Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Phu chữ

Làm chữ
Bài viết của Trần Quốc Toàn đăng trong Thơ.com
..................
Ai bảo quá mù sẽ hóa mưa
Nửa đang thao thức nửa mong chờ
Thiên hà vắng lặng đêm khuya khoắt
Để một mình em hứng giọt xưa.
(Nguyễn Ngọc Minh – Mưa bụi)
Đọc tứ tuyệt Mưa bụi này với con mắt học nghề, dễ nhìn ra sự vận hành của một dây chuyền sản xuất chữ. Nguyên liệu đầu vào là một quý kim ngôn ngữ già tuổi, là một câu tục ngữ Quá mù ra mưa. Nhưng dù quý thì đó vẫn chỉ là nguyên liệu, là thứ pha trộn giữa thao thức và mong chờ như một ông thợ phân kim ra tay nghề. Và người thợ kim hoàn xuất hiện, vít cái cần đêm, kéo thiên hà xuống, ném như vắt để hiện tại đang còn ngổn ngang kia nhểu xuống một giọt quá khứ, một giọt chữ vừa chưng cất xong – giọt xưa. Đó là giọt trong tinh khiết hay giọt mặn xót đau thì cũng chỉ một mình em hứng, một mình em biết !
Cái cách làm chữ của Mưa bụi là tạo một kết hợp mới cho hai âm tiết cũ, chiết ra từ giọt mưa ngày xưa một từ mới giọt xưa .
 Một cách làm chữ khác có đến hai tác giả dung, là cách ghép nghĩa ảo vào một từ thực :
Cây khô nhiều năm nghe mỏi
Đợi gió bẻ cành để rơi
Xa em nhiều năm tôi đã
Đánh rơi gần hết nụ cười.
(Huỳnh Hữu Võ – Đánh rơi nụ cười)
Rơi là một động từ trăm phần trăm thực nghĩa, nhưng trong rơi rụng thơ ca lần này, nó phải ảo để góp phần thực hóa một nỗi buồn. Nhưng đã ảo để góp phần thực hóa một nỗi buồn. Nhưng đã ảo thì cứ đi tới cùng sự mơ hồ cho phép, cứ đưa tay nhặt nụ cười ai đánh rơi để mà tưởng tượng được hôn lên cặp má hồng kia :
Trèo lên cây hái quả
Đạp rụng chùm nắng tươi
Thấy em hồng hai má
Leo xuống nhặt nụ cười
(Nguyễn Thiền Nghi – Hái quả)
Phải dụng công như thế mới mong có thơ hay, mới mong đạt được tới trình độ không cần dụng công thơ vẫn hay ! Đó là cái hay của chữ nằm tả chân rất thật thà của cụ Nguyễn Khuyến trong một lần Nhớ cảnh chùa Đọi :
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây.
Khéo quá ! Tả người nằm lại thấy sương khói bước vào. Đưa ra chữ nằm rất tĩnh mà tạo được cả một ngữ cảnh động bảng lảng sương khói. Chữ ấy bảo hiền lành thì còn gì hiền lành hơn ! Mà bảo là nghịch ngợm thì, xin thưa, cũng nghịch đến điều. Gặp được một chữ như thế, kẻ yêu thơ này vừa chắp tay xá vừa tủm tỉm cười !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét