Di
vốn chả phải tay vừa, mồm sắc như dao, và ngọt như mía nướng từ bé. Thuở lính, một
đêm phục gần đường biên, bọn Di vồ thằng thám báo Tầu, tống bao vác về chốt,
cho ăn uống bình đẳng như chủ, nghĩa là cũng gạo sấy chia phần, nước lã dè xẻn,
2 ngày sau thả. Chẳng biết Di ba hoa xích đế thế nào với nó mà từ đấy cái chốt phía
bên kia toàn bắn cầm canh lên trời. Dần dà theo nhau loang ra suốt một dải
đường biên. Sự việc được báo cáo lên trên. Kết quả, thiếu úy Di xuất ngũ, may
không ghi lý lịch, nhưng việc đấu pháo và bắn tỉa nhau đã dứt hẳn, rồi hòa bình,
rồi hảo hảo, anh em như bây giờ. Hơn năm nay lên làm chủ
tịch xã, triển khai bao nhiêu công tác xuống bản, lên huyện đâu ra đấy, có khi
nào lúng túng, vậy mà lúc này, Di thấy mình đuối sức, rối bời bởi cái tập tục
tưởng chừng rành rẽ, truyền đời, lại ẩn chứa cả sự bất cập, nguy hại đến tính
mạng làm ngộp thở. Anh vò đầu, bức bối quá. Giá mà được ngâm cái đầu xuống âu
nước thác Tia ngầu bọt trắng, chắc sẽ khôn ra. Mình phải quyết! Di khẽ thốt
lên, tay nắm chặt hệt như khi băng ra, tay bo với thằng Tầu khự hồi trên chốt.
Những người đàn ông Mông bản Xím Vàn ít khi ngồi với nhau trầm ngâm mà không rượu, không thuốc phiện, như hôm nay, bên cột chính nhà trưởng tộc họ Giàng ai nấy đều khép nép, chéo tay che hờ bụng. Họ đang lo nghĩ đến giàng, đến tổ tiên xa thẳm, thấy mình đang mang một trọng trách lớn lao. Ai cũng lờ mờ thấy cái lý ấy đúng, sẽ rất đúng nhưng ai cũng sợ. Cái sợ mơ hồ truyền kiếp, chưa nói ra mồm đã thấy run ở trong bụng. Lo cho bản thân mình, con cháu mình, cả họ tộc, thậm chí cả vùng sẽ bị tai ương nếu không theo lời dở mủ.
- Các ma chưa vừa lòng thì dùng lễ
lạt để cầu xin. Ta cứ dốc hết lòng thành kính, để họ phải thương xót con cháu
chứ. Khi họ đồng ý, họ sẽ giữ lời. Ma người Mông cũng khí phách như trai Mông
chứ, không quấy phá chúng ta đâu. Ông xin đi! Di nói chậm rãi nhưng tha thiết
dẻo tựa hồ như nhựa bẫy dính chân chim.
-Đúng rồi! Đúng rồi! Làm lễ xin đi
dở mủ! Mọi người hồ hởi hùa theo.
Lão sợ thật sự. Cái khăn cáu bẩn
của lão khi lau mặt, lúc lau tay đã râm rấp ướt. Lão cứ xuỵt xuỵt, e hèm luôn. Lời
cúng ở trong đầu sao không trôi chảy xuống mồm liến thoáng như mọi đám khác mà
cứ ngắc ngứ, giật cục? Bàn tay lóng ngóng tung Sinh tờ,(6) song lại luống cuống hứng
nghiêng mâm để một thẻ tre rơi ra ngoài đánh cạch. Mặt lão càng tái mét.
-Ồ! Các ma chưa thấy trong cái
phong bì của vợ chồng Mỷ có gì, nhiều hay ít ấy mà ? Bóc ra đi, trình cả lên
đây! Giữa lúc cả đám đàn ông nghển cổ ra ngó, rồi vội rụt cả lại, sợ hãi nhìn
nhau, thì Di đã đứng lên, pha trò rồi
khoát tay cười cợt:
- Lần sau con cháu chia phong bì cho
các ma nhớ phải bóc ra nhá. Nhỡ chỉ có vỏ không là giận đấy, phạt đấy! Thế! Tôi
cũng xin dâng thêm nữa đây. Tiền công tác chính phủ cho nhiều thì cũng phải
chia nhiều chứ! Ma người già cũng hay dỗi như trẻ con ấy mà. Vừa ý là vui ngay
thôi! Ông làm lại đi! Xin lại đi…
Lại cái kiểu nói ngọt xớt,
kiến trong lỗ cũng phải bò ra của Di, làm ai cũng vui lây.- Ừ phải rồi! Đúng
quá rồi. Xin lại ngay đi chứ!
* * *
Treo trống lên, đội nhạc lễ dâng
lên bài khèn tắt thở nghe xao xuyến quá. Bởi đã qua ma buồng, ma cửa, ma cột
chính, rồi ma bếp lò … đủ cả rồi. 7 ma đồng ý hết rồi. Vui quá. Hồn
tộc trưởng đã về Giàng, thì xác tộc trưởng phải đưa về đất ngay thôi. Thầy mo lại
lễ đuổi ma, song lời cúng đã thanh thoát như thác Tia tuôn ào ạt. Tiếng trống,
tiếng tù và, tiếng khèn đuổi giặc vang lên náo nhiệt hòa lẫn
tiếng đập cành đào, cành mận roàn roạt xuống đất. Đoàn người rầm rập chạy quanh
nhà. Di đứng dạng chân, giương súng lên, thi thoảng đoành một phát, như thấy
mọi cái vướng víu vô hình vỡ tan, cuốn hết lên trời theo khói súng.
Quảng Bá,
9/2014
(1) :Hát xin phép
tổ chức tang lễ
((2) :Thầy mo
(3) :Giá quàn người
chết
(4) :Bồ mây đan
đựng ngô, thóc khoảng 20kg
(5) :Lễ giao vật
cho người chết
(6) :2 thẻ tre để
xin âm dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét