Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Những bài thơ của anh Tình

Lời của người im lặng

                                                 PHẠM VĂN TÌNH

Có khi nào em đã nghĩ về tôi
Dù chỉ phút giây thôi qua một lần thoáng gặp?
Có lẽ em chỉ coi tôi như một người hành khất
Ngồi bên đường em bất chợt nhìn qua

Như một chuyện hoang đường trong quá khứ lùi xa
Tôi nằm mơ thấy em trở thành nàng tiên cá 1
Với phép thuật nhiệm màu và tình yêu kì lạ
Còn tôi như hoàng tử đứng bên vườn

Giấc mơ đẹp vô cùng
                       nhưng lại càng làm cho tôi buồn bã với mình hơn
Vì em vẫn là em
                  tôi vẫn là tôi
                            vẫn không là ai khác
Hoa vẫn nở bên vườn và gió mùa thu thổi mát
Còn tôi đi, lặng lẽ với riêng mình ...

Tình yêu trong tôi chưa có cả dáng hình
Nhưng hình ảnh em trong tôi đã thành sâu nặng lắm
Em cũng đừng bận tâm làm gì vì những điều vơ vẩn
Em cứ đi...
             và tôi cứ nhìn theo

Người ta thường nói nhiều khi đứng trước tình yêu
Còn tôi đến với em
             Chỉ là điều im lặng ...


__________
1 Nàng tiên cá : Một trong những câu chuyện hay và thi vị trong Truyện cổ Anđecxen (Hans Christian Andersen, 1805-1875 - nhà văn người Đan Mạch, nổi tiếng viết truyện cổ tích với những ý nghĩa triết lí nhân sinh và nhân bản sâu sắc. Bạn đọc Việt Nam đã  được đọc nhiều truyện của ông, như Bộ quần áo mới của hoàng đế, Chú lính chì dũng cảm, Công chúa và hạt đậu, Nàng tiên cá,...).


MÙA THU NÀY EM Ở ĐÂU?

                                                        PHẠM VĂN TÌNH


Mùa thu này em ở đâu?
Dù đã biết em ở nơi xa nhưng tôi vẫn cố tìm câu hỏi ấy
Không tìm được bóng hình em tôi tìm câu hỏi vậy
Mùa thu này em ở đâu?

Truyện Lý Biên Cương gấp lại rồi, "Bây giờ ta lại nói về nhau"
Tôi lại nói về ai? Hay chỉ là hình bóng
Chồng thơ tình tôi viết dày lên nhưng tình tôi xẹp xuống
Trang giấy trắng tôi nhìn
Không xóa nổi cô đơn

Trang giấy trắng tôi nhìn.  Không biết nói gì hơn
Tôi cố bỏ qua mọi sự lãng quên để cuối cùng lại rơi vào quên lãng
Tôi có sống khác mình, cố tìm trong im lặng
Nhưng bóng hình em không bị xóa bao giờ

Trong tình yêu hình như lắm bất ngờ?
Tôi bị lỡ làng trong tình yêu và chờ sự bất ngờ là một điều trái ngược
Cuộc đời cũng an ủi tôi và có lẽ là còn nhiều hơn trước
Nhưng, mùa thu này em ở đâu?

Thật lạ lùng cho những người yêu nhau
Tôi yêu cả những nào có em mà trước đây tôi vẫn từng không thích
Tôi yêu cả những người mặc áo màu hoa xanh, có khăn màu ngọc bích
Và nụ cười buồn của em
Tôi chợt nhớ ra rồi...

Tôi chỉ yêu một mình em để rồi phải yêu biết bao người
Dáng hình em như mùa thu ở nơi nào cũng có
Xin đừng trách tôi cho đến tận chân trời vẫn tìm câu hỏi đó
Mùa thu này em ở đâu?


                                                                       20-6-1979
TÂM SỰ VỚI MAIACÔPXKI

                                                                  PHẠM VĂN TÌNH
                                            Tôi mượn anh những chữ thật bình thường
Để tôi nói những điều đơn giản nhất

Cuốn sách đầu giường
                tôi đọc đến lần thứ mười ba[1]
Tôi hiểu từng dòng thơ rộng mở
                                    như căn phòng anh không bao giờ khép cửa
                                                            trên đường Matxcơva
Tôi biết anh rất yêu thương
                                                yêu thương từng ngọn lá
Yêu mỗi căn nhà
                        yêu mỗi cánh đồng
                                                với một tấm lòng
                                                            ngọt ngào như sóng nước Nêva
Tôi biết lắm Maia
Như biết rõ những bài dân ca Grudia [2] không bao giờ tắt
Biết nụ cười của anh rắn hơn kim cương và thép
Rạo rực tương lai
                        tê rét lũ đê hèn
Tôi biết anh từ  Gôgôn
                                    Nêcratxôp
                                                            Puskin...
Từ những đêm dài
                        bóng đêm cuộc đời
                                                còn trùm lên Pêtrôgrat
Tôi biết anh không thích thơ được phết đầy phó mát
Mà thích bày tỏ tấm lòng
                                    như bày những cành thông
Khi đại bác trên tàu Rạng Đông
                                                chĩa nòng
                                                            nổ súng vào quá khứ
Thì những vần thơ của anh được viết vào lịch sử
                                                bắt lũ chuột chù tính nợ với thời gian
Gươm sẽ phải mòn
               dao sẽ phải gỉ
                            và súng sẽ phải han
Nhưng lưỡi bút anh không bao giờ cùn cả
Bởi anh yêu thương từng chiếc lá
                                    từng căn nhà
                                               từng ngõ nhỏ
                                                                    mỗi dòng sông
Bởi tâm hồn anh rộng dài như sóng nước mênh mông

*
*   *

Maia có biết không
Nếu anh sống đến tận cùng thế kỉ
Anh sẽ còn ngạc nhiên hơn thế
Anh sẽ nhìn
                        sẽ hiểu
                                    sẽ cười rõ to hơn
Khi những đêm dài nóng bỏng Xtôckhôm[3]
Sóng ti vi kinh hoàng bay lên từ Oasinhtơn
                                                                        gầm rú :
“Bom B 52 sẽ đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá cũ
Cả Biển Đông sẽ biến thành biển lửa ...”
Khi nhân loại nghiêng mình trước Chúa Giêsu
Rốckét bay lên từ căn cứ Hônôlulu
Khi Hà Nội chẳng còn ban đêm
                               chỉ có ánh sáng đèn dù
Tiếng gà gáy đón bình minh được thay vào bằng những tràng pháo kích
Khi văn minh con người được minh hoạ bằng cái chết
Em bé sinh ra chỉ biết bốn vách hầm
Khúc nhạc Traicôpxki vang lên
                                   trong những tiếng bom gầm...

Anh sẽ thấy chúng nó ở Việt Nam
Cũng qua những nấc thang
Nhưng được đóng bằng toạ độ
Bằng khăn tang và nạng gỗ...

Nhưng có lẽ anh chưa bao giờ nhìn rõ hơn chúng nó
Trên những bầu trời cháy đỏ B 52
Những đoàn quân viễn chinh rất dài
Chỉ có đi mà không bao giờ trở lại
Để nhìn về lịch sử nước Mỹ
                     hai trăm năm
                               mà vẫn còn kinh hãi
Sống như những đêm dài
                            khắc khoải Xibiri
Anh sẽ thấy ngôi sao Việt Nam
                          cháy sáng như tháp Kremli
Từ những cánh đồng vàng trên tầm bom Mỹ
Vang hơn tiếng đạn reo
     Là câu ca dao rơi đầy bên vành nôi em bé
     Là câu chuyện Thạch Sanh ngàn năm mà vẫn trẻ
     Là những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” đi dài cả thế kỉ hai mươi
     Là ống khói lò cao chọc trời gọi gió sớm ban mai
     Là trang sách em thơ nở trắng những cánh rừng
                                   ngày hôm qua còn hoang dại
Anh sẽ thấy những khuôn mặt Gơrinh, Mutxôlini...[4] tê tái
Lại hiện về run rẩy như tàn nhang
Anh sẽ thấy “Thần tự do” (!) hốt hoảng bám trực thăng
Bị vẫn kịp nhét trẻ con đem về bang Tếchdớt[5]
Anh sẽ thấy những ông vua trước đây chỉ sống bằng nước bọt
Mà đến bây giờ chết rồi, bụng lại chứa đầy bột ngọt với vàng tây
Những đô đốc túi nặng đô la
                     tay vẫn bám váy hoa để chui vào máy bay...[6]


Anh chưa đến được nơi này
Cũng chưa sống những ngày như thế
Nhưng tôi vẫn thấy anh
                             đang lặng lẽ
                                                            mỉm cười
Bởi câu hỏi của anh ngày xưa
                                đã được trả lời
Bằng thời đại
Bởi những vần thơ của anh không bao giờ dừng lại
Trên con đường nhân loại đang tìm đi 7
Như cuộc đời anh:
                                    MAIACÔPXKI...



1978, P. V. T.


[1] Người châu Âu (và Phương Tây nói chung)  có thói quen kiêng số 13 (theo quan niệm của Đạo Cơ Đốc thì con số này chỉ vị thánh thứ mười ba, là Giuđa (Juda) - một tên phản Chúa). V. Maiacôpxki không kiêng con số này.
[2] V. Maiacôpxki là người gốc Grudia (một nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây).
[3] Xtôckhôm (Stockholm): Thủ đô Thuỵ Điển, nơi từng diễn ra các cuộc xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ nhất (trong thập kỉ sáu mươi và bảy mươi, thế kỉ 20).
[4] Gơrinh (Hermann Goring, 1893-1946): Thống chế không quân phát xít Đức, khét tiếng về tội ác huỷ diệt. Bị Toà án quốc tế Nurembe kết án tử hình nhưng đã tự sát trước khi bị treo cổ vài giờ, Mutxôlini (Benito Mussolini, 1883-1945): Trùm phát xít Ý.
[5] Người Mỹ khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam, đã đem theo nhiều trẻ em là con lai Mỹ (hoặc vô thừa nhận, hoặc trẻ em đang trong các trại mồ côi) về bang Texas, Mỹ.
[6] Một số tướng lĩnh Chính quyền Sài Gòn, trong đó có Đô đốc Nguyễn Cao Kỳ, nguyên phó Tổng thống Nguỵ, phải bám theo vợ Đại sứ Mỹ lúc đó (là Matin) ra tàu sân bay để di tản.
7 Một câu thơ của Chế Lan Viên.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

CHUYỆN TÌNH CÂY VÀ ĐẤT

       Bài thơ được viết nháp vào mùa hè năm 1997, có đọc cho anh Lê Hữu Đê, nay là  phó ban TG Tỉnh uỷ, hồi ấy làm Chánh VP Ủy ban nghe. Anh Đê thích nên có rủ  mình đến nhà nhạc sỹ Việt Cường chơi, với hy vọng nếu ăn ý, thì Việt Cường phổ nhạc. Tuy nhiên, khi đến chơi, Việt Cường đang bận làm nhà, mình chẳng thấy có hứng thú nên nói thác là quên... Người thứ hai được nghe mình đọc trong giọng rượu là anh Nguyễn Hải Nhiệt, nguyên Bí thư huyện uỷ. Khi ấy anh Nhiệt mới là PCT HĐND.  Chẳng biết có thấm không, thấy anh chăm chú lắm. Lâu, chẳng nhớ.
      Đến hôm rồi, anh Xanh bảo Sông Mã mở trại sáng tác. Cao hứng, mình nói như cướp lời về bài thơ này. Không ngờ, sau 15 năm, mình vẫn nhớ thật, cái nham nhở xưa như mịn màng hơn, lạ thế!
Rất có thể mình thử gửi bài này về huyện  dự thi xem để xem mình ở tầm nào trong đó chăng?
Song trước hết phải nhờ các con em Sông Mã thẩm định trước!

  TÌNH  NHÃN 
                                                         Đất và cây như một chuyện tình
Đồi đất cỗi cằn- cha luống tuổi
Gió giật cây run,
 Mưa giông, đất tãi
 Mảng da trôi, buốt nhói hình hài…
Cây bản địa tự xưa mòn mỏi, hao gầy-
Mẹ lam lũ, mùa nào quả nấy

Sông vẫn chảy                  
Nhưng lẽ đời chẳng vậy?
Rừng mất dần. Con cháu thêm đông!
Rát ruột mẹ thương bầu sữa cạn dòng
Xiêu vẹo bên cha tiều tuỵ, mùa lửa rẫy

Lên miền Tây, 
tuổi thanh xuân sôi nổi*
Hạt nhãn lồng, gieo đỡ nhớ quê
Hớn hở đơm hoa
Bỏ cả thời thiếu nữ
Nhãn tiến vua-đài các, kiêu sa
ngỡ chỉ xanh bởi phù sa châu thổ
E ấp lên non phủ núi- trai già
Rễ mải miết ái ân triền Sông Mã
Lá rụng, hồi xuân, đất nhuận da
Mưa tắm gội mơn man tóc gió

Nhãn duyên dáng, dâu hiền xứ sở
(Chẳng là tiên hóa phép giầu ngay)
Chưng vị đất, hương trời Sông Mã
 Giọt mật vàng, rộn rã ong bay

Chiềng Khoong, mùa long nhãn 1997


*Thơ Bùi Minh Quốc và tên bài hát Nga nổi tiếng trong phong trào khai hoang Tây Bắc


THƠ ANH PHẠM VĂN TÌNH

Anh Phạm Văn Tình-PGS TS ngôn ngữ, là người hay chữ đã đành, còn có tâm hồn thơ rất đáng trọng. Vừa rồi anh có tặng mình 2 bài thơ về Tết. Một cái Tết có 2 bài thơ. Nể thay!
NẾU KHÔNG CÓ TẾT


                                                         PHẠM VĂN TÌNH


Nếu không có Tết thì trời
Một mình ngồi với mưa rơi lặng thầm
Dù trời có rét căm căm
Người ta vẫn ấm trong chăn xứ Hàn

Nếu không có Tết nhân gian
Người già không thấy mình đang “được” già
Nụ kia vẫn chẳng thành hoa
Người yêu ta vẫn chỉ là... người yêu

Nếu không có Tết mĩ miều
Cũng theo bóng nước nàng Kiều về sông
Em ngồi tựa cửa chờ trông
Năm kia chưa hết, mùa đông vẫn còn

Nếu không có Tết giận hờn
Bao ngày bao tháng vẫn còn trơ trơ
Sông kia vẫn lạnh đôi bờ
Bánh chưng xanh biết bao giờ lại xanh?

Nếu không có Tết thì anh
Quên mất em, quên mất mình đang yêu
Em sinh nhật tuổi bao nhiêu
Để cho hoa thắm nở nhiều chồi non

Dù cho nước cạn đá mòn
Thời gian vẫn chảy như con sông dài
Giật mình tờ lịch sớm mai
Ngày ba mươi Tết, ngỡ ai đang chờ...

                                                               
                                                      19-1-2012

EM ƠI, HÀ NỘI... RÉT


                                                         PHẠM VĂN TÌNH


Pháo hoa nổ trên tivi giòn giã
Dân Hà Nội nằm trong chăn ngó cổ đón giao thừa
Quơ tay ra là gặp ngay trời lạnh
Mưa bụi vẫn cứ bay trong hun hút gió lùa

Ông Hành Khiển đi từng nhà gõ cửa
Gà cúng ngậm bông hoa lạnh ngắt tự bao giờ
Trên bàn thờ các cụ về đông đủ
Không biết gia chủ nhà này đã biết Tết hay chưa?

Điện thoại rung trong quần, tin nhắn reo trong váy
Dân gian nhẹ nhàng vào mạng gửi email
Một cú bấm thôi, cả làng vang lời chúc
Chỉ một cái mô-bai nối nhịp cả ba miền

Lạnh và lạnh, như chưa bao giờ gặp lạnh
Đi dọc ngày ba mươi theo suốt cuộc hành trình
Bánh chưng rền cùng thịt đông, giò mỡ...
Cành đào Hà Giang, im lặng nở một mình

Bước ra phố, êm ru ngày mồng Một
Dăm người đi lác đác dưới mưa phùn
Hình như đất trời chẳng hề mong có Tết
Cây trong vườn thong thả đứng và run

Tết Nhâm Thìn cuộn tròn trong chăn ấm
Mở cửa ra, tháng Giêng đến kia rồi
“Em ơi em, mùa xuân đến rồi đó...”
Cuộc sống mới lại bắt đầu
Chúng ta cùng nhau vẫy tay chào “Hà Nội rét” đi thôi...


                                                              
                                                        30-1-2012

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Những điều tôi chưa biết về Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc trong những năm 1959-1969
Hà Văn Thịnh
Khi nói đến Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với đảng, chính phủ Trung Quốc (TQ) – hầu như ai cũng nhắc đến hai câu thơ Mối tình hữu nghị Việt – Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em; qua đó, gián tiếp và mặc nhiên khẳng định rằng đối với Bác Hồ, quan hệ Việt – Trung là một điều gì đó đã được mặc định, đương nhiên và, trong suy nghĩ và Tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM), đó là sự thiêng liêng (?) không cần phải bàn cãi…
Có đúng như thế không là điều mà chúng ta cần phải thẩm định, nghiên cứu một cách kỹ càng. Bài viết này muốn đưa ra một phác thảo nghiên cứu rất nhỏ nhằm làm sáng tỏ những quan niệm – ứng xử – thái độ đúng và đủ của HCM đối với TQ trong một khoảng thời gian không dài nhưng hết sức quan trọng của Hồ Chủ tịch – Gần 10 năm cuối đời, tức là từ 1.10.1959 đến tháng 9.1969.
1. Điều đặc biệt và điều kỳ lạ là suốt 10 năm rất, rất quan trọng đó của sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta, HCM chỉ một lần duy nhất viết bài kỷ niệm ngày quốc khánh của nước CHNDTH – ngày 28.9.1959, nhân chuyên sthăm TQ đồng thời kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hoà công nông lớn nhất thế giới. Kể từ đó, cho đến khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch HCM không bao giờ gửi thư hay điện mừng để chúc mừng quốc khánh nước láng giềng khổng lồ phương Bắc(?)
2. Suốt gần 10 năm trời, Chủ tịch HCM chỉ một lần bàn về cách mạng TQ trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đảng CSTQ, tháng 7.1961. Ở bài viết rất khác lạ này (báo Nhân Dân, 1.7.1961, số 2.658), Hồ Chủ tịch cho biết Người đã hai lần đứng trong hàng ngũ đảng CSTQ. Một lần trong những năm 1924-1927, với chức danh là “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về đảng CSTQ cho một bài báo bằng chữ Anh và, một lần, vừa là binh nhì trong Bát lộ quân, vừa là bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương (HCM, TT, T.10, tr. 365-368. NXB CTQG, H. 2002). Có một bài viết nữa về TQ nhưng đó lại là bài Trả lời Thư của các đảng phái dân chủ, các nhân sĩ dân chủ không đảng phái và Hội liên hiệp công thương TQ (T.11, tr.385). Nếu xét theo quan hệ “chính thống”, việc trả lời thư của những người không đảng phái ở TQ thật sự là một việc cực mạo hiểm, bởi nó gián tiếp phê phán chính quyền đương nhiệm ở TQ. Đó là chưa nói đến cách bình xét rằng đó là việc làm ủng hộ ngầm cho những điều đúng và, phê phán những điều chưa đúng…
3. Một điểm rất cần được nhấn mạnh là trong bài viết duy nhất về cách mạng TQ, Bác Hồ đã thẳng thắn ca ngợi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô N. Khruchov: “cuộc đi thăm nước Mỹ của đồng chí Khơrútsốp (in liền trong nguyên bản, T.9, tr.511-512, sic) càng làm cho nhân loại tiến bộ nức lòng phấn khởi và tăng thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới”. Hầu như ai cũng biết TQ luôn gọi Khru chov là ‘xét lại’ và Liên Xô là ‘đế quốc xã hội’. Thế nhưng, Hồ Chủ tịch vẫn thẳng thắn ca ngợi mối quan hệ Xô- Mỹ – nghĩa là không hề ngần ngại khi đụng chạm vào điều “khó nói” của các nhà lãnh đạo Trung Hoa!
Từ những dẫn liệu trên đây, chúng tôi nghĩ rằng rất nên đặt ra một số câu hỏi để làm rõ hơn về Chủ tịch HCM – đặc biệt, đây là thời điểm mà toàn Đảng toàn dân đang ra sức học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức HCM. Thứ nhất, không thể nói suốt 10 năm trời của cuộc cách mạng đầy nước sôi lửa bỏng của nhân dân ta mà Hồ Chủ tịch lại “quên” không gửi điện chúc mừng quốc khánh nước CHNDTH. Bằng chứng rất rõ là ở chỗ, ngay như những nước Mali hay Ghinê xa xôi, Hồ Chủ tịch vẫn gửi Điện mừng nhân dịp quốc khánh – ngày 1.10.1960 và 2.10.1963(!) (T.10, tr.212 và T.11, tr.143)…
Như vậy, nếu chúng ta đối chiếu với 4 bài viết về TQ trong 3 năm 1922-1924 so với một bài trong hơn 9 năm thì sẽ thấy – hiểu khá rõ rằng, trong quan điểm của HCM, có không ít những điều Người (tuy không nói rõ ra) không đồng tình với cung cách hành xử của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Cách nhìn mẫn tiệp và sắc sâu ấy là điều mà không ít người hiện nay đã quên? Nhất thiết phải khẳng định rằng những năm 1959-1969 là những năm TQ đang ủng hộ rất nhiệt thành về cả tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Vậy mà, Chủ tịch HCM đã “quên” một cách HOÀN TOÀN việc gửi thư cảm ơn hay điện mừng nhân dịp quốc khánh? Cách “quên” của thiên tài HCM buộc chúng ta phải suy nghĩ và, buộc tất cả những nhà nghiên cứu quan tâm tới vấn đề phải nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng đắn hơn. Nếu không hiểu Bác Hồ mà cứ hô hào học tập Bác, tức là chúng ta đang “cố tình” vi phạm những điều thiêng liêng nhất về trí tuệ và tình cảm của một Nhân cách Vĩ đại – một Tầm nhìn Sắc sâu của một người con đáng kính của Đất Mẹ Việt Nam!
Huế, 3.6.2011.
      •  Nguồn Ba Sàm
Hà Văn Thịnh. Nguồn Ba Sàm
Tôi vẫn muốn nói thêm: Nếu Bác Hồ có uy quyền tuyệt đối thì không có chuyện hợp tác với Mỹ tốt đẹp như thế, bỗng nhiên phút chốc bị phủi sạch trơn, không có chuyện luôn mong muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ, bài viết đầu tiên và cuối cùng đều là Thư gửi TT Hoa Kỳ…. Có lẽ tôi lại phải xin ABS đăng một ý kiến dài nữa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Mỹ
Con người, sự nhạy cảm phi thường trước những biến động của tương lai, tầm trí tuệ mẫn tiệp và sự hiểu biết sâu sắc thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như đều được quan niệm “phổ biến” về nhận thức chung cho rằng là “giản dị, gần gũi”. Thế nhưng, sau hơn 40 năm kể từ khi Người “đi xa”, nếu đọc kỹ, nghĩ chín hơn một chút, chúng ta vẫn như chợt nhận ra rằng còn có thật nhiều điều khó để hiểu đúng, hiểu đủ một cách rõ ràng. Phải chăng vì là những người bình thường nên những người yêu sử sách hiện nay đều không thể nắm bắt nổi những tư tưởng sâu sắc của một thiên tài? Bài viết này mong mỏi đóng góp được một ít (rất ít thôi) về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách Người nghĩ, hiểu và mong muốn ở nước Mỹ, nhân dân Mỹ; từ nước Mỹ, nhân dân Mỹ…
1. Tại sao ra đi tìm đường cứu nước bằng suy nghĩ “muốn đánh bại kẻ thù phải hiểu rõ kẻ thù” mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc lại không chọn nước Pháp là nơi chốn để định cư đầu tiên mà lại chọn Hoa Kỳ (1911-1913) và tiếp đó là Anh (1913-1917)? Câu hỏi này không dễ trả lời. Những suy luận chỉ là giả thiết nghiên cứu. Và, đã là giả thiết thì mong bạn đọc chấp nhận khả năng ngược chiều của chính nó.
Kể từ khi Cách mạng Hà Lan (1566) và Cách mạng Tư sản Anh (1642) bùng nổ thì chủ nghĩa tư bản đã dần được thiết lập trên phần lớn địa cầu. Dù sử sách “chính thống” của ta không muốn nhìn nhận đi nữa thì cũng không thể phủ nhận được rằng Mỹ là thuộc địa đầu tiên trong thời đại TBCN giành được độc lập – lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Xa và cao hơn nữa, Mỹ cũng là nước lần đầu tiên trong lịch sử loài người ghi rõ những điều thiêng liêng về quyền và giá trị của con người trong bản Tuyên ngôn Độc lập 4.7.1776: Con người được sáng tạo ra bởi Thượng Đế một cách bình đẳng ( không phải là “con người sinh ra đều có quyền bình đẳng” như một số sách đã dẫn. Nguyên văn: “Every men are created equal” – được sáng tạo ra bởi Đấng Sáng Tạo, The Creator); con người có quyền sống, quyền tự do và quyền kiếm tìm hạnh phúc. Đáng kể hơn nữa là từ 13 thuộc địa đầu tiên của Anh, Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành cường quốc số 1 của thế giới, tính vào thời điểm sau chiến tranh Mỹ – Tây ban Nha, mốc đánh dấu cường quốc mới nổi, khai tử hệ thống cường quốc của thế giới đế quốc cũ.
Như thế, phải chăng cả 3 sự kiện đầu tiên của nước Mỹ đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với mảnh đất xa lạ này? Trong đó, tự do là điều mong mỏi thiết tha nhất: “…quyền tự do, mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khổ”(1). Sự tương đồng về “thân phận” đều là thuộc địa, sự sẽ tương đồng về khát vọng, đam mê cháy bỏng (sánh vai với các cường quốc năm châu), sự tương đồng về ám ảnh tự do, kiếm tìm hạnh phúc…, tất cả đã cộng hưởng để Nguyễn Ái Quốc sống và hiểu hai năm trời ở nước Mỹ. Đến đây, chúng ta sẽ lại phải giật mình vì “định mệnh” đã xô đẩy Nguyễn Ái Quốc đến ở nhiều nhất tại thành phố Boston – nơi mở đầu cách mạng Mỹ vào đêm 16, rạng ngày 17.12.1773. Sau này, chúng ta biết dấu ấn của cách mạng Mỹ in đậm đến nỗi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn câu mở đầu của TNĐL Mỹ để bắt đầu bản tuyên ngôn khai sinh Nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Bài viết đầu tiên trong cuộc đời cầm bút không ngừng nghỉ của NAQ – HCM là Thư gửi Trưởng đoàn Hội nghị Versailles, tức TT Mỹ Woodrow Wilson vào đầu tháng 6.1919 – sau này mang tên gọi phổ biến là Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Bài viết cuối cùng là Thư gửi TT Mỹ Richard M. Nixon (25.8.1969). Chúng ta không thể nói về cái đầu tiên và cuối cùng đó bằng hai chữ ngẫu nhiên. Chẳng có ngẫu nhiên nào cả khi chúng ta sắp xếp đủ chuỗi các sự kiện: Đến Mỹ và ở lại trước tiên – Bài viết đầu tiên – Mở đầu TNĐL 2.9.1945 bằng những dòng đầu tiên trong TNĐL Mỹ – Vị lãnh tụ tối cao đầu tiên đích thân đưa trung úy phi công Mỹ Shaw vượt núi rừng Việt Bắc để đến Côn Minh, trao trả cho người Mỹ và sau đó, gặp tướng Claire L. Chennault (2) – Hợp tác Việt Mỹ đầu tiên trong những năm 1943-1945…
Đơn vị đặc nhiệm của OSS đã giúp Việt Minh đánh Nhật là điều không cần bàn cãi. Có nghĩa là nó khẳng định mặc nhiên rằng chính những quân nhân Mỹ là những người đầu tiên huấn luyện cho những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thế hệ thứ nhất cách sử dụng điện đài, cách gài đặt chất nổ, chiến thuật… Cùng với sự huấn luyện đó là rất nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng (3).
Chưa đủ tài liệu để chứng minh nhưng có thể lập luận rằng 20 vạn quân Tưởng không thể lật đổ nổi Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày trứng nước có nguyên nhân từ sự hiện diện thường xuyên của các sĩ quan tình báo Mỹ xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự hợp tác chặt chẽ Việt – Mỹ trong những năm chiến tranh là sự bảo đảm cần thiết cho một sự hỗ trợ không chính thức và tự nó, đủ khả năng ngăn cản mọi mưu toan đen tối. Điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn khi chúng ta đọc lại những lá thư Hồ Chủ tịch viết gửi trung úy Phen (Fenn).
Trong thư viết trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn liên minh với Mỹ một cách thiết tha. Người đã biết rất rõ rằng sự ra đi nhanh chóng của người Mỹ ra khỏi Việt Nam sẽ làm cho “mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn” và “Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ” (4). Xin lưu ý rằng bức thư này được viết vào tháng 8 năm 1945! Xét về ngôn ngữ ngoại giao, bày tỏ niềm hạnh phúc khi được gặp những người bạn là cấp độ cao nhất của ngôn từ. Sự cao nhất đó còn được tăng thêm bằng việc nhấn mạnh rằng có thể gặp bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào để đạt được những thỏa thuận hợp tác sâu rộng. Luận cứ này được chứng minh đầy đủ hơn khi ta đọc tiếp Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes đề ngày 1.11.1945:
“Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.
Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như của các đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.
Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam” (5).
Bức thư gửi nhân ngày Lễ các Thánh (của đồng bào Công giáo) thật nhiều ý nghĩa. Nó khẳng định rằng Hồ Chủ tịch đã suy xét rất kỹ – bằng cách tiếp xúc, gặp gỡ với rất nhiều trí thức trước khi đưa ra quyết định táo bạo, cần thiết và nhanh chóng để mở đầu cho một quan hệ mới mẻ với Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh trăm công nghìn việc, khi tiếng súng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đang diễn ra, khi nước VNDCCH ra đời chưa đầy 2 tháng thì quyết định đó là sự nhạy cảm phi thường của một thiên tài với tâm huyết muốn cho dân giàu nước mạnh một cách đúng đắn, hợp lý chứ không phải dựa vào bất kỳ một lý thuyết viển vông nào! Rất tiếc là chúng ta chưa có đủ tư liệu để xem vì sao quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không thành để sau đó lịch sử nước ta lâm vào hoàn cảnh đẫm máu và nước mắt? Rất nhiều người có trách nhiệm (từ cả hai phía) đã không nhìn thấy điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ, hiểu rõ. Đặc biệt, Hồ Chủ tịch đã minh xác rất rõ rằng lý do mà nhân dân Việt Nam quan tâm sâu sắc đến nhân dân Mỹ chính là những ý tưởng cao thượng của một dân tộc về công lý và nhân bản quốc tế, về những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà muốn phát triển, người Việt Nam không thể bỏ qua. Tính nhân bản quốc tế của nền văn hóa và chính trị Mỹ là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận. Tại sao cho đến tận bây giờ vẫn còn có không ít người không muốn nhìn thấy nó? Sự lẫn lầm của rất nhiều người không hiểu Hồ Chủ tịch có lẽ là một trong những điều đáng suy nghĩ nhất về sự trớ trêu của bi kịch lịch sử.
3. Cuộc chiến tranh Việt Nam do đế quốc Mỹ gây ra đã đem đến cho dân tộc Việt Nam rất nhiều đau thương, mất mát. Hàng triệu người đã phải từ bỏ cuộc sống, nhiều triệu người khác bị thương tật suốt đời vì sự tham tàn của những kẻ hiếu chiến nhân danh chủ nghĩa chống cộng, để thực hiện mưu đồ bành trướng toàn cầu. Nỗi đau đó không dễ gì trong ngày một ngày hai hóa giải nổi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận xét khách quan rằng Mỹ chưa hề biến bất kỳ một nước nào thành thuộc địa. Hàng chục năm sau khi Tây Ban Nha “sang nhượng” các thuộc địa Costa Rica, Cu Ba, Hawaii, Philippines cho Mỹ (năm 1898), Mỹ đã đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý cho cả 4 nước thuộc địa và chỉ có người dân Hawaii đồng ý trở thành bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Chính Hồ Chủ tịch cũng đã thấy rõ điều đó: “… từ ngày Mỹ thừa nhận Phi Luật Tân độc lập thì dân Việt Nam càng tin tưởng cái chính sách rộng rãi của Mỹ” (6).
Mối quan hệ Việt – Mỹ có từ trong chiến tranh thế giới đã không được tiếp tục là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu nhất là Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với Liên Xô và các nước Đông Âu. Tất nhiên cái “định mệnh” nghiệt ngã của cuộc chiến về hệ tư tưởng bùng nổ thành “chiến tranh lạnh” váo tháng 2.1947 với câu nói nổi tiếng của Winston Churchill – “Bức màn sắt đã được kéo xuống” đã cuốn Việt Nam và Hoa Kỳ đi theo hai con đường đối nghịch nhau. Thế nhưng, phải lưu ý rằng suốt một thời gian dài, Mỹ đã không giúp vũ khí, phương tiện chiến tranh cho đế quốc Pháp đánh Việt Nam. Đến tháng 1.1947, Hồ Chủ tịch vẫn muốn nối được quan hệ ngoại giao với Mỹ khi Người “hy vọng Mỹ gửi giúp chúng tôi vài chiếc” (máy bay) (7). Và, ít nhất, chúng ta biết rõ là cho đến tháng 5.1948, Hồ Chủ tịch vẫn cho rằng dân tộc Mỹ “tất nhiên phải đồng tình với nước Việt Nam tranh đấu giành độc lập” (8). Mãi cho đến tháng 3.1949, lần đầu tiên Hồ Chủ tịch mới phản đối việc Mỹ giúp cho đế quốc Pháp vũ khí để đánh Việt Nam: “… chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi” (9)
Có thể nói, bắt đầu từ đây, mối quan hệ Việt – Mỹ đã bị cắt đứt hoàn toàn suốt 66 năm (1949-1995).
Những câu hỏi về những thăng trầm của lịch sử – nhất là các biến động – bi kịch – lẫn lầm của quan hệ Việt – Mỹ sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm lịch sử của các nước ở Đông Bắc Á trong quan hệ chiến lược với Mỹ thì có thể dễ dàng thấy rằng: a) Không có nước nào liên minh với Mỹ mà kinh tế không phát triển. b) Không có nước nào bị biến thành tay sai, hay sự lệ thuộc nặng nề tương tự. c) Không có nước nào bị bất kỳ một cường quốc nào đó đe dọa hay xâm lấn lãnh thổ, chèn ép về lãnh hải. Bằng chứng rõ nhất là Đài Loan chỉ cách thành phố Phúc Châu của Trung Hoa lục địa chừng 200km nhưng cho đến bây giờ vẫn yên ổn phát triển một cách bình thường. Nếu “đi” xa hơn nữa thì chúng ta còn thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Australia và Thái Lan là những nước đầu tiên đem quân sang Iraq tham chiến cùng với quân đội Mỹ. Cách suy tính chiến lược dài bằng cách nghĩ hàng trăm năm sau, thể hiện chiều rộng lẫn chiều sâu của nguyên tắc trường tồn.
Phải chăng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng đã luôn luôn có cách nhìn và cách nghĩ đi trước thời đại (trước Australia, Thái Lan, Nhật Bản… hàng chục năm)? Một số dẫn liệu mà chúng tôi đưa ra trên đây trong cái khuôn khổ hạn hẹp nhất cũng minh định rằng mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quan hệ lâu dài Việt – Mỹ là điều luôn luôn chú ý, mong muốn. Chỉ tiếc rằng, cho mãi đến bây giờ, vẫn còn không ít người chưa hiểu đủ, hiểu đúng về tầm nhìn vĩ đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh?
41 năm trước đây, chỉ một tuần trước lúc xa lìa cõi đời này, ngày 25.8.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho TT Mỹ Richard M. Nixon những điều mà có lẽ con cháu hôm nay vẫn chưa kịp hiểu hết: “Với thiện chí của Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam” (10 – chúng tôi nhấn mạnh – HVT). Ngay cả trong những ngày hận thù ghê gớm nhất, mâu thuẫn nặng nề nhất, Hồ Chủ tịch vẫn có thể dùng từ chúng ta một cách thật cao cả, phi thường để nói về một cuộc chiến tranh khủng khiếp bằng mấy chữ vấn đề Việt Nam!
Chú thích
1. HCM, TT, T 1, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2002, tr. 5.
2. Dixee R. Bartholomew – Feis, OSS và Hồ Chí Minh – Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, NXB Thế giới, H. 2007, tr. 3
3. OSS, sách đã dẫn.
4. HCM, TT, T 3, NXB CTG, H.2002, tr.550.
5. HCM, TT, T 4, NXB CTQG, H. 2002, tr. 80.
6. HCM, T4, sđd, tr. 82.
7. HCM, TT, T 5, NXB CTQG, H. 2002, tr. 21.
8. T 5, tr. 430.
9. T 5, tr. 573.
10. HCM, TT, T 12, NXB CTQG, H. 2002, tr. 489.