Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

VỀ CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH THƠ


Vũ Quần Phương
Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2013 7:44 PM

Tham luân tại hội nghị phê bình, Tam Đảo 6-2013

 Tôi xin phép được nói trong phạm vi hẹp, về thơ và phê bình thơ. Tôi có cảm giác lĩnh vực sáng tạo này đang có trục trặc nào đó, biểu hiện bằng một số nghịch lý sau đây:

1. Người xuất bản thơ đông lên, mỗi năm ước khoảng một nghìn tập, nhưng tác phẩm hay, có sức thu hút độc giả lại hiếm. Ấn phẩm thơ thuộc mặt hàng không bán được. Nhiều hiệu sách không bán nhận bán thơ

2. Số lượng các giải thưởng tăng lên. Giải của các hội trung ương rồi giải của các tỉnh thành, các ngành. Riêng về thơ hàng năm cũng có hàng dăm ba trăm người được giải. Ngay giải thưởng cấp quốc gia là giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh cũng trao phát khá rộng rãi. Riêng về thơ tính trung bình hàng năm tơi 4 người đoạt giải này. Chẳng lẽ vì giải thơ ngày một nhiều mà người đọc thơ ngày một hiếm.  Các giải thưởng mất dần tác dụng cổ võ giới thiệu. Nhận xét cao hứng của ai đó rằng nước ta là một cường quốc thơ, có lẽ phải nói rõ là cường quốc hăng hái làm thơ nhưng lại kinh hãi đọc thơ.

3. Việc luận bàn về thơ, tiêu chí đánh giá thơ rất phân tán. Đó là điều hay trong ý nghĩa dân chủ và phong phú về khuynh hưởng thẩm mỹ. Nhưng lại không hay về ngưỡng tri thức trong các lập luận. Những nhận định cảm tính thô sơ, những sùng ngoại thô thiển, niềm tự hào hãnh tiến, sự ngạo mạn hoang tưởng... song song hiện diện ở tư thế thừa thắng xông lên mà không sợ còi việt vị trên đủ các phương tiện truyền thông công vụ hoặc tư nhân. Những bài bình luận về tác giả tác phẩm rất rộng rãi lời khen và ồn ào chữ nghĩa không thua gì các quảng cáo thực phẩm chức năng trên Tivi. Câu lạc bộ thơ vốn là nơi tập hợp rộng rãi những ai thích thơ cũng tự đặt ra huân chương Vì sự nghệp thơ ca Việt Nam và trao tặng ngang với nghi thức trao huy chương vì sự nghiệp y tế, vì sự nghiệp giáo dục của các bộ chuyên môn trong chính phủ. Lạm phát thành mất giá. Hậu quả là bạn đọc không tin vào phê bình thơ, huân chương thơ đã đành mà thờ ơ luôn cả với thơ.

 Kể lể cho đủ các hiện tượng nghịch lý thì dài lắm, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy tình hình sáng tác lẫn thẩm định thơ đang ở mức báo động, có người gọi đó là tình trạng loạn chuẩn. Gọi thế cũng có lý, cả lý hay lẫn lý dở. Hay ở chỗ nhiều chuẩn thì hơn là chỉ một chuẩn, còn dở là nhiều nhưng loạn. Điều cần làm lúc này lại là khảo sát nguyên nhân và giải quyết hiện trạng loạn ấy, cốt sao giúp cho người yêu thơ chọn được các tập thơ đáng đọc, nên đọc và giúp cho người làm thơ tìm ra độc giả tri kỷ của mình.
 Thành thật tôi rất e ngại xới lên hiện trạng này. Bởi lẽ tôi vốn là người làm thơ, tất cả những vụng dại của người làm thơ tôi đều trải nghiệm. Còn thẩm định thơ, nhà thơ nào chẳng là nhà thẩm định dù không viết phê bình hay tiểu luận. Những dòng viết này là lời đề đạt và cũng là lời tự thú, nẩy sinh từ một công việc mà tôi theo đuổi đã tới nửa thế kỷ, mong các bạn độ lượng cho nếu có những quan sát nào chưa thấu đáo.
1. Việc thẩm định thơ của ban giám khảo các loại giải thưởng chưa chính xác dẫn đến việc biểu dương những tập thơ, những tác giả không thật sự có tài năng. Mới đầu công chúng thơ còn có phản ứng tranh luận, sau rổi mọi người thất vọng, thờ ơ. Giải thưởng mất chức năng phát hiện nhân tài, đương nhiên dẫn đến nhiều cách bình giá khác, cách phát hiện khác.
  Phẩm chất ban giám khảo, bao gồm năng lực chuyên môn, sự trung thực của từng thành viên giám khảo và phương pháp làm việc của toàn ban giám khảo. Hiện nay việc biểu lộ ý kiến thường bằng bỏ phiếu kín và kết quả thuộc về người được nhiều phiếu thuận.
  Dùng phiếu kín giúp cho người chấm được độc lập trong nhận định và hoàn toàn tự do bộc lộ ý kiến của mình. Nhưng cũng có một bất lợi là họ không chịu trách nhiệm về phẩm chất thầm định của mình. Một ai đó không có năng lực đánh giá thơ hoặc bị chi phổi từ càm tính yêu ghét hay từ lợi ích nhóm, lá phiếu thẩm định của họ vẫn nguyên giá trị hợp lệ và phầm chất giám khảo của họ cũng xếp ngang với mọi người.
  Nhưng tại sao không có năng lực đánh giá mà lại được mời làm giám khảo. Đây là hậu quả của một nhầm lẫn kéo dài đã lâu. Đó là nhầm lẫn chức năng giữa ban tổ chức giải thưởng và hội đồng thẩm định. Thí dụ giải thưởng cấp quốc gia do chủ tịch nước ký tặng, ban tổ chức giải thưởng ở cấp chung khảo phải thuộc bộ văn hóa, do chính bộ trưởng làm trưởng ban. Luật hành chính là phải như thế. Nhưng coi ông bộ trưởng là người có năng lực đánh giá cao nhất về phẩm chất thơ của một tác phẩm hay một nhà thơ là bất cập, trừ trường hợp ông bộ trưởng vốn là một nhà thơ lớn hay nhà phê bình thơ tin cậy. Việc đánh giá chất lượng thơ phải thuộc về một hội đông thẩm định, do ban tô chức giải lập ra, tập hợp những người có chuyên môn tin cậy về lĩnh vực này. Hội đồng thẩm định bằng các thao tác chuyên môn của mình tạo nên kết quả thẩm định. Ban tổ chức giải sử dụng kết quả này cùng các tiêu chí về nhân thân thí sinh và tôn chỉ mục đích của giải thưởng để bỏ phiếu xếp loại.
  Trước khi bỏ phiếu ở Hội đồng chuyên môn hay ở Ban tổ chức giải đều qua thảo luận công khai, các thành viên đều phải có ý kiến và có bản nhận xét để lưu lại trong hồ sơ giải. Nội dung bản nhận xét phải đồng nhất với ý kiến lúc thảo luận và được biểu lộ trong phiếu kín. Yêu cầu này thể hiện phẩm chất trung thực của thành viên thẩm định. Loại trừ hiện tượng thảo luận công khai thì ủng hộ nhưng khi bỏ phiếu kín lại phủ định.
  Với giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, thành viên ban thẩm định chọn từ Hội đồng thơ có bổ sung những hội viên ngoài hội đồng là những nhà thơ nhà phê bình có nhiều bài nhận định về thơ xác đáng trong năm đó. Ban tổ chức giải thì cấu tạo từ ban chấp hành, cố nhiên không phải là tất cả thành viên chấp hành, và một số hội viên khác. Các ban này thay đổi nhân sự theo từng năm và chỉ công khai danh tính khi công bố kết quả.
  Phẩm chất của ban chấm giải sẽ tạo nên giá trị của giải và tính thuyêt phục của giải cũng tạo uy tín cho ban chấm giải. Cơ chế ấy dần dần tạo nên chuẩn mực cho công tác thẩm định.
  Trong những trường hợp cần thiết còn có thể lập hội đồng phản biện giúp cho chung khảo.
  Căn cứ thành tựu văn học hiện nay và các giải thưởng đã trao, có nên thu bớt lượng giải thưởng hiện hành, nhất là các giải thưởng có tính quốc gia như giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh. Ví cứ đà này thì không biết lấy người đâu ra mà tặng mãi. Tốn tiền dân mà rất ít hiệu quả khích lệ sáng tác.
  Việc kết nạp hội viên cũng cần có cách thẩm định khoa học và minh bạch như vậy.
2 Hội nhà văn Việt Nam, thông qua các cơ quan ngôn luận của mình, phải tạo được diễn đàn công khai lôi cuổn các nhà chuyên môn bộc lộ các quan điểm sáng tác và bình luận thơ có phẩm chất khoa học, gắn bó với đời sống xã hội, thể hiện dấu ấn tâm hồn dân tộc, đồng hành chia xẻ với vui buồn, bức xúc của cộng đồng. Triệt tiêu các mưu toan bè phái, những lợi ích nhóm chật hẹp, lạm dụng chiêu bài hội nhập để nông nổi sùng ngoại vô lối, lai căng , lập dị, từ bỏ tinh hoa thơ ca dân tộc và nhu cầu tinh thần của bạn đọc đương thời. Hậu quả của thời gian bao cấp tư tưởng, cách bức với thơ văn toàn thể nhân loại, quả có gây nên tâm lý hốt hoảng khi tiếp xúc với các trào lưu thơ và phê bình của thế kỷ thứ XX. Một số công trình nghiên cứu thơ dưới ảnh hưởng của các trào lưu hình thức Nga, bác ngữ Đức, ý thức Thụy Sỹ hay các học thuyết phân tâm, hiện sinh, các đề xuất hậu hiện đại, tân hình thức... là những việc cần làm. Nhưng cần chủ động lựa chọn, đồng hóa người làm phong phú bản sắc của mình hơn là ồn ào, nông nổi tự lạc mình trong bối cảnh lưu vong mất gốc. Viêc làm mất bạn đọc trong một số thể nghiệm thơ rập khuôn ngoại lai vừa qua chỉ có thể biểu dương về tinh thần tìm đường mà chưa thể khẳng định thành tựu. Không nản chí, càng không nên đả kích. Trong lĩnh vực sáng tạo, người tìm đường thành công cố nhiên được biểu dương nhưng người tìm mà không đến đích, tình nguyện làm viên đã lát đường cho người khác thành công, cũng rất đáng được biết ơn. Điều cần làm là sự bàn bạc, chọn hướng đúng, thu hẹp những ngộ nhận, những hoang tưởng lầm lạc. Hơn lúc nào hết, lúc này thơ cần giao lưu với người đọc, giúp họ có cái nhìn sâu sắc, nhận ra bản chất của thời cuộc, cơ cấu vận hành của xã hội mà tìm ra cách hành xử tiến bộ, giành quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Thể nghiệm nào tách thơ khỏi xã hội, khỏi nhu cầu của bạn đọc, thủ tiêu phẩm chất giao lưu của ngôn ngữ, dù dưới chiêu bài nào, đều dắt thơ vào tự diệt. Hội nhà văn Việt Nam phải có trách nhiệm trước bạn đọc và  bạn viết trên diễn đàn ngôn luận của mình, bằng những quan điểm minh bạch có tính khoa học tiền tiến, có phẩm chất dân tộc sâu sắc, phù hợp với mong muốn của đông đảo bạn đọc và bạn viết. Trong thời gian vừa qua, trên các mặt báo và tạp chí của Hội ta, việc đó chưa thấy rõ. Cần tỉnh táo sắp xếp lại cả nhân sự lẫn tổ chức để thực thi bằng được yêu cầu này. Vì đây là gương mặt tinh thần của Hội. Hơn thế, nó là động lực hối thúc chúng ta đi tới xây dựng nền thơ tiến bộ, chân chính của chúng ta ngay khi nhiều mặt hoạt động xã hôi đang còn lúng túng, khủng hoảng.
3 Đất nước ta đã hơn hai mươi năm thực hành quốc sách Đổi Mới, trong đó điều quan trọng là đởi mới tư duy nhưng trong việc đánh giá thành tựu của nền thơ cách mạng chưa thấy bộc lộ rõ ràng những thay đổi đó. Việc đánh giá theo chuẩn mực đổi mới, thật sự mang tính nghệ thuật,  cần làm với tất cả các nhà thơ tiêu biểu của nền thơ, từ những nhà thơ cách mạng hàng đầu như Tố Hữu đến một loạt các nhà thơ lãng mạn đi theo cách mạng như Xuân Diệu, Huy Cận Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... rồi các nhà thơ của các thế hệ sau đó. Kể cả các nhà thơ chậm nhập với cách mạng nhưng có đóng góp vào văn mạch dân tộc. Đây là cuộc kiểm kê tài sản kho tàng thơ hiện đại với những dụng cụ đo lường vừa có tính dân tộc vừa mang phẩm chất nhân loại. Đây là cơ sở để chúng ta xác định chỗ đứng của mình với bạn bè thế giới và cũng là nguồn mạch để chúng ta hợp lưu với nhân loại. Sự giới thiệu thành tựu văn chương chúng ta ra thế giới mấy chục năm qua còn nhiều phiến diện hoăc bị thao túng vì những lợi ích nhóm. Nhưng cũng vì chính chúng ta, chúng ta chưa bình tâm “cân đo” lại tài sản thật sự chúng ta có để mạnh dạn quảng bá cùng nhân loại. Đây là việc không đơn giản trong giai đoạn đang hỗn loạn chuẩn mực này. Nhưng lại là việc cần làm, phải làm. Có xong việc này mới thông việc khác. Tổ chức làm và cá nhân làm. Thái độ của Hội là khích lệ, hỗ trợ, tạo thuận lợi. Dù có bùng nổ những mâu thuẫn trong giới thì cũng chỉ nhất thời. Vả lại, không ai ép buộc chỉ có một hệ chuẩn đánh giá. Sự giao lưu những khác biệt lại cho thấy sự đồng nhất trong trưởng thành, tự tin của nền văn học. Đấy là bản lĩnh của chúng ta, bản lĩnh của cá nhân mỗi nhà văn đến ban lãnh đạo Hội và đường lối văn học quốc gia của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét