Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

MÌNH ĐANG Ở ĐÂU?

                 Qua thời gian chơi với mấy anh ở Hội VHNT Sơn La, anh Tạo anh Xanh và cả anh Cầm Hùng ( nguyên CT Hội) đều động viên mình vào Hội cho vui; qua bài "Tình Nhãn" được anh Xanh cho là có "số má " trong số những bài được giới thiệu qua trại sáng tác Sông Mã vừa rồi ( tới 140 tác phẩm), còn được anh chị em trong huyện chọn ngâm (!)
                Mình biết hiện đang lạm phát thơ, mình cũng không là ngoại lệ. Tới tầm này tuổi rồi, đương nhiên là tiếp thu học hỏi từ sách vở, trường đời... rồi cóp nhặt, tích luỹ được thôi, chứ mình không được trời ban cho khiếu năng như các nhà thơ xịn. Mình bảo với anh Tạo- Chủ tịch Hội " Nếu như tôi gửi 5 bài, được sử dụng 4 thì mới nên vào, còn chỉ sử dụng được có 3 thì nên thôi, chỉ tổ chật thuyền, mệt cả cho các anh" đồng thời mình cũng mượn thêm các tạp chí cũ về đọc, để nghe thơ bạn, để ngầm định mình tới cỡ nào...
                Mình tâm đắc với ý kiến của Vũ Quần Phương về hiện trạng thơ hiện nay, đao về xem vui.
Hội chứng mê thơ cuồng nhiệt
và phong trào bốc thơm lẫn nhau


VŨ QUẦN PHƯƠNG


Không biết từ bao giờ lưu hành cái nhận định rất tự hào rằng dân tộc ta là dân tộc yêu thơ  (Đúng ra là yêu cách nói giàu vần, giàu nhịp điệu) rồi bà con ta cứ thể nô nức rủ nhau đi làm thơ. Từ khi việc in sách dễ dàng thì thể loại thơ được in ra tràn ngập chứ chất thơ trong tư duy, trong cảm xúc trong các cuốn gọi là thơ hiện nay thì quả thật chưa dám đảm bảo. Loại có vần thì ưu điểm là có vần, loại không có vần thì ưu điểm là rất giống  văn xuôi mà không ra văn xuôi, nghĩa là không biết nó nói gì. Sự bội thu của các loại thơ ấy dẫn đến nghịch lý:
- Thơ in nhiều khiến hiệu sách không muốn bán thơ nữa.
- Người làm thơ đông nên người đọc thơ vắng...
Còn thứ thơ “cách tân” cao xa bí hiểm, chỉ những nhà cách tân đọc với nhau và bí tỉ khen nhau chứ độc giả thỉ không dám lai vãng.
Phải chăng vì  thế mà mấy năm nay mỗi khi muốn thư giãn trên màn ảnh nhỏ, thì nhà thơ thường được nhà đài lôi ra như một thứ gàn dở, lập dị, ít tắm rửa và túng bấn.

Thơ có đáng tội như thế không?
Theo tôi, đám làm thơ ấy, nếu không có tài đi nữa, thì chỉ đáng thương và ngẫm nghĩ lại thấy họ đáng yêu. Đáng yêu ở chỗ ngây thơ. Còn đáng thương là họ tự làm khổ mình và làm khổ vợ con, vất vả thiếu thốn. Còn tội là tội mấy anh thày dùi, tên chữ là nhà phê bình, nhưng họ không bình mà cũng không phê. Họ cứ khen đại. Nhận định thơ mà như viết điếu văn, thấy toàn công to đức lớn. Những câu kỳ khu mà chính họ cũng chả hiểu thì họ khen là cách tân, độc đáo, không ai nói như thế mà anh dám nói. Là thơ đi trước thời đại. Là bản lĩnh cao cả, chỉ viết cho mình đọc, hướng nội, tâm linh u ẩn... Còn những câu đơn giản đại loại như: đói rồi ta đi ăn cơm thôi thì họ khen là chân thật, là không phấn son chữ nghĩa, không đẽo gọt kỳ khu, giản dị như lời nói thường,  cạnh tranh được cả với văn xuôi. Nếu thơ đưa cả những tiếng tục tằn vào thì họ khen là táo bạo, là có công lập lại sự bình đẳng cho ngôn ngữ, tục thanh gì cũng được coi trọng như nhau. Người được khen, mới đầu hốt hoảng, nhưng nghe khen mãi có lúc chợt  ngẫm nghĩ: không chừng mình được thiên phú tài năng thơ ca? có thể lắm chứ ! Sao không? Thế là bắt đầu tai họa.

Đối với người còn trẻ thì độ mươi năm, thì chứng mê thơ có thể thuyên giảm, may ra thì khỏi hẳn. Ấy là khi người ta có nghề nghiệp, kiếm ra đồng tiền, có trách nhiệm nuôi dạy con cái và ý nghĩ xã hội cũng nhiều thiết thực từng trải. Nhưng đối với người già, rất khó chữa, lòng yêu thơ ca giống như u xơ tiền liệt tuyến, ngày một phát triển. Các cụ cứ lục xục suốt đêm dạy đi tiểu và làm thơ Các câu lạc bộ thơ mọc khắp các thôn cùng xóm vắng. Học theo các tổ chức xã hội, ngành câu lạc bộ thơ cũng đại hội toàn quốc, đại hội cấp tỉnh, đại hội cơ sở. Cũng tự chế ra bằng khen, ra huy chương Vì sự nghiệp thơ ca VN , sang trọng như huân chương Nhà nước, tặng nhau tùy theo đóng góp thơ ca và tài chính.
Có điều muốn tìm một tập thơ, thì lại không biết mua ở đâu? Thơ ế, các hiệu sách nhất tề không nhận bán thơ nữa.
Các thi huynh thi hữu bèn nảy ra sáng kiến phát hành thơ bằng... mồm: cuộc họp nào bây giờ cũng có mục đọc thơ: từ họp người cao tuổi phổ biến tiêu chuẩn ưu tiên vào đài hóa thân hoàn vũ đến họp phổ biến lịch tiêm chủng cho chó mèo phòng dại và họp để công ty mỹ phẩm quảng cáo phấn son cho đến mít tinh ngày phụ nữ quốc tế... đều có mục đọc thơ. Trong đám cưới thơ cũng được vận dụng phong phú. Họ nhà trai, họ nhà gái, đại diện chính quyền phường, mặt trận, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ... Cổ điển thì Đường luật. Dân gian thì lục bát. Nghe mà không hiểu gì thì là hậu hiện đại. Có đám tang giữa hai điệu kèn lâm khốc, phường bát âm cũng dừng lại đọc thơ kể công tích người quá cố hoặc ngâm vịnh ngợi ca cơ quan đang đến viếng. Lời lẽ châu ngọc và hài hước làm khách đến phân ưu lúng túng, mếu không ra mếu mà cười thì không dám.

Chơi thơ là việc tao nhã nhưng cái gì quá cũng không nên. Điều không nên nhất là đừng có xui (dại) người ta làm thơ. Đang yên đang lành đâm ra dở hơi dở hồn, tốn tiền tốn của, khổ vợ khổ con. Khen thơ theo kiểu viết điếu văn, lời lẽ huy hoàng choáng lộn, cũng e tổn thọ nền văn chương nước nhà lắm lắm!
Vâng! Mình sẽ trích đoạn kết này để trưng ra cho các vị đang định" Xui dại" mình xem xét, trước khi quyết định

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Cầm bút ( Tiếp và hết)

Đây là bản tường trình nữa!


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
----------------

BẢN TƯỜNG TRÌNH
(Vụ việc đánh phóng viên VOV tại Văn Giang, Hưng Yên ngày 24-04-2012)

Kính gửi:  Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam
                                Lãnh đạo Trung tâm Tin.
                            
Tôi là Hán Phi Long, phóng viên Phòng Phóng viên Thời sự Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin xin trình bày sự việc bị lực lượng cưỡng chế đánh vào sáng 24/4/2012 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như sau:
Sáng ngày 24/4/2012, khi đang ở trên phòng, tôi được anh Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng gọi điện lên thông báo em đi với anh để xuống hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang, Hưng Yên cùng nắm bắt thông tin về vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Xuân Quan. Tôi chấp hành chỉ đạo của cấp trên, rồi cùng với anh Năm đi Hưng Yên bằng xe máy.
Chúng tôi đến xã Xuân Quan vào khoảng 9h00 sáng, sau khi từ trên đê rẽ phải theo con đường bê tông đi vào trong làng, đi được khoảng mấy trăm mét, tôi thấy rất đông người dân đang đứng ngoài đường với vẻ mặt rất căng thẳng, chúng tôi không thể đi tiếp vào được. Sau đó tôi đã quay xe lại, để xe vào sâu trong một con ngõ nhỏ là cổng của 1 hộ dân, tôi khóa xe và lấy máy ảnh nhỏ du lịch mang theo. Khi ra đường tôi mới biết đây là đoạn đường cuối của thôn để ra cánh đồng. Đứng quan sát tôi thấy cách đó khoảng 25-30m, đối diện với những người dân là lực lượng cưỡng chế thi hành bao gồm công an mặc cảnh phục, cảnh sát hình sự có khiên đỡ và cả lực lượng mặc thường phục, (có người đeo băng đỏ, người không đeo), có người mang camera, máy ảnh quay phim.
Khi đó tôi thấy tình hình rất căng thẳng, một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào. Do sợ khi đứng lẫn trong đám đông này kiểu gì cũng bị “tai bay vạ gió” vì rất hỗn loạn, tôi và anh Năm đã đi vào Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện), cách đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát.
Sau đó tôi lấy máy ảnh, ra đứng trên tường bao sân của nhà văn hóa đang xây dở để chụp 2 kiểu ảnh làm tư liệu. Lực lượng cưỡng chế từ phía cánh đồng và nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Một nhóm cảnh sát và cảnh sát cơ động lúc này từ trong nghĩa trang liệt sỹ trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa. Lúc này tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng, tay cầm máy ảnh du lịch đứng tại hành lang nhà văn hóa không chụp ảnh nữa. Đi đầu nhóm cưỡng chế tiến về phía tôi đứng là hai công an, một anh thấp nhỏ đeo lon thượng úy đến bên tôi. Một ai đó chửi và hỏi: “Đ. M thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?” Tôi trả lời ngay: “Tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam” 2 lần. Nhưng họ không nghe, rồi xốc nách tôi kéo về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Lúc này tôi nói lớn hơn, liên tiếp: “Tôi là nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích chứ sao lại lôi tôi thế này”? Liền đó, mấy công an viên và những người mặc thường phục khác lao vào, chửi: “Đ.M mày giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con mẹ mày đi”.
Một người lao vào giật máy ảnh trên tay tôi, nhiều công an và người không mặc sắc phục lao vào dùng dùi cui, tay không đấm, đạp, vụt vào mặt, người tôi, lên gối vào ngực tôi, liên tiếp đấm đá, vụt tôi rất mạnh. Lúc này tôi đau quá, máu trên mặt chảy ướt hết áo và quần của tôi, tôi choáng váng gục ngã vào chân tường rào của nghĩa trang liệt sỹ. Mấy bà cụ đứng cạnh đó để xem vụ cưỡng chế thấy vậy mới hô hoán lên rằng, “sao đánh người vô cớ thế, đánh chết người ta rồi”…Thấy vậy, anh Năm lúc đó mới chạy ra và hô hoán nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.
Sau khi gục xuống đường, mấy công an kia bỏ tôi ra và lao về phía anh Năm đánh anh Năm, khi đó chỉ còn vài công an ở chỗ tôi, tôi đã bám theo mấy cụ già kia trốn vào trong một vườn cây gần đó.
Thấy máu trên mặt tôi vẫn chảy rất nhiều, mấy bà cụ liền bảo là phải vào trạm xá gần đây để băng bó lại, không thể để thế được và đưa tôi đi vòng phía mấy vườn cây vào phía sau trạm xá. Vào đến nơi, tôi được mấy nữ nhân viên y tế ở đây sơ cứu, lau vết rách trên môi cho tôi và bảo “Chảy máu nhiều như thế thì nên nằm xuống nghỉ tí đi cho đỡ choáng váng đã”. Sau khi nằm khoảng 10 phút, tôi lấy điện thoại gọi cho anh Năm, nhưng gọi mãi không được. Lo cho anh Năm nên tôi lại đội mũ bảo hiểm vào và đi ra phía cổng trạm xá. Lúc này lực lượng cưỡng chế là công an, cảnh sát cơ động vẫn đứng rất đông ở đó, tôi thấy có một người đeo quân hàm thượng tá cảnh sát cơ động, tôi trình thẻ phóng viên Đài TNVN ra và nói: “Chúng tôi là phóng viên Đài TNVN xuống đây có 2 người, nhưng vừa rồi trong lúc chúng tôi bị công an đánh, có đồng chí Ngọc Năm là Trưởng phòng của tôi cũng bị đánh và hiện tôi không thể liên hệ được, các anh ở đây có thể liên hệ ra phía ngoài được hỏi cho tôi tình hình và đề nghị đừng đánh phóng viên nữa”. Ông thượng tá kia nói đang “như thế này thì không biết đâu, không giải quyết gì cả”, rồi quay đi.
Lúc này tôi rất hoang mang và lo cho anh Năm, vì tôi đã thoát ra ngoài được còn anh Năm thì không thể liên lạc được, tôi quay vào trong trạm xá, ngồi đó một lúc. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm, sau đó cũng thấy nhấc máy, anh Năm hỏi: “chú thế nào rồi, có bị bắt không? Tôi nói em trốn thoát rồi, không bị bắt. Anh Năm nói anh bị bắt, còng tay, đang trên xe thùng về công an huyện rồi. Em về ngay công an huyện để trình báo cho họ biết”
Lúc này máu trên mặt tôi vẫn tiếp tục chảy ra, nhưng tôi cũng cố lại đi vòng qua sau một số vườn cây của những hộ dân ở đây, để ra ngoài đường (tôi thật sự lại bị bắt và đánh tiếp). Sau đó đi xuống công an huyện Văn Giang. Tại đây sau khi trình thẻ ở cổng công an cho người bảo vệ, tôi được chỉ vào trong  một phòng của đội cấp chứng minh nhân dân, tại đây tôi được một công an đeo quân hàm cấp úy tiếp. Tôi trình thẻ phóng viên, trình bày sự việc cho anh này, sau đó anh này bảo tôi ngồi đợi và vào báo cáo lãnh đạo. Anh này cầm thẻ phóng viên của tôi đi khoảng nửa tiếng, sau đó quay lại đưa cho tôi. Bảo đợi “sếp” làm việc.
Tôi ngồi ở đó hơn 1 tiếng đòng hồ, không thấy ai nói gì, ra làm việc hay hướng dẫn tôi đi đâu. Lúc này tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm và nói rằng: “Em đang ở công an huyện Văn Giang đây, anh ở đâu” anh Năm nói “anh đang bên Viện kiểm sát, em sang đây đi”. Tôi lại đi sang Viện kiểm sát, ngồi đợi ở đây một lúc. Tôi hỏi mấy nhân viên ở đây, họ nói “Có anh Năm đang ở đây và đang làm việc với cơ quan công an, anh cứ ngồi ngoài chờ đi”.
Tôi chờ khoảng gần 1 tiếng, thấy lâu quá tôi liều đi vào phòng nơi đang lấy lời khai của anh Năm. Lúc này có 1 viên công an đang ghi biên bản lời khai của anh Năm, thấy mặt mũi tôi máu me bê bết, sưng tấy nhiều chỗ, anh Năm nói “Đây là phóng viên Phi Long, bị công an đánh đến thế này đây”, lúc đó khoảng 12 giờ trưa.
Sau khi lấy lời khai của anh Năm xong, đến phần việc của bác sĩ vào kiểm thể (kiểm tra thương tích) thấy tôi như vậy, anh Năm đề nghị kiểm tra cho 2 người. Hai người được nói là bác sĩ đến kiểm tra tra thương tích, ghi biên bản xong. Lúc này trên mặt tôi máu vẫn rỉ ra khóe miệng; mặt mũi sưng phù nề, quần và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được “mời” đi bộ sang trụ sở Công an huyện Văn Giang.
Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được mời ăn cơm hộp với công an. Tôi nói, bị đau, không thể há miệng được nên không thể ăn được cơm được, các anh cho tôi hộp sữa để tôi uống.
Đầu giờ chiều, tôi được một Đại úy (không đeo biển hiệu) giới thiệu tên Trưởng, Phòng Hình sự công an Hưng Yên lấy lời khai của tôi.
Tôi được anh Trưởng hỏi “Ai cử các anh về đây làm việc, có giấy quyết định gì không?”. Trả lời, “Tôi được Trưởng phòng là lãnh đạo trực tiếp của tôi phân công về đây”. Hỏi ai cử trưởng phòng anh đi. Tôi nói bên chúng tôi làm việc rất nguyên tắc, cấp trên của Trưởng phòng cử đi”.
Anh Trưởng hỏi “Anh có thấy chúng tôi cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không thấy! Và nếu có thì việc làm đó là không đúng luật, vì không ai cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác, khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường”.
Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh có biết không?”. Trả lời “Tôi không biết gì về quy định này, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào, ai ký gửi đến cho các cơ quan báo chí. Nên tôi đến đây là hoàn toàn phù hợp và đúng theo Luật quy định”.
Hỏi “Hôm qua anh có đi dự buổi họp báo của tỉnh Hưng Yên không”. Tôi trả lời “Tôi không đị dự, có người khác nên tôi không biết.”.
Hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?”. Tôi trả lời “Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng ”.
Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị Công an đưa tôi đi chiếu chụp tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối giờ chiều hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các giấy tờ tùy thân. Trước đó, họ đã xóa mấy bức ảnh tôi chụp.
Sau khi tôi đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu tá, đội trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Ngay lúc đó anh Năm đã viết 1 bản kiến nghị lên lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc, anh Tiến đã tiếp nhận đơn và hứa chuyển cho lãnh đạo xem xét. Chúng tôi về đến cơ quan khoảng hơn 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi được anh Năm mua cho một chiếc áo sơ-mi để thay chiếc áo có nhiều vết máu, đứt khuy áo trước khi về nhà.
Những ngày sau, tôi phải nghỉ ở nhà điều trị vết thương và bớt căng thẳng. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm. Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh trong Clip là phóng viên VOV.
Do phải nghỉ việc gần hai tuần để điều trị vết thương và ổn định tinh thần nên tôi viết bản tường trình chậm hơn. Rất mong lãnh đạo Đài, các cơ quan có thẩm quyền biết và giải quyết vụ việc này, với mục đích bảo vệ những phóng viên khác khi hoạt động ở cơ sở, đồng thời nâng cao và bảo vệ uy tín của Đài TNVN.
Kính mong các đồng chí xem xét, cho ý kiến.

Hà Nội, ngày 3 tháng 5 năm 2012
NGƯỜI VIẾT TƯỜNG TRÌNH

                                                           Hàn Phi Long

Cầm bút ( Tiếp theo)

Vâng! lại đọc tường trình của hai phóng viên!

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
----------------

BẢN TƯỜNG TRÌNH
(Vụ việc đánh phóng viên VOV tại Văn Giang, Hưng Yên ngày 24-04-2012)

Kính gửi:  Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam
                                Lãnh đạo Trung tâm Tin.
                            
Tôi là Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin xin trình bày sự việc bị lực lượng cưỡng chế đánh vào sáng 24/4/2012 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như sau:
Tôi được giao nhiệm vụ theo dõi, đưa tin, nắm tình hình để báo cáo vụ việc cưỡng chế ở huyện Văn Giang.
Ngày 23/4/2012, tôi tham gia buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tại cuộc họp này, sau khi nghiên cứu thông cáo báo chí, tôi có một số câu hỏi trên tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh, như: “Ngày nào tổ chức cưỡng chế? Công tác chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối? Nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không? Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?”.
Những câu hỏi của tôi đã được chủ trì họp báo trả lời và lãnh đạo các ban, ngành cùng nhiều đồng nghiệp dự họp báo đồng tình.
Ngày 24/4/2012, là ngày tiến hành việc cưỡng chế tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tôi tiếp tục được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình để có tuyên truyền đúng định hướng.
Tôi chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đồng thời cử phóng viên Hán Phi Long đi cùng bằng xe máy, đến Xuân Quan lúc khoảng 9h00.
Chúng tôi vào hành lang Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan (nơi đang tụ tập đông người). Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện) liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát một bên là hàng rào cảnh sát (đứng chắn ở gần cổng nghĩa trang liệt sĩ); một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích hò hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi. Chúng tôi tiếp tục đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn cách đám đông tụ tập ở đường làng chừng hơn 20 mét.
Sau thời gian tấn công lực lượng cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại ném “bom xăng”. Lực lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo. Đám đông tán loạn, còn lực lượng cưỡng chế từ phía cổng nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng mang tên “Bảo Minh” đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, thì thấy một nhóm cảnh sát và người mặc thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa trang để sang khu vực nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi Long vẫn đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng nhà văn hóa thôn, tay cầm một máy ảnh du lịch.
Đi đầu nhóm cưỡng chế là hai công an đến bên Phi Long hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh. Thấy vậy, tôi đứng trong hành lang nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay hình ảnh này. Nhưng chỉ quay được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi dừng quay, chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.
Khi chạy tới nơi lực lượng cưỡng chế, tôi lại nói nhiều lần “Chúng tôi là nhà báo làm nhiệm vụ, các anh đừng đánh…”. Họ không những không nghe mà còn vặn hai tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi. Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần “Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Nhưng có người trong nhóm người cưỡng chế còn chửi “Đ. M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi”. Tôi bị mấy người vặn tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội đồng. Một công an nói lớn “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết.
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, đến một con đường hai bên trồng tre để chờ xe thùng tới chở đi. Trên đường đi, tôi gặp một số sĩ quan đeo lon thượng tá, trung tá liền nói “tôi là nhà báo” nhưng họ lặng thinh. Một chiếc camera của lực lượng cưỡng chế đã ghi lại hình ảnh tôi bị còng tay số 8 và hai sĩ quan công an áp giải.
Đợi khoảng hơn 10 phút, tôi bị đưa lên xe thùng cùng với một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi và một thanh niên 20 tuổi. Cả ba chúng tôi bị còng. Khi lên xe, vị Trung úy áp giải tôi định thu điện thoại của tôi. Nhưng tôi nói “Nếu thu điện thoại của tôi anh phải lập biên bản, vì tôi không biết anh là ai, tên là gì. Điện thoại tôi mất thì ai phải đền? Tôi lại đang bị còng thế này”. Thế là vị Trung úy nọ phải trả lại điện thoại vào túi áo ngực cho tôi.
Ngay khi tôi ở trên xe, nhận được điện thoại của anh Phi Long (trước đó đã gọi mấy cuộc nhưng tôi không được nghe máy). Sau này tôi được biết, Phi Long bị đánh đau, được mấy người can và khi tôi xuất hiện thì họ bỏ Long lại để tấn công tôi, nên Phi Long chạy thoát vào một nhà vệ sinh gần đấy với nhiều vết sưng tím trên mặt và vệt máu loang cả ra quần áo. Tôi nhờ chị phụ nữ lấy điện thoại ra và nói cho Long biết: “Anh bị bắt về Công an huyện Văn Giang. Em về Công an huyện đi”.
Trên xe, chị phụ nữ cho tôi biết “thấy chúng tôi bị đánh đập vô cớ, chị chạy theo thì bị bắt”. Còn thanh niên kia nói rằng, chị gái anh ta muốn đi lấy chồng nhưng do gia đình không chịu nhận tiền đền bù nên không được đăng ký kết hôn. Cả hai đều nói là họ không có hành động gì, bị bắt oan.
Tôi được đưa đến trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang. Ngay khi biết tôi là nhà báo, cảnh sát đã tháo còng số 8, lập biên bản tạm thu điện thoại và giấy tờ của tôi (gồm Thẻ Nhà báo; Thẻ Đảng viên; Chứng minh nhân dân; Thẻ hội viên hội luật gia Việt Nam).
Lấy lời khai của tôi là một Thượng tá (không đeo biển hiệu công an) tự xưng tên là Tần. Với thái độ hết sức kiềm chế, bình tĩnh, tôi đã khai đúng như những gì tường trình ở trên. Nói rõ mục đích đến Xuân Quan là để nắm tình hình cho định hướng tuyên truyền và khẳng định “Tôi là một nhà báo được cử đi làm nhiệm vụ, tôi không có gì sai. Mặt khác, với việc cưỡng chế diễn ra công khai, thì nhà báo đến chứng kiến không có gì sai?”.
Ngoài “Biên bản ghi lời khai”, tôi còn phải làm một BẢN TƯỜNG TRÌNH. Tôi vẫn tường trình đúng sự việc như vừa nêu. Trong đó có yêu cầu phía công an: “Tìm ra những người đã trấn áp, đánh đập chúng tôi; Cùm tay và áp giải tôi như tội phạm hình sự nguy hiểm; Có trách nhiệm bồi thường tính mạng, sức khỏe chúng tôi nếu có gì xảy ra…”. Tôi còn nhớ trong bản tường trình viết rất rõ: “Bây giờ là 13 giờ ngày 24/4/2012, tôi không đủ bình tĩnh và thoải mái hoàn toàn như lúc bình thường, nên những gì trình bày mới chỉ là ban đầu. Có chi tiết nào chưa nhớ ra, tôi xin bổ sung sau”. Tiếp đó tôi xin phép gọi điện thoại cho Phi Long, bảo Long sang trụ sở Viện kiểm sát để trình bày sự việc.
Khi tôi trình bày xong, cũng là lúc phóng viên Phi Long tới trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang, gặp Công an để tường trình toàn bộ sự việc với một điều tra viên khác.
Chúng tôi được gặp nhau sau khi việc lấy lời khai kết thúc. Sau đó, có hai bác sĩ được cử đến để khám tình trạng thân thể của chúng tôi (có biên bản do công an giữ). Tôi thấy mặt, miệng Phi Long sưng vù; máu vẫn rỉ ra khóe miệng; quần và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được “mời” đi bộ sang trụ sở Công an huyện Văn Giang.
Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được “mời” ăn cơm hộp với công an. Phi Long đau miệng không ăn được cơm nên công an mua sữa để uống.
Đầu giờ chiều, tôi lại được một Thiếu tá (không đeo biển hiệu) lấy lời khai lần thứ hai. Anh tự xưng tên là Tiến (đội trưởng đội trọng án). Trước khi lấy lời khai, anh Tiến “xin được tâm sự” khá dài …với tôi.
Trong lần lấy lời khai này, tôi được anh Tiến hỏi “Anh có thấy chúng tôi cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không thấy! Và nếu có thì việc làm đó là không đúng luật, vì không ai cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác, khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường”.
Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh thấy như thế nào?”. Trả lời “Tôi không bình luận gì về việc cấm đó của tỉnh Hưng Yên”.
Hỏi “Sao anh đã đi họp báo, biết là cấm mà anh vẫn đến?”. Tôi trả lời “Tôi được tiếp nhận thông tin tại họp báo là, để đảm bảo an toàn, các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế. Mặt khác, tôi không đến khu vực cưỡng chế ngoài cánh đồng, mà đến khu dân cư. Và, tôi không thấy bất cứ một văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm nhà báo hoạt động khu vực này. Tại cuộc họp báo, đã có 2 nhà báo cho rằng, không để nhà báo đến đưa tin là vi phạm luật báo chí, nhưng phía chủ trì họp báo không đưa ra kết luận nào cả”.
Hỏi “Sao đã cấm, anh còn quay phim?”. Tôi trả lời “Tôi quay phim bằng điện thoại di động là theo yêu cầu nghề nghiệp để báo cáo tình hình. Thời lượng quay chỉ từ 20 đến 30 giây, trong khi máy điện thoại của tôi có thể quay hàng giờ đồng hồ. Như vậy mục đích quay phim của tôi đã rõ ”.
Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị của tôi, anh Tiến đồng ý đưa giấy cho tôi viết “ĐƠN ĐỀ NGHỊ” gửi ông Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên. Trong đơn tôi trình bày sơ qua sự việc và có ba yêu cầu:
Thứ nhất: Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cần có buổi làm việc với lãnh đạo của chúng tôi để làm rõ sự việc. Ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm. (Tìm ra ai là người đánh chúng tôi, ai là người ra lệnh?).
Thứ hai: Có trách nhiệm (bồi thường) sức khỏe, danh dự của chúng tôi, nhất là với phóng viên Hán Phi Long.
Thứ ba: Kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với lực lượng cưỡng chế. Nếu không, những vụ cưỡng chế tương tự sẽ trấn áp tràn lan, gây hậu quả xấu.
“ĐƠN ĐỀ NGHỊ” của tôi đưa cho anh Tiến sau buổi làm việc.
Sau đó, tôi đề nghị Công an đưa Phi Long đi chiếu chụp tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối giờ chiều hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các giấy tờ tùy thân. Họ yêu cầu tôi xóa 2 đoạn clip trong máy điện thoại (33 giây quay lúc 9h23 phút và đoạn 10 giây quay lúc 9h28 phút).
Trong lúc anh Phi Long đi chụp phim, từ trụ sở Công an huyện Văn Giang, tôi đã gọi điện báo cáo sự việc với đồng chí Giám đốc Trung tâm Tin, Nguyễn Hoài Thu.
Sau khi anh Phi Long đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu tá, đội trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Chúng tôi về đến cơ quan lúc 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi đi mua cho Long một chiếc áo sơ-mi để thay chiếc áo có nhiều vết máu trước khi về nhà.
Lúc 21 giờ, tôi báo cáo toàn bộ sự việc với đồng chí Vũ Hải như báo cáo đồng chí Nguyễn Hoài Thu lúc buổi chiều.
Kính thưa các đồng chí!
Những ngày sau, phóng viên Phi Long phải nghỉ ở nhà điều trị vết thương và bớt căng thẳng. Tôi vẫn đi làm bình thường, tuy có đau một chút ở phần mềm. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm. Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh trong Clip là phóng viên VOV.
Ngày 26-04-2012, tôi có gọi điện cho một số vị lãnh đạo ở Hưng Yên. Trong đó, Giám đốc Công an, ông Trần Huy Ngạn nói rằng chưa nhận được đơn của tôi; Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh và Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn  Văn Doanh hứa sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh về sự việc này. Sau đó, tôi có gọi điện cho Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông, nhưng cả hai vị không nghe máy.
Qua sự việc này, tôi đề xuất: Đài TNVN cần tỏ rõ thái độ mềm dẻo, nhưng kiên quyết đối với sự việc phóng viên của Đài bị hành hung. Cụ thể:
- Nếu ĐƠN ĐỀ NGHỊ của tôi với Công an Hưng Yên được thực hiện và lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên lên Hà Nội làm việc, thì Lãnh đạo Trung tâm Tin tiếp và giải quyết.
- Nếu ĐƠN ĐỀ NGHỊ của tôi với Công an Hưng Yên không được thực hiện, thì lãnh đạo Đài TNVN, Liên chi hội nhà báo Đài TNVN có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị tổ chức một buổi làm việc. Trong đó làm rõ: Những ai đã hành hung phóng viên? Ai là người ra lệnh? Cần rút kinh nghiệm thế nào? Xử lý vấn đề ra sao?
Nội dung làm việc trên tinh thần xây dựng, với mục đích bảo vệ những phóng viên khác khi hoạt động ở cơ sở, đồng thời nâng cao và bảo vệ uy tín của Đài TNVN.
Kính mong các đồng chí xem xét, cho ý kiến.

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2012
NGƯỜI VIẾT TƯỜNG TRÌNH

CẦM BÚT ( Tiếp theo)

Dươí đây là các phụ lục trong bài viết " Chiến binh cầm bút " của GS Hoàng Xuân Phú. Ôi đọc bài viết này của hai phóng viên bị vừa mới bị lực lượng cưỡng chế tẩn máu me đầy mặt ....  mà vẫn viết tụng ca cho tròn phận sự này ...mới thấy tội nghiệp cho những chiến binh " bồi bút"....
Phụ lục 1 (Bài đăng trên http://vov.vn/ vào lúc 2:49 PM, ngày 26/04/2012)


(VOV) - UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Xuân Quan để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang.

Ngày 24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp, thuộc xã Xuân Quan, theo đúng quy định của pháp luật, để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang.

Trong 72 ha đất giao đợt này có hơn 66 ha đã được các hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao đất; còn lại 5,8 ha thuộc 166 hộ không nhận tiền đền bù, hỗ trợ phải tiến hành cưỡng chế. Nhà đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng lúc 16h30 chiều cùng ngày.

Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tháng 3/2003; chính thức ban hành Quyết định thu hồi và giao đất tháng 6 năm 2004. Dự án có quy mô gần 500 ha thuộc 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan của huyện Văn Giang, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư.

Dự án nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

CẦM BÚT

Từ ngày đọc mạng, mình biết và rất thích cách viết, phương pháp luận và hành văn trong sáng, khúc chiết của một số người giỏi khoa học cơ bản như GS Ngô Bảo Châu, Hoàng Xuân Phú...
Trở lại vụ 2 nhà báo của VOV bị đánh khi lặn lội vào khu cưỡng chế Văn Giang tác nghiệp, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Thì đây bài viết của GS Hoàng Xuân Phú đã lý giải, vẽ nên bộ mặt thật dưới góc nhìn khác của hai nhà báo này. Phải nói là bài viết công phu với cái tâm rất trong sáng, đáng được gọi là bậc thầy!
Chiến binh cầm bút

Hoàng Xuân Phú

Một dùi cui có thể gây thương tích mấy tuần cho vài người
Một ngòi bút có thể gây tổn hại chục năm cho hàng triệu tâm hồn

Ông Nguyễn Ngọc Năm là một chiến binh cầm bút trung thành. Ông Hàn Phi Long cũng rứa. Cả hai công tác tại Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, với chức năng nhiệm vụ được ghi tại http://tinvov.vn/VeTrungTamTin.aspx:
“Trung tâm Tin (NewsCenter) là đơn vị sản xuất, khai thác tin, bài từ các nguồn; là đầu mối duy nhất tiếp nhận, quản lý, biên tập, xử lý tin, bài của các Cơ quan thường trú và tin của phóng viên, biên tập viên trong Đài.
Tại trung tâm đầu mối quan trọng ấy, ông Ngọc Năm giữ trọng trách Trưởng phòng Thời sự, Chính trị - Kinh tế.

Mặc dù bản thân bị quân ta đánh tả tơi khi thi hành công vụ trong chiến dịch cưỡng chế ở Văn Giang, ông Ngọc Năm vẫn nghiến răng chịu đựng để công bố bài “Hoàn thành cưỡng chế 72 ha đất ở Văn Giang - Hưng Yên” (xem Phụ lục 1), trong đó tường thuật:
“Ngày 24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp, thuộc xã Xuân Quan, theo đúng quy định của pháp luật, để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang...”
Để viết bài này thì chỉ cần chép từ tài liệu của chính quyền, chẳng phải xuống hiện trường làm chi cho vất vả và nguy hiểm. Thế nhưng hai ông vẫn ra quân. Vì sao ư? Hãy bớt chút thời gian, đọc bản tường trình của Nguyễn Ngọc Năm gửi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (xem Phụ lục 2) thì sẽ rõ.

Ông Ngọc Năm viết:
Ngày 23/4/2012, tôi tham gia buổi họp báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tại cuộc họp này, sau khi nghiên cứu thông cáo báo chí, tôi có một số câu hỏi trên tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh, như: ‘Ngày nào tổ chức cưỡng chế? Công tác chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối? Nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không? Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?’.
Vâng, chỉ cần “nghiên cứu thông cáo báo chí” do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên phân phát thì ông Ngọc Năm đã có đủ cơ sở để “ủng hộ chủ trương của tỉnh”. Hơn thế nữa, nếu không phải là người am hiểu và “ủng hộ chủ trương của tỉnh”, trong đó có chủ trương cấm báo chí, thì ông sẽ không thể nghĩ ra câu hỏi “nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không?” Bởi lẽ, đến tác nghiệp, đưa tin là quyền và nghĩa vụ của nhà báo. Hơn nữa, nếu việc cưỡng chế là đúng, là tử tế, thì chính quyền lại càng phải vận động báo chí đến chứng kiến và tường thuật, để tránh dư luận hiểu lầm. Câu hỏi khác thường của ông Ngọc Năm thuộc dạng “tối đến có được ngủ hay không”, khiến người ta hiểu rằng nó không đơn thuần là một câu hỏi, mà chứa cả hướng trả lời, và phảng phất hương vị đồng tình. Khi bị công an bắt và bị hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh thấy như thế nào?”, thì ông vẫn thể hiện chính kiến bằng câu trả lời né tránh: “Tôi không bình luận gì về việc cấm đó của tỉnh Hưng Yên”.

Suy luận trên không mâu thuẫn với thực tế là ông Ngọc Năm vẫn cùng ông Phi Long đến Văn Giang, bởi lẽ ông hiểu rằng mình không nằm trong cái vòng báo chí chung chung ấy, mà thuộc vào cánh quân đặc biệt, với sứ mệnh đặc biệt, như chính ông viết trong bản tường trình:
Ngày 24/4/2012, là ngày tiến hành việc cưỡng chế tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tôi tiếp tục được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình để có tuyên truyền đúng định hướng.
Không chỉ “tuyên truyền đúng định hướng” một cách thụ động, ông Ngọc Năm còn tham gia “định hướng tuyên truyền”:
 “Với thái độ hết sức kiềm chế, bình tĩnh, tôi đã khai đúng như những gì tường trình ở trên. Nói rõ mục đích đến Xuân Quan là để nắm tình hình cho định hướng tuyên truyền...”
Với tư duy như vậy, ông Ngọc Năm đã đặt câu hỏi thứ tư trong buổi họp báo: Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?”  Đấy mới là đối tượng chính của “tuyên truyền đúng định hướng”. Còn việc ngăn chặn và xử lý những hành vi sai trái của lực lượng cưỡng chế (nếu có) thì “nằm ngoài vùng phủ sóng”, ông không quan tâm.

Ngay cả khi phải viết bản tường trình về việc bản thân bị lực lượng cưỡng chế đánh đập, ông Ngọc Năm cũng tranh thủ thực thi nhiệm vụ “tuyên truyền đúng định hướng”:
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Đoạn tường thuật sinh động trên cũng xuất hiện gần như nguyên văn trong bản tường trình của Hàn Phi Long (xem Phụ lục 3):
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Hãy so sánh hai đoạn vừa trích dẫn! Dài 59 – 60 chữ mà giống nhau gần hết, chỉ bị sai lệch có vài ba chữ, thật là kỳ diệu. Nếu không cùng được tôi luyện trong một lò đào tạo mẫu mực, thì liệu hai người khác nhau có thể phát ngôn giống nhau, như đã dày công học thuộc lòng cùng một kịch bản hay không?

Chưa hết, hãy nghe ông Ngọc Năm kể tiếp:
“Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích hò hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi…”
“Sau thời gian tấn công lực lượng cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại ném ‘bom xăng’. Lực lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo.”

Còn ông Phi Long, khi công an hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?” thì trả lời:
“Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng”.

Qua nhãn quan của hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn đọc thấy rõ là “người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng”, “rất quá khích” và chống người thi hành công vụ một cách thô bạo. Còn lực lượng cưỡng chế thì sao? Dân càng quá khích và hung hãn bao nhiêu, thì lực lượng cưỡng chế lại càng “nhẫn nhịn chịu đựng” bấy nhiêu, chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào. Khi người dân “ném bom xăng” thì lực lượng cưỡng chế chỉ “nổ pháo” (có lẽ cũng vui tai như pháo mừng xuân thuở chưa bị cấm), và đấy cũng chỉ là việc mà họ “buộc phải” làm.

Nếu không có trục trặc phát sinh khi hợp đồng tác chiến, thì có lẽ huyền thoại trên đã được Ngọc Năm và Phi Long truyền qua Đài Tiếng nói Việt Nam, đến hàng chục triệu đồng bào trên mọi miền của Tổ quốc. Và dân ta lại được giáo dục bằng những giáo trình có chung định hướng với bài “Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc tại Viện Hán Nôm” của Quốc An đăng trên báo Quân đội nhân dân và bài “Ủng hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung” của Hoàng Linh đăng trên báo Báo Cựu chiến binh ngày 19/05/2012. May thay, trận đòn đồng đội đã làm hai ông cụt hứng, nên ca chưa trọn bài.

Ngoài việc bản thân bị quân ta đánh oan, Ngọc Năm và Phi Long không đề cập bất kỳ một sai phạm nào khác của cuộc cưỡng chế. Hẳn Ngọc Năm chưa quên người phụ nữ cùng bị bắt và cũng bị còng tay như ông, đã giúp ông móc điện thoại từ trong túi, và nói với ông rằng: “Vì anh mà tôi bị đánh...”. Đó chính là bà Ngô Thị Ánh, người đã hô bà con cứu hai ông, nên bị công an đánh đập và bắt giam. Ấy vậy mà trong tường trình của ông, câu chuyện của bà Ánh được nhắc tới mới nhẹ nhàng làm sao:
“Trên xe, chị phụ nữ cho tôi biết ‘thấy chúng tôi bị đánh đập vô cớ, chị chạy theo thì bị bắt’.”
Chạy theo thì bị bắt”, chỉ vậy thôi. Ngòi bút từng trải không hề lạc đề sang chuyện bà Ánh bị đánh.

Cuối cùng, ông Ngọc Năm chỉ đề nghị “Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cần… làm rõ sự việc” đánh nhà báo (tức là đánh bản thân hai ông). Bên cạnh “trách nhiệm (bồi thường) sức khỏe, danh dự”, ông chỉ yêu cầu những người có lỗi phải “chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm”. Quân của hai binh chủng khác nhau đánh nhầm nhau khi phối hợp tác chiến cũng là chuyện thường tình, việc gì phải kỷ luật hay truy tố. “Chín bỏ làm mười” để cùng nhau lo việc lớn. Thậm chí, có lẽ lo lãnh đạo của mình vì quá thương lính mà sinh ra nóng nảy, lại ảnh hưởng không tốt đến đại cục, nên ông Ngọc Năm còn “đề xuất: Đài TNVN cần tỏ rõ thái độ mềm dẻo...”

Bản tường trình của Ngọc Năm và Phi Long đã phác họa chân dung chiến binh cầm bút tuyệt đối trung thành với… định hướng. Trận đòn của lực lượng cưỡng chế tuy gây chút đau đớn, nhưng lại họ cơ hội ngàn vàng để thể hiện lòng son sắt với phía cầm cương.

Một số người phỏng đoán rằng Ngọc Năm và Phi Long đến Văn Giang để tìm hiểu sự thật, đặng bảo vệ người dân. “Khen nhau như thế bằng mười hại nhau”. Chớ nói vậy mà oan cho họ, lại ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và đường thăng tiến của họ, rồi ai đó lại phán rằng: Thế thì bị quân ta nện cho cũng đáng đời lắm”.
 Nói thêm cho rõ ý

Có ý kiến cho rằng: Sao lại phê phán, khi hai ông Nguyễn Ngọc Năm và Hàn Phi Long đang cùng Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị chính quyền Hưng Yên điều tra, làm rõ vụ việc đánh nhà báo?

Xin thưa: Làm như vậy, họ mới chỉ hành động với tư cách của người bị hại và cơ quan có người bị hại.

Điều mà họ cần phải thể hiện là: Với tư cách nhà báo và cơ quan báo chí hàng đầu, đã trực tiếp chứng kiến những điều sai trái của cuộc cưỡng chế, thì chính họ phải đưa sự thật ra công luận, chứ không thể chỉ làm đơn đề nghị ai đó điều tra. Và điều họ phải quan tâm đề cập là cuộc sống của muôn dân, chứ không chỉ số phận của bản thân và đồng nghiệp.

Nếu đưa tin lảng tránh sự thật, thậm chí bóp méo sự thật, thì họ không chỉ lừa nhân dân, mà còn lừa cả bộ máy lãnh đạo của chính mình.


Hà Nội, ngày 21/05/2012

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Cụ Hồ từng phải đi "Hối lộ" hay là " Dĩ bất biến ứng vạn biến"

Bài viết trên trang Phạm Viết Đào


Theo Hiệp định sơ bộ ký giữa Chính phủ Hồ Chí Minh và Chính phủ Pháp 6/3/1946, Quân Pháp ở Sài Gòn sẽ ra bắc thay thế đội quân đói khát Tưởng Giới Thạch; đội quân ô hợp này nhân danh đồng minh kéo vào miền bắc nước ta mà nhân dân ta hồi đó gọi là Tàu ô, Tàu phù ( vì phù nề do đói muối )...Đã nhiều sách vở nói về sự phiền toái, phức tạp do đội quân Lư Hán gây ra cho nhân dân và Chính phủ non trẻ Hồ Chí Minh; ngoài chuyện sách nhiễu, bắt cóc tống tiền, tổ chức ám sát, đội quân Lư Hán còn bảo kê cho lực lượng Quốc dân đảng nổi lên thành một lực lượng chính trị tranh giành quyền, ghế trong Chính phủ Hồ Chí Minh...Quốc hội năm 1946 đã phải chia 70 ghế cho Quốc dân Đảng...
Để thoát khỏi cái cảnh một cổ hai ba tròng, tập trung vào một kẻ thù, trong sạch nội bộ, Chính phủ Hồ Chí Minh đã thương lượng và thỏa hiệp với Pháp để quân Pháp ra miền bắc thay thế quân Tưởng Giới Thạch...Thực ra đây cũng là hành động cực chẳng đã, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừ” mà thôi; một cuộc mặc cả chính trị trong thế đường cùng của Chính phủ Hồ Chí Minh và cũng không có cách nào khác hơn...Vì ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 nên trên báo của Đảng Cộng sản lúc đó ( đã rút vào hoạt động bí mật ) đã đăng một bài ám chỉ coi đây là hành động thỏa hiệp vô nguyên tắc, hành động bán nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “ ôm chân “ hay nói cách khác là bán Việt Nam cho Pháp...Cụ Hồ đã phải đứng ra điều trần, rơm rớm nước mắt mà thanh minh: Hồ Chí Minh này không phải là kẻ bán nước...Sau này có nguồn tin xác minh: người viết bài báo chỉ trích Cụ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, coi đây là hành động ôm chân Pháp chính là ông Trường Chinh, lúc Đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam...
Thực ra để đổi được việc quân đội Pháp thay thể đội quân Lư Hán ở miền Bắc, phía Pháp cũng đã có những mặc cả, đi đêm với Tưởng Giới Thạch; một trong những nhượng bộ quan trọng mà phía Pháp đã nhượng cho Tưởng Giới Thạch, đó là việc bàn giao việc khai thác đoạn đường sắt Hà Nội-Côn Minh trước thời hạn cho chính quyền Tưởng Giới Thạch...Đây là đoạn đường sắt do Pháp đầu tư theo hình thức mà ngày nay gọi là BOT khá tốn kém; vì đoạn đường sắt này xây dựng tại vùng núi cheo leo hiểm trở của Trung Quốc, ai đã đi tàu trên tuyến đường  sắt này mới thầy sự vĩ đại của công nghệ Pháp trong việc xây đựng đường sắt xuyên núi...Tuy hạn bàn giao cho chính quyền Trung Quốc chưa đến, nhưng Chính phủ Pháp đã nhượng lại quyền lợi này cho chính quyền Tưởng Giới Thạch; sau này chính quyền Trung Quốc của ông Mao được thừa hưởng quyền lợi khai thác tuyến đường sắt này mà không phải chia chác cho Chính phủ Pháp nhớ vào cuộc đổi chác 6/3/1946 này...Đây là tuyến đường sắt người Pháp làm ra để chuyên chở khoáng sản từ vùng Vân Nam, một vùng giàu khoáng sản của Trung Quốc chở về Pháp qua cảng Hải Phòng...
Về phía Pháp đã vậy, còn về phía Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa của ông Hồ Chí Minh thì cũng không phải cứ chỉ đặt bút ký là xua đuổi được đội quân Lư Hán vế nước được ngay. Để đuổi được quân Lư Hán sớm về nước, Cụ Hồ, cụ Huỳnh Thúc Khánh đã đành phải nghĩ đến kế hối lộ, đấm mõm Lư Hán để cho y chịu đưa quân về nước...
Như mọi người đều biết, sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ Hồ  Chí Minh đã tổ chức Tuần lễ Vàng để quyên góp vàng trong dân ủng hộ Chính phủ, số liệu vàng đóng góp cụ thể bao nhiêu chủ blog chưa nắm được con số chính xác, nhưng nghe nói cũng khá nhiều; một phần quan trọng trong số vàng quyên góp được Cụ Hồ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng bàn nhau đem hối lộ cho Lư Hán...

Một vài nhân chứng biết rõ chuyện này cung cấp thông tin cho biết: người đứng ra quản lý vàng và cân số vàng này đem đi hối lội cho Lư Hán là ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, một người tin cẩn của Cụ Hồ...Còn đích thân cụ Hồ và cụ Huỳnh đứng ra nhận và kiểm, cân số vàng trong đêm để hôm sau đem hối lộ Lư Hán; Cụ Hồ và Cụ Huỳnh đích thân mang số vàng này đi đưa cho Lư Hán; hồi đó nghe nói Lư Hán ở một ngôi nhà ở Cửa Nam...
Sở dĩ Cụ Hồ giao cho Cụ Huỳnh tham gia với mình việc bí mật đưa hối lộ cho Lư Hán là do Cụ Hồ muốn dựa vào uy tín rất cao của cụ Huỳnh; Cụ biết nếu sau này chuyện hối lộ này lộ ra, có Cụ Huỳnh chứng kiến, đích thân cụ Huỳnh xách vàng đi thì không một ai nghi ngờ Cụ Hồ có xơ múi gì chuyện vàng này...
Theo như một vài nhân chứng kể về vụ Cụ Hồ đi đưa hối lộ này thì: khi hai Cụ đến nhà Lư Hán, Lư Hán bỏ mặc cho 2 cụ ở hàng lang không chịu tiếp hơn tiếng đồng hồ. Cụ Huỳnh điên lắm, kêu với Cụ Hồ: Thế này thì nhục quá Cụ ạ, về thôi...Cụ Huỳnh cáu đến mức dậm chân xuống sàn nhà làm vỡ cả gạch...Nhưng Cụ Hồ đã bĩnh tình khuyên Cụ Huỳnh: Xin Cụ vì thương nước, thương dân mà chịu sự nhục này...
Mãi sau Lư Hán mới chịu xuống; khi Lư Hán xuống, Cụ Hồ đã quắc mắt nhìn thẳng vào mặt Lư Hán và nói như quát rằng: Các ngài yêu cầu chúng tôi cung cấp gạo, thưa các ngài Chính phủ chúng tôi đang đói, bản thân tôi tuần cũng phải nhịn ăn một bữa...Nói xong câu này Cụ Hồ dừng một chốc để dò xem thái độ của Lư Hán; Thấy Lư Hán có vẻ khó chịu, lúc đó Cụ Hồ mới nói: Gạo chúng tôi không có, nhưng...cụ hạ giọng: chúng tôi có vàng...Phải nói Cụ Hồ cũng là người đưa hối lộ cự phách đúng lúc, đúng thời điểm và biết cách; Nếu không biết cách đưa thì kẻ đưa hối lộ, một hành vi hèn hạ vừa bị mất của lại bị kẻ nhận khinh; khi người ta đã khinh thì sẽ lấn, bắt nạt tiếp...Nhưng Cụ Hồ rất tinh quái, vì khi nghe Cụ Hồ nói: Chúng tôi có vàng...thì mặt Lư Hán dãn ra; Thế là việc đưa hối lộ là việc hèn nhưng mà vẫn giữ được giá cho người đưa hối lộ...Điều quan trọng là khi đã đưa cho Lư Hán và y đồng ý nhận vàng rồi thì: Chính phủ Hồ Chí Minh đã cắt toàn bộ lương thực thực phẩm không tiếp tế cho quân đội của y...Khi đã không còn thức ăn thì quân của Lư Hán chỉ còn cách cuốn gói mà về Trung Quốc...
Chuyện Cụ Hồ đi đưa hối lộ vàng cho Lư Hán nghe nói sau đó ông Trường Chinh có cự nự lại; Ông Trường Chinh khôngdám phản đối chuyện hối lộ để cho Lư Hán rút quân về mà cho rằng: một chuyện lớn như thế này mà Tổng Bí thư Đảng không được bàn, không được biết...Khi ông Trường Chinh với tư cách là Tổng Bí thư đưa ra thắc mắc này, Cụ Huỳnh đã mắng át đi: Các anh chỉ biết một mà không biết hai; Xin hỏi nếu cho các anh biết thì liệu Lư Hán nó có dám nhận số vàng này không ? Nó không nhận, nó cứ ở lại ỳ ra thì không những vàng mà có khi cả tính mạng của anh, của tôi có còn không ? Cụ Huỳnh nói đến mức đó ông Trường Chinh mới chịu thôi...
Qua câu chuyện này để thấy ngay từ khi mới thành lập nước, giữa Đảng và Chính phủ đã có những chuyện hục hặc quyền anh, quyền tôi...Nên nhớ, thời điểm năm 1946, do uy tín của Cụ Hồ lớn nên mọi vấn đề tập trung trong tay Cụ và Cụ quyết hết; Ngay cái Hiến pháp năm 1946 do Cụ Hồ chỉ đạo soạn thảo
cũng đã theo tinh thần mọi quyền lực nằm trong tay Chủ tịch nước còn Thủ tướng chỉ là người thừa hành, giúp việc giống như Chánh VP .

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

GẶP TRI ÂM

Chiều mưa buồn, lần vào phòng đọc của Hội VHNT chơi, mượn vài cuốn. Bỗng gặp tâm trạng mình trong trang thơ Quang Đức, xin chép để ngẫm ngợi:

VỚI NGƯỜI BÁN HOA ĐÀO
Cành đào phai chúm chím hoa
Em gùi xuống chợ sương sa núi đồi
Dép lê quai đứt nửa rồi
Phong phanh áo váy ngập trời gió đông

Sau lưng chồng đợi con trông
Gùi đào có đủ ấm lòng tết nay
Bàn tay gầy guộc bàn tay
Hằng quen bới đá lật ngày vào đêm

Theo chồng từ thủa hoa niên
Thay cơm mèn mén triền miên qua ngày
Chữ thầy cho lại trả thầy
"Chỉ cần ngô, lúa mùa này tốt thôi"

Mùa xuân em bán cho người
Xuân em tàn tạ một đời vì đâu?
             Tháng chạp Canh Dần

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Vụ án Lệ chi viên

         Dẫu đã biết đức Lê Thánh Tông đã giải oan cho người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới rồi, cũng đả rõ ai là người hãm hại, nhưng vẫn cứ muốn đọc. Vì đây chính là lời của người cầm cán cân công lý xét xử vụ án oan khiên này. Chỉ có điều tiếc là sao ngài có tâm, có đức lớn  mà cách ứng xử vẫn phải mềm như nước vậy? Cái dũng của bậc công thần khai quốc, coi  thường mọi hiểm nguy thậm chí cả tính mạng mình... sao lại nể nang, để cả dân tộc phải oán hờn?...Xin mời nghe tác giả lý giải:
2* Đinh Liệt và chùm thơ về vụ án Lệ Chi Viên
Đặc biệt tâm huyết, rung động hậu thế hơn cả có lẽ là chùm thơ tứ tuyệt xung quanh chuyện động trời: thảm án Lệ Chi Viên. Thị Anh tham lam, tàn ác và xảo quyệt. Lê Thái Tông yêu quý Thị Anh quá mức. Đó là mối nguy cơ lớn cho xã tắc. Bút ký Hồng Mai còn có bài thơ: 
Tống Thai mạc kiến nguy ký hiện
Nịch ái thịnh y nhật nhật tăng
Mỹ sắc diễm ngôn gia phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp hải hà băng.
Dịch thơ:
Thái Tông chẳng thấy nguy đã hiện
Yêu quý Thị Anh quá nồng nàn
Lời ngọt, người xinh chê tất cả
Cơ đồ sự nghiệp biển sông tan!
   Thị Anh đã vu oan cho bà Ngô Thị Ngọc Dao (đang có mang với vua, bụng chửa lớn) làm bùa hại Bang Cơ, khép tội voi giầy cho đến chết (để giết cả cái thai bên trong, sau này sinh Lê Thánh Tông). Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ (có sự  hỗ trợ của Đinh Liệt) can vua, cứu được, cho đi lánh. Ấy là mối nguy cho Nguyễn Trãi.
   Lê Thái Tông băng, Bang Cơ hai tuổi lên ngôi, bà Thị Anh lên làm Hoàng Thái hậu. Từ đó, thế lực hắc ám lấn át cả. Đại công thần Đinh Liệt cho rằng, Thị Anh nói rằng nhờ linh dược, thực ra là hoang thai. Đinh Thắng - viên quan biên chép còn ghi rành rành. Thị Anh có mang mới sáu tháng đã sinh con. Bang Cơ tức Nhân Tông. Bang Cơ không phải là giống rồng, không phải là con của Thái Tông. Đinh Liệt làm một bài thơ chữ Hán, nhưng ông sợ, các tên người đều phải viết kiểu nói lái: Nhân Tông thì viết là Nhung Tân, Thái Tông thì viết là Tống Thai, Đinh Thắng viết là Thăng Đính. Ông bảo, nỗi nhục này của hoàng bào (vua) ngàn năm khôn rửa sạch:
Nhung Tân hà hữu Tống Thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Định ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh*
Dịch thơ:
Đâu phải Nhân Tông huyết Thái Tông
Sinh con sáu tháng lạ vô cùng
Tháng ngày Đinh Thắng còn ghi chép
Nhục mãi, hoàng bào khó gột xong!
          
    Thời Lê sơ, đầu thế kỷ XV có nhiều oan khuất: Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị sát hại năm 1431 (sai đã được sửa năm 1456), Thái Bảo Phạm Văn Xảo bị hãm hại năm 1432 ( đời Trần Nhân Tông được minh oan), Thừa chỉ Nguyễn Trãi bị trảm năm 1442 ( Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, lại truy tặng ông: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê buổi sớm)…
 Xử: Nguyễn Trãi dùng bà Lộ tiến độc vua là oan, xử “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, trảm bà Lộ cũng là oan. Sử gia thời Lê sơ không cùng đẳng cấp với các thái sử Đổng Hồ, Thôi Trữ xưa, đã ghi theo “lề phải”, chính thống.
Nguyễn Thiên Tích - bạn cố tri của Nguyễn Trãi, làm phán quan đành bó tay, mà Đại công thần - chánh án Đinh Liệt, người thương kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ vì sợ liên luỵ, bị tru di tam tộc, cũng bất lực. Hồi ấy, hai chục năm sau, ông vua Thánh mới biết Nguyễn Trãi bị oan, chứ quan lại dân chúng thấy ngay sự oan khuất.
Đại công thần Đinh Liệt, người phải đứng ra làm chánh án vụ xử Nguyễn Trãi thấy rõ oan mà đành bất lực. Ngay trong ngày Nguyễn Trãi bị trảm (16 tháng 8 năm 1442). Đinh Liệt gọi Nguyễn Trãi là quan gia, ông là chánh án nhưng không phải là Bao Công và than, chờ Bao Công còn xa lắm:
Khả tích quan gia mạc thức thời
Tru di tam tộc thị thương ôi!
Phá kính trung viên, hà thời giải
Bao Công, chân lý đẳng tương lai.
Dịch thơ:
Quan gia đáng tiếc chẳng theo thời
Tam tộc chu di xót quá thôi
Gương vỡ bao giờ lành được nhỉ?
Bao Công, chân lý ngóng xa vời...
Xin nói rõ thêm, theo sử, ngày 3 tháng 8, vua dời Côn Sơn về kinh. Bà Lộ được đi hộ giá. Từ Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức (Đuống) thuyền rồng ngược dòng, nên luôn phải hàng chục phu thuyền dùng dây tam cố gò lưng mà kéo. Đến ngang xã Đại Toán thuộc Quế Võ thì phu kéo mãi thuyền không nhích lên được. Vua hỏi. Lương Dật (em nuôi Lương Đăng - viên quan chống Nguyễn Trãi quyết liệt) tâu: “Ngay trên bờ có Cầu Bông, cạnh cầu có mộ Bạch Sư rất thiêng, nếu không cúng sẽ nhiều trắc trở”. Tham tri chính sự Nguyễn Xí nói, không tin vào điều đó được, song vua lại truyền bảo: “Cho thuyền dừng, cắm trại, lệnh cho sở tại thịt nghé tơ để tế thần”. Mấy hôm liền, vua vẫn không được khoẻ. Đêm 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên... Trong chuyến vua vi hành này, Hoàng hậu Thị Anh không có mặt, nhưng tất nhiên tất cả các quan và năm cung nữ bên vua đều là người của Thị Anh cả. Chỉ có bà Lộ một phía. Có việc gì qua mắt được cánh Nguyễn Xí, Tạ Thanh, Lương Dật, các cung nữ? Vua băng, cả đoàn lặng lẽ hồi kinh. Từ Lệ Chi Viên đến kinh đô chỉ chừng 45 cây số. Chặng ấy, đoàn xa giá phải đi cả ngày, đêm mồng 5, hết ngày mồng 6, nửa đêm mới vào cung, phát tang.Nếu bà Lộ có mưu giết vua, cớ sao khi vua đã băng, không trốn?  Vì ngoại phạm, bà Lộ tự cho vô can mới không trốn. Từ đó, suy ra, ngay câu mà sử gia chép “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, cũng là câu đã qua dàn dựng!
Thơ Đinh Liệt chân thực đã chiếu rọi và phá tan đám sương mù bao trùm gần sáu thế kỷ nay trên nhiều trang sử chính thống.  Thơ có sức mạnh riêng, vẻ đẹp riêng. Không chỉ là một Thái sư trung quân ái quốc, Đinh Liệt còn có tâm hồn, cốt cách thi nhân chân chính, treo gương sáng cho nhiều thế hệ bút lông, bút sắt....