Cách đây đúng 15 năm, có một người đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”. Đó là Hoàng Quang Thuận, sinh năm 1953 tại Quảng Bình, là GS., TS. thuộc lĩnh vực công nghệ viễn thông. Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ trong vòng ba ngày đêm lưu lại ở vùng nong thiêng, anh đã viết một mạch 63 bài thơ in thành tập “Thi Vân Yên Tử”. Sau đó ba năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp “Ngọa vân Yên Tử” với 80 bài. Đến năm 2010, anh gộp lại thành tập 143 bài lấy tên chung là “Thi Vân Yên Tử”… Qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào hiện tượng làm thơ với số lượng nhiều trong thời gian rất ngắn của Hoàng Quang Thuận.”
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đến từ Quảng Ninh, người rất am hiểu về vùng đất Yên Tử, ông bày tỏ sự trân trọng đối với tâm huyết của nhà thơ Hoàng Quang Thuận đã viết nên những bài thơ ca ngợi vùng đất thiêng Yên Tử.
Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Bình Lục: rất kính trọng tấm lòng của Hoàng Quang Thuận với Yên Tử và với thơ.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Khi tôi đọc lại những tập thơ của Hoàng Quang Thuận để tìm những câu thơ hay cho tập sách mà tôi đang tuyển chọn, tập “Những câu thơ hay đến lạnh người” (tuyển chọn thơ hay Đông, Tây, kim, cổ), trong tôi bỗng ngân lên:
... Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...
Quả là những câu thơ hay đến lạnh người, những câu thơ nằm trong tiềm thức của tôi, tôi đã thuộc lòng, những câu thơ mà tôi đồ rằng nó đã nhập vào Hoàng Quang Thuận như người ta nhập đồng. Bởi khi đọc lại các bài cổ thi của các nhà thơ Việt Nam, các bài thơ của các nhà thơ đời Đường... Tôi khó mà phân biệt đâu là xưa, đâu là nay, đâu là cổ, đâu là tân, nó như là một sự ám ảnh của tâm linh.”
Nhà báo, nhà thơ Đặng Hiển đọc tham luận “Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông ở Yên Tử trong lòng thi nhân” có đoạn: “Thi Vân Yên Tử không kết thúc như một thiên du ký mà như một khúc tưởng niệm như trên đã nói, nét đậm nhất của Thi Vân Yên Tử là dấu tích của vua Phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử nhưng là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân. Có tấm lòng ấy mới có thơ. Tấm lòng ấy trong bài nào, trong chi tiết nào cũng thể hiện và rõ nhất, khái quát nhất là trong ba bài Luận đời (tr. 158), Cảm thán (tr. 45) và Yên Tử trường xuân (tr. 19). Bài Luận đời coi như lời tổng luận bằng thơ cả tập thơ của nhà khoa học, nhà thơ, Phật tử Hoàng Quang Thuận "Đời giống mây trời trên đỉnh núi/ Phù Vân tán tụ một kiếp người/ Vinh hoa phú quý vòng tục luỵ/ Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi/ Hào quang toả sáng đỉnh Phù Vân/ Ngọa Vân Yên Tử theo ngày tháng/ Linh Sơn đất Phật mãi trường xuân".
Có điều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà Phật học Hoàng Quang Thuận là nhà thơ nên những cảm nghĩ của ông về Yên Tử, trước hết, trên hết và sau hết là sự rung động của con tim, sự rung động đó lại ngân lên bằng vần điệu, bằng hình tượng nghệ thuật để cuốn hút chúng ta theo bước của thi nhân vào cõi thiêng, cõi đẹp của Đất nước, của tâm linh Việt.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét