*
Đấy, vâng chính ngay dưới mé sông
Tẫn nằm đêm ấy là cái hõm/ mõm đá, bốn mươi năm trước, chúng tôi bị cuốn vào,
không ra được nữa. Nghe lạ quá phải không? Thì tôi kể chuyện này cho những người
đã qua tuổi " tri thiên mệnh",
(2) hứng thú thì nghe, chán thì thôi vậy. Chuyện quá khứ, hơi buồn.
Đó là một đêm trăng hạ tuần tháng
bẩy, nhưng chưa mọc, im ắng lắm, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non xa lắc hoà với
tiếng nước rì rào trong khoảng không nhờ nhờ đen. Từng người mình trần, bôi bồ
hóng lem nhem, bò thật thấp, nhích dần về phía sông lấp loáng, lăn tăn vẩy bạc.
Một tiếng tăc kè kêu. Tôi hiểu, đáp lại bằng tiếng chão chuộc, sau khi ngoái lại,
rồi trườn xuống mép nước. Gọi là sông, chứ đầu mùa khô cũng chỉ vài chục mét nước
chiều ngang, nhưng chảy xiết. Sông Ba Lòng. Vừa chạm đất bờ kia, linh tính như
thấy cái nhìn nảy lửa soi vào đám rều có ống sậy, tôi đang nằm ngửa dưới nước
ngậm, chỉ nhô khỏi mặt nước chừng gang tay, lừ lừ tiến vào. Thoáng chột dạ. Tôi
vội nhả ống, buông người sát bùn, từ từ nhoai ngược trở ra, rồi xoay xuôi dòng,
để lại một khoáy trên mặt nước như đàn cá chép quyện nhau, vật đẻ. Gặp rễ cây
to, bấu vào, khẽ nhô đầu lên, hé mắt nhìn. Rõ là vài dáng loang lổ đang lom
khom, thận trọng xăm soi. Bị phục rồi! Tôi vội đánh đôi tiếng tắc kè ám hiệu, rồi
hụp xuống. Ngay lập tức, tiếng nổ sát tai chát chúa. Một bên vai buốt nhói. Tay
như thừa ra. Chỉ dùng chân choài. Tay kia vẫn khư khư ôm bồng, trong âý có khẩu
K59 bất ly thân, hơn năm nay, chưa hề bóp cò. Tôi có buồng phổi của vận động viên
bơi lặn, nghĩa là nếu buộc chân tay, thả nước, chỉ cần hít thở, vẫn nổi được từ
mắt trở lên, còn nằm ngửa, hở đúng hai lỗ mũi. Bọn bạn trường đặc công trêu đồng
rừng cũng có có kình ngư! Nay mới có cơ vận dụng, thả ngửa người trôi, thơ thới
lạ thường, quên cả cánh tay lắc lẻo. Đến doi đất giữa lòng sông, mừng, đất ta.
Nào ngờ, mới vịn gốc bần, vài hơi thở dốc, bỗng hự, một thân người chồm tới, dập
nghiến đầu tôi xuống đất, như tia chớp. Hai lỗ mũi bị sọc bởi hai ngón tay. Xương
quai hàm bị ngón cái hắn cạy như vỡ bung, đau điếng. Địch hay ta? Hay dân chài
xăm cá? Không mật khẩu. Hắn câm lặng, quắp cổ tôi dằn ngửa, lao xé nước. Ngộp
thở. Miếng đánh độc, khiến tôi buông bòng. Tay còn khoẻ, cố lòn lên khe giữa cổ
mình và cánh tay đối thủ hòng bẩy ra cho đỡ nghẹn. Nhưng cái gông sống ấy, chẳng
hề suy xuyển, còn xiết chặt thêm. Cứ thế, người tôi nhũn dần, mê đi, nhẹ bẫng.
Dòng sông Đà quê tôi mênh mang mùa lũ, nước réo sôi sục và ngầu đỏ. Khúc gỗ tày
vòng ôm, trôi đến thác Pia, dựng lên, bọn choai choai thằng nào cũng truồng,
khanh khách cười, thi nhau trổ tài, lượn thuyền độc mộc ra quăng dây ròng vào.
Trồi lên, trụt xuống, không ngoắc được. Lại cười như nắc nẻ. Thoắt cái, đến chân
thác Hin Phá, mùa cạn, như âu nước trong xanh. Nhìn thấy cả rêu bám đá đang xoã
tóc, lả lơi bơi như bầy tiên cá vờn cô gái Mường trắng như nõn chuối rừng đang
ngâm mình, kỳ cọ. Tôi như rái cá từ xa lặn xuống, nhẹ nhàng nhoài đến, mở mắt,
nhìn thấy hết, cứ lượn mãi, không muốn rời…Anh
cứ yên tâm lên đường, bao lâu em cũng đợ…ợi. Ngọt ngào
quá. Mềm ấm, mịn màng và run rẩy mà trươn truội. Ôm nhau quay cuồng, nghẹt thở.
Thằng địch xoay người bơi ngửa, một tay vẫn túm tóc lôi tôi, làm hai cơ thể áp áp
sát nhau, day, giựt nhồn nhột. Mê hay tỉnh? Sông Đà hoang dã, ngọt ngào đấy ư?
Cú giật tóc làm tỉnh hẳn. Tôi gồng lên, úp mặt đúng ngã ba háng nó cũng trần như
nhộng, há mồm sực một phát cực mạnh. Trời đất quay cuồng, tiếng gào thét dữ dội,
lăn lộn, xiết vò…
Tôi cứ gọi là cái mõm/ hàm cho dễ hiểu,
đấy là chỗ tôi bị cuốn vào nằm đó đã bốn mươi năm, không ra được. Thế mới cú. Không
biết bao nhiêu sinh mạng đã bỏ ở khúc sông này, nay cứ gọi là" Hàm Rồng"
cho sang đi. Sau này tôi mới hiểu, cú võ mồm tuyệt đỉnh lợi hại của tôi, làm hòn
"ngọc"truyền nòi của đối phương tan nát ngay tức khắc. Song, phản ứng
cận sinh của sỹ quan thuỷ quân lục chiến được Mỹ đào tạo bài bản tận Inđô đã kịp
khiến đôi chân cứng như thép của hắn xoắn chặt vào nhau; vặn. Tất nhiên lọt giữa
chúng là cái cổ của tôi. Tất cả bện chặt, cùng lăn lộn xuống thác và rồi chui tọt
vào cái mõm đá này. Lúc ấy đối phương đã chết hẳn, chứ tôi mới bị cổ vặn xoay nghiêng hơn 90 độ, và mắt lồi như con ốc bươu. Kẹt cứng, các
nanh đá lởm chởm, chỉ cho tôi nhoài ngược lên độ một đầu người, ngửa mặt thở, ấy
là lúc nước rút. Một lúc sau, nước lại duyềnh lên, không kịp nhoai, bị sặc. Tôi
lơ mơ nghĩ, hay đây là hàm rồng thật, nước rút, nước dâng theo nhịp thở thuỷ thần.
* *
*
Chắc là, các bạn đọc yêu quý, tự hỏi
có phải sau cái đêm giông gió ấy, đêm chi lạ, gã thả lươn Tẫn sẽ phát điên chăng?
Dạ, thưa - không! Tẫn nồng nỗng chạy về, hổn hển kể cho vợ nghe chuyện kinh khủng
ở "thuỷ trại" lươn; tất nhiên là giấu nhẹm cái sự sướng mê mẩn chưa từng
có. May nhờ mấy lần ngã dúi bờ sông, nên vết vuốt ve/ cào cấu, ả nợ đời để trên
người gã, đặc biệt là hai đầu gối còn đỏ lừ…chẳng những không bị vợ cật vấn gì,
còn được đắp nắm lá nhọ nồi giã nhục xí xoá hết. Chỉ vợ gã trằn trọc. Thi thoảng
quờ sang người gã, thở dài. Chẳng lẽ mới thế mà đã thọt lên cổ! Thị quyết định,
mai gọi cả vợ chồng thằng em cậu xem sự thể ra răng? Thế rồi, sau một ngày nọ,
bốn vợ chồng anh em thay nhau đào bới, cửa hang dần lộ ra. Mọi người gật gù công
nhận với nhau, khi nằm sấp áp tai xuống đất, đều nghe rõ tiếng rên rỉ, thi thoảng
còn như cả tiếng nghiến răng kèn kẹt. Lạ nữa, mực nước thông xuống dưới hang lúc
dâng lên, lúc tụt xuống như có người khổng lồ thở hắt ra sau một hồi dài nín nhịn.
Đùn đẩy nhau mãi, cuối cùng thì Tẫn nhận trách nhiệm bò xuống, sau khi buộc dây
chạc chìu(3)
quanh bụng dặn, có gì lôi ra ngay, kẻo chết ngạt, như mấy lão đầu đất tháng trước
đào giếng thuê ở bản. Y như rằng, khi đôi chân gầy nhẳng như cành xoan của Tẫn cứ
yên một chỗ, không nhích thêm tý nào, ba người ở ngoài tức tốc lôi vội ra. Mặt
gã bợt bạc, mắt trợn ngược, sùi bọt mép. Vợ Tẫn, đúng cô vợ xấu xấu, bẩn bẩn, lại
là người bản lĩnh nhất, quát vợ chồng em cậu lúc ấy rúm tú túc, lóng ngóng, giật
hết quần áo nó ra xem có vết cắn chi không? Còn thị, vừa móc rớt dãi miệng chồng,
vừa bịt mũi, hà hơi thổi ngạt. Một lúc, Tẫn tỉnh dần, da dẻ tươi lại, ngồi lên,
ợ ợ mấy cái, rồi như sực nhớ điều gì, vùng căng chạy. Về nhà đắp kín chăn, rên
hừ hừ, Tẫn nhât quyết bảo, dưới hang nhung nhúc quỷ, nhao cả lên, khi gã mới bò
vào. Ông đầu đàn, sọ trắng hếu, nhe nhởn xông lên cực nhanh. lúc lắc như gạt đi
mọi lời xin xỏ. Sợi râu mép ông đánh vào tay Tẫn buốt thon thót làm gã ngất xỉu,
chẳng biết gì nữa. May kéo ra kịp. Nhưng rồi gã bị loạn thần từ ấy!
Tẫn cứ vật vờ, lúc tỉnh, lúc ngây
dễ đến cả năm. Nhưng lạ, hễ đầu ong ong, chuẩn bị lên cơn, gã phóng xuống bãi sông,
nằm vật ra, hóng gió quẩn, kỳ như đỡ. Cô vợ khôn ngoan để ý thấy, lẳng lặng lập
cây hương ở gốc cây già cấc, cằn cỗi trên nóc cửa hang. Thì cũng như mọi người
vẫn thờ thổ thần trước cửa nhà trấn trạch/ cầu may đấy thôi, ai cấm. Gã thấy
hay hay, rồi thành quen. Đêm rằm nào không ra, bứt rứt không chịu được. Hình như,
gã tỉnh dần, người đỡ tanh,hôi; bởi cứ ra sông, là thèm tắm. Làng xóm mừng cho
nhà Tẫn. Rồi chẳng biết từ bao giờ, cây hương trên nóc hang, thành nơi kêu cầu,
giãi bày nỗi niềm oan ức… cho cả bản, ngày một thêm to. Một hôm, đang lang
thang dọc sông, Tẫn gặp ông khách lạ. Ông hỏi chuyện, từ tốn, lịch lãm làm Tẫn
kể tuốt tuột, kể cả cái đêm sung sướng đến bàng hoàng, cả chuyện cái hang có
nhiều quỷ dữ nhao nhao đòi thịt gã. Từ lúc làm người đến giờ, Tẫn chưa được ai
nghe mình nói một cách chăm chú vậy, nó thấy mình có ích, quan trọng phết. Đầu óc
như bỗng sáng ra, ăn nói hoạt hẳn lên. Rõ là gần đèn thì sáng vậy. Rồi ông theo Tẫn về thăm "Động chó"( Láo
thế, chỉ bọn nguỵ xưa mới ám chỉ tầm bậy thế!). Ông thắp nén hương, bỏ mũ, cúi đầu,
Tẫn rợn người nhìn thấy cái sẹo như lòng bàn tay, nhăn nhúm…phía trên tai ông.
Ngọn gió quẩn từ sông bỗng ào đến, hất mái tóc bạc của ông đang xoã rối bời. Cây
hương phát hoả, cháy rần rật như bó đuốc.
* *
*
Bốn mươi năm, cảnh vật đã thay đổi khá
nhiều. Nước sông ít đi, thác cũng bé đi. Ghềnh nước xoáy sâu dưới thác giờ chỉ
còn là cái âu nông choèn. Cửa động bị bồi lấp bởi vô vàn lá cành, đất cát, xương
xẩu…lờ đờ trôi dạt bị cuốn xuống, mỗi năm một dầy, nhưng không bao giờ lấp chặt
được. Sống cùng chúng tôi trong ấy còn vô số vong hồn, và cả các con vật. Nhiều
nhất là cá trê, trạch chấu và lươn. Nguồn thức ăn cho chúng không bao giờ vơi cạn,
được chắt lọc từ ngách thông đáy sông quẩn cồn lên, cũng không thể không kể đến
xương cốt của chúng tôi, những người nằm lại khúc sông này. Nghe ghê chết đi đúng
không?, nhưng sự thật vậy! Ai đã từng ăn những con cá, con lươn béo mẫm do vợ
chồng Tẫn dạo ấy mang bán, xin chớ ngại ngần. Khoa học sẽ nói cho các bạn biết
không sao cả, còn lành chán so với cá, cua … bị nhiễm độc ở vùng sông đang bị móc
ruột đãi vàng…Một buổi trưa hiu hiu nắng, có một đoàn người đến thăm Hàm Rồng-
(từ giờ trở đi, xin hãy gọi thế!). Họ không táo tợn bò xuống hang, chỉ lập đàn
tràng ở ngoài, với hương hoa và đặc biệt là lời mời gọi rất ngọt, rất thảm thiết,
thân thương cảm động, chưa bao giờ chúng tôi được nghe, nên tất cả mọi người ra,
quây quần xem. Đấy là đoàn các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt đồng đội. Chúng tôi
nhìn nhau, cười; Giờ còn đồng đội, dị đội gì nữa, như nhau là như nhau! Họ hỏi
tên, cần thiết gì nữa nhỉ? À để ghi vào bia Tổ Quốc ghi công. Tay sinh viên tổng
hợp Văn năm thứ hai, người Hà Nội, nhập ngũ chưa đầy ba tháng, đợt bắn đạn thật,
cả 7 viên tống ráo lên giời, còn xón ra quần, vậy mà ở thế giới âm, luôn là kẻ
nhanh nhẩu nhất, ứng khẩu, ngâm ngay: Tên
các anh đã thành tên đất nước! làm khoé mắt cô ngoại cảm xinh gái lăn một
giọt long lanh.
Cô nói với mọi người: Toàn con giai cởi trần. Xương cốt lẫn lộn
hết, không nhận dạng được!
Ông đại tá, chắc là
trưởng đoàn, trầm ngâm:
-Hay ta mời chị Năm Nghĩa, làm như ở hồ K'Nak,…!!!
Đám người âm nhao nhao: -Không đâu, không đâu!
-
Liệt sĩ không đồng ý! Cô quay sang nói với đoàn.
- Thế chứ! Thế chứ! Đám người âm ồ lên, rất phấn khích.
Cuối cùng, ông lại nhờ nhà ngoại cảm mời chúng tôi quy tập về nghĩa
trang liệt sỹ Quảng Trị, hay về nghĩa trang quê hương xứ xở… Lúc này thì tôi, với
tư cách là ma cũ oanh liệt nhất, nghĩa là có cái chết dai dẳng nhất,( Mười ba
ngày ngắc ngoải) thay mặt anh em có lời bạch ngắn: Chỉ cần cho linh hồn chúng tôi
có chỗ trú ngụ, một đền đài vô danh nhỏ thôi ở khúc sông này. Nhớ đến chúng tôi,
cả những người uổng mạng bằng tấm lòng từ bi, độ lượng. Còn bảo nhỏ cô ngoại cảm:
Người Thái bọn anh đào sâu, chôn chặt một lần, xác vùi đất mẹ, hồn bay về trời.
Ừ! ở quê khi xên hươn (4)anh vẫn về. Thỉnh
thoảng anh cũng hay sang nghĩa trang
Trường Sơn uống rượu với bạn, dưới mái nhà có hoa Khau Cút.(5) Vui lắm.
Tất
cả chúng tôi, mọi vong hồn phiêu linh vật vờ quanh khúc Ba Lòng chẳng ngờ rằng,
Phật Đản năm ấy, năm Canh Dần (2010) được súng sính những bộ quần áo mới toe, hướng
theo tiếng đại hồng chung,(.6) tiếng trống Bát Nhã cưỡi
trên sóng, bám theo cánh hoa đăng, xuôi về Thành Cổ dự đại lễ Cầu Siêu.
Văng vẳng bên tai lời niệm cầu chí
thiết, cảm động đến rưng rưng.
Lễ kỷ niệm 40 năm vượt sông Thạch Hãn 7/2012
Xin cảm ơn đại tá Cầm Hùng, cựu
chiến binh Thành cổ Quảng Trị đã cho những ý kiến quý báu để hoàn thiện -
7/2013.
(1)
gọ : ( gụ) Một loại gỗ tốt
(2) tuổi
"Tri thiên mệnh": 50 tuổi trở
lên- Biết mệnh trời (Ý thơ Đỗ Phủ)
(3) Chạc chìu:
tên loại dây rừng rất dai- có nơi
gọi là ruột mèo
(4) Xên hươn:
Cúng nhà
(5) Khau
cút : Linh vật gắn trên nóc hai đầu hồi nhà người Thái
(.6) Đại
hồng chung: Chuông đồng lớn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét