốc nam chữa bệnh cho dân; này đây cha an ủi và dặn dò bệnh nhân bằng vẻ mặt ân cần từ tâm, tôi cứ ngỡ như Hải Thượng tái thế; này đây cha con ta đang trò  chuyện y đức y thuật, chuyện trước tác của tôi trong hầm rồi ngủ quên lúc nào không hay, cứ  đinh ninh có  bốn bao thuốc nam sơ  chế  che chắn bom đạn an toàn cho cha con mình tròn giấc; đây nữa cha cùng mẹ đứng trước một vườn cải rực rỡ hoa vàng rù rì đàn ong đến hút mật; và đây cha râu tóc bạc phơ quây quần giữa con cháu đến mừng tuổi thọ…
Cha ơi, con xót xa và tự hào về cha ! Cha đã vượt qua những chặng đường khổ ải với nhiều ân oán của bọn lang băm chính trị đểu cáng để trở thành vị Phật sống luôn hiện hữu giữa đời.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

TÔI CŨNG THÍCH MÙA PHƠI VÁY

Tuy cũng ( thi thoảng thôi) thích thơ phú trên mạng, nhưng bảo chọn lấy mấy bài thích, mình chịu, vì có biết cơ man bao nhiêu là trang viết, trang thơ, trang blog...
Rất hay, vừa rồi, ông Phạm Thành Long nẩy ra ý định tổ chức thi thơ, chủ đề" Lời tỏ tình đầu tiên", có mời các nhà thơ danh tiếng làm giám khảo. Cuối cùng chọn được các bài xứng đáng.
Trang bác Trần Nhương đăng ý kiến nhà thơ Trần Mạnh Hảo, đại ý: Bài mùa phơi váy hay hơn
Trang anh Nguyễn Trọng Tạo đăng ý kiến bác Lê Huy Mậu, bênh vực ý kiến của giám khảo cuộc thi.
Vậy nên, cứ xin "đao" cả 2 bài về để ngâm cứu ... dài dài
* SÂM CẦM (Giải nhất)
SÀI GÒN, SÀI GÒN
Sài Gòn là những buổi sáng đầy gió
Dẫu ngọn gió không ướt
Em vẫn nghĩ về anh
Như đóa hoa nghĩ về một mùa Đông
Rồi hân hoan bung cánh
Sài Gòn là những ban trưa nắng sánh
Em nhìn tán cây lòa xòa, hấp háy mặt đường
Và nghĩ về anh
Như chiếc lá nghĩ về một vạt cỏ
Lấp ló vài chiếc dép xinh
Sài Gòn là những chiều mưa xập xình
Có thể là cơn mưa ngân ngấn hay ào ạt đến, rầm rập đi
Nhưng ý nghĩ của em lại vòng vèo hơn một mê cung
Mải miết về anh như dấu ba chấm (…)
Chờ ký tự
Em định dạng Sài Gòn cho riêng em
Dù nắng, dù mưa, hay vô khối ngày ẩm ương anh đều có mặt
Tất nhiên, những buổi đêm anh biến mất
Sài Gòn sẽ cuống cuồng tìm anh…
Trong giấc mơ em.


* HOÀNG ANH TUẤN (Giải nhì)
MÙA PHƠI VÁY
Qua giêng hai rẽ sang mùa phơi váy
Khi màu khèn đã phai nhạt hội xuân
Bên cọn nước tay em vò vạt nắng
Váy vén cao suối lượn bắp nõn ngần
Đầu vách nứa anh gọi lời thương mến
Khẽ thôi anh, nả trở giấc tan sương
Bắt đền đấy, xà cạp em lấm cỏ
Cái đêm tình thức trắng giữa lều nương
Vai lù cở em địu mùa xuống chợ
Bước xuân đi khó cản cuốn như mê
Mùi thắng cố, rượu ngô, và phân ngựa
Mồ hôi anh níu váy chẳng cho về
Váy hoa nở trên bờ rào vẫy gió
Lũ bướm non hau háu mắt khát thèm
Đám trai bản muốn hóa thành lũ bướm
Bay lạc vào miền thổ cẩm trong em
Chúng đâu biết anh đã thành con bướm
Của riêng em giữ nhịp váy đong đưa
Em chẻ củi, xe lanh hay cõng nước
Nhớ canh chừng cất váy kẻo trời mưa
Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ
Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà
Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố
Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?
H.A.T
(hoanganhtuan.calc@gmail.com)

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

DÃ QUỲ


Mượn loài hoa hoang dã để nói về tình, về lòng mình, xưa nay nhiều người đã viết.
 Xin hãy một lần nữa, nghe người đẹp nói  dễ thương không nha?
DÃ QUÌ

Mùa này dã quì không nở phải không anh?
Tại em vô tình, em là người trễ hẹn?
Hay gió ngọt nồng mà hương hoa thì đắng
Nên hoa tủi thân không khoe sắc thắm vàng?

Lang thang em tìm giữa vắng lặng chiều hoang
Chỉ thấy săc tàn của đồi khô cỏ cháy
Đâu biển hoa vàng gió đùa sóng dậy
Và ánh măt anh  nung chảy cả ráng chiều?

Em biêt mình lại muộn những dấu yêu
Cứ mải đắm say những khung trời hư ảo
Đâu biết mùa qua, và hoa rồi sẽ héo
Và tình anh sẽ không mãi đợi chờ

Cho em một lần tạ lỗi những yêu, mơ,
Một lần ngu ngơ ước ngày xưa trở lại
Một lần tan trong ánh nhìn chiều ấy,
Một lần  hôn lên từng nụ hoa vàng

Xin hãy thứ tha và hãy nói cùng em
Rằng mùa sẽ sang, và hoa quì lại nở
Như nhịp tim yêu chẳng bao giờ lỡ
Và anh vẫn chờ nơi lộng gió đại ngàn...

6/2013
Và đây là lời đáp của Chàng. xem có véo von không nhé!
 
 MÙA DÃ QUÌ
 
Ấy là loài hoa chỉ hướng tới mặt trời
Anh nhẹ gửi nụ yêu vào đóa nắng,
Vào bông hoa Em đã từng mê đắm
Một chiều buồn Cao nguyên, mùa chưa sang.
 
Anh nghe trong xanh thẳm Langbian
Chiều nhớ em… chiều buông ngọn gió
Thảo nguyên nhớ em…biếc xanh triền cỏ
Nhớ em, Dã Quì xòe cánh nắng bừng lên
 
Chẳng kiêu sa như hồng cúc mai lan
Cứ nguyên sơ giữa rừng hoang đồi vắng
Cứ đằm thắm, bước qua mưa nắng
Thắp tình yêu bình dị, những hồn hoang.
 
Anh đi, anh đi ngút ngát đại ngàn
Đâu cũng hoa Quì, thung xa đồi vắng
Nơi đỉnh núi còn cao hơn mây trắng
Thầm hỏi nơi nào từng in dấu chân quen?
 
Yêu chẳng bao giờ là muộn đâu em
Như Dã Quì mùa tiếp mùa vẫn nở
Thảo nguyên qua ngày khát khô, nắng đổ
Đang mở lòng thao thức…đón mùa sang
 
Đâu cũng dáng em thấp thoáng, biển hoa vàng,
Anh lạc giữa một khung trời mộng ảo.
Trong im lặng của hồn anh, mắt bão,
Cứ thầm thì gọi em : Mùa đã sang !
Nếu bạn yêu thơ nào vô tình ghé chơi qua, xin một vài dìng lưu bút. Xin cảm ơn trước nha!

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nghịch nhĩ chăng!

Đã có nhiều bài viết lên án sự ngộ nhận Thơ !
Mình cũng rất hoang mang, chẳng biết thế nào. Ừ thì ai chẳng biết, thơ hay là phải rung động lòng người, bật được cái chân, cái thiện , cái mỹ của người đọc, người nghe. Nhưng dễ dãi, cách tân...thậm chí ngơ ngẩn rồi tự sướng coi LÀ HAY.
Bà đầm xoè có đăng bài luận của Nguyễn Hoàng Đức, tải về, ngẫm nghĩ...

uốn Có Tác Phẩm Lớn Việt Nam Nên Vứt Thơ đi.

Nguyễn Hoàng Đức
Gần một thế kỷ nay, Trung Quốc dường như tuyệt đối vứt thơ đi, đến mức dường như thơ không thể mọc tăm sủi bọt trên văn đàn. Nhưng họ đã được cái gì? Được hai giải Nobel văn chương với Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn. Tại sao, người Tầu lại có thể đoạt tuyệt với thơ như vậy? Rõ ràng vì họ nhận ra, thơ vụn vài câu không thể là kiến trúc văn chương, và lao động lao động nghệ thuật. Thơ chỉ là sinh hoạt chữ nghĩa ngẫu hứng bồng bột được chăng hay chớ thôi.
Hội tha thơ cho Trời đọc diễn ra hàng năm ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám - Hà Nội
Hội tha thơ cho Trời đọc diễn ra hàng năm ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám – Hà Nội
Thơ chính thức là gì? Đó là sự ngâm nga vần vèo truyền khẩu giành cho những người mù chữ cũng như không có sách để đọc. Trong một xã hội ít học thì thơ còn đóng vai trò khoe mình đã thoát bệnh mù chữ. Tại Trung Quốc, người ta khoe mình có chữ ở khắp nơi. Cung vua cũng ghi chi chít chữ ở sau ngai để khoe mình nhiều chữ. Ngoài chợ thì kẻ sĩ hơi tí là nẩy thơ vài câu, không thì làm câu đối hai câu cũng được. Thậm chí luôn luôn sẵn sàng vén tay áo thụng viết một chữ Nhẫn, chữ Tâm để khoe mình biết chữ. Tại sao người ta muốn vậy? Vì người ta muốn xác định mình có chữ có thể làm quan như “học ưu nhi tắc sĩ”. Tại Trung Quốc còn có cả một phong trào thể dục, sáng ra dùng gậy viết chữ xuống mặt đường, đó cũng là cách mặc cảm muốn khoe mình tuy bình dân nhưng đã có chữ. Các bậc cha mẹ hiện đại của Trung Quốc còn có một câu phổ biến “không vào đại học thì đời vứt đi!”
Thơ ngắn vụn vặt vì mới đầu nó chỉ là tức cảnh sinh tình, tùy tiện, đi đâu khoe chữ đấy. Tuy vậy người Tầu rất khinh thơ. Họ cho rằng làm người quân tử thì trước hết phải thông thạo Nho – Y –Lý –Số. Nho là Nho giáo với bậc thầy Khổng Tử. Y là y học với sự thành thạo về nguyên lý cơ thể kết hợp với cơ địa của trời đất. Lý thuộc về nguyên lý vũ trụ càn khôn với bộ Kinh Dịch là chủ đạo. Còn số là phải biết áp dụng các môn Tử vi, Tử bình, phong thổ, kỳ môn độn toán, tướng mạo.
Sau đó mới đến: Cầm-Kỳ-Thi-Họa. Mấy thứ này đều là sinh hoạt, bao gồm: Cầm là chơi đàn, kỳ là chơi cờ, sau mới đến Thi là chơi thơ, rồi đến họa tức vẽ vời. Bốn môn này không nói về bậc quân tử mà có rất nhiều gái thanh lâu mới tuổi đôi mươi đã thông thạo làu làu để còn ứng tác với kẻ sĩ.
Người Hy Lạp thì còn khinh bỉ thơ ra mặt. Triết gia Platon chính thức nói “Hãy mời các nhà thơ đi khỏi quốc gia để nước ta xứng đáng là của những người thông thái”. Còn trong đời sống, nghe kể, người ta xếp các nhà thơ cùng với thợ thủ công ở ngoài thành để những thói xấu của nhà thơ như la cà, ham vui, xạo, háo danh tí tởn không làm hỏng đạo đức của các công dân. Mỗi buổi tối, đàn ông Hy lạp được lĩnh vé xem của quốc gia, trọng đại đi đến nhà hát bi kịch để chìm đắm trong những vở kịch hoành tráng có nhân vật và tình tiết. Ở nơi trọng đại như vậy không bao giờ có chỗ cho thơ lẻ và vụn, mà chỉ có những vần thơ được đọc theo mạch chảy của trường thiên kịch.
Người Việt Nam cũng rất coi thường thơ chỉ trong hai từ “Thơ – Thẩn”. Nghĩa đó là dạng lẩn thẩn dở khôn dở dại. Trong bài viết rât sâu sắc và phong phú mới đây trên blog Trần Mỹ Giống, tác giả Lê Tự trong bài “Thơ… SOS” có tả một cảnh bi hài thế này: trong một cuộc liên hoan ở Thủy điện Sông Đà, có vài chục người Việt lên đua nhau đọc thơ khiến cho các chuyên gia Nga mắt tròn mắt dẹt không hiểu tại sao Việt Nam lại có đông nhà thơ như vậy?! Trời ơi nước Nga là một cường quốc văn học trên thế giới với hàng trăm thi hào và văn hào, vậy mà không thể có nhiều người vui vầy làm thơ như Việt Nam. Điều này đáng mừng hay đáng lo? Chúng ta thấy hiển nhiên sỏi bao giờ cũng nhiều hơn núi. Nhưng cái đáng lo ở đây là, trí tuệ mấy anh tranh tre nứa lá của ta thấp quá, không biết trời cao đất dầy là gì, lúc nào cũng đòi tung tăng đọc thơ, mà lại đọc trong tinh thần ích kỷ, và nhiều phần dốt nát. Người đời vẫn nói “Im lặng là vàng”, khi gặp những người cao hơn thì ta phải biết lắng nghe, đằng này lúc nào cũng đặt cái tôi của mình lên trước, không cần tiếp thu ai cả, chỉ cần được khoe mẽ tí thơ. Mà thơ nào có hay hớm gì đâu.
Qua nhiều năm quan sát kỹ nền thơ Việt, tôi thấy các nhà thơ chẳng mấy khen ai, nghĩa là họ rất đố kỵ. Chẳng biết nghe ai, chỉ cần mình được đọc thơ, rồi vào Hội, rồi leo ghế, rồi ẵm giải. Không phải chỉ có tôi thấy thế, mà ngay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ lâu đã nói: đó là đám vô học dốt nát, “đám giặc già thơ phú lăng nhăng”.
Nhìn kỹ hơn, tôi thấy, thơ là một đầm lầy bầy nhầy ẩn nấp những ký sinh trùng thơ hãm tài, nhân cách thấp kém. Tôi xin phân tích cụ thể:
1. Hiểu biết thấp: Xưa nay, cả thế giới nói “Đức hạnh là hiểu biết”, hoặc như người Tầu nói “Nhân bất học bất tri lý”, muốn có đức hạnh người ta phải biết cái gì đúng để làm, cái gì sai để tránh. Đằng này trình độ của các nhà thơ nói chung chỉ là sinh hoạt khoe mẽ mình vừa thoát nạn mù chữ (trong thực tế, sau bình dân học vụ, các tiểu nông Việt đã ào ào làm thơ), vì thế trình độ nhân cách của họ rất thấp, chủ yếu là thơ hiếu hỉ, gặp đâu nói đấy.
2. A dua, ăn theo nói leo: Thơ là ăn theo trăm phần trăm. Thứ nhất Cung đã vượt quá Cầu, người nghe thơ thì ít, người đọc thơ thì nhiều. Cụ thể, HNV muốn ra trang thơ thì phải in kèm độn vào trang báo. Ngay cả cái tên Hội Nhà Văn cũng là thương hiệu ăn theo cho các nhà thơ. Rồi rất nhiều nhà thơ muốn xí xộ mình là nhà văn cũng là cách ăn theo. Theo triết học, người ăn theo không có chủ quan tính, không phải chịu trách nhiệm về mình. Một người như thế thì làm sao đáng tin vào nhân cách hay đạo đức được.
3. Đố kỵ, ích kỷ, cấu kết bè nhóm, đánh chặn hiền tài: Sự đố kỵ của các nhà thơ nhìn đâu cũng thấy. Tôi xin đưa ra một minh chứng, ủy viên ban giám khảo kia đưa tập thơ đòi dự giải quốc gia, một ủy viên khác nêu lên, tôi không đồng tình vì như thế là phạm qui, nhưng tất cả các ủy viên khác đều phớt lờ, điều đó chứng tỏ người ta ngang nhiên bè phái đến thế nào! Còn sờ sờ kia cuộc thi thơ của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có đến 40% đạo văn và phạm qui, có chứng minh sự bỉ ổi ở mức quán quân chưa?
4. Lưu manh càn quấy: Việc mấy nhà thơ kia văng cứt và đếch vào thơ liên tục, không chỉ phản ánh thẩm xú thơ mà còn muốn nói “bố” giang hồ đây, thơ “bố” còn sẵn sàng ném bom bẩn và đếch thì “bố” ngán ai. Thử xem mấy tay giữ con dấu không ăn chia, sẽ nếm cái gì? Và chỉ cần một mệnh lệnh nhỏ, lập tức có một phi đội phê bình gia hợp tác xã lao vào tung hô thơ cứt lên mây xanh, thử hỏi đó có phải là bằng chứng của sự a dua bỉ ổi không?
Thôi, nói về cái kém, cái dở của thơ Việt thì không hết được. Nhưng tôi chắc chắn cái cách nhiều người làm thơ và lạm dụng thơ hiện nay chỉ làm cho văn hóa nước nhà dậm chân thụt lùi. Một điều không cãi được, muốn có nền văn hóa lớn chúng ta phải có tác phẩm lớn. Ai biện hộ và cãi bỏ điều này, chắc chắn là một người vừa nhìn đã thấy bé nhỏ, cho dù đó là người làm thơ Haiku hay đi nữa. Một cái tăm đẹp không bao giờ là một máy bay đẹp cả. Và đa số những người làm thơ, vui thơ, chơi thơ ở Việt Nam nên nghĩ, cho tới bao giờ mình chưa viết được tác phẩm thơ lớn có nhân vật thì mình chỉ là Sinh Hoạt thơ chứ chưa bao giờ là Lao động nghệ thuật thơ cả.
Tất cả mọi lao động ở đời, kể cả lao động nghệ thuật, nó phải cống hiến. Còn mới ngả ngớn, trà dư tửu hậu, đầu thừa đuôi thẹo thời gian làm mấy bài thơ tùy tiện rồi ngâm nga đòi vòi vĩnh những giá trị lớn của nghệ thuật, đó chỉ là sự ăn may dựa trên bất công tem phiếu thôi. Người ta có được gía trị ngang với những gì mình cống hiến. Ta mới làm thơ trong vòng nóng ấm chè, trở mình vài cái trong đêm, hay hít phải mấy bụm sương thu lành lạnh… tất cả những thứ đó không bao giờ là lâu đài nghệ thuật cả. Những chiếc lá cho dù có tụ bạ cấu kết với nhau cũng chỉ là đống lá thôi. Còn một đại ngàn dựng lên, nó phải xuất hiện theo một nguyên lý cắm mốc từ trong lòng đất. Kiến thức phải sâu, lý tưởng phải ngước nhìn các tầng trời, khi đó đại ngàn mới xuất hiện. Còn loanh quanh nhìn ra vườn, vớt mấy con ốc ngồi nhắm rượu nút lá chuối với mấy sợi rau vườn của mẹ, thì chỉ ra mấy bài thơ trên chiếu thôi.
Vì thế để có tác phẩm lớn, tôi đề xuất nên mạnh dạn vứt thơ đi. Vì ở đó có ít tinh hoa quá mà chủ yếu là chổ ẩn nấp của đám ít học hãm tài còi cọc nhân cách. Còn nếu ai là một phần nghìn tinh hoa đích thực thơ, tôi xin có lời tạ lỗi!
NHĐ  13/07/2013

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

TRUYỆN CỰC HAY

Mình yêu khẩu văn và cách viết hài hước  của Nguyễn Quang Lập.
Phải nói là nghiện rồi, ngày nào không vào Quê Choa là nhớ!
Nay có truyện Bọ Lập viết, cực hay luôn. Hay vì nhiều lẽ.
Xin phép chép lại, dù chưa xin phép bọ
ăm 1989, chia tỉnh mình theo anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) về Quảng Trị. Hội Văn nghệ thì đóng ở thị xã Đông Hà nhưng mình và anh Tường đều ghét ở Đông Hà, cả hai đều phản đối việc tỉnh chọn Đông Hà làm tỉnh lị, bèn về thị xã Quảng Trị, xin một dãy nhà cấp bốn của thị xã làm trụ sở tạp chí Cửa Việt.

Mình xây cái nhà riêng ở cạnh tạp chí luôn, cho tiện.

Anh Trần Quốc Vượng đi khảo cổ, ghé qua, chắp tay sau đít đi đi lại trước cửa tạp chí, gật gù khen, nói ông Tường, ông Lập đếch biết gì về long mạch mà chọn cái nhà này hay ghê, vượng lắm đây.


Anh Tường nghe nói vậy thì mừng lắm, nhờ anh Vượng chọn cho cái phòng nghỉ của anh, anh Vượng chọn phòng cuối dãy, anh nói hướng Tây Bắc hợp mạng ông Tường.

Cái phòng ấy vừa làm phòng khách, vừa làm phòng nghỉ của anh Tường, cứ một tháng đôi lần anh từ Huế ra làm việc và nghỉ lại.

Tháng đầu anh ở phòng ấy không thấy anh nói gì, hỏi thì khen, nói mác lắm, mác lắm.

Một đêm, khoảng gần sáng anh sang nhà mình gõ cửa hỏi xin nước. Mình nói nước chúng nó để cả phích đầy, anh uống hết rồi à. Anh không nói, ngồi một lúc lâu, mân mê cái mụn ruồi to đùng dưới cằm, miệng lẩm bẩm điều gì rất khó hiểu. Chợt anh nói Lập có rượu không, cho mình một chén. Mình lôi rượu ra, hai anh em ngồi hành lang uống.

Anh Tường trầm ngâm nhấp rượu, hồi lâu mới hỏi Lập ở đây lâu có thấy chi không. Mình nói không. Anh nói mình cũng rứa, nhưng hồi nãy thì sợ quá. Mình hỏi sao. Anh nói khoảng hai giờ sáng mình mở mắt thấy một anh bộ đội đứng sát giường luôn. Minh hỏi ai đó, anh vẫn đứng yên. Mình bật dậy thì anh đó biến mất.

