Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

CHUYỆN VẶT KỂ ĐÊM GIAO THỪA

1.  Mất Tết năm 2012.
Khác hẳn mọi khi, chưa về đến đầu ngõ, đã nghe tiếng huýt sáo vui tai, nay đã đỗ hẳn rồi, mà ông vẫn thừ người trên xe máy, không thả chân chống, không cả cởi mũ, làm bà vợ thấy lo lo.
- Ông làm sao vậy?
Uể oải theo bà vào nhà, lần đầu tiên ông thấy ngaị lối lên nhà mình thế, vừa dài, vừa dốc, chả như nhà mặt phố người ta, chẳng bậc bệ gì sất, mỏi cẳng.
Bà tất tả pha tách cà phê phả hơi nghi ngút, kèm bịch sữa chống còng lưng, con gái rượu mới biếu:- Chuyện đâu còn đó, ông uống đi cho tỉnh người cái nào!
Trời ơi! Cái thói quen mấy chục năm nay của ông, bà đã thuộc, kèm điếu thuốc lá thơm…mỗi sáng rét buốt thon thót như hôm nay. Ông lập cập đỡ lấy, quờ  nắm cả bàn tay bà, nặng nhọc:
-         Thôi!  Nốt bữa nay!
-         Sao! ông bảo sao? Thế là thế nào hử ?
-         Anh bị…..!
-         H…ở! Bà há hốc mồm, mặt nhợt đi rồi khưụ xuống, nhũn oặt.
Cái tin ông Inh bị bênh đái đường lan khắp thị tứ, nhanh như bãi cỏ gianh bén lửa. Mấy khi thấy lão ốm vặt đâu, đùng một cái, đang đông ken mà khát nước như trưa hè, mới đi viện khám. Thì thôi rồi, ngang án chung thân. Khổ! Bà vợ ông mới nghe đã xỉu, không có tí nước tiểu ông xi vội thằng cháu đích tôn xón ra pha mới gừng tươi xoa khắp mặt, khéo phải cấp cứu.
 Thế là mất Tết. Chẳng thiết sắm sanh thứ gì, nói chi chuyện ra Cầu Trắng xem bắn pháo hoa mới chả đón giao thừa.
Hơi ân hận, lẽ ra, phải từ từ lộ dần, mới đỡ sốc, nhưng tính ông vậy, cứ tồng tộc như ruột ngựa, cấm giấu bà được cái gì bao giờ.
Lâu lắm rồi, lời nguyền thời trẻ trai, theo ông mãi, đến giờ đầu bạc, răng long, chẳng nỡ lòng nào bỏ đi được.
2. Sự tích lời nguyền.
Quai vạc Đông Hà, còn gọi là đường 9b, hồi mới giải phóng, (chưa thống nhất đâu) trống huơ hoác, trên nền đất trơ sỏi ruồi chỉ lô xô chồng đống vỏ đạn với chằng chịt hàng rào kẽm gai hoen rỉ, gió Lào rát rạt, khê nồng bụi bặm. Đêm giao thừa, xa xăm lấm tấm sao rắc trên bầu trời tối thui. Cậu hạ sỹ Inh thơ thới vác tiểu liên đi tuần trong đơn vị, nghêu ngao vài câu con cóc để lát nữa còn đọc lúc sang canh:
       Trời khuya anh gác, chòm sao ngang đầu
        Trách ông trời nắng quá lâu
        Để em nối sợi dây gầu dài thêm
Quá hay! Chậc chậc ! Cái giếng đơn vị sâu 12 mét rồi, hôm qua phải khơi thêm hai thân xô nữa. Chả phải nối thêm dây đấy ư? Nhưng quan trọng là… ai tri âm đây? Tưởng giếng sâu em nối sợi dây gầu dài/ Ai ngờ giếng cạn… em tiếc hoài sợi dây. thì suỵt, trong gian thư viện vốn dĩ vắng tanh như chùa bà Đanh, lại le lói ánh đèn và tiếng rì rầm gì nhỉ? Mọi người đang náo nức trang trí hội trường, gắn bướm giấy lên “cây hoa dân chủ” cơ mà. Cảnh giác. Bò vào gần chút nữa, chút nữa. Dán người xuống đất. Bỗng bóng người vụt lao ra, ngoái đầu lại:
…. thèm vào …..!
Đẹp quá! Inh  khẽ thốt thầm trong óc. Như nét vẽ con bạch mã tung bờm đen xé gió lao đi.
 Sim! Đúng Sim rồi! Dáng ấy, mái tóc dài tới kheo ấy, cả giọng  nói ấy…Sao thế nhỉ? Tim Inh như bị ai bóp nghẹt. Khuông sáng vàng ệch cửa phòng thư viện lóe lên rồi vụt tắt; ló một cái đầu ngó nghiêng, rồi bóng đen len hẳn ra, quài tay khép hờ cánh cửa tre lại. Rồi tiếng giầy đinh chầm chậm nện xuống nền đất sỏi những tiếng chắc nịch, xa dần. Chính trị viên! Rồi bỗng sực tỉnh, Inh vội vàng nhảo theo bóng sáng đang từ từ rẽ nước hồ cá Bác Hồ mênh mông mầu xám bạc dưới chân đồi thoai thoải.
 Không phải tắm. Không phải lặn, chới với rồi kìa. Inh thoăn thoắt soải tay  nhẹ nhàng như rái cá. Vốn dân sông nước mà. Rồi lặn. Một hơi. Hai hơi. Lo quá, mất tăm. Phải mấy hơi nữa may mới quờ được, gần sát bùn. Inh túm ngược tóc lôi, tức tốc bơi ngửa trở vào. Chân vừa chạm đất, tưởng chừng mình đứt ruột. Nàng thì cứng đờ, sóng soài như cây chuối. Sực nhớ! Lái đò sông Đà với các mẹo bí truyền cứu người bị đuối nước. Mím môi giật mạnh của mình túm lông mu nhét vào lỗ mũi nó, rồi chui ngược vào háng nó. Xấu hổ cái gì, ghìm chặt chân nó vào cổ mình, lấy hết sức bình sinh, loạng choạng đứng lên. Bước đi. Được rồi. Chạy! Chạy! Chạy như điên. Được một lúc, có cảm giác oằn oại. Đặt xuống. Ồng ộc nước, bùn trong miệng cô ấy trào ra, Inh còn ấn mạnh mấy phát vào ngực đến khi nghe tiếng nàng kêu lên Tôi muốn chết! mới thôi. Trời đất! Dẫu tối như đêm ba mươi, thì ánh mắt của thằng đàn ông cũng phải dừng lại ở nơi khác biệt mà tạo hóa đã nặn ra loài người. Inh giật thót. Từ nơi ấy, bỗng lồi ra đùm lùng nhùng, khi Sim vừa đứng lên, lại phệt rũ ngay xuống, xỉu đi.
.* * *
  Nghiêng đôi cánh mỏng mềm như lụa, chao trên cánh đồng xanh lao la đang rập rờn sóng lúa Sim thấy mẹ, lúc đầu nhỏ như con búp bê làm bằng thân cây dâu, môi đỏ son tươi, hấp háy cười tít mắt. Cứ mỗi lần giơ cả nắm cỏ trong tay vẫy vẫy với Sim thì mẹ lại to lên.- Bố không giận con nữa đ…âu! Xuống đây, xuống ngay đi nhá. Cha bố cô, ai đời trốn nhà khám bộ đội, lúc người ta đánh cam nhông về xã phát quần áo, rước đi, mọi người mới ngớ cả ra. Chả còn kịp liên hoan. Sim lại chao lên, lượn vòng, mẹ lại thu nhỏ lại nên phải gào to: Được cái, nghành quân y danh giá, cũng mát mặt. Mát mặt lắm! Lại chao xuống. Sà vào lòng mẹ thút thít, nhớ u lắm cơ! Mân mê đòi ti. Rõ dơ chưa. Mình chứ ai nhỉ? Mưng mửng gai gạo ngày nào, giằng nhau cái khuy áo ngực mãi không thôi…
 Yêu anh ấy vì lý tưởng cao đẹp, rất giống với thần tượng mình mơ ước nếu được làm hạt giống để mùa sau/ nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa... Náo nức vô cùng chiếc mũ tai bèo/ làm cô giải phóng được trèo Trường Sơn…đã thành sự thực. Sim được điều về đơn vị trực thuộc bộ tư lệnh Trường Sơn. Trời ạ, ở đó toàn những người tài giỏi của quân đội và đất nước, mình là hạt bụi, không xứng là hạt bụi trong đoàn quân phơi phới hiến dâng tuổi xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp của dân tộc. Được đi đứng bên anh, được anh chỉ bảo và quan trọng nhất là anh bí mật yêu thương là vinh hạnh nhất đời rồi. Đáp lại, mình đã tin anh, mê say anh hơn cả con chiên yêu đức chúa Lời….
Cho đến lúc giao thừa, khi đã chắc chắn, sinh linh bé nhỏ, kết tinh hòa hợp trọn vẹn lý tưởng, ước mơ, tình cảm lẫn niềm hoan lạc thịt da bấy lâu nay đã hiện hữu bằng những cái may máy tinh nghịch trong bụng… thì… Lại vẫn vồ vập quay cuồng trong kho sách. Mệt rã rời, Sim ý tứ nhắc lại, thì mặt anh ta lạnh ngay: Làm nghề y mà ngốc nghếch quá vậy. Rồi tràng giang lý luận, nào biện chứng, thời cơ…Tóm lại, Sim phải bí mật giải quyết ngay. - Thế thì giết con đi à?-Hắn nhếch môi:- Vinh quang nào chả phải mất mát, hy sinh! Không! Hổ dữ chẳng nỡ thịt con Hắn nghiêm mặt:-Lời của anh là lời của tổ chức, của chi bộ mà anh đứng đầu, còn em đang là đối tượng phát triển. Có nghị quyết rồi, chỉ chờ chuẩn y nay mai. …
Ôi cái mặt, suốt bao tháng ngày thân thương, nũng nịu lúc nào cũng muốn áp vào nhau gần chút nữa, giờ bỗng méo mó, dữ tợn và ác độc. Ghê tởm quá! Muốn nhổ bọt vào cái mặt ấy, Sim hét lên: Tôi thèm vào… cái chi bộ, chi bẹo khốn nạn ấy nhà anh! Và quên rằng mình đương trần như nhộng, lao vụt ra ngoài….
Lơ mơ, lẫn lộn. Đây là đâu mà sóng nước mênh mang. Ừ phải rồi, cầu tõm quê ta, chín củ thành mười…Mát quá thể. Thích cái thời be bé, trắng a nước; làng này qua làng khác trên lưng trâu tìm nắm cỏ xanh, Hãi thật cái gió Lào khô quắt thịt. Hãi thật những mặt người, dạ quỷ đang say máu nhảy nhót man dại. Chạy đi, trốn khỏi nơi này đi, mau lên! Sim dìm mình trôi trong mông lung, nhẹ bẫng …Bao la trời xanh, nước biếc tinh khôi…
Rồi cũng gặp bố. Ông nhìn xoáy vào cái bụng mình, hiểu hết. Cái roi mây giấu đằng sau lưng, định bụng đét cho con gái vài cái để biết đạo làm người thì bỗng dưng ông lại giơ lên, giơ cao lên quất xuống xung quanh mình vun vút, khiến quần áo ông nát bươm, phơi từng mảng da đỏ lừ, tướp máu…
-         Con lậy bố !  xin bố, con biết tội rồi!
Giật mình, thấy xung quanh mình trắng toát, toàn mùi thuốc tây ngây ngây, không mở mắt được, lại chìm vào cơn mê sương khói bồng bềnh.
Sim đâu biết, một biên bản được lập, để đưa Sim vào ngay quân y viện 59 tối hôm ấy. Giả vờ thôi. Rằng hai chiến sỹ trẻ yêu nhau, đã báo cáo đơn vị, định ra Giêng cưới, trót ăn cơm trước kẻng, không may gặp sự cố!
Cái ý thì vờ, nhưng cái tình thì thật.
Lời nguyền có từ đêm giao thừa năm ấy, năm 1974, Sim tròn 19 tuổi, hơn 2 tuổi quân: chỉ mình Inh nói thôi: Đói no, sống chết có nhau; chứ Sim lúc ấy lại ngất rồi, có biết gì đâu!
Giữ mãi đến giờ, giữ đến trọn đời.

( Còn nữa)