Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

ĐI TÌM MỘT NHÀ THƠ

 Hay là, sức sống mãnh liệt của bài thơ về một tình yêu ...bị tự sát!

CHU QUANG MẠNH THẮNG
Ông Khổng Văn Đương (phải)
Ông Khổng Văn Đương (phải)
Một buổi chiều xuân. Sau hơn một tiếng đồng hồ lặn lội, hỏi thăm, tôi cũng tìm đến được căn nhà của tác giả bài thơ tình nổi tiếng: EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN CĂNG (*). Thủa còn là học sinh, tôi cũng đã được thấy bài thơ này nằm trong những cuốn sổ tay của bạn bè cùng lớp. Nó đã được truyền lại từ những thế hệ học sinh đi trước. Có điều, tác giả là ai thì không ai biết. Chúng tôi cứ ngỡ, đó là bài thơ tình của một nhà thơ danh tiếng nào đó ở tận trời Âu xa xôi. Từ khi xuất hiện đến nay, bài thơ đã được in ở đâu đó với cái tên Onga Becgon, nữ thi sĩ người Nga (1910-1975) nhưng lại không có tên người dịch. Mãi gần đây, mọi người mới được biết, tác giả bài thơ là một người Việt Nam. Ông hiện đang công tác và sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn là tác giả một tập thơ hơn một trăm bài có tựa đề “Tình quê hương” trong đó có gần năm mươi bài viết về mối tình của ông với Valentina, cô gái tóc vàng trên bán đảo Ban Căng, thời còn là lưu học sinh ở Rumani.
Năm nay đã 61 tuổi nhưng ông hãy còn khá trẻ trung, phong độ, rắn chắc như một nhà thể thao chuyên nghiệp… Tính tình sởi lởi, thân ái, dễ gần và cũng đầy chất nghệ sĩ, ông đón tiếp tôi rất nhiệt tình và vui vẻ… Khi biết tôi “thừa lệnh” của Nhà văn Hoàng Đình Quang (*) đến gặp và mong ông cho xuất bản tập thơ “Tình quê hương” trong đó có bài thơ tình nổi tiếng đang gây xôn xao trong dư luận, ông bỗng trầm xuống và lắc đầu: “Tôi hết sức cảm ơn lời đề nghị của Nhà xuất bản. Nhưng “chuyện cũ” đã qua lâu rồi, tôi không muốn khơi lại làm gì!”- Tôi hiểu, “chuyện cũ”- đó chính là mối tình đầu đầy nước mắt của ông với Valentina.
Thấy tôi khẩn khoản muốn được nghe chính ông kể lại một chút về mối tình và xuất xứ của bài thơ, ông do dự một lúc rồi tâm sự:
“Năm 1965, tôi được nhà nước cử sang học tập tại trường đại học bách khoa Georgiu Dej Bucarest – Rumani. Tình cờ, trong dịp nghỉ hè năm 1966 tại biển Đen, tôi đã gặp được Valentina, cô gái người “Ru” có cái tên thường gọi rất dễ thương: Valy! – Cô ấy dáng người mảnh khảnh, có mái tóc màu vàng hạt dẻ, đôi mắt to, đen, đẹp như một thiên thần. Tôi đã có cảm tình với nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Năm ấy nàng 17 tuổi, là nữ sinh lớp 11 trường THPT Cristina ( Brasov ). Từ đó, nàng cũng thường xuống Bucarets để gặp tôi. Rồi chúng tôi đã yêu nhau từ lúc nào cũng chẳng biết. Mùa hè 1967, nàng tròn 18 tuổi. Sau khi thi tốt nghiệp, nàng lại xuống chơi nhà người chú ở Bucarets, cạnh chỗ tôi đang học. Suốt kỳ nghỉ hè năm đó, chúng tôi được ở gần bên nhau. Đó thực sự là những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tình yêu giữa tôi và nàng. Chúng tôi đã yêu nhau bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình. Mối tình của chúng tôi thật là trong sáng… Cũng mùa thu năm đó, sau khi thi đậu, nàng xuống hẳn Bucarets, học ở trường đại học Tổng hợp, khoa tiếng Đức. Trường của nàng cách trường tôi chỉ chừng hai kilômét. Chúng tôi lại có dịp thuận lợi để gặp gỡ nhau hằng tuần… Kỳ nghỉ đông năm đó, nhân một chuyến đi du lịch, tôi đã quyết định về quê thăm cha mẹ của nàng. Cùng đi với tôi còn có một người bạn tên Đỗ Công Doanh. Cha, mẹ nàng đều là giáo viên và đang dạy học tại một trường THPT ở thành phố Brasov . Họ chỉ có một người con gái duy nhất – là nàng. Tôi còn nhớ, đó là một ngày mùa đông bão tuyết mịt mùng. Cả thành phố Brasov chìm trong tiếng bão gầm, tuyết bay tơi tả, phủ dày đặc khắp mặt đất… Khi thấy tôi xuất hiện trước cửa, sau vài giây kinh ngạc, Valentina đã chạy ra, ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở vì xúc động… Đó là một ngày tôi không thể nào quên! Sau này, mỗi lần xuống Bucarets thăm Valentina, cha mẹ nàng đều không quên gửi cho tôi một món quà, khi thì một giỏ trái cây, khi thì một con gà tây quay với vài ba lít rượu nho đựng trong một hũ sành, lúc lại là một rổ trứng luộc mà ngoài vỏ được vẽ trang trí bằng những hình ảnh rất công phu với nhiều màu sắc sặc sỡ… Ngày ấy, đã có đôi lúc tôi thầm nghĩ đến những niềm hạnh phúc của một gia đình nho nhỏ…
… Anh biết không? Thế rồi tình yêu của chúng tôi chỉ kéo dài thêm được một năm nữa thì bị tổ chức phát hiện. Tôi bị kiểm điểm, bị khai trừ khỏi đoàn và cam kết phải chấm dứt quan hệ với Valentina. Còn nếu không, tôi sẽ bị trục xuất về nước. Mà bị trục xuất ư? Anh thử nghĩ xem, trong hoàn cảnh ấy, nếu bị trục xuất về nước thì gia đình, làng xóm, bà con và bè bạn… còn ai là người tôn trọng và thông cảm cho tôi? Chắc chắn không còn ai cả! Mặt khác, trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy có lỗi rất nhiều với các chiến sĩ đang phải hy sinh ngoài mặt trận!… Sau một lần đi chơi xa, tôi đã nói tất cả những gì cần phải nói với Valentina và quyết định chấm dứt mọi quan hệ với nàng. Tôi cũng không ngờ quyết định đó đã gây ra những hệ lụy vô cùng buồn bã đối với nàng. Khoảng nửa tháng, sau cuộc đi chơi xa với những quyết định đẫm nước mắt đó, tôi nhận được một lá thư dài của nàng với những lời lẽ hết sức thiết tha và oán hận… Vào một buổi chiều giữa tháng 3 – 1969, mọi người trong phòng đi vắng hết. Chỉ còn mình tôi ở nhà. Nhìn qua khung cửa sổ, thấy tuyết trắng xóa, dày đặc, bay đầy trời… tôi lại nhớ Valentina ghê gớm và cảm thấy mình thật cô đơn, trơ trọi. Tôi liền đem thư nàng ra đọc lại, vừa thương nàng, vừa hận mình… Tôi liền ngồi vào bàn, làm một bài thơ phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong bức thư nàng gửi cho tôi. Bài thơ có tựa đề EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN CĂNG đã ra đời như thế đấy! Tôi xin được đọc lại, anh nghe:
Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng
Em trèo lên đỉnh núi cao Cácpát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!
Ôi dòng xanh rì rầm sông Đanuyp
Mây trời in lồng lộng giữa lòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!
Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?
Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mùa xuân
Đâu Trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà Trần gian đầy bể khổ trầm luân?
Con lạy chúa Jê-Su ban phép lạ
Cho nước người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hòa tan làm một, ngàn đời!
Em cầu nguyện. Còn anh, anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng đợi chờ…
Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Cácpát
Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban căng!
(Bucarest, 19.3.1069)
Bài thơ này sau đó đã bị tổ chức tịch thu cùng với cả một tập thơ tôi viết tặng cho nàng và họ gửi đi đâu, tôi cũng không được biết. Cho đến năm 1971 về nước, tôi mới phát hiện bài thơ đã được cả một thế hệ học sinh, sinh viên thời bấy giờ lưu giữ trong sổ tay của mình. Và trong suốt thời gian đó, người ta còn lầm tưởng là một bài thơ tình của nữ sĩ người Nga – Onga Becgon…”.
Kể đến đây, ông ngừng lại, vẻ trầm ngâm. Ông khẽ nhấm một ngụm nước, ánh mắt xa xăm, rất buồn… Hình như ông đang nhớ tới những tháng ngày của quá khứ!…
Im lặng hồi lâu, ông kể tiếp:
“Sau cuộc chia tay và lá thư gửi cho tôi không được hồi âm, Valentina lâm bệnh nặng. Một người bạn thân của nàng cho tôi biết, nàng gần như người bị mất trí và phải nghỉ học để ở nhà dưỡng bệnh. Vào lúc đó, tình trạng của tôi cũng chẳng khá hơn nàng. Thất vọng đến tiều tụy… Rồi một hôm, tôi quyết định đến Brasov thăm nàng, mặc dù biết điều đó có thể sẽ gây hậu quả khôn lường. Nhưng lúc bấy giờ, tôi cứ phó mặc tất cả…
… Bước vào cổng nhà nàng, cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó là những cây hạnh nhân mới lớn chừng gang tay bị nhổ lên nham nhở, khu vườn hoa thường ngày đẹp là thế, giờ bị phá tan hoang, xơ xác… Valentina nằm dài trên giường với thân hình tiều tụy và ánh mắt vô hồn. Nhưng vừa nhìn thấy tôi, nàng vội bật dậy, ôm chặt lấy tôi, miệng thoảng thốt kêu tên tôi thê thảm… Cha mẹ nàng đứng ở cửa buồng nhìn chúng tôi, bất lực! Mẹ nàng khóc, nước mắt cứ trào ra mà không nói được một câu gì rõ rệt… Đó là một ngày buồn thê lương. Có thể, đó là một ngày buồn nhất thời trai trẻ của tôi!
Từ đó cho đến khi về nước, tôi không còn có dịp được tiếp xúc với nàng nữa. Nhưng đúng vào cái hôm cuối cùng, đó là ngày 17 – 6 – 1971, khi đoàn sinh viên chúng tôi đã kết thúc khóa học, kéo nhau lên tàu liên vận, chuẩn bị rời Bucarets để về Việt Nam thì phía bên kia đường ray, đằng sau chiếc cột to lớn ở sân ga, nàng xuất hiện. Hôm ấy nàng mặc chiếc váy trắng gấp nếp, chiếc áo Pul màu xanh da trời, đi một đôi dày cao gót màu trắng sữa, dáng dấp vẫn mảnh mai, xinh đẹp… Không biết ai đã báo cho nàng biết ngày chúng tôi về nước? Tôi đứng trong toa tàu, cửa toa đã được đóng lại và khoảng một phút sau, đoàn tàu bắt đầu rời ga… Hình ảnh cuối cùng của nàng mãi mãi còn đọng lại trong tâm khảm của tôi, đó là hình ảnh người con gái mảnh mai chạy theo con tàu, chới với vẫy tay như níu kéo và cuối cùng, gục đầu vào cột nhà ga… Tôi không biết phải gọi cái cuộc chia tay ấy bằng một cái tên gì cho đúng? Gặp gỡ mà lại chẳng được gặp nhau. Chia tay mà lại chẳng được một cái bắt tay nào. Chỉ được đứng từ xa mà nhìn nhau trong thoáng chốc với hai dòng nước mắt chảy tràn… Hình ảnh nàng hôm ấy càng làm con tim tôi thêm rỉ máu, có lẽ không biết đến bao giờ mới hết nếu không có một cuộc gặp gỡ với nàng sau đó tám năm. Ấy là vào tháng 7 – 1979, khi đang công tác tại Tổng công ty Dược Việt Nam, tôi có dịp sang công tác ở Tiệp Khắc hơn bốn tháng. Đến Tiệp, tôi liền gọi điện cho một người bạn Rumani, nhờ anh báo cho Valentina biết, tôi đang ở Praha, rất muốn được gặp lại nàng nhưng vì đi chung với đoàn, không thể tách ra để xin visa sang Rumani được. Không ngờ, chỉ hơn một tuần sau, Valentina đã có mặt ở Tiệp Khắc. Cùng đi với nàng còn có chồng và một cậu con trai hai tuổi khá kháu khỉnh. Chúng tôi gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết. Biết bao câu chuyện được chúng tôi kể lại cho nhau nghe trong vui buồn và nước mắt… Rồi lại phải chia tay nhau trong sự luyến tiếc khôn ngôi… Và, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp lại nhau anh ạ. Sau cuộc gặp có hậu đó, trong lòng tôi mới thực sự được yên tâm…”.
Ông ngừng kể. Hình như ông lại đang nhớ tới Valentina (tôi đoán thế)… Trong lòng tôi cũng đang đọng lại những cảm xúc rất lạ. Câu chuyện của ông đã làm tôi quá xúc động…
Chiều hôm ấy, ông còn tâm sự rất nhiều về những nỗi khó khăn gian khổ khi ông mới về nước. Ngoài những khó khăn về vật chất sau cuộc chiến tranh ác liệt và thời bao cấp, còn rất nhiều những khó khăn về tinh thần vì hầu hết xung quanh, mọi người đều có định kiến về một thanh niên đã từng bị khai trừ ra khỏi đoàn TNCS và những nỗi khổ tâm dằn vặt về mối tình đầu không trọn vẹn… Nhưng rồi ông đã quyết tâm phấn đấu không ngừng nghỉ. Sau nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp ngành và cấp thành phố, năm 1980, ông đã chính thức trở thành một Đảng viên Đảng CSVN…
Như sực nhớ ra điều gì, ông ngồi dậy, mở tủ rồi lôi ra một tập bản thảo viết tay. Ông đưa tôi xem. Đó là một số bài thơ ông còn nhớ và giữ được cho đến hôm nay. Lướt nhanh qua những trang giấy, tôi dừng lại khá lâu trước bài thơ NGẪM MÌNH – Là một trong số 50 bài ông đã viết tặng Valentina và cũng là bài thơ cuối cùng ông viết trên đất Rumani:
Hỡi nhân tâm ở trên đời
Tìm cho biên giới lòng người ở đâu
Tưởng rằng thời loạn xa nhau
Ngờ đâu nay cũng địa đầu cách ngăn
Sáu năm ở đất Bancăng
Vì yêu để nợ ngàn năm chốn này
. . .
Rồi ông sai cô con gái mang tập bản thảo đi photocoppy, xong, đưa cho tôi hai bản:
- Tặng anh và anh Quang để “tham khảo” cho vui. Nói lại với anh Quang, tôi cảm ơn nhiều!
Ông siết tay tôi thật chặt…
Nắng chiều cũng đã nhạt…
Chia tay với ông nhà thơ họ Khổng (Khổng Văn Đương), tôi trở về nhà. Trong lòng vẫn lâng lâng những cảm xúc thật lạ…
TP.HCM, mùa xuân 2006
Lời bình của em:
Còn nhớ cái dạo chúng tôi, lứa lao động hợp tác đầu tiên, năm 1980, 1981 vô phép cụ Nguyễn Du loan truyền nhau mấy câu nhại Kiều:
Trăm năm, trăm cõi người ta
Ai ai cũng muốn thò ra, thụt vào
Lạc hậu như thể người Lào
Đêm đêm ai cũng thò vào, rút ra
Văn minh như thể người Nga
Đâu đâu cũng thấy thò ra, thụt vào
Cho dù phản động như Mao
Kề miệng lỗ, vẫn thò vào rút ra
Chỉ riêng có sứ quán ta
Ban hành lệnh cấm thò ra thụt vào
Vậy "Xù" ta phải tính sao
Để ai cũng được...???
  Nghe đâu, cũng nhiều đôi lứa, tội tình lắm, nạo phá... cô vắt...Rồi cũng nhiều đôi phải thất thểu về nước trước thời hạn. Nhưng rồi, cấm sao xuể. Nhạt nhạt dần, rồi tự thân, những người trong cuộc cũng tự ý thức được, một khi chẳng ai cần cấm đoán nữa. Lạ thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét