Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

LỠ TẦM

Nấn ná mãi rồi cũng phải thực hiện lời hứa, viết thử thêm một truyện ngắn nữa. Truyện mang tên LỠ TẦM, Mạng nhà bị sập không vào được, sang  hàng xóm nhờ, kỳ cạch gõ, chán nản, định thôi.
 Hôm nay, nhờ Kiên xử lý xong mới post  lên
                                                                      Thân yêu tặng các em học sinh mùa thi Đại học 2012
          -Kắc! một phát đã thấy chú tái mặt, bịt mồm, máu ròng qua kẽ các ngón tay, đỏ phát sợ. Tôi chết khiếp, rúm ró nhìn mọi người nháo nhào đưa chú đi viện xong, ngồi thừ người ra, biết tội mình.
           Tôi hiểu, cái tay quay đánh lại là vì chú đóng áp không đúng tầm. Trời ơi! chú lái xe kỳ cựu thế mà vẫn chưa " khịch" tầm chuẩn, huống chi tôi mới mười bốn tuổi đầu, dám bổ con Đông phong  ra, hì hục sửa. Tối hôm đó, nằm sấp ăn đòn, đau thì chịu được, nhưng nước mắt cứ ầng ậc, ướt đầm gối.
          - Con không nghịch dại! Tại bố lụi cụi ngày đêm, con muốn giúp! Tôi cắn răng, thầm cãi giả trong óc. Và nước mắt cứ thế dào ra, đầy oan ức.
          Chú lật đật chạy sang, vội ôm lấy cánh tay bố đang cầm cái roi, mỗi lần luận tội lại vút một phát xuống đít tôi như tia chớp. Ngẩng lên, thấy mồm chú dán băng chéo cặp môi sưng như quả chuối lẹo*, tôi bật khóc thành tiếng. Thương, vì bên trong cái vết thương nhìn thấy, chú còn mất cả hai nửa cái răng, chưa nhai được, chỉ mút cháo bằng cái ống sông bé tỵ. Chắc phải chịu đau lần nữa, nhổ đi, thay răng giả, mới nghĩ đã gai hết người.
           Vài năm sau, bố và chú đưa tôi với thằng Cu, con chú xuống Hà Nội thi đại học. Xe nhà, thong dong, cười phớ lớ vì quốc lộ 6 mới nâng cấp, đẹp như dải lụa, êm ru… nhưng bố cứ lẩn thẩn kể về cái thời xe khách lên Sơn La, mất mấy ngày giời.
          - Chỗ kia xưa là hợp tác xã dịch vụ nghỉ trọ Mộc Châu đấy. Mái gianh, vách cót, sạp giường tre gác lên bốn cái cọc chôn đất. Đêm, nằm nghe mọt nghiến kẽo kẹt, tỉnh dậy, hêt hồn thấy mối xông lên giường, tới ngang nửa ống chân. Thằng này khi ấy chưa đầy tuổi, khóc khản tiếng, người sẩn đỏ y tôm luộc. Chả biết rệp hay bọ chó cắn ?
          - Giấy thông hành lên Tây Bắc đấy mà! Chú pha trò, véo má tôi - Nếu hồi ấy sợ bọ chó, không dám ngược tiếp thì làm gì tao được gãy hai cái răng cửa nhể?
          Lần đi Hà Nội ấy tôi cực xúc động. Không phải là cảm giác mạnh khi leo lên nằm chếch trong vòi rồng tối om, lao vun vút rồi phọt tõm xuống công viên nước Hồ Tây; cũng không phải là di tích Hoàng Thành mới phát lộ, chúng tôi hoà vào dòng người tham quan đông nghịt, mà là cái gì khang khác của bố. Bảo chú cứ lấy xe đưa thằng Cu lên thi ở Xuân Mai đi, còn bố con tôi bách bộ cho rảo cẳng. Chơi loanh quanh công viên Thống Nhất rồi về ngồì trên đường ray tầu hoả, trước cổng Pa- ra- bôn oai nghiêm của trường Đại học Bách Khoa, nơi ngày mai, tôi, học trò miền sơn cước liệu có chọi được mười ba đứa khác đẻ lọt vào không?
          Chiều mát rượi. Xe cộ nườm nượp, nối đuôi nhau lừ lừ tiến như sóng thuỷ triều lên. Ngồi với bố, thật vững dạ. Lạ thế, tôi không còn cảm giác ganh đua gì nữa, cái gì đến ắt đến, đúng tầm. Bâý giờ tôi càng hiểu thêm về bố mình. Thảo nào ông cứ hay nói đến vừa tầm, đúng tầm và cả lỡ tầm. Thì ra vậy, hồi tại ngũ, bố được cấp trên cho lựa chọn, hoặc ôn thi đại học, hoặc đi học công nhân kỹ thuật nước ngoài. Hồi ấy, cũng nghe nói đến sự thừa thầy thiếu thợ, nên bố chọn đi Tây học nghề. Sang đó mới biết lỡ tầm. Mình đường đường đã tốt nghiệp phổ thông, cán bộ ưu tú cử đi, lại học cùng với bọn kin kin bên ấy, mới xong trung học cơ sở, toàn đứa dốt, (những đứa khá học tiếp trung học phổ thông) chương trình học dễ như bỡn. Cho đến giờ bố vẫn rất ấm ức cái thời vàng son, phao phí ấy. Mãi ba năm, mới được tấm bằng nghề, may có hiệp ước lao động hợp tác với các nước Đông Âu, bố được ở lại phiên dịch cho một đội lao động, cũng là dịp để học nốt đại học tại chức, khoa động lực. Học phải đóng khá tiền, nói chi lương, sướng như Việt Nam đâu. Rạc người. Rồi cũng qua, bằng xanh thôi, trường đại học Kỹ thuật Tiệp khắc danh giá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét