Bức ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc ( áo trắng ngồi hàng đầu)
ở Quốc tế cộng sản.
Trích tài liệu đặc biệt của Tạp chí Xưa & Nay số 438- tháng 10 2013.
Trong quá trình 30 năm đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã từng ba lần 1923 - 1924, 1927 - 1928, 1934 - 1938 sống ở nước Nga Xô viết. Đặc biệt, giai đoạn 1934 - 1938 đã để lại cho Người những kỷ niệm sâu sắc. Biên niên tiểu sử của Người giai đoạn này vẫn đang còn là khoảng trống. Đã có lúc Người phải giãi bày về hoàn cảnh của mình : “ Trong hoàn cảnh không hoạt động gì ”, “ đứng ngoài Đảng ”... Nhưng, đây là thời kỳ độc đáo của một chân dung chính trị, ẩn mình trong nhiều vấn đề nhạy cảm, thể hiện nổi bật bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh.
Tâm điểm chú ý nhất của giai đoạn này là việc thành lập Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản.
Ban thẩm
tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản được
thành lập tháng 2 năm 1936, trong một giai đoạn
lịch sử phức tạp, căng thẳng. Đại chiến thế giới lần thứ 2 đang đến gần, các nước tư bản thù địch bao vây quyết tiêu diệt chính quyền Xô viết ở nước Nga, nội bộ Quốc tế Cộng sản do nhiều lý do khách quan và chủ quan gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng Cộng sản Đông Dương phải trải qua những ảnh hưởng khác nhau về quan điểm tư tưởng và đường lối cách mạng Việt Nam. Tình hình chung ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến từng người cụ thể, đến từng vụ việc cụ thể, nếu như người đó trước đây và hiện tại có “ vấn đề ” về chính trị hoặc vướng mắc về mặt nào đó liên quan đến tổ chức.
lịch sử phức tạp, căng thẳng. Đại chiến thế giới lần thứ 2 đang đến gần, các nước tư bản thù địch bao vây quyết tiêu diệt chính quyền Xô viết ở nước Nga, nội bộ Quốc tế Cộng sản do nhiều lý do khách quan và chủ quan gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đảng Cộng sản Đông Dương phải trải qua những ảnh hưởng khác nhau về quan điểm tư tưởng và đường lối cách mạng Việt Nam. Tình hình chung ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến từng người cụ thể, đến từng vụ việc cụ thể, nếu như người đó trước đây và hiện tại có “ vấn đề ” về chính trị hoặc vướng mắc về mặt nào đó liên quan đến tổ chức.
Nguyễn
Ái Quốc lúc này đang là học viên Trường Đại học
Phương Đông, nhưng lại là tâm điểm chú ý của dư luận
trong nội bộ Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản
Đông Dương, bởi “ nghi án ” của những vụ
việc trước đây như sự kiện thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam với tên gọi và chính cương, sách lược
vắn tắt tập hợp địa chủ và tư sản dân tộc là
động lực của cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy rằng
đến ngày nay, đó vẫn là sự sáng suốt và đúng đắn
của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng thời kỳ đó cho rằng
là sai lầm, hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng
tiểu tư sản...
Một
loạt dấu hỏi về vụ án Hương Cảng : vì sao chịu án
phạt nhẹ, bằng con đường nào để đến được Liên
Xô... Đặc biệt bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại
Đảng Cộng sản Đông Dương viết ngày 20/4/1935 (1) gửi
Quốc tế Cộng sản cung cấp những thông tin cực kỳ
nguy hiểm về Nguyễn Ái Quốc. Nội dung thư kết tội
Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm chính về việc
hơn 100 Đảng viên của Đảng Cách mạng Thanh niên bị
bắt do việc Nguyễn Ái Quốc biết Lâm Đức Thụ trước
đây là kẻ phản bội mà vẫn tiếp tục sử dụng ;
Nguyễn Ái Quốc rất sai lầm khi yêu cầu mỗi học viên
cung cấp hai ảnh, họ tên, địa chỉ, họ tên cha mẹ,
ông bà nói chung những người sinh thành và địa chỉ
chính xác của 2 đến 10 bạn thân. Những bức ảnh của
các học viên do Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ yêu
cầu đều vào tay mật thám. Ở trong nước, ở Xiêm, ở
khắp các nhà tù người ta nói nhiều về trách nhiệm của
Nguyễn Ái Quốc. Đường lối chính trị của Đảng Cộng
sản do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo trước đây bị phê
phán gay gắt trong các Đảng viên và quần chúng cách
mạng. Đồng chí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Xiêm –
người học trò trung thành của Nguyễn Ái Quốc, một
trong nhiều người nói rằng, trước năm 1930 Nguyễn Ái
Quốc chưa phải là Đảng viên Đảng Cộng sản. Trong thư
còn nói về sai lầm của Nguyễn Ái Quốc khi hợp nhất
các tổ chức cộng sản vào năm 1930, yêu cầu Nguyễn Ái
Quốc trong thời gian gần nhất cần viết cuốn sách tự
chỉ trích những sai lầm về chính trị của mình.
Có phải
do bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại là nguyên nhân
chính dẫn đến việc thành lập Ban thẩm tra vụ việc
Nguyễn Ái Quốc, hay đó chỉ là “ giọt nước làm
tràn ly ”, là cái cớ để những dị nghị âm ỷ
lâu nay bùng phát ?
Vera Vasilievna |
Sau khi
tiếp nhận được bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại,
đồng chí Vaxiliepna – người trực tiếp phụ trách Đông
Dương của Quốc tế Cộng sản – đã viết bản Báo cáo
đề ngày 29-6-1935 (2)
dài 3 trang gửi Bộ Phương Đông và
Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản : “ Đề
nghị cần nghiên cứu kỹ nội dung bức thư của Ban lãnh
đạo Hải ngoại và cung cấp thêm những thông tin về
Nguyễn Ái Quốc để Quốc tế Cộng sản có cơ sở đánh
giá chính xác, đầy đủ, toàn diện về Nguyễn Ái
Quốc ”. Đồng chí Vaxiliepna khẳng định :
“ Nguyễn
Ái Quốc là người cộng sản Đông Dương đầu tiên, là
người rất có uy tín giữa những người cộng sản, là
người đã tổ chức các nhóm cộng sản đầu tiên trên
cơ sở đó để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Khi hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc tự nhận mình là
đại diện của Quốc tế Cộng sản, mặc dầu Quốc tế
Cộng sản chưa trao ủy quyền. Trong thời gian hợp nhất
Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Ủy ban lâm thời
và đã để xảy ra một số sai lầm như hợp nhất một
cách máy móc các nhóm cộng sản, không phân định rõ
ràng quan hệ với các tầng lớp địa chủ và tư sản...
Do đó, uy tín của đồng chí bị giảm sút, đặc biệt,
trong đội ngũ những người lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Đông Dương. Hội nghị tháng 10-1930 của Đảng Cộng
sản Đông Dương đã nghiêm khắc phê phán những khuyết
điểm của đồng chí. Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đảm
nhận công việc liên lạc viên, công tác tại Trung Quốc
và Hồng Kông. Trong các bức thư từ Ban lãnh đạo Đảng
phản ánh tâm trạng không bằng lòng của Nguyễn Ái Quốc,
về công việc của một liên lạc viên bình thường mà
luôn thể hiện vai trò lãnh đạo; đã đưa ra những ý
kiến, ghi chú, nhận xét của mình trong các chỉ thị,
thông báo của Quốc tế Cộng sản và cản trở những
thông tin từ đất nước gửi Quốc tế Cộng sản.
“ Ngày
6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt tại Hồng
Công và bị kết án 2 năm tù giam. Trong thời kỳ này,
chúng tôi (Vaxiliepna) liên
hệ với luật sư bào chữa
thông qua Tổ chức cứu trợ những người cộng sản bị
nạn của Pháp, gửi tiền để thuê luật sư bào chữa và
luật sư đã tổ chức cho Nguyễn trốn thoát, việc này
đã được luật sư nói rõ trong thư gửi chúng tôi. Một
thời gian sau đó, có tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết
trong tù vì lao phổi. Năm 1933, xuất hiện tin rằng Nguyễn
Ái Quốc không chết mà được thả tự do và biến mất.
“ Vào
tháng 7-1934, Nguyễn Ái Quốc đến Matxcơva. Theo lời kể
của Nguyễn Ái Quốc thì khó xác định được vì sao
trốn thoát khỏi mật thám Pháp một cách dễ dàng sau án
ngồi tù của mình, và vì sao chỉ bị kết án một cách
nhẹ nhàng vậy. Tôi đã nhiều lần đề nghị Nguyễn Ái
Quốc trình bày bằng văn bản về các việc liên quan đến
bị bắt, bị kết án tù, được giải thoát và trở về
với chúng ta, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã không thực hiện.
Chuyến trở về, theo Nguyễn Ái Quốc kể thì do
Vaillant-Couturier trong thời gian ở Trung Quốc đã tổ chức
giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng, tất cả những vấn đề này
cần được thẩm tra kỹ lưỡng. Sau khi đến đây, Nguyễn
Ái Quốc được cử đi học tại Trường Mác - Lênin cho
đến ngày nay. Thống nhất với các đồng chí Mip và
Côchenxky chưa thể nắm hết các hoạt động của Nguyễn
Ái Quốc, mặc dầu chúng tôi biết rằng, Nguyễn luôn
luôn kiên trì phấn đấu. Nguyễn đã nhiều lần yêu cầu
tôi trao đổi về việc tổ chức liên hệ với Đảng,
đặc biệt, rất quan tâm tới các chuyến đi công tác của
các sinh viên, về việc họ đi đâu và với những nhiệm
vụ gì. Nguyễn rất khổ tâm và nóng lòng về việc không
được tham gia những nhiệm vụ bí mật. Trong mối quan hệ
với các sinh viên, Nguyễn luôn cố gắng đóng vai trò là
người thầy, người lãnh đạo, nhưng về lý luận tỏ
ra yếu kém và thường xuyên để xảy ra sai sót trong quá
trình trao đổi. Trong bản thân Nguyễn chứa đựng nhiều
tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tàn dư cũ, những thứ
đó có thể chống lại ý nguyện của mình.
Trên đây
là những dẫn chứng tôi đã trình bày. Nguyễn Ái Quốc
khi tự phê bình tỏ ra bình tĩnh và luôn luôn chấp nhận
những tự chỉ trích đó.
Điểm
lại những sự kiện và tư liệu, phải chăng cần khẳng
định vị trí đại diện trong Đảng của Nguyễn Ái
Quốc. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc có thể tham gia Đại
hội (Quốc tế Cộng sản) như một đại biểu chính
thức ”.
(trích
báo cáo của Vaxiliepna)
Bản báo
cáo của Vaxiliepna được những người có trách nhiệm
trong Quốc tế Cộng sản đọc và nghiên cứu kỹ. Xử lý
vụ việc như thế nào đây ? Đã có sự trao đổi qua lại
giữa Vaxiliepna và các đồng chí trong tổ chức Quốc tế
Cộng sản.
Nguyễn
Ái Quốc (hàng đầu, thứ 2 từ phải) tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản
(lần thứ 5) tại Moskva năm 1924 cùng Joseph Gothon-Lunion (thứ 3) và Leon Trotsky (thứ 4)
(lần thứ 5) tại Moskva năm 1924 cùng Joseph Gothon-Lunion (thứ 3) và Leon Trotsky (thứ 4)
Trong
những vụ việc liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, những
việc nào quan trọng, gây tác động nguy hiểm cần được
làm sáng tỏ trước khi Ban thẩm tra thành lập và nhóm
họp. Đó là những vụ việc sau :
1. Vì
sao biết Lâm Đức Thụ là kẻ phản bội vẫn còn sử
dụng ?
2. Vì sao thời gian bị bắt ở Hồng Kông bị tòa án kết tội nhẹ và vì sao thoát tù một cách dễ dàng ?
3. Bằng cách nào để đến được Matxcơva ?
2. Vì sao thời gian bị bắt ở Hồng Kông bị tòa án kết tội nhẹ và vì sao thoát tù một cách dễ dàng ?
3. Bằng cách nào để đến được Matxcơva ?
Đồng
chí Vaxiliepna đã trực tiếp gặp Nguyễn Ái Quốc trao đổi
về những buộc tội có trong thư của Ban lãnh đạo Hải
ngoại. Đặc biệt việc vì sao biết Lâm Đức Thụ là kẻ
phản bội mà vẫn sử dụng. Nguyễn Ái Quốc trả lời
dứt khoát rằng phát hiện Lâm Đức Thụ phản động rất
muộn, mãi sau này. Việc này được Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Đông Dương, đồng chí Hải An (Lê Hồng Phong)
đã khẳng định trong báo cáo giải trình về Nguyễn Ái
Quốc gửi Quốc tế Cộng sản.
Về việc
thời gian bị bắt ở Hồng Kông, vì sao được tòa án
kết tội nhẹ và thoát tù một cách dễ dàng, đồng chí
Vaxiliepna đã có trong tay chứng cứ thuyết phục rằng đã
liên lạc, gửi tiền thuê luật sư Loseby lo việc Nguyễn
Ái Quốc thông qua Hội cứu trợ những người cộng sản
bị nạn của Pháp.
Bằng
cách nào để đến được Matxcơva ? Sau khi ra tù,
Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với người bạn
cũ thời kỳ hoạt động ở Đảng Cộng sản Pháp là
Paul Vaillant-Couturier lúc này đang ở Trung Quốc và được
bố trí trở lại nước Nga. Quốc tế Cộng sản đã cử
đồng chí Radumopva gặp trực tiếp Vaillant-Couturier hỏi
về vụ việc và được trả lời là do đồng chí bố
trí cho Nguyễn Ái Quốc trở lại nước Nga.
Để
chuẩn bị tốt nội dung làm việc cho Ban thẩm tra,
Vaxiliepna đã viết Bản giải trình dài 6 trang (3), tổng
hợp tất cả những vụ việc liên quan đến quá khứ,
hiện tại của Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt, đã đưa ra
những ý kiến cực kỳ có lợi cho Nguyễn Ái Quốc, khẳng
định rằng Nguyễn Ái Quốc là người Cộng sản chân
chính, hy sinh cống hiến hết mình cho Đảng, không phải
là kẻ phản bội, chưa bao giờ có sự liên hệ với mật
thám. Dẫn đến việc sai lầm về chính trị, chưa có
kinh nghiệm hoạt động bí mật, trình độ lý luận còn
yếu... là do chưa được đào tạo cơ bản. Gần đây,
Nguyễn Ái Quốc tích cực học tập, nghiên cứu, cố gắng
vươn lên để nhận thức đúng bản chất những sai lầm
trong quá khứ...
Trong
Bản
giải trình, Vaxiliepna đề nghị thành phần Ban thẩm tra
có từ 3 đến 5 người có uy tín lớn, trong đó, dứt
khoát phải có mặt của Hải An (Lê Hồng Phong) với Bản
giải trình về Nguyễn Ái Quốc. Đây là một đề nghị
cực kỳ quý báu, như một sự bảo lãnh vận mệnh chính
trị trong sạch của Nguyễn Ái Quốc trước Ban thẩm tra
của Quốc tế Cộng sản.
Tháng 2
năm 1936, Ban thẩm tra được thành lập, lúc đầu, có 2 ý
kiến bút phê của Lãnh đạo Quốc tế Cộng sản :
Ý kiến
một, đề nghị Ban thẩm tra có các đồng chí : 1.
Manuinxki. 2. Krapxki. 3. Hải An. 4. Vương Minh. 5. Barixta. 6.
Raimốp.
Ý kiến
hai, đề nghị gồm các đồng chí : 1. Cônxinna. 2. Hải
An. 3. Krapxki. 4. Barixta. 5. Xtipannốp.
Đến
ngày 19 tháng 2 năm 1936, do có nhiều lý do khác nhau, thành
phần Ban thẩm tra chỉ có các đồng chí: Cônxinna, Hải
An và Krapxki.
Ban thẩm
tra nhóm họp và đi đến những kết luận chính như sau :
1. Đồng
chí Nguyễn Ái Quốc đã mắc một số sai lầm nghiêm
trọng trong hoạt động bí mật. Ban thẩm tra yêu cầu
đồng chí từ nay không để xảy ra những trường hợp
tương tự. Đề nghị đồng chí rút kinh nghiệm bài học
này trong hoạt động bí mật sau này.
2. Ban
thẩm tra không tìm ra chứng cứ nghi ngờ nào về sự
trung thành chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
3. Hồ
sơ vụ việc về Nguyễn Ái Quốc được hủy bỏ.
Bản kết luận đã được Krapxki và Hải An ký.
Sau kết luận của Ban thẩm tra, tưởng chừng vụ việc Nguyễn Ái Quốc đã được giải quyết xong. Nào ngờ, đến tháng 1 năm 1938, khi Nguyễn Ái Quốc tham gia lớp nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Ban lãnh đạo Viện đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ Quốc tế Cộng sản xác minh việc Nguyễn Ái Quốc ra khỏi tù và vào Liên Xô như thế nào. Trong Thư trả lời Viện Nghiên cứu (4), Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định : để giải quyết vụ việc Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Ban thẩm tra và đi đến kết luận về sự trung thành chính trị của Nguyễn Ái Quốc; đồng chí Radumopva đã trực tiếp gặp Vaillant Couturier và được khẳng định chuyến trở về Liên Xô là do Vaillant tổ chức ; hồ sơ vụ việc Nguyễn Ái Quốc đã được Ban thẩm tra quyết định hủy bỏ. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc mới được tiếp nhận làm nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Vụ việc
Nguyễn Ái Quốc đã lùi xa từ nửa đầu thế kỷ trước,
nó như một dấu lặng trong cuộc đời đầy sóng gió của
những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Vì nhiều lý
do mà đến nay chúng ta chưa tiếp cận được đầy đủ,
hoặc chưa xã hội hóa tài liệu lưu trữ thuộc giai đoạn
này, do đó, nhận thức về bản chất các sự kiện liên
quan đến Nguyễn Ái Quốc gặp nhiều khó khăn.
Ảnh bên:Nguyễn
Ái Quốc tại Đại hội thành lập ĐCS Pháp (1920). Ngồi cạnh (người đầu
tiên, từ bên phải) là nhà văn Paul Vaillant-Couturier
Thời kỳ
này là thời kỳ khó khăn nhất của Nguyễn Ái Quốc,
nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng Người đã vượt
qua. Ngoài ra, cần được xem xét những yếu tố khách
quan khác. Trong lúc khó khăn nhất, bên cạnh Nguyễn có
những người bạn, người đồng chí hết lòng giúp đỡ,
như Vaxiliepna, Lê Hồng Phong, Vaillant Couturier, Manuinxki,
Radumopva... Thời điểm thành lập Ban thẩm tra (tháng 2 năm
1936) và trước đó chưa rơi vào thời kỳ cao điểm thanh
lọc nội bộ Quốc tế Cộng sản, cho nên xem xét vụ
việc chưa đến nỗi quá tả ; những người trực
tiếp phụ trách phong trào cách mạng Đông Dương hoặc có
liên quan đến vụ việc của Nguyễn Ái Quốc chưa bị
“ xử lý ” như Vaxiliepna, Krapxki, Radumopva... Với
cái cớ rất hợp lý “ do trình độ lý luận yếu ”,
Nguyễn Ái Quốc có điều kiện vào trường học suốt
thời gian lưu lại ở Liên Xô. Công việc học tập, một
mặt nâng cao trình độ lý luận, mặt khác, được giảm
bớt tham gia đảm nhận những công việc khác. Đặc biệt
trong thời gian cực kỳ khó khăn này, nếu một nhân vật
chính trị “ có vướng tỳ vết ” nào đó mà
đang đảm nhận nhiệm vụ chính trị thì nguy hiểm rất
cao ; trường học là nơi “ ẩn náu ” tốt
nhất tránh được mọi cuộc va chạm, đối đầu, dị
nghị. Những ai, đặc biệt là người nước ngoài, đảm
nhận vị trí trong bộ máy Quốc tế Cộng sản thời kỳ
này phải đối mặt với sự nguy hiểm của chiến dịch
“ thanh trừng nội bộ ”. Nguyễn Ái Quốc không
có danh sách trong bộ máy Quốc tế Cộng sản, không đảm
nhận công việc cụ thể nào “ mà chỉ lo học
hành ”.
Một yếu
tố cực kỳ quan trọng, đó là tầm ảnh hưởng, tiếng
tăm của Nguyễn Ái Quốc trên chính trường quốc tế.
Khi xử lý vụ việc Nguyễn Ái Quốc, rõ ràng những người
có trách nhiệm trong bộ máy Quốc tế Cộng sản luôn tỏ
thái độ kính nể và thận trọng. Có những việc phải
cử người ra nước ngoài để thẩm tra, xác minh. Ngay cả
Vaxiliepna cũng phải thừa nhận : “ Tôi từng
biết tiếng tăm của đồng chí Nguyễn trước khi làm
việc trực tiếp với đồng chí ”.
Cũng
phải thừa nhận rằng, ít người trong thời kỳ này khi
có “ tỳ vết chính trị ” được thành lập
Ban thẩm tra để giải quyết một cách thận trọng như
trường hợp Nguyễn Ái Quốc. Phần lớn rơi vào trường
hợp này thường bị xử lý “ tiền trảm hậu
tấu ”.
Thời
điểm khó khăn nhất là lúc bản lĩnh Nguyễn Ái Quốc
tỏa sáng. Vì sao một số nhân vật lãnh đạo Đảng
nhiều lần nhắc Nguyễn Ái Quốc viết bản tự chỉ
trích về tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, biệt phái tiểu
tư sản, sai lầm về đấu tranh giai cấp... nhưng Nguyễn
Ái Quốc không phản ứng, không giãi bày, chấp nhận nó
trong im lặng. Nếu viết ra thành văn bản tức là chấp
nhận thất bại, tự đầu hàng, biết đâu là cái cớ
cho kẻ khác lợi dụng... Tư duy nhìn xa trông rộng của
thiên tài là ở chỗ đó.
Lịch sử
luôn luôn đúng. Hồ Chí Minh luôn đứng về phía lịch sử
và làm nên lịch sử ở những thời khắc lịch sử.
............................................
CHÚ
THÍCH :
1. Thư
Ban lãnh đạo Hải Ngoại gửi Quốc tế Cộng Sản ngày
20-4-1935. Bút tích tiếng Pháp, ký hiệu lưu trữ
495-154-699.
2. Báo
cáo của Vaxiliepna gửi Bộ Phương Đông, Vụ tổ chức
cán bộ của Quốc tế Cộng sản ngày 29-6-1935. Ký hiệu
lưu trữ 495-201-01 tờ số 154 đến 156.
3. Báo
cáo giải trình của Vaxiliepna gửi ban Phương Đông và Vụ
tổ chức cán bộ ký hiệu lưu trữ 495- 201-01 tờ số 143
đến 148.
4. Thư
của Vụ tổ chức cán bộ gửi Viện nghiên cứu các vấn
đề dân tộc thuộc địa đề ngày 8-2-1938, ký hiệu lưu
trữ 495-201-01 tờ số 134.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét