Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Trần Dân Tiên thực là ai?

Hồi lớp 4, mình được giải ( thường thôi) môn văn tỉnh Nam Định, hôm lên huyện, cách nhà 13 cây số nhận giải( một cuốn sổ tay, bé bằng bàn tay người lớn, một bánh xà phòng thơm Hải đường). Sướng nhất là được bố dẫn ra hiệu sách, lần đầu tiên biết có cửa hàng, nhiều sách thế! Nhiều nên chả biết thích cuốn nào, đọc mãi, ngần ngừ mãi, mới chỉ vào cuốn ‘Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”. Không nói ngoa, mình thuộc ngay sau vài ngày đọc. Và, mùa hè năm ấy, các ông được cử coi lúa đêm ở sân kho hợp tác kiểu gì cũng dành cho mình một suất( chỉ hưởng nửa của nửa công thôi) để mình kể lại cho họ nghe!
Đương nhiên, mình hỏi bố,ai đã viết cuốn sách hay vậy. Bố trả lời: Bác chứ ai. Mình tin tưởng tuyệt đối. Lớn lên, khi học về văn thơ Hồ Chủ tịch, thầy dạy Văn cũng bảo: Trần Dân Tiên là một trong rất nhiều bút danh của Bác.

Dần dần, qua rất nhiều kênh thông tin, mình cũng  thoang thoáng nghi vấn, như bao người trăn trở, truy tìm tác giả Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”. Rất may, nay trên trang Q.C có đăng bài, nói là của cụ Nguyễn Khôi, viết về vấn đề này. Xin đăng lại nguyên văn

Đã tìm thấy Trn Dân Tiên...

                              ( Ảnh ông Nguyễn Khôi)
Theo Nguyễn Khôi - 75 tuổi nguyên chuyên viên cao cấp - phó vụ trưởng Văn phòng Quốc Hội, có thời gian  làm Bí thư chi bộ có các bác Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ cùng sinh hoạt, là  Nhà văn Hà Nội, tác giả bộ Cổ pháp cố sự, Chuyện làng Đình Bảng xưa, 4 tập- 920 trang viết về cội nguồn nhà Lý, giải thưởng VHNT Thủ Đô 2008- (xem Nguyễn Khôi- Wikipedia tiếng Việt).


   Cuốn " Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch" ra đời là do lúc đó (1945-1946) kể cả trong và ngoài nước, địch - ta ...ít ai biết về Hồ Chí Minh, mà chỉ biết có Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc "duyệt" cho ý kiến để hoàn thiện  đem xuất bản. Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế  thì Bác làm sao mà ngồi chấp bút viết về mình được ? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào nói về mình.

Tên bút danh "Trần Dân Tiên" có ý nghĩa : người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần - Trần Hưng Đạo (Nam Định) đều nêu cao tinh thần "Sát Thát"- chống ngoại xâm, chả thế mà khu rừng ở Cao Bằng nơi ra đời Giải phóng quân  của Võ Nguyên Giáp cũng gọi là "Khu rừng Trần Hưng Đạo" ?

Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch  xuyên tạc nói xấu mà thôi.

Trên đây là những cái mà Nguyễn Khôi  nghe được ở các vị Thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, vì không phải là "giấy trắng mực đen", ghi âm, chứng cứ rõ ràng, mà chỉ là "chuyện kể" của nhiều người (không phát ngôn chính thức)  Nguyễn Khôi nghe lỏm được, thấy không có hại, nên trước khi từ biệt thế giới này (vì đã ở tuổi 75) thử đưa ra để mọi người tham khảo, tìm tòi thêm để đi đến kết luận chính xác " Trần Dân Tiên (*) thực là ai?". (Hà Nội 31-7-2013   Nguyễn Khôi cẩn bút...)



__________________________________
(*) Trần Dân Tiên là ai ? Lịch sử vấn đề.
Tên gọi và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.            
Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên, danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của ông và được nhiều người chấp nhận nhất. Theo một số tài liệu thì ông bắt đầu sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh từ năm 1940 nhưng không ai biết cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc bắt do nghi ngờ là gián điệp vào năm 1942. Từ đó ông bắt đầu công khai và dùng tên gọi Hồ Chí Minh với mọi người. Và từ đó trở đi danh xưng Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi chính thức của ông.   

Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành, trong cuộc đời mình, ông còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1912); Nguyễn Ái Quốc, từ 1919); Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển, 1911); Lý Thụy (khi ở Quảng Châu, 1924-), Hồ Quang (1938-40), Vương (Wang) (1925-27, 1940), Tống Văn Sơ (1931-33), Trần (1940) (khi ở Trung Quốc); Chín (khi ở Xiêm La, 1928-30) và được gọi là Thầu (ông cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô, 1934-38); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô năm 1923); ông cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ. Khi ở Việt Bắc ông thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là Ông Ké, Già Thu,. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi ông là "Bung Hồ" (Anh Cả Hồ).           

Ông dùng 173 bút danh khi viết sách, báo:[209] Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng A.Q, Ng. Ái Quốc, N.A.Q, N., Wang, N.K., A.N; P.C. Lin, P.C. Line (1938, Trung Quốc), Line (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-50), A.G, X.Y.Z (1947-50), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T.L. (1955-69), Trần Dân Tiên, (1946), T.Lan (1955-69), Tuyết Lan, Thanh Lan, Đin (1950-53), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục "Thường thức chính trị" trên báo Cứu quốc năm 1953), C.B (trên báo Nhân Dân 1951-57), V.K. , K.C., C.K., Trần Lực (1948-61), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V., Trầm Lam, Luật sư TH. Lam, Nguyễn Kim, K.O, Việt Hồng..v.v.
Trong các bút danh của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên là bút danh gây nhiều tranh cãi tồn nghi nhất

Thông tin rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh được khẳng định và được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước.
Nguồn khẳng định
Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An);
...Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện"...
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
..Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch...";
Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do,
...Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra...
Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life:
...The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages...
Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.
Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography:
...
Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:.
...Although the author's name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography...
Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện...
Nguồn được tạm hiểu
Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh:
Tạp chí Cộng sản Điện tử ,
...Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: "Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao....);

Tác giả gửi Quê Choa

Chắc chắn, đây sẽ là đề tài thú vị. Vì cụ Vũ Đình Huỳnh, nguyên thư ký của Bác, cùng con trai, nhà văn Vũ Thư Hiên, và hơn ba chục tri thức, tướng lĩnh… dính vòng lao lý… rất kỳ quặc, đến tận bây giờ chưa kết luận.
Nóng lòng chờ xem các phản hồi
N.S.H


Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

LỐI TẮT

                               Lèi t¾t
          Nương sắn nhà Khùn giáp bìa rừng, muốn sang phải đi qua sân xí nghiệp Bánh kẹo, lúc nào cũng thơm khé mùi mật mía. Đấy là lối tắt. Xí nghiệp sơ tán về, mở lối đi vòng sau hàng rào cho nhà nó rồi, nhưng mấy ai đi. Khùn lại càng không.
          Cái lối tắt ấy vô hình đưa dẫn thằng Khùn dần thành con người khác, khác nhiều trai bản láu tháu cùng lứa; tuy nó cũng từng tin các anh chị tay thoăn thoắt bên bàn chế biến bánh kẹo phải bịt mồm để không ăn vụng được!.Buổi tối, Khùn  hay đứng lặng nhìn vào xí nghiệp, từng căn phòng nhỏ thưng phên loi, tấp giấy dầu, lủng lẳng treo ngọn đèn đội nón, hắt ánh sáng vàng nhợt xuống những khuôn mặt rạng rỡ khi say sưa tập hát, khi cặm cụi đọc sách, rồi bất chợt nhìn về phía bản mình chìm trong màn đêm nhờ nhờ sương, không ánh đèn nào le lói, vừa thấy lòng buồn rượi, vừa trào dâng một niềm khao khát mơ hồ.
          Đấy là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ, ông Khùn về bản với vị thế đã mãn nguyện, cứ như là mơ vậy.
Mới rồi chi bộ khoác vào vai ông trách nhiệm bí thư, dẫu ông từ chối thực lòng. Biết mình, vốn là trai bản làm nương, may được tuyển dụng, phát triển dần thành cán bộ, quá nửa thời gian công tác là đi học, hết bổ túc công nông lại đại học tại chức, chưa xong quản trị kinh doanh lại đã cao cấp lý luận còn thì chung thân làm phó cho đến giờ về nghỉ 132*, chẳng phải quyết việc gì hệ trọng. Mà bản ông bây giờ là bản thuộc phường chứ bỡn à, trình độ như giời. Này nhá, đôi ba đại tá, suốt ngày ngồi cờ tướng, lương cao, không tham chính thôi chứ “đý đuận”đầy mình, soi chỗ nào, chết chỗ ấy. Lại mấy “hảo hán” vừa được đặc xá ngày quốc khánh, kéo nhau đến nhà trưởng bản, tiếng là trình diện, chứ đòi đất, đòi công ăn viêc làm là chính …Rồi mấy con nghiện, thà giắt trong người vài tép để vào trại giam còn sướng hơn đi cai nghiện cộng đồng….Trưởng bản đến xin ý kiến ông mà mặt mày tái dại.
- Hay là tôi làm đơn xin từ chức mình nhé!
Ông quay nghiêng, ôm vai vợ, lắc nhẹ, chẳng thấy động đậy gì, như mac-no-canh úp sát tường. Bàn tay ông rờ rẫm khuôn mặt bà xương xương, lành lạnh, một bên má nhoè nước. Ông  thở dài, lồm cồm trở dậy, ra bàn trà, quơ cái điếu ục. Thuần thục như máy, ông ghé nghiêng xì bã, thong thả vê mồi thuốc bằng quả táo, nhét vào nõ, bắn hai hơi mới cháy hết. Nhắp và nhả cục bã xỉ phọt tung lên, rất gọn. Rồi ông rít. Chiếc điếu sôi lên, nước lồng lộn trong ống, nghe trầm đục, còn ông khoan thai ngửa cổ lên trần nhà phả khói, cười.
Không cười sao được, mỗi khi nhớ buổi chiều chạng vạng xưa ấy. Cái thằng Khùn vừa từ nương sắn đi xuống, cởi phăng quần áo, ào xuống suối, thì nghe phía dưới, chỗ trại lợn xí nghiệp có tiếng kêu thất thanh rất khiếp đảm. Nó vơ vội con dao, nhào ngay xuống. Cô gái ướt sũng, hớt hải chạy ngược lên, ngã dúi dụi, đâm sầm vào nó, như gặp đấng cứu tinh, ôm chặt, thở không ra hơi, ú ớ chỉ về phía trại lợn đã bị đổ sập và lũ lợn choai kêu inh ỏi. Một ông lợn lòi, to như nghé, đang cỡi lưng lợn nhà rất dũng mãnh. Thì ra là mày, mấy hôm nay xuống phá nương sắn, Khùn rình mãi chưa gặp đây. Chắc là đánh hơi thấy mùi ả lợn nái xí nghiệp đang kỳ động hớn, nên liều mạng xông vào chứ gì? Chắc là chỉ mấy cái hục, chiếc chuồng tre đổ gục, lợn chạy tán loạn làm cô gái thất kinh, mặt cắt không còn giọt máu. Giờ thì ông lợn yên trí làm phận sự bản năng, không thèm biết ở đằng xa có đôi trai gái, cũng đang ôm chặt nhau chỉ vì sợ hãi. Khi dưới ngực chàng cảm thấy một vồng căng mềm, âm ấm ép sát mà run rẩy, thì nàng cũng giật thót người, phần bụng dưới có gì nóng giẫy truồi truội. Hốt hoảng, buông vội nhau ra, nàng chạy về văn phòng, chàng vọt lên chỗ đôi lợn còn đang quấn nhau mụ mị, Chờ đôi chân trước con lợn lòi vừa hạ từ lưng ả nái xuống đất, chàng lẹ làng vung dao phập xuống gáy nó, nhanh như tia chớp. Một tiếng oéc oan nghiệt như xé trời rống lên, máu phun toé như nước ống vỡ. Loạng choạng rồi đổ vật ra vũng máu, cái mõm ông lợn lòi còn nghểnh lên, nhe đôi nanh dữ tợn giật giật không ngớt. Mặc, một tay chàng lòn dưới háng nó, tay kia xẻo phăng ngay cục đực, vừa tủm tỉm cười, dù sao thì ngài cũng đã hành sự xong rồi; có đứa nối dõi rồi, đừng oán gì tôi nhớ! Cũng vừa lúc mọi người trong xí nghiệp ào ào chạy ra, trầm trồ bàn tán ngậu xị.
Tối ấy, cả bản, cả xí nghiệp tập trung ở nhà trưởng bản uống rượu với thịt lợn rừng luộc rải từng mô trên những tầu lá chuối xanh, vui lắm. Các cô gái bản duyên dáng được dịp trổ tài giã chằm chéo, vừa khéo mời khách uống. Trưởng bản là bố Khùn mà. Nhận nhau làm anh em nhá. Thái đen, Thái trắng, Thái Bình.,.. Hàng nghìn lý do để được uống với nhau, Say nghiêng ngả. Chỉ hai người bâng khuâng, không say rượu, mà…lâng lâng say, rạo rực, chẳng ai bảo ai, đều lẳng lặng rời cuộc vui, bỏ lại đằng sau tiếng cười râm ran, lẫn trộn tiếng Thái, tiếng Kinh ngòng ngọng, meo méo, vui vui…,  Như có mắt dưới chân dẫn đường trong đêm trăng bàng bạc, nàng đến nơi ban chiều bị hồn xiêu phách lạc. Tần ngần nhớ lại lúc hoàn hồn, bất giác đưa tay xoa vồng ngực thanh tân, lần đầu tiên dựa vào cơ thể đàn ông rắn chắc như cột đá. Cơn gió thoảng làm nàng rùng mình, nóng bừng mặt như bị ai nhìn trộm. Phải, đó là cái nhìn nảy lửa của Khùn từ tít đằng xa. Chàng ào đến và quay cuồng như gió lốc. Mấy ngày sau, líu líu trước giám đốc xí nghiệp, chàng nhận hết lỗi, chỉ mong được lấy nàng làm vợ. Khùn có biết đâu, nàng là cháu  ruột của trưởng ty chủ quản mới xuống xí nghiệp cho quen việc rồi sẽ về ngồi văn phòng tỉnh. Nàng cũng đâu biết người mình trót trao thân, to cao, đẹp trai đã bỏ học từ năm lớp bốn, còn mấy tháng nữa mới đủ tuổi kết hôn, kém nàng đúng nửa giáp.
Ông có đủ cả, tài, danh, vợ ngoan, con khôn đã hạ cánh an toàn lại bỗng dưng mua dây chằng cổ vậy. Ừ, đành vậy, nhưng mình đâu là đàn ông để hiểu nỗi khát khao dòng tộc. Cả họ Bạc quyền quý ở bản  này chỉ còn mình thằng Phúc thôi, mà bố nó, em tôi đã thiệt phận lâu rồi. Nó phải nên người! Hu Hu... Ông nấc lên, đôi vai rung từng đợt, rũ xuống như đứa trẻ.
Bà cựa mình, nhỏm ngồi dậy, dựa tường cho đỡ mỏi lưng, cố nín không đẻ nước mắt dào ra. Thương ông quặn lòng. Hơn ba mươi năm ăn ở với nhau, giời cho hai mặt con giỏi giang, thành đạt, chớ hề ai nhe thấy ông bà tiếng bấc, tiếng chì Lương lậu, chi tiêu, tiền khóc, tiền cười một tay bà lo liệu, nhiều no, ít đủ. Họ hàng hai bên nội ngoại hay lấy gia đình ông bà làm gương, rể hiền, dâu thảo răn dạy cháu con. Cứ ngỡ là đã trọn vẹn, viên mãn lắm rồi, thì dạo này, thấy ông hay trăn trở về nguồn cội. Thi thoảng còn phàn nàn bà không về nghỉ chế độ sớm hơn để rặn ra thằng nối dõi, giữ ngôi nhà thờ tổ tông, chứ hai con vịt giời theo chồng phới về xuôi cả bốn.
          Tôi biết, cái gien họ nhà tôi, được mỗi cái đẹp mã, thằng cháu Phúc cũng thế, thi cao đẳng Sơn La còn giẫm vỏ chuối, đỗ trường nào được? Tôi về, gánh cái bí thư bản, cũng là tạo thêm vây, đưa dần nó vào nguồn; đặt được đít vào cái ghế nào đấy, rồi tại chức, vừa học vừa làm, dăm năm nữa, bèo cũng được chức trưởng phó ban ngành của xã, chẳng hơn đứt mấy đứa chính quy, bằng  khá giỏi, ấn tiền tấn chắc gì đã có việc. Ông nói thế, thì tôi biết thế, nhưng cứ suốt ngày liêng biêng rượu, khuya khoắt mới lần về nhiễu, tôi không chịu được. Ơ hay nhỉ, không quâý vợ mình thì quấy ai? Chả bù cho vợ con người ta khuya mấy cũng đợi dìu chồng về, liêu xiêu nôn oẹ càng vui.
Lúc đầu, bà cố chịu. Nhưng, hình như ông cố tình uống cho say, không tối nào không say. Như say thì quên đi được thằng đàn ông đang quằn quại trong ông. Bà giận, nói thì ông lại tu tu khóc như con trẻ. Thà như thế bà còn cố chịu được. Nhưng vài tuần nay, bà hoảng. Ông không say nữa, thậm chí, vứt luôn cả cái điếu ục, là bạn tri kỷ mấy mươi năm, nói để bảo vệ lá phổi. Tiến bộ thế. Lại còn ra hiệu nha khoa, cà răng trắng nhởn…Lúc nào đi ra ngoài quần áo cũng phẳng phiu, thơm tho, soi gương, vuốt tóc.. nghi lắm. Lại bỗng yêu chiều bà thái quá. Tối nào, có Đảng trong cuộc sống hôm nay thì hết chương trình, còn nói chung là hết thời sự cũng tắt điện, bồng bà vào giường, ôm ôm, xoa xoa làm bà xấu hổ đỏ lưng ( vì ông vỗ vỗ), Triệu chứng rồi. Ngăn chặn ngay, bà nghĩ thế và điện đàm luôn với hai cô con gái. Đồ nỡm, chúng còn cười cười, mợ chẳng giữ được ba đâu, còi to cho vượt, mợ à; cái vấn đề là điều tiết, dừng đúng chỗ, đỗ đúng bến, đừng để hậu quả mà thôi. Con với cái, láo thế cơ chứ!
Bà khẽ gỡ cánh tay ông vẫn còn săn chắc quàng qua người bà, lẻn ngồi dậy, nhìn ông vô tư nhai răng ọ ẹ như trẻ nhỏ, rồi xoay người nằm ngữa ngáy pho pho. Thân thương quá chừng. Khuôn mặt ông đầy đặn, vầng trán nở nang xoà xuống lọn tóc quăn mới điểm vài ba sợi bạc. Đôi môi đầy tham lam khi quấn quýt với bà đấy, lúc ngủ, nom như sắp cười, phúc hậu làm sao? Bộ ngực trần, tuy không còn vạm vỡ như xưa, nhưng vẫn vống lên từng múi. Bất giác bà lại vuốt lên gồ ngực mình teo tóp, thở dài đánh sượt. Bà học theo nhiều sách, uống nhiều hảo dược hồi xuân, nhưng khổ nỗi, cơ địa nhỏ nhắn, dây dây, vẫn mỏi mòn cùng năm tháng. Tuy nhiên, bà vẫn vững dạ, suốt cả thời xuân sắc, ông chỉ biết có bà, lẽ nào tuổi này bỗng dưng ông đổ đốn được. Thôi thì cứ để ông ấy tham gia công tác lãnh đạo địa phương, Đảng quản, kiểu gì chả phải gương mẫu, chứ hưu rồi, vô sừng sẹo, dễ chép miệng lắm. Vậy nên bà nghe lời ông, dọn về bản ở. Ngôi nhà ngoài phố, đã cho thuê hai tầng làm shop thời trang, giờ để họ thuê tuốt, cho lành. Toàn bọn sồn sồn, cởi cởi, hay thay, ngứa cả mắt, còn ông thì khi cầm ly giả vờ uống nước; khi cầm tờ báo trễ tràng, kỳ thực mắt cứ dán vào những tấm thân ưỡn ẹo, lượn lờ, kín kín, hở hở mụ hêt người.
 Chẳng lẽ mấy đứa con bà quen sống hiện đại, chúng nói đúng ư? Không thể nào trói được gió ư?  Bà phải tìm cách, vừa đáp ứng được tâm nguyện của ông, để ông vui, vừa giữ được ông, chi bằng cho thằng cháu Phúc con em trai ông đi Ma-lai, bưng bê, kê quét vài ba năm. Nghiến răng, dăm chục bạc chứ mấy. Còn ông phải về lại phố cùng bà, đi đâu cũng phải chở bà theo, thì dù có thích  ai, ai thích cũng ngoại tình vào …mắt!
Không thể ngờ, cái kế hoạch hoàn hảo của bà chưa kịp trưng ra, thì thấy ông đã nộp đơn xin từ nhiệm, cùng mọi văn bản bàn giao viết sẵn, lý do, ông mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tích cực ở bệnh viện K. Hồi mới biết, ông sợ lắm, nốc rượu suốt cho khuây. Đến khi bình tâm, sẵn sàng đón nó, thì ông lại yêu đời hơn lúc nào hết. Có gì đâu mà sợ. Hành trình của ai chả thế, đều trở về cát bụi đó thôi.
Ông lập một kế hoạch tối ưu, nêu nguyện vọng được an nghỉ nhân đạo, nhờ chuyên môn y tế can thiệp, khi có triệu chứng không thể cứu vãn thì tuyệt nhiên không kéo dài sự đau đớn trong ông nữa. Thương ông, bà gật đầu, nhưng nước mắt cứ dào ra ầng ậc. Vào giây phút tỉnh táo nhất, giữa hai cơn đau, ông bình thản bảo bà lấy bên dưới bát hương kê góc nhà sàn cổ kính một mảnh giấy đã ố vàng. Đấy là di chúc của em trai ông. Dòng họ Bạc từ xưa đến giờ nổi tiếng can trường và hiếu nghĩa, tôi vì nước mà lâm trọng bệnh quái ác, sinh đứa nào, tật nguyền và chết yểu đứa ấy.. .Thề có trời đất anh Khùn hoàn toàn trong sáng, không giai trên gái dưới. Vợ tôi hoàn toàn không hay biết gì. Phúc- Con trai tôi đã ra đời như thế !
Ông mỉm cười, mãn nguyện nhìn mọi người chăm chú xem thư, lâng lâng vào cõi vĩnh hằng!
Thoáng sững sờ, rồi tất cả oà lên, nức nở!
                                  Vân Hồ- ngày lập huyện  - 24/9/2013
* Nghỉ hưu theo nghị định 132/ 2007NĐ-CP

(Anh tren internet- chi minh hoa)



                                  Vân Hồ- huyện mới - 24/9/2013

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

LAI DA QUY


Nay em gửi để thầy  đọc chơi bài thơ, tình cờ em thấy được ở” Non nước Cao Bằng”, tháng 6/2013 chẳng biết có hợp với ngữ cảnh của thầy chăng?

CÓ MỘT MÙA HOA
                               Đàm  Hải Yến
Có người vừa khơi gió heo may
Cho dã quỳ xôn xao nẻo vắng
Có một mùa thu ngỡ xa xôi lắm
Lại ùa về cho tóc thơm lên

Buộc mình vào nỗi nhớ không tên
Bởi đắng ngọt của người để lại
Dã quỳ ơi cánh nào vụng dại
Người ấy về cả những vu vơ

Ta buộc mình chắp nối cơn mơ
Hò hẹn chi nắng vàng lá đỏ
Lúc chia xa lối mòn bỏ ngỏ
Nỗi niềm không thể gửi trao nhau

Một mùa hoa gọi nhắc mùa đầu
Ta nhớ một người không thể nói
Người ấy có khi nào tự hỏi
Đến bao giờ hương tóc phôi phai

Em ngờ ngợ… chẳng lẽ nào, cùng thời điểm lại có những văn nhân đồng giọng và cùng tâm trạng sắt se, buốt nhói như thế?
“Người ấy “ chăng thầy?
Cái “Lối mòn bỏ bỏ” đây có phải phút 89, giành cho người khát khao chinh phục chăng?

Em rất muốn làm fan hâm mộ, cổ vũ cho cuộc đấu trí này! Thầy tin không?

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

BÀI THƠ THẤM ĐẪM TÌNH NGƯỜI

              Mấy ngày nay xuống Vân Hồ làm đại diện choTổng thầu thiết kế thi công trụ sở tạm Huyện uỷ, UBND hyện Vân Hồ mới  được tách ra từ Mộc Châu, rỗi., ngồi nhâm nhi các tạp chí  văn nghệ của các tỉnh. Tình cờ đọc trên Đất Quảng số113- Tháng 8/2013 bài thơ, thấy hay. Ngó lên đầu trang, thấy đề tên tác giả Hoàng Anh Tuấn, ngờ ngợ có phải H.A.T “ Mùa phơi váy” đó chăng?. Thôi thì cứ chép lên, còn hậu xét.
Nói với chồng cũ của vợ
 Ấy là tôi nói với anh
Cuối tuần thường tới dỗ dành… con tôi
Vợ tôi hết đứng lại ngồi
Ẩn sau khuôn mặt đầy vơi nỗi niềm

Anh qua giông bão trắng đêm
Chân chim xô lệch làm nên nét cười
Lỡ tay hạnh phúc đánh rơi
Để tôi cúi nhặt rối bời tơ vương

Chẳng đi chung một néo đường
Thì còn chung nụ yêu thương thắm nồng
Tôi-Anh, hai cá một dòng
Hai thuyền một bến, hai sông một bờ

Khóc thầm trong những giấc mơ
Sương trên mắt bé đợi chờ bóng anh
Cầu cho phía cuối trời xanh
Có người xâu gió vá lành ngày xưa

Vườn khuya hè dạo khúc mưa
Ban mai sẻ gọi nắmg vừa mới lên
Vợ tôi quét lá bên thềm
Hình như thấy dấu chân đêm, chợt buồn!...
     HA.T
Lời bình của nhà cháu:
Ca dao có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi/Hai tay nâng lấy, cũ người, mới ta. Mặc cho tục ngữ thường tổng kết:Nứa trôi sông, không dập thì gẫy, gái bị chồng giẫy, không chứng nọ cũng tật kia. Ở bài thơ này, HAT đã hoá thân thành người chồng sau của vợ rất bình dị, mộc mạc: cá một dòng, thuyền một bến, hai sông một bờ nhưng rất nhân tình, khoan dung: Cầu cho…có người xâu gió vá lành vết thương lòng cuả đứa con thơ dại  Sương trên mắt bé đợi chờ bóng anh
Rõ là, người chồng cũ của vợ, dù thế nào thì giờ đây cũng nhưng nhức nỗi nhớ thương con, giọt máu mình, dẫu biết rằng nó đang được người tử tế thay mình nuôi dậy. Còn vợ mình, vâng đương nhiên chợt buồn khi thấy chồng cũ, cha của con mình vẫn còn nhân tính. Ừ thì phận nào đã ra phận nấy rồi, nhưng vẫn buồn chứ, buồn vì sự thiệt thòi của đứa con, vì sự nông nổi của cha nó.

Bài thơ gợi cho người đọc rất nhiều tâm trạng. Đó là thành công của bài thơ

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

CHIA LY



NHÉ EM



Lên cao nguyên thăm thẳm đèo mây

Anh gọi em…

Chỉ thấy bời bời đầy trời là gió

Trả lời anh

Mênh mông “ biển sóng hoa vàng “,

Dập dềnh nỗi nhớ.

Cúc quì thơm…



Ra biển chiều lặng gió

Anh gọi em…

Chỉ thấy “ sóng mị lừa “ vỗ về bãi lở.


bơ vơ tìm bến đỗ,

cánh buồm.



Về Miền Đông

Đất đỏ thật thà thơm

Anh gọi em…

chỉ thấy mặt trời nhọc nhằn đổ lửa.


dòng xanh quặn mình sóng vỗ.

Nắng cuối mùa

bịn rịn bờ xa



Anh gọi em …

đêm sao rơi trong mắt biếc ngác ngơ

Chiếc bóng bên thềm…

đường mưa

phố nhỏ.

Anh gọi em…

Ngày trở mình,

Khô khát

cỏ gầy

rừng hoang lá đổ

Hoàng hôn chín đỏ chân trời



Ai khoét rỗng không gian mà thinh lặng lạnh người.

Anh nhận lại lời yêu cùng bao nhiêu là gió.

Nhé em,
anh ko yêu em nữa.

Để khỏi phiền AI đổ hoài duyên số.

Không yêu không phài không yêu.



 PVS
Lời bình:
Cứ ngờ ngợ... cái tình thuần khiết văn nhân, mượn dã quỳ nói hộ lòng mình... cứ để ngắm, để tôn thờ cho thiêng liêng còn hơn đi tiếp trong mây, trong gió... trong nắng và cả trong mưa trần tục nữa...!
Buồn se lòng!
Não lòng những thi ảnh được gọi ra chứng nhân cho sự rơi rụng, ly biệt
Cái kết chắc nịch, minh triết cho một tấm lòng thành thực ( Có phần tồi tội). Ai dám chắc nàng không xé lòng?