Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

LỠ TẦM (tiếp theo)

Khốn khổ nhất là khi bố mang tấm bằng kia về nước xin việc. Trước hết là phải dich ra tiếng ta cái đã; chẳng khó và thiếu gì người dịch, nhưng ai ký đóng dấu công nhận mới là sự khó.
          -Không ai bảo bằng của đồng chí giả, nhưng nó không hợp lệ (!) không chính tắc. Vì đồng chí không có tên trong danh sách lưu học sinh của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp quản.
          Đúng là hồ sơ của bố bên Tổng cục dậy nghề. Tiếc thời gian, và hận mình bố tự xin học đại học thôi, chứ được ai chọn, ai cử đâu. Tủi thế!
          - Đó là những năm chấp chới đổi mới. Bố ngao ngán trọ chỗ kia kìa, ( đường Đại Cồ Việt mênh mông), xưa là dãy quán lúp xúp, bệ rạc, bên cạnh miếu nhỏ, nghe đồn thiêng lắm, cạy cục xin vào làm công trong xưởng gạch hoa Bách Khoa nổi tiếng một thời. Được vài bốn tháng, lương chẳng đủ ăn, bố quay về quê lấy vợ ( mẹ tôi bây giờ), đinh ninh mãi mãi lấy đít trâu làm thước ngắm!
          Riêng chuyện này nghe mẹ kể rồi, cổ tích phết. Chẳng hiểu sao cô nữ sinh trường làng bỏ học lưng chừng để lấy chàng thư sinh thất nghiệp, tương lai tối như hũ nút, chả sõi việc đồng áng, còn hơi bị quá tầm nữa?( Ngày ấy, ở quê, trai ngoài ba mươi là quá lứa ). Đâu vì cái "Ba bét nhè" đỏ, dân làng gọi là cào cào lửa, mẹ   ngồi sau đâu được vài lần, rồi bố phải bán để chạy việc. Lạ vậy. Cái thời điên đảo, tiền bán cân gạo hôm nay thì ngày mai chỉ mua được tám lạng
       - Về làm ruộng, kiếm miếng ăn cho chắc dạ. "Canh nông suy, bách nghệ bại".! Ông ngoại quý lối suy luận chắc nịch, thực dụng của chàng rể tương lai, chẳng mẽ gì lực điền. Nói thật chứ nếu thử với nhau vài xá cày, ông chấp bố một mắt.
          Tôi xúc động vì con người đầy kiêu hãnh như bố lại có thời làm công không đắt ở đằng sau cánh cổng uy nghi kia, nơi có những giảng đường to rộng, những phòng thí nghiệm hiện đại, nghiên cứu cả bí mật quốc gia, là niềm khao khát của thanh niên mọi thời ư? Hình như suy nghĩ ấy, đằm mãi trong tôi, lớn dần lên, khát khao, dồn nén để rồi bùng lên thăng hoa đầy uy lực. Ấy là hôm tôi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, sau năm năm học bằng đầu lẫn đít ở trường Bách Khoa này. Thầy chủ tịch hội đồng, đa phần chỉ ngồi nghe lơ đãng, xem thầy trò biện luận gì nhau, ít hỏi. Đến lượt tôi, thầy mới nheo mắt hỏi một câu vu vơ, không có rõ rệt trong chồng tài liệu dầy hàng mét mà tôi đã ngốn trong hơn ba tháng trời làm đồ án " -Em có thể không trả lời! Câu khích tướng làm con trăn trong người tôi bắt đầu oằn oại. Cái phút giây chờ "khịch" một phát để làn khói xanh nhờ phụt ra, kèm theo tiếng nổ pình pịc đã đến. Đúng tầm. Nghẹt thở. Không thể để tay quay oánh giả gãy răng như chú lái xe xưa bất cẩn. Tôi lễ phép cúi gập người như dân Nhật chính hiệu, động tác tôi bắt chước vô thức có tự khi đến thực tập một công ty của họ, rồi nổ. Không nhớ mình huyên thuyên những gì, chỉ thấy mắt thầy hướng dẫn trực tiếp mình, ánh lên những tia lấp lánh, khi thầy gỡ cặp kính dầy cộm xuống nhìn tôi khích lệ.  Bọn bạn ngồi dưới lao xao, ngờ vực.
          Vì sao bố mẹ tôi lại định cư ở Sơn La, để quê đồng chiêm thuần nông bớt đi cặp vợ chồng chưa biết làm ruộng, và phố núi có thêm một gia đình trẻ thuê cái cửa hiệu nhỏ nơi ngã ba Cầu Trắng chữa đồ điện máy vặt rồi lớn dần lên, nổi theo nước Sông Đà để bây giờ thành Công ty cổ phần điện máy Tây Bắc hoành tráng ?- Thì đúng tầm thật.
           Một bữa nọ, con Uoát cà tàng, ( cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước là sang lắm ) chết máy giữa đường. Thợ mặt đỏ gay, vã mồ hôi không tìm ra bệnh, mặt xếp còn đỏ hơn, hầm hầm dưới nắng hè. Xe cứ phành phạch một lúc, đóng nắp ca bô chưa kịp chạy đã lại lịm rồi, như ma ám. Đúng lúc đó bố đạp xe ngang qua, dừng lại ngó. Và sau vài câu hỏi han, ông xếp nọ còn đang sợ bố làm hỏng xe, chưa kịp ngăn lại thì: - Đây rồi! Họ há mồm, lắp bắp không thành tiếng, khi bố xắn tay, thoăn thoắt khoắng trong bình xăng, vớt ra mẩu ny lon be bé, tay lái xe vô tình để rơi khi quấn miệng bình cho khỏi lắp xăng ra. Máy nổ giòn giã reo vui, tạm biệt và hẹn gặp. Cứ thế, bạn hàng của gia đình đông dần. Họ nể phục rồi yêu quý bố mẹ ở cái đức nghề.
          -Em xin hết! Kịp nhìn thấy những nét hân hoan của bốn thầy, còn thầy chủ tich đã đứng lên, cúi lau kính, vầng đỉnh đầu nhẵn bóng, xung quanh xoã xuống lơ thơ ít tóc cước trắng xoá và nghe loáng thoáng:… thường thôi, nếu là… nhưng đây là…   tôi cho em điểm tuyệt đối! Hội trường đứng ào lên, vỗ tay rào rào. Tôi chôn chân chết lặng, hai dòng nước mắt trào ra. Trận đòn dạy làm người duy nhất trong đời lại hiển hiện loang loáng trong đầu. Bạn bè ấn vào tay tôi rất nhiều hoa, lôi tôi xuống, bồng tôi lên, vẫn còn nguyên những giọt nước mắt khó tả lắm, không định danh được, không hẳn sung sướng, không hề mãn nguyện, pha lẫn nghẹn ngào…
               Ý tưởng của tôi từ cơn khát của người dân lam lũ dọc triền sông Mã quê hương, là sự nấu nung bố truyền sang, từ khi tôi biết cầm cái tô-vít chọc vào lốc máy. Chế ngự dòng sông hung tợn phải hiền hoà ra điện sáng mà không cần be bờ, đắp đập gây bao hệ luỵ, bằng những cỗ máy duyên dáng dập dềnh theo sóng nước.
          Gió trên cầu Thăng Long chiều nay lộng, hất ngược mái tóc pha sương của chú tung lên như bờm ngựa, nhớ chuyện cái răng định mệnh thủa nào, chú cháu cười ngặt nghẽo. Chú bảo tôi ra dáng đàn ông lắm rồi, chỉ còn thiếu mỗi cái chưa biết chọc sàn gái bản.( Chú nhầm to!) Nhận vô lăng từ tay chú, vi vu lướt trên đại lộ ra sân bay Nội Bài, tự dưng cảm thấy mình đã lớn thật, (hai mươi ba mùa phượng vĩ) càng thương bố mẹ lỡ bận việc ở Sơn La, không thể xuống tiễn tôi sang Nhật học, ba năm nữa mới về.
                                                                                                 6/2012



*Chuối lẹo:  Quả chuối có hình hai quả dính vào nhau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét