Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

BIỂN QUÊ HƯƠNG

Thế là đã hơn 2 tháng nghỉ, nay  thấy nhớ,  lại muốn viết.
Bắt đầu là sự uất ức về sự đàn áp người biểu tình. Đất của ta, biển của ta, đảo của ta... bọn Tầu ngang nhiên xâm lấn, cướp phá, bức hại dân mình Người dân phẫn uất phản đối thì lại bị chính quyền và cảnh sát giải tán... thậm chí bắt bớ, đánh đập Bỗng nhớ anh Cao Thành, ngoại 70 tim đặt Stent  vẫn hừng hực qua bài thơ" Ơi biển đảo quê hương" đăng trên Suói Reo số 138  ra tháng10/2012 như sau:
                           Ơi biển đảo quê hương
          Từ đại ngàn trên cao vời vợi
          Gửi lòng mình về biển đảo xa xăm
          Giữa bao la bát mgát trời xanh
          Em biển đảo thanh cao lồng lộng

         Tiếng vi vút gió ngàn anh gửi xuống
         Sóng rỉ rào. Em biển đảo vọng lên
         Thành lời ru của đất nước ngàn năm
         Cha Lạc Long quân vượt trùng khơi mở cõi
   
         Hoàng sa, Trường Sa cha đặt tên ngày ấy
         Trường Sơn, Ba Vì mẹ quen gọi từ xưa
         Bể bạc rừng vàng, réo rắt lời ca
         Ơi sông núi-Ơi quê hương biển đảo

         Những cái tên đã vào tranmg sử
         Và lắng sâu trong trái tim người
       " Nam quốc sơn hà " Lời xưa vọng lại
         Còn đó Bạch Đằng- Một thủa đao binh
                                        Thu 2012
 Sau ngày 09/12 ấy, nung nấu và chiều nay, trên đường phi xe máy từ Quỳnh Nhai về mình viết xong trong óc bài thơ này, gửi ngay cho Cao Thành và thầy Sán xem. Chưa biết hay dở thế nào? Cứ Post lên xem
                   
BIỂN QUÊ HƯƠNG

           Yêu kính tặng anh Cao Thành
           
            Ngọn gió lành mang trang thơ Suối Reo
          Vượt trùng khơi, ấm lòng người giữ đảo
          Đất mẹ gần hơn, những ngày giông bão
          Máu Lạc Hồng cuồn cuộn Bạch Đằng giang

          Có ai ngờ ! Quả tim đặt Stent (1)
          Vó ngựa dập dồn, rưng rưng huyết mạch
          Tầu Bình Minh bị mấy lần cắt cáp
          Quả tim nào lành lặn cố làm ngơ ?

           Bác dân chài tơi tả, vẫn đọc thơ
          (Trang Suối Reo nát nhầu đêm biển động)
          Giọng hào sảng  vượt vòng vây cướp biển
          Bến cảng quê hương- Nam quốc sơn hà
         
          Gió mang lời ca ngân xa
                                                      tít xa…
          Mảnh thuyền vỡ dập dềnh
                                                      trên sóng bạc !
                      
                                            9/12/2012
          (1) Vật đặt điều trị động mạch vành tác giả bài thơ "Ơi biển đảo quê hương"

      

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

TẬP THƠ THIỀN ĐƯỢC SINH TỪ CỬA PHẬT

           Sau một thờ gian choáng với thơ thiền Hoàng Quang Thuận với những lời khen chê đều rất các liệt, tôi tìm về chân núi Linh Sơn, nơi có vị đại đức yêu thơ đến nỗi các cột, trên tường nhà khách đều la liệt các bài thơ xướng họa được khắc trên đá, thêu trên các chất liệu để được tắm mình vào không gian thơ thiền của người thơ mang đậm chất thiền.
          Tôi trân trọng đọc lời bạt của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên ( chủ nhiệm trang Người yêu thơ )viết cho tập thơ Kết nhụy muôn phương, là ấn phẩm của đại đức Thích Thanh Thọ, trụ trì chùa Linh Sơn biên tập tình cảm của các phật tử nặng lòng với thơ thiền, xướng họa với mình, có đoạn:" Đường thi đích thực-Mảng thơ chứa cái hàn lâm, uyên bác qua muôn kiếp hóa sinh, đã khiến bao thế hệ thi nhân vã mồ hôi, ứa nước mắt và cả máu trước sự  khắc nghiệt và cao ngạo của mình..."
          Tôi tha thẩn trong không gian tĩnh mịch, thanh khiết nơi thu hành, chậm rãi đọc từng bài thơ khắc đá nâng niu từng khuôn chữ mà các tác giả thơ nặng lòng từ bi hỷ xả.
                       TIẾNG KHÁNH ĐÁ
Linh Sơn ngả bóng sải chiều tà
Khánh đá trầm vang sóng tỏa xa
Hội tụ thiện tâm nơi cửa phật
Xua tan phiền não chốn sa bà
Tiền nhân, nghĩa tạc thành di sản
Hậu thế tình tô điểm nét hoa
Khánh đá ngàn xưa còn vọng lại
Với bây giờ thổn thức giao thoa
                    ( Trần Minh Ân- xướng)
          ĐẠO VÀO ĐỜI
Vốn sẵn trong ta có chính tà
Làm người cái ngã khó mà xa
Không danh, không sắc bao ông nhỉ
Chẳng tỵ, chẳng ghen được mấy bà
Đạo pháp chân truyền vào cõi thế
Như Lai phổ độ tới muôn nhà
Cùng nhau hiểu thấu đâu là lẽ
Thiện ác giao nhau giữa sóng thoa
                (Thích Thanh Thọ- họa)
          LINH SƠN
Leo lên đỉnh núi nhịp tim dồn
Đính lễ tâm thành đức Thế Tôn
Hiền sỹ cùng nhau trình thuật ngữ
Anh tài quy tụ xuất văn ngôn
Thênh thang phía trước chiêm ly tốn
Bát ngát đằng sau ngoạn khảm khôn
Hơn chục đời tăng truyền cảnh tự
Ba trăm năm lẻ tiếp lưu truyền
 (Thích Thanh Thọ- xướng)

CHÙA LINH SƠN
Đỉnh núi ngàn cây tiếng nhạc dồn
Linh Sơn cổ tự xứng danh tôn
Thiên nhiên ưu đãi tâm duy tạo
Địa thế an bài ý tại ngôn
Há phải tham thiền không kẻ khó
Nào đâu vãng cảnh chỉ người khôn
Gần xa tán tưởng công xây dựng
Vạn đại truyền lưu sự bảo tồn
( Quan Hoài -họa)
......
Tôi xin chép lại tâm thế, ý nguyện của chủ biên tập sách -đại đức Thích Thanh Thọ:
       ẨN HIỆN
Ẩn dật sơn lâm lánh bụi trần
Âm thàm kinh kệ gửi phong vân
Thu gom mấy chữ làm cầu nối
Góp nhặt từng câu tập ghép vần
Hưởng ứng lầu thơ, thơ vẫy gọi
Phong trào xướng họa, họa vang ngân
Lung linh bút pháp hồn lưu lại
Giữa ánh ban mai, tỏa sáng ngần
              (Thích Thanh Thọ- xướng)
Và đây là một trong số các bài họa mà đại đức tâm đắc:
           BẠN VỚI TA
Thuyền thơ tải đạo vượt phong trần
Cập bến Linh Sơn tạnh vũ vân
Vui dạ tao đàn qua mấy đợt
Say lòng mặc khách họa đôi vần
Văn chương hợp ghép lời kinh kệ
Thơ phú hòa lồng tiếng mõ ngân
Chung sức văn nhân muôn khắp nẻo
Xây nền thiện mỹ đẹp vô ngần
                  ( Phạm Văn Phi họa)
Còn rất nhiều giọng, nhiều cái nhìn... được Kết nhụy muôn phương
tập hợp với mong muốn rất thanh tịnh hướng đến Chân ,thiện, mỹ
Thiết nghĩ, mỗi người ít nhất một lần trong đời, nên thả lòng mình về với mình nguyên sơ không tham vọng để hiểu được thiền, rồi biết đâu sẽ làm được thơ mang thần thái thiền thứ thiệt, chẳng cần ai lăng xê, cũng sẽ được người đời tìm đọc
Ấy là cảm mọn của tôi khi tạm rời cửa Linh Sơn Tự về với  tấp nập, bộn bề công việc mưu sinh đang đợi!

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

LÀM MẸ ( Bản chính thức)

Lời thưa: Gọi là bản chính thức vì trước đây vài ngày, mình gửi nội dung cốt truyện này và Văn nghệ Nam Định  đã đăng dưới dạng tạp văn


           -Mẹ ơi! con đau quá. Mẹ ơi!
          Đã định co cẳng lao về phía có tiếng kêu, nơi con chó mầu nâu xám to như bê con đang cắn xé  cái túi ny lông đen lùng nhùng, rỏ máu với con chó kiến mực cũng dữ tợn nhe răng trắng nhởn, ghì chặt xuống, mà tôi không sao gỡ chân để chạy được. Bỗng chớp sáng loé, nổ uỳnh, hai con chó vùng căng chạy. Tôi nhào đến. Trời ơi! hình hài một đứa trẻ nát bươm, đỏ lừ, cái miệng  như còn mấp máy.
           Trời ơi! Con tôi! Tôi gào lên, bừng tỉnh, ngồi phắt dậy, tim đập thình thịch. Thằng bé trai chưa đầy tuổi tuột rơi xuống giường, khóc toáng lên. Tôi hốt hoảng vơ vội, quýnh quáng sờ nắn khắp người nó, không thấy gì lạ mới hoàn hồn, thì ra là mơ. Sợ quá, người vã mồ hôi, nước mắt còn  nhoè ướt bên thái dương dính bết vài sợi tóc xuống má Đứa con gái u ơ nhổm dậy, dụi mắt hỏi sao mẹ khóc. Xoa lưng cho nó nằm xuống, vừa ấp miệng thằng nhỏ vào bầu vú nây căng, sụt sịt dỗ dành ngoan nào mẹ thương. Thằng bé chóp chép, day day hồi lâu, không thấy gì, lại nhè ra, nghều ngào, ê a khàn dần rồi cũng lăn ngủ.
          Mở cửa ra ngoài, cơn gió núi bỗng từ sông lướt đến, làm những búp lau dưới hủm trước nhà như  hàng cờ phướn kính cẩn rạp xuống rồi từ từ bình thân, xào xạc. Thoáng rùng mình, vội chéo tay khép ngực. Se lạnh. Một bên núm vú bị thằng bé nhay còn đau hơi rưng rức, bất giác ấp bàn tay  vào day day, sờ nắn cương dần lên, nóng hổi. Nhớ chồng quá. Trăng rằm tháng bẩy sáng  xanh vằng vặc, mây lổn nhổn lợp vẩy tê tê mầu tía nhạt. Lại nhớ tuổi thơ, nằm chõng ngoài sân nghêu ngao đọc theo bà Trên trời có vẩy tê tê, có ông chín vợ chẳng chê vợ nào.   Bỗng thấy thương mình, nước mắt lại ứa ra, giàn xuống môi mằn mặn. Lúc chiều con mụ béo bán thịt chợ Thị trấn phôn lên hớn hở, em cứ xin bẩm để chị biết thế, kẻo mang tiếng chị em cùng phố giẫm chân nhau. Gớm, lạ gì con ty hý mắt lươn, hàng để ngoài quần còn văn hoa địa lý. Chắc chồng mình dính chài nó thật rồi. Hu hu...
            Có nên hỏi chồng cho ra nhẽ? Thôi. Mình chẳng có lần đưa đơn ly hôn để anh tự do đó ư? Lần nào y chả lên giọng đạo lý, tình thương để gạt đi, rồi an ủi vỗ về cốt cho mình yên trí đi tăng cường vùng cao. Đúng là đàn ông nông nổi giếng khơi ...Còn văng vẳng bên tai lời em ruột xui mình chống lệnh vợ chồng chị lấy nhau hàng chục năm trời, lễ bái tứ phương, thuốc nam, thuốc bắc cả gánh mà vẫn trơ củ quậy. Giờ lên vùng ba, đường xá khó vậy, vài tháng mới được đáo về một lần, ngang thả rông cho chồng đi đánh dậm. Cấm có sai. Chưa cháy nhà đã ra mặt chuột. Đã thế ở lỳ đây luôn, làm dân La Ha, Khơ Mú luôn. đã gần sáu tháng tôi làm mẹ của hai đứa trẻ người Khơ Mú tội nghiệp. Giờ chúng mới quen hơi, Thằng nhỏ tôi địu trên lưng đứng lớp, dự họp hội nghị, đi bản nọ, bản kia suốt ngày chỉ khi tắm mới treo tạm lên cái chạc cây bên suối. Đứa chị bốn tuổi, bụng ỏng da chì, bỏ sắn ăn cơm tập thể được các cô giáo chiều phổng phao hẳn, học lớp nhỡ do tôi chủ nhiệm, mạnh dạn lắm rồi, thì thầm vào tai mẹ muốn làm quản ca. Mất vài tháng nhớ bố mẹ, lạ nhà khóc ngằn ngặt, khản hết tiếng. chứ chúng không biết bố mẹ  đã chết rồi rất thảm khốc. Tối hôm ấy, gió lốc, bung mấy tấm gianh rồi lất phất mưa. Anh chồng dậy chắc tìm cái phên che chỗ nằm khỏi dột thì chạm phải dây điện bị đứt, kêu thét lên, chị vợ giật mình quáng quàng lao bổ ra lôi chồng rồi cũng bị, cả hai còng queo chồng lên nhau, khô đen, khét lẹt. Khổ thế. Ở bản nghèo nhất huyện này, có quả điện nước kéo dây một ly, mắc lên cọc rào về nhà thắp vài bóng compact lờ mờ đã là sang lắm. Đêm mưa gió, sấm chớp lẫn tiếngsuối réo ầm ầm chẳng ai nghe thấy tiếng thét thất thanh mà đến cứu. May hai đứa trẻ con còn say ngủ, chứ không thì đứt hết.
           Lúc đưa chúng về ở phòng  tôi chỉ là tình thế, để chúng khỏi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng của bố mẹ, khỏi nhìn thấy căn nhà thân quen ( chỉ to bằng lán nương người Thái ) bị phóng hoả cúng ma cháy rừng rực trong tiếng hờ, tiếng hú và cả tiếng khóc rợn người. Lại đang giáp hạt, cả bản đói vàng mắt, ai nuôi đứa trẻ đang bú.? Tôi nêu nguyện vọng với lãnh đạo xã, ai cũng mừng; điện về nhà hỏi chồng, chồng sướng, phi xe máy lên ngay cười hơ hơ. Thế mà giờ giở mặt được, có căm không? Chẳng thà, anh đi lại với người tử tế, tôi sẽ vui lòng nuôi con anh như chuyện người mẹ Mông  mới chiếu trên ti vi ấy.Đằng này đánh đu với mụ béo, lẳng lơ nhất vùng, hai con, chẳng đứa nào được một lần gọi bố với ai, còn thét lác bảo bố thằng lớn làm xếp chìm sắp đưa nó về Hà Nội học trường gián điệp, thi thoảng mụ lôi tờ cổ phiếu chẳng biết thật hư ra xem xem, oai vơia các bạn hàng dát. Giờ nghĩ lại càng lộn ruột.
           Vợ chồng tôi đã về Hà Nội xét nghiệm y tế kỹ càng, hoàn toàn bình thường, sao mãi không đơm hoa kết trái, ai cũng não nề. Bố mẹ chồng thở dài sườn sượt, cạnh khoé đủ điều. Bên nội sôi sùng sục mỗi năm một kỳ giỗ họ, trình đinh. Bên ngoại nín lặng, vì anh chị em nhà, ai nấy nếp tẻ đủ đầy, chỉ mình tôi trơ trọi. Tôi lờ mờ đoán ra, nhưng sợ lắm.
          Rằm tháng giêng, vợ chồng tôi đi lễ chùa Hương vãn cảnh cùng cơ quan nhưng leo bộ chứ không ngồi ca bin cáp treo theo đoàn. Người chật như nêm cối, song mặt mày rạng rỡ chứ đâu nặng chịch như tôi, Đến suối giải oan, chồng bảo vào xin giải oan đi, tôi buột miệng có mà oan Thị Mầu, làm anh há hốc mồm không cười được. Hình như là càng ngày, tôi càng láng máng thấy mình có tội. Váng vất trong đầu tôi bao lần tiếng cười trẻ thơ tắc nghẹn lẫn trong tiếng khóc rấm rứt rất thê lương. Chắp tay thành kính, quỳ trong hang động ngột ngạt khói hương, tôi như mê đi, lầm rầm thú tội. Vâng giời đã cho con một lần làm mẹ. Con con đã ba hay bốn tuần trăng, xinh như thiên thần, thi thoảng còn sà đôi cánh mỏng tang ấp vào ngực con lúc oán hận, trách móc, lúc thầm thì xót thương. Con oán bố suốt ngày xúi mẹ phá đi, nghĩa là giết con để khỏi nặng gánh. Rồi mẹ nữa, đêm ngày lo lắng, phiền não… đã chẳng tha thiết yêu con,  còn đồng phạm cùng tội ác, bàn tính phá ở đâu cho đỡ tốn tiền… nên vừa thấy vị đăng đắng là lạ, con chạy tháo thân ngay kẻo bị bác sỹ đánh độc, thậm chí lấy kéo cắt từng miếng lôi ra…  khủng khiếp lắm!
          Thổ lộ hết cái bí mật tưởng chừng sống để dạ, chết mang đi, dù rất chi là thầm, nhưng hình như cao xanh soi thấu, phần nào vợi đi những ẩn ức canh cánh bên lòng. Đúng là thằng đàn ông đầu đời của tôi khốn nạn thật.  Qua hơn năm học trường Mẫu giáo trung ương  tôi chưa bị xiêu ai trong hàng chục cây si lượn lờ thì...Đêm giao lưu văn nghệ , tôi xinh hơn trong bộ váy áo Mông, đỏng đảnh xoay cán ô lả lơi trong câu hát trong veo, cao vút  ai tin anh nói…thì em đây sẽ là người của anh*  chưa kịp cúi chào thì tiếng vỗ tay đã rầm trời, rồi uỳnh uỵch tiếng chân thoăn thoắt chạy lên sân khấu, ấn hoa vào lòng tôi, đoạt mic trong tay tôi, khoác vai tôi, ba hoa gì tôi chẳng rõ, chỉ biết phía dưới khán giả nín lặng chờ đợi, rồi tiếng nhạc dạo đầu cất lên, hắn ấn mic vào tay tôi, cái nhìn cháy bỏng. Tôi mê đi trong tiếng nhạc dập dìu, đong đưa nhịp nhàng với hắn, bay bổng cùng lời hát với hắn rất xứng đôi, ăn ý . Sau đó, ngày nào hắn cũng nghiêm ngắn trong trang phục học viên cảnh sát đến tìm tôi, ngồi lỳ, lẵng nhẵng cưa kéo suốt cả học kỳ tôi mới chịu đổ. Tôi chết hắn, vì hắn cao giàn, đẹp mã và rất dẻo mỏ, hơn thế, bố hắn làm cán bộ gì quan trọng lắm, thi thoảng hắn giở tờ báo trỏ mặt trên ảnh khoe, làm tôi sướng tít mắt, bồng bềnh trên mây với viễn cảnh lấy chồng Hà Nội. Ngọt lịm mà tê rát, sung sướng hiến dâng và đón nhận. Rồi hoảng hốt lo sợ. Rồi buồn tủi, ân hận, bẽ bàng khi mấy lần đến trường tìm, hắn lẩn, xui bạn ra bảo bận họp cán sự lớp. Chủ nhật đến nhà, mẹ hắn giả vờ đuổi khéo ơ tưởng đi với cháu chứ, thấy líu ríu gái trai một lũ. Bạn gái thân nhất bảo giải quyết đi, béo bở gì cái giống bất nhân ấy mang cho nhọc xác Tôi chỉ biết khóc thầm, chả thiết ăn uống, người rộc đi. Rồi uống ký ninh. Thế là…
           - Em nói thật đấy, em bị giời bắt đền tội. Tội gì ư? Tội giết con mình. Tôi kể thật hết với anh, cả cơn các mộng tối nọ, chiếc túi ny lông bèo nhèo ấy, lồng trong cái túi đen, rõ là của đêm hôm ấy, sáng trăng suông, tôi  mệt lả, vịn theo tường dò dẫm xuống bếp tập thể rồi bỏ vào thùng rác đầy ụ. Ngồi chết lịm ở đó mãi khi nghe chó cắn nhau mới đờ đẫn tỉnh, gượng lên lảo đảo lần từng bước về phòng, gục xuống... Chồng tôi ôm đầu choáng váng, đôi mắt thất thần, dại đi hồi lâu rồi bỗng long lên dữ dằn, chồm về phía tôi, hai bàn tay như hai gọng kìm ngoạm lấy vai áo tôi nhấc lên. Em nói đi! Không phải thế đúng không? Em bịa thế để anh lấy vợ khác đúng không? Rồi ôm mặt khóc tu tu. Không! Em là kẻ bất nhân, thất đức, không đáng được tạo hoá trao quyền thiêng liêng truyền dòng chảy liên tục cho người. Em làm, em chịu; còn anh  lương thiện, anh có quyền truyền giống cho đời sau với người đàn bà nào tử tế. Em van anh, anh đi đi, đừng để em mắc thêm tội đó rách ngáng chỗ nữa. Mặc em ở đây với hai đứa trẻ tuy khác máu tanh lòng, nhưng đã yêu quý chúng như máu thịt rồi. Đó cũng là cách em chuộc tội.
                Nhìn anh bơ phờ sau đêm thức trắng, thất thểu dắt xe ra về khi sương sớm còn luyểnh loảng, lóng ngóng đề mãi xe mới nổ, tôi thương vô hạn. Sợ anh chịu không nổi cú sốc này. Trong mắt anh, tôi là người khá tròn trịa, hợp với mong ước nên yêu tôi nồng nàn, hầu như lúc nào cũng vồ vập. Chị em trong trường cứ ngỡ đêm qua chúng tôi có chuyện vì thêm miệng ăn của hai đứa chăng, nên lặng lẽ bảo nhau góp chút lòng thơm thảo, người nọ rỉ tai người kia. Mãi đến khi lãnh đạo phụ nữ, công đoàn nghành vào trao quà, tôi mới ớ người ra, sự việc lớn quá, vội mời đại diện dòng họ, chính quyền cơ sở tiếp nhận và giữ cho các cháu về sau thôi. Chứ hiện tại, hai đứa ăn mặc có đáng là bao, vợ chồng tôi đều có công việc ổn đinh dư sức nuôi các cháu mà
           Lại một mùa xá tội vong nhân.
          Thế là đã xong bốn năm gắn bó với xã Mường Bám heo hút nhất Thuận Châu; ba năm rưỡi nếm trải sung sướng lẫn khổ đau làm mẹ. Mới ngày nào con bé tóc hoe khét nắng trên cái đầu tróc lở, trứng chấy bời bời, tanh lợm giọng. Rồi trắng đêm, thằng nhỏ miệng nôn trôn tháo, người nóng như hòn than, thi thoảng oằn lên run bần bật. Chú y tá xã tái nhợt mặt vì mấy loại thuốc đặc trị của trạm xá đã cho uống cả rồi, không thuyên giảm, lí nhí nói mạch cháu đã yếu dần, tiên lượng xấu... vượt quá tầm kiểm soát của em! Làm sao đưa xuống huyện, trời nắng còn mất già nửa ngày xe máy phi cật lực, huống chi đang giữa mùa mưa? Đờ đẫn nhìn trời, nhìn chú y tá thõng tay bỏ ống nghe, ôm riết lấy con sợ thần chết cướp đi, lòng thắt quặn. Đừng bỏ mẹ con ơi ! Tôi gào lên, lao đi trong mưa chiều sầm sập đến nhà trưởng bản Lão cuống cuồng bảo đưa tiền để ông lên trên bản Mông mua con gà về cúng ma, cả bản giờ không kiếm được lấy một con gà con đâu chết dịch sạch rồi. Thoáng do dự. Cúng ma ư? Là bí thư chi bộ, là cô giáo mầm non trình đại học, đang vận động bài trừ hủ tục, với một bên tình mẹ con, tuy không rứt ruột đẻ đau nhưng rất nặng nghĩa. Con ơi, mẹ có thể bị khai trừ, bị thôi việc, thà mất cả công lao hơn chục năm phấn đấu chứ lòng dạ nào nhìn con giẫy giụa vào cõi chết. Vâng bố đi đi nhanh lên. Lão đi từ chập tối, gần sáng mới lần về đến nhà, hổn hển mùi rượu, vì thập thững bước thấp, bước cao lối tắt cho nhanh ai ngờ ngã lên bờ, xuống ruộng bầm dập tím người. Trong hoạ có phúc, lão kiếm được mẩu thuốc phiện bằng hạt đỗ xanh, cho thằng bé uống, may cầm lại được. Hết hồn. Chao ôi!  Xin bái biệt vùng cao để đưa hai đứa con Khơ Mú của tôi xuống huyện. Mọi thủ tục tư pháp nhanh gọn, dân bản đến chia tay chật sân trường, vui như hội, lắm đôi mắt đỏ hoe, bịn rịn
           Con gái được chọn vào trường năng khiếu tỉnh, bài hát về mẹ, như hát từ trái tim nức nở của nó làm hội trường lặng đi, giám khảo rưng rưng nhoè nước mắt cho điểm giỏi. Vợ chồng tôi ôm nhau nghẹn ngào.  Tôi biết ơn tình yêu của chồng. Hoá ra, mụ béo chợ huyện đơm đặt chứ chửa đẻ gì? Anh đùa, nếu nó chửa thật thì anh phạt vạ giám đốc trung tâm kế hoạch hoá gia đình, vì phát ok rởm. Nghĩa là, ừ có chứ, anh chẳng chối, em không nhớ hôm xét nghiệm thằng cha bác sĩ chả bảo anh đổ cho trâu khéo cũng chửa à. Thời gian đầu vắng em, anh cũng loạng choạng, mụ như thiêu thân, cơm dẻo canh ngọt lắm nhưng thấy anh chắc chắn quá, mười bận ok đúp cả chục, mụ nản. Chắc là dây với anh mụ chỉ tổ lỗ to cái vốn tự có, nên lượn lâu rồi
          Đêm xá tội vong nhân vào khuya rất sâu, còn phảng phất hương sen dìu dịu quện mùi hương trầm man mác xa xăm. Cơn sóng trào dâng, khi mái tóc rễ tre thân thương xoắn xuýt vồng ngực tuổi bốn mươi còn nây nẩy, áp tai nọ, sấp tai kia lắng nghe tiếng đập rộn ràng mỗi lúc thêm dào dạt, cuồn cuộn đến nghẹt thở. Đâu đó vút lên tiếng gà gáy trong trẻo, lác đác vài tiếng phụ hoạ rồi sôi rộ giàn hoà âm muôn thuở        Hồi xuân đó ư?
          Tôi sẽ được làm mẹ ruột. Lương tri mách bảo thế . Sướng muốn chết!

 
 *Lời bài hát Trước ngày hội bắn- Trịnh Quý

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

MỘT BÀI THƠ KỲ LẠ

Theo  Blog Sơn Trung

Bài thơ này có 8 cách đọc.
Có lẽ chỉ có tiếng Việt mới phong phú như thế !
1. Bài thơ gốc (bài 1):
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.


2. Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên, ta được bài 2:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược
từ dưới lên, ta được bài (ngũ ngôn bát cú, luật
bằng vần bằng):
Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ta được bài
(tám câu x bốn chữ ):
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ
dưới lên, ta được bài (tám câu x bốn chữ):
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài
(tám câu x ba chữ) :


Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược
từ dưới lên, ta được bài (tám câu x ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

THƠ CỦA LUẬT SƯ

   Từ trang Bà Đầm Xòe:

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, người mới đây có bài viết đưa ra bằng chứng đầy thuyết phục về hiện tượng ăn cắp văn của GSTS khoa học Hoàng Quang Thuận. Từ bài viết này của ông đã nhanh chóng giúp cho làng văn Việt Nam nhìn rõ bản chất ăn cắp văn, lừa thần thánh, Phật và mượn oai của thánh thần, Phật để lừa người của Hoàng Quang Thuận và Hội Nhà văn Việt Nam.

