Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

CẦM BÚT

Từ ngày đọc mạng, mình biết và rất thích cách viết, phương pháp luận và hành văn trong sáng, khúc chiết của một số người giỏi khoa học cơ bản như GS Ngô Bảo Châu, Hoàng Xuân Phú...
Trở lại vụ 2 nhà báo của VOV bị đánh khi lặn lội vào khu cưỡng chế Văn Giang tác nghiệp, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Thì đây bài viết của GS Hoàng Xuân Phú đã lý giải, vẽ nên bộ mặt thật dưới góc nhìn khác của hai nhà báo này. Phải nói là bài viết công phu với cái tâm rất trong sáng, đáng được gọi là bậc thầy!
Chiến binh cầm bút

Hoàng Xuân Phú

Một dùi cui có thể gây thương tích mấy tuần cho vài người
Một ngòi bút có thể gây tổn hại chục năm cho hàng triệu tâm hồn

Ông Nguyễn Ngọc Năm là một chiến binh cầm bút trung thành. Ông Hàn Phi Long cũng rứa. Cả hai công tác tại Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, với chức năng nhiệm vụ được ghi tại http://tinvov.vn/VeTrungTamTin.aspx:
“Trung tâm Tin (NewsCenter) là đơn vị sản xuất, khai thác tin, bài từ các nguồn; là đầu mối duy nhất tiếp nhận, quản lý, biên tập, xử lý tin, bài của các Cơ quan thường trú và tin của phóng viên, biên tập viên trong Đài.
Tại trung tâm đầu mối quan trọng ấy, ông Ngọc Năm giữ trọng trách Trưởng phòng Thời sự, Chính trị - Kinh tế.

Mặc dù bản thân bị quân ta đánh tả tơi khi thi hành công vụ trong chiến dịch cưỡng chế ở Văn Giang, ông Ngọc Năm vẫn nghiến răng chịu đựng để công bố bài “Hoàn thành cưỡng chế 72 ha đất ở Văn Giang - Hưng Yên” (xem Phụ lục 1), trong đó tường thuật:
“Ngày 24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp, thuộc xã Xuân Quan, theo đúng quy định của pháp luật, để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang...”
Để viết bài này thì chỉ cần chép từ tài liệu của chính quyền, chẳng phải xuống hiện trường làm chi cho vất vả và nguy hiểm. Thế nhưng hai ông vẫn ra quân. Vì sao ư? Hãy bớt chút thời gian, đọc bản tường trình của Nguyễn Ngọc Năm gửi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (xem Phụ lục 2) thì sẽ rõ.

Ông Ngọc Năm viết:
Ngày 23/4/2012, tôi tham gia buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tại cuộc họp này, sau khi nghiên cứu thông cáo báo chí, tôi có một số câu hỏi trên tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh, như: ‘Ngày nào tổ chức cưỡng chế? Công tác chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối? Nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không? Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?’.
Vâng, chỉ cần “nghiên cứu thông cáo báo chí” do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên phân phát thì ông Ngọc Năm đã có đủ cơ sở để “ủng hộ chủ trương của tỉnh”. Hơn thế nữa, nếu không phải là người am hiểu và “ủng hộ chủ trương của tỉnh”, trong đó có chủ trương cấm báo chí, thì ông sẽ không thể nghĩ ra câu hỏi “nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không?” Bởi lẽ, đến tác nghiệp, đưa tin là quyền và nghĩa vụ của nhà báo. Hơn nữa, nếu việc cưỡng chế là đúng, là tử tế, thì chính quyền lại càng phải vận động báo chí đến chứng kiến và tường thuật, để tránh dư luận hiểu lầm. Câu hỏi khác thường của ông Ngọc Năm thuộc dạng “tối đến có được ngủ hay không”, khiến người ta hiểu rằng nó không đơn thuần là một câu hỏi, mà chứa cả hướng trả lời, và phảng phất hương vị đồng tình. Khi bị công an bắt và bị hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh thấy như thế nào?”, thì ông vẫn thể hiện chính kiến bằng câu trả lời né tránh: “Tôi không bình luận gì về việc cấm đó của tỉnh Hưng Yên”.

Suy luận trên không mâu thuẫn với thực tế là ông Ngọc Năm vẫn cùng ông Phi Long đến Văn Giang, bởi lẽ ông hiểu rằng mình không nằm trong cái vòng báo chí chung chung ấy, mà thuộc vào cánh quân đặc biệt, với sứ mệnh đặc biệt, như chính ông viết trong bản tường trình:
Ngày 24/4/2012, là ngày tiến hành việc cưỡng chế tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tôi tiếp tục được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình để có tuyên truyền đúng định hướng.
Không chỉ “tuyên truyền đúng định hướng” một cách thụ động, ông Ngọc Năm còn tham gia “định hướng tuyên truyền”:
 “Với thái độ hết sức kiềm chế, bình tĩnh, tôi đã khai đúng như những gì tường trình ở trên. Nói rõ mục đích đến Xuân Quan là để nắm tình hình cho định hướng tuyên truyền...”
Với tư duy như vậy, ông Ngọc Năm đã đặt câu hỏi thứ tư trong buổi họp báo: Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?”  Đấy mới là đối tượng chính của “tuyên truyền đúng định hướng”. Còn việc ngăn chặn và xử lý những hành vi sai trái của lực lượng cưỡng chế (nếu có) thì “nằm ngoài vùng phủ sóng”, ông không quan tâm.

Ngay cả khi phải viết bản tường trình về việc bản thân bị lực lượng cưỡng chế đánh đập, ông Ngọc Năm cũng tranh thủ thực thi nhiệm vụ “tuyên truyền đúng định hướng”:
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Đoạn tường thuật sinh động trên cũng xuất hiện gần như nguyên văn trong bản tường trình của Hàn Phi Long (xem Phụ lục 3):
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Hãy so sánh hai đoạn vừa trích dẫn! Dài 59 – 60 chữ mà giống nhau gần hết, chỉ bị sai lệch có vài ba chữ, thật là kỳ diệu. Nếu không cùng được tôi luyện trong một lò đào tạo mẫu mực, thì liệu hai người khác nhau có thể phát ngôn giống nhau, như đã dày công học thuộc lòng cùng một kịch bản hay không?

Chưa hết, hãy nghe ông Ngọc Năm kể tiếp:
“Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích hò hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi…”
“Sau thời gian tấn công lực lượng cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại ném ‘bom xăng’. Lực lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo.”

Còn ông Phi Long, khi công an hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?” thì trả lời:
“Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng”.

Qua nhãn quan của hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn đọc thấy rõ là “người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng”, “rất quá khích” và chống người thi hành công vụ một cách thô bạo. Còn lực lượng cưỡng chế thì sao? Dân càng quá khích và hung hãn bao nhiêu, thì lực lượng cưỡng chế lại càng “nhẫn nhịn chịu đựng” bấy nhiêu, chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào. Khi người dân “ném bom xăng” thì lực lượng cưỡng chế chỉ “nổ pháo” (có lẽ cũng vui tai như pháo mừng xuân thuở chưa bị cấm), và đấy cũng chỉ là việc mà họ “buộc phải” làm.

Nếu không có trục trặc phát sinh khi hợp đồng tác chiến, thì có lẽ huyền thoại trên đã được Ngọc Năm và Phi Long truyền qua Đài Tiếng nói Việt Nam, đến hàng chục triệu đồng bào trên mọi miền của Tổ quốc. Và dân ta lại được giáo dục bằng những giáo trình có chung định hướng với bài “Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc tại Viện Hán Nôm” của Quốc An đăng trên báo Quân đội nhân dân và bài “Ủng hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung” của Hoàng Linh đăng trên báo Báo Cựu chiến binh ngày 19/05/2012. May thay, trận đòn đồng đội đã làm hai ông cụt hứng, nên ca chưa trọn bài.

Ngoài việc bản thân bị quân ta đánh oan, Ngọc Năm và Phi Long không đề cập bất kỳ một sai phạm nào khác của cuộc cưỡng chế. Hẳn Ngọc Năm chưa quên người phụ nữ cùng bị bắt và cũng bị còng tay như ông, đã giúp ông móc điện thoại từ trong túi, và nói với ông rằng: “Vì anh mà tôi bị đánh...”. Đó chính là bà Ngô Thị Ánh, người đã hô bà con cứu hai ông, nên bị công an đánh đập và bắt giam. Ấy vậy mà trong tường trình của ông, câu chuyện của bà Ánh được nhắc tới mới nhẹ nhàng làm sao:
“Trên xe, chị phụ nữ cho tôi biết ‘thấy chúng tôi bị đánh đập vô cớ, chị chạy theo thì bị bắt’.”
Chạy theo thì bị bắt”, chỉ vậy thôi. Ngòi bút từng trải không hề lạc đề sang chuyện bà Ánh bị đánh.

Cuối cùng, ông Ngọc Năm chỉ đề nghị “Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cần… làm rõ sự việc” đánh nhà báo (tức là đánh bản thân hai ông). Bên cạnh “trách nhiệm (bồi thường) sức khỏe, danh dự”, ông chỉ yêu cầu những người có lỗi phải “chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm”. Quân của hai binh chủng khác nhau đánh nhầm nhau khi phối hợp tác chiến cũng là chuyện thường tình, việc gì phải kỷ luật hay truy tố. “Chín bỏ làm mười” để cùng nhau lo việc lớn. Thậm chí, có lẽ lo lãnh đạo của mình vì quá thương lính mà sinh ra nóng nảy, lại ảnh hưởng không tốt đến đại cục, nên ông Ngọc Năm còn “đề xuất: Đài TNVN cần tỏ rõ thái độ mềm dẻo...”

Bản tường trình của Ngọc Năm và Phi Long đã phác họa chân dung chiến binh cầm bút tuyệt đối trung thành với… định hướng. Trận đòn của lực lượng cưỡng chế tuy gây chút đau đớn, nhưng lại họ cơ hội ngàn vàng để thể hiện lòng son sắt với phía cầm cương.

Một số người phỏng đoán rằng Ngọc Năm và Phi Long đến Văn Giang để tìm hiểu sự thật, đặng bảo vệ người dân. “Khen nhau như thế bằng mười hại nhau”. Chớ nói vậy mà oan cho họ, lại ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và đường thăng tiến của họ, rồi ai đó lại phán rằng: Thế thì bị quân ta nện cho cũng đáng đời lắm”.
 Nói thêm cho rõ ý

Có ý kiến cho rằng: Sao lại phê phán, khi hai ông Nguyễn Ngọc Năm và Hàn Phi Long đang cùng Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị chính quyền Hưng Yên điều tra, làm rõ vụ việc đánh nhà báo?

Xin thưa: Làm như vậy, họ mới chỉ hành động với tư cách của người bị hại và cơ quan có người bị hại.

Điều mà họ cần phải thể hiện là: Với tư cách nhà báo và cơ quan báo chí hàng đầu, đã trực tiếp chứng kiến những điều sai trái của cuộc cưỡng chế, thì chính họ phải đưa sự thật ra công luận, chứ không thể chỉ làm đơn đề nghị ai đó điều tra. Và điều họ phải quan tâm đề cập là cuộc sống của muôn dân, chứ không chỉ số phận của bản thân và đồng nghiệp.

Nếu đưa tin lảng tránh sự thật, thậm chí bóp méo sự thật, thì họ không chỉ lừa nhân dân, mà còn lừa cả bộ máy lãnh đạo của chính mình.


Hà Nội, ngày 21/05/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét