Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

LẠI YỂM !

Bực cả mình, chữ mình còn chả thuộc hết, rước của độc về yểm đảo. Điên tiết thật !
Dưới đây là bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Vinh

CỦA THẰNG NÀO ĐẶT Ở ĐÂY.


Ở đây là chính trong khuôn viên Tỉnh đoàn tỉnh Thái Nguyên.
Vì bí tiền xây trụ sở, tỉnh đoàn Thái Nguyên xin cắt một phần đất trong cơ quan mình bán đấu giá, và có một công ty nghe cái tên rất chi ngáo đá: Công ty Thủ đô gió ngàn trúng thầu với giá trên 26 tỉ.
Trong khi các ngành tham mưu của tỉnh Thái Nguyên đều ký không đồng ý cho Tỉnh đoàn bán đất để công ty xây khách sạn dịch vụ ở đây.(ảnh)
Rồi đùng phát, công ty Thủ đô phối kết hợp với gió ngàn vác Hòn đá này về, khắc dòng chữ Trung Quốc, dòng chữ gì đây Chú Tễu ơi, Trà Xanh ơi,Nguyễn Hồng Kiên ơi.....
Công ty này là của thằng nào? Thằng này xuất xứ ở đâu?
Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/xon-xao-hon-da-la-tai-tinh-doan-thai-nguyen.html

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

BỨC THƯ NGỎ RẤT ĐÁNG ĐỌC!

NSH: Mình không (muốn) là đảng viên, nhưng trót đọc ...
Bức thư gửi BCH trung ương ( Xa ngai ngái!) và toàn thể đảng viên, nghĩa là dành cho cả các bác đảng viên làm phó thường dân nữa.
Đọc thấy thấm thía lắm, đúng lắm thay!
Các bạn của tôi ơi!
Nếu chưa đọc ở đâu, thì nên đọc cùng tôi!
Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và Toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam 
Ngày 28  tháng 07 năm 2014
  Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc.

  Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

     Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.
     Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
     Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.   
 Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
1.      Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòaNgay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
    Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.
    Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
     2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.  
     Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…
     Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn  độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.
     Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi. 
Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!

 DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW
VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
______________________

1.      Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
2.      Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
3.      Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
4.      Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
5.      Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
6.      Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
7.      Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
8.      Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
9.      Hoàng Hiểnvào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.
10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949,  nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên y ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoaQuân Y viện 108, Hà Nội.
13. Phạm Xuân Phươngvào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
14. Tô Hòavào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc BanTuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.
16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.
21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.
22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
24. Nguyễn Kiến Phướcvào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.
28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước  TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng biên tập  tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụtỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.
34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
37. Nguyễn Lê Thu Anvào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.
39. Trần Văn Longvào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.
41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
42. Võ Thị Ngọc Lanvào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.
43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.
44. Nguyễn Đắc Xuânvào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứuvăn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung - y Nguyên, TP. Huế.
45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP. Huế.
48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
50. Lê Thânvào Đảng năm 1975,  cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
51. Ngô Minhvào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà vănTPHuế.
52. Trần Kinh Nghịvào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.
53. Hồ An, vào Đảng năm 1979nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu  trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1991, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.
_____________________

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

TÔI KHÂM PHỤC LẬP LUẬN NÀY

Đây là bức thư của người đang bị tù!

5/06/2014

Có một điều nguy hiểm là phần đông trí thức TQ cũng giống như vị giáo sư nói trên, lại đổ lỗi cho nguyên nhân chính làm TQ bị tụt hậu và chà đạp vào TK 19 là bởi các cường quốc thời đó, tức là từ bên ngoài. Nhưng hôm đó con đã tranh luận với ông ấy rằng nguyên nhân chính là từ bên trong, từ chính sự yếu kém của người dân và chính quyền của TQ cũng như VN hay bất kỳ những nước nào tụt hậu thời đó. Họ đã u mê những thứ lỗi thời và sẵn sàng đánh đổi chủ quyền của mình đã bảo vệ những cái u mê và lỗi thời đó. Cùng một thời điểm vào giữa TK 19, người Nhật đã tỉnh ngộ thoát khỏi cơn mê và bắt đầu cuộc duy tân Minh Trị, còn người TQ và VN càng lậm sâu vào cơn mê đó. Bà Từ Hy là người cầm quyền tối cao ở TQ vào thời đó, đã sẵn sàng bán nhượng bất kỳ đảo, đất nào cho phương Tây để làm thuộc địa hay tô giới để đổi lấy sự “yên ổn” nhằm có thể trấn áp được các phong trào canh tân đất nước đe dọa đến ngôi vị của mình. Bà ta đàn áp dã man những người yêu nước, kể cả con ruột mình là vua Quang Tự, để dập tắt mọi tư tưởng đổi mới. Bà ta là một điển hình của loại thống trị hèn với giặc ác với dân để được sống sa hoa trên sự nghèo hèn của cả một dân tộc. Nếu TQ không tự làm mình suy yếu thì không thể có nước nào chà đạp được họ. Nếu họ không chấp nhận đánh đổi chủ quyền của mình và đoàn kết lại thì chẳng có nước nào, liên minh nào đủ sức xâm chiếm, xâu xé họ vào lúc đó. Nếu người dân TQ đã không cam chịu thân phận nô lệ cho chính quyền thối nát của Từ Hy thì đã không có những sự đánh đổi chủ quyền đầy ô nhục như vậy. Xét cho cùng, nguyên nhân gốc của sự ô nhục đó là từ nội tại. Những học giả chân chính ở TQ đều hiểu như vậy, chính quyền TQ trong thâm tâm của mình cũng nhìn nhận như thế.
.........Họ cho rằng Mỹ và phương Tây đang bị rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ 2008 và sẽ kéo dài ít ra 10 năm. Quân lực Mỹ thì bị hút vào Trung Đông, NATO thì sẽ bị kềm chân bởi các chính sách tranh chấp của Nga. Do vậy nếu họ hành động nhanh chóng trong một vài năm thì không ai đủ sức ngăn chặn họ và họ sẽ đặt thế giới vào chuyện đã rồi. Nên họ chính thức công bố đường chín đoạn đầu 2009 và liên tục gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông và Hoa Đông. Họ tăng mạnh mức độ tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với VN, Philippines, Nhật và các nước khác.
.........

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

NHÌN LẠI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ THẤY GÌ ?


NSH :Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng, mới có bài viết hay về Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954.
Trước năm 1979, sách trắng của BNG ( Bị vong lục ) cũng nêu rồi. Mình cũng nhớ(!) he hê.
Sau Hội nghị Thành đô chuyện đó dần vaò quên lãng, thay bằng mười mấy chữ vàng, mấy tốt...
Khổ thế!
Phải nhắc lại chứ!, nhiều người sinh khoảng sau chiến tranh chống Tầu chắc ít biết. Lại càng buồn khi số người thích lịch sử, hình như càng ít đi
 Vâng xin tải ngay từ trang Ba sàm về phục vụ các bạn của tôi
Vũ Khoan/ Ba Sàm
Thấm thoắt đã 60 năm kể từ khi diễn ra hai sự kiện lịch sử của nước ta liên quan mật thiết với nhau. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông dương. Về hai sự kiện này đã có cơ man bài viết, cuốn sách; bổ sung điều gì mới mẻ thật khó.


 Tuy nhiên mỗi người lại có thẻ rút ra điều gì đó có ích cho mình và tôi muốn chia xẻ vài suy ngẫm rất riêng tư về những bài học rút ra qua Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 qua một số tài liệu vừa đọc được.

Lúc Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tôi còn rất trẻ, mới 17 tuổi, đang theo học tại Khu học xá Nam ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) và đương nhiên không hiểu biết gì nhiều về sự kiện này. Trong tiềm thức của tôi chỉ còn đọng lại kỷ niệm về niềm hân hoan trong buổi lễ chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ ta ở Hội nghị Giơ-ne-vơ do Phỏ Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu trên đường về nước ghé thăm Trường Niềm vui ấy chộn lẫn đôi chút nỗi buồn không được về lại Hà nội giải phóng sau 9 năm xa cách mà phải đi Liên Xô học tiếng Nga để chuẩn bị phục vụ các chuyên gia Liên Xô sắp sang giúp ta xây dựng lại miền Bắc. Thế rồi số phận run rủi, đang học mới hơn 1 năm, tôi được lấy ra làm việc tại Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô và từ ngày đó cuộc đời tôi gắn bó với nghiệp ngoại giao. Xem như vậy có thể nói Hiệp định Giơ-ne-vơ vô hình chung đã tạo nên bước ngoặt trong đời tôi.
Làm việc trong ngành ngoại giao, đương nhiên tôi phải đi sâu tìm hiểu lịch sử ngoại giao Việt Nam, trong đó Hiệp định Giơ-ne-vơ là một mốc quan trọng. Võ vẽ vào nghề, lâu dần tôi ngộ ra một điều là muốn hiểu được các sự kiện quốc tế thì trước hết phải tìm hiểu xem sự kiện ấy diễn ra trong bối cảnh nào? Đối với Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 tôi mầy mò tìm kiếm tư liệu để giải mã cho bản thân một số điểm còn thắc mắc. Trước hết đó nguồn gốc xuất xứ của Hội nghị từ đâu, do ai đề xuất, để làm gì…?

Hóa ra mọi chuyện đều do sự dàn xếp giữa các nước lớn: Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ. Còn nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa lúc ấy chưa lấy lại được ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên không được tham gia dàn xếp việc triệu tập Hội nghị.

Đầu những năm 50 thế kỷ trước là cao điểm của “chiến tranh lạnh”. Dưới tác động của nó, thế giới chia thành hai phe rõ rệt và đã trải qua sự đụng đầu trong cuộc khủng hoảng Béc-lin năm 1948 và các cuộc chiến tranh Triều tiên 1951 và Đông dương đã kéo dài 9 năm trời.

Đúng lúc đó, J.Xta-lin qua đời, nội bộ lãnh đạo Liên Xô trượt dần vào khủng hoảng và có nhu cầu hòa hoãn với phương Tây. Không biết lãnh đạo ta thời đó đánh giá thế nào về cục diện thế giới? Mới đây Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có phát hành cuốn “Điện biên phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ. Văn kiện Đảng” , trong đó tôi tthấy tại cuộc họp ngày 31/3 và 1-2/4/1953 của Ban Thường trực Liên Việt Tổng Bí thư Trường Chinh có nhận định:” Làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, đó là lo lắng chính của phe ta hiện nay trên thế giới…(phe) ta đề ra các vấn đề xung đột có thể giải quyết hòa bình giữa các nước có liên quan…”[1]

Còn Pháp kiệt quệ do chiến tranh Đông dương, Anh muốn vớt vát vai trò quốc tế đang mai một dần nên chấp nhận sáng kiến của Liên Xô triệu tập hội nghị tứ cường ở Giơ-ne-vơ để giải quyết những khúc mắc với nhau ở châu Âu. Riêng Mỹ lúc đầu muốn duy trì căng thẳng để thao túng Tây Âu, kiềm chế Liên Xô nên không muốn họp song sau cũng đồng ý tham gia không phải để đi đến hòa hoãn mà là phá rối. Quả nhiên hội nghị tứ cường chẳng đi đến thỏa thuận nào về các vấn đề châu Âu nhưng lại thỏa thuận sẽ thảo luận vấn đề đình chiến ở Triều tiên và Đông dương. Đơn thương độc mã trong cuộc đối đầu với phương Tây, Liên Xô đòi phải có sự tham gia của Trung Quốc là nước lớn ở Viễn Đông có chung biên giới với cả Triều tiên lẫn Đông dương. Đây chính là cơ hội ngàn vàng đối với Trung Quốc đang khát khao tranh thủ sự công nhận quốc tế, xác lập vai trò nước lớn của mình.

Không biết đối với những người nghiên cứu quan hệ quốc tế khác thì thế nào chứ đối với cá nhân tôi thì những điều nói trên dậy cho một bài học: nhiều chuyện diễn ra trên bàn cờ quốc tế chịu tác động lớn lắm của các cường quốc do đó phải luôn luôn chăm chú theo dõi những tính toán, động thái và những sự dàn xếp giữa họ với nhau.

Liên quan tới chuyện này trong tôi lại nẩy sinh thắc mắc: thế lập trường của ta thế nào? Tiếc rằng, cho tới nay tôi vẫn chưa tiếp cận được những tư liệu gốc về quá trình thảo luận và ra quyết định của lãnh đạo ta về việc tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng như các phương án đàm phán, thỏa thuận. Trong cuốn sách nói trên tôi thấy TBT Trường Chinh nói: “khẩu hiệu đề ra có cái mới là bây giờ ta đề ra đấu tranh ngoại giao” bên cạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh về ruộng đất; “lập trường bất di bất dịch của ta là độc lập, thống nhất, dân chủ và hòa bình” với 4 phương châm: (i) những mục đích không thay đổi nhưng có con đường thẳng, có con đường quanh co; (ii) nắm vững nguyên tắc là tôn trọng chủ quyền Việt Nam, bình dẳng, tự nguyện có lợi cả hai bên; (iii) lực lượng chủ quan là điều kiên căn bản để đi tới thắng lợi và (iv) luôn luôn đặt lợi ích của ta trong lợi ích của phong trào hoà bình, dân chủ xã hội chủ nghĩa.[2] Một sự kiện gây tiếng vang lớn lúc đó là bài trả lời phỏng vấn của Bác Hồ cho phóng viên báo Thụy Điển Expressen ngày 26/11/1953, trong đó nói:”…nếu Chính Phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cong hòa sẵn sàng tiếp muốn ý kiến đó…Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[3]. Nói tóm lại, ta cũng chủ trương điều chỉnh chính sách, mở mặt trận đấu tranh ngoại giao với mục tiêu, phương châm nói trên.

Xem như vậy có thể thấy xu hướng của Liên Xô và Trung Quốc lúc ấy là muốn hòa hoãn với phương Tây, riêng Trung Quốc muốn lợi dụng tình thế để xác lập vị trí nước lớn của mình, trong bối cảnh ấy ta cũng chủ trương đàm phán hòa bình.

Tiếp đến, điều băn khoăn, ray rứt nhất khi nói tới Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là ai và vì sao đã có “sáng kiến” chia cắt nước ta thành hai miền? Tìm ra sự thật về việc này không dễ chút nào. May thay, các tài liệu mật thời đó lâu dần đã được giải mã.

Trong báo cáo đầu tiên gửi về nước ngày 4/5/1954, Đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết lúc đầu là Anh, sau đó cả Mỹ và Pháp chủ trương chia cắt Đông dương thành hai miền hoặc theo vĩ tuyến 20, hoặc theo vĩ tuyến 16[4].

Không chỉ phương Tây mà Trung Quốc cũng có lập trường tương tự. Cuốn “Chu Ân Lai và Hội nghị Giơ-ne-vơ” của tác giả Tiền Giang do Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản tháng Giêng năm 2005 có cho biết: Trong “Ý kiến sơ bộ” (thực chất là Đề án của Trung Quốc tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ) có nói: “Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, cho dù Mỹ có cố gắng tìm mọi cách cản trở việc đạt được một hiệp định có lợi cho sự nghiệp hòa bình, chúng ta vẫn sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sự nhất trí và một thỏa thuận nào đó nhằm giải quyết vấn đề, thậm chí là một thỏa thuận tạm thời hoặc thỏa thuận riêng biệt nhằm tạo thuận lợi cho việc mở racon đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế”…

Để đạt được yêu cầu đó, ngày 2/3/1954 (tức là 2 tháng trước khi Đồng chí Phạm Văn Đồng gửi về nước bản báo cáo nói trên), Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi cho Trung ương Đảng ta một bức điện trong đó đề nghị: “…Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai…Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc”.[5]

Những thông tin trên cho thấy rõ, lúc đó Trung Quốc muốn tranh thủ việc tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ để xác định vị thế nước lớn, “ngồi chiếu trên” với các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để dàn xếp các công việc thế giới, và để đạt được yêu cầu này đã cùng các nước lớn khác dàn xếp giới tuyến đình chiến, thực chất là ranh giới chia cắt lâu dài. Các tài liệu đã được công bố cho thấy lúc ấy thái độ Liên Xô tương đối “bị động”, tập trung chủ yếu vào các vấn đề châu Ấu, “khoán” các vấn đề Viễn Đông cho Trung Quốc. Đây lại là một bài học “nhớ đời” củng cố quyết tâm kiên trì đường lối độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế.

Mặt khác tôi cũng ngộ ra rằng, những cái ta giành được ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 như đình chiến, quân Pháp phải rút khỏi Đông dương, miền Bắc được giải phóng, các nước tham gia Hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trên (tức là Việt Nam ,Lào và Căm-pu-chia)”[6] là nhờ ở những hy sinh to lớn, thắng lợi vẻ vang của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên trên bàn thương lượng chỉ có thể đạt được những điều đã giành được trên chiến trường. Về vấn đề phân chia vùng tập kết, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kiên trì khá lâu phương án lấy vĩ tuyến 13 song các nước khác lại dàn xếp phương án vĩ tuyến 16 – 17 và cuối cùng phương án lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến đã được chọn lựa.

Về việc này, ngay sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Hội nghị lần thứ 6 (khóa II) Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: những thắng lợi của ta “đã làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”[7]. Đứng trên quan điểm lịch sử mà soi xét thì thỏa thuận Giơ-ne-vơ năm 1954 phản ánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ, ta khó đạt được kết quả lớn hơn, nhất là cả hai nước tài trợ chủ yếu cho nước ta là Liên Xô và Trung Quốc đều muốn hòa hoãn với phương Tây.

Từ đây lại nẩy sinh một bài học khác là nước ta luôn phải đối mặt với các thế lực hùng mạnh bên ngoài nên chỉ có thể tiến từng bước. Điều này được thể hiện rõ trong giai đoạn 1945 – 1946 khi ta chủ trương “hòa để tiến”. Điều này lại được thể hiện qua Hiệp định Giơ-ne-vơ và lặp lại qua Hiệp định Pa-ri năm 1973 qua đó ta mới đạt được yêu cầu “Mỹ cút”, chứ chưa đạt được mục tiêu “ngụy nhào” – điều mà năm 1975 mới giành được.

Còn một khía cạnh nữa là vấn đề Lào và Căm-pu-chia tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Số là, các lực lượng kháng chiến Lào và Căm-pu-chia không được dự Hội nghị và Hiệp định Giơ-ne-vơ mới chỉ đưa tới việc giải phóng miền Bắc Việt Nam, còn lực lượng Pathét Lào phải tập kết về hai tỉnh Sầm nưa và Phong Sa Lỳ; ở Căm-pu-chia lực lượng Khơme Issarak phải hòa nhập vào thể chế Vương quốc. Lợi dụng thực tế đó một số thế lực xuyên tạc rằng, Việt Nam đã “bỏ rơi” hai nước láng giềng anh em !

Xem lại các tài liệu thì câu chuyện hoàn toàn không phải vậy.Trong bài phát biểu của Đồng chí Trường Chinh được trích dẫn ở trên có đoạn nói “Kẻ xâm lược phải ngừng bắn, đi đến ký hòa ước, ngoại quốc rút quân khỏi Đông dương…Việt – Miên – Lào thống nhất lập trường nên nói Đông dương. Nếu bây giờ chỉ đề ra rút quân đội ngoại quốc Việt Nam thì các bạn Miên – Lào sẽ nói ta thế nào?”. Và tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, Đồng chí Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Lào và Căm-pu-chia phải được tham dự Hội nghị như các thành viên bình đẳng. Lập trường chính đáng này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các phiên họp của Hội nghị, được nêu trong kiến nghị 8 điểm đưa ra ngày 10/5/1954…trong đó điểm 1 nhấn mạnh: “Nước Pháp phải công nhận chủ quyền và nền độc lập của nước Việt Nam trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cũng như chủ quyền và nền độc lập của nước Khơ-me và nước Pathét Lào”.

Ngày 27/5 Bộ Chính trị điện cho Đoàn ta ở Hội nghị cho ý kiến chỉ đạo: “đồng ý khi bàn vấn đề ngừng bắn và đình chiến cần tranh thủ thực hiện ngừng bắn và đình chiến trên ba nước…Mưu của địch là: nếu chúng phải ngừng bắn ở Việt Nam thì chúng đem bớt quân sang Khơme, Pathét Lào hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của nhân dân hai nước đó, củng cố địa vị ở đó để sau này quay lại đánh ta…Các anh nên xem lúc nào thuận lợi, đặt lại vấn đề Hội nghị Genève phải mời đại biểu hai chính phủ kháng chiến Khơme và Pathét Lào tham dự…”. Điều thú vị là Bộ trưởng Ngoại giao Pathét Lào là Nu Hắc và Bộ trưởng Ngoại giao Khơme kháng chiến Keo Pha lúc đó đã có mặt tại Giơ-ne-vơ để phối hợp đấu tranh.

Điều dễ hiểu là các nước phương Tây chỉ chấp nhận đại diện các chính quyền gắn bó với họ, không chấp nhận đại diện các lực lượng kháng chiến Lào và Căm-pu-chia tham dự Hội nghị; tách vấn đề Việt Nam bàn riêng; liên quan tới Lào và Căm-pu-chia chỉ đòi cái gọi là quân đội Việt Nam rút khỏi hai nước này, còn mọi chuyện coi như đã an bài. 
      
Theo cuốn “Chu Ân Lai và Hội nghị Giơ-ne-vơ” nhắc tới ở trên, lúc đầu lập trường của Liên Xô và Trung Quốc đống nhất với ta trong chủ trương giải quyết cả gói ba vấn đề Việt Nam, Khơme và Pathét Lào nhưng “sau trung tuần tháng 5, Chu Ân Lai đã xác định rõ không thể dùng kế hoạch cả gói để giải quyết vấn đề Đông dương, cách tốt nhất là phân biệt đối xử”…Ngày 27/5 Chu Ân Lai đưa ra Hội nghị lập trường 8 điểm và cùng ngày Tân Hoa Xã phát đi bản tin được Chu Ân Lai trực tiếp phê duyệt, trong đó nói “ về các khu vực tập kết quân đội, tình hình của 3 nước Đông dương – Việt Nam, Căm-pu-chia, Lào hoàn toàn khác nhau…vì vậy biện pháp giải quyết cũng không giống nhau” và trong cuộc gặp với Đồng chí Phạm Văn Đồng đêm 12/7 Chu Ân Lai đã nêu phương án quân Pathét Lào tập kết ở hai tỉnh Thượng Lào, còn Căm-pu-chia nên đồng ý rút quân Việt Nam, không đặt ra vấn đề tập kết quân (lúc ấy phía ta dự kiến nếu phải tập kết thì quân Pathet Lào rút về các tỉnh dọc biên giới với Việt Nam). Một tình tiết đáng chú ý là trước đó, ngày 20/6 Chu Ân Lai đã tiếp Ngoại trưởng Chính quyền Phnôm pênh Tep Phan và 21/6 đã tiếp Ngoại trưởng Chính quyền Viên chăn Sananikon bàn bạc nhiều nội dung về quan hệ giữa họ với Trung Quốc và với Việt Nam, về giải pháp tại Hội nghị Giơ-ne-vơ với nhiều tình tiết không ngờ. Tiếc rằng, do khuôn khổ bài viết không trích dẫn được; ai quan tâm nên tìm đọc.

Các tài liệu tôi mới được tiếp cận cung cấp đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, trước sau như một Việt Nam kiên trì bảo vệ lợi ích của các lực lượng yêu nước Lào và Căm-pu-chia, ngược lại các thế lực bên ngoài đã dàn xếp mọi việc của hai nước này nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, tách ba nước trên bán đảo Đông dương ra khỏi nhau. Thiết tưởng bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, đoàn kết Việt Nam – Lào – Căm-pu-chia trên cơ sở bình đẳng, cùng phát triển là quy luật sống còn của ba dân tộc.

Giống như mọi sự kiện lịch sử khác, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông dương ẩn chứa trong mình nhiều khía cạnh không dễ gì nhận chân được ngay. Thời gian là khoảng cách cần thiết giúp mỗi người nhìn rõ được bức tranh toàn cảnh, trong đó mỗi người lại phát hiện ra những sắc mầu đậm nhạt khác nhau tùy theo nhu cầu và nhãn quan của riêng mình. Trên đây là một số cảm nghĩ, phát hiện rất riêng tư nẩy sinh trong đầu tôi khi đọc một số tư liệu gốc mới được tiếp cận liên quan tới sự kiện xẩy ra đúng 60 năm về trước và dường như chúng vẫn tươi mới đối với ngày nay và mai sau.  

———
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điện biên phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ. Văn kiện Đảng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà nội -2014, tr.350-351
[2] Sách đã dẫn, tr.350-351 và 360-364
[3] Bóa Nhân dân, số 152, từ 6 đến 10/12/1953
[4] Sách đã dẫn, tr.372
[5] Xem sách đã dẫn do Bộ Ngoại giao nước ta dịch năm 2008, tr. 34-35 căn cứ cuốn “Truyện Chu Ân Lai” của Nxb Văn hiến Trung ương Trung Quốc xuất bản tháng 2/1998, tr.154-155 và cuốn “Cuộc đời Thủ tướng Chu Ân Lai” của Nxb Nhân dân tháng 1/1997, tr.74-75
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điện biên phủ – Hội nghị Giơ-ne-vơ. Văn kiện Đảng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà nội – 2014, tr.614
[7] Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội – 2000, t.15, tr. 223

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

MUỐN KHÓC!

Từ hôm qua, khi TT đại chúng rầm lên việc Quốc hội Mỹ  nhất trí thông qua nhị quyết về biển đông tới 100%.
Nghị quyết nêu rõ mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của tuyến hàng hải qua Biển Đông, cho rằng việc gia tăng các hoạt động tuần tra và đưa ra các quy định đối với các vùng biển và không phận có tranh chấp ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ đối đầu.

Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Cụ thể, ngày 1/5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), với sự tháp tùng của hơn 25 tàu, đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.

Sau đó, Trung Quốc điều động thêm hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự, và sử dụng máy bay trực thăng, vòi rồng để ngăn chặn hoặc có những hành động đe dọa, nhiều lần cố tình đâm húc tàu của Việt Nam. Trung Quốc cũng thiết lập vùng bất khả xâm phạm xung quanh giàn khoan Hải Dương-981…

Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.

Liên quan đến căng thẳng ở biển Hoa Đông, Nghị quyết S.RES.412 chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này từ ngày 23/11/2013, coi đây là hành động vi phạm công ước về hàng không dân dụng, gây căng thẳng quan hệ với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc./.
Nguồn: TTX VN.
Đọc xong mình thấy cay cay sống mũi, muốn khóc quá!
Hệt như thời bé, có thằng " bạn đểu"  có lúc thí cho  tý quà thừa, nhưng nhiều lúc giã cho đau điếng... đang ăn hiếp... thì có người lớn đi qua, nghiêm trang bảo: Bỏ nó ra ! 
Đồng thời xắn tay áo lộ ra cánh tay cuồn cuộn bắp thịt :Giỏi thì đấm vào đây xem nào!
NHục! Vì lúc ấy, bị vài phát vào mạng sườn rồi, nhưng ra vẻ... Không Đau!!! Không kêu cứu!!!