Mình cười nói chắc anh chiêm bao, có những giấc chiêm bao nó kéo dài đến khi mình tỉnh hẳn hoi cả hơn một giờ. Anh nói mình cũng đinh ninh rứa, cứ ngủ lại thôi, nhưng hồi nãy thì lạ quá. Mình ra sau hồi nhà đi tiểu, vào phòng thì thấy đúng anh bộ đội đó đang đứng cạnh giường mình. Mình hỏi chi rứa anh? Chưa hỏi xong câu thì anh đó biến mất.

Mình im lặng, động viên anh Tường mấy câu, nhưng trong bụng  không tin. Hôm sau anh Tường vào Huế, mình ra phòng đó ngủ xem thế nào, ngủ cả tuần chẳng thấy gì.

        Tháng sau anh Tường ra, mình nói em nằm cả tuần chẳng thấy chi. Anh Tường nói cũng có thể mình ám ảnh chiến tranh nhiều quá, thành ra rứa.

    Tối đó uống rượu say, anh ngủ ngon, mình hỏi anh có thấy chi không, anh nhăn răng cười, nói toàn thấy chó lẹo chắc.

    Tối sau đúng ba giờ 15 sáng, mình nhớ chính xác vì khi đó đang viết, vừa nhìn đồng hồ, định tắt đèn đi ngủ thì nghe tiếng anh Tường gọi Lập ơi mau lên! Mình vọt sang phòng anh.

    Anh Tường ngồi chồm hổm giữa nền nhà, đèn bật sáng choang. Mình hỏi răng, anh lại thấy à? Anh nói thấy, chút nữa mình cầm được tay anh đó.

    Hai anh em pha trà ngồi uống. Anh nói mình ngủ một giấc, mở mắt thấy anh bộ đội đó đứng cạnh giường. Lần ni mình im lặng vờ như ngủ, rồi bất thần vùng dậy chộp tay. Chộp được rồi chớ, kêu Lập đó, vừa kêu xong thì anh đó cũng biến mất.

    Hai anh em nhìn nhau chẳng biết nói gì.

    Rất nhiều đêm sau anh Tường không thấy gì cả, có đến nửa năm anh Tường ngủ ngon giấc nhưng anh lại buồn, anh nói tại mình làm rứa, anh sợ anh đi rồi.

    Chị Hương (Dương Thu Hương) từ Hà Nội về nhà mình chơi, mình hỏi chị thích ngủ nhà em hay ngủ phòng khách. Chị nói tao ngủ phòng khách, để vợ chồng chúng mày tự do, tao thì gìàu tưởng tượng, ở nhà vợ chồng trẻ khó ngủ lắm.

    Chị ngủ phòng khách đêm đầu không thấy gì. Đêm sau chị đập cửa rầm rầm, mở cửa, chị ào vào nói mày cút sang phòng mấy đứa trẻ con ngủ, để tao ngủ với Hồng.

    Mình hỏi chị thấy gì à? Chị kể tao vừa mở mắt thì thấy một anh bộ đội đứng cạnh giường. Lúc đầu tưởng thằng bố láo nào, chực đạp một phát cho dập của bố nó đi. Không ngờ tao chực co chân đạp thì anh ấy đã biến mất. Tao ra kiểm tra lại cửa ngõ, khoá chặt, bật đèn sáng trưng, cả bốn cái đèn bật hết. Chưa ngủ, vừa nhắm mắt thôi, mở mắt đã thấy anh bộ đội đứng cạnh giường. Tao chồm dậy thì anh ấy lại biến mất.

    Chị Hương ngồi thừ, nói tao cũng không biết tâm trạng tao thế nào nữa, vừa sợ vừa thương, hay sao a… rất khó nói.

    Hôm Bảo Ninh với thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) vào chơi, chúng nó cũng ngủ lại phòng đó. Mình kể chuyện anh Tường và chị Hương thấy ma cho chúng nó nghe. Bảo Ninh cười khẹc khẹc, nói mày lại nghe mồm ông Tường, bà Hương, mày có đảng viên không đấy hả hả!

    Đêm đó uống rượu đến bốn giờ sáng mới ngủ. Mình quá giấc đang nằm thao thức thì nghe tiếng thằng Nguyên gọi. Mình ra mở cửa, thấy Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên, hai thằng đứng dúm dó, mặt xanh như đít nhái. Bảo Ninh lầu bầu nói mẹ, ông đếch ngủ phòng đó nữa... mẹ, ông đếch ngủ phòng đó nữa. Mình hỏi sao, thằng Nguyên nói tụi tao thấy anh bộ đội đúng như mày kể.

Bảo Ninh gằn gằn, nói mẹ, cả hai thằng cùng thấy nha, không mày lại bảo bố mày nói láo.

Mình ngạc nhiên vô cùng.

 Tối sau Bảo Ninh nói mày cút sang phòng khách ngủ để tụi tao ngủ đây. Mình cười nói các ông hay nhỉ, tôi sang ngủ với ma còn các ông về ngủ với vợ tôi à?

Bảo Ninh cười  khì khì nói ờ nhỉ, quên quên.

 Nói cho vui chứ tối đó mình cùng hai thằng sang phòng khách ngủ  với Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên cho vui, nếu có thấy thì thấy một lần cho biết.

Ba thằng uống rượu nói phét tới khuya, nói đi nói lại mỗi chuyện văn học phản ánh của anh Sử (Trần Đình Sử), văn học nghiền ngẫm của anh Trà (Lê Ngọc Trà). Mình nói anh Sử anh Trà cãi nhau bất phân thắng bại, tại sao không đề xuất văn học phản nghiền, anh nào cũng có phần, khỏi phải cãi nhau.

 Ba thằng sướng cái văn học phản nghiền, tán nhăng tán cuội mãi, rồi ngủ. Vừa chợp mắt Bảo Ninh bỗng vùng dậy hét vang, nói mẹ thằng Lập nha! Mình ngồi dậy hỏi sao. Bảo Ninh nghiến răng dơ nắm đấm đe đe: Mày sờ  tao. Mình cười phì nói bộ tôi không có sao phải sờ ông.

Bảo Ninh nói hay thằng Nguyên, đúng rồi thằng Nguyên. Thằng Nguyên vùng dậy ngơ ngác hỏi cái gì cái gì. Mình nói nghi ai lại nghi thằng Nguyên, của vợ nó… nó còn nhác sờ nữa là cái thứ của ông.
Bảo Ninh ngồi ngơ ngẩn nói rõ ràng có thằng sờ tao mà, tao đã ngủ đâu. Nó còn bóp một cái cực mạnh nữa mà.

Mình và thằng Nguyên chả tin, không thèm nói lại.

Bảo Ninh lại lôi rượu ra uống một mình, cứ lẩm bẩm hay là ông bộ đội hôm qua? Không, cái kiểu sờ không phải vuốt ve, nó có vẻ hận thù tao lắm. Hay là mấy tay lính cộng hoà?

Thằng Nguyên kêu lên thôi ngủ đi ông ơi! Bảo Ninh vừa chui vào màn vừa cằn nhằn hay là vợ thằng Lập sang sờ tao hì hì. Chẳng ai thèm nói lại, Bảo Ninh nằm im, rồi ngủ.

Bảo Ninh có rượu vào nó ngủ giống y chang một cuộc chiến tranh. Gằn gằn, gừ gừ, chóp chép miệng, bất chợt đập tay đánh chân, bất chợt gầm lên tao bắn hết, tao giết hết.

Mình không sao ngủ được, cố nằm im cho chúng nó ngủ. Chợt thằng Nguyên đập đập tay, nói Lập Lập mày ngủ chưa? Mình nói chưa, sao. Nó nói đúng là có ngườì sờ mày ạ. Nó cũng bóp tao một cái cực mạnh. Mình nói lạ nhỉ, sao nó không sờ tao. Thằng Nguyên ngồi dậy thẫn thờ nói tao cũng không biết nữa, nhưng có người sờ tao thật. Tao đã ngủ đâu.

Hai thằng ngồi dậy vừa rượu vừa trà cho đến sáng, nghĩ mãi không hiểu vì sao ma lại đi mò thế nhỉ.
Mình kể cho vợ nghe, vợ mình nói em kể cho chị Lí rồi, chị nói chắc là hồn ma anh Thỉ.

Anh Thỉ là tên chồng chị Lí, hi sinh năm 1972 ở thành cổ thị xã Quảng Trị. Khi đó chị Lí đang ở Thanh Hoá, mới 25 tuổi, chưa con. Hoà bình, chị vào thị xã Quảng Trị, tìm kiếm cả năm không thấy hài cốt anh Thỉ đâu, có người nhận chị vào công ti lương thực, chị ở lại làm ăn đây luôn, không ra quê nữa.

Chị nói chẳng phải ở quê không có việc, chị đang là kế toán trưởng công ti lương thực ngoài đó chớ, tự dưng vào đây không thích ra nữa, thấy cái căn hộ ở đây người ta để lại, ruột gan tự dưng nóng cồn cào, vay tiền  mua cho bằng được. Bao nhiêu nhà rẻ không mua, cứ muốn mua cho được căn hộ đây thôi. Có khi anh Thỉ xui chị.

Ngày nào chị cũng nhắc anh Thỉ, anh Thỉ. Hễ sang chơi, câu trước câu sau là anh Thỉ liền.

    Vợ mình kể chuyện ma ở phòng khách, chị mừng lắm, nói có khi anh Thỉ đó. Chị chạy mời thầy mời thợ cúng vái cả đêm. Thầy điểm huyệt gần giếng, đào lên chẳng thấy gì, chỉ thấy một khẩu AK gỉ rét.

    Chị buồn, khóc, nói không phải anh Thỉ, nếu là anh Thỉ tại sao không hiện hồn cho chị thấy, cứ hiện hồn cho mấy người đâu đâu.

    Nói vậy nhưng thỉnh thoảng chị lại sang hỏi anh Thỉ có hiện hồn nữa không? Vợ mình nói có, nhưng toàn nghe mấy ông kể ma sờ họ thôi. Chị cười nói không có đâu, mấy ông bịa đó, anh Thỉ hiền lành nghiêm túc lắm.

    Anh Tường từ Huế ra, vẫn ngủ ở phòng khách, nhiều tháng không nói gì, một hôm mình hỏi anh ngủ đấy, có thấy hiện tượng ai đó sờ mình không? Anh ngạc nhiên nói răng ông biết? Mình kể chuyện Bảo Ninh và thằng Nguyên bị ma sờ.

    Anh ngồi yên, cười khậc một tiếng nói rứa mà mình tưởng mụ Lí nhà bên ngứa nghề mò sang sờ mình. Mình đang nghĩ bụng mụ ni tìm sai địa chỉ.

    Anh kể nó sờ nhiều lần lắm, vuốt vuốt nữa, hay lắm, giống đàn bà làm chớ không phải đàn ông. Mình cười nói có khi con ma đó là pê đê.

    Nửa năm sau Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi bộ xuyên Việt ghé qua thăm mình, nghỉ lại hai ngày. Việc hai ông này đi bộ nhanh hơn ô tô nhiều chuyện vui lắm, nhưng hai ông về trời rồi, tha. Hi hi.

    Mình không kể chuyện ma cho Hoà Vang, Nguyễn Lương Ngọc nghe, sợ chúng nó sợ.

     Sáng trước khi đi, Hoà Vang cầm tay mình ra sau hồi nhà nói thầm vẻ quan trọng: Tôi nói ông, ông đừng nói lại thằng Ngọc nghe chưa. Thằng Nguyễn Lương Ngọc là một pê đê chính hiệu. Mình hỏi sao ông nói vậy. Hoà Vang nói nó sờ soạng tôi cả đêm. Tôi đã nằm riêng ra rồi, nó vẫn mò tới sờ soạng.

    Mình gọi ra riêng Nguyễn Lương Ngọc, giả làm bộ nghiêm trọng, nói này Hoà Vang có sờ soạng ông không?  Nguyễn Lương Ngọc ngạc nhiên nói sao ông biết. Mình nói Hoà Vang là một pê đê chính hiệu. Nguyễn Lương Ngọc kêu to: Thôi đúng rồi, tôi cũng nghi mà không dám nói, hắn sờ tôi cả đêm.

    Mình cười, nói cho hai thằng nghe chuyện anh Tường, Bảo Ninh, thằng Nguyên bị ma sờ, cả hai trợn tròn mắt, xanh mặt, bảo ở lại một đêm nữa, không ở, đi luôn.

Cuối năm đó bỗng nhiên chị Lí chạy sang hớn hở đưa cho vợ chồng mình cái nhẫn bạc đã gỉ rét, nói anh Thỉ đây rồi! Mình hỏi sao. Chị nói đây là cái nhẫn chị tặng anh trước khi vào Nam. Hồi đó nghèo, chỉ kiếm được cái nhẫn bạc thôi, khắc đôi bồ câu rồi tặng anh. Vợ mình nói chị kiếm được ở đâu. Chị nói thằng Líp nhà em đó, chị thấy nó cầm chơi, hỏi nó, nó bảo nó thấy trên cỏ.

Vợ chồng mình chạy đi tìm thằng Líp, hỏi nó con tìm thấy cái nhẫn này ở đâu. Thằng Líp mới bốn tuổi, lúc cúc chạy ra đầu hồi trụ sở toà soạn, chỉ tay nói chỗ ni nì.

Ở cái nơi thằng Líp chỉ là một cái lỗ nhỏ bằng đồng xu, năm sáu đường kiến lửa, kiến hôi từ nhiều hướng bò vào cái lỗ đó. Mình nói có khi hài cốt anh Thỉ dưới này cũng nên.

Chị Lí mời thầy cúng vái rồi đào. Bộ hài cốt hiện ra. Chị Lí oà khóc. Chị thắp một nắm hương nói có phải anh Thỉ thì hoá! Nắm nhang trong tay chị cháy bùng. Chị hét lên sung sướng đây rồi, chồng tôi đây rồi.

Mấy người đào phát hiện còn một bộ hài cốt nữa. Nhìn cái thế hài cốt mấy người đào phán đoán bộ hài cốt còn lại phía dưới khả năng là một lính cộng hoà. Họ nói khả năng hai ngươì này vật nhau, bóp cổ nhau, rồi chết cả hai.

Chị Lí nói thôi thôi đừng đoán bậy, chẳng may là đồng đội anh Thỉ thì sao? Nói vậy rồi người ta không cho vào nghĩa trang liệt sĩ, tội nghiệp.

Bỗng một người kêu lên, nói đây là hài cốt con gái. Anh này chìa ra một cái kẹp thép không rỉ và hai ba cái cúc sứ, màu hồng, đúng là cúc áo con gái.

Chị Lí rơi xuống ngồi bệt, mặt trắng bạch.

Một người đào nói è he, hai đứa ni rủ nhau ra đây vân vân, trúng bom  chết thôi, đánh đấm chi mô. Người nói xưa trai gái cùng nhau một hầm chiến đấu là chuyện thường, đừng có nghĩ tào lao. Người nói chiến đấu cái chi, trai trên gái dưới mà chiến đấu cái chi, chắc rủ nhau ra đây vân vân rồi trúng bom thôi…

Chị Lí chồm lên, hét một tiếng rợn người, nói câm mồm đi!

Chị Lí đem hài cốt anh Thỉ ra nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, chôn cất đàng hoàng, cúng viếng tử tế, đúng trăm ngày. Sau đó chị bán nhà ra Thanh Hoá không bao giờ trở lại nữa

NGUYỄN THÀNH PHONG-THƠ TÂY BẮC

 Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, hiện là Tổng BT báo Lao động -Xã hội.
Hình như là chủ tịch Hội thơ Hà Nội (!) Chờ xác minh, đúng thì bỏ hình như...chả sao!
Hình như đang dính dáng đến nghi án 11 tỷ đồng thừ thiện. Kệ. Thờ buổi giờ, ghen ăn, tức ở, biết thế nào là nói theo. Rất nhiều chuyện không có lửa, khói cứ lên rầm trời. Hơi đâu mà quan tâm
 Chỉ biết, khi VCH post bài về Sơn La, mình mở ra, nhẩm, chỉ ba giờ sau, đã thấy có một hồi âm là lạ, bảo chính gã  ở HN ( đâu Trần Khát Chân ) mới là ma xó SL- khoe có người yêu đầu đời ở bản Phiêng Ngùa.
Mình thầm nghĩ, gã này cũng thuộc  bloge sành  điệu đây!
 Thêm nữa  trang NTT, có giới thiệu mấy bài thơ Nguyễn Thành Phong viết ở Trường Sa. Thấy hay. Còn được Nguyễn Trọng Tạo PR, còn gì bằng- Hẳn là yếu nhân rồi.
 Đúng vậy!
Thực ra, yếu nhân, hay khoẻ nhân, mình cũng không quan tâm!
Quan tâm nhất là, nếu đúng như lời bạch, thì tình cảm của anh về SL thế nào?
Rồi cũng kiếm được cuốn" Thơ Tây Băc"- Nhà XB Hội Nhà văn in năm 2008, có chữ đề tặng của tác giả.
Đọc liền một hơi!
Rõ là nhà thơ chuyên nghiệp.
Vậy xin giới thiệu vài bài .

 alt



 Hoa ban
Bắt đầu mùa xuân
rừng còn trơ trụi đá
gió sậm màu hoang sơ

Sớm mai rừng rực không ngờ
hoa ban bùng lên màu lửa tráng tinh khôi

Trong đêm tình hôm trước
trên thảm cỏ hươm vàng
ai mạnh mẽ run lên
gọi màu hoa thức dậy

Rừng thốt nhiên thành em gái Thái
lần đầu tiên phơi phới
rạo rực
tung còn tìm người yêu
                     1981
Bản Phiêng Ngùa

Phiêng Ngùa Phiêng Ngùa
Sương lâng lâng trắng ngực bản xa mờ
tuổi thơ ta vẫn còn nguyên ở đó
lòng suối sâu giưc một viên sỏi nhỏ
ta đánh rơi rồi giờ vẫn tiếc ngẩn ngơ

Phiêng Ngùa Phiêng Ngùa
Hoa bí trổ những triền đồi ngơ ngác
mùi cơm lam thơm lợng trước mùa trăng
ta lớn vổng lên rồi không kịp biết
sao lại hay buồn, cô bạn gái ngày xưa

Phiêng Ngùa Phiêng Ngùa
 thế giới trẻ con ngun ngút trời núi đá
ta không hiểu vì sao ta trèo cây thật giỏi
những chùm quả chín vàng dưới những vòm lá tối
như ám ảnh thần kỳ đi suốt ấu thơ

Phiêng Ngùa Phiêng Ngùa
ta một mảng của rừng về thành phố
chuyện săn gấu, chuyện rừng ma vẫn luôn về trong giấc ngủ
những chùm quả trong đời không dễ hái
mà bản Phiêng Ngùa vẫn đang gọi tên ta
                        1993

Tuy  nhiên, nói đi rồi cũng cần nói lại. Một bạn thơ hỏi tôi, thơ N.T.P hay nhơ thế nào? Tôi chịu. Đành trả lời bừa, hay là so với cánh ta. Chứ đặt cạnh các cụ V.Q.P hay T.N.M... hoặc các nhà thơ có hương, có sắc ...thì chắc cuốn thơ T.B của NTP dễ bị lu mờ.lắm. Quý là nó đã được sinh ra.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

HÀM RỒNG( Tiếp theo và hết)

( Tiếp theo và hết)

                    

*
               Đấy, vâng chính ngay dưới mé sông Tẫn nằm đêm ấy là cái hõm/ mõm đá, bốn mươi năm trước, chúng tôi bị cuốn vào, không ra được nữa. Nghe lạ quá phải không? Thì tôi kể chuyện này cho những người đã qua tuổi " tri thiên mệnh", (2) hứng thú thì nghe, chán thì thôi vậy. Chuyện quá khứ, hơi buồn.
             Đó là một đêm trăng hạ tuần tháng bẩy, nhưng chưa mọc, im ắng lắm, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non xa lắc hoà với tiếng nước rì rào trong khoảng không nhờ nhờ đen. Từng người mình trần, bôi bồ hóng lem nhem, bò thật thấp, nhích dần về phía sông lấp loáng, lăn tăn vẩy bạc. Một tiếng tăc kè kêu. Tôi hiểu, đáp lại bằng tiếng chão chuộc, sau khi ngoái lại, rồi trườn xuống mép nước. Gọi là sông, chứ đầu mùa khô cũng chỉ vài chục mét nước chiều ngang, nhưng chảy xiết. Sông Ba Lòng. Vừa chạm đất bờ kia, linh tính như thấy cái nhìn nảy lửa soi vào đám rều có ống sậy, tôi đang nằm ngửa dưới nước ngậm, chỉ nhô khỏi mặt nước chừng gang tay, lừ lừ tiến vào. Thoáng chột dạ. Tôi vội nhả ống, buông người sát bùn, từ từ nhoai ngược trở ra, rồi xoay xuôi dòng, để lại một khoáy trên mặt nước như đàn cá chép quyện nhau, vật đẻ. Gặp rễ cây to, bấu vào, khẽ nhô đầu lên, hé mắt nhìn. Rõ là vài dáng loang lổ đang lom khom, thận trọng xăm soi. Bị phục rồi! Tôi vội đánh đôi tiếng tắc kè ám hiệu, rồi hụp xuống. Ngay lập tức, tiếng nổ sát tai chát chúa. Một bên vai buốt nhói. Tay như thừa ra. Chỉ dùng chân choài. Tay kia vẫn khư khư ôm bồng, trong âý có khẩu K59 bất ly thân, hơn năm nay, chưa hề bóp cò. Tôi có buồng phổi của vận động viên bơi lặn, nghĩa là nếu buộc chân tay, thả nước, chỉ cần hít thở, vẫn nổi được từ mắt trở lên, còn nằm ngửa, hở đúng hai lỗ mũi. Bọn bạn trường đặc công trêu đồng rừng cũng có có kình ngư! Nay mới có cơ vận dụng, thả ngửa người trôi, thơ thới lạ thường, quên cả cánh tay lắc lẻo. Đến doi đất giữa lòng sông, mừng, đất ta. Nào ngờ, mới vịn gốc bần, vài hơi thở dốc, bỗng hự, một thân người chồm tới, dập nghiến đầu tôi xuống đất, như tia chớp. Hai lỗ mũi bị sọc bởi hai ngón tay. Xương quai hàm bị ngón cái hắn cạy như vỡ bung, đau điếng. Địch hay ta? Hay dân chài xăm cá? Không mật khẩu. Hắn câm lặng, quắp cổ tôi dằn ngửa, lao xé nước. Ngộp thở. Miếng đánh độc, khiến tôi buông bòng. Tay còn khoẻ, cố lòn lên khe giữa cổ mình và cánh tay đối thủ hòng bẩy ra cho đỡ nghẹn. Nhưng cái gông sống ấy, chẳng hề suy xuyển, còn xiết chặt thêm. Cứ thế, người tôi nhũn dần, mê đi, nhẹ bẫng. Dòng sông Đà quê tôi mênh mang mùa lũ, nước réo sôi sục và ngầu đỏ. Khúc gỗ tày vòng ôm, trôi đến thác Pia, dựng lên, bọn choai choai thằng nào cũng truồng, khanh khách cười, thi nhau trổ tài, lượn thuyền độc mộc ra quăng dây ròng vào. Trồi lên, trụt xuống, không ngoắc được. Lại cười như nắc nẻ. Thoắt cái, đến chân thác Hin Phá, mùa cạn, như âu nước trong xanh. Nhìn thấy cả rêu bám đá đang xoã tóc, lả lơi bơi như bầy tiên cá vờn cô gái Mường trắng như nõn chuối rừng đang ngâm mình, kỳ cọ. Tôi như rái cá từ xa lặn xuống, nhẹ nhàng nhoài đến, mở mắt, nhìn thấy hết, cứ lượn mãi, không muốn rời…Anh cứ yên tâm lên đường, bao lâu em cũng đợ…ợi.  Ngọt  ngào quá. Mềm ấm, mịn màng và run rẩy mà trươn truội. Ôm nhau quay cuồng, nghẹt thở. Thằng địch xoay người bơi ngửa, một tay vẫn túm tóc lôi tôi, làm hai cơ thể áp áp sát nhau, day, giựt nhồn nhột. Mê hay tỉnh? Sông Đà hoang dã, ngọt ngào đấy ư? Cú giật tóc làm tỉnh hẳn. Tôi gồng lên, úp mặt đúng ngã ba háng nó cũng trần như nhộng, há mồm sực một phát cực mạnh. Trời đất quay cuồng, tiếng gào thét dữ dội, lăn lộn, xiết vò…
          Tôi cứ gọi là cái mõm/ hàm cho dễ hiểu, đấy là chỗ tôi bị cuốn vào nằm đó đã bốn mươi năm, không ra được. Thế mới cú. Không biết bao nhiêu sinh mạng đã bỏ ở khúc sông này, nay cứ gọi là" Hàm Rồng" cho sang đi. Sau này tôi mới hiểu, cú võ mồm tuyệt đỉnh lợi hại của tôi, làm hòn "ngọc"truyền nòi của đối phương tan nát ngay tức khắc. Song, phản ứng cận sinh của sỹ quan thuỷ quân lục chiến được Mỹ đào tạo bài bản tận Inđô đã kịp khiến đôi chân cứng như thép của hắn xoắn chặt vào nhau; vặn. Tất nhiên lọt giữa chúng là cái cổ của tôi. Tất cả bện chặt, cùng lăn lộn xuống thác và rồi chui tọt vào cái mõm đá này. Lúc ấy đối phương đã chết hẳn, chứ tôi mới bị cổ vặn  xoay nghiêng hơn 90 độ,  và mắt lồi như con ốc bươu. Kẹt cứng, các nanh đá lởm chởm, chỉ cho tôi nhoài ngược lên độ một đầu người, ngửa mặt thở, ấy là lúc nước rút. Một lúc sau, nước lại duyềnh lên, không kịp nhoai, bị sặc. Tôi lơ mơ nghĩ, hay đây là hàm rồng thật, nước rút, nước dâng theo nhịp thở thuỷ thần.
*                 *
*
            Chắc là, các bạn đọc yêu quý, tự hỏi có phải sau cái đêm giông gió ấy, đêm chi lạ, gã thả lươn Tẫn sẽ phát điên chăng? Dạ, thưa - không! Tẫn nồng nỗng chạy về, hổn hển kể cho vợ nghe chuyện kinh khủng ở "thuỷ trại" lươn; tất nhiên là giấu nhẹm cái sự sướng mê mẩn chưa từng có. May nhờ mấy lần ngã dúi bờ sông, nên vết vuốt ve/ cào cấu, ả nợ đời để trên người gã, đặc biệt là hai đầu gối còn đỏ lừ…chẳng những không bị vợ cật vấn gì, còn được đắp nắm lá nhọ nồi giã nhục xí xoá hết. Chỉ vợ gã trằn trọc. Thi thoảng quờ sang người gã, thở dài. Chẳng lẽ mới thế mà đã thọt lên cổ! Thị quyết định, mai gọi cả vợ chồng thằng em cậu xem sự thể ra răng? Thế rồi, sau một ngày nọ, bốn vợ chồng anh em thay nhau đào bới, cửa hang dần lộ ra. Mọi người gật gù công nhận với nhau, khi nằm sấp áp tai xuống đất, đều nghe rõ tiếng rên rỉ, thi thoảng còn như cả tiếng nghiến răng kèn kẹt. Lạ nữa, mực nước thông xuống dưới hang lúc dâng lên, lúc tụt xuống như có người khổng lồ thở hắt ra sau một hồi dài nín nhịn. Đùn đẩy nhau mãi, cuối cùng thì Tẫn nhận trách nhiệm bò xuống, sau khi buộc dây chạc chìu(3) quanh bụng dặn, có gì lôi ra ngay, kẻo chết ngạt, như mấy lão đầu đất tháng trước đào giếng thuê ở bản. Y như rằng, khi đôi chân gầy nhẳng như cành xoan của Tẫn cứ yên một chỗ, không nhích thêm tý nào, ba người ở ngoài tức tốc lôi vội ra. Mặt gã bợt bạc, mắt trợn ngược, sùi bọt mép. Vợ Tẫn, đúng cô vợ xấu xấu, bẩn bẩn, lại là người bản lĩnh nhất, quát vợ chồng em cậu lúc ấy rúm tú túc, lóng ngóng, giật hết quần áo nó ra xem có vết cắn chi không? Còn thị, vừa móc rớt dãi miệng chồng, vừa bịt mũi, hà hơi thổi ngạt. Một lúc, Tẫn tỉnh dần, da dẻ tươi lại, ngồi lên, ợ ợ mấy cái, rồi như sực nhớ điều gì, vùng căng chạy. Về nhà đắp kín chăn, rên hừ hừ, Tẫn nhât quyết bảo, dưới hang nhung nhúc quỷ, nhao cả lên, khi gã mới bò vào. Ông đầu đàn, sọ trắng hếu, nhe nhởn xông lên cực nhanh. lúc lắc như gạt đi mọi lời xin xỏ. Sợi râu mép ông đánh vào tay Tẫn buốt thon thót làm gã ngất xỉu, chẳng biết gì nữa. May kéo ra kịp. Nhưng rồi gã bị loạn thần từ ấy!
             Tẫn cứ vật vờ, lúc tỉnh, lúc ngây dễ đến cả năm. Nhưng lạ, hễ đầu ong ong, chuẩn bị lên cơn, gã phóng xuống bãi sông, nằm vật ra, hóng gió quẩn, kỳ như đỡ. Cô vợ khôn ngoan để ý thấy, lẳng lặng lập cây hương ở gốc cây già cấc, cằn cỗi trên nóc cửa hang. Thì cũng như mọi người vẫn thờ thổ thần trước cửa nhà trấn trạch/ cầu may đấy thôi, ai cấm. Gã thấy hay hay, rồi thành quen. Đêm rằm nào không ra, bứt rứt không chịu được. Hình như, gã tỉnh dần, người đỡ tanh,hôi; bởi cứ ra sông, là thèm tắm. Làng xóm mừng cho nhà Tẫn. Rồi chẳng biết từ bao giờ, cây hương trên nóc hang, thành nơi kêu cầu, giãi bày nỗi niềm oan ức… cho cả bản, ngày một thêm to. Một hôm, đang lang thang dọc sông, Tẫn gặp ông khách lạ. Ông hỏi chuyện, từ tốn, lịch lãm làm Tẫn kể tuốt tuột, kể cả cái đêm sung sướng đến bàng hoàng, cả chuyện cái hang có nhiều quỷ dữ nhao nhao đòi thịt gã. Từ lúc làm người đến giờ, Tẫn chưa được ai nghe mình nói một cách chăm chú vậy, nó thấy mình có ích, quan trọng phết. Đầu óc như bỗng sáng ra, ăn nói hoạt hẳn lên. Rõ là gần đèn thì sáng vậy. Rồi  ông theo Tẫn về thăm "Động chó"( Láo thế, chỉ bọn nguỵ xưa mới ám chỉ tầm bậy thế!). Ông thắp nén hương, bỏ mũ, cúi đầu, Tẫn rợn người nhìn thấy cái sẹo như lòng bàn tay, nhăn nhúm…phía trên tai ông. Ngọn gió quẩn từ sông bỗng ào đến, hất mái tóc bạc của ông đang xoã rối bời. Cây hương phát hoả, cháy rần rật như bó đuốc.
*                     *
*
          Bốn mươi năm, cảnh vật đã thay đổi khá nhiều. Nước sông ít đi, thác cũng bé đi. Ghềnh nước xoáy sâu dưới thác giờ chỉ còn là cái âu nông choèn. Cửa động bị bồi lấp bởi vô vàn lá cành, đất cát, xương xẩu…lờ đờ trôi dạt bị cuốn xuống, mỗi năm một dầy, nhưng không bao giờ lấp chặt được. Sống cùng chúng tôi trong ấy còn vô số vong hồn, và cả các con vật. Nhiều nhất là cá trê, trạch chấu và lươn. Nguồn thức ăn cho chúng không bao giờ vơi cạn, được chắt lọc từ ngách thông đáy sông quẩn cồn lên, cũng không thể không kể đến xương cốt của chúng tôi, những người nằm lại khúc sông này. Nghe ghê chết đi đúng không?, nhưng sự thật vậy! Ai đã từng ăn những con cá, con lươn béo mẫm do vợ chồng Tẫn dạo ấy mang bán, xin chớ ngại ngần. Khoa học sẽ nói cho các bạn biết không sao cả, còn lành chán so với cá, cua … bị nhiễm độc ở vùng sông đang bị móc ruột đãi vàng…Một buổi trưa hiu hiu nắng, có một đoàn người đến thăm Hàm Rồng- (từ giờ trở đi, xin hãy gọi thế!). Họ không táo tợn bò xuống hang, chỉ lập đàn tràng ở ngoài, với hương hoa và đặc biệt là lời mời gọi rất ngọt, rất thảm thiết, thân thương cảm động, chưa bao giờ chúng tôi được nghe, nên tất cả mọi người ra, quây quần xem. Đấy là đoàn các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt đồng đội. Chúng tôi nhìn nhau, cười; Giờ còn đồng đội, dị đội gì nữa, như nhau là như nhau! Họ hỏi tên, cần thiết gì nữa nhỉ? À để ghi vào bia Tổ Quốc ghi công. Tay sinh viên tổng hợp Văn năm thứ hai, người Hà Nội, nhập ngũ chưa đầy ba tháng, đợt bắn đạn thật, cả 7 viên tống ráo lên giời, còn xón ra quần, vậy mà ở thế giới âm, luôn là kẻ nhanh nhẩu nhất, ứng khẩu, ngâm ngay: Tên các anh đã thành tên đất nước! làm khoé mắt cô ngoại cảm xinh gái lăn một giọt long lanh.
             Cô nói với mọi người: Toàn con giai cởi trần. Xương cốt lẫn lộn hết, không nhận dạng được!
            Ông đại tá, chắc là trưởng đoàn, trầm ngâm:
            -Hay ta mời chị Năm Nghĩa, làm như ở hồ K'Nak,…!!!
            Đám người âm nhao nhao: -Không đâu, không đâu!
             - Liệt sĩ không đồng ý! Cô quay sang nói với đoàn.
              - Thế chứ! Thế chứ!  Đám người âm ồ lên, rất phấn khích.
          Cuối cùng, ông lại nhờ nhà ngoại cảm mời chúng tôi quy tập về nghĩa trang liệt sỹ Quảng Trị, hay về nghĩa trang quê hương xứ xở… Lúc này thì tôi, với tư cách là ma cũ oanh liệt nhất, nghĩa là có cái chết dai dẳng nhất,( Mười ba ngày ngắc ngoải) thay mặt anh em có lời bạch ngắn: Chỉ cần cho linh hồn chúng tôi có chỗ trú ngụ, một đền đài vô danh nhỏ thôi ở khúc sông này. Nhớ đến chúng tôi, cả những người uổng mạng bằng tấm lòng từ bi, độ lượng. Còn bảo nhỏ cô ngoại cảm: Người Thái bọn anh đào sâu, chôn chặt một lần, xác vùi đất mẹ, hồn bay về trời. Ừ! ở quê khi xên hươn (4)anh vẫn về. Thỉnh thoảng anh cũng hay sang nghĩa trang Trường Sơn uống rượu với bạn, dưới mái nhà có hoa Khau Cút.(5) Vui lắm.

          Tất cả chúng tôi, mọi vong hồn phiêu linh vật vờ quanh khúc Ba Lòng chẳng ngờ rằng, Phật Đản năm ấy, năm Canh Dần (2010) được súng sính những bộ quần áo mới toe, hướng theo tiếng đại hồng chung,(.6) tiếng trống Bát Nhã cưỡi trên sóng, bám theo cánh hoa đăng, xuôi về Thành Cổ dự đại lễ Cầu Siêu.
            Văng vẳng bên tai lời niệm cầu chí thiết, cảm động đến rưng rưng.
                                                    Lễ kỷ niệm 40 năm vượt sông Thạch Hãn 7/2012
                Xin cảm ơn đại tá Cầm Hùng, cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị đã cho những ý kiến quý báu để hoàn thiện - 7/2013.

 

(1)   gọ : ( gụ) Một loại gỗ tốt
(2)  tuổi "Tri thiên mệnh":  50 tuổi trở lên- Biết mệnh trời  (Ý thơ Đỗ Phủ)
(3) Chạc chìu:  tên loại  dây rừng rất dai- có nơi gọi là ruột mèo
(4)  Xên hươn: Cúng nhà
(5)  Khau cút : Linh vật gắn trên nóc hai đầu hồi nhà người Thái
(.6)  Đại hồng chung: Chuông đồng lớn