Vụ bầu Kiên bị bắt mới đây không những có tác động mạnh trên thị trường tài chính, chứng khoán mà còn có "tác động" mạnh đến luật sư. Bằng những trãi nghiệm nghề nghiệp, luật sư đã sáng tác ngay một bài thơ gửi đến bạn đọc của Bà Đầm xòe. Mời các bạn đọc và suy ngẫm và "để mắt"  theo dõi sự kiện này xem kết quả sẽ như thế nào. Nó có giống những tâm sự của luật sư Nguyễn Minh Tâm trong ngày hôm nay hay không? BĐX

CẢM TÁC VỀ BẦU KIÊN BỊ BẮT

Bố già Kiên bị bắt
Ngoài đời bát nháo tin
Đủ mọi lề, mọi hướng
Còn ta, chỉ đứng nhìn.

Nhớ câu: Hãy đợi đấy !
Cờ bạc tính về sau
Biết đâu niềm vui dậy
Lại đọng thành nỗi đau?

...

Bao bài học còn đó
Sao chửa thấy nhỡn tiền
Giữa cuộc đời trần tục
Há mơ gì Cõi Tiên!

Buồn tình viết mấy câu điên
Nhắn ai đọc, chớ có phiền đó nha !

Ls Nguyễn Minh Tâm

CHÂN DUNG HOÀNG qUANG THUẬN

Chẳng biết lối nào mà lần. Một số nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận có trình, có chức danh trong Hội NV, các báo trung ương, địa phương.... đua nhau tụng ông Thuận lên tít mây xanh. Mình phục ông vì trong khoảng thời gian ngắn mà làm được nhiều bài thơ đến vậy, nghi rằng có sự giáng bút nào đó chăng? Đồng thời  rât sung sướng nghĩ sẽ tìm cách sưu tầm đọc để nâng tầm "thiền " của mình lên.
Nhưng rồi cũng có một số bài oánh lại, nghe rất chí lý. Đáng nể nhất là bài viết của luật sư, hội viên HNV Phạm minh Tâm, mình bắt đầu thấy oải. Đặc biệt  nữa khi báo mạng đăng bài của nhà báo Minh Diện, kể về cái thời ông Thuận giúp việc( hay làm cố vấn) cho ông Tăng Minh Phụng.!!! Chao ôi!... thật vậy sao ??? Nay có bài thơ của Trần Mạnh Hảo, luận, chép về suy gẫm:
TRẦN MẠNH HẢO

HỒN ĐẠI GIA BỊ TỬ HÌNH GỬI VIÊN CỐ VẤN

Tặng bạn Minh Diện
Hồn đây, hồn đại gia gọi ngươi
Viên đạn xuyên ngực ta rồi
Hồn ta rời trường bắn
Nhưng linh hồn viên cố vấn của ta còn ở đoạn đầu đài 
Ma quỷ dẫn ngươi đến nhà ta làm cố vấn
Ta đại gia chân chính
Trượt theo ngươi dài dài
Ngươi lừa ta là con phụng hoàng sáng láng
Đang bay lên đỉnh trời
Hồn ơi là hồn ơi
Sao hồn không về trời ?
Không phải đêm khuya con bổ củi gõ cửa nhà ngươi
Chính là hồn ta gõ gõ
Không phải cơn gió thổi vỡ tách trà sáng nay ngươi cầm trên tay
Chính hồn ta thổi vỡ
Không phải chim lợn kêu như bị cắt tiết trên cây hoàng lan nhà ngươi
Chính hồn ta gọi đó
Không phải con đom đóm đêm lập lòe bên cửa sổ giường ngươi
Chính là hồn ta ma trơi đòi nợ
Không phải tiếng suối róch rách trong hòn non bộ nhà ngươi
Chính là hồn ta làm ngươi thức giấc
Ta đâu thèm đòi lại chiếc xe hơi
Trả lại ta cuộc sống
Trả lại ta gia tài
Trả lại ta lương tâm danh dự
Ngươi lừa cả Phật , cả Trời
Ta bị ngươi lừa tới chết
Hồn ơi là hồn ơi
Ngươi đang đứng trước pháp trường Yên Tử
Và chùa Bái Đính đang tuyên án tử hình linh hồn ngươi
Ta sống là người
Ngươi sống là ma…
Sài Gòn 23-8-2012
Nghe như chuông gọi hồn ai! Phát sợ !!!

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Bàn về thơ


2. Phân biệt thơ và cái không phải thơ: Xác định thế nào là thơ?
Xưa nay, các bậc học giả đã thường tìm cách định nghĩa, nhưng có thể nói, đây là “một câu hỏi lớn không lời đáp” vậy. Hình như con số định nghĩa về thơ phải có đến hàng ngàn, có điều không có cái nào giống cái nào, điều đó chứng tỏ cái cụ thể đó (thể loại thơ) lại rất trừu tượng và khó nắm bắt. Chẳng hạn theo Voltaire: “Thơ là hùng biện du dương”, theo A.De Musset: “ Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình”. Ở VN ta cũng có hàng chục định nghĩa về thơ. Chẳng hạn, theo Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng tình, đồng ý, tiếng nói đồng chí”, còn Chế Lan Viên: “Thơ là gì? Là thơ lơ mơ …”. Hai định nghĩa về thơ của hai danh nhân nước ngoài khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối nghịch nhau và xác định đối tượng phản ánh của thơ cũng không giống nhau: là du dương của hùng biện, là nhẹ nhàng của tâm tình. Còn hai định nghĩa của hai nhà thơ VN cũng vậy: là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu (Tố Hữu), là tâm hồn bảng lảng, bay bổng, mơ màng… (Chế Lan Viên).
         Nhà thơ dù lớn, vừa vừa, hay nhỏ, tự mình cũng phải xác định thơ là gì khi cầm bút sáng tác ra thơ, (dĩ nhiên là sự xác định này không ai giống ai). Nói theo dân gian: Trước khi làm phải biết mình làm cái gì thì mới làm được. Hơn nữa, thơ hiện đại luôn đòi hỏi là nhà thơ có tri thức, kể cả tri thức lý luận… Xác định “thơ là gì” theo lối thực dụng thì có công thức 3T: Tình – Từ – và Tứ.
         Thơ trước hết phải có “Tình”, tức là nhà thơ phải có tình cảm mảnh liệt, chân thật và sâu sắc đối với đối tượng trữ tình; phải có rung động (cảm xúc) đột xuất, cao trào và bức xúc để tự “bức bách” mình phải “động thủ” thành thơ; đồng thời tình cảm và rung động này phải đủ để làm nảy sinh, hòa nhập “quấn quít” với một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.
        Thứ hai là “Từ”, tức là ngôn ngữ thơ. Thơ là nghệ thuật bậc cao của ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ thơ phải mới, phải sáng tạo không lặp lại người khác, không lặp lại mình, không ước lệ sáo mòn, nói theo ngôn ngữ hiện đại là không “lập trình sẵn”. Ngôn ngữ đó phải càng “lệch chuẩn” càng hay. Vì càng “lệch chuẩn” càng tránh được sự sáo mòn, lặp lại, lập trình sẵn ngôn ngữ, điều kiêng kị nhất trong thơ. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người (chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). Vì cái “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới thành thơ để mọi người thích. Chẳng hạn như Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta” thì cái “giống” (chuẩn) là: cõi trời, cõi trên, cõi Phật, cõi trần gian … theo kết cầu cụm từ tiếng Việt, chứ chưa ai nói “cõi người ta” như Nguyễn Du cả. Khi Tố Hữu viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, thì cái “giống” (chuẩn) là: “từ đó, từ ngày ấy” chứ chưa ai nói: “từ ấy”cả. Gần đây, Hoàng Nhuận Cầm viết: “Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn” thì thiệt là “quá đã”. “Khác” (lệch chuẩn) là: sau phó từ “đã” và trước danh từ chỉ địa danh lẽ ra phải là một động từ chỉ sự di chuyển: Không thể nói “đã Sài Gòn, đã Biên Hòa”, mà phải nói: “đã đi Sài Gòn, đã về Biên Hoà”. Nhưng ở đây  Hoàng Nhuận Cầm lại nói được, mà người đọc thơ không những hiểu, chấp nhận mà còn thích nữa: “đã Côn Sơn”, thế thì có “đã đời” không? Cái “giống” (chuẩn) là Hoàng Nhuận Cầm vận dụng quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dựa trên điệp kết cấu các vế trong câu và nghĩa “hàm ngôn” của từ “nhưng”: “Hạ chưa về (1) nhưng nắng đã Côn Sơn”(2). Hai vế câu đều có chủ ngữ là biểu tượng thiên nhiên (Hạ và nắng), thành phần vị ngữ đều có hai phó từ chỉ thời gian đối lập nhau (chưa, đã), quan hệ từ “nhưng” biểu thị quan hệ hai vế tương phản nhau về ý, vậy thì vế (1) là “chưa về” thì vế 2 theo logic câu phải là “đã về, đã tới Côn Sơn”, câu thơ do vậy đọc mới “sướng”! Nếu như họ viết “Trăm năm trong số người ta”, “Từ đó, trong tôi bừng nắng ha”ï, “Hạ chưa về nhưng nắng tới Côn Sơn” thì chưa chắc ngày nay chúng ta có thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa lớn của thế giới, Tố Hữu , lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng suốt ba thập niên rưỡi (1930 -1975) và Hoàng Nhuận Cầm, một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca VN hiện đại.
         Thời gian gần đây, giới thơ ca  xôn xao về bài thơ dài “Trăng ca” của tác giả trẻ Võ Thị Phương Thúy đăng trên  các diễn đàn như : nguyentrongtao.org  , lethienminhkhoa's blog ... Thành công của bài thơ do nhiều yếu tố hợp lại: Mạch thơ TRĂNG CA tuôn chảy một cách " hồn nhiên trong trẻo "  , tự nhiên như nhiên ,   giọng thơ lục bát điêu luyện,  ngắt nhịp  cách tân  , tứ thơ mới lạ , độc đáo ,  hình tượng  thơ lung linh , mờ ảo,  biểu hiện cảm xúc , cái nhìn lạ lẫm về trăng , về cuộc đời ... ,  nội hàm bài thơ  lắng sâu nhuần thục  tinh thần văn hóa Việt … Nhưng có một yếu tố quan trọng đã biến câu lục bát thành thơ lục bát mà tác giả vận dụng rất có tay nghề là: ngôn ngữ thơ trau chuốt , mới mẻ , lệch chuẩn” một cách rất có ý thức:
   Đi một chân tới một miền
Còn một chân cắm bên triền hoang sơ
    Còn một chân khụy gối chờ
Ba chân dốc cạn cuộc cờ nước non
                ( Trích “Trăng ca”) ( Đường LINK trên TQH ờ cuối bài (*)

        Thứ ba là Tứ. Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải. Theo tôi, “tứ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại. Thơ tứ tuyệt đường luật chỉ ngắn bốn câu, nhiều bài ta thuộc lòng mà vẫn thích đọc lại, thích ngâm vì tứ thơ quá hay, quá bất ngờ. Thơ Hai-ku của Nhựt Bổn, chỉ có ba câu, ta chỉ đọc qua bản dịch mà vẫn cảm được vì tứ thơ quá lạ, quá “siêu”.
        Bài thơ hai câu của Phan Thị Thanh Nhàn: “ Người tôi yêu ở rất xa – Người yêu tôi ở gần nhà, chán không?” được rất nhiều người Việt Nam yêu thích vì tứ thơ quá thiệt, quá quen mà quá lạ. Ngày nay, nhiều bài thơ văn xuôi dài ngoằng, gần như không vần, không luật, rất khó nhớ mà có người vẫn thuộc lòng vì tứ thơ quá độc đáo. Dù có vần, có điệu mà không có tứ thơ thì không thành bài thơ mà chỉ là vè, văn vần, là khẩu hiệu tuyên truyền cổ động… mà thôi. Không quan niệm thế, không chú trọng yếu tố “tứ” trong thơ, một quan niệm khá phổ biến hiện nay, mà tiêu biểu là trong một số sách giáo khoa, giáo trình … là thay thế yếu tố “tứ” bằng yếu tố “tính nhạc” của thơ. Ai làm thơ cũng biết câu: “ Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”, vậy thì tính nhạc nằm đâu trong 3 T? Xin thưa: Nó nằm trong “từ” (ngôn ngữ thơ). Ngôn ngữ thơ có hai mặt: ngữ nghĩa (có thể coi như thuộc về phạm trù tinh thần) như đã nói qua ở trên và tính nhạc (có thể coi như như phạm trù vật chất).

      Nhiều người làm thơ tự do , lục bát , song thất lục bát  ... thì không thành thơ mà thành văn vần , vè , diễn ca ..., vì không có tứ thơ , nhưng làm thơ Đường luật thì thành thơ và thành thơ hay , vì sao ? Không phải thơ Đường luật dễ làm hơn mà bỡi vì bản thân kết cấu của thơ Đường luất , nhất là thể  bát cú với  bố cục chặt chẽ : đề , thực , luận , kết đã là cấu tứ của bài thơ . Người viết , ngoài TÌNH thật , TỪ hay , nếu ý thơ  tuân thủ được kết cấu trên thì tứ thơ đã tự nhiên hình thành và bài bát cú đó là thơ (dĩ nhiên giá trị của bài thơ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác) . Cho hay , chủ nghĩa cổ điển dù ràng buộc sáng tạo với những luật lệ khắt khe , nhưng lại có cái hay là xác định những chuẩn mực để bình ổn văn hóa và giúp cho sự sáng tạo trong khuôn khổ .

         Tính nhạc trong thơ bao gồm 4 yếu tố: âm, thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, theo tôi thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu ) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, Chính chúng đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu. Ngoài ra còn phải kể thêm nhạc điệu nội tại của bài thơ toát ra từ tình và tứ của bài thơ. Cũng có người ngược lại, coi nhẹ yếu tố nhạc tính trong thơ, vì xem đó chỉ là yếu tố hình thức, mà quên rằng: Hình thức trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung là hình thức đã được “nội dung hóa”, nói thẳng ra: hình thức thơ, trong đó có tính nhạc, cũng chính là nội dung thơ…

                              3. Làm sao tránh được tình trạng… lạm phát thơ như hiện nay?
          “Cái không phải thơ” nhưng lại “giống thơ” đã gây bao ngộ nhận. Công chúng ngộ nhận là thơ, còn người làm thơ ngộ nhận về tài làm thơ của mình. “Cái giống thơ” lại dễ làm. Khi học cấp 2 đã được học các thể thơ rồi, bây giờ lập trình, ráp chữ, đúng luật bằng trắc thì thành “cái giống thơ” thôi. Nên có rất nhiều người làm thơ, in ra hàng loạt để …. tặng và để…'thành' nhà thơ. Do đó, người làm thơ phải tự kiểm định thơ mình trước khi đưa thơ ra mắt công chúng, nhưng mà khó lắm, vì “văn mình, vợ người” mà. Xin mượn câu nói của nhà thơ Inrasara để tạm kết luận: “Nhà thơ cần biết...  sợ thơ ,  để người đọc còn cần đến thơ” .

LÊ THIÊN MINH KHOA( Bà rịa- Vũng Tầu)

ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN


Tác giả bài thơ là Ðàm Chu Văn - chuyên viên cao cấp Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai kiêm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ðồng Nai, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Ðồng Nai, còn "những người quan tâm tới bài thơ" là ông Huỳnh Văn Tới (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai, chủ trì cuộc đối thoại) cùng các lãnh đạo Hội VHNT Ðồng Nai, NXB Ðồng Nai, nhà văn Trần Thu Hằng (tham dự với tư cách phóng viên báo Lao Ðộng Ðồng Nai)...
Bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của nhà thơ Ðàm Chu Văn đã từng đăng trên báo Văn Nghệ cách đây một năm (số 16, ngày 16-4-2011). Nhưng mới đây (ngày 2-7-2012) nhà văn trẻ Trần Thu Hằng đã gửi đến Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai một lá thư gọi là góp ý kiến (về việc phê bình tư tưởng và việc làm của đảng viên), trong đó có đoạn: "Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện"... Bên cạnh thư góp ý kiến, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai còn nhận được một "thư kiến nghị" nặc danh xung quanh bài thơ này.
Trước sự việc như vậy, ngày 10-7-2012 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai đã có văn bản "đề nghị chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai giao cho bộ phận lý luận phê bình thẩm định về chuyên môn". Nhưng Hội VHNT Ðồng Nai đã không thực hiện được với lý do: "Hội VHNT Ðồng Nai không thành lập được bộ phận lý luận phê bình".
Trong khi đó, theo báo cáo của Hội VHNT Ðồng Nai, nhân lớp tập huấn công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật (diễn ra từ ngày 10 đến 13-7-2012 tại TP Biên Hòa), ông Nguyễn Khánh Hòa - chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai - đã tranh thủ lấy ý kiến của ông Nguyễn Hồng Vinh (chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn VN). Ông Nguyễn Hồng Vinh sau khi đọc bài thơ và tham khảo đồng nghiệp đã nêu ý kiến: Ý chính của bài thơ lấy hình tượng những cây dầu cổ thụ để ví với nhân dân bao đời, "đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối, và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi"...
Gần đây nhất, ngày 8-8, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - trong công văn gửi Ban Tuyên giáo trung ương thì khẳng định: "Ban thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc"...
Thế nhưng, "để rộng đường trao đổi chuyên môn", Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai vẫn tổ chức cuộc "đối thoại" xung quanh bài thơ trên trong hơn bốn giờ (từ 13g30 đến hơn 17g30). Quan tâm đến số phận một bài thơ, phóng viên xin được tham dự cuộc "đối thoại" này nhưng ông Huỳnh Văn Tới nêu lý do "cuộc họp mang tính chất nội bộ". Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp, khi được hỏi việc tổ chức họp, đối thoại xung quanh một bài thơ hay một tác phẩm văn học có phải là sinh hoạt thường xuyên của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai hay không, ông Tới trả lời rằng sở dĩ có cuộc họp này vì Hội VHNT Ðồng Nai đã không làm tròn trách nhiệm. "Hơn nữa, đồng chí Ðàm Chu Văn là chuyên viên cao cấp của Ban tuyên giáo, nên khi có đơn phản ảnh về một số câu chữ trong bài thơ của đồng chí có vấn đề thì chúng tôi phải xem xét. Chúng tôi chọn hình thức đối thoại để mọi người nêu ý kiến. Hiện chúng tôi không kết luận, cũng không đưa ra hình thức kỷ luật hay phê bình nào cả. Nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm của ba phía: tác giả, Hội VHNT và cả cá nhân tôi nữa" - ông Tới nhấn mạnh.
Kết thúc cuộc họp, nhà thơ Ðàm Chu Văn bước ra với gương mặt bơ phờ, rồi thoắt cái biến mất. Khi liên lạc với ông thì biết ông đã về nhà. Qua điện thoại, nhà thơ tâm sự: "Thật là đáng sợ khi một người làm thơ phải ngồi giải thích mình làm bài thơ này là ý nói cái gì, câu thơ này mang ý nghĩa gì. Nhà thơ có quyền từ chối điều đó, nhưng tôi đã chịu đựng trong cuộc gọi là đối thoại này vì tôi nghĩ mình trong sáng, chân thành. Nghe chuyện này chắc bạn nào mới làm thơ phải khiếp vía. Nhưng tôi, một người làm thơ lâu năm, tuổi đời từng trải, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục làm thơ thôi".
 TRẦN NHÃ THỤY
Thế là rõ rồi. Cô nhà văn háo danh" ranh con" ( Lời của mạng) chỉ là con tốt bị ông Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ xui dại, nên bị mang tiếng là kẻ lưa thầy, phản bạn. Chưa qua sông đã đấm bòi vào sóng ( như ý của nhà thơ, UV BCH Hội NV  Văn Công Hùng

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Cây dầu cổ thụ ... trangTrần Nhương luậntiếp


2. Hàm ý của bài thơ là gì?
Hình tượng chính của bài thơ là Những cây dầu cổ thụ. Hình tượng này có ý nghĩa gì ?
Trong hệ thống cấu trúc của bài thơ thì Những cây dầu cổ thụ là đại ngàn (ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ),. Cây  là nhân dân, bởi nhân dân là vĩnh cửu, nhân dân mới đầm mình trong nắng sớm mưa chiều : ” ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá/ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…”
Tác giả mượn cây cổ thụ để chỉ ra điều này:  khi đại ngàn còn mênh mông, loài vật, con người được thiên nhiên che chở, thì được sống an vui, hạnh phúc.
thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi…
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy
Và tác giả mơ ước một thời như thế : chợt khát thèm một sớm mù sương/ không nhìn rõ mặt người/mơ màng/hi vọng. Câu thơ này nếu không đặt trong tổng thể cấu trúc bài thơ, thì có thể suy diễn hoàn toàn sai lạc ý nghĩa, nội dung. Rằng tác giả có cái nhìn bi quan, sao lại thèm một không gian mù sương không nhìn rõ mặt người? Phải chăng tác giả sợ lòng người đổi thay, phải chăng tác giả muốn thoát ly, muốn sống trong mơ màng.
Bài thơ là lời của cây, kiểu trực ngôn, hình tượng cây không là ẩn dụ. Nếu bảo rằng cây là ẩn dụ, thì những nai, mễn, bướm, sông Đồng Nai nước dâng, khói ngạt phố thị là ẩn dụ cho cái gì? Những hình ảnh ấy là chính nó, là thiên nhiên đơn thuần.
Ngay cả những thánh nhân, tầm thường, những buồn vui số phận là ám chỉ ai? Hay chỉ là chỉ chung những con người, trong mọi thời. Bởi thời nào, ở đâu cũng có thánh nhân và có kẻ xấu xa, ở đâu lại không có những buồn vui số phận. Kinh Thánh cách nay 2000 năm là một minh chứng. Đức Giêsu là thánh nhân, bị đóng đinh cùng với 2 kẻ trộm cướp. Trong 12 môn đồ của Giêsu,  Giuda là kẻ đã bán Chúa lấy 30 đồng bạc. Đó là chân lý của muôn đời. Như vậy những câu thơ có vẻ như có ám chỉ, cũng chỉ nói cái chân lý đã có trước đó từ lâu lắm rồi. Xin cứ đọc lại thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và quan sát những con người của thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ở thế mới hay người bạc ác                                                                                                                                     
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui
3. Bài thơ đọng lại điều gì ?                                                                                                               
Điều rõ nhất còn lại ở bài thơ là tấm lòng của tác giả với cuộc sống, với con người hôm nay.
sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
Hình ảnh sông Đồng Nai trong câu thơ trên vừa là thực (sông Đồng Nai dâng nước ) vừa chứa đựng một lớp nghĩa rộng hơn nghĩa thực. Nói sông Đồng Nai thì cũng đồng nghĩa với cuộc sống của những con người trên sông và hai bên sông, từ thượng nguồn đến cửa biển. Đã có bao lớp người sống, chiến đấu, hy sinh, và “có hàng triệu mơ ước”. Xin cứ đọc Miền Đất Ven Sông  của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn và quan sát cụ thể sinh hoạt của nhân dân thì sẽ thấy rất rõ những mơ ước ấy là gì, đã có bao nhiêu số phận, bao nhiêu vui buồn. Tác giả bài thơ thể hiện tâm tình ấy bằng hình ảnh những nai, mễn, bướm sống vui, sống hạnh phúc trong đại ngàn. Cuộc sống chúng ta đang hướng đến là “nước giàu, dân mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Tôi nghĩ bài thơ nằm trong trường tư tưởng ấy. Cái vị đắng có trong bài thơ chỉ là để làm tôn cái vị ngọt của tình thơ và làm sáng lên cái nhìn giàu chất nhân văn mà thôi
Dĩ nhiên, trong chừng mực nào đó, ngôn ngữ thơ chưa thật giúp cho những tư tưởng tình cảm giàu chất nhân văn ấy  sáng bừng lên,  để soi tỏ cuộc đời. Tuy vậy bài thơ có nhiều tứ thơ đẹp.
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)
sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức…
4. Cho cạn nhẽ                                                                                                                                        
Tôi đã dừng bài viết ở những tứ thơ đẹp của bài thơ, nhưng lại thấy cần nói thêm vài điều về những gì mà người đọc có thể còn lấn cấn. Ấy là nhan đề  : Lời Những Cây Dầu Cổ Thụ Ở Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân. Có hai chi tiết người ta dùng nó để “làm khó” nhà thơ : Chữ “Ta” và cụm từ “ở trụ sở ủy ban”.
Bài thơ của Đam Chu Văn lấy nhân vật chính làm nhan đề : Những cây dầu cổ thụ. Vì thế mọi thông điệp tác giả gửi trong bài thơ nằm ở nhân vật này. Khi phát ngôn, nhân vật xưng là Ta. Vậy Ta là ai?
Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
Cần lưu ý điều này. Bài Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở UBND nằm trong thi pháp thơ  kháng chiến. “Cái Ta” trong thơ kháng chiến là nhân dân, là cộng đồng. “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô nhà ta cháy”(Bên Kia Sông Đuống-Hoàng Cầm); “ Khi ta đứng lên cầm khẩu súng/ Ta vì ta ba chục triệu người/ cũng vì ba ngàn triệu trên đời”(Miền Nam-Tố Hữu). Điều này xuất phát từ cách dùng từ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên Ngôn Độc Lập :
” Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn
cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”
Tôi trích hơi dài là để bạn đọc nhận ra Chủ Tịch Hồ Chí Minh dùng chữ Ta với ý nghĩa rất phong phú. Chẳng ai lại hiểu chữ “Ta” ấy là tác giả HCM, mà hiểu Ta là đồng bào, là nhân dân, là dân tộc. Thơ kháng chiến đã kế thừa cách dùng từ này. Và vì thế chữ “Ta” trong bài thơ Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở UBND cũng mang ý nghĩa ấy.Ta không phải là “cái tôi” cá nhân tác giả.
Như tôi đã minh giải ở trên. Những cây dầu cổ thụ được nhân hóa như người, và được miêu tả bằng kiểu ngôn ngữ thực, không ám chỉ, không ẩn dụ. Đó là những cây dầu cổ thụ gắn với đại ngàn, gắn với thời gian mênh mang. Đó là rừng đại ngàn với nai, mễn, với đời sống hoang dã, bình an và hạnh phúc. Đó là đại ngàn gắn với sông Đồng Nai như là nguồn sống. Hay nói bằng ngôn ngữ thời sự, những cây dầu cổ thụ và không gian đại ngàn được vẽ ra chính là thiên nhiên, là môi trường thiên nhiên, đồng thời cũng là những con người sống trong môi trường thiên nhiên ấy, là nhân dân (hàng triệu giấc mơ) trong trường kỳ lịch sử (“bao nhiêu lượt mùa xuân về”). Xin chú ý chữ “mùa xuân” có hàm nghĩa rất hay, bởi lịch sử VN có những mùa xuân rất hào hùng (Mùa xuân của Lê Lợi-Nguyễn Trãi thắng quân Minh 1428, Mùa xuân của Quang Trung chiến thắng quân Thanh 1789, và mùa xuân CM, Đại thắng 1975). Nó cũng gợi ra cái đẹp của cuộc sống và cái nhìn lạc quan tin yêu của tác giả. Bài thơ vừa trữ tình, vừa có cảm hứng sử thi.
Cụm từ “ở trụ sở Ủy Ban Nhân dân” chỉ được dùng 2 lần, một lần ở nhan đề, một lần ở câu đầu tiên, còn tuyệt nhiên không được nhắc lại trong bài thơ. Nó cũng không được khai thác như một hình tượng chính để chuyển tải tư tưởng (hình tượng chính là những cây dầu). Nói cách khác, đó chỉ là một cụm từ chỉ nơi chốn phiếm chỉ, bởi tác giả không ghi rõ là Ủy Ban Nhân Dân nào : UBND xã hay UBND Huyện hay UBND Tỉnh, và cụ thể là địa danh nào, vì thế, nếu có nghĩa thì đó chỉ là nghĩa chung, không thể áp đặt rằng đó là UBND này hay UBND kia
Bây giờ xin xác định mối quan hệ giữa những cây dầu với nơi chốn “ở trụ sở UBND” xem , đó là mối quan hệ gì, và hàm nghĩa gì?
Xin làm một phép thử. Nếu bỏ chữ “ở trụ sở UBND”  đi thì ý nghĩa bài thơ và thông điệp của tác giả trong bài thơ có thay đổi không?, thưa không, bởi mọi nội dung, tư tưởng, thông điệp của bài thơ nằm ở nhân vật chính là những cây dầu, không nằm ở chữ “ở trụ sở UBND”. Chữ “ở trụ sở UBND”  chỉ là một trạng ngữ chỉ nơi chốn, và vì thế nhan đề ấy có thể bỏ chữ “ở trụ sở UBND”, hay thay bằng ở nơi nào đó thì bài thơ vẫn nguyên vẹn nội dung tư tưởng.
Những cây dầu ấy là nhân dân là môi trường thiên nhiên trong lịch sử, thì tất nhiên nó cao hơn tuổi các ủy ban và cao hơn các tòa nhà cao tầng, nó có sức sống vĩnh cửu. Đó là một chân lý. Điều thú vị là ở chỗ, những cây dầu “ở trụ sở UBND”, không phải ở ven đường, ven sông hay ở trong thảo cầm viên. Bởi UBND là chính quyền của dân, được dân ấp ủ, (điệp từ  ủ) được dân cưu mang và là niềm hy vọng của dân. Lịch sử CM đã đã hiển nhiên chân lý đó : chính quyền CM là chính quyền của dân, do dân, vì dân . Nếu tác giả để cho UBND chặt những cây dầu ấy đi, thì vấn đề sẽ rất trầm trọng, tức là chính quyền lìa dân, chính quyền từ bỏ nhân dân. Cho nên  “những cây dầu cổ thụ ở trụ sở UBND” làm vững chắc hơn tư tưởng về chính quyền cách mạng với nhân dân là một, được dân thương yêu tin cậy. Mọi cách hiểu tách rời UBND ra khỏi nhân dân, đặt nhân dân trong thế đối lập với UBND (UBND với cây dầu cổ thụ) đều là cách hiểu xuyên tạc và không thiện tâm.
Vì vậy những lời của cây dầu cổ thụ có thể có hai góc độ, đó là lời của nhân dân nói với UBND, cũng là lời của UBND nói với mọi người, bởi cây dầu ở trụ sở UBND, với tư cách là chủ nhân, thay mặt cho UBND, nếu cây dầu nằm ngoài trụ sở UBND thì không thể thay mặt cho UBND được. Dù ở vị trí nào và hiểu theo cách nào, thì thông điệp của bài thơ vẫn rất rõ ràng là tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống sâu nặng của tác giả trong tầm vóc nhân dân và lịch sử, có cảm hứng sử thi. Đồng thời tiếng nói của những cây dầu cổ thụ ấy nhắc nhở mọi người (không chỉ là trách nhiệm của UBND) về trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, với những ước mơ và hy vọng. Nói cho cạn nhẽ thì đó là tiếng nói trách nhiệm của tất cả chúng ta.
           

TIẾP THEO VỀ LỜI CÂY DẦU CỔ THỤ...


 Ý KIẾN CỦA NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG
Lý thuyết tiếp nhận cho rằng ý nghĩa của tác phẩm là do người đọc cảm nhận từ tác phẩm, nhiều khi ý nghĩa ấy không đồng nhất với ý nghĩa của tác giả gửi trong tác phẩm. Đó là đồng sáng tạo. Tuy nhiên, Umberto Eco nói rằng :” tôi chấp nhận ý kiến cho rằng một văn bản có thể có nhiều ý nghĩa. Tôi không chấp nhận việc một văn bản có thể có bất kỳ ý nghĩa nào”.

Tác phẩm văn chương là một sinh mệnh hoàn chỉnh.Y nghĩa của tác phẩm nằm trong hệ thống cấu túc và hình tượng nghệ thuật. Những ý nghĩa nằm ngoài cấu trúc hình tượng chính là sự áp đặt, với mục đích ngoài văn chương. Đọc tác phẩm,  phải đặt tác phẩm trong môi trường văn hóa, lịch sử cụ thể của cộng đồng, bởi ý nghĩa của ngôn ngữ, kiểu tư duy, kiểu tiếp nhận là do văn hóa công đồng chi phối. Tuy nhiên, tác phẩm là phát ngôn trực tiếp của tác giả, đọc tác phẩm, trước hết phải hiểu đúng thông điệp tác giả gửi trong tác phẩm, sau đó tìm hiểu những ý nghĩa do hệ thống hình tượng nghệ thuật tạo ra. Tuyệt đối không xuyên tạc hay bóp méo ý nghĩa hệ thống hình tượng, tuyệt đối không được gán cho tác phẩm những ý nghĩa nằm ngoài hệ thống hình tượng.
Điều này đòi hỏi người đọc phải có trình độ, phải có phương pháp đọc và tâm thế đọc nhất định. Xin thí dụ, học sinh lớp 6 không thể đọc những bài thơ trong Nhật Ký Trong Tù bằng chữ Hán nếu không có thầy cô hướng dẫn. Bởi những bài thơ đó chứa đựng tri thức đông tây kim cổ, chứa đựng vốn sống, tư tưởng, tình cảm và bản lĩnh lớn của một lĩnh tụ Cách Mạng có tầm vóc quốc tế, một người đã vào sinh ra tử đối đầu với những kẻ thù lớn nhất của thời đại (Thực dân Pháp, Đế Quốc Mỹ). Hơn thế, những bài thơ ấy nằm trong thi pháp thơ Đường kết hợp với quan điểm, cách mạng về thơ ca. Vì thế, không thể giải nghĩa tùy tiện Nhật Ký trong Tù. Với bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng thế. Cần khám phá thông điệp nghệ thuật bằng những phương pháp phê bình có cơ sở khoa học, không cảm tính, không chủ quan áp đặt, không vì những mục đích ngoài văn chương, có vậy giá trị thật của tác phẩm mới tỏa sáng
1.Những cây dầu cổ thụ nói gì ?
Trong bài thơ Lời Những Cây dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân, cây được nhân hoá như một con người, quan sát, nghĩ suy, bày tỏ. Ngôn ngữ thơ là kiểu ngôn ngữ giao tiếp đời thường , ý nghĩa bộ lộ trực tiếp, không phải là hệ thống tín hiệu cấp 1 hay cấp 3
Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)
Cây độc thoại với chính mình. Cây không nhớ mình đã bao nhiêu tuổi, hiển nhiên là nhiều tuổi hơn các ủy ban. Cây cũng là rừng đại ngàn,  là sự trường tồn của lịch sử trong thời gian, cây cũng là thực tại cuộc sống với niềm vui nỗi buồn.
 
Bên sông Đồng Nai, cây nghiêng về bến nước, và đã bao mùa, sông Đồng Nai dâng nước mênh mang. Tác giả tập trung hình ảnh để nói vê cái mênh mông của thời gian mà cây đã sống ở đó.
sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng
Cây hồi tưởng lại quá khứ hoang dã, thời đại ngàn còn mênh mông là rừng, không khí trong lành, muôn vật sống hạnh phúc, khác hẳn với cuộc sống thành thị hôm nay, ô nhiễm, ngột ngạt
thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy
Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao
Trở về hiện tại, cây ngẫm nghĩ sự đời, như suy nghiệm triết lý, từ đó cháy lên những mơ  ước, hy vọng.
Ta phải nghe những mặt nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng
Hy vọng có một thời như thời xa xưa hoang dã trong lành và hạnh phúc như hình ảnh đại ngàn năm xưa 
Cụm từ  “Những mặn nhạt cuộc đời,… buồn vui số phận” hoàn toàn có nghĩa chung chỉ chung về cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:
Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi…”
Cuộc đời là biến đổi, và lòng người cũng đổi thay, nhà Phật gọi là lẽ vô thường. Đó là một chân lý lớn (Khổ Đế)
Trước thực tại thành phố thì ô nhiễm lòng người thì đổi thay, cây cổ thụ mong ước điều gì?
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng
Thèm một sáng mù sương/ không rõ mặt người. Hình ảnh này diễn tả thời rừng còn bạt ngàn, mỗi buổi sáng sương phủ kín rừng, có khi không thấy mặt người. Tại sao lại thèm khát như vậy, bởi bây giờ rừng đại ngàn không còn nữa, cũng không còn những sáng mù sương. Chẳng hạn, Đà lạt ngày xưa, 9 giờ sáng vẫn còn mù sương, trong khoảng 100m không tỏ mặt người. Bây giờ còn đâu “Đà lạt sương mờ” của thơ và nhạc ngày xưa.
Như vậy lớp nghĩa thứ nhất, lời của cây, hoàn toàn chỉ là lời của cây, không ngụ ý, không ẩn ý, Cây không phải là nhân vật dụ ngôn, vì thế bài thơ chỉ mượn cây để nói về khát vọng một cuộc sống trong lành, và nhắc nhở mọi người về chân lý quan trọng là con người phải giữ lấy thiên nhiên, giữ lấy đời sống hạnh phúc trong hoàn cảnh môi trường đang bị phá huỷ. Sự sống phải vượt lên.
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao

(Còn nữa)

Buồn với bạn Văn ( tiếp)

Và đây là ý kiến của Đông Ngàn


 CÓ MẤY LỜI GỬI VỀ ĐỒNG NAI

… May mà có cô “Nhà văn”  đỏ lên tiếng tấn công nhà thơ mà mình được đọc toàn bài. Cảm nhận là thế này: nhà thơ này tuy làm Tuyên giáo nhưng không khô cứng, vẫn là người sáng suốt có tấm lòng với dân với nước, có phẩm hạnh đáng quí. Làm thơ như ông ấy bắt người nghe phải nghĩ sâu về những cây dầu cổ thụ đó để  sống cho ra con người đó là thành công lớn. Cây dầu đó là ai, là nhân dân, là dân tộc này trường tồn ngàn năm lại không dạy bảo được  đám hậu sinh hay sao dù họ là ai. Đó là hình ảnh có tư tưởng sâu sắc, có tính triết luận cao khiến cho bất cứ ai đọc cũng phải suy ngẫm , nhất là giai đoạn khó khăn này. Nếu đọc xong trơn lèo lèo, nhắm mắt trước thực tại thì thơ ông tuột khác gì nước đổ lá môn ! Loại thơ ca ngợi một chiều kiểu Mao làm ta lộn mửa. Nhà thơ không chỉ cảm xúc mà còn là người cảnh báo, là người thức tỉnh nhân loại. Bài thơ này chưa hẳn hay nhưng nó gửi gắm được thế sự đáng để mọi người cả trên ghế cao đang gật gù mơ màng lẫn kẻ chân đất đầu đường ngộ ra mình là ai đang ở tình thế nào, nếu bất ngờ lũ lẫn, nó cũng giải độc phần nào!. Tác giả đã thành công đấy. Đáng tiếc cái cô nhà văn Trần Thu Hằng vớ vẩn có cái đầu Mao ít quen lối sống qui chụp tư tưởng. Trẻ ranh mà đã hỏng quá, hay là cô muốn tìm đường  để leo lên làm cánh tay phải ???
( Hết trích)
 Đầu đuôi câu chuyện thế nào? 
Phải đọc kỹ bài thơ ấy đã
lỜI NHỮNG CÂY  DẦU CỔ THỤ TRƯỚC TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN
 
Tuổi ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những toà nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…(*)
sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng
thuở nai, mễn đan đàn ran suối vắng
“tác…tác” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu
trên ngực ta vụng dại và tin cậy
Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao…(*)
Ta phải nghe những mặt nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng
_________________________________
(*) Có một vài chỗ có dấu ba chấm (…) và xuống dòng, không rõ đó là chỗ bài thơ bị cắt, hay chỉ là tác giả còn muốn diễn ý?

BUỒN VỀ BẠN ...THƠ !

Thật buồn !
 Hai người cùng địa phương, có danh có phận đàng hoàng.
 Vậy mà bêu riếu nhau về một bài thơ.
 Trước hết hãy nghe người ngoài cuộc nói gì đã nhé.
 
Tuyên Quang, 17 tháng 8 năm 2012

Bạn Hằng thân mến!

Tôi thật ngỡ ngàng, khi biết tin bạn gửi ý kiến góp ý lên cơ quan chỉ đạo địa phương, về bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân, của nhà thơ Đàm Chu Văn. Một việc làm ngoài văn chương, phản văn chương. Bởi vì, theo cảm nhận của tôi, đó là một bài thơ hay, năm ngoái đã được đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Một tác phẩm văn chương hay, cần đa nghĩa, làm cho người này cảm thấy thú vị, kẻ khác thì giật mình, thức tỉnh.
Nếu bạn có thiện chí góp ý về văn chương, tại sao không trao đổi trực tiếp với tác giả đang cùng công tác, hoặc gửi bản báo, hoặc hội nhà, chẳng hạn? Tôi chưa được đọc tác phẩm của bạn. Đó là lỗi tại tôi, nhưng qua việc làm này, có thể lờ mờ hiểu được, tác phẩm của bạn minh họa cho cái gì rồi.
Bạn Hằng, tổ quốc lâm nguy! Các nhà văn chân chính đang trăn trở đồng hành cùng dân tộc. Nói theo cách của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, thì “nhà văn tham gia vào tiến trình xã hội bằng chính tác phẩm”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tổ thái độ của mình khi cần thiết. Với việc làm của bạn, tôi không thể hoan nghênh. Bạn vừa tố cáo bạn văn, bằng một ý kiến rất chủ quan, lại vừa ngồi xem người ta đấu bạn văn, với tư cách phóng viên! Có thể, bạn đã suy nghĩ, tính toán một cách sâu sắc khi hành động, nhưng người đời vẫn cảm thấy có sự nông nổi…
Năm vừa rồi, bạn mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, chúc mừng bạn. Nhưng xin hỏi, bạn xin vào hội nhà văn để làm văn chương, hay định làm gì?
Tôi cũng đã trao đổi và chia sẻ với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Văn Công Hùng, về câu chuyện buồn của giới văn chương Việt Nam, đầu thế kỷ hai mươi mốt như thế này, như thế này…

Trân trọng.
Có mấy lời gửi về Đồng NaiDongngan 

… May mà có cô “Nhà văn”  đỏ lên tiếng tấn công nhà thơ mà mình được đọc toàn bài. Cảm nhận là thế này: nhà thơ này tuy làm Tuyên giáo nhưng không khô cứng, vẫn là người sáng suốt có tấm lòng với dân với nước, có phẩm hạnh đáng quí. Làm thơ như ông ấy bắt người nghe phải nghĩ sâu về những cây dầu cổ thụ đó để  sống cho ra con người đó là thành công lớn. Cây dầu đó là ai, là nhân dân, là dân tộc này trường tồn ngàn năm lại không dạy bảo được  đám hậu sinh hay sao dù họ là ai. Đó là hình ảnh có tư tưởng sâu sắc, có tính triết luận cao khiến cho bất cứ ai đọc cũng phải suy ngẫm , nhất là giai đoạn khó khăn này. Nếu đọc xong trơn lèo lèo, nhắm mắt trước thực tại thì thơ ông tuột khác gì nước đổ lá môn ! Loại thơ ca ngợi một chiều kiểu Mao làm ta lộn mửa. Nhà thơ không chỉ cảm xúc mà còn là người cảnh báo, là người thức tỉnh nhân loại. Bài thơ này chưa hẳn hay nhưng nó gửi gắm được thế sự đáng để mọi người cả trên ghế cao đang gật gù mơ màng lẫn kẻ chân đất đầu đường ngộ ra mình là ai đang ở tình thế nào, nếu bất ngờ lũ lẫn, nó cũng giải độc phần nào!. Tác giả đã thành công đấy. Đáng tiếc cái cô nhà văn Trần Thu Hằng vớ vẩn có cái đầu Mao ít quen lối sống qui chụp tư tưởng. Trẻ ranh mà đã hỏng quá, hay là cô muốn tìm đường  để leo lên làm cánh tay phải ???
Vũ Xuân Tửu
 
 

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Thơ Hoàng Quang Thuận ( Tiếp)

 Lời đề dẫn của Nhà thơ Hữu Việt
Cách đây đúng 15 năm, có một người đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”. Đó là Hoàng Quang Thuận, sinh năm 1953 tại Quảng Bình, là GS., TS. thuộc lĩnh vực công nghệ viễn thông. Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ trong vòng ba ngày đêm lưu lại ở vùng nong thiêng, anh đã viết một mạch 63 bài thơ in thành tập “Thi Vân Yên Tử”. Sau đó ba năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp “Ngọa vân Yên Tử” với 80 bài. Đến năm 2010, anh gộp lại thành tập 143 bài lấy tên chung là “Thi Vân Yên Tử”… Qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào hiện tượng làm thơ với số lượng nhiều trong thời gian rất ngắn của Hoàng Quang Thuận.”
 Nhà thơ Trần Nhuận Minh đến từ Quảng Ninh, người rất am hiểu về vùng đất Yên Tử, ông bày tỏ sự trân trọng đối với tâm huyết của nhà thơ Hoàng Quang Thuận đã viết nên những bài thơ ca ngợi vùng đất thiêng Yên Tử.

Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Bình Lục: rất kính trọng tấm lòng của Hoàng Quang Thuận với Yên Tử và với thơ.
 
Nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Khi tôi đọc lại những tập thơ của Hoàng Quang Thuận để tìm những câu thơ hay cho tập sách mà tôi đang tuyển chọn, tập “Những câu thơ hay đến lạnh người” (tuyển chọn thơ hay Đông, Tây, kim, cổ), trong tôi bỗng ngân lên:
                      ... Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
                      Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
                      Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
                      Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...
Quả là những câu thơ hay đến lạnh người, những câu thơ nằm trong tiềm thức của tôi, tôi đã thuộc lòng, những câu thơ mà tôi đồ rằng nó đã nhập vào Hoàng Quang Thuận như người ta nhập đồng. Bởi khi đọc lại các bài cổ thi của các nhà thơ Việt Nam, các bài thơ của các nhà thơ đời Đường... Tôi khó mà phân biệt đâu là xưa, đâu là nay, đâu là cổ, đâu là tân, nó như là một sự ám ảnh của tâm linh.”
 
Nhà báo, nhà thơ Đặng Hiển đọc tham luận “Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông ở Yên Tử trong lòng thi nhân” có đoạn: “Thi Vân Yên Tử không kết thúc như một thiên du ký mà như một khúc tưởng niệm như trên đã nói, nét đậm nhất của Thi Vân Yên Tử là dấu tích của vua Phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử nhưng là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân. Có tấm lòng ấy mới có thơ. Tấm lòng ấy trong bài nào, trong chi tiết nào cũng thể hiện và rõ nhất, khái quát nhất là trong ba bài Luận đời (tr. 158), Cảm thán (tr. 45) và Yên Tử trường xuân (tr. 19). Bài Luận đời coi như lời tổng luận bằng thơ cả tập thơ của nhà khoa học, nhà thơ, Phật tử Hoàng Quang Thuận "Đời giống mây trời trên đỉnh núi/ Phù Vân tán tụ một kiếp người/ Vinh hoa phú quý vòng tục luỵ/ Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi/ Hào quang toả sáng đỉnh Phù Vân/ Ngọa Vân Yên Tử theo ngày tháng/ Linh Sơn đất Phật mãi trường xuân".
Có điều nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà Phật học Hoàng Quang Thuận là nhà thơ nên những cảm nghĩ của ông về Yên Tử, trước hết, trên hết và sau hết là sự rung động của con tim, sự rung động đó lại ngân lên bằng vần điệu, bằng hình tượng nghệ thuật để cuốn hút chúng ta theo bước của thi nhân vào cõi thiêng, cõi đẹp của Đất nước, của tâm linh Việt.”