Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

LỐI TẮT

                               Lèi t¾t
          Nương sắn nhà Khùn giáp bìa rừng, muốn sang phải đi qua sân xí nghiệp Bánh kẹo, lúc nào cũng thơm khé mùi mật mía. Đấy là lối tắt. Xí nghiệp sơ tán về, mở lối đi vòng sau hàng rào cho nhà nó rồi, nhưng mấy ai đi. Khùn lại càng không.
          Cái lối tắt ấy vô hình đưa dẫn thằng Khùn dần thành con người khác, khác nhiều trai bản láu tháu cùng lứa; tuy nó cũng từng tin các anh chị tay thoăn thoắt bên bàn chế biến bánh kẹo phải bịt mồm để không ăn vụng được!.Buổi tối, Khùn  hay đứng lặng nhìn vào xí nghiệp, từng căn phòng nhỏ thưng phên loi, tấp giấy dầu, lủng lẳng treo ngọn đèn đội nón, hắt ánh sáng vàng nhợt xuống những khuôn mặt rạng rỡ khi say sưa tập hát, khi cặm cụi đọc sách, rồi bất chợt nhìn về phía bản mình chìm trong màn đêm nhờ nhờ sương, không ánh đèn nào le lói, vừa thấy lòng buồn rượi, vừa trào dâng một niềm khao khát mơ hồ.
          Đấy là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ, ông Khùn về bản với vị thế đã mãn nguyện, cứ như là mơ vậy.
Mới rồi chi bộ khoác vào vai ông trách nhiệm bí thư, dẫu ông từ chối thực lòng. Biết mình, vốn là trai bản làm nương, may được tuyển dụng, phát triển dần thành cán bộ, quá nửa thời gian công tác là đi học, hết bổ túc công nông lại đại học tại chức, chưa xong quản trị kinh doanh lại đã cao cấp lý luận còn thì chung thân làm phó cho đến giờ về nghỉ 132*, chẳng phải quyết việc gì hệ trọng. Mà bản ông bây giờ là bản thuộc phường chứ bỡn à, trình độ như giời. Này nhá, đôi ba đại tá, suốt ngày ngồi cờ tướng, lương cao, không tham chính thôi chứ “đý đuận”đầy mình, soi chỗ nào, chết chỗ ấy. Lại mấy “hảo hán” vừa được đặc xá ngày quốc khánh, kéo nhau đến nhà trưởng bản, tiếng là trình diện, chứ đòi đất, đòi công ăn viêc làm là chính …Rồi mấy con nghiện, thà giắt trong người vài tép để vào trại giam còn sướng hơn đi cai nghiện cộng đồng….Trưởng bản đến xin ý kiến ông mà mặt mày tái dại.
- Hay là tôi làm đơn xin từ chức mình nhé!
Ông quay nghiêng, ôm vai vợ, lắc nhẹ, chẳng thấy động đậy gì, như mac-no-canh úp sát tường. Bàn tay ông rờ rẫm khuôn mặt bà xương xương, lành lạnh, một bên má nhoè nước. Ông  thở dài, lồm cồm trở dậy, ra bàn trà, quơ cái điếu ục. Thuần thục như máy, ông ghé nghiêng xì bã, thong thả vê mồi thuốc bằng quả táo, nhét vào nõ, bắn hai hơi mới cháy hết. Nhắp và nhả cục bã xỉ phọt tung lên, rất gọn. Rồi ông rít. Chiếc điếu sôi lên, nước lồng lộn trong ống, nghe trầm đục, còn ông khoan thai ngửa cổ lên trần nhà phả khói, cười.
Không cười sao được, mỗi khi nhớ buổi chiều chạng vạng xưa ấy. Cái thằng Khùn vừa từ nương sắn đi xuống, cởi phăng quần áo, ào xuống suối, thì nghe phía dưới, chỗ trại lợn xí nghiệp có tiếng kêu thất thanh rất khiếp đảm. Nó vơ vội con dao, nhào ngay xuống. Cô gái ướt sũng, hớt hải chạy ngược lên, ngã dúi dụi, đâm sầm vào nó, như gặp đấng cứu tinh, ôm chặt, thở không ra hơi, ú ớ chỉ về phía trại lợn đã bị đổ sập và lũ lợn choai kêu inh ỏi. Một ông lợn lòi, to như nghé, đang cỡi lưng lợn nhà rất dũng mãnh. Thì ra là mày, mấy hôm nay xuống phá nương sắn, Khùn rình mãi chưa gặp đây. Chắc là đánh hơi thấy mùi ả lợn nái xí nghiệp đang kỳ động hớn, nên liều mạng xông vào chứ gì? Chắc là chỉ mấy cái hục, chiếc chuồng tre đổ gục, lợn chạy tán loạn làm cô gái thất kinh, mặt cắt không còn giọt máu. Giờ thì ông lợn yên trí làm phận sự bản năng, không thèm biết ở đằng xa có đôi trai gái, cũng đang ôm chặt nhau chỉ vì sợ hãi. Khi dưới ngực chàng cảm thấy một vồng căng mềm, âm ấm ép sát mà run rẩy, thì nàng cũng giật thót người, phần bụng dưới có gì nóng giẫy truồi truội. Hốt hoảng, buông vội nhau ra, nàng chạy về văn phòng, chàng vọt lên chỗ đôi lợn còn đang quấn nhau mụ mị, Chờ đôi chân trước con lợn lòi vừa hạ từ lưng ả nái xuống đất, chàng lẹ làng vung dao phập xuống gáy nó, nhanh như tia chớp. Một tiếng oéc oan nghiệt như xé trời rống lên, máu phun toé như nước ống vỡ. Loạng choạng rồi đổ vật ra vũng máu, cái mõm ông lợn lòi còn nghểnh lên, nhe đôi nanh dữ tợn giật giật không ngớt. Mặc, một tay chàng lòn dưới háng nó, tay kia xẻo phăng ngay cục đực, vừa tủm tỉm cười, dù sao thì ngài cũng đã hành sự xong rồi; có đứa nối dõi rồi, đừng oán gì tôi nhớ! Cũng vừa lúc mọi người trong xí nghiệp ào ào chạy ra, trầm trồ bàn tán ngậu xị.
Tối ấy, cả bản, cả xí nghiệp tập trung ở nhà trưởng bản uống rượu với thịt lợn rừng luộc rải từng mô trên những tầu lá chuối xanh, vui lắm. Các cô gái bản duyên dáng được dịp trổ tài giã chằm chéo, vừa khéo mời khách uống. Trưởng bản là bố Khùn mà. Nhận nhau làm anh em nhá. Thái đen, Thái trắng, Thái Bình.,.. Hàng nghìn lý do để được uống với nhau, Say nghiêng ngả. Chỉ hai người bâng khuâng, không say rượu, mà…lâng lâng say, rạo rực, chẳng ai bảo ai, đều lẳng lặng rời cuộc vui, bỏ lại đằng sau tiếng cười râm ran, lẫn trộn tiếng Thái, tiếng Kinh ngòng ngọng, meo méo, vui vui…,  Như có mắt dưới chân dẫn đường trong đêm trăng bàng bạc, nàng đến nơi ban chiều bị hồn xiêu phách lạc. Tần ngần nhớ lại lúc hoàn hồn, bất giác đưa tay xoa vồng ngực thanh tân, lần đầu tiên dựa vào cơ thể đàn ông rắn chắc như cột đá. Cơn gió thoảng làm nàng rùng mình, nóng bừng mặt như bị ai nhìn trộm. Phải, đó là cái nhìn nảy lửa của Khùn từ tít đằng xa. Chàng ào đến và quay cuồng như gió lốc. Mấy ngày sau, líu líu trước giám đốc xí nghiệp, chàng nhận hết lỗi, chỉ mong được lấy nàng làm vợ. Khùn có biết đâu, nàng là cháu  ruột của trưởng ty chủ quản mới xuống xí nghiệp cho quen việc rồi sẽ về ngồi văn phòng tỉnh. Nàng cũng đâu biết người mình trót trao thân, to cao, đẹp trai đã bỏ học từ năm lớp bốn, còn mấy tháng nữa mới đủ tuổi kết hôn, kém nàng đúng nửa giáp.
Ông có đủ cả, tài, danh, vợ ngoan, con khôn đã hạ cánh an toàn lại bỗng dưng mua dây chằng cổ vậy. Ừ, đành vậy, nhưng mình đâu là đàn ông để hiểu nỗi khát khao dòng tộc. Cả họ Bạc quyền quý ở bản  này chỉ còn mình thằng Phúc thôi, mà bố nó, em tôi đã thiệt phận lâu rồi. Nó phải nên người! Hu Hu... Ông nấc lên, đôi vai rung từng đợt, rũ xuống như đứa trẻ.
Bà cựa mình, nhỏm ngồi dậy, dựa tường cho đỡ mỏi lưng, cố nín không đẻ nước mắt dào ra. Thương ông quặn lòng. Hơn ba mươi năm ăn ở với nhau, giời cho hai mặt con giỏi giang, thành đạt, chớ hề ai nhe thấy ông bà tiếng bấc, tiếng chì Lương lậu, chi tiêu, tiền khóc, tiền cười một tay bà lo liệu, nhiều no, ít đủ. Họ hàng hai bên nội ngoại hay lấy gia đình ông bà làm gương, rể hiền, dâu thảo răn dạy cháu con. Cứ ngỡ là đã trọn vẹn, viên mãn lắm rồi, thì dạo này, thấy ông hay trăn trở về nguồn cội. Thi thoảng còn phàn nàn bà không về nghỉ chế độ sớm hơn để rặn ra thằng nối dõi, giữ ngôi nhà thờ tổ tông, chứ hai con vịt giời theo chồng phới về xuôi cả bốn.
          Tôi biết, cái gien họ nhà tôi, được mỗi cái đẹp mã, thằng cháu Phúc cũng thế, thi cao đẳng Sơn La còn giẫm vỏ chuối, đỗ trường nào được? Tôi về, gánh cái bí thư bản, cũng là tạo thêm vây, đưa dần nó vào nguồn; đặt được đít vào cái ghế nào đấy, rồi tại chức, vừa học vừa làm, dăm năm nữa, bèo cũng được chức trưởng phó ban ngành của xã, chẳng hơn đứt mấy đứa chính quy, bằng  khá giỏi, ấn tiền tấn chắc gì đã có việc. Ông nói thế, thì tôi biết thế, nhưng cứ suốt ngày liêng biêng rượu, khuya khoắt mới lần về nhiễu, tôi không chịu được. Ơ hay nhỉ, không quâý vợ mình thì quấy ai? Chả bù cho vợ con người ta khuya mấy cũng đợi dìu chồng về, liêu xiêu nôn oẹ càng vui.
Lúc đầu, bà cố chịu. Nhưng, hình như ông cố tình uống cho say, không tối nào không say. Như say thì quên đi được thằng đàn ông đang quằn quại trong ông. Bà giận, nói thì ông lại tu tu khóc như con trẻ. Thà như thế bà còn cố chịu được. Nhưng vài tuần nay, bà hoảng. Ông không say nữa, thậm chí, vứt luôn cả cái điếu ục, là bạn tri kỷ mấy mươi năm, nói để bảo vệ lá phổi. Tiến bộ thế. Lại còn ra hiệu nha khoa, cà răng trắng nhởn…Lúc nào đi ra ngoài quần áo cũng phẳng phiu, thơm tho, soi gương, vuốt tóc.. nghi lắm. Lại bỗng yêu chiều bà thái quá. Tối nào, có Đảng trong cuộc sống hôm nay thì hết chương trình, còn nói chung là hết thời sự cũng tắt điện, bồng bà vào giường, ôm ôm, xoa xoa làm bà xấu hổ đỏ lưng ( vì ông vỗ vỗ), Triệu chứng rồi. Ngăn chặn ngay, bà nghĩ thế và điện đàm luôn với hai cô con gái. Đồ nỡm, chúng còn cười cười, mợ chẳng giữ được ba đâu, còi to cho vượt, mợ à; cái vấn đề là điều tiết, dừng đúng chỗ, đỗ đúng bến, đừng để hậu quả mà thôi. Con với cái, láo thế cơ chứ!
Bà khẽ gỡ cánh tay ông vẫn còn săn chắc quàng qua người bà, lẻn ngồi dậy, nhìn ông vô tư nhai răng ọ ẹ như trẻ nhỏ, rồi xoay người nằm ngữa ngáy pho pho. Thân thương quá chừng. Khuôn mặt ông đầy đặn, vầng trán nở nang xoà xuống lọn tóc quăn mới điểm vài ba sợi bạc. Đôi môi đầy tham lam khi quấn quýt với bà đấy, lúc ngủ, nom như sắp cười, phúc hậu làm sao? Bộ ngực trần, tuy không còn vạm vỡ như xưa, nhưng vẫn vống lên từng múi. Bất giác bà lại vuốt lên gồ ngực mình teo tóp, thở dài đánh sượt. Bà học theo nhiều sách, uống nhiều hảo dược hồi xuân, nhưng khổ nỗi, cơ địa nhỏ nhắn, dây dây, vẫn mỏi mòn cùng năm tháng. Tuy nhiên, bà vẫn vững dạ, suốt cả thời xuân sắc, ông chỉ biết có bà, lẽ nào tuổi này bỗng dưng ông đổ đốn được. Thôi thì cứ để ông ấy tham gia công tác lãnh đạo địa phương, Đảng quản, kiểu gì chả phải gương mẫu, chứ hưu rồi, vô sừng sẹo, dễ chép miệng lắm. Vậy nên bà nghe lời ông, dọn về bản ở. Ngôi nhà ngoài phố, đã cho thuê hai tầng làm shop thời trang, giờ để họ thuê tuốt, cho lành. Toàn bọn sồn sồn, cởi cởi, hay thay, ngứa cả mắt, còn ông thì khi cầm ly giả vờ uống nước; khi cầm tờ báo trễ tràng, kỳ thực mắt cứ dán vào những tấm thân ưỡn ẹo, lượn lờ, kín kín, hở hở mụ hêt người.
 Chẳng lẽ mấy đứa con bà quen sống hiện đại, chúng nói đúng ư? Không thể nào trói được gió ư?  Bà phải tìm cách, vừa đáp ứng được tâm nguyện của ông, để ông vui, vừa giữ được ông, chi bằng cho thằng cháu Phúc con em trai ông đi Ma-lai, bưng bê, kê quét vài ba năm. Nghiến răng, dăm chục bạc chứ mấy. Còn ông phải về lại phố cùng bà, đi đâu cũng phải chở bà theo, thì dù có thích  ai, ai thích cũng ngoại tình vào …mắt!
Không thể ngờ, cái kế hoạch hoàn hảo của bà chưa kịp trưng ra, thì thấy ông đã nộp đơn xin từ nhiệm, cùng mọi văn bản bàn giao viết sẵn, lý do, ông mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tích cực ở bệnh viện K. Hồi mới biết, ông sợ lắm, nốc rượu suốt cho khuây. Đến khi bình tâm, sẵn sàng đón nó, thì ông lại yêu đời hơn lúc nào hết. Có gì đâu mà sợ. Hành trình của ai chả thế, đều trở về cát bụi đó thôi.
Ông lập một kế hoạch tối ưu, nêu nguyện vọng được an nghỉ nhân đạo, nhờ chuyên môn y tế can thiệp, khi có triệu chứng không thể cứu vãn thì tuyệt nhiên không kéo dài sự đau đớn trong ông nữa. Thương ông, bà gật đầu, nhưng nước mắt cứ dào ra ầng ậc. Vào giây phút tỉnh táo nhất, giữa hai cơn đau, ông bình thản bảo bà lấy bên dưới bát hương kê góc nhà sàn cổ kính một mảnh giấy đã ố vàng. Đấy là di chúc của em trai ông. Dòng họ Bạc từ xưa đến giờ nổi tiếng can trường và hiếu nghĩa, tôi vì nước mà lâm trọng bệnh quái ác, sinh đứa nào, tật nguyền và chết yểu đứa ấy.. .Thề có trời đất anh Khùn hoàn toàn trong sáng, không giai trên gái dưới. Vợ tôi hoàn toàn không hay biết gì. Phúc- Con trai tôi đã ra đời như thế !
Ông mỉm cười, mãn nguyện nhìn mọi người chăm chú xem thư, lâng lâng vào cõi vĩnh hằng!
Thoáng sững sờ, rồi tất cả oà lên, nức nở!
                                  Vân Hồ- ngày lập huyện  - 24/9/2013
* Nghỉ hưu theo nghị định 132/ 2007NĐ-CP

(Anh tren internet- chi minh hoa)



                                  Vân Hồ- huyện mới - 24/9/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét