Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

LẠM BÀN VỚI TÁC GIẢ QUA MỘT BÀI THƠ HAY

ĐẶNG HIỀN
 Xương rồng

Em ạ xương rồng lắm thứ cây
Cây như trụ đá giữa trời mây
Cây như bụt mọc lan trên đất
Hay như tiên nữ múa nghìn tay

Em ạ, xương rồng lắm thứ hoa
Hoa như máu ứa tự gai ta
Hoa như vương miện đầu sư thánh
Lá xếp thành hoa dáng lụa là…
Em ạ, xương rồng thích khó khăn
Mọc trên sa mạc đất khô cằn
Về đây phải để trong nhà kính
Để tránh màn mưa tưới tấm thân

Đừng nghĩ xương rồng chỉ vị thân
Có cây cứu đói nấu lên ăn
Có cây hơ lửa, xoa xương sống
Có loại vô sinh chữa dược thần

Anh chẳng mong em như xương rồng
Hoa thì như đá, lá như chông
Nhưng mà sức lạ nghìn năm ấy
Không muốn để ai phải uốn, trồng
 
Tôi biết Đặng Hiền qua mạng, anh còn trẻ nhưng đã là tác giả của nhiều tập thơ viết ở hải ngoại. Bởi vậy, thấy"Xương rồng" trên SKĐS số 11 ngày 02/6 đọc qua, nghe hay, nhìn lên đầu trang, gặp Đặng Hiền, ngờ ngợ. Phải rồi, con người ấy, mình đã gặp trên giấy, trên thơ, khẩu khí lắm!
          Nhận diện Xương rồng, loại cây đa dạng, phong phú về chủng loài, đẹp về dáng " độc trụ kình phong", hay "vũ điệu", rung động về vẻ đẹp của hoa" Ứa máu tự gai", kiêu sa "như vương miện đầu sư thánh", đôi khi cả " lá xếp thành hoa dáng lụa là"…tác giả như người nhập môn" sinh vật cảnh thường thức" giới thiệu sơ qua về đặc tính sinh học, công dụng trong đời sống vv… để cuối cùng luận:  Nhưng mà sức lạ ngàn năm ấy
          Không muốn để ai phải uốn trồng.
          Hay quá!
          Phong trần lắm! khí khái lắm!
          Tự dưng nhớ Phùng Quán: Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu. Bài thơ nâng nhân sinh quan của mình lên, đừng hèn nhé, hãy xem xương rồng ấy!
           Tuy nhiên, vâng, tuy nhiên, thưa bạn Đặng Hiền, ngẫm ngợi, rằng hay thì thật là hay ( Kiều) rồi, song tôi vẫn tiếc, nếu tác giả đừng lấy tâm thế anh để nói với em, càng đừng "mong em như xương rồng…"  thì giá trị thẩm mỹ của bài thơ có sức lay động nhiều hơn nữa, xương rồng đồng nghĩa với từng trải của đấng quân tử kiêu bạc, chứ chẳng hợp với liễu yếu đào tơ. Nên chăng, (thiển nghĩ của kẻ viết bài này) thay cái em ạ kẻ cả kia bằng nghi vấn: Có phải…?
Khổ cuối nên chăng thay bằng: Chẳng dám mong ta như xương rồng
Còn chút này nữa, sẽ trơn tru hơn nếu:
         Có loại vô sinh, chữa dược thần
  của nguyên bản, mạo muội thay bằng:
           Loại chữa vô sinh, xứng dược thần
          Linh tinh, lang tang…trúng trật thế nào, mời các bạn văn nghe thử!
                                           
                                                                                            03/8/2012
                                                                                               NSH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét