Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

THƯỜNG DÂN

Dự trại sáng tác lần này, được nghe giới thiệu bài thơ lục bát hay nữa. Tác giả là Nguyễn Long, người Thái Bình, có tựa đề Thường Dân, đạt đồng giải nhất của cuộc thi thơ lục bát từ năm nảo năm nào... hay mãi đến giờ, và có lẽ còn hay mãi mãi
                    Đông thì chật, ít thì thưa
              Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
                   Quanh năm chân đất đầu trần
             Tác tao sau những vũ vần bão giông
                   
                  Khi là cây mác, cây chông
            Khi là biển cả, khi không là gì
                 Thấp cao đâu có so bì
            Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì, cỏ thôi

                  Ăn của đất, uống của trời
           Dốc lòng cả dạ cho người mình tin
                 Ồn ào mà vẫn lặng im
           Mặc ai của nổi, của chìm đua tranh
               
                 Hòa vào trời đất mà xanh
            Phải tu mấy kiếp mới thành thường dân


           

 

Bài thơ hay của Khách Văn

Anh Kim Dũng,hội viên HNV, là biên tập ( hay Tổng BT) tạp chí Đất Tổ giới thiệu bài thơ lục bát của anh, rất sâu sắc như sau:
                                    ĐẾM SAO
                   Trên trời muôn vạn vì sao
              Sao thấp thì sáng, sao cao thì mờ
                      Có vì sao thật bất ngờ
             Trong màn đêm ấy tình cờ mọc lên

                    Tôi nhìn sao mãi thành quen
            Những ngôi sao mọc đua chen giữa trời
                   Có ngôi sao ngỡ sáng  ngời
           Qua đêm mưa gió tắt rồi còn đâu

                 Trời cao như có phép mầu
            Thiên hà biến hóa trong bầu trời riêng
                  Có ngôi sao cứ lặng yên
            Tự mình phát sáng mọi miền thảnh thơi

                   Một , hai, ba bẩy...chín mười
               Tuổi thơ mẹ dạy tôi ngồi đếm sao
                     Nhìn trời tôi hát ngêu ngao
               " Sao thấp thì sáng, sao cao thì mờ"

                 ( Báo Văn nghệ số 28, ngày /7/2010)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

TIẾP KIẾN KHÁCH VĂN

         Được biết ba vị khách văn của Hội VHNT  Phú Thọ sang giao lưu, tiếc là mình không nhận được giấy mời, nhưng may, chiều thứ 6 vào Hội chơi, mới té ngửa ra chương trình đi thực tế đã xong, 
       Sáng dự thu hoạch, nghe anh Nguyễn Hữu Nhàn tâm sự , sáng ra được đôi điều, mình không thấy đã; biết chỗ ở, chiều mình lại đến. Ngại gì nhỉ? Cũng như nếu ai muốn hỏi gì mình về xây dựng, mình cũng rất quý và trả lời  họ nghiêm chỉnh đó thôi.
         Loanh quanh mãi thì cũng về vài bài viết của mình.
         Về văn xuôi, anh Nhàn (HVHNV) bảo để tối xem kỹ, trả lời sau
        Còn hai bài thơ mới viết, hai anh Kim Dũng  ( HV HNV) và Đình Phúc có những ý kiến rất xác đáng. Mình thấy đúng vậy nhưng chuốt lại thế nào thì vô cùng khó! Hai anh cũng chọn ra được những câu ưng ý( Họ nói quá lên, mình biết vậy  nên nhất quyết không phổng mũi)

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

LỠ TẦM (tiếp theo)

Khốn khổ nhất là khi bố mang tấm bằng kia về nước xin việc. Trước hết là phải dich ra tiếng ta cái đã; chẳng khó và thiếu gì người dịch, nhưng ai ký đóng dấu công nhận mới là sự khó.
          -Không ai bảo bằng của đồng chí giả, nhưng nó không hợp lệ (!) không chính tắc. Vì đồng chí không có tên trong danh sách lưu học sinh của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp quản.
          Đúng là hồ sơ của bố bên Tổng cục dậy nghề. Tiếc thời gian, và hận mình bố tự xin học đại học thôi, chứ được ai chọn, ai cử đâu. Tủi thế!
          - Đó là những năm chấp chới đổi mới. Bố ngao ngán trọ chỗ kia kìa, ( đường Đại Cồ Việt mênh mông), xưa là dãy quán lúp xúp, bệ rạc, bên cạnh miếu nhỏ, nghe đồn thiêng lắm, cạy cục xin vào làm công trong xưởng gạch hoa Bách Khoa nổi tiếng một thời. Được vài bốn tháng, lương chẳng đủ ăn, bố quay về quê lấy vợ ( mẹ tôi bây giờ), đinh ninh mãi mãi lấy đít trâu làm thước ngắm!
          Riêng chuyện này nghe mẹ kể rồi, cổ tích phết. Chẳng hiểu sao cô nữ sinh trường làng bỏ học lưng chừng để lấy chàng thư sinh thất nghiệp, tương lai tối như hũ nút, chả sõi việc đồng áng, còn hơi bị quá tầm nữa?( Ngày ấy, ở quê, trai ngoài ba mươi là quá lứa ). Đâu vì cái "Ba bét nhè" đỏ, dân làng gọi là cào cào lửa, mẹ   ngồi sau đâu được vài lần, rồi bố phải bán để chạy việc. Lạ vậy. Cái thời điên đảo, tiền bán cân gạo hôm nay thì ngày mai chỉ mua được tám lạng
       - Về làm ruộng, kiếm miếng ăn cho chắc dạ. "Canh nông suy, bách nghệ bại".! Ông ngoại quý lối suy luận chắc nịch, thực dụng của chàng rể tương lai, chẳng mẽ gì lực điền. Nói thật chứ nếu thử với nhau vài xá cày, ông chấp bố một mắt.
          Tôi xúc động vì con người đầy kiêu hãnh như bố lại có thời làm công không đắt ở đằng sau cánh cổng uy nghi kia, nơi có những giảng đường to rộng, những phòng thí nghiệm hiện đại, nghiên cứu cả bí mật quốc gia, là niềm khao khát của thanh niên mọi thời ư? Hình như suy nghĩ ấy, đằm mãi trong tôi, lớn dần lên, khát khao, dồn nén để rồi bùng lên thăng hoa đầy uy lực. Ấy là hôm tôi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, sau năm năm học bằng đầu lẫn đít ở trường Bách Khoa này. Thầy chủ tịch hội đồng, đa phần chỉ ngồi nghe lơ đãng, xem thầy trò biện luận gì nhau, ít hỏi. Đến lượt tôi, thầy mới nheo mắt hỏi một câu vu vơ, không có rõ rệt trong chồng tài liệu dầy hàng mét mà tôi đã ngốn trong hơn ba tháng trời làm đồ án " -Em có thể không trả lời! Câu khích tướng làm con trăn trong người tôi bắt đầu oằn oại. Cái phút giây chờ "khịch" một phát để làn khói xanh nhờ phụt ra, kèm theo tiếng nổ pình pịc đã đến. Đúng tầm. Nghẹt thở. Không thể để tay quay oánh giả gãy răng như chú lái xe xưa bất cẩn. Tôi lễ phép cúi gập người như dân Nhật chính hiệu, động tác tôi bắt chước vô thức có tự khi đến thực tập một công ty của họ, rồi nổ. Không nhớ mình huyên thuyên những gì, chỉ thấy mắt thầy hướng dẫn trực tiếp mình, ánh lên những tia lấp lánh, khi thầy gỡ cặp kính dầy cộm xuống nhìn tôi khích lệ.  Bọn bạn ngồi dưới lao xao, ngờ vực.
          Vì sao bố mẹ tôi lại định cư ở Sơn La, để quê đồng chiêm thuần nông bớt đi cặp vợ chồng chưa biết làm ruộng, và phố núi có thêm một gia đình trẻ thuê cái cửa hiệu nhỏ nơi ngã ba Cầu Trắng chữa đồ điện máy vặt rồi lớn dần lên, nổi theo nước Sông Đà để bây giờ thành Công ty cổ phần điện máy Tây Bắc hoành tráng ?- Thì đúng tầm thật.
           Một bữa nọ, con Uoát cà tàng, ( cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước là sang lắm ) chết máy giữa đường. Thợ mặt đỏ gay, vã mồ hôi không tìm ra bệnh, mặt xếp còn đỏ hơn, hầm hầm dưới nắng hè. Xe cứ phành phạch một lúc, đóng nắp ca bô chưa kịp chạy đã lại lịm rồi, như ma ám. Đúng lúc đó bố đạp xe ngang qua, dừng lại ngó. Và sau vài câu hỏi han, ông xếp nọ còn đang sợ bố làm hỏng xe, chưa kịp ngăn lại thì: - Đây rồi! Họ há mồm, lắp bắp không thành tiếng, khi bố xắn tay, thoăn thoắt khoắng trong bình xăng, vớt ra mẩu ny lon be bé, tay lái xe vô tình để rơi khi quấn miệng bình cho khỏi lắp xăng ra. Máy nổ giòn giã reo vui, tạm biệt và hẹn gặp. Cứ thế, bạn hàng của gia đình đông dần. Họ nể phục rồi yêu quý bố mẹ ở cái đức nghề.
          -Em xin hết! Kịp nhìn thấy những nét hân hoan của bốn thầy, còn thầy chủ tich đã đứng lên, cúi lau kính, vầng đỉnh đầu nhẵn bóng, xung quanh xoã xuống lơ thơ ít tóc cước trắng xoá và nghe loáng thoáng:… thường thôi, nếu là… nhưng đây là…   tôi cho em điểm tuyệt đối! Hội trường đứng ào lên, vỗ tay rào rào. Tôi chôn chân chết lặng, hai dòng nước mắt trào ra. Trận đòn dạy làm người duy nhất trong đời lại hiển hiện loang loáng trong đầu. Bạn bè ấn vào tay tôi rất nhiều hoa, lôi tôi xuống, bồng tôi lên, vẫn còn nguyên những giọt nước mắt khó tả lắm, không định danh được, không hẳn sung sướng, không hề mãn nguyện, pha lẫn nghẹn ngào…
               Ý tưởng của tôi từ cơn khát của người dân lam lũ dọc triền sông Mã quê hương, là sự nấu nung bố truyền sang, từ khi tôi biết cầm cái tô-vít chọc vào lốc máy. Chế ngự dòng sông hung tợn phải hiền hoà ra điện sáng mà không cần be bờ, đắp đập gây bao hệ luỵ, bằng những cỗ máy duyên dáng dập dềnh theo sóng nước.
          Gió trên cầu Thăng Long chiều nay lộng, hất ngược mái tóc pha sương của chú tung lên như bờm ngựa, nhớ chuyện cái răng định mệnh thủa nào, chú cháu cười ngặt nghẽo. Chú bảo tôi ra dáng đàn ông lắm rồi, chỉ còn thiếu mỗi cái chưa biết chọc sàn gái bản.( Chú nhầm to!) Nhận vô lăng từ tay chú, vi vu lướt trên đại lộ ra sân bay Nội Bài, tự dưng cảm thấy mình đã lớn thật, (hai mươi ba mùa phượng vĩ) càng thương bố mẹ lỡ bận việc ở Sơn La, không thể xuống tiễn tôi sang Nhật học, ba năm nữa mới về.
                                                                                                 6/2012



*Chuối lẹo:  Quả chuối có hình hai quả dính vào nhau

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

LỠ TẦM

Nấn ná mãi rồi cũng phải thực hiện lời hứa, viết thử thêm một truyện ngắn nữa. Truyện mang tên LỠ TẦM, Mạng nhà bị sập không vào được, sang  hàng xóm nhờ, kỳ cạch gõ, chán nản, định thôi.
 Hôm nay, nhờ Kiên xử lý xong mới post  lên
                                                                      Thân yêu tặng các em học sinh mùa thi Đại học 2012
          -Kắc! một phát đã thấy chú tái mặt, bịt mồm, máu ròng qua kẽ các ngón tay, đỏ phát sợ. Tôi chết khiếp, rúm ró nhìn mọi người nháo nhào đưa chú đi viện xong, ngồi thừ người ra, biết tội mình.
           Tôi hiểu, cái tay quay đánh lại là vì chú đóng áp không đúng tầm. Trời ơi! chú lái xe kỳ cựu thế mà vẫn chưa " khịch" tầm chuẩn, huống chi tôi mới mười bốn tuổi đầu, dám bổ con Đông phong  ra, hì hục sửa. Tối hôm đó, nằm sấp ăn đòn, đau thì chịu được, nhưng nước mắt cứ ầng ậc, ướt đầm gối.
          - Con không nghịch dại! Tại bố lụi cụi ngày đêm, con muốn giúp! Tôi cắn răng, thầm cãi giả trong óc. Và nước mắt cứ thế dào ra, đầy oan ức.
          Chú lật đật chạy sang, vội ôm lấy cánh tay bố đang cầm cái roi, mỗi lần luận tội lại vút một phát xuống đít tôi như tia chớp. Ngẩng lên, thấy mồm chú dán băng chéo cặp môi sưng như quả chuối lẹo*, tôi bật khóc thành tiếng. Thương, vì bên trong cái vết thương nhìn thấy, chú còn mất cả hai nửa cái răng, chưa nhai được, chỉ mút cháo bằng cái ống sông bé tỵ. Chắc phải chịu đau lần nữa, nhổ đi, thay răng giả, mới nghĩ đã gai hết người.
           Vài năm sau, bố và chú đưa tôi với thằng Cu, con chú xuống Hà Nội thi đại học. Xe nhà, thong dong, cười phớ lớ vì quốc lộ 6 mới nâng cấp, đẹp như dải lụa, êm ru… nhưng bố cứ lẩn thẩn kể về cái thời xe khách lên Sơn La, mất mấy ngày giời.
          - Chỗ kia xưa là hợp tác xã dịch vụ nghỉ trọ Mộc Châu đấy. Mái gianh, vách cót, sạp giường tre gác lên bốn cái cọc chôn đất. Đêm, nằm nghe mọt nghiến kẽo kẹt, tỉnh dậy, hêt hồn thấy mối xông lên giường, tới ngang nửa ống chân. Thằng này khi ấy chưa đầy tuổi, khóc khản tiếng, người sẩn đỏ y tôm luộc. Chả biết rệp hay bọ chó cắn ?
          - Giấy thông hành lên Tây Bắc đấy mà! Chú pha trò, véo má tôi - Nếu hồi ấy sợ bọ chó, không dám ngược tiếp thì làm gì tao được gãy hai cái răng cửa nhể?
          Lần đi Hà Nội ấy tôi cực xúc động. Không phải là cảm giác mạnh khi leo lên nằm chếch trong vòi rồng tối om, lao vun vút rồi phọt tõm xuống công viên nước Hồ Tây; cũng không phải là di tích Hoàng Thành mới phát lộ, chúng tôi hoà vào dòng người tham quan đông nghịt, mà là cái gì khang khác của bố. Bảo chú cứ lấy xe đưa thằng Cu lên thi ở Xuân Mai đi, còn bố con tôi bách bộ cho rảo cẳng. Chơi loanh quanh công viên Thống Nhất rồi về ngồì trên đường ray tầu hoả, trước cổng Pa- ra- bôn oai nghiêm của trường Đại học Bách Khoa, nơi ngày mai, tôi, học trò miền sơn cước liệu có chọi được mười ba đứa khác đẻ lọt vào không?
          Chiều mát rượi. Xe cộ nườm nượp, nối đuôi nhau lừ lừ tiến như sóng thuỷ triều lên. Ngồi với bố, thật vững dạ. Lạ thế, tôi không còn cảm giác ganh đua gì nữa, cái gì đến ắt đến, đúng tầm. Bâý giờ tôi càng hiểu thêm về bố mình. Thảo nào ông cứ hay nói đến vừa tầm, đúng tầm và cả lỡ tầm. Thì ra vậy, hồi tại ngũ, bố được cấp trên cho lựa chọn, hoặc ôn thi đại học, hoặc đi học công nhân kỹ thuật nước ngoài. Hồi ấy, cũng nghe nói đến sự thừa thầy thiếu thợ, nên bố chọn đi Tây học nghề. Sang đó mới biết lỡ tầm. Mình đường đường đã tốt nghiệp phổ thông, cán bộ ưu tú cử đi, lại học cùng với bọn kin kin bên ấy, mới xong trung học cơ sở, toàn đứa dốt, (những đứa khá học tiếp trung học phổ thông) chương trình học dễ như bỡn. Cho đến giờ bố vẫn rất ấm ức cái thời vàng son, phao phí ấy. Mãi ba năm, mới được tấm bằng nghề, may có hiệp ước lao động hợp tác với các nước Đông Âu, bố được ở lại phiên dịch cho một đội lao động, cũng là dịp để học nốt đại học tại chức, khoa động lực. Học phải đóng khá tiền, nói chi lương, sướng như Việt Nam đâu. Rạc người. Rồi cũng qua, bằng xanh thôi, trường đại học Kỹ thuật Tiệp khắc danh giá.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Viết về em gái

VIẾT CHO EM GÁI

PHẠM VĂN TÌNH

Chắc là em sẽ đợi anh
Tháng năm chín đỏ trên cành dâu da
Quang mây dỡ khỏi hiên nhà
Liềm đem cắt chấu để ra cánh đồng

Chắc là em đợi, em mong
Đến mùa gặt hái anh không kịp về
Để anh buộc cái rổ sề
Ngoài đồng lạc phải nhổ về kẻo mưa
 
Đấy là nói chuyện ngày xưa
Bây giờ chỉ có mẹ chờ anh thôi
Còn em đã lấy chồng rồi
Đôi lần lại có đôi lời về thăm

Bây giờ lại đến tháng năm
Nắng vàng như thể kén tằm nhả tơ
Dù anh có bận làm thơ
Thì anh cũng biết mẹ chờ anh đây

Cái tường hiên chửa kịp xây
Căn nhà vắng hẳn từ ngày em đi
Ngoài kia mít mật hái về
Một mình mẹ với bốn bề trái thơm

Lồng bàn vẫn úp đợi cơm
(Cơm ngon mẹ nấu đợi con gái mà)
Một mình em có hai nhà
Một mình em hai mẹ già cùng mong.

Thông gia cách một quãng đồng
Em như chưa thể lấy chồng làm dâu
Về nhà chẳng được lâu đâu
Chỉ đun nồi nước gội đầu là đi

Vội vàng đi gặt Đồng Ri
Vội vàng đi nhổ lạc về kẻo mưa
Vội vàng phơi thúng khoai khô
Rồi em lại vội về cho kịp chiều

Biết là em vất vả nhiều
Tôi về chưa kịp nói điều hỏi han
Vội vàng sắm sửa đôi quang
Định là quẩy xuống cuối làng giúp em

Thì em đã đứng bên thềm
Miệng cười má lúm đồng tiền, hay chưa!
“Biết anh về đúng buổi trưa
Nên em đã kịp hái dưa đem về ...”

Tôi đi buộc cái rổ sề
Mà sao lòng cứ bốn bề vẩn vơ
Rưng rưng cầm mấy quả dưa
Thương em tôi trách mình chưa hiểu mình...

THƠ TÌNH

Anh Tình gửi tặng bài thơ anh viết năm 35 tuổi, mình thấy hay và sâu sắc. Thật gợi chỉ bằng những hình ảnh dung dị, đời thường, mà cũng thật triết lý

Có những lúc đưa tay lên ổ khoá
Tôi cứ ngạc nhiên hình như không phải nhà mình
Căn phòng nhỏ chưa đầy tám mét
Mà lặng tờ, trống trải mông mênh

Có những lúc nửa đêm, giật mình thức giấc
Nghe ngoài kia gió bấc thổi gai người
Tiếng trẻ thơ khóc đêm tìm gọi mẹ
Mà bồi hồi, trăn trở trong tôi

Có những lúc dừng xe ngang đường, tuột xích
Bên hàng cây đôi trai gái đang ngồi
Họ nói chuyện với nhau tưởng chừng trên đời không còn ai nữa cả
Còn tôi đi một mình lặng đếm hạt mưa rơi

Có những lúc, và rất nhiều những lúc
Tôi chợt nhận ra tôi không phải đúng là mình  
Ngay cả lúc lưng chừng vui chén rượu
Có bạn bè tụ họp xung quanh.

Ơi tạo hoá bình thường bao đời rồi vẫn thế
Như trang giấy cuộc đời phải có mặt bên kia
Như câu hát sinh ra từ nước mắt
Như hạt mưa rơi xuống giữa trưa hè

Như tôi chẳng là tôi nếu một mình đơn độc
Căn phòng cũng nhỏ thôi nhưng sẽ rộng vô cùng
Nghe tiếng guốc ngoài hiên nửa đêm gõ trên sàn gạch
Mà tưởng như lòng mình bão nổi phía bên trong

Những cô gái hiền lành, những nàng tiên đôn hậu
Hãy đừng nhìn tôi như chiếc cột đồng hồ
Hãy nhìn tôi như nhìn vào trang đầu bản thảo
Giản dị thôi, nhưng các bạn cứ đọc đi sẽ gặp những bất ngờ

Hãy đừng gọi tôi là nhà thơ hay là nhà ngôn ngữ học
Những danh từ bóng bẩy, cao siêu
Bởi tất cả sẽ trở thành vô nghĩa
Nếu thiếu tiếng ai cười trong nắng mới vui reo

Những ai đang có khát khao một lần như vậy
Hãy cùng tôi chia sẻ khát khao này
Tôi sẵn sàng nhận về mình gánh nặng
Nhưng không phải ngồi một mình bên trang giấy đêm nay

Rồi có lúc tôi dắt xe về ngôi nhà nhỏ bé
Sẽ không phải đưa tay lên ổ khoá im lìm
Cơm sẽ không nguội tanh trong cặp lồng úp chặt
Quần áo không vứt gầm giường đến nỗi phải lên men

Và tất nhiên với tôi, bàn tay đẹp nhất
Bàn tay người tôi yêu đặt trên má âm thầm
Tiếng guốc trở về xoá dần cô đơn trên gạch lạnh
Giữa đêm khuya, dù là tiếng cãi nhau, vẫn hơn tiếng mưa dầm

Cuộc sống cứ qua đi những thăng trầm của nó
Tôi lại có những khát khao vươn tới những chân trời
Nhưng ở đâu tình yêu cũng bắt đầu cho tất cả
Và chỉ có thế thì “cây đời mới mãi mãi xanh tươi”...

                                                                          1989

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

LÂU ĐÀI HẠNH PHÚC

Trong ngôi nhà lá, thừa mưa nắng
Cười vang reo tiếng khóc chào đời
Anh khao khát xây lâu đài mơ ước
Trên đất nền nguyên thổ, tinh khôi

Ta sung sướng bả bươn cùng sóng gió
Đồng lẻ nhân gian thấm đẫm mồ hôi
Đêm lăn lóc, vẹo sườn thung Mường É*
Quặn lòng thương mái lá mưa rơi
Anh tin lắm đó là hạnh phúc
Bòn gio đãi sạn lấy niềm vui
Gom mải miết những đồng tiền cay cực
Để nụ tình yêu lặng lẽ rơi.(!)

Nền đất ấy, tự khi nào mối đến
Nhẩn nha thăm, ruỗng móng cột nhà?
Ai cứ bảo bê tông, gạch đá
Mưa dầm, ngầm xoáy chẳng phôi pha.

Nền đã ruỗng, cách gì ngăn được lún
Bàng hoàng trông vết rạn xé tường cao
Đêm lén lút che mành ta vá víu
Tưởng rằng êm, có thọ là bao?
Chẳng lẽ phá d­ựng lại nhà lá cũ
Căn hộ âm u, phơ phất rêu phong
Mơ sống lại tiếng thầm thì náo nức
Trắng đêm dài khắc khoải chờ mong
-Ai, có thể dòng sông, hai lần uống
 Biết sao không gìn giữ, chút chăm ?


* Tên bản, cũng là tên xã thuộc huyện Thuận Châu, nơi người viết bị tai nạn năm 2005
 Tiếng Thái Mường É, nghĩa là Mường Muốn

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

MỘT CHỮ, NỬA THẾ KỶ TRANH CÃI

(Không Văn nghệ công an)- Tiếp theo
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã đề nghị đổi chữ "thu thanh" thành "trang thanh" (tiếng đóng cọc), nhằm đối "chỉnh hơn" với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm) của vế thứ nhất. Chữ "trang thanh", về mặt nghĩa còn dụng ý nhắc lại dư âm trận chiến đóng cọc gỗ tiêu diệt đạo đại thủy binh Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại Vương. Tiếp đó, trong bài viết đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1987, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân cũng dè dặt hoài nghi chữ "thu thanh" và đưa ra đề nghị "đính chính" bằng chữ "thung thanh", cũng có  nghĩa là "âm vang cây cọc". Ông cho rằng đôi câu đối, khi được khắc lên cổng đền đã bị ghi nhầm chữ "thung" ra chữ "thu". Lập luận chính của Nguyễn Quảng Tuân là: "Chữ "kiếm" đối với chữ "thung" chỉnh hơn là với chữ "thu", vì "kiếm" và "thung" đều là vật "cụ thể", còn "thu" chỉ là "trừu tượng" mà thôi". Ngoài ra, về âm đọc, chữ này được đọc bằng hai âm, đọc "thung" thì có nghĩa là đánh đập, đọc là "chang" thì có có nghĩa là cái cọc. Do đó, trong bài viết, Nguyễn Quảng Tuân đề xuất chọn cách đọc thành "chang thanh", sửa đôi câu đối thành:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất chang thanh
Bức xúc và gay gắt hơn, giữa năm 1995, trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Xứng đã thẳng thắn đề nghị "đục bỏ đôi câu đối của Vũ Phạm Hàm trên cổng đền Kiếp Bạc, ngõ hầu tránh được một sai lầm đáng tiếc". Lập luận mà ông đưa ra là "đoán rằng Thám Hoa Vũ Phạm Hàm thì không sai, nhưng khi đọc cho thợ ngõa đắp chữ lên cổng đền, người thợ có thể đã nghe sai". Chữ dùng đúng, theo ông chỉ là một trong hai, hoặc là "thung thanh", hoặc là "trang thanh", đều hàm nghĩa "âm vang cọc gỗ". Do gần giống về mặt âm, có thể người thợ đắp chữ đã nghe nhầm nên đắp chữ "trang", hoặc chữ "thung" thành chữ "thu", vừa không chỉnh đối, vừa rất… lạc nghĩa. Lập luận "nghe nhầm" này, trước đó đã được đưa ra bởi một bậc thức giả khác là Giản Chi. Ông cho rằng: "Nếu là "thu thanh" thì sông nào chẳng có "tiếng thu" khi gặp gió lớn sóng to. Nếu là "thung thanh" thì chỉ có sông Bạch Đằng (Lục Đầu) mới có tiếng đóng cọc mà thôi" (chỉ  sự kiện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 939 và Trần Hưng Đạo đại phá Nguyên Mông năm 1288). Vả chăng, hai chữ  "thung thanh" cũng không hoàn toàn do những người có ý kiến bài xích chữ "thu thanh" sau này tự nghĩ ra. Nó đã đã được tìm thấy trong bài văn tế bằng chữ Hán vẫn thường đọc ở các đền thờ Trần Hưng Đạo vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hằng năm:
Sinh tiền bất hủ chi tâm, giang thung thu ngật,
Tủ Hậu lẫm như chi khí, hạp kiếm lôi minh.
Dịch nghĩa:
Khi còn sống, trái tim bất hủ, cọc giữa dòng sừng sững dưới trời thu.
Lúc đã mất rồi, lẫm liệt khí thiêng, kiếm trong tráp khua vang như sấm dậy.
Nhưng ý kiến chọn chữ "trang", chữ "thung" thay cho chữ "thu" lại được rất  nhiều người ủng hộ, trong đó có học giả An Chi với bài trả lời, giải thích cho độc giả in trên Tạp chí Kiến thức thức ngày nay vào cùng năm 1995, được in lại trong sách "Chuyện Đông chuyện Tây" tái bản nhiều lần.
Xem ra, phái ủng hộ "thung thanh" (hoặc "trang thanh") và "chê" chữ "thu thanh", hơn nửa thế kỷ qua quy tụ toàn những bậc thức giả tên tuổi lẫy lừng. Trong khi đó, phái cương quyết giữ lại chữ "thu thanh", tuy cũng quy tụ không ít tên tuổi, song tiếng nói bảo vệ và phản bác đều có vẻ yếu ớt, mơ hồ  và ít thuyết phục hơn. Những phát biểu này thường đơn lẻ và chỉ dừng lại ở mức "bàn", chưa thật sự đưa ra được nhiều lập luận thuyết phục một cách có hệ thống. PGS - TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đánh giá rằng nếu dùng chữ "thung thanh" thay cho  thu thanh
Năm 1995, trong bài "Trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Hữu Xứng" đăng trên Báo Văn nghệ, chúng tôi cũng đã đề cập đến và giải thích khá kỹ lưỡng điển cố "thu thanh" rút từ "Thu thanh phú" của Âu Dương Tu (1007-1072).
Chúng tôi cho rằng, dù sắc bén đến mấy, tác giả Hoàng Hữu Xứng (người gay gắt và bức xúc hơn cả) vẫn chưa chính xác khi dùng chữ "đoán rằng" trong một lập luận nghiên cứu. Việc "nghe nhầm", hiểu sai ý Vũ Phạm Hàm của người thợ ngõa mà dẫn đến đắp sai đôi câu đối, theo chúng tôi hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, rất có thể, người thợ không nhất thiết phải biết chữ. Họ chỉ việc ngõa chữ theo văn bản đã được Vũ Phạm Hàm hay bậc túc nho văn hay chữ đẹp nào đó viết chữ sẵn, không cần biết mình đang khắc, ngõa chữ gì. Mặt khác, nôm na thì công trình nào cũng phải có nghiệm thu. Nếu người thợ khắc, ngõa chữ có nghe nhầm chữ "thung" thành chữ "thu" thì hẳn sau đó, khi nghiệm thu, sai sót này đã được phát hiện và sửa chữa. Sai sót đó không có lý do để tồn tại thêm hơn 100 năm. Như vậy, nếu chữ "thu thanh" đã tồn tại trên đôi câu đối trước đền Kiếp Bạc, trước án thờ đền Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh, thì đích thực đó là chữ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm với đầy đủ sự chính xác của nó.
Trong phần đầu bài "Thu thanh phú", Âu Dương Tu mô tả: "Dị tai! Sơ tích lịch dĩ tiêu táp, hốt bôn đằng nhi phanh vi; như ba đào dạ kinh, phong vũ sậu chí; kỳ xúc ư vật dã, thung thung tranh tranh, kim thiết giai minh; hựu như phó địch chi binh, hàm mai tật tẩu, bất văn hiệu lệnh, đãn văn nhân mã chi hành thanh".
Trần Trọng San dịch: "Lạ thay! Lúc đầu rì rầm, vi vu, rồi chợt sầm sập, mạnh mẽ, như sóng nước kinh động ban đêm, gió mưa thổi đến thình lình, chạm vào vật leng keng, loảng xoảng, tiếng vàng, tiếng sắt kêu vang, lại như đoàn quân tiến đến hàng ngũ địch, ngậm tăm chạy mau, không nghe thấy hiệu lệnh, chỉ nghe thấy tiếng người, ngựa đi".
Nghe những âm thanh đó, Âu Dương Tu chợt hiểu ra: "Dư viết: "Y hy! Bi tai! Thử thu thanh dã, hồ vi hồ lai tai! Tôi (Âu Dương Tu) nói rằng: "Than ôi! Thương thay! Đó là tiếng thu, sao lại vọng đến đây". Ở đoạn giữa bài Phú, Âu Dương Tu giải thích: "Phù thu, hình quan dã, ư thì vi âm; hựu binh tượng dã, ư hành vi kim. Thị vị thiên địa chi nghĩa khí, thường dĩ túc sát nhi vi tâm". Trần Trọng San dịch: "Thu là hình quan, nói về bốn mùa là âm; lại là binh tượng, nói về năm hành là kim. Đó là cái nghĩa khí của trời đất, thường lấy sự giết hại làm lòng".
Chúng tôi nghĩ rằng, vậy là đã rõ, chữ "thu thanh" không chỉ hiểu đơn thuần là "tiếng mùa thu", nhẹ và lạc nghĩa rất xa so với "hơi gươm kiếm". Trong cách luận của Âu Dương Tu thì "thu binh thỉ dã" (mùa thu tức là mùa binh vậy), chữ "thu thanh" điển cố rút từ "Thu thanh phú" cần được hiểu là "tiếng đao binh", đối rất sát với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm). Với một bậc đại khoa như Vũ Phạm Hàm, việc sử dụng nhuần nhuyễn một điển cố như chữ "thu thanh", hẳn nhiên không phải là quá khó, cũng không hề là việc xa lạ.
"Hơi gươm kiếm" đối với "tiếng đao binh", chữ nghĩa quá tuyệt vời. Một đôi câu đối đã tồn tại hơn trăm năm, đã góp phần tạo thêm một nét cảm thức dân tộc, thiết nghĩ không nhất thiết phải tốn giấy mực tranh luận, lại càng không nên vì sự suy diễn, phỏng đoán mà thay đổi hay đục bỏ. Đó cũng là cách "ngõ hầu tránh một sai lầm đáng tiếc" cho hậu thế vậy!

MỘT CHỮ, NỬA THẾ KỶ TRANH CÃI

( Nguồn: Văn nghệ công an) (?)
Trong tâm thức người Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành bậc hiển thánh, được lập đền thờ nhiều nơi. Sớm nhất phải kế đến đền Kiếp Bạc ở xã Vạn Kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy. Đền được xây dựng từ năm 1300, ngay sau khi Trần Hưng Đạo tạ thế.
Đến những năm đầu thế kỷ XX, hai bên cổng đền có khắc thêm đôi câu đối:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Dịch nghĩa;
Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm
Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh
Đôi câu đối này cũng đồng thời được khắc trước đền thờ Trần Hưng Đạo tại số 36, đường Võ Thị Sáu, Q.I, TP Hồ Chí Minh. Tác giả của đôi câu đối là Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, đậu Thám Hoa nhưng thực chất là Thủ khoa (Đình Nguyên), giành học vị đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ khoa thi Đình đời vua Thành Thái năm thứ tư (năm 1892, khoa thi này không lấy Trạng Nguyên và Bảng Nhãn). Đỗ đồng khoa, xếp danh liền sau Vũ Phạm Hàm là Nguyễn Thượng Hiền, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Chu Mạnh Trinh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Từ khi ra đời đến nay, đôi câu đối của bậc đại khoa vẫn được đánh giá là "ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược, còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn".
Thế nhưng, trong hơn nửa thế kỷ, kéo dài cho đến tận hôm nay, chữ "thu thanh" trong vế đối thứ hai vẫn là nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.
( còn tiếp)