Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Những bài thơ của anh Tình

Lời của người im lặng

                                                 PHẠM VĂN TÌNH

Có khi nào em đã nghĩ về tôi
Dù chỉ phút giây thôi qua một lần thoáng gặp?
Có lẽ em chỉ coi tôi như một người hành khất
Ngồi bên đường em bất chợt nhìn qua

Như một chuyện hoang đường trong quá khứ lùi xa
Tôi nằm mơ thấy em trở thành nàng tiên cá 1
Với phép thuật nhiệm màu và tình yêu kì lạ
Còn tôi như hoàng tử đứng bên vườn

Giấc mơ đẹp vô cùng
                       nhưng lại càng làm cho tôi buồn bã với mình hơn
Vì em vẫn là em
                  tôi vẫn là tôi
                            vẫn không là ai khác
Hoa vẫn nở bên vườn và gió mùa thu thổi mát
Còn tôi đi, lặng lẽ với riêng mình ...

Tình yêu trong tôi chưa có cả dáng hình
Nhưng hình ảnh em trong tôi đã thành sâu nặng lắm
Em cũng đừng bận tâm làm gì vì những điều vơ vẩn
Em cứ đi...
             và tôi cứ nhìn theo

Người ta thường nói nhiều khi đứng trước tình yêu
Còn tôi đến với em
             Chỉ là điều im lặng ...


__________
1 Nàng tiên cá : Một trong những câu chuyện hay và thi vị trong Truyện cổ Anđecxen (Hans Christian Andersen, 1805-1875 - nhà văn người Đan Mạch, nổi tiếng viết truyện cổ tích với những ý nghĩa triết lí nhân sinh và nhân bản sâu sắc. Bạn đọc Việt Nam đã  được đọc nhiều truyện của ông, như Bộ quần áo mới của hoàng đế, Chú lính chì dũng cảm, Công chúa và hạt đậu, Nàng tiên cá,...).


MÙA THU NÀY EM Ở ĐÂU?

                                                        PHẠM VĂN TÌNH


Mùa thu này em ở đâu?
Dù đã biết em ở nơi xa nhưng tôi vẫn cố tìm câu hỏi ấy
Không tìm được bóng hình em tôi tìm câu hỏi vậy
Mùa thu này em ở đâu?

Truyện Lý Biên Cương gấp lại rồi, "Bây giờ ta lại nói về nhau"
Tôi lại nói về ai? Hay chỉ là hình bóng
Chồng thơ tình tôi viết dày lên nhưng tình tôi xẹp xuống
Trang giấy trắng tôi nhìn
Không xóa nổi cô đơn

Trang giấy trắng tôi nhìn.  Không biết nói gì hơn
Tôi cố bỏ qua mọi sự lãng quên để cuối cùng lại rơi vào quên lãng
Tôi có sống khác mình, cố tìm trong im lặng
Nhưng bóng hình em không bị xóa bao giờ

Trong tình yêu hình như lắm bất ngờ?
Tôi bị lỡ làng trong tình yêu và chờ sự bất ngờ là một điều trái ngược
Cuộc đời cũng an ủi tôi và có lẽ là còn nhiều hơn trước
Nhưng, mùa thu này em ở đâu?

Thật lạ lùng cho những người yêu nhau
Tôi yêu cả những nào có em mà trước đây tôi vẫn từng không thích
Tôi yêu cả những người mặc áo màu hoa xanh, có khăn màu ngọc bích
Và nụ cười buồn của em
Tôi chợt nhớ ra rồi...

Tôi chỉ yêu một mình em để rồi phải yêu biết bao người
Dáng hình em như mùa thu ở nơi nào cũng có
Xin đừng trách tôi cho đến tận chân trời vẫn tìm câu hỏi đó
Mùa thu này em ở đâu?


                                                                       20-6-1979
TÂM SỰ VỚI MAIACÔPXKI

                                                                  PHẠM VĂN TÌNH
                                            Tôi mượn anh những chữ thật bình thường
Để tôi nói những điều đơn giản nhất

Cuốn sách đầu giường
                tôi đọc đến lần thứ mười ba[1]
Tôi hiểu từng dòng thơ rộng mở
                                    như căn phòng anh không bao giờ khép cửa
                                                            trên đường Matxcơva
Tôi biết anh rất yêu thương
                                                yêu thương từng ngọn lá
Yêu mỗi căn nhà
                        yêu mỗi cánh đồng
                                                với một tấm lòng
                                                            ngọt ngào như sóng nước Nêva
Tôi biết lắm Maia
Như biết rõ những bài dân ca Grudia [2] không bao giờ tắt
Biết nụ cười của anh rắn hơn kim cương và thép
Rạo rực tương lai
                        tê rét lũ đê hèn
Tôi biết anh từ  Gôgôn
                                    Nêcratxôp
                                                            Puskin...
Từ những đêm dài
                        bóng đêm cuộc đời
                                                còn trùm lên Pêtrôgrat
Tôi biết anh không thích thơ được phết đầy phó mát
Mà thích bày tỏ tấm lòng
                                    như bày những cành thông
Khi đại bác trên tàu Rạng Đông
                                                chĩa nòng
                                                            nổ súng vào quá khứ
Thì những vần thơ của anh được viết vào lịch sử
                                                bắt lũ chuột chù tính nợ với thời gian
Gươm sẽ phải mòn
               dao sẽ phải gỉ
                            và súng sẽ phải han
Nhưng lưỡi bút anh không bao giờ cùn cả
Bởi anh yêu thương từng chiếc lá
                                    từng căn nhà
                                               từng ngõ nhỏ
                                                                    mỗi dòng sông
Bởi tâm hồn anh rộng dài như sóng nước mênh mông

*
*   *

Maia có biết không
Nếu anh sống đến tận cùng thế kỉ
Anh sẽ còn ngạc nhiên hơn thế
Anh sẽ nhìn
                        sẽ hiểu
                                    sẽ cười rõ to hơn
Khi những đêm dài nóng bỏng Xtôckhôm[3]
Sóng ti vi kinh hoàng bay lên từ Oasinhtơn
                                                                        gầm rú :
“Bom B 52 sẽ đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá cũ
Cả Biển Đông sẽ biến thành biển lửa ...”
Khi nhân loại nghiêng mình trước Chúa Giêsu
Rốckét bay lên từ căn cứ Hônôlulu
Khi Hà Nội chẳng còn ban đêm
                               chỉ có ánh sáng đèn dù
Tiếng gà gáy đón bình minh được thay vào bằng những tràng pháo kích
Khi văn minh con người được minh hoạ bằng cái chết
Em bé sinh ra chỉ biết bốn vách hầm
Khúc nhạc Traicôpxki vang lên
                                   trong những tiếng bom gầm...

Anh sẽ thấy chúng nó ở Việt Nam
Cũng qua những nấc thang
Nhưng được đóng bằng toạ độ
Bằng khăn tang và nạng gỗ...

Nhưng có lẽ anh chưa bao giờ nhìn rõ hơn chúng nó
Trên những bầu trời cháy đỏ B 52
Những đoàn quân viễn chinh rất dài
Chỉ có đi mà không bao giờ trở lại
Để nhìn về lịch sử nước Mỹ
                     hai trăm năm
                               mà vẫn còn kinh hãi
Sống như những đêm dài
                            khắc khoải Xibiri
Anh sẽ thấy ngôi sao Việt Nam
                          cháy sáng như tháp Kremli
Từ những cánh đồng vàng trên tầm bom Mỹ
Vang hơn tiếng đạn reo
     Là câu ca dao rơi đầy bên vành nôi em bé
     Là câu chuyện Thạch Sanh ngàn năm mà vẫn trẻ
     Là những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” đi dài cả thế kỉ hai mươi
     Là ống khói lò cao chọc trời gọi gió sớm ban mai
     Là trang sách em thơ nở trắng những cánh rừng
                                   ngày hôm qua còn hoang dại
Anh sẽ thấy những khuôn mặt Gơrinh, Mutxôlini...[4] tê tái
Lại hiện về run rẩy như tàn nhang
Anh sẽ thấy “Thần tự do” (!) hốt hoảng bám trực thăng
Bị vẫn kịp nhét trẻ con đem về bang Tếchdớt[5]
Anh sẽ thấy những ông vua trước đây chỉ sống bằng nước bọt
Mà đến bây giờ chết rồi, bụng lại chứa đầy bột ngọt với vàng tây
Những đô đốc túi nặng đô la
                     tay vẫn bám váy hoa để chui vào máy bay...[6]


Anh chưa đến được nơi này
Cũng chưa sống những ngày như thế
Nhưng tôi vẫn thấy anh
                             đang lặng lẽ
                                                            mỉm cười
Bởi câu hỏi của anh ngày xưa
                                đã được trả lời
Bằng thời đại
Bởi những vần thơ của anh không bao giờ dừng lại
Trên con đường nhân loại đang tìm đi 7
Như cuộc đời anh:
                                    MAIACÔPXKI...



1978, P. V. T.


[1] Người châu Âu (và Phương Tây nói chung)  có thói quen kiêng số 13 (theo quan niệm của Đạo Cơ Đốc thì con số này chỉ vị thánh thứ mười ba, là Giuđa (Juda) - một tên phản Chúa). V. Maiacôpxki không kiêng con số này.
[2] V. Maiacôpxki là người gốc Grudia (một nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây).
[3] Xtôckhôm (Stockholm): Thủ đô Thuỵ Điển, nơi từng diễn ra các cuộc xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ nhất (trong thập kỉ sáu mươi và bảy mươi, thế kỉ 20).
[4] Gơrinh (Hermann Goring, 1893-1946): Thống chế không quân phát xít Đức, khét tiếng về tội ác huỷ diệt. Bị Toà án quốc tế Nurembe kết án tử hình nhưng đã tự sát trước khi bị treo cổ vài giờ, Mutxôlini (Benito Mussolini, 1883-1945): Trùm phát xít Ý.
[5] Người Mỹ khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam, đã đem theo nhiều trẻ em là con lai Mỹ (hoặc vô thừa nhận, hoặc trẻ em đang trong các trại mồ côi) về bang Texas, Mỹ.
[6] Một số tướng lĩnh Chính quyền Sài Gòn, trong đó có Đô đốc Nguyễn Cao Kỳ, nguyên phó Tổng thống Nguỵ, phải bám theo vợ Đại sứ Mỹ lúc đó (là Matin) ra tàu sân bay để di tản.
7 Một câu thơ của Chế Lan Viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét