Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

HUYỀN THOẠI NGÃ BA SÔNG

 Huyền thoại ngã ba sông

                            Có cứng mới đứng đầu gió !

Quê tôi, ngã ba sông Độc Bộ (1)
Đáy(1) sông xanh quyện nước Đào (1) hồng
Người xưa kể hơn ngàn năm trước
Vương chém con yêu, trẫm thân rồng(2)

Dòng máu oan cừu loang phía biển
Ngàn dâu sướt mướt khúc tằm tang
Mỗi gịot hồn thiêng hương khói toạ
Phụng tiền nhân, hậu thế dựng làng

Chàng trai nào đốt than lầm lụi
Nung chí vương chuộc tội lập công
Gió thiêng cuồn cuộn, rinh thuyền lướt
Duyềnh  sóng Vân Đồn dắm giặc Nguyên3)

 Từ ấy duyên hà thôi tiếng Ác(4)
Thần phù(4) mưa thuận gió hoà An(4)
Giọng ca thôn nữ xôn xao sóng
Đẹp ý quân vương giấc mộng vàng (5)

Thương tiếc hồng nhan thường bạc mệnh
Chưa lần ân sủng bóng tùng quân
Nhẹ bay cánh hạc về tiên giới
Sóng lặng hồi quê rước cố nhân

Thưa cụ dã hương nhiều trăm tuổi(6)
Đứng gác miếu bà nức tiếng thiêng
Chuyện xưa lịch sử hay huyền thoại ?
Vua sáng tôi hiền, xã tắc yên !

                                               Một lần xem lễ tế sông


(1): Địa danh ngã ba sông, sông Đáy nước trong xanh gặp sông Đào nước hồng
(2) Triệu Việt Vương nói "Ta hết đường rồi!' chém con gái ngồi đằng sau rồi tuẫn tiết
(3) Trần Khánh Dư khi đi qua vùng này, kêu cầu linh ứng, thần tốc vượt biển lập công  to ở Vân Đồn
(4) Tên của ngã ba sông này qua các thời kỳ
(5) Lê Thánh Tông tuyển phi vì cảm câu hát người đẹp: Tay cầm bán nguyệt xênh sang/Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ
(6) Cây dã hương gần 600 tuổi, là 1 trong 2 cây quý ở  nước ta được xếp hạng bảo vệ
Đôi lời: Bài thơ đã được Văn nghệ Nam định đăng,  khi chưa thật nhuyễn
              Sau khi đưa chị Hà Thu, phó TBT Tạp chí Suối reo xem, cùng nhau tranh luận về từ toả và toạ, chị ấy công nhận là toạ của mình hay hơn, nên mình lại " đẽo cày" lại!

Sau đây xin mời xem một số tư liệu

Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có 499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 35 di tích được xếp hạng cấp Bộ và cấp tỉnh. Nhiều năm qua, việc tu bổ, phục dựng, khai thác các di tích lịch sử văn hóa cách mạng đã phát huy giá trị của di tích thông qua việc tổ chức lễ hội. Hằng năm, các lễ hội gắn với các di tích ở huyện Ý Yên được tổ chức chu đáo, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Tiêu biểu là 7 lễ hội lớn: Lễ hội đền Mờm, xã Yên Trị được tổ chức để tưởng nhớ và ôn lại chiến công của 2 vị tướng thời Trần là Đặng Tất, Đặng Dung. Nét độc đáo của lễ hội là màn đua thuyền chiến, diễn lại cảnh 2 vị tướng đánh giặc trên sông; ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa thể thao như kéo co, vật dân tộc, cờ người, bóng chuyền... Lễ hội đền Độc Bộ xã Yên Nhân thờ Triệu Việt Vương được tổ chức vào 13-8 âm lịch, với lễ rước kiệu của các làng và tế tam giang (tế ở ngã ba của 3 con sông: sông Đào, sông Sắt và sông Đáy). Lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở Yên Đồng tổ chức vào 4-3 âm lịch gắn với tục thờ Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội làng Ninh Xá, xã Yên Ninh tưởng nhớ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Lễ hội làng đúc Tống Xá, xã Yên Xá tổ chức 3 năm một lần vào 10-2 âm lịch tưởng nhớ ông tổ nghề đúc Nguyễn Minh Không. Lễ hội đình Ruối xã Yên Nghĩa tổ chức vào 10-11 âm lịch tưởng nhớ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh… Trong các lễ hội thường tổ chức giao lưu văn nghệ, diễn các tích trò và các trò chơi dân gian, góp phần giáo dục truyền thống.
Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) thờ Triệu Việt Vương,
được công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2008.
Ngoài các di tích gắn với các lễ hội lớn, ở Ý Yên còn có các di tích cổ từ thời Lý gồm đình - chùa Ngô Xá và tháp cổ Chương Sơn ở chân núi Ngô Xá, xã Yên Lợi. Theo tài liệu, tháp có độ cao 75m. Năm 1967, Cục Bảo tồn Bảo tàng đã khai thác được nhiều hiện vật gồm đồ đá, đồ đất nung là những chiếc rìu đá hình thang có hai vai vuông, hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Trung ương. Trong khu vực di tích cổ có tượng Adiđà đã được phục chế nguyên bản trưng bày tại Bảo tàng Ý Yên. Di tích đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thế kỷ thứ X. Tại nơi đây, ngày 13-8-1958, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong xã. 13 năm sau, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Hiện tại di tích này đã được cán bộ nhân dân tôn tạo, xây dựng thành cụm di tích gồm Đài tưởng niệm Bác Hồ, Nhà lưu niệm Bác Hồ và tượng Bác Hồ cao hơn 2m, Nhà bia Anh hùng liệt sỹ. Với phương châm xã hội hoá, đến nay các di tích trên được phục dựng ngày càng khang trang, góp phần vào việc giáo dục truyền thống. Tại Bảo tàng Ý Yên hiện đang trưng bày trên 200 cổ vật, hiện vật từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng, thời kỳ cách mạng, thời kỳ đổi mới, trong đó có nhiều hiện vật quý thời Lý, thời Trần như tượng Phật Adiđà, bệ đá đài sen… Đây là một trong những bảo tàng cấp huyện quy mô nhất tỉnh. Bảo tàng mở cửa vào thứ 2 và thứ 4 hằng tuần đón cán bộ, nhân dân vào tham quan nhằm phát huy giá trị các hiện vật lịch sử văn hóa của quê hương. Phòng Văn Thể huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, Phòng GD và ĐT huyện tổ chức cho các học viên, học sinh trong huyện đến tham quan tìm hiểu lịch sử truyền thống tại bảo tàng. Hằng năm, Bảo tàng Ý Yên còn đón nhiều sinh viên khoa Sử, khoa Hán Nôm Trường Đại học KHXH và NV, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về nghiên cứu, tìm hiểu.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cách mạng trên địa bàn huyện góp phần phục vụ công tác giáo dục truyền thống trong nhân dân, Phòng Văn Thể huyện và chính quyền các địa phương cần quan tâm quản lý tốt các di tích đã được xếp hạng, đồng thời đầu tư nâng cấp các di tích để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân./.
Bài và ảnh: Minh Thuận

Nơi hai dòng sông Đào và sông Đáy gặp nhau, khí thiêng của hai con sông đã bồi tụ, ngưng đọng trên mảnh đất Yên Nhân (Ý Yên). Nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hoá và huyền thoại về những người đã có công khai hoang, lập đất. Người dân nơi đây xưa anh hùng, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, nay với truyền thống cần cù, chịu khó và năng động đã và đang lập được nhiều kỳ tích trong lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới…
Đền Độc Bộ thờ Triệu Việt Vương, người có công trong việc xây làng, lập ấp từ thủa nơi này còn hoang vu. Ông đã đến đây chiêu mộ dân phiêu bạt dạy cho họ khai khẩn đất đai. Và vùng này thời ấy đã có 500 mẫu ruộng cấy lúa, trồng gai… Ngoài nghề trồng cấy, người dân biết dệt chiếu, dệt vải. Ông đã tổ chức cho dân đắp đê từ Bố Hải qua miền biển Giao Thuỷ, Đại An tiến về phía nam, chạy thẳng đến Mai Giang thuộc đất Nghệ An để ngăn nước mặn, cải tạo đất. Đây là con đê biển có quy mô lớn nhất ở nước ta thời ấy, mặt đê rộng 2 trượng, cao gần 2 trượng với thời gian hoàn thành trong 5 năm đã biến cửa biển Độc Bộ thành xóm, làng, dân cư đông đúc. Cũng chính nơi đây đã chứng kiến Triệu Việt Vương anh dũng chống giặc ngoại xâm và ông đã trẫm mình xuống cửa biển này, quyết không để giặc bắt. Về đây người dân trong xã vẫn kể lại sự tích huyền thoại về cửa biển Độc Bộ vì sao có tên Ác Hải, Đại Ác… để thành cửa Đại An và công lớn của Vua Lý Thánh Tông khi đưa quân đi bình Chiêm qua đất này. Đứng ở sân đền Độc Bộ, người như bị thôi miên bởi hai dòng chảy như trải ra hai dải lụa: Màu hồng của dòng sông Đào, màu xanh ngọc của dòng sông Đáy hoà quyện vào nhau chảy về biển. Cũng do chính hai dòng chảy đã “vuốt” doi đất trước đền nhọn như chiếc lưỡi cày của nghề nông tang, song cũng có người đoán doi đất giống móng rùa thần thời An Dương Vương. Hàng trăm năm nay, nơi đây đều mở lễ hội, người dân từ các vùng Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình… cũng về lễ tế tam kỳ giang, cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cầu thần Triệu Việt Vương phù trợ  làm ăn phát đạt. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 12 đến ngày 15-8 (âm lịch), nhưng chính hội là ngày 13-8, ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Lễ tế diễn ra lúc chính ngọ (12 giờ trưa ngày 13-8) trên bè lớn do nhiều thuyền kết lại neo chắc tại giữa hai dòng nước chảy và lễ tế diễn ra trong vòng hai tuần hương. Tuần hương đầu tế trời, cầu cho mưa thuận gió hoà: Đội tế dâng hương hoa, hoá vàng mã, hoá ngựa thả xuống sông cùng các lễ vật bánh dầy, chè kho… Tuần hương thứ hai tế thần, đội tế đọc chúc văn ca ngợi công đức của Đức thánh Triệu Việt Vương có công đánh đuổi giặc Lương và xây làng, lập ấp, đắp đê, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, dệt vải… rồi lấy nước vào choé rước vào đền Độc Bộ tế tiếp. Trong những ngày diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá như rước kiệu, hát ca trù, diễn chèo, thi làm cỗ chay, thi làm bánh… tổ chức các trò chơi dân gian như kéo chữ, đấu cờ người, tổ tôm điếm, leo cầu, bắt vịt…
Yên Nhân có nhiều di tích lịch sử văn hoá gồm: Quần thể đền, chùa, miếu Phạm Xá rộng cả hecta, kiến trúc theo lối cổ, nguyên liệu chủ yếu bằng đá xanh, đã được Nhà nước công nhận xếp hạng tôn tạo bảo vệ; đình Dương Phạm, đền Giếng, miếu Hoàng Cô thờ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng… Trong những ngày hội tháng 8 hàng năm, tại quần thể di tích này đều được trang hoàng rất đẹp. Trước và sáng ngày 13-8 đền tổ chức rước kiệu rồi tụ hội tại đền Độc Bộ. Ngày 15-8 lại rước linh vị từ đền Độc Bộ về yên vị tại các di tích này. Đặc biệt tại miếu Hoàng Cô thờ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng có cây dã hương có tuổi thọ trên 560 năm và được Bộ NN-PTNT công nhận là cây cổ thụ quý hiếm. Cách cây dã hương hơn 100 mét, cây thị trước cửa chùa Phúc Linh cũng có tuổi thọ tương đương với cây dã hương hiện vẫn xanh tốt. Hai cây cổ thụ này tương truyền đều do vua Lê Thánh Tông trồng để tưởng nhớ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng, người làng Dương Phạm, là người đoan chính, giỏi giang.
Nguồn: Báo Nam Định
Đã xem 6513 lần ,cập nhật lúc 22/02/2011 2:27:20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét