Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN


Tác giả bài thơ là Ðàm Chu Văn - chuyên viên cao cấp Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai kiêm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ðồng Nai, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Ðồng Nai, còn "những người quan tâm tới bài thơ" là ông Huỳnh Văn Tới (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai, chủ trì cuộc đối thoại) cùng các lãnh đạo Hội VHNT Ðồng Nai, NXB Ðồng Nai, nhà văn Trần Thu Hằng (tham dự với tư cách phóng viên báo Lao Ðộng Ðồng Nai)...
Bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của nhà thơ Ðàm Chu Văn đã từng đăng trên báo Văn Nghệ cách đây một năm (số 16, ngày 16-4-2011). Nhưng mới đây (ngày 2-7-2012) nhà văn trẻ Trần Thu Hằng đã gửi đến Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai một lá thư gọi là góp ý kiến (về việc phê bình tư tưởng và việc làm của đảng viên), trong đó có đoạn: "Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện"... Bên cạnh thư góp ý kiến, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai còn nhận được một "thư kiến nghị" nặc danh xung quanh bài thơ này.
Trước sự việc như vậy, ngày 10-7-2012 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai đã có văn bản "đề nghị chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai giao cho bộ phận lý luận phê bình thẩm định về chuyên môn". Nhưng Hội VHNT Ðồng Nai đã không thực hiện được với lý do: "Hội VHNT Ðồng Nai không thành lập được bộ phận lý luận phê bình".
Trong khi đó, theo báo cáo của Hội VHNT Ðồng Nai, nhân lớp tập huấn công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật (diễn ra từ ngày 10 đến 13-7-2012 tại TP Biên Hòa), ông Nguyễn Khánh Hòa - chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai - đã tranh thủ lấy ý kiến của ông Nguyễn Hồng Vinh (chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn VN). Ông Nguyễn Hồng Vinh sau khi đọc bài thơ và tham khảo đồng nghiệp đã nêu ý kiến: Ý chính của bài thơ lấy hình tượng những cây dầu cổ thụ để ví với nhân dân bao đời, "đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối, và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi"...
Gần đây nhất, ngày 8-8, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - trong công văn gửi Ban Tuyên giáo trung ương thì khẳng định: "Ban thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc"...
Thế nhưng, "để rộng đường trao đổi chuyên môn", Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai vẫn tổ chức cuộc "đối thoại" xung quanh bài thơ trên trong hơn bốn giờ (từ 13g30 đến hơn 17g30). Quan tâm đến số phận một bài thơ, phóng viên xin được tham dự cuộc "đối thoại" này nhưng ông Huỳnh Văn Tới nêu lý do "cuộc họp mang tính chất nội bộ". Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp, khi được hỏi việc tổ chức họp, đối thoại xung quanh một bài thơ hay một tác phẩm văn học có phải là sinh hoạt thường xuyên của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai hay không, ông Tới trả lời rằng sở dĩ có cuộc họp này vì Hội VHNT Ðồng Nai đã không làm tròn trách nhiệm. "Hơn nữa, đồng chí Ðàm Chu Văn là chuyên viên cao cấp của Ban tuyên giáo, nên khi có đơn phản ảnh về một số câu chữ trong bài thơ của đồng chí có vấn đề thì chúng tôi phải xem xét. Chúng tôi chọn hình thức đối thoại để mọi người nêu ý kiến. Hiện chúng tôi không kết luận, cũng không đưa ra hình thức kỷ luật hay phê bình nào cả. Nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm của ba phía: tác giả, Hội VHNT và cả cá nhân tôi nữa" - ông Tới nhấn mạnh.
Kết thúc cuộc họp, nhà thơ Ðàm Chu Văn bước ra với gương mặt bơ phờ, rồi thoắt cái biến mất. Khi liên lạc với ông thì biết ông đã về nhà. Qua điện thoại, nhà thơ tâm sự: "Thật là đáng sợ khi một người làm thơ phải ngồi giải thích mình làm bài thơ này là ý nói cái gì, câu thơ này mang ý nghĩa gì. Nhà thơ có quyền từ chối điều đó, nhưng tôi đã chịu đựng trong cuộc gọi là đối thoại này vì tôi nghĩ mình trong sáng, chân thành. Nghe chuyện này chắc bạn nào mới làm thơ phải khiếp vía. Nhưng tôi, một người làm thơ lâu năm, tuổi đời từng trải, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục làm thơ thôi".
 TRẦN NHÃ THỤY
Thế là rõ rồi. Cô nhà văn háo danh" ranh con" ( Lời của mạng) chỉ là con tốt bị ông Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ xui dại, nên bị mang tiếng là kẻ lưa thầy, phản bạn. Chưa qua sông đã đấm bòi vào sóng ( như ý của nhà thơ, UV BCH Hội NV  Văn Công Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét