Năm 1988, từ quê lên thăm Vinh, em ruột mới vào coi kho lương thực bản Tả ( Chiềng Hoa) không gặp, mình theo cô giáo Lợi về điểm trường bản Áng chơi, hôm sau mới về lại chỗ Vinh, thì được biết bọn các chú ấy hôm qua lên Mèo, chiều muộn mới về.
Vinh chỉ lên dãy núi cao mờ xa có vầng mây trắng lởn vởn: Một cảm giác xa ngái ...
Tối hôm ấy, mình được bọn các chú ấy " cho vào đời" bằng 2 pi thuốc phiện. ( Hồi ấy, thuốc phiện còn được khuyến khích trồng để bán cho dược phẩm, trừ nghĩa vụ thuế nông nghiệp) Lậy giời đất! May sao chỉ thấy thơm, không thấy ngon gì cả, chứ không thì khéo đã bập...!!!
......
Năm 1998 cùng Sơn Cơ khí đi bộ xuyên rừng 3 xã vùng cao Mường La: Chiềng ( Muôn, Ân , Công, ) để triển khai kế hoạch thi công các nhà lớp học lắp ghép theo chương trình 135 CP, để lại trong mình sự rung cảm rất xót xa về Cuộc sống khắc nghiệt nơi rừng sâu núi thẳm...
Mãi gần đây lại nghe nói đến họ, nhưng với tâm thế khác.
Thôi cứ viết, dưới dạng Truyện ký miễn là lòng mình hướng thiện
Đục trong gì, xin các bạn cứ thẳng lòng chỉ bảo
GIÓ
VỀ NƠI RỪNG THẲM
Pàng!
Tiếng
súng nổ vang, đập vào bốn bề vách núi, loang qua rừng cây đang bị màn sương đêm
mờ đục bao phủ, dội lại ..àng! ..àng!!! Ba lần như thế khiến cả bản Xím Vàn đương
chìm trong giấc ngủ, vội lồm cồm thức dậy. Lác đác ánh lửa từ các nẻo, tiếng
chó sủa lẫn tiếng ho khúng khắng, rồi chập dần vào nhau như suối lửa sáng rực, cùng
tiếng nói cười râm ran, ùn ùn kéo về nhà tộc trưởng Giàng Sinh Páo.
Họ
chờ đợi thời khắc này lâu rồi, từ khi mồm ông Páo không muốn ăn cơm, không thèm
uống rượu mà cái bụng cứ no, ngày một trướng to lên. Thầy mo cúng suốt ngày
mệt, ông xua tay bảo thôi, về. Nhưng phải đến hôm kia, từ nhà Vàng A Tếnh rỉ
tai nhau truyền cái tin sắp có đám ma to. Nhà Tếnh nuôi quả trống mấy đời nay,
thiêng lắm. Hễ quanh vùng chuẩn bị có người chết là trống tự dưng kêu, dù chẳng
ai dám động vào. Tộc trưởng Páo muốn tiếng trống nhà Tếnh đưa mình về với tổ
tiên. Đêm qua ông nằm nghiêng nặng nhọc cố hút một điếu, chiêu hớp nước nóng,
hực một tiếng rồi lăn ra, đi luôn.
Mỗi
người mỗi việc, gì chứ chuyện tang ma thì đàn ông Mông ai cũng thạo, chỉ cần
ông trưởng ma cắt đặt, chẳng phải hỏi lại. Nhưng giờ thì vẫn phải chờ một
người. Nó kìa! Tít dưới lưng thung, thấp thoáng một chấm lửa đỏ. Đúng nó rồi,
vẫn hay phi ngựa đêm, tay ghì cương, tay giơ đuốc ào lên như gió lốc. Đấy là Di
con trai thứ hai của ông Páo, trước trưởng công an xã giờ lên chủ tịch, đi họp
huyện mấy hôm, may nay về kịp.
Nể và sợ Di việc gì thì việc, chứ việc này, Di
là con cháu, cứ lệ cũ theo thôi. Ông bà ta vẫn thế mà! Anh ta quơ đôi tay còn
lạnh gió sương, tóm lấy tay từng người, tươi cười chào hỏi, rồi ngoan ngoãn
ngồi vào vị trí nghe Chí sùng sình (1)để cậu
thay mặt bên ngoại cùng gia đình lo liệu tang lễ.
Nhà
anh cả thấp bé tối om, nay đông người càng chật chội, không có chỗ xoay dở nữa.
Tiếng trống thầy khèn đĩnh đạc vang
lên trầm hùng sau khẩu lệnh thì thào mà trang nghiêm của Dơ mủ (2). Mới
khấn xong phần khai kế thôi, mà trán Dơ mủ
đã rịn mồ hôi. Ông biết mình đang làm lễ chỉ
đường cho ai. Cao vía lắm, léng phéng ăn vạ liền. Cỗ ngựa làm xong ngoài sân. Hai đoạn cây bương mồ côi, gióng với
nhau bởi 7 thanh ngang chắc chắn rồi tấm phên mới được đặt lên trên. Mọi người
dạt ra nhường lối đưa cỗ ngựa vào, treo sát vách ở gian giữa, ngang tầm ngực. Nỉnh
đăng (2)( ngựa) sẽ thồ hồn tộc trưởng Páo về với tổ tiên, về
với Giàng và đi còn xa nữa. Ông được tắm lá thơm, mặc quần áo mới. Con cháu xúm
xít, cố lách vào gần, thò tay chạm được thi thể đang chuyển từ giường lên ngựa.
Từng con lanh mềm mại xổ ra buộc chân tay, vòng qua người quá cố. Mối buộc dấu
nhân như thể hiện bốn bề người thân giằng giữ, trong tiếng khèn dìu dặt.
Anh
cả nghèo, đã đông con, lại nghiện thuốc phiện nữa, nên trong nhà lúc này, ngoài chục túm ngô tróc bẹ, treo
ngược trên cây sào bên vách bếp để giống
cho sang năm, chỉ còn vài bát gạo đỏ đựng trong thùng gỗ. Ngoài nhà t trống hơ,
trống hoác chẳng nuôi con gì. Mấy con gà nhép cũng bị anh giấu trong áo bông,
nửa đêm cắp xuống bán phiên chợ trước. Đúng ra thì nhà anh cả cũng có một con
bò, nhưng năm kia bà cụ Páo mất, anh đã chia cho bà mang về âm. Anh là cả, được
bố mẹ nuôi nhiều, thì phải cho bố mẹ nhiều chứ. Nhưng bây giờ, dù muốn, cũng
chẳng có gì. Nói mãi, nhà Dơ mới cho bắt chịu con lợn 6 cân làm lễ, hẹn đầu mùa
trả ngay 3 xinh (3) ngô hạt.
-
Nghèo thì hèn là phải! Tộc trưởng Páo thường bảo thế- Mày tên là Sùng mà chẳng
có tí linh khí gì của con gấu cả. Vậy nên, chết đến chân rồi mà tộc trưởng vẫn
chần chừ chưa nói để cho ai kế vị mình. Sùng muốn lắm, như một lẽ tự nhiên, cha
truyền con nối, vài lần gặng, nhưng ông chỉ lắc đầu.
Tiếng
ồ ồ rộ lên, cả tiếng xuýt xoa, thán phục khi vợ con anh Di mang đồ lễ đến để
chia cho bố. Một bộ quần áo đẹp được kính cẩn chuyền tay dâng lên, cả một đôi
giầy bút-tuyn đen xin xỉn, cả xã này chưa thấy ai được xỏ chân. Đấy là kỷ niệm
của thiếu úy quân báo khi rời lính biếu bố, nhưng ông bảo mang về giữ hộ, kẻo cả
Sùng cuỗm đi cắm mất(!). Dở mủ vừa
lẩm nhẩm đọc bài cúng treo sáng đù, vừa nhẩn nha quấn sợi
chỉ lanh trắng quanh bàn tay ông Páo, ròng ra ngoài quấn vào chân con bò lông
vàng hung đứng trước nhà. Chắc nó biết sắp được hóa kiếp hay sao mà cứ dụi dụi má
vào người thằng cu con nhà Di ... Đoạn ông tung đôi thẻ tre lên rồi giơ cái mâm
mây đan hứng lấy. Được rồi! Nó mừng nhận rồi! Tiếng ồ ồ lại reo lên, phấn
khích, đám đông giãn ra để chủ ma dẫn bò ra ngoài vườn làm thịt.
* * *
Di bỗng tỉnh ngủ, thấy khát, lần đến mấy ống
bương nước dựng góc nhà. Hết sạch. Đêm thứ mấy rồi nhỉ? Nặng đầu quá, toàn rượu
săm.
Trong nhà, cả lũ ngả ngốn ngồi,
nằm ngủ ngay dưới ninh đăng. Tiếng ề
à của người khách hát dặn dò lúc tròn, lúc
méo, lúc sôi, lúc lịm rồi chìm hẳn mặc tiếng khèn còn rồ rồ một lúc lâu nữa.
Góc bếp, mấy người nằm co quắp, thì thào như bọn buôn bạc giả, lẫn tiếng rít
xeo xéo. Mùi thuốc phiện nồng nồng phảng phất.
Đốt điếu thuốc lá, nhìn lên trời
sao chi chít, chầm chậm nhả khói. Di thấy tự hào, người Mông có cách truyền tin
rất nhanh, nên nhiều anh em, họ hàng tít
trên Mường Lò, Nghĩa Lộ, tận mạn Chiềng Khương, Sông Mã… đã đi thâu đêm về chia tay bố. Còn ở trong xã,
hẳn rồi, mấy ai không quyến luyến với
tộc trường họ Giàng. Thoáng dâng trào niềm kiêu hãnh nữa, ông là bố chủ tịch xã
mà, nên huyện cũng phải cho người lên viếng. Vinh dự chứ. Vui chứ. Di bỗng nhìn
thấy nhấp nhánh phương trời xa thẳm một ông sao đổi ngôi. Có lẽ linh hồn bố đã
gặp tổ tiên? Đã về Trời rồi? Và linh hồn thứ ba đã hóa kiếp đầu thai thành
người khác thật ư? Bố vững tin như thế, và suốt cả cuộc đời luôn luôn làm điều
tốt lành để mong được như thế. Tự nhiên Di thấy lòng khoan khoái, nhẹ bẫng đi. Có phải chết là sự
mở đầu cho một chu trình kế tiếp, được gặp lại tổ tiên, như lời ca chí
sái thâu đêm qua? Lang thang một
đời như con dúi nơi rừng thẳm tìm đến nguồn cội xa xưa. Bao sông, bao suối cuồn
cuộn hung dữ qua chân. Bao đám cháy ngùn ngụt lửa đỏ đã qua tay. Tiếng ngựa hý,
gươm đao chát chúa, tiếng khóc than não nề. Di như nhìn thấy bố mình, tổ tiên
mình đỏ hỏn trong đoàn người bìu díu nhằm phương Nam lê gót.
Bố vẫn sống, chỉ là trong kiếp
khác mà thôi. Di tin thế !
Có lẽ, trên nỉnh đăng chỉ là cái xác không hồn? Di cũng tin thế !
Đêm nay giở trời. Không gian đặc quánh mùi hôi
thối, tưởng chừng như lấy dao sắt ra được. Ngoài vườn lăn lóc xương xẩu bò dê,
lợn gà lẫn với đống lá chuối rách bươm bừa bộn, ruồi nhặng, bâu kín đặc, thấy
động ào bay lên, va cả vào mặt Di.
Không để lâu thêm nữa. Cái suy
nghĩ ấy không phải bây giờ mới có trong đầu Di, chỉ không thể nói, và không biết nói
thế nào thôi. Lúc mới xuất ngũ Di về đến bản Chông, thì lão xe ôm vái, không
thể leo lên ngược dốc. Cắm cúi cuốc bộ một lúc thì nghe thấy tiếng khèn, tiếng
trống, biết là trên bản mình có đám ma, Di càng rảo chân hơn. Nhưng lạ kìa, đám
tang đứng yên, mấy người khiêng nỉnh đăng
như chôn chân, ba bốn thằng trai dũng mãnh nhảy băng băng qua các bụi cây gai
ào xuống dốc như đuổi cướp. Di cắt phương vị chạy thộc lên, đón đường. (Quá
thường với lính quân báo) Lúc sau gặp nhau, Di phát kinh với cái đầu lâu bốc
mùi khăm khẳm bọn họ vừa nhặt lại. Thì ra, để người chết lâu quá, phần thi thể
đã rã rời. Trời mưa, dốc trơn, một người khiêng sảy chân, chới với làm nỉnh đăng bị xóc giẫy lên, chao đảo, thế là đầu người chết văng rơi ra, lăn
lông lốc. Cảm giác kinh tởm, pha lẫn tội lỗi ấy đeo bám Di khôn nguôi, thậm chí
ngay bây giờ, Dị vẫn rùng mình, sợ cái bụng bố mình trên nỉnh đăng thi thoảng rỏ nước xuống kia, nhỡ vỡ tung ra thì sao?
-Đúng thế đấy anh ạ! Mỷ em gái,
mới cùng chồng từ Trạm Tấu về chiều qua đến ngồi bên tự lúc nào, như đọc được
sự lo âu trên khuôn mặt Di, nhỏ nhẹ góp chuyện. Nhỡ ra… nhỡ ra…Dù mới y tá thôi,
em cũng hiểu, cả vùng sẽ bị nhiễm bệnh, có người chết luôn, chẳng cần phải ủ
bệnh !
- Ngành y chúng mày nhìn đâu chả
thấy vi trùng, với lây nhiễm!
- Mỷ nói đúng đấy! Chồng Mỷ cũng
là chiến hữu của Di thủa trên Hà Giang, là Mông lai, bênh vợ nói chêm vào. Anh
còn nhớ hồi trên chốt không? Một thằng vàng da, trướng bụng chết, pháo dập như
bổ củi suốt ngày đêm, không đưa xuống được. Sau mình thế nào cả lũ, anh nhớ
không?
Di rùng
mình. Nhớ chứ! Nhớ quá đi chứ! Thảo nào giờ hễ thấy mùi khăn khẳn của xác chết
là sống lưng Di buốt dọc.
- Không nên do dự anh ạ! Ở quân đội, điều kiện thuốc men như trời như
biển mà 4 thằng trai tráng như vâm bị chỉ cứu được mỗi 2 anh em mình.
- Giờ nếu cả anh, vợ anh, con anh,
cả chúng em, cả bản này nhiễm bệnh, ai đưa đi cấp cứu, phương tiện đâu, đi máy
bay à? Chờ huyện đi bộ lên được đây thì mọi người đã theo bố cả thể cho vui
rôi! Mỷ sốt sắng bồi thêm.
- Hừ! con Mỷ này được bố yêu quý nhất nhà, biết nhiều chữ nhất nhà mà
lại ít hiếu với bố nhất nhà đấy! Gạo có nhiều, rượu thịt chia cho bố còn nhiều
thì phải để bố ở nhà lâu nhiều thôi! Cái lý họ ta vẫn thế mà.
Tưởng như anh cả ngủ, nhưng không,
có tý sái phiện, anh tỉnh như sáo, nhanh hơn con sóc, trườn từ góc bếp ra, nấp
sau cánh cửa xem anh em chúng nó bàn gì, chia gì, sao tối qua treo sán đù lâu thế, chí sái dặn dò lâu thế mà có mỗi cái phong bì bé tẹo, dúi vào tay
bố, đến đêm anh lần ra xem định bụng thó
đi, không ngờ chủ ma ghi sổ rồi cất hộ từ lúc nào. Đang cáu tiết, thấy vợ chồng
Mỷ bàn ngang, anh phải dậy dỗ ngay mới được.
( Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét