Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Bạn học của thầy giáo

             Nay vào trang Nguyễn Trọng Tạo, đọc 2 bài của Trần Mạnh Hảo. Một bài viết về nhà văn nổi tiếng thời "cởi trói" Lê Lựu, và một bài về người thầy dạy Văn thời phổ thông- Cụ Trương Tham! Bỗng nhớ thầy giáo mình, cũng từ lò ĐHSP Vinh  62-63 gì đó; và hình như trong nhật ký thơ của thầy có nhắc đến tên cụ ; Vội vàng lục tìm, đúng là có tên, song để chắc chắn, mình điện hỏi thầy, đúng như vậy!
             Kính cụ giáo Trương đã nhẹ cánh hạc về bồng lai, xin được thắp nén tâm hương bái vọng!
             Xin dow một vài bài viết về để thầy giáo mình ghé hiên trà, biết tin về người bạn đồng môn, đồng nghiệp./.
Posted on 27.04.2012 by nguyentrongtao





 
i

2 Votes
TRẦN MẠNH HẢO
Báo Bình Định online sáng 25/04/2012 đưa tin về việc thầy Trương Tham – nhà giáo ưu tú, nhà phê bình văn học, Hội viên Hội văn nghệ tỉnh Bình Định vừa từ trần lúc 15 h 53’ ngày 24/04/2012, tức ngày 04/ 04 năm Nhâm Thìn tại bệnh viện Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, viết như sau: 
“Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Trương Tham đã từ trần vào chiều 24.4. Trong cuộc đời dạy học, ông đã góp phần đào tạo rất nhiều học sinh xuất sắc. Trong thời gian giảng dạy tại Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), ông đã đào tạo 126 học sinh giỏi cấp tỉnh, 30 học sinh giỏi cấp quốc gia. Là người hiếm hoi làm công tác phê bình văn học ở tỉnh ta, ông đã cho ra đời 2 tập sách “Cảm nhận và Bình thơ” (NXB Văn hóa Thông tin, 2005), “Thơ và Bình thơ” (NXB Hội Nhà văn, 2009)…”
Bác sĩ Hồ Hải, một blog nổi tiếng đã viết về thầy Trương Tham như sau :
“…Cái đặc biệt thứ ba, mà cả nước ai cũng biết từ cái ngày trước 30/4/1975 ở miền Bắc, đến sau này về trường Trưng Vương, Quy Nhơn, thầy là một người dạy văn đến hốt hồn học trò”
Nhà văn trẻ Lê Hoài Lương, tác giả của nhiều truyện ngắn xuất sắc, học trò thầy Trương Tham ( vừa được kết nạp vào Hội nhà văn VN), trong bài “ Vĩnh biệt thầy Trương Tham, trên báo Bình Định đã viết rất đúng : “trong lòng các thế hệ học trò, thầy Trương Tham sừng sững một tượng đài.”
Người viết bài này (TMH) cách nay gần ngót 50 năm trước vốn là học trò thầy Trương Tham, nhờ công ơn thầy (và thầy Lê Văn Trạm hiệu trưởng trường cấp 3 Nghĩa Hưng, Nam Định) khai tâm về văn học, mới nên người hôm nay. Nhớ dáng thầy thanh mảnh vừa bước vào lớp đã tươi cười chào học trò bằng giọng Bình Định êm ru tiếng sóng biển và ngay lập tức, thầy đọc thơ…Cả lớp vỗ tay như sấm sau khi thầy nói mấy lời về học văn; rằng, học văn không chỉ bằng bộ óc mà phần lớn là học bằng trái tim, học bằng tâm hồn; rằng nhiệm vụ của thầy năm học này không chỉ là truyền thụ kiến thức mà phần chính là làm cho các em phải yêu, phải say văn học. Không có tình yêu mãnh liệt, không thể học nổi môn văn. Rằng, nếu không có thầm mỹ văn chương, các em không thể có thẩm mỹ về văn hóa nói chung…Chỉ trong một giờ đầu khai tâm về văn học, thầy Trương Tham đã hút hồn cả lớp chúng tôi. Trên bục giảng, thầy vừa là một nhà khoa học, một nhà sư phạm, đồng thời là một nghệ sĩ . Ngay từ tiết đầu, thầy đã cử tôi ( TMH) làm cán sự môn văn…
Khi dạy văn, thầy Trương Tham thường không coi giáo án, thầy giảng say mê như lên đồng, như phù thủy , thầy bùa chú học sinh khiến không học trò nào nói chuyện riêng. Từ dáng điệu, giọng nói, nét cười, cách ghi phấn bảng, cách thầy đi lại trên bục giảng và đi lui đi tới hầu như đều hòa điệu với nội dung bài giảng. Tôi đã từng được học các thầy dạy văn giỏi nhất tỉnh Nam Định ( lò dạy văn Nam Định lúc đó đứng đầu toàn miền Bắc) nửa thế kỷ trước khi đi bồi dưỡng học sinh giỏi văn toàn tỉnh để thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc từ cấp hai đến cấp ba, nhưng chưa có thầy nào giảng văn rất nghệ sĩ và cũng rất khoa học như thầy Trương Tham. Thầy Trương Tham cho học sinh tự do trong cảm thụ văn học, từ do ngay trong khi làm bài luận văn. Có lần thầy ra đề thi về nhà làm, tôi đã viết bài luận văn toàn bằng thơ, thầy vẫn cho điểm 05 là điểm cao nhất thời đó.
Khi thầy trò quen thân nhau rồi, thầy Tham cho tôi mượn sách, trong đó có cả cuốn “ quốc cấm- phản động” là cuốn : “Thi nhân ViệtNam” của Hoài Thanh-Hoài Chân. Thời đó, những quan niệm văn học ấu trĩ tả khuynh đang thống trị đất nước và văn đàn. Thơ Mới ( 1930 -1945), những kiệt tác của nền văn học dân tộc bị coi là thơ lãng mạn, đồi trụy. Khi trao cho học trò cuốn sách “ phản động “ này, thầy coi như đánh cược cả đời mình : nếu học trò phản bội thầy, đưa tập sách này lên ban giám hiệu, thầy Tham không chỉ bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục, mà có khi còn bị công an làm khó dễ. Tôi đã thức trắng đêm để chép hết cuốn “ Thi nhân Việt Nam” để trả lại thầy và giấu biến cuốn sách lớn là những bài thơ hay nhất của nền Thơ Mới như giấu một quả bom nguyên tử.
Năm học với thầy Tham, tôi đã thuộc lòng các bài thơ chính yếu làm nên nền Thơ Mới qua sự chọn lựa và bình chú của Hoài Thanh, đọc gần hết các giáo trình văn học của Đại học sư phạm Vinh nơi thầy Tham vừa ra trường, nâng chiều kích tâm hồn một học trò lên cùng với những áng văn thơ hay nhất của văn chương trong nước và quốc tế.Trong cuộc đời làm văn chương của mình, quả thực thầy Tham là thầy giáo dạy vỡ lòng cho tôi về văn học, là ngọn lửa đầu tiên thắp lên ánh sáng trong tâm hồn tối tăm mù chữ của tôi. Không có thầy Trương Tham, cuộc đời tôi chắc không rẽ vào nẻo văn chương như hôm nay.
Ngay từ khi bước chân vào lớp dạy văn cho chúng tôi, thầy Tham đã nêu một chuẩn mực hiếm có : thầy dạy các em và rồi thầy cũng sẽ được các em dạy lại. Sau này, khi đã trưởng thành, thông qua nhiều lần thầy trò trao đổi bằng thư tín và điện thoại, tôi mới hiểu điều thầy nói là hiện thực. Qúy hiếm thay một nhà giáo dạy văn hay và giỏi vào hàng nhất nước, vào hàng xưa nay hiếm có như thầy Trương Tham, lại biết tìm học cả những học trò bé nhỏ của mình. Tinh thần khiêm tốn học hỏi của thầy là vô tận, nên kiến thức của thầy thật uyên bác.
GS.TS Trần Đăng Suyền ( hiện là ủy viên hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương), học sau chúng tôi mấy khóa, vốn là học trò cưng của thầy Trương Tham từ trường cấp 3 Mỹ Lộc, Nam Định, mỗi lần anh em gặp nhau, Suyền đều giành thời gian để nhắc về người thầy kính yêu thuở cấp 3; rằng theo Suyền thầy Tham là thầy dạy văn giỏi vào hàng số một Việt Nam; cho đến hôm nay, khi đã đứng trên bục dạy đại học nhiều năm, mỗi lần gặp thầy,  Suyền vẫn học ở thầy Tham nhiều điều mới lạ không chỉ kiến thức văn học.
Bây giờ, học trò thầy đã có hàng trăm người thành danh ở nhiều lĩnh vực trên khắp đất nước. Thầy vẫn sống cô đơn, một thân một mình, tập trung tinh thần và sức lực cho việc giảng dạy học sinh giỏi văn tỉnh Bình Định, dù thầy đã về hưu từ lâu.
Thầy Tham sinh trưởng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định bên dòng sông Kim Sơn thơ mộng. Cha thầy là một trí thức lớn đã tham gia cách mạng từ sớm và đưa thầy ra tập kết ngoài Bắc. Cụ thân sinh của thầy là cán bộ cao cấp đi B và đã hi sinh tại chiến trường Bình Định thời chống Mỹ. Hai em gái của thầy cũng đã hi sinh tại quê hương trong thời quân Pắc Chung Hi càn quyét huyện Hoài Ân. Khi trở về quê hương dạy học tại trường cấp 3 Trưng Vương, Quy Nhơn, thầy Tham không còn ai là ruột thịt. Nhiều lúc buồn vì thế sự đảo điên, vì bọn tham nhũng đang thống trị đất nước, thầy Tham nói qua điện thoại : “ Thế này thì máu của cha thầy, của hai em gái thầy, của hàng triệu người đã đổ ra ….chẳng uổng phí lắm sao ?”
Giờ đây thầy Tham đã trở về bên kia cõi tồn tại để đoàn tụ với cha mẹ và hai em gái của thầy. Thay mặt những học trò thầy Tham ở xa không về đưa tiễn thầy được, tôi xin cám ơn thầy Đào Phú Hùng hiệu trưởng trường trung học Trưng Vương Quy Nhơn Bình Định, cám ơn cô Nguyễn Thị Phương Minh hiệu phó nhà trường (người đã nhận thầy Tham làm cha nuôi và thầy cũng nhận cô Phương Minh là con nuôi), cám ơn thầy Đỗ Kim Hảo (tổ trưởng tổ văn) và cám ơn các thầy cô của trường, cám ơn các bạn, các em học trò thầy Tham đã hết lòng chăm sóc thầy ở bệnh viện, lại dốc hết sức lo tang lễ cho thầy.
Qua trang tìm kiếm http://www.google.com/, từ Sài Gòn, tôi vẫn thấy cảnh tang lễ thầy Tham trong nhà tang lễ bệnh viện Quy Nhơn do các bạn đưa hình ảnh lên youtube, thấy bạn Phạm Đức Minh (em kết nghĩa của thầy Tham, bạn thân của người viết bài này vào đưa tang thầy từ Hà Nội), thấy cô Nguyễn Thị Phương Minh con gái nuôi của thầy và thấy các thầy cô, các bạn, các em đứng bên quan tài của thầy Tham. Bốn giờ chiều mai (ngày 27/04/2012) thầy sẽ được an táng trong nghĩa địa Phật giáo Quy Nhơn dưới bóng bức tượng ngài Địa Tạng, phía Khu Sáu, gần Ghềnh Ráng, nơi có mộ của thi hào Hàn Mặc Tử.
Đối với người viết bài này, xin có lời cuối thưa với thầy Trương Tham: giờ thì thầy và đứa con mới mấy tháng tuổi của em đã nằm chung trong một nghĩa địa. Cám ơn thầy đã xây mộ cho cháu và mỗi năm mấy lần ra thăm mộ cháu, còn khắc cho cháu tấm bia để ghi tên cháu trên mặt đất: Trần Kim Mạnh. Cầu mong hai ông cháu được đoàn tụ nơi Niết Bàn.
Vĩnh biệt thầy Trương Tham, một người thầy lớn, một nhà giáo dục lớn, một tình yêu lớn với nghề sư phạm và văn chương. Khi nào các em các cháu ViệtNamta còn chán học môn văn như ngày hôm nay thì ngày ấy đất nước sẽ gần tới thảm họa. Cầu mong tinh thần dạy văn bằng cả tâm hồn nghệ sĩ của thầy Trương Tham sẽ sống lại, góp phần phục hưng môn văn trong nhà trường, cũng là một cách góp phần phục hưng đất nước đau khổ và đầy hệ lụy này.
Học trò cũ của thầy, đưa em kết nghĩa của thầy vĩnh biệt thầy.,.
Sài Gòn ngày 26-04-2012

4/18/2012 09:53:00 CH  Tech News   0
Thời phổ thông trung học của thế hệ mình là thời mà được học cả hai luồng giáo dục từ những người thầy/cô từ ở miền Bắc du nhập vào, và những thầy/cô còn lại ở miền Nam. Tuy vậy, ở họ, là những người thầy/cô đa phần rất giỏi và thánh thiện trong nghề nghiệp. Một trong những người đó là thầy Trương Tham. Ông trở lại quê nhà từ là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với nghiệp dạy văn ở phổ thông.

Mình chỉ học với thầy có đúng 2 tiết giảng văn lớp 12, khi thầy thay cô giáo chủ nhiệm, đồng thời là cô dạy văn cho lớp mình bị ốm. Nhưng là cựu học sinh trung học Trưng Vương sau 30/4/1975, nên mỗi ngày đến trường đều thấy thầy dắt con chó kiểng đi làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, với cái dáng gầy nhỏ thó, và trên môi điếu thuốc rê thè ra với chiếc lưỡi, để khói không xông vào mắt dưới lớp kiếng lão dày trể xuống, và mắt nhướng lên để nhìn. Hình ảnh hút thuốc rê của thầy làm thế hệ học trò bọn mình ngày ấy gọi thầy với cái biệt danh trại đi là thầy "Ngó Thèm" chứ không gọi là thầy Trương Tham.


Thầy có 4 cái đặt biệt, cái đặc biệt đầu tiên là vốn quý như ngàn vàng, là suốt đời vì sự nghiệp giáo dục vô vụ lợi, nên về hưu rồi, nhưng thầy vẫn trắng tay và ở nhờ căn phòng cuối dãy mặt tiền trường, ở tầng 3, bên tay trái từ 37 năm qua.

Cái đặt biệt thứ hai của thầy là đời thầy cô độc, không vợ, không con. Bạn của thầy là những con vật gần gủi với con người, chó, mèo. Bao thế hệ học trò và thầy giáo cứ đi qua ngôi trường nhìn ra biển Quy Nhơn này, nhưng chỉ còn lại những con vật này là bạn của thầy.

Cái đặc biệt thứ ba, mà cả nước ai cũng biết từ cái ngày trước 30/4/1975 ở miền Bắc, đến sau này về trường Trưng Vương, Quy Nhơn, thầy là một người dạy văn hay đến hốt hồn học trò. Nhưng cũng lắm những lời mỉa mai chua cay cho những học sinh nào học thầy mà không viết nổi câu văn ra hồn.

Cuối cùng là, nghiện thuốc lá hạng nặng, nghe bảo mỗi ngày phải 3 gói. Chính cái đặc biệt này mà hôm nay có lý do để viết.

Bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease:COPD) là hậu quả của nhiều nguyên nhân mà, nguyên nhân hàng đầu là do thuốc lá. Thuốc lá sẽ làm xơ chai các túi khí trong phổi - phế nang - nơi là hàng rào trao đổi oxy cho máu. Hậu quả của xơ chai này làm cho các túi khí giảm tính đàn hồi, và đi đến mất tính đàn hồi.

Khi ta thở vào không khí vào khí quản rồi đến phế quản và vào đầy phế nang. Nó làm cho phế nang nở ra cũng là lúc 2 lá phổi nở căng, làm khung sườn dãn ra và nhô lên, 2 cơ hoành hạ xuống khoang bụng. Lúc đó là lúc oxy từ không khí đi qua lớp tế bào nội mạc của phế nang và mao mạch để gắn với Hemoglobin của hồng cầu và thải ra khí carbonic, biến máu đen thành máu đỏ.

Hết nửa chu kỳ thở vào là đến nửa chu kỳ thở ra. Lúc ấy, không khí mang khí carbonic đi ngược dòng từ phế nang ra ngoài. Cũng là lúc phế nang co lại, và 2 lá phổi xẹp xuống, lồng ngực hạ xuống, và 2 cơ hoành nâng lên khoang ngực.

Nhịp thở cứ đều đều, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhu cầu oxy của cơ thể dưới sự chỉ huy của một trung tâm hô hấp nằm ở hành tủy của hệ thần kinh trung ương đảm nhiệm, bằng một áp lực mà không gắng sức.

Nhưng khi bị bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính thì, khi người bệnh hít vào mà phế nang không chịu nở ra do mất tính đàn hồi. Cũng vậy, khi người bệnh thở ra thì phế nang lại không chịu co lại. Nên có phổ mà cũng như không. Thế là người bệnh buộc phải gắng sức để hít vào, và thở ra. Công việc hít thở bình thường lâu nay là một việc làm cho con người ta khoan khoái, thì đối với người bệnh loại này, lại trở thành như việc phải thở mà có 1 bao tải năng đè lên ngực. Nhưng không phải đè ở bên ngoài ngực, mà là đè ở bên trong lồng ngực, vì hít vào hay thở ra lồng ngực cứ trơ ra không dãn nở hay co lại. Lúc ấy buộc phải nhờ máy thở dùm bằng áp lực dương.

Có nghĩa là người bệnh này sẽ bị chết ngộp ở trên cạn, nếu không được trợ lực cho việc thở bằng máy cơ học. Không có cái chết nào kinh khủng hơn cái chết do COPD, vì người bệnh chết mà vẫn tỉnh táo, do mọi cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động tốt, nhưng vì không tự thở được. Thầy Trương Tham đang bị mắc phải chứng bệnh này nhiều năm nay do thuốc lá. Nhưng khoảng 1 tháng nay thầy bị vào những cơn cấp tính.

16h chiều nay có một giảng viên ở trường đại học Quy Nhơn gọi khẩn vào để hỏi mình cho ý kiến có nên chuyển thầy vào Sài Gòn điều trị không? Vì hiện thầy đang phải mở khí quản và thở máy. Thầy vẫn tỉnh táo, hồng hào, nhưng từ khi nhập viện cách nay 1 tháng đến giờ từ lúc tự thở được, đến bây giờ phải thở nhờ máy đã 3 hôm. Tức tình hình ngày càng xấu đi.

Học trò và đồng nghiệp đang lo lắng cho thầy, và họ hy vọng đem vào Sài Gòn sẽ tốt hơn. Mình chỉ trả lời là, vấn đề của thầy chủ yếu là điều trị cái nguyên nhân đẩy một bệnh lý mạn tính đi vào cấp tính và trợ giúp máy thở. Dù có đem qua Mỹ cũng thế thôi. Ở đâu có máy thở và có người chăm sóc tốt thì ở đó tốt hơn. Nhưng vấn đề quan trọng là, làm sao tránh tình trạng nghiện máy thở do dùng thời gian dài, mà chưa cắt được nguyên nhân thúc đẩy vào cơn cấp. Nếu không thì tiên lượng ngặt nghèo vì bội nhiễm và vì nghiện máy thở như nghiện xì ke. Nên cuối cùng mọi người cũng yên tâm để thầy ở lại điều trị.

Viết bài này chỉ cốt để thông báo cho những ai đã từng là học trò của thầy được biết, hòng đến thăm thầy, kẻ ít lòng nhiều trợ giúp thầy trong lúc neo đơn. Dù hiện nay có 3 học trò theo nghiệp văn đã thay nhau mỗi người 2 ngày túc trực bên thầy. cũng rất chu đáo và đầy tình nghĩa.

Asia Clinic, 19h00' ngày thứ Tư, 18/4/2012

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Những câu thơ được thả lên trời xuân Nhâm Thìn

 NGÀY HỘI THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ CHÍN
 Nguyên Tiêu năm Tân Mão (17/2/2011)
        50 câu thơ được tôn vinh( thả lên trời) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nôi.
Nguồn:Báo Văn nghệ số 9 ngày 26/2/2011
   
 TT
NHỮNG CÂU THƠ ĐƯỢC TUYỂN CHỌN 
TÁC GIẢ
1
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác Hồ Chí Minh
TỐ HỮU
 2
Vần thơ của Bác vần thơ thép 
 Mà vẫn mênh mông bát ngát tình
HOÀNG TRUNG THÔNG
 3
Mặt trời lặn mặt trời mang theo nắng
Bác ra đi để ánh sáng cho đời
PHAM TIẾN DUẬT
 4
Cao hơn cả trường tồn cuộc sống
Hồ Chí Minh tên người là cả một niềm thơ
FELIX PITA RODRINGHET
 5
Hoa rơi có ý gì đây
Phất phơ theo gió bám đầy áo ai
LÊ THÁNH TÔNG
 6
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
TỪ ĐẠO HẠNH
 7
Hoa cũng tiếc phải tàn
Nên chưa bông nào nở
NGUYỄN KHUYẾN
 8
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc buồn tanh lại cười
NGUYỄN CÔNG TRỨ
 9
Chín suối bao giờ quên lịch sử
Nghìn thu chưa dễ thác linh hồn 
 PHAN BỘI CHÂU
10 
Phút nũa khắc muôn nghìn sầu thảm
Trong một mình bảy tám biệt ly 
 CAO BÁ NHẠ
 11
Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi 
 ANH THƠ
 12
Anh xa em mới biết nói thầm 
 HOÀNG CẦM
13 
Có khi nắng chết trong màu lá
Mẹ nhặt về nhen ngọn lửa chiều 
NGUYỄN TRỌNG TẠO 
14 
Em xa vời thảng thốt một làn mây 
 VIỆT PHƯƠNG
15 
Có ông lão buông cần tre lặng lẽ
Câu suốt mùa thu hóa tượng buồn 
 NGUYỄN ĐỨC MẬU
16
Lang thang mây trắng xứ Đoài
Chưa ra khỏi ngõ đã vài trăm năm
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
17
Nâng lên sóng biển xô vào chén
Đặt xuống thì trăng lại rót đầy
NGUYỄN NGỌC OÁNH
18
Mỗi người một câu hỏi
Đi mang mang trong đời
TRẦN NHUẬN MINH
19
Aó xanh bên kia phố
Gửi mùi hương cốm sang
THANH QUẾ
20
Đám mây màu thiếu nữ
Trôi ngang mình hai ta
THI HOÀNG
21
Muốn làm làn mây trắng
Bay cho chiều bình yên
TRẦN ĐĂNG KHOA
22
Cảm thương chiếc lá bay theo gió
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm
QUÁCH TẤN
23
Lối mòn khuất khuất khói mây
Tiếng cây nho nhỏ tán cây buồn buồn
NGUYỄN THANH MỪNG
24
Không phải củi mà anh cháy như rừng
NGUYỄN THỤY KHA
25
Có chàng trai trẻ hiền như đất
Mùa hạ tưing bừng thương núi sông
CHÍNH HỮU
26
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
TRÚC THÔNG
27
Sắc chàm tôi gặp trên đường
Ngỡ như gửi cả rẫy nương lên đồi
NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
28
Em đi nhé bóng em lồng bóng biển
Bài thơ tình anh đến ngủ trên vai
XUÂN HOÀNG
29
Em nấu bếp nhìn anh trong mắt ướt
Thế là chiều Hà Nội bớt lang thang
TRẦN QUANG QUÝ
30
Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm
ĐỒNG ĐỨC BỐN
31
Tôi như thể người say đến nỗi
Mặt trời kia lại ngỡ mặt trăng đầy
NGUYỄN HOA
32
Tuổi dễ yêu dễ hờn giận qua rồi
Ngày ngắn lại vui buồn như đá khắc 
Ý NHI 
33
 Người thì nữa tỉnh nữa say
Nữa lo giá chợ nữa ngây vì tình
NGUYỄN THỊ HỒNG 
34
Ta chỉ là chàng trai của núi
Ta chỉ biết nói lời cho quả sai 
 DƯƠNG THUẤN
35
 Thơ ấu chạy trên cánh đồng tím nhạt
Giữa nước nôi giữa bờ cỏ đẫm sương
DƯƠNG KIỀU MINH 
36
Tôi muốn vớt lặng thầm lên ngắm lại
Những câu thơ lửa cháy thưở ban đầu 
 LÊ THÀNH NGHỊ
37
Người khách cuối cùng trên sân ga vắng
Chỉ còn anh và trăng là hai kẻ xuống tàu 
 NGUYỄN VIỆT CHIẾN
38
Lên cao càng thấy trời cao
Khổ đau mới biết đồng bào khổ đau 
 TRƯƠNG QUANG ĐƯỢC
39
Bạn đi để lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ nuí lạnh mười ngón tay 
TRẦN NGỌC TUẤN 
40
Lòng như đất nặng thầm mơ dấu guốc
 Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về
THẠCH QUỲ 
41
 Chợ chiều nghiêng trĩu bóng em
Mùa đông bày bán một thềm lá rơi
 NGUYỄN BẢO CHÂN
42
Em tiển cái nhìn đau cả gió
Chiều chớp đầy anh...mắt lá răm
TRƯƠNG NAM HƯƠNG
43
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau mưa cũng nghen
VÂN LONG
44
Ta khuya với bóng đền đài
Tưởng như tuổi đã ra ngoài thời gian
NGÔ MINH
45
Khi ra đi có cái gì luyến tiếc
Không được cầm mưa như hành lý để chia tay
HẢI BẰNG
46
Tình duyên chiếc lá giữa trời
Hôm nay rụng xuống mai chồi mọc lên
LÊ QUÔC HÂN
47
Ta sợ đêm đi mất
Cầm trăng mà đợi chờ
NGUYỄN VĂN HIẾU
48
Mưa mấy mùa- mây mấy độ thu
Vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng
LÊ ĐẠT
49
Con đường đến với người yêu
Giật mình chợt thậy rất nhiều ngã ba
VŨ DUY THÔNG
50
Đám mây như chiếc khăn màu
Bay hồng cả nỗi nhớ nhau lưng đèo
HOÀNG VIỆT HẰNG