Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Chương 5- ĐÈN CÙ (Trần Đĩnh)

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
( Đầu đề do tôi  NSH -mạo muội đặt)


Mỗi số báo tôi được hai trang để tuyên truyền cải cách
ruộng đất. Chủ yếu phổ biến kinh nghiệm các đoàn
đang giảm tô giảm tức ở Thanh - Nghệ. Và kinh nghiệm cải
cách ruộng đất ở Trung Quốc. Tài liệu ở nội san các đoàn
giảm tô, bản dịch được Hòang Ước, thư ký của Hoàng Quốc
Việt, người chỉ đạo cải cách ruộng đất lúc đó gửi cho. Tóm lại
các kinh nghiệm khêu gợi căm thù và tiến hành bạo lực
(trong đó có cả chuyện Pavlik Morozov, cậu bé tố cáo bố phú
nông ở Liên Xô.)
Cải cách ruộng đất chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã
Dân Chủ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, trên quốc lộ 1 lên Lạng
Sơn. Đối tượng: Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, nhân sĩ
tên tuổi trong Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cũng như
Trung ương Mặt trận Liên Việt, người thường cùng họp long
trọng với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt. Nay
bà trở thành địa chủ phản động, cường hào gian ác lợi dụng
tiếng thân sĩ để phá hoại cách mạng và kháng chiến, có nhiều
nợ máu với bần cố nông. Quản lý đồn điền Nguyễn Lân,
nguyên vô địch võ sĩ quyền Anh trước kia nổi tiếng khắp
Ðông Dương cũng là đối tượng đấu tố và xử bắn. Đặc biệt
Công, con trai bà Nguyễn Thị Năm, Việt Minh bí mật, nay là
chính ủy trung đoàn pháo 105 li đang học ở Côn Minh, Trung
Quốc cũng bị gọi về, treo giò.
Một tình tiết thú vị: khi tướng Pháp Cogny lập tập đoàn cứ
điểm đầu tiên ở Nà Sản mà ta không công phá được vì thiếu
đại pháo bắn cầu vồng, đơn vị pháo 105 ly của Công đã chuẩn
bị về nước tham gia chiến dịch thì Cogny rút, pháo ta bèn nán
lại học tiếp. Ai ngờ việc đó đã khiến tướng Navarre kết luận
Việt Minh không có đại pháo do đó hăng hái nhảy lên Điện
Biên Phủ và Piroth đại tá pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã
giật lựu đạn tự sát ngay khi pháo Việt Minh lên tiếng.
Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường
Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị
Năm - Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói
phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh
sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của
bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu,
cáo trạng của đội. Tôi nói tôi không dự đấu tố thì anh bảo tôi
khai thác Văn, người cấp dưỡng theo anh tới tận Đồng Bẩm
và đã chứng kiến các buổi đấu tố. Sở dĩ báo chí không dự đấu
là vì giữ bí mật, ngại Đồng Bẩm cách Hà Nội có vài chục cây số
đường chim bay, Pháp có thể nhảy dù xuống đó. Cụ Hồ bịt râu
đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.
Thế là tôi viết bài khai hỏa cải cách ruộng đất theo sự pha
phách thêm nếm khó lòng tránh khỏi của người cấp dưỡng
đáng yêu của tổng bí thư.
Sống trên rừng buồn, Văn nuôi một bộ râu dài rất đẹp. Cả
vùng có lẽ chỉ có hai bộ râu tiên cốt là của Cụ Hồ và của Văn.
Nhưng Trường Chinh đã bắt anh cắt.” Anh để râu, dân cứ lầm
anh là Bác, mà chào anh Bác ạ, thì anh lại cười.”
Văn mất râu nhưng còn đôi mắt cũng quăng quắc song
mục đồng trùng. Dân lại kháo nhau: “Ông Ké dạo này giấu râu, ta chào thì quay đi.” Tôi bảo Văn khéo phải đeo kính thày bói chứ không khó lòng giữ nguyên được mắt. Xuống chợ Nỉ mà mua kính đi.
Vài anh em ở đại đội bảo vệ ATK bảo tôi nhiều đàn bà con gái địa phương thích Văn lắm nhưng anh ta không dám. Dám để có mà chết. Hôm sau họ sẽ kháo ầm là họ được Bác Hồ thương ngay.
Bài báo này tôi ký một tên ú ớ không còn nhớ và sau đó cũng không mó đến nó bao giờ. Chẳng hiểu vì sao.
Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi, CB (Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê.” Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân.” Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát - Hanh - Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã kể các tội cụ thể và con số cụ thể.
(Trong hồi ký nói về mười nỗi buồn của Bác Hồ, viết Bác không tán thành đấu Nguyễn Thị Năm nhưng phải nghe cố vấn Trung Quốc, Hoàng Tùng vô tình hay cố tình quên bài báo Bác gây căm thù cao độ này. Đâm ra lại đổ cho Bác cái lỗi không kiên định - nghe cả điều sai vốn trái với ý mình.)
Dăm bữa sau bài “phóng sự nghe kể lại,” tôi xuống Đồng Bẩm. Tình cờ Tiêu Lang, báo Cứu Quốc, trong đội cải cách về đây còn ở lại lo hậu sự. Tôi hỏi chuyện bắn, anh lè lưỡi lắc đầu mãi rồi mới kể lại.“Sợ lắm, tội lắm, đừng có nói với ai, chết tớ. Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van” các
anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh.” Du kich quát: “đưa đi chỗ giam khác thôi, im!.” Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất.Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?” Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy...
Rồi tôi được nghe truyền đạt rằng các nước anh em ở Đông Âu, không phải Bác Hồ, tỏ ý không tán thành cải cáchruộng đất mà còn bắn đầu tiên một phụ nữ.Chính ủy Công (được vinh dự CB nhắc đến trong bài báo trên kia) bị điệu từ Vân Nam về và ngồi cùng mẹ chịu đấu tố nhưng nghe nói không được dự buổi chôn cất mẹ. Nhưng đầu những năm 90, anh đã cải táng được cho mẹ rồi sau đó anh chết, lúc chỉ còn là một người bạc nhược, sợ sệt, lú lẫn.Khoảng 1980, 81, Minh Việt bị cổ chướng nằm bệnh viện,
tôi ngày ngày đến trông nhà cho anh chị và nhân tiện hiệu đính “Gia đình Ti – bô” cho Nhà xuất bản Văn học. Một sáng nọ, một người trung niên đến. Rụt rè sợ sệt hỏi chị Minh Quang (vợ Minh Việt). Tôi nói chị ấy đi làm. Thì anh nói tên anh là Công như thế như thế muốn đến xin chị Minh Quang chứng nhận cho những ngày đầu kháng chiến anh có chiến đấu ở Khu Thành Công. Ái ngại bảo anh chỗ tìm chị Minh Quang xong, tôi thăm hỏi. Anh nói quên hết cả rồi.- Còn nhớ tiếng Trung Quốc không? “Kai pao, khai pháo,
da tung xi xiang, đả thông tư tưởng, nhớ chứ?”
Lắc.
- Có 105 thì còn chỉ huy được không?
- Quên hết rồi. - Lắc, cười hiền lành.
Những chữ “quên mất rồi” ở anh nghe thê lương, kỳ lạ như từ nguyên thủy hoang vắng.
Thì chợt nói: - Cũng còn nhớ được một ít. Mặt Công hơi rạng sáng lên. Anh nói: “Cái ngày 20 tháng 8 năm 1945, báo Đông Pháp nhà tôi mua tháng gửi lên thì lại đổi thành Đông Phát, cả trang nhất đưa tin Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Tôi vội chạy đưa cho Hoàng Thế Thiện để hắn chuyển ngay tới hai ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đang chỉ huy đánh trại lính Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Hai ông lúc ấy ở đồn điền ông
Nghiêm Xuân Yêm ở Cù Vân. Nhờ tờ báo này Trung ương mới
biết Hà Nội đã tổng khởi nghĩa...”- Công lớn quá..., tôi nói. (Nhưng bụng nghĩ Hoàng Thế Thiện sau hứng tội về vụ án một bộ phận cấp ủy cộng sản Cam - pu - chia trong có Pen Sovan chống cộng sản Việt Nam mà thoáng buồn.) Ngoài báo anh gửi đọc lại có xứ ủy cuốc bộ lên cấp báo Nhật đe cho quân tiến đánh, ông Trường Chinh bèn lệnh ngừng lại và về Hà Nội xem xét. Không thì còn thúc quân đánh rồi Nhật nó đàn áp ra sao không biết.Nhưng Công đã lại lắc đầu “quên, quên...” Lú lẫn đã thành một boong ke trú náu ở trong não từ khi anh thanh minh mình tham gia cách mạng là do yêu nước thật lòng nhưng người ta cứ nhất định bảo anh “chui vào để phá hoại cách mạng.” Nhìn anh lò dò xuống lại cầu thang ra về, tôi không khỏi thương xót cho một cơ ngơi lớn sụp đổ dễ như bỡn.Ngày Công sung sướng đưa số báo có tin Tổng khởi nghĩa
cho Trung ương, anh đâu có ngờ rồi nó sẽ đưa tan nát thảm khốc đến với gia đình anh.
Bà Năm không thể biết anh con là cựu chính ủy pháo rồi mắc chứng quên. Nhưng dân Đồng Bẩm thì không quên. Ở xã này có một quả đồi được dân tự động đặt cho nó tên một nạn nhân lớn: đồi Nguyễn Thị Năm. Đồi A1 Điện Biên Phủ thì Nhà nước đặt. So tên hai quả đồi thấy xem ra dân chuộng công minh hơn tự ca ngợi công tích.Sau Nguyễn Thị Năm một tháng đến lượt xử Cử Cáp. Phát khai hoả thứ hai. Lần này tôi đến dự buổi thi hành án: bắn.Mít tinh tuyên án vào buổi tối. Bãi đất thuộc xã Phú Xuân,
vùng chè Tân Cương. Vài trăm con người ngồi vây kín lấy một khoảnh đất trống. Khai mạc rất thình lình.
Cũng thình lình chánh án Lê Giản xuất hiện.Lại cũng rất thình lình mấy người lính giải hai đối tượng đi
ra. Cử Cáp, hơn bảy mươi tuổi, nguyên huấn đạo, ủy viên Mặt trận Liên Việt, cũng địa chủ kháng chiến, thân sĩ như Nguyễn Thị Năm, tức là thuộc diện bị chính sách cải cách ruộng đất chiếu cố. Ấn tượng mạnh nhất ở ông già là chỏm râu bạc trắng. Cạnh cụ, bí thư chi bộ nhưng nay đã thành “Quốc dân đảng” thông đồng với Cử Cáp phá hoại kháng chiến. Thấp nhỏ, chạc bốn chục tuổi, anh có cái dáng quen thuộc của cán
bộ xã ta thường hay lui tới nhà cùng cơm nước, ngủ đêm...
Không như Cử Cáp nom lớ ngớ - diễn viên chưa quen vai -anh có bộ dạng phức tạp: vừa sợ vừa khấp khởi. Đến phútcuối cùng thế nào đảng cũng hiểu bụng dạ trung thành của anh mà tha anh. Hai bị cói lép kẹp dưới nách, hai bị cáo đứng rúm ró. Duy một vật sống động, phiêu diêu tự tại: chòm râu cụ Cử Cáp. Nó cứ thanh nhàn vờn múa trong cái không gian và không khí rùng rợn, căng thẳng như đông cứng lại này. Tôi
thấy nó như đang muốn thị phạm một cách giao tiếp dễ nghe,dễ hiểu, dễ tin cậy, không phải cái lời lẽ từ nay khó lọt tai nhau.
                 Chánh án Lê Giản tuyên bố Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá. Lim, lệt sệt đôi ủng ra hô: Giải chúng đi!
Vọt ra năm sáu người lính đẩy hai người tù quay lui. Tôi thấy thô bạo quá. Nhưng kìa, họ vừa mới quay người, tốp lính đã Quỳ rộp một cái xuống, đưa tiểu liên lên bóp cò. Lửa nhằng nhằng. Hai cái thân đổ vật. Chị cốt cán trẻ đứng bên tôi ôm chặt lấy tôi líu lưỡi lại: “Anh có dầu... dầu Con Hổ, cho em...?”
Đúng là phải dạy và nạp căm thù vào. Không thì khó có thể
tự nhiên đùng đùng bạo lực. Hai xác người nằm thẳng mềm mại. Bộ quần áo Cử Cáp xòa trắng tôn thêm mầu ánh bạc của chòm râu lên - cái vùng trắng duy nhất tinh khiết ở đây. Lịch phịch đôi ủng nặng, Lim
đến bên từng nguời bắn vào thái dương phát súng “ân huệ.” Thương, sợ và cả bất bình lẫn lộn trong tôi. Một sức mạnh nào đó không biết đã kéo tôi là đứa vốn nhát máu đến đứng trước cụ Cử Cáp.
Vô thức muốn nói với cụ một lời phân vua: “Thưa cụ, tôi không muốn thế này cho cụ...” Hay đúng hơn, chính chòm râu ông nội chợt hiện lên gọi tôi đến với nó? 
Cái bị cói vẫn trung thành lép kẹp dưới nách gầy. Cạnh nó,một quả chuông to tướng, đỏ sậm, mầu ấm Mạnh Thần, quả tim bật ra như một chồi thịt nhầy nhụa, thon thót trên ngực
người chết: cái chồi thịt, cái nụ sống ấy đang lén leo ra tìm gấp một nẻo trú ẩn riêng, xa khuất hẳn cái nơi đáng sợ này. Sáng sau, cùng một cán bộ đội - nhất đội nhì trời -, tôi vào nhà Cử Cáp. Một dãy nhà trình cổ, sơ sài trên một thềm đá ong quá cao, ngang eo tôi, nứt toác, sứt sẹo. Một mảnh sân đất đỏ quá rộng tưởng đi mãi không hết. Một bà già ngồi xổm trên thềm hai tay quàng ôm một đứa bé. Nhác thấy chúng tôi,
bà cụ vội buông hai tay đứng lên để chắp lại vái. Con mắt cháu bé lập tức trợn lên kinh hoàng. Nó kêu “E!” Một tiếng rồi chạy. Rồi ngã ịch một cái từ trên thềm cao xuống sân. Hai chúng tôi liền trở ra. Như đứa bé muốn chạy trốn khỏi đó. Tôi đi mà vẫn thấy như nguyên hai con mắt cháu bé trợn lên khiếp đảm nhìn chúng tôi rồi gieo mình từ trên thềm cao xuống mà tôi thấy rõ ở đó một hành vi quyên sinh, một cử chỉ
cự tuyệt nhìn mặt bầy dã thú! Tôi đã muốn đi đến bế cháu.Nhưng bài học lập trường giai cấp, bài học căm thù và trên hết tất cả là sự sợ đã xui tôi bỏ trốn. Tôi nhận ra từ nay có một viên tư lệnh chỉ đạo toàn bộ ứng xử của tôi: nó là cái sợ.Trước hết sợ mất lập trường là sai với đảng. Ôi, sai với đảng là sai tất cả!
Lại ký một cái tên nhăng nhít... Lạ! Vinh dự thế mà sao không lấy tên thật? Điều này lúc đó quả là khó hiểu nhưng đến nay tôi đã có thể giải thích: trong mỗi chúng ta đều có mầm tử tế chống lại cái xấu. Vấn đề là ta nuôi nó, nghe nó hay là giết nó đi thôi.
Cần nói thêm một điều: hơn mười năm sau, Lim treo cổ tự sát tại chính nhà mình.
Tôi đôi lần đọc lại danh sách người bị tuyên án tử hình do các đoàn ủy thí điểm giảm tô trong Thanh - Nghệ gửi lên Cụ Hồ để duyệt ân xá. Mỗi bản gồm tên bảy tám con người khốn khổ. Bên lề, phần lớn Cụ viết “có đáng là cường hào gian ác hay không?” (hay có đúng hay không tôi không chắc vì chữ a của Cụ cũng mở gần như chữ u). Các dấu hỏi ở cuối câu đều đánh rất to còn chữ viết thì run rẩy và bé. Như một giằng co,
một phân vân. Cái dấu hỏi nổi bật hẳn lên như một tín hiệu phủ nhận dễ biểu thị đa nghĩa hơn ngôn ngữ.
Tiêu diệt giai cấp, bạo lực đồng thời hủy diệt cốt lõi nhân văn ở trong lòng những người đem chia con người ra làm ta, bạn và thù...
Xấu hổ về phản ứng tồi tàn của mình, tôi kính nể những bạn bè đã vượt được cái sợ trong cải cách ruộng đất. Trước hết là Trần Châu. Mẹ vợ anh bị bao vây ở một túp
lều chân đồi trong đồn điền chè Mỏ Bạch. Châu về thăm. Hôm trước, cô em vợ học ở Tàu về, thấy cái lều thì ghé hỏi: - Bà Lan ở đây nay ở đâu ạ? Mẹ đáp: “Dạ, không có bà Lan ạ, chỉ có
con địa chủ Lan thôi.” Cô con gái ù té chạy ra đường lên xe ngồi khóc một mình.
Rồi Đinh Văn Đảng. Hay tin mẹ nguy khốn, như con ăn mày la liếm ở chợ, Đảng bèn về cứu mẹ, nhờ người đưa mẹ ra chỗ hẹn rồi đạp xe chở mẹ lên Vinh, sáng sau đáp xe hàng ra Hà Nội. Anh nói suốt chuyến về cứu mẹ, lúc nào tim anh cũng thình thình đập, có lúc ngỡ vỡ ra đến nơi. Sau này Đảng bị
xuất huyết não, tôi cứ nghĩ cái gốc sâu xa là phải tính từ ngày anh về cứu “con mẹ ăn mày” từng thăm nuôi đứa con tù vì họat động cách mạng. Đảng kể xem phim đấu địa chủ, người xem ném ầm ầm các thứ lên màn ảnh. Thấy dép bị giật, anh cúi xuống. Bạn đồng sự ngồi cạnh anh đang hét căm thù và túm lấy dép anh để ném, dép ở chân hắn còn nguyên! “các cái vờ vịt này các ông ấy thấy cả nhưng không mắng mỏ,” Đảng
nói, vì biết có cái bột giả ấy mới gột nên chất hồ a dua mà ta hay mỹ tự là phong trào và khí thế cách mạng. Thì ra chúng ta chuyên sính dùng hàng dỏm.
Trần Lưu Hậu, họa sĩ, có một kinh lịch ghê sợ. Đi vẽ, nhân thể làm “công tác quần chúng,” anh cùng Lưu Công Nhân,cũng họa sĩ, đến nhà một thân sĩ do Mặt trận huyện giới thiệu. Hai họa sĩ được chiêu đãi quá chu đáo, đến mức Hậu áy náy, khó ngủ. Hậu hay Nhân đã vẽ vị thân sĩ. Éo le, nửa năm sau, tham gia cải cách ruộng đất, Hậu lại đến xã này và vị thân sĩ kia đã trở thành đầu sỏ bị đấu tố. Ông bị bắn. Hậu phải giấu
bao chuyện, nhất là các thắc mắc của mình quanh vị thân sĩ mà theo Hậu là rất tốt, rất yêu nước… Buồn, ân hận, phân vân, Hậu rời trường đấu và bắn về đội một mình… Thì gặp một tốp năm sáu người vội vã, lén lút như phi pháp đi ngược lại: người nhà vị thân sĩ lên lấy xác ông. Hậu bảo mình vội cúi đầu, không dám nhìn họ! Họ còn nhớ quá đi chứ! Mới hôm nào, bố họ, ông họ, vị thân sĩ mà nay là địa chủ ác ôn nằm chết
gục kia từng cơm rượu thịnh soạn tiếp hai vị họa sĩ.” Thú thật lúc ấy mình mang rõ tâm trạng một kẻ lừa gạt… Thỉnh thoảng lại chợt giơ tay lên sờ sờ mặt, ngầm xem liệu đã có nảy ra một bộ mặt khác với cái bộ mặt năm ngoái từng tay bắt mặt mừng với chính vị thân sĩ kia không.” ..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét