Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

CƯỠI THUYỀN XEM CÂY

Trên vùng cao, chuyện mất rừng đã xưa như trái đất, như là chuyện tất nhiên của bà con bản địa, tỷ lệ thuận với sản lượng ngô, còn tỷ lệ nghịch với gì, họ chả cần biết....
Thế nhưng, ở cửa sông Hồng mênh mông sóng nước ùa ra, trộn lẫn nước ngọt, nước mặn, lại có những người kiên trì ...trồng cây, giờ đã nên rừng.  Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

( Ảnh trên trang du lịcNam Định)
Chính vì thế đã thôi thúc chúng tôi về với rừng ven biển. Chính xác là rừng ngập mặn.Đoàn do anh Trần Đại Tạo, chủ tịch Hội đẫn đầu.

được Hội VHNT  Nam Định đón tiếp trọng thị.
Đứng trên chòi quan sát


Và cưỡi thuyền xem cây.
Trên đường di trú tránh rét, hàng vạn cánh chim đã đỗ ở nơi này

( Ảnh trang Du lịch Nam Định)
Chúng tôi thầm ao ước, vùng lòng hồ tỉnh ta, nếu giữ gìn, chắc chim muông, cầm thú... cũng tìm về!

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

THÁI TỬ ĐẢNG

VẦNG TRĂNG HẠ HUYỀN
( Ký sự hai lần qua Sơn La)
1.Giáp hạt năm 1987.
 Đói vàng mắt.
Quê tôi, vựa lúa nơi châu thổ sông Hồng mà dân phải nháo nhác chạy lên vùng bán sơn địa Đồn Dương, Hàng Trạm (Hoà Bình) khuân sắn về kìn kìn, lấy công làm lãi, chỉ dám ăn đầu đầy, nhiều sơ, ít bột sái quai hàm. Mới  ở Đức về, khá giả hơn người làng tí chút, tôi đong gạo trắng, thổi cơm thơm nhức mũi mấy đứa cháu hàng xóm thập thò ngoài đầu ngõ. Nhìn những ánh mắt hau háu quanh nồi cơm phả hơi ngào ngạt, nhớ cảnh sung túc bên Đông Âu trẻ em ngày ăn 5,6 bữa lòng tôi se sắt…
Thế rồi, tôi bỗng thành “ con phe” bất đắc dĩ đầy tủi nhục.
Đó là khi tôi lên thăm và chuyển quà cho gia đình anh bạn trên Điện Biên, đợi hai ngày vẫn không mua được vé xe về. Đang buồn nản thì gặp được ngay chàng lính xế quá cảnh tăm hàng để xuôi cho quá giang. Mừng như chết đuối vớ cọc, giá có đắt hơn,  nhưng lại được thoải mái trải nghiệm cùng “ hung thần đường 6”. Mới nghĩ đã sướng rên.
Rong ruôỉ đến Mường Ẳng thì xe dừng lại ăn hàng. Sắn thái lát/ chặt khúc phơi ối ái suốt dọc đường. Mỗi nhà mỗi giá, tuỳ độ trắng ngon, hoặc khô, hoặc ẩm; nói chung là thuận mua vừa bán; lão xế cứ vờ ca cẩm đắt như thuốc đau mắt thế hả giời? Nhưng rắc rối chỉ thực sự nổi lên khi mã cân cuối cùng được ních lên chật thùng; cửa hậu đóng mãi mới chịu ăn ngàm, Chốt sổ, lão xế khẩn khoản chỉ đủ trả mỗi hộ nửa tiền, còn khất chuyến sau lên thanh toán nốt. Thế là ầm ầm như chợ vỡ. Dân bản xông lên xe, nhất quyết một hai đòi bới tháo sắn xuống. Lão xế ma lanh, liếc xéo vào chiếc RADO mạ vàng trên cổ tay tôi thầm thì cầu cứu. Lão rủ tôi chung. Nào có biết giá cả gì đâu, lờ lãi thế nào, nhưng nghĩ đến những đứa cháu ở nhà đang thèm cơm, nửa xe sắn này dễ cứu được cả đại gia đình qua cơn bĩ cực, tôi gật đầu cái rụp, với điều kiện lão phải chở về tận nhà cho tôi. Hợp đồng miệng được ký kết bằng cái bắt tay. Xong.
Lão lái xe được tôi cứu nguy bàn thua trông thấy, sướng củ tỷ, cười  nói ha hả, chuyện như pháo rang qua đèo Pha Đin.
-Dằng dặc quanh co thế này mà cụ Tố Hữu xưa chỉ gọi là dốc nhỉ?
-Đây thuộc đất Sơn La rồi chú em ạ! Thuận Châu, tiếng vậy thôi chứ có mà nghịch châu. Nghịch nặng. Xa xưa tên là Mường Muổi, có giặc Thượng Nghiễm ngang ngạnh chống lại triều đình, đức Lê Thái Tông phải hai lần thân chinh phạt mới yên. Thời phong kiến đế quốc bọn người Mông xưng vua đấy, Pháp còn phải kiềng. Đầu thị trấn rồi, nghỉ tý nhỉ?
- Có gì lạ không? Tôi háo hức.
- Giời ơi! Thế mà cũng đòi báo với chả chí! ( Tôi trót chém gió, mình là thông tin viên báo quân đội ) Đây là nơi cụ Hồ, bác Giáp lên thăm khu tự trị Thái Mèo, khen khoai sọ bản Củ Cang ngon lắm đấy!
-Hay quá! Thế phải mua một vài rọ về ăn xem ngon mức độ nào mà được lãnh tụ khen nhỉ?
Một đèo nữa. Lại một đèo nữa. Nhìn hai bên đồi rặt đất cằn, cây cộc điù hiu. Xuống hết đèo gặp thị xã Sơn La phơi mình lô nhô trong nắng. Nghèo quá, chẳng mấy cái nhà ngói. Tôi thốt lên. Thì ra thị xã vừa qua bị hoả hoạn thiêu rụi bản Lầu. Đang dọn những bức tường đổ nát, những cây cột đen nhẻm, xiêu vẹo tang thương. Ông lính xế lại được dịp trổ tài hiểu nhiều, biết rộng, hào phóng dừng xe, chỉ tay sang nghĩa trang Gốc Ổi ( đúng ra là Tô Hiệu). Đối diện bên kia trên đỉnh ấy là khu di tích Nhà ngục Sơn La, cổ thụ xanh um rủ bóng trầm tư. Giờ ta vẫn đặt bộ máy hành chính tỉnh ở trên đồi Khau Cả ấy đấy. Đẹp. Bao quát hết cả vùng. Cha bố thằng thực dân giỏi thật. Quy hoạch trước hàng trăm năm mà không lạc hậu nhỉ? Lão cười sằng sặc khi xe lăn qua cầu Cầu Trắng, huơ tay qua vô lăng: Chú mày nhìn thấy gì chưa, chả bù cho mấy kiến trúc sư thời ta còn giỏi nữa? Ồ hô! Đếm đi! Một dãy 13 nhà vệ sinh mới xây vôi quét trắng toát, ý tứ quay lưng ra đường, còn mặt hướng vào khu đất rộng làm bãi đỗ xe ca.! Đúng là khổ nhục kế, binh pháp Tầu chú mày nhỉ?
Tôi phục lão lái xe sái cổ. Nếu không vướng cái xe sắn ngẫu hứng trời đánh kia, thế nào tôi cũng tụt xuống đây thăm thú để thoả lòng khao khát. Xe đã qua mà cổ tôi còn ngoái lại. Đấy là sân bay Nà Sản hoang phế, nhìn từ quốc lộ 6 vào thấy loang loáng đường băng còn sáng nhễ. Đầu tôi như vang lên lời giảng về nghệ thuật đánh công kiên rút ra bài học từ xương máu các dũng sĩ can trường đánh trận Nà Sản ác liệt năm nào…
           Chiếc Barie bằng cây tre quyệt sơn mầu đỏ trắng xen kẽ nhau như con rắn cạp nong khổng lồ vừa nhổng lên cho một chiếc xe qua, lại đã vội hạ ngay xuống bởi chiếc dây thừng có người đeo băng đỏ sải tay ghì kéo một lèo, va mạnh vào chốt ngang xuyên hai đố đứng chôn vệ đường, rung lên bần bật. Tiếng còi xoé lên, cùng với lá cờ đuôi nheo mầu đỏ trong tay chú mặc sắc phục vừa chạy ra giơ lên vụt xuống, nhanh và dứt khoát như nhát chém.
           - Gì thế nhỉ? À! Thì ra là ngăn sông cấm chợ vẫn nghe nói trên đài.
           - Đây là đâu ? Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
          Mấy người trong đội liên ngành vững như bê tông, không mảy may xúc động trước sự van nài của các khổ chủ chúng tôi. “ Lý lẽ con phe”, lời phỉ báng thoát ra từ miệng người đeo xắc cốt đen như mũi kiếm xiến vào tim khiến tôi, chẳng những không gục ngã, mà mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Tôi cãi vì thấy cực vô lý. Sắn đâu phải hàng quốc cấm. Bảo là nhà nước quản lý thì tại sao trên Điện Biên, Thuận Châu… phơi bán đầy đường, ai mua bao nhiêu tuỳ thích?
         - Chờ đấy! Lão tổ trưởng hậm hực nhìn tôi nói rồi cùn cụt bỏ đi, khoảng nửa giờ sau thì tôi hoàn toàn bị giục xuống bởi tờ giấy pơluya trắng, đánh máy chữ xanh tím than, phó chủ tịch huyện ký, được dấu quốc huy đỏ chót đóng đè lên, do lão đích thân trịnh trọng mở xắc cốt ra, đưa cho tôi với vẻ mặt đắc thắng. Đó là quyết định thu mua xe sắn chúng tôi với giá chỉ nhỉnh hơn tiền thuê bốc vác một chút.
           Tỉnh dậy, tôi ngơ ngác nhìn quanh, toàn người lạ, bần thần nhớ chuyện vừa nãy, lại buốt nhói nơi ngực. Thì ra, lúc tôi tiếc của, khựu xuống mê man, người ta dìu vào nằm nghỉ nhờ nhà cô gái này. Hỏi han, biết cô là lính D này, E nọ, F391 mới chuyển ngành về huyện hội phụ nữ. Trời ơi! Tôi mừng rỡ reo lên. Cùng đơn vị rồi. Trước anh ở Bộ tham mưu 559, giờ đổi là Binh đoàn 12 đấy em. Vâng! Như là đã gặp nhau ở đâu rồi ấy, anh nhi?
. Em chu đáo như người chị hiền biết lo toan, động viên tôi mạnh dạn trình bày hoàn cảnh lên chú bí thư đi. May ra…. Bên uỷ ban áp nguyên tắc, đôi khi thái quá, khổ dân. Chứ khối Đảng và đoàn thể đều thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, vận dụng mềm mại để thấu tình đạt lý của chú bí thư…Em lại cũng như đứa em gái ngoan, xăng xái đi kiếm giấy bút, kê bàn, kéo ghế… khiến tôi phấn chấn hẳn.
Và một phần ngàn tia hy vọng đã loé lên.
Cơm nước xong, (nhệu nhạo vài miếng để em vui lòng, chứ nuốt sao nổi) tôi hăm hở thảo ngay một đơn kêu cứu khẩn cấp rồi tất tả cùng em ( người nhà rồi mà) sang nhà chú chánh văn phòng huyện uỷ. Gọi là nhà cho sang, chứ thực chỉ là nửa gian lán lợp gianh, vách trát bùn rơm, nền đất lồi lõm mà nhẵn thín, trông gọn gàng sạch sẽ. Chăm chú nghe xong câu chuyện tôi trình bày, chú bảo, bây giờ dân cũng phải học mà biết buôn, chứ cân gạo hôm nay bán ra, tiền giữ chặt trong váy, sáng mai chỉ mua được có bẩy tám lạng, không biết nó chạy đi đâu mất? Ai cho nhiều tiền thì mình khắc bán cho, ai bán rẻ mình khắc mua, không ép buộc nhau được? Tôi mừng quýnh, liu ríu nói không rõ lời:Đú…ng  đúng vậy bố ạ! Chú đứng lên cẩn thận gấp tờ đơn đặt vào lòng cuốn sổ, bỏ trong túi thổ cẩm khoác lên vai không quên dặn tôi cứ yên tâm ngồi đợi chú lên tr×nh thủ trưởng.
Thực lòng, tôi không dám mơ ước cao xa, chỉ mong họ duyệt lại mua cho cái giá phải chăng để mình đỡ lỗ thôi, chứ theo như tờ quyết định quỷ quái kia, thì rõ mất đứt cái RADO mạ vàng cùng chiếc nhẫn 24 Cara đeo ngón giữa, kỷ vật được bòn nhặt, tích cóp từ hàng trăm đêm lọ mọ quét tầu hoả nơi xứ tuyết lạnh thấu xương…Lại hiện lên hình ảnh những đứa cháu đói dài cổ ngong ngóng chú về kiếm bữa ăn no. Ngồi một mình trong phòng chật hẹp xa lạ, thời gian như chậm quánh lại. Quen tay giơ lên xem giờ. Nhẹ bÉng råi. Buồn não ruột. Giận mình quá. Tự dưng đâm đầu vào rọ. Hận lão lính xế bẻm mép ngáy pho pho, mặc kệ tôi ngược xuôi hồ tẩu. Và uất ức… cứ duyềnh lên.
Tiếng chú văn phòng lướt vào tai nhẹ như gió thoảng:
-Bí thư mời đồng chí lên gặp ngay bây giờ!
Tôi lập cập theo sát chân người cán bộ mái tóc đã hoa râm nhưng dáng rất thanh thoát, nhanh nhẹn, còn phân vân không biết bí thư sẽ hỏi gì để giả nhời thì đã thấy chú ra hiệu dừng lại. Qua cánh cửa khép hờ, dáng người đàn ông cúi lom khom nghiêng tai áp vào ống nghe, còn ống thoại có vẻ như hơi nghểnh ra xa đang lúi húi ghi chép. Sau này, tôi mới ngộ dần, phải chăng đó là phong thái của những người nghe nhiều hơn nói. Chứ lúc ấy, tôi chỉ biết hít một hơi đẫy cho bớt hồi hộp. Bí thư huyện ủy còn khá trẻ so với sự tưởng tượng của tôi, dáng người tầm thước, rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị với hàng chân mày rậm, nhưng vẫn toát lên vẻ phúc hậu. Ánh nhìn thẳng. chân tình chứ không vẻ gi soi mói, lời nói cũng ấm cúng: Đồng chí có giấy tờ chứng minh những điều đã viết trong đơn chứ ?
-Thưa anh! (đang là đối tượng bị xử lý, tôi đâu dám đồng chí, đồng tình với bí thư ) Có đủ ạ!
- Thế thì tốt! Anh lại cắm cúi viết. Lúc sau anh ngẩng lên:
-Đồng chí có vi phạm theo quyết định xxx về quản lý lương thực, đáng  phải xử lý như quyết định do đồng chí phó chủ tịch huyện đã ký ban sáng.
Tôi sững người, chưa kịp định thần thì anh như đọc luôn trong tờ giấy giải quyết công việc:
“Nhưng xét nguồn gốc hàng hóa, nhân thân chủ hàng cũng như phương tiện, nếu đúng như đơn trình bày, đề nghị đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân huyện linh hoạt xem xét giải quyết thu hồi lại quyết định đã ký.!”
Trong lúc chờ chú Páo (tên đồng chí chánh văn phòng huyện uỷ) lên đóng dấu, anh rót nước mời tôi, cử chỉ ân cần như tiếp người thân làm tôi cảm động. Anh hỏi giá mua sắn trên Điện Biên, giá thu mua huyện mới áp sáng nay, rồi rủ rỉ tâm sự như không hề có sự ngăn cách nào, giữa quan đầu huyện với kẻ vãng lai đang vướng oan khiên:
-  Góc độ cá nhân mà nói, nếu các anh mà về địa phương tôi tiêu thụ sắn cho bà con, tôi còn cảm ơn. Sản xuất phải nhờ lưu thông kích thích  mới phát triển được. Năm ngoái, mận tam hoa đổ thối đầy vệ đường xót xa lắm. Vụ sắn này phải thay đổi, tôi đã kiến nghị thường vụ khẩn cấp xem xét chứ cứ để mấy ông bà lương thực mới thương nghiệp quen khệnh khạng, giá cả đã bèo bọt, lại chậm tiền, thái độ hách dịch nữa…dân không chịu đâu? Mình lại dùng chính sách để ép, thì dân chết đói. Bản thân người làm dịch vụ phải thay đổi chứ, phải cạnh tranh lành mạnh với tư thương như các anh chứ (Tôi giật thót người, lắp bắp. Dạ ..da.) Mục đích cuối cùng là giá cả phải hợp lý, người đi buôn sống thì người trồng sắn cũng phải có ăn mới sống được. Rồi giọng anh chùng xuống, trồng cái anh sắn này, phá đất lắm. Anh khoe bản anh, xã anh mới đưa cây cà phê chè  vào chắc hiệu quả kinh tế cao hơn. Có khách đến, tôi ý tứ lui ra, đúng lúc chú Páo tới  dẫn tôi sang bên ủy ban trình bày với chủ tịch huyện. Từ lúc ấy, tôi như người ngoại quốc, mù mờ nghe hai chú trao đổi với nhau bằng tiếng Thái chả hiểu gì. Một lúc sau, xuất hiện thêm một cán bộ người cao gầy, nói giọng Nghệ. Anh ta chắp bút, sau khi hỏi tôi một số thông tin. Cuối cùng, anh xin phép chủ tịch đọc biên bản làm việc. Trời ơi! Ba cái tiêu chí mà đồng chí bí thư gợi ý, đã được anh diễn giải thế này:
1/ Xuất xứ hàng hoá: Sắn mua giá cao từ Lai Châu về. Không hoá đơn. Tội danh lũng đoạn thị trường.
2/ Nhân thân chủ hàng: Bộ đội (học nước ngoài) nghỉ phép kết hợp buôn chuyến.
3/ Phương tiện: Xe quân sự đánh quả.
Tôi chỉ biết kêu trời thầm trong bụng. Suy diễn kiểu này quả không sai là mấy nhưng oan lắm. Miệng nhà quan có gang, có thép. Lớ ngớ dễ ngồi tù đến nơi chứ chả bỡn đâu ?
Những tưởng mình kiên gan lắm, đã từng tay bo với thằng Tầu cao vượt cả chỏm đầu, bị nó đá cho ngã sóng soài, thế nhưng đúng lúc nó giơ cẳng đạp vào háng thì tôi bật dậy húc đầu chí mạng vào háng nó làm cu cậu chết giấc ngay tức khắc. Sao giờ đây tôi cam chịu để hai hàng nước mắt túa ra.? Em gái huyện hội thập thò vẫy vẫy: Sao rồi anh? bọn quản lý thị trường bảo 5 giờ không đến nhận tiền thì họ xung công quỹ! Chú Páo đến bên tự lúc nào, đặt tay lên vai tôi bóp nhẹ, rồi tất tả cắm đầu bước rảo về khu huyện uỷ.
Bạn đọc kính mến! Tôi không đủ vốn từ để diễn tả hết nỗi uất hận được vất đi, thay bằng niềm hân hoan vỡ oà ở phút cuối cùng ngày làm việc hôm ấy khiến tôi nức nở, cứ đứng như trời trồng trước cửa phòng chủ tịch huyện, khiến ai đi qua cũng ngạc nhiên rồi phì cười. Mãi sau lão lính xế chạy ra lôi xềnh xệch, quát toáng lên, tôi mới nín, lẽo đẽo theo lão về kho lương thực nhận lại hàng. Chằng buộc xong xuôi thì trời tối mịt.
 Ngồi vào mâm cơm được một lúc thì điện tắt ngấm (Máy phát chỉ chạy chừng chừng mười rưỡi, mười một giờ vậy vậy.).Ôi! trăng hạ tuần! Ai đó kêu lên, rồi tất cả cùng ngó lên đỉnh đầu thích thú. Trăng sáng nhễ nhại và mát lạnh. Bê mâm ra ngoài sân, lại quàng chéo tay nhau uống rượu nhận anh em. Hẹn gặp lại. Nhá. Nhất định rồi. Vậy mà tôi vô tâm quá, đã không hỏi tên em. Đến giờ vẫn chưa biết tên em. Dù chỉ cần nhắm mắt là hình ảnh cô gái mảnh dẻ, nước da nâu giòn, mái tóc thưa thả xoã ngang lưng, với ánh mắt đầy lo toan của một người quen tần tảo bữa ấy…lại hiện lên. Nao lòng.
2. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, mãi đến năm 2010, tôi mới có dịp ngược Tây Bắc, giữa mùa thu ngô mênh mông vàng rộm. Suốt rẻo Mộc Châu, Yên Châu đến Mai Sơn thi thoảng lại gặp nhà xưởng sấy ngô khung thép, mái tôn to rộng xếp cao chất ngất, 2,3 con đầu kéo 4, 5 chân lùi vào ăn hàng vẫn còn lọt thỏm. Sơn La là thủ phủ mới của cà phê và ngô. Hai cây chủ lực cùng với cây chè truyền thống đã xoá đói, giảm nghèo và làm nên thương hiệu mạnh cho hòn ngọc miền Tây tổ quốc. Sơn La đã thay da đổi thịt từng ngày. Sự no ấm, phong lưu đã hiển hiện từ những bộ đồng phục học trò đẹp mắt, phấp phới tấp nập trong các khu trường cao tầng khang trang, đầy ắp những tiếng cười vui; hiển hiện trên những khuôn mặt phụ nữ rạng ngời mải miết hái cà phê từng chùm đỏ rực mà tôi vừa hỏi chuyện. Ở cả anh thợ lái chiếc máy cày be bé, như rong chơi trên ruộng nước. Hiển hiện ở các cơ sở dịch vụ hiện đại ô tô, điện máy, viễn thông… Rồi chợ, rồi dọc các phố sầm uất đầy ắp hàng hoá.cao cấp xếp tràn cả vỉa hè mời mọc người mua..nói không ngoa chứ không hề thua kém thị trấn miền Đông nước Đức hồi tôi học.(1987). Tuy đây đó ở vùng sâu, vùng xa… vẫn còn  gian khó, thậm chí nghèo, nhưng tôi vững tin so với hơn 20 năm trước, ngày tôi lạc bước quá giang, Sơn La đã vươn dậy thần kỳ, như một giấc mơ và còn tiến mạnh hơn, vững chắc hơn.
 Nghĩ về chuyến đánh quả cò con vô tiền khoáng hậu năm nào, về sự ấu trĩ một thời cung cách phân phối lưu thông, tôi càng nhớ em bộ đội chuyển ngành về huyện hội phụ nữ, nhớ chú Páo, chánh văn phòng huyện uỷ, chắc đã mừng lên đại thọ. Đặc biệt, người bí thư huyện uỷ Mai Sơn hồi đó, qua báo đài tôi được biết anh vẫn tỉnh uỷ viên, hiện là phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, uỷ viên Hội đồng dân tộc QH ( khoá XII.) Tài ấy, đức ấy anh xứng đáng được giao trọng trách ấy để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Dấu ấn đậm nét của chính khách từng đăng đàn nhiều lần trên nghị trường quốc hội, chính là nguyện vọng cấp thiết nảy sinh từ cuộc đại di dân lịch sử trên công trường thế kỷ lớn nhất Đông Nam Á mà anh được gần triệu dân Sơn La tin yêu gửi gắm quyền thay mặt họ. Vâng ! Thưa các bạn chính là anh Cầm Chí Kiên. qua chú Páo, hồi ấy tôi còn biết anh là con trưởng của nhà cách mạng lão thành, người vinh dự dược Bác Hồ đặt tên: Cây Măng Vàng.( Hoàng Nó) trong hơi men chuyếnh choáng tôi nhanh nhẩu tiếp lời: Trứng rồng lại nở ra rồng/ Măng vàng vàng đã măng vàng lớn khôn.
 Loanh quanh tôi cũng gặp được anh, bên lề hội nghị. Hơn 20 năm rồi thấy anh có già đi, hói lên đỉnh đầu, càng lộ vầng trán rộng sáng láng, thông minh. Phong thái vẫn khoan thai, đĩnh đạc như xưa. Vẫn giọng nói ấm, vang và ánh nhìn nồng hậu..Tôi gợi chuyện xưa, hỏi anh còn nhớ chăng? Thật không ngờ. Anh ngơ ngác một lúc rất lâu mới khẽ gật đầu, cười độ lượng, nắm chặt tay tôi: Buồn cười nhỉ? Ôi !Cái chỉ đạo mang tầm chiến lược góp phần xoá nạn cát cứ địa phương, ngăn sông cấm chợ đáng nguyền rủa. Đó là ánh trăng hạ tuần, đêm trước của đổi mới, tạo đà cho đổi mới, với anh chỉ nhẹ nhàng như lẽ tự nhiên vậy thôi sao?
3. Mấy ngày gần đây rộ lên chuyện Thái tử Đảng, tôi bỗng nhớ tới anh cùng câu chuyện lúc sa cơ thời trẻ, cùng với suy nghĩ thật bình dị. Nếu mọi thái tử Đảng vì lợi ích của dân, dám chỉ đạo thay đổi cả quyết định của chính quyền…thì sao ta không hoan nghênh ủng hộ?

                                               NĐ, 9/2015

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

NẾT ĐẤT


Ảnh: Xuân Trường

- Cháu đang điên hết cả đầu! Bác tính, bố cháu  thì Viện K không nhận truyền hoá chất nữa. Đưa sang Bạch Mai chỉ được 2 ngày họ cũng trả về, giờ chỉ nằm chờ chết trên đa khoa tỉnh. Vây mà…ở nhà nó chó má thật!
Thằng Phục dứt lời ôm đầu gục xuống. Các ngón tay luồn vào đống tóc bù xù như tổ quạ, đun đẩy vầy vò. Nó là con giai út của lão Quyền, tuổi mới gần 30, nhưng ánh mắt vừa ngẩng lên nhìn tôi cầu cứu lộ vẻ mệt mỏi trên gương mặt phờ phạc. Hệt như cậu học trò dốc sức ôn thi nhưng lại biết tin mình bị trượt. Thì hàng tháng nay, anh em chúng vất vả ngược xuôi, thay nhau hầu bố rồi lại phải về chăm cả vợ. Rõ khổ.
-Ờ! Bác cũng có nghe, khúc mắc gì mà vợ cháu dại dột… may phúc ấm tổ đường phù trì đã khỏi về nhà rồi hả?
-Không! Khúc mắc gì đâu. Thằng anh cháu giở trò khốn nạn, nên vợ cháu phẫn chí thôi bác ạ!
 Trưa nắng chang chang, tôi lụi cụi theo chân Phục, về ngay nhà nó, xem sự thể ra sao, đi trên nền ngõ bê tông ngoằn nghèo giữa hai bên tường gạch xây cao, hơi nóng phả lên hầm hập, rợn người. Trong ngôi nhà mái bằng cũ kỹ chẳng mát hơn gì ngoài ngõ mặc cái quạt cây quay nhẫn nại, được Phục chĩa về phía tôi lừ lừ xoay và phát ra tiếng rền rĩ đều đều..
Vợ Phục tên Hoài cao ráo mà cũng dầy mình, tuy giờ hơi bị xọm đi trong bộ quần áo có vẻ mới rộng ra, nhưng nhìn vẫn khá vâm váp. Gương mặt không đẹp cũng không xấu, tuy đôi lông mày to mà thưa, chắc khá lâu chưa tỉa nên trông lem nhem, không ăn nhập với đường vẽ xanh lè cong vút. Nhưng chả sao, lấy vợ làm ruộng chọn phom người này, to bẹ nhớn buồng, phải quá rồi. Tôi thầm nghĩ và đón cốc chanh đá cô trao, hớp luôn một ngụm, nghe cô hồn nhiên kể:
….Đang mệt sẵn, uống cốc nước anh Tuyền đưa cho xong là cháu ngủ luôn. Tôi chột dạ, bỏ mẹ, tội phạm công nghệ cao đã tràn về vùng thôn quê hẻo lánh rồi ư? Thì bác tính, trời nóng bức lại đang con mọn, quần chùng áo dài làm gì? Thấy nôn nôn, cứ tưởng con bé đòi ty cơ, cháu phát cho một cái, ai ngờ nó không bỏ mà còn làm già. Cháu tỉnh luôn, chửi luôn, xin lỗi bác mẹ đứa nào làm gì tao đấy? Nó nhăn nhở anh biết hết của em rồi, cho xin tý đi. Cháu tức quá mà không sao ngồi dậy được. Nó thì cứ bên giường, mồm lải nhải tay khuờ khoắng. Điên tiết, cháu mới thọc tay tóm lấy bộ hạ nó, bóp luôn hai phát. Nó kêu giẫy lên rồi lủi mất. Cháu khẳng định anh Tường là vì giọng nói và dáng người lồi lồi vậy, nhầm sao được ạ!
- Không đe doạ hay cưỡng bức gì chứ? Tôi ngập ngừng hỏi thêm.
-Sức mấy mà cưỡng được cháu? Nhưng mà cháu ức lắm. nghĩ nhục quá bèn xuống bếp lấy gói thuốc sâu, xé ra, hoà nửa cốc uống luôn, rồi cháu chả biết gì nữa.
*         *         *
 Cái làng nhỏ của tôi, như nhiều làng khai hoang khác xa đường cái, gần nửa thế kỷ sống quây quần củ lạc, sắn khoai là chính, hoà thuận ấm êm lắm. Sợi dây liên lạc với cố hương ngày càng bền chặt, thật đến khó tin. Ấy là một lũ thau tháu U50 bây giờ được sinh ra ở làng tôi cùng lý do sơ tán. Hồi đânh Mỹ ác liệt, giai làng tôi (ở xuôi) hăng hái tòng quân mấy ai sợ chết thân mình, nhưng lo cho tương lai lắm, không người nối dõi thì sau này đánh đấm làm sao? Thành ra, các cu (vị thành niên) ào ạt bị rủ lên thăm người làng; 5,6 ngày đường mãi tận nơi heo hút. Đến đây thì ở lại đây/ bao giờ bén rễ xanh cây mới về. Mới ngoài” thập lục” tý mà đã bị giao khoán, cứ cho tôi thằng cò rồi muốn đi đánh Tây, đánh Tầu bao lâu cũng mặc. Ối giời! Gái hơn hai, hay bốn có sao, ruộng ngấu cấy mới chắc ăn! Khối ông sau này sửa sai cái quyết định tầm chiến lược có tính lịch sử ấy bằng câu dạy của người xưa ” cả sông đông chợ…”  bởi khi các bà lam lũ lọm khọm khí sớm, thì đầu gối các ông vẫn trèo non lội suối chưa hề mỏi. Làng tôi to dần lên cùng chế độ phụ hệ đa thê, như là thương hiệu của đất này làm bọn giai trẻ ra ngoài có thời bị trêu xấu hổ lắm. Nhưng rồi, đâu năm kia, năm kìa có đoàn người, lỉnh kỉnh máy móc tới vùng quê tôi nghiên cứu phong thuỷ. Ngờ đâu ngọn núi sừng sững độc trụ kình phong đã khôi phục lại cái danh khiếm mỹ làng đa thê. Thế là ồn rầm lên chuyện khí thiêng trời đất, kéo theo lũ lượt khách thập phương hiếm muộn đến chiêm bái…
  Cả làng có vài mống thoát ly như tôi, làm công chức quèn ngoài tỉnh,  rồi lấy vợ, sinh con trở thành người phố thị, nói có người nghe, đương nhiên; nhưng đe chẳng ai thèm sợ. Tôi chẳng buồn vì điều đó, thậm chí còn coi thường, phù du đô hội, chen leo làm gì. Tôi ít về, nhưng mỗi khi về với làng, thấy mát rượi, xa mọi bon chen, cạm bẫy tôi thấy sướng. Ở quê, cái gì cũng thật, họ nhường nhịn nhau, kể cả những gia đình con bà nọ, bà kia nhưng tôn ty trật tự cứ răm rắp. Thế mà bỗng nhiên nay, mảnh hồn làng tôi hằng tự hào và tôn thờ có nguy cơ nhàu nhĩ. Chao ôi! Lậy giời đó đừng là sự thật. Chỉ là cơn ác mộng của người bị choáng do men gan bỗng chốc vọt lên cao như tôi tưởng tượng ra thôi.
Tiếng xe máy rồ rồ phi thẳng vào sân rồi tắt ngấm. Tuyền vứt xe, lừ lừ đi vào, nhè mặt Phục thọi cái bụp, nhanh đến nỗi tôi vội đứng lên đã thấy mồm Phục máu đỏ loè. Rồi nó xỉa tay sang, may tôi đỡ kịp rồi giữ chặt, nhưng tay kia nó đã vả nghe đánh bốp ở mặt vợ Phục. Con nọ chẳng vừa, nó cúi xuống ngay gầm giường, lôi ra thanh sắt đứng tấn, thách mày vào đây.
- Chúng mày giết nhau à! Thì đánh tao trước đi! Tôi giằng tay khỏi Tuyền rồi bình tĩnh, nhìn từng đứa dằn giọng: Đánh bác đi cháu!
Cái anh cu Tuyền này, hồi trẻ đi bộ đội canh gác trại giam Bất Bạt, quen đánh phạm nên giờ nhiều khi thấy ngứa mắt là thu tay, giơ chân, phạt mãi không chừa. Nó chào tôi bằng câu hỏi xấc bác mới về chơi à, nhưng mắt nó vẫn phóng sang vợ chồng thằng em những tia dữ dằn như có lửa.
- Đừng thấy tao nhiều vợ mà tưởng tao ăn cả cứt, đéo cả ma nhá!
Hàng xóm thấy ồn ã lục tục kéo nhau đến, câu ra câu vào râm ran như.họp chợ thế là tôi mặc nhiên trở thành” thẩm phán” bất đắc dĩ, dù chỉ biết nghe. Ông già Ính đứng dậy, chắp tay vào bụng, quay bốn phía từ tốn nói:
-Họ ta vốn dòng dõi hương sư, sao lại thể tất cho việc làm vô luân thế được? anh cả nhà tôi hiện đương nắm phó ban văn hoá, ăn nói sao đây với làng với xã? Mấy tiếng đế rụt rè: Phải! Không có lửa, làm sao có khói nhỉ?
-Cháu đề nghị lập biên bản gửi ra xã, phạt cảnh cáo anh Tuyền làm gương. Vẫn biết là chưa gì, nhưng răn đe không đủ mạnh thì sẽ có ngày…
-  Lập lập cái con tườu. Tuyền nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến. Kiện chúng nó tội vu cáo thì có. Cùng lúc âý, một người đứng tuổi đứng dậy ấn vai Tuyền xuống, đoạn giơ tay chỉ vào đầu người vừa nói lúc trước:
-Cất ngay ý nghĩ ngu si vào cái đầu đất đi cho tôi nhờ. Chú muốn nuôi bọn công quyền hở? Nay nó gọi lên bắt viết vài chữ. Tuần sau lại gọi lên bắt viết mấy chữ. Tháng sau lại gọi củng cố hồ sơ. Tàn gia bại sản mà theo kiện nhá. Ai kiện ai đây? Hai anh em kiện nhau! Rõ là nồi da xáo thịt! Ngu.. ngu cả lũ!
Tôi thật sự hoảng, người nọ phản biện người kia, phừng phừng khí thế, xem ra chả ai chịu ai, khác hẳn nết làng tôi xưa; càng khác xa kiểu ngậm miệng ăn tiền hoặc ào ào nói chiều lòng xếp, rồi giơ tay nhất trí ngay với ý kiến xếp vẫn thường diễn trong các buổi họp ở cơ quan.
-Dưng mà nói đi cũng phải nói lại thế này. Đàn bà con gái cốt phải kín đáo. Mấy lần tao sang thăm ông Quyền thấy mày mặc kiểu gì mà hở tứ lung tung cả. Tao bảo ngay cả bố mẹ chồng mày. Ăn chung ở đụng phức tạp lắm. Mỡ để miệng mèo. Không nhìn thấy thì thôi, chứ nhìn thấy thì thằng đàn ông nào chả sinh lòng tham. Các cụ dậy sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ cấm có sai đâu. Tôi nói vậy, ai không cho là phải thì nhời tôi cứ giả lại tôi.! Lại có tiếng xì. Bà cố đỉn (đỉn, nói vụng rất thầm ) giảng dậy quá đúng! Và tiếng vỗ tay đèn đẹt hoà theo tiếng cười khục khục vang lên từ mồm lũ cháu chắt bất trị.
Ô! Có lẽ đúng! Đúng thật. Bà cố ( tôi phải xưng vậy theo vai vế) đã mặc áo đỏ trong lễ mừng thượng thượng thọ Tết vừa rồi mà vẫn còn minh mẫn lạ. Cố là chứng nhân để cuộc phân chia dẩi đồi cà phê bạt ngàn, ngựa chạy nửa ngày chưa hết cho đàn con cháu ngót bẩy chục người, khi vừa xong tang cụ cố ông. Có lẽ từng ấy năm nai lưng cùng chồng con khai phá rừng hoang, nước hiếm, từng mang lễ hỏi vợ cho chồng cốt để thêm người, thêm việc…bấy nhiêu năm tay hòm khoá, thay cụ ông cai quản cắt đặt cho đống người ai nào việc nấy, cố đã rút ra triết lý đó chăng? Vậy mà trong số con của cố, lão Quyền đến giờ vẫn khư khư giữ cái quyền cầm trịch cho các con, nên  giờ mới ra nông nỗi này chăng? Tôi lờ mờ, hình dung rõ là con cái lão đã chán ngấy cảnh sống bó buộc và bí bách này lắm rồi, Nhưng cái uy của lão Quyền còn khá lớn, bởi cái sổ đỏ mấy trăm mét vuông thổ cư với ngôi nhà mái bằng cũ còn mang tên lão mà thôi.
  Bỗng một đống lùm lùm lù lù như trôi vào sân, khựng lại trước cửa chính. Ló ra dáng người bé choắt, cái mũ dây cuộn vành lên lộ khuôn mặt đỏ sực, hối hả dỡ gốc lạc từ trên xe thồ xuống. Thị chẳng nhìn vào trong nhà, như đã lâu lắm rồi chả cần biết cái gì xảy ra, chỉ cắm đầu cắm cổ làm cho xong việc mình, mà việc thì lúc nào cũng lút đầu thị.
-Lanh! Lanh bỏ đấy hẵng.Vào đây! Tiếng anh chồng, xẵng như ra lệnh. Rồi tiếng xì xầm, xen tiếng cười bỡn cợt. Làm quá người quắt như cái kẹo vặn rồi. Lạc giồng khoảnh nào mà mẩy vậy?
 Lanh tháo mũ làm quạt, phơ phẩy qua khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi  bước rảo vào nhà:- Úi! Quáng nắng quá, chả nhìn thấy ai! Con này lạ. Thế là chào rồi đấy phỏng? Có nhìn thấy ai đây không?
-Thôi để cháu nó uống cốc nước mát đi, rồi kể lại sự tình hôm ấy xem sao nào! Tôi giơ tay ra hiệu cho cháu không phải nhổm lên chào tôi nữa. Trong lúc mọi người chiềng cho nhau những củ khoai lang ruột vàng còn bốc khói, thơm ngầy ngậy, xuýt xoa san sẻ những vốc lạc mới luộc nóng rẫy thì một bà nhanh nhảu đã nghé sang tôi, tranh thủ phô lý lịch.
Con bé Lanh này là vợ thứ ba chính thức của cu Tuyền, có đăng ký hẳn hoi ở bên ngoại tận vùng đất vịt Vân Đình. Nhưng chỉ làm dăm mâm gọi là thôi. Thím Quyền vác nón trao lõi mấy lần cho anh cu Tuyền rồi phát ngượng với dân làng chẳng dám xuống đón dâu. Ông Quyền hồi ấy đương khoẻ, mải  thu cà phê với bà hai ở Kông Tum, không về.
-.Vậy mà xem ra bốn đứa con dâu nhà lão Quyền mỗi đứa này xí gái tý, nhưng đảm nhất đấy. Mà lại khổ nhất đấy. Tiếng xì xầm cốt lọt lỗ nhĩ tôi
-Lạ gì tính khí ông bà Quyền, chỉ yêu dâu nào dẻo mỏ. Kiểu này thì chết đứa không biết thớ lợ.thôi. Ừ! mà tôi nghe mấy hôm nay ông Quyền ốm quá ra, hễ thấy mặt vợ chồng thằng Tuyền bén mảng tới mép giường bệnh là xua như đuổi tà. Oái oăm vậy!.
Một bà huých nhẹ vai tôi, nhướng mắt để tôi nhìn sang cô cháu Hoài, rồi lắc đầu: Chả kiểu gì, đớn lắm! Đi máy may chả đâu họ nhận. Được mỗi cái mồm với lại của đáng tội …Hì hì…nhiều phân cho tốt lúa!.
Lanh đứng dậy cái phắt, như đứa học trò hiểu bài, chỉ chờ cô giáo gọi phát biểu. Hôm đấy thím chả bảo mưa thì gọi dậy thu lạc nhá, đúng không? Lúc ông Tuyền lấy nước cho nhá, thím bảo em mệt lắm, thi thoảng chị sang xem em còn thở không nhá, đúng không? Một lần tôi sang sờ thì bảo em không sao đúng không? Lúc sau ông Tuyền đi soi cá suối về tôi bảo ông ấy tiện xem giúp tôi, ngộ nhỡ thím chết ra đấy có phải mang tiếng vợ chồng tôi đúng không?
-Ối giời ơi! phường chèo, phường chèo! Thật thế á! Mấy bà sồn sồn cùng reo lên ngạc nhiên có vẻ phấn khích nữa.
-Sao không thật? Cháu thề có bóng mặt giời…sáng ra thuốc sâu, thuốc sia nó bảo với cháu là em giận chồng, muốn chết đi cho thằng Phục nó khổ. Vợ chồng cháu chả ì ạch khiêng nó nặng như trâu trương ra công nông ông Ngợi để đón xe thì giờ ở âm ty hạ tiền rổì chứ không à?
Con Lanh nói một thôi một hồi, từng câu chắc nịch như nắm cơm làm khuôn mặt vợ chồng em dâu tái dần, trong khi mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo. -Vừa nẫy ở trên nương tôi mới biết thím dựng chuyện đổ vấy cho ông Tuyền nhà tôi, điên lắm không có nhẽ lồng về vả cho gẫy răng? Cái đồ ăn điêu nói đặt gắp lửa bỏ tay người, không sợ tội mù mắt à? Nó loi choi xấn đến, tôi vội giơ tay ngăn, ước tính nó đứng chưa chắc đầu đã cao ngang mồm con nọ nên phì cười, làm mọi người cũng ồ lên cười theo. Chim chích đòi ghẹo bồ nông!
-Cháu nói vô phép các ông, chứ cả nhà ông Lường ( bố đẻ cô Hoài)đều ở nhà thấy ma đỏ mắt, bảo huyện không chữa được mới đưa lên tỉnh (!).Quan trọng hoá quá, bé xé ra to chứ. Cháu đây này, theo sát đít nó, cháu nghe thấy hết. Bọn bác sĩ nó bảo chữa làm quái gì cái đứa chán sống ấy? Xơ múi gì đâu, tống mẹ nó lên tuyến trên cho nhẹ nợ! Rõ ràng ràng thế. Bệnh viện tỉnh nó chả phạt cho mấy triệu thấy chưa?. Nhưng mà không phải vì uống thuốc sâu đâu. Ngộ độc thuốc giảm cân thì có!
-Ơ cái con này quăn quăt thế mà sõi nhể? Thật vậy không?
Nó chạy một mạch vào buồng em dâu, lôi ra 4, 5 cái vỏ hộp chữ Tầu, chữ Tây, in hình một bà béo phì phát tởm đứng bên thiếu phụ eo thon tạo dáng làm duyên. Đây các bác xem cháu nói sai à, hơn tháng giời uống vụng chồng khoe với cháu xuống 7, 8 cân thịt rồi. Chả hỡi.?
Mọi người rồ lên, nhao nhao giành nhau xem thứ thuốc ngày nào chả nhem nhẻm rao trên ti vi, giờ mới được cầm sờ tận tay, trầm trồ như vật lạ ngoài hành tinh rơi mới rơi xuống vậy.
Tôi đưa tay ôm cái đầu ong ong, cúi gằm mặt xuống thầm kêu: Làng ơi!  loạn thật rồi. 
*         *         *
Vĩ thanh: Sáng nay lại bon về quê, thấy đập vào mắt ngay ngã ba rẽ vào làng là túp lều lợp tôn xanh, với dòng chữ viết sơn đỏ nguyệch ngoạc trên tấm bảng dựng mép đường nhận làm thuê các kiểu, tôi dừng lại, ngó vào. Thằng Tuyền, mặt đầm đìa mồ hôi đang bổ con Minsk cổ lỗ, bên ông khách ngồi chồm hổm xem chăm chú.  Nó dừng tay, chép miệng:
-Bao nhiêu năm làm lụng, đổ cả vào cái nhà ở chung mang tên bố, chia nhau cũng khó, nên cứ nấn ná, núp bóng bố, thằng nọ mong bẩy thằng kia đi khỏi nhà. Luẩn quẩn như gà vướng tóc. À! bố cháu khoẻ lại rồi, lại thích cầm cân nảy mực rồi. Chán. Vợ chồng cháu chả chấp chuyện cái Hoài, nhất quyết bỏ làng ra đứng đường.

Rồi muốn ra sao thì ra, bác ạ!

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

NƯỚC ĐÂU CÒN TỰ CHẨY

( Truyện ngắn)
I
Chuyện chẳng to nhớn gì mà lại hoá rầy rà.
Cái anh chàng Hon cù lần bỗng dưng cắn quái, thẳng thừng đứng dậy xin trả lại cái chức “quản lý, vận hành nước sạch ” cho bản đúng vào ngày long trọng công bố quyết định tách bản Quàng thành hai, mới ác chứ.
Hôm ấy vui, nhiều chuyện lớn chẳng ai thèm để ý.
Vài ngày sau cũng chẳng thấy ai có ý kiến gì.
Cứ tưởng cái chân lìu tìu của anh chàng Hon, để nên, quên thôi, ảnh hưởng chi đến hoà bình, an ninh của hai bản đang cuồng lên chia, tách với bầu bán. Chỉ đến chiều nay, cái vòi nước từ bể bê tông dưới chan(1)  nhà trưởng bản lầm lỳ rỏ vài giọt rồi câm như hến, không te te chảy như mọi khi, người ta mới ớ ra, hết nước rồi. Một người cậy khuy, mở cái nắp bằng tôn, nhoai nửa người qua khuông cửa bể, khoắng tay chán không thấy gì, lùi trở ra xác nhận: Mất hẳn rồi!
- Thôi khiêng qua nhà bên kia.! Túm cả vào đây. Nào!
 Con lợn cắp nách mới cạo lông vừa mổ phanh xong nhưng khiêng nhùng nhằng khó đi quá.
Bực thật. Ngồi họp trong nhà chẳng yên, ông Doản ra đầu chan, khum tay làm loa lớn tiếng gọi vống lên: Ới Hon! xem nước tý đi!
Rộ theo hàng lô tiếng gọi giục giã: Ới Hon! Ới Hon!
Bể nhà bên ấy cũng chỉ te te được một lúc, rồi lại giở quẻ bé rớt lại như sợi lanh. Những tiếng lầm rầm, không hẳn là bực, cũng không ra đùa: Hon à! Ới ới..Hon à là Hon ơi…Ơi! Và hic híc cười. 
Thuýt- con rể ông Doản, mới được cất nhắc lên phó bí thư bản 2, vừa nhống lên trên bể chứa xem nước về, thong thả tháo con dao đeo thắt lưng giắt vào vách, chậm rãi bước lên cầu thang. Thủng thẳng:
- Làm ăn như cục cứt mà lúc nào cũng tiền …tiền !
Trong nhà, mọi người vừa thông qua biên bản. Tiếng vậy thôi, chứ có gì đâu mà chia. Mấy cái phong bì được tặng ngày tách bản, mới đủ con trâu. Còn gạo, còn rượu, rau cỏ mắm muối hôm liên hoan…giờ ngồi chia nợ với nhau. Trên các gương mặt còn lộ vẻ lo toan, song ánh mắt ai dường như cũng lấp lánh vui. Cán bộ cũ thì san bớt đi phần nào nặng nhọc. Cán bộ mới được bầu sẽ từ tháng này lĩnh luôn tiền chính phủ. Không vui mới lạ. Rồi mọi người sực nhớ ra, còn cái quan trọng chưa chia, mà chia kiểu gì đây. Ấy là cái đường nước, hôm họp tách bản, nhà anh Hon đã chẳng xin rút chân dịch vụ rồi ấy? Hỡi nào nay nước chả mất. Chắc nó sợ, dừa nhau không bản nào trả công chăng,? Người nọ liếc người kia, ngẫm ngợi, rồi gật gù. Không phải thằng Hon không có lý?
-Thế trước đấy, nó có nói gì với cháu không? Là tôi hỏi cái nhà anh Hon ấm ớ ấy! Ông Doản liếc rồi ký roẹt vào tờ biên bản, bên dưới chức danh bí thư chi bộ bản Quàng 1, vừa hỏi vừa đưa cả kẹp “trình ký” mới toanh cho trưởng bản, được đôn từ phó bản cũ lên trong cuộc họp chiều qua bầu đến lần thứ 3 mới ngã ngũ.
-Dạ cũng có. Nó phàn nàn tháng ấy chỉ thu được của bốn hộ thôi. Ba nghìn một hộ, vị chi 12 nghìn, được mỗi lít xăng chạy quanh, không có công.
- Chết thật! Sao không báo cáo tôi?  Rách việc rồi.  Chuyện này tôi rõ mà.
Tai nghe lời bí thư, nhưng mắt ai cũng nhóng sang nơi đầu gió, mùi thịt chuột nướng lá chanh ngào ngạt bốc thơm lên từ gian bếp. Khác. Ai cũng cảm thấy thế. Tống cựu nghênh tân cốt cán phải khác. Đặc sản, sành điệu hơn liên hoan dân dã chứ!  -Thôi, chuyện đâu còn đó, mời cựu bí thư bản Quàng “to”  tuyên lý do kẻo nguội mất ngon ạ!
Câu pha trò dí dỏm làm ông Doản thấy vui vui, nhếch mép cười. Toàn bộ chục cốt cán của cả 2 bản nay ngồi đây mới vài hôm kia, hôm qua còn là quân ông ráo. Bây giờ tuy vẫn bí thư nhưng quân chỉ còn non nửa, vậy nên cái vị thế của bản Quàng “to” nghe  có vẻ sang.  Rồi ông lại thoáng buồn. Bản Quàng trước ngày di vén, là bản lớn trên trăm hai hộ dân đang quen sống sướng ven thị trấn huyện Quỳnh Nhai. Điện có rồi. Ít ra là được sáng lúc ăn cơm tối. Đôi ba nhà ỷ eo tý nhạc đêm, chứ ban ngày, còn hay mất điện, chẳng ai cần. Đường đá dăm đến bản rồi, lác đác có ngõ còn đổ bê tông cho xe máy lên dốc khỏi pan. Trường lớp khang trang thuận tiện cho trẻ đi học lắm. Chả vậy mà khối đứa ở bản đã tốt nghiệp phổ thông. Mấy đứa còn đỗ cả trung cấp với cao đẳng, hồ sơ đang xếp ở huyện chờ phân việc nữa kia.
         -Còn lâu thì chỗ ở mới mới bằng nơi ở cũ, đừng nói hơn!
          Hồi ấy, họp hành không dám nói ra miệng thôi, sợ mất quan điểm, chứ ai chả nghĩ thế. Hóa ra thật.
Một trận mưa đầu tiên trên quê mới di vén lên, dai mà khốc liệt, sầm sập suốt 2,3 ngày đêm.  Sáu, bẩy hộ gắp “khăm”(2)  bị vào ở chỗ đất mượn, khủng khiếp đêm hôm ấy. Đánh roạt một cái, mênh mông là đất và nước ào ào sụt xuống. Sáng ra nửa quả đồi trôi đất phủ lấp, chỉ còn thấy mấy cái cột nhà chênh chếch giương lên ngó trời. Hú vía. Bản năng của dân sông nước mách bảo, may họ đã lẳng lặng bỏ của chạy lấy người hết từ chiều rồi. Bản Quàng bị cô lập trong bùn đất nhầy nhụa. Mấy cái Win ngã lộn cổ, may không chết ai. Họ réo chửi tên ông, tội húng thành tích làm họ khổ. Chứ đâu biết đầu binh cuối cán như ông xơ múi gì. Đôn đáo ngược xuôi, lên huyện sang xã, về bản chỉ với căng hải ( hai cẳng), được cái rạc người như con cá phơi khô.  
Chửi ông nhiều nhất là lão thương binh Tựu. Ưu tiên đặc biệt, thích ở đâu, được đấy, không phải gắp khăm khiếc gì, lão Tựu khôn ranh ngay lô đất có cái ao cũ, hý hửng sẵn nong, sẵn né, có thu luôn, ngờ đâu bây giờ bị đất lấp bằng địa cả. Tiếc của, hận trời và cả tức nhiều người ( trong đó có ông) lão Tựu chửi vung lên, đơn từ gửi tới lui các cấp, nhất quyết đòi bỏ đây ra ngoài thị trấn. Đến giờ, thi thoảng lão còn vẫn trầm ngâm sám hối, hồi ấy không có ông Doản với chi bộ sáng suốt, không khéo bây giờ … đi thì mắc núi, trở lại mắc sông cũng nên. Lão lương thương binh, không sợ đói, nhưng đoàn tầu há mồm kéo theo ra huyện mới, làm gì để có cái bỏ miệng qua ngày? Lão còn hăm hở dẫn năm sáu ông đàn ông cùng bị trôi nhà, cơm đùm, cơm nắm đi tìm nơi ở khác. Đi chán lại về, lấy đâu ra đất vô chủ nữa, rừng núi đã giao cho dân sở tại từ tám hoánh. Cuối cùng, lại vẫn dân bản Quàng lành rách đùm bọc nhau thôi.

II
Tang tảng sáng hôm nay, ông Doản một mình lần lên mó.(3) Hôm qua nghe anh con rể  Thuýt nói ông đã ngờ ngợ, nhưng tính ông vậy cứ muốn sờ tận tay, xem sự thể ra sao. Thực ra thì, thi thoảng ông có lên đây, khi với trưởng phó bản, khi kiểm tra cái này, cái nọ, nó quen mắt dần đi hay sao, chứ không sửng sốt như hôm nay, trời còn tranh tối, tranh sáng, như cái hình ảnh vài ba năm trước hiện lên khi đậm, khi nhòe trong tâm thức ông.  Khe suối Nậm Sát Luông, khi ấy đích thân ông xắn cao quần dẫn tổ khảo sát lội ngược dòng, tìm nơi đặt đập đầu mối, nhiều lúc phải bò chui qua những bụi cây gai tối mò, dầy trệt muỗi vắt, chứ đâu thông thống và lổn nhổn trơ xương khô khỏng thế này. Lại có chỗ còn san ra làm tí tẹo ruộng nữa. Vừa thương, vừa giận quá cái dân bản mình, cần cù không phải lối. Trông ngược lên hai bên đồi cây xanh có mấy đám cành lá khô cháy nham nhở, thoảng mùi khen khét. Chết thật! Rừng đầu nguồn bị chặt tỉa, thưa ngoãng ra cả rồi.
Ông ngồi phệt xuống mặt đập, thả chân vào âu nước tưởng tượng như mới năm ngoái, kiểm tra kết thúc bảo hành công trình. Mọi người đứng ở đây, nghe nước rào qua cửa tràn như tiếng đàn reo, phấn khởi ký biên bản rồi giao luôn cho cu Hon. Chứ đâu như bây giờ, vũng nước chỉ to bằng cái ang, lúc nhúc bọ gậy, sủi ngầu tăm, như thách ông ước thử nông sâu. Lúc ấy, lòng ông đã trào dâng một niềm vui khó tả nữa. Ấy là Hon, trai bản ngoan (con gái ông có vẻ thích), ông nhắm cho đi học kỹ thuật vận hành nước tận ngoài thị xã Sơn La được chính thức giao quản lý. Ông từng hy vọng nó sẽ vào biên chế của công ty cấp nước toàn tỉnh(!)
Cố kìm nén tiếng thở dài thì ông lại rùng mình, sởn da gà. Cái sợ mơ hồ từ đâu lò dò đến. Loáng thoáng lướt trong đầu là những cái nhìn từ khắp mọi chỗ tầng tầng lớp lớp xoáy vào mặt ông nghiêm nghị quá. Những khuôn mặt hiền từ thân thuộc lắm, gặp đâu đó rồi, khi tỏ, khi mờ …Tổ tiên ta chăng?  Không nghe thấy ai nói gì, nhưng đều lộ vẻ trách cứ khiến ông run như sắp phát sốt. Cả những gương mặt mới gặp hôm họp hội đồng ở huyện, ở xã không nhớ tên thôi. Từng câu nhấn nhá móc hiểm váng lên: Trách nhiệm của người đứng đầu điểm tái định cư kiểu mẫu đến đâu? Sao để đến nông nỗi này? Chính phủ trả lương người tàn phá tài nguyên đất nước à? Ông đứng chôn chân, run run giữa mênh mông lặng phắc. Bỗng từ đâu đó xổ tung ra lời nói ngang như cành bứa: Hương ước chả là gì với tập quán. Trông cả vào rừng mãi quen rồi, hết nạc thì vạc xương thôi. Chả ai đun cây ngô cháy èo cả ôm không sôi ấm nước! Nhịn đói giữ rừng ư! -Đừng mơ giữa ban ngày! Lão Tựu quát. Giật mình. Ồ! Té ra là mơ màng,  mới chợp mắt một tý. Ông mừng quá, định đứng lên, nhưng cái chân chưa muốn lại ngồi im. Hết hồn, vã cả mồ hôi. Phải, lão Tựu có nói câu ấy, hôm họp bàn hương ước bản mới, đã bị ông với tư cách chủ tọa vặc no đòn. Nhưng sao hôm nay, cũng lời nói hung hăng ấy lại như cái phao để ông bíu vào, giải cho ông thoát khỏi nỗi lo tội lỗi. Ông cười mỉa một mình. Ừ ! Có lẽ phải vậy. Ngay như nhà mình, bà ấy tỷ mẩn gom dễ đến nửa gậm sàn củi đun dần, huống hồ nhà khác.
Nắng đã lên từ lúc nào mà gắt như đổ lửa. Đôi chân đưa ông đi vô thức những đâu, chẳng nhớ nữa. Ông đến và ngồi bên cái trụ bê tông treo ống nước từ lúc nào, nhìn xuống cái huổi sâu hoẳm bao lâu, nghĩ những gì chả nhớ. Chỉ thấy lòng trống rỗng, xơ xác và khô khát. Không nhẽ bám đu theo cáp để sang bên kia, chứ lội xuống huổi lở lói sâu thăm thẳm thế kia, rồi lại leo ngược trở lên, thì ngại quá thể. Bỗng có tiếng cười khanh khách giòn tan, quen thuộc phía sau lưng. Ông giật mình nhìn lên. Thì ra vợ chồng đứa con gái ông, trên nương về, dắt tay nhau phăm phăm tụt dốc.
-Bố thăm nước à! Như đã hiểu hết, chàng rể Thuýt đưa ông chai nước, nói bâng quơ: Tại bố ở cao mãi nên giờ ngại tụt xuống thôi!
Rõ cái thằng … ăn với chả nói.
Chắc nó nói đại vậy, không ý tứ gì đâu, nhưng vô tình lại trúng cái điều ông mới nghĩ, đang nghĩ, còn chưa rõ nét. Cuộc sống cũng như đường nước vậy cứ chẩy trong khuôn khổ, nhưng lúc nào cũng muốn xổ ra, người lãnh đạo không ngại tụt xuống, leo lên, bám theo để phát hiện và xử lý, nghĩa là gì nhỉ, quản trị hay cai trị gì đấy nhỉ. (như nhau thôi). Đúng quá rồi. Thằng Thuýt nói vớ vẩn thế mà hay. Ở cao mãi rồi ngại xuống. Ấy là người ta thôi chứ mình cao gì đâu mà ngại. Ừ thì xuống! Xuống ngay. Ông cảm thấy khỏe lạ thường, có lẽ đi xuống bên người thân, vững dạ hơn. Bột đất lầm lên lả tả rơi theo.
III
           
Như thành lệ, cứ xong chương trình Đảng trong cuộc sống hôm nay, là ông nằm trong màn giơ điều khiển tắt ti vi ngủ, chứ không thích phim, rặt đồ Tầu đâm chém nhau ghê chết. Nay bấm ba bốn cái liền, cái ti vi vẫn bướng bỉnh quảng cáo nhem nhẻm, làm ông bực mình nhỏm dậy lần nút tắt tay.  Hình như có cái gì ở ngay trong nhà này, bản này vài ngày nay đang vô hình cố kết nhau lại chống mình? Gần hai chục năm làm lãnh đạo bản, ông ngộ ra khối thứ, nhất là trước và sau mỗi kỳ bầu bán như vừa rồi. Phải tĩnh tâm suy xét lại.
-Giận cái thằng Hon. Tại sao cờ đến tay mà nó không phất nổi, để mang tiếng mãi là cù lần. Phí cả sự ưu ái của mình bấy lâu nay. Thôi thì cứ quên chuyện ông dấm nó cho con gái ông đi, bởi nhân duyên có lẽ là thiên định, khắc vồ lấy nhau thật, chẳng ai nỡ ép, có ép cũng chẳng được. Mặt khác, thằng Thuýt ma lanh hơn, nó cưa thẳng con ông với cả cự ly và tốc độ “khủng “. (Bọn trẻ kháo nhau thế). Cu Hon hồi ấy có nhờ nhiều bậc cha chú, cả ông nữa, có nhời phân tích…rồi cả bạn bè phản ứng, nhưng địch không lại, đành chịu.
-Nhưng còn cái sự cử tuyển? Học hành rồi đáng giá thế, sao giờ Hon lại bó tay bỏ cuộc? Tại sao? Hay là bài của thằng nào lấy Hon làm tốt thí?
- Công bằng mà nói, nó vẫn ngoan. Có ai kêu ca gì nó đâu. Dùng dè xẻn, bản vẫn đủ nước. Mệt mỗi ngày 2 lần khóa bể nọ, mở bể kia ra. Nó chán là phải. Ai đời gần 130 hộ dùng nước, chỉ có 4 hộ cho nó tiền. Nhiều nhặn gì cho cam, mỗi tháng 3 nghìn bạc.
          -Ờ !Mà tại sao chỉ 3 nghìn một tháng thôi, ít thế nhỉ.?
           A! ha. Nhớ rồi. Tại nó chứ ai? Hừm! Chính thằng Hon hồi ấy chẳng đã phân tích nào là công trình phúc lợi công cộng rồi thì cách tính bậc thang, khuyến khích tiết kiệm…vv. Mấy ông lãnh đạo bản chả xúm lại biểu quyết, gật gù, tính cua trong lỗ phụ cấp thế tương đương an ninh bản đó là gì? Rồi mình đã chẳng động viên, bản mình trước nghèo mà đến tháng vẫn nộp tiền điện nước răm rắp cả, có hộ nào chây đâu? Bây giờ khá nhiều rồi, ai nỡ quỵt mà sợ…
          Gà gáy canh tư, mỏi người ông Doản trở dậy đi giải quyết nỗi buồn. Cái giật nước lại hẫng lên trêu ngươi ông, có đâu hết sạch rồi. Ông lại bực, giật giật mấy cái cho đứt luôn. Hiện đại thì hại điện. Ừ phải rồi! Nghĩ ra rồi, cứ như là vừa tống đi cái nỗi buồn canh cánh thì đầu óc quang đãng ra vậy. Ông giơ tay chém gió, như  trong hội nghị, cả bản mình cũ có nhà nào xổm bệt gì đâu, đi nương về vén váy lên ào xuống suối, chứ đâu đã có vòi sen trong nhà tắm, hỡi chi mỗi tháng chỉ vài ba nghìn bạc nước! Bây giờ mèng ra mỗi hộ cũng ngày nửa khối. Ăn chơi phải chịu tốn kém. Nước bây giờ đâu có tự chẩy về bể từng nhà được nữa phải bỏ công sức. Làm như Hon tốt quá ấy chứ, nhưng đã mấy ai cho tiền? mà cho bao nhiêu? Có bõ công chưa? Nó nghỉ vì bạc đãi. Con giun xéo lắm phải quằn chứ. Ai xung phong làm thay anh ta không nào? Họp. Họp ngay. Sắp thối rinh cả nhà, cả bản lên bây giờ.
IV
          Khi mấy cán bộ của hai bản lục tục kéo nhau về nhà ông Doản, ấm nước cũng vừa sôi. Vợ chồng Thuýt xăng sái đổ bã, rửa tráng chén. Cái anh siêu tốc xịn chỉ 7 phút, sướng thật bố nhỉ? Chả bù ngày xưa, lom dom bếp củi hàng tiếng đồng hồ, nước lại cớm khói, trà mất cả ngon. Ông Doản đứng lên, với tư cách là ma cũ, (ông tếu táo thế) chủ trì cuộc hội ý đột xuất này. Ngắn gọn:
-Mất điện 3 ngày, bản mình chỉ chuyệch chọac, nhưng vẫn chịu được, chứ mất nước 3 ngày thì lôi thôi to. Thối inh cả bản. Mọi người ồ ồ đế vào: Không nước nấu cơm ăn, lấy gì ỵ mà lo thối!
-Đề xuất này: Mức thu như cũ là lỗi thời. Phải tăng. Tăng bao nhiêu, giờ ta bàn, quyết, nhưng có lộ trình để dân bàn bạc chán chê đi, tâm phục, khẩu phục, vài tháng sau mới áp dụng.  Mua nước phải trả tiền. Quá 1 tháng là cắt nước xem có trắng mắt ra không? Mọi người lại nhìn nhau: Cựu bí thư hoành tá tràng thế!
-Về nhân sự tôi nghĩ nên cho đấu thầu. Mọi người nhìn nhau: Ma nào nhận làm, nói chi tranh giành nhau mà phải đấu thầu, đá thoẹt. Bảo Hon thôi. Bố mắt(4)  hụt, nói là phải ừ ngay, cấm có cãi.  Nhất trí Hon thôi!  Nó làm vẫn tốt mà. Úi giời! Chưa chắc đâu. Nó sợ vãi đái rồi. Thằng này hiền, nhưng cục, nói bỏ là thôi ngay đấy, không dọa suông đâu. Giờ có thính nhử, nó cũng đứng xa vái cả mũ bảo hiểm.!
-Tôi xin đề cử đồng chí Thuýt!
Ai nấy sững người, chưa hiểu thì giọng ông Doản đã chùng như tâm sự: Một thời gian nữa, có thể hàng năm, bản mình vẫn chưa thoát khỏi được cái ý nghĩ nước là của trời cho vô tận, chính phủ cho đường ống, khắc tự chẩy về bể nhà mình. Vậy nên người vận hành quản lý phải nhẫn nhịn thêm, lấy tinh thần đảng viên để phục vụ. Tôi cử đồng chí Thuýt, bởi ít nhiều cũng đã có phụ cấp phó bí thư rồi, thiệt thòi tý chút vì đường nước chắc là chịu được nhỉ? Thuýt ngồi há hốc mồm, chưa kịp phản ứng gì lại đã có giọng chì chiết của vợ ghé sát tai: Chết chưa, ai bảo chê anh Hon làm ăn như cục cứt!
Lão Tự mọi khi hay nổ lắm, nhất những lúc bí thư áp suy nghĩ của mình thành nghị quyết, nay cầm chén trà lim lim, tay kia mân mê chòm râu dê đen nhánh: Cao thủ thật! Tiếng ông Doản lại đã oang oang:
-Nhưng quan trọng nhất, sống còn đây, nói cho mọi người cùng sợ này: Nước đâu mà chẩy mãi?
                                                            Nha Trang 3/2015
 



   .(1) Chan: Đầu hồi nhà ( gần bếp) người Thái
      (2) Khăm:  số bí mật
      (3) Mó: Nơi nước trong đất tự chảy ra
    (4) Bố mắt: 

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

CHUYỆN KỂ ĐÊM GIAO THỪA ( TIẾP THEO)


3.Một người đồng ngũ
I
Nấn ná mãi, ông Inh vẫn chưa viết đơn xin vào Hội nạn nhân chất độc mầu da cam.
Tạng ông vậy. Cái gì cũng muộn hơn người đời một tý.
Ngay chuyện vào Hội cựu chiến binh, không có ông Giản xẵng lên, mắng cho thì chắc gì giờ ông Inh đã được chân chuyên phủ quốc kỳ lên linh cữu chiến hữu, mỗi khi tiếng kèn tây trầm hùng cử bài “Hồn tử sỹ”. Có ông Inh kính cẩn thao tác nghi thức thiêng liêng nhất ấy, con cháu người quá cố cảm thấy hãnh diện và tự hào; đám tang sang trọng hẳn. Khổ thân ông Giản, thân thiết với nhau là vậy, nhưng khi ông hai năm mươi thì ông Inh lại nằm Viện nội tiết trung ương, không cách gì về kịp, hội phải cử ông hàng dát* làm thay. Con cháu ấm ức mãi đến giờ. Ai đời, lão hàng dát rải phứa lá cờ như che bạt chạy mưa, chẳng ra thể thống gì?
Có lẽ, sự ra đi của ông bạn chí cốt, càng làm ông Inh thêm lừng khừng.
Sướng như ông Giản, ai chả biết, dưng mà khổ như ông Giản thì chắc chỉ  một mình ông Inh mới tường tỏ thôi.
Ông với bà Sim chả thầm ao ước được như vợ chồng ông Giản. Hai suất lương hưu, cộng với phụ cấp thương tật và mới đây có thêm tý chất độc da cam nữa của ông để mỗi sáng mở mắt ra là ông bà ấy đã có 3 trăm bạc nằm bàn mời tiêu rồi.
Nhưng hôm nay thì ông dứt khoát với bà Sim, không da cam da quýt gì sất, kệ mấy ngày qua, hội cho người vào giục; còn mấy tay cò, ráo riết lắm. Hắn chả cần tiền, hắn làm không vì tiền, mà để tích phúc.(!) Cổ tích thật. Vì hồi làm cho ông Giản, hắn chỉ nhận đủ chi phí đi các nơi để xác minh thôi, không lấy công. Tuốt tuột chỉ mất độ nửa năm phụ cấp, còn lại thân chủ hưởng suốt đời. Lãi to. Chẳng phải nát óc nghĩ cây gì, con gì, lụi cụi suốt ngày mòn vẹt ngón chân, ngón tay như vợ chồng ông.
Biết vậy nhưng ông Inh vẫn khăng khăng thôi.
Bà Sim tuy tiếc lắm, nhưng chả dám cãi. Đây là lần thứ hai sau mấy chục năm ăn ở với nhau, ông quyết mà không đợi bà nhất trí.
Ừ! Cái lần bà ngất xỉu, chẳng biết đầu cua tai nheo gì, nhưng ông bảo hôm ấy có trời đất, quỷ thần chứng giám cả, thì đành nhẽ; còn lần này, mặt ông rắn đanh, từ bỏ mối lợi mười mươi đang hiển hiện, sao ông lại giấu bà?
-Anh sợ đau vong linh bác Giản!
Bà Sim cứng hàm. Run. Xưa nay, bác Giản luôn như chân lý của ông bà.
II
 Giản xưa là lính cùng đơn vị với Inh và Sim, dở ông, dở thằng như anh thường tự giễu. Thiếu úy không số khi Giản xuất ngũ cuối 82, chẵn chục năm lăn lộn khắp các chiến trường. Mỗi lần nghe thế, Inh cũng khẽ chun mũi rủa thầm: Phét! Chỉ đúng tý ty, nhưng lăn lộn chó gì, không kỷ luật đã may lại còn vớ suất thương binh nữa.
 Chuyện thật như bịa.
 Hồi ấy sau năm 75 đi thu hồi vũ khí. Dong ruổi suốt từ Khe Sanh, Lao Bảo, dọc ngang xương cá theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua Khâm Đức… Làng Rô, rồi Đắc Tô, Đắc Pét… vào tận Tây Ninh, Đồng Xoài… Lính tráng được đi thế là sướng lắm. Cái “Nước non ngàn dặm”** thuộc lầu lầu nay mới được mắt nhìn, tay sờ Inh sướng rơn. Đã không phải sái quai hàm nhai bo bo laị thoải mái cải thiện. Quá dễ khi sổng đơn vị. Gặp suối nào lăn tăn tăm cá chỉ rắc ít thuốc nổ rời nơi đầu nguồn; lúc sau cá ngứa mắt nhao nhỉnh loạn xạ dưới hạ lưu. Cầm cái vợt xiêu, vơ nắm lá bứa, là có nồi canh chua ngon tuyệt. Gặp sông to, Long Đại, Thu Bồn… càng sướng. Ục một cú, cá nổi trắng a mặt nước. Vớt phứa mấy con to, quăng vào thùng đạn, ung dung ngồi ca bin phì phèo điếu thuốc, nhìn kẻ bơi xuồng, người lội bộ ào ào đi hôi, giành giật nhau í ới. Có những lần gặp quân cảnh tuýt còi xoe xóe, nhưng vía có ông đeo băng đỏ nào dám trèo lên xe vũ khí, dẫu biết mười mươi mấy cha “ nhặt ống bơ”  đích thị là thủ phạm vụ nổ mìn đánh cá mới rồi. 
 Một hôm, bỗng nghe tằng tằng cái roạt, qua làn khói súng đen mờ, khét lẹt thấy Giản giẫy đành đạch trên thùng xe, Inh phóc vội lên. Cái đùi trắng hếu như cây chuối hột của nó xối ra tia máu thẳng tưng, phọt trúng mắt Inh, rào cả xuống miệng mặn và nóng hổi. Inh luống cuống, nhằm chỗ đó bóp chặt, mồm hô:
-Đau chỗ nào nữa?
Giản vẫn gào như bò rống:
-Đau quá! Ối giời ơi! Hồ chủ tịch muôn năm!
Mấy thằng bám đít xe đu lên, có thằng tuột phịch xuống. Một thằng thấy mặt Inh đầy máu vội xổ cuộn băng lập cập cuốn lòng thòng vòng qua hết mắt, mũi.
-Mày điên à ! Tao có sao đâu?
-Tao chết mất! Cái tay! Cái tay này! Giản rên rỉ.
 Hai ngày cầm máu, điều trị, sang ngày thứ 3 Viện quân y 59 cho Giản về đơn vị nghỉ ngơi, kệ anh chàng một mực kêu vẫn còn đau lắm. Té ra, may thật, được garô kịp thời, động mạch ở đùi Giản chỉ sợt nhẹ, mất tý phần mềm, chút máu thôi. Nhưng tuyệt vời, viên đạn xơi nghiến của Giản chóp múp ngón út bàn tay trái, nghĩa là cũng có mất tý xương, nên sau đó, nghiễm nhiên được xếp hạng là thương binh để anh oách mãi về sau. Kịch bản anh kể mỗi lúc một oanh liệt thêm. Đâu như là mình anh chọi tay bo với ba bốn tên Furô mang dao găm, mã tấu. Đá lộn cổ được thằng này thì thằng nọ từ phía sau cầm cây lê Mỹ khoắng lung tung, không may mình bị dính sượt đùi. Còn đứt đốt ngón tay út ấy à, thường thôi. Hai thằng trước mặt cùng giơ mã tấu nhằm đầu mình bổ xuống, mình chắp tay theo thế hoa sen nở, tổn thất như thế là thấp nhất….
Dạo ấy, đơn vị Giản kiểm điểm nhau toé lửa mãi. Lỗi rành rành là của mấy thằng đi thu hồi, không khám súng, lại buộc táo lu, xếp/ chất đống trong xe? Nhưng thử hỏi - Tổ đi thu hồi vặc lại- Ai cho phép đồng chí Giản chỉ huy anh em không xếp dỡ nhẹ nhàng theo quy định, lại đứng thưỡn người vứt xuống như vất củi ??? -Dưng mà thôi giơ cao, đánh khẽ vậy. Đa phần lính cựu có cái nhìn khoan dung hơn, nói:- Dù sao các đồng chí ấy cũng đương thi hành nhiệm vụ. Chuyện súng cướp cò, hay toác nòng gây thương vong/thương tích cũng không hẳn là không gặp….
III
Rất nhiều đêm ông Inh khó ngủ, trân trân nhìn lên ánh sao le lói lọt xiên qua kẽ ngói, nén tiếng thở dài. Cuộc sống cũng như dưới mái nhà này, nói chung là mưa không dột, nắng không thiêu, tương đối đồng đều mọi chỗ vậy; nhưng vẫn có những kẽ hở. May ai, nấy được. Như nằm chỗ này. Bất giác ông cười mỉm, thích chí với lối so sánh có phần khập khiễng, nhưng rất trực quan- nhìn thấy sao đêm. Còn dịch đi một tý- ông lấy mông hích nhẹ sang bà, rồi quay cổ ngó nghiêng loanh quanh thì lại không thấy. Gần như tất cả đều không thấy. Thế là thần may mắn mỉm cười với riêng bác Giản. Có nhẽ cả vùng này chỉ mình bác Giản thôi. Ông cười khơ khớ thành tiếng. Nhẹ lòng quá. Thôi, ai lại đi so kè với bác Giản dẫu thời gian tại ngũ hai anh em suýt soát 10 năm như nhau. Chỉ có điều, sau đận bị thương, Giản chuyển sang hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp ( Khôn thật) Inh ắc ê nửa năm nữa, rồi phục viên để đi tìm Sim, chạy chữa mãi, nàng mới nên người để được cưới nhau. Nhưng cái chất máu chiến lại bừng bừng khi Nhà nước ban hành Lệnh tổng động viên tháng 3 năm 79, Inh được thăng một hạt, điều lên chốt chống Tầu. Đánh chẳng ra ra đánh, cứ nhũng nhẵng gầm ghè nhau mãi, chán, ba năm xin về, vẫn thượng sĩ kịch tường. Ba lô lộn về quê với bà vợ liêu xiêu trong bộ đồ nhầu nhĩ mầu cứt ngựa. Chẳng biết quần anh hay quần mình, Sim vẫn thường nhầm nhọt vậy, ai cười thì chống chế cho đỡ nhớ chồng. Inh về thấy thế cũng cười như mếu.
Bà Sim thấy động ngang hông, hích hích, đẩy đẩy lúc còn ngái ngủ nên làu bàu. Lúc lâu thấy im, bà lại nhớ, chép miệng quờ tay, tìm tìm, không thấy. Mở mắt  bà đã nhìn thấy ông ngồi đăm chiêu bên tách trà phả hơi thơm ngầy ngậy.
Từ hồi bỏ thói quen cà phê sáng, vì sợ đường máu và cao huyết áp, ông quay sang uống trà mạn cho đầu óc tỉnh táo. Quê ông đất chè, toàn giống Shan. Tuy không hấp dẫn kẻ háo bởi hương thơm nồng nàn như cô gái đẹp người, nhưng nó quyến rũ đàn ông bởi cái vị đượm, khác chi thiếu phụ dịu dàng đẹp nết. Uống nó, cứ se se chát, ngòn ngọt mãi nơi cuống họng. Nhưng đầu môi giờ lại thấy nhạt, bàn tay theo thói quen lần lần nơi túi áo tìm điếu thuốc ông đã thề vứt bỏ. Bỗng ông thở thật mạnh, đứng lên, nói dứt khoát: Thôi là thôi !
 Nghĩ bụng, bao thuốc xoàng giờ cũng mươi nghìn, bỏ rẻ tháng ba trăm bạc, ích gì đâu, khi thuốc tiểu đường đã ngốn đi vài triệu. Trời ơi! Tìm đâu ngần ấy tiền mỗi tháng? Đâu đó lại vang lên, mở mắt ra là có vài ba trăm bạc mời tiêu. Ông chép miệng, nén tiếng thở dài, nên cái tiếc nuối mơ hồ bấy lâu nay giờ hiện dần, xót xa lắm.
 -Thôi là thôi cái gì hở ông? Bà Sim nghe thấy mấy lần thôi, thôi nhưng chả hiểu gì hết, mới bức xúc ngồi hẳn dậy, vừa vấn tóc, vừa thả chân xuống giường, loẹt quẹt tìm đôi dép lê, vừa hỏi cho rành rẽ.
-Lậy vong linh bác xá tội! Ông Inh thầm khấn thầm- Em không dám sấc với bác đâu, nhưng cô Sim cật vấn em nhiều quá, cứ ngỡ em bị làm sao, bác nhá, thôi đành…. Thề có quỷ thần 2 vai chứng giám…
IV
 Buổi khám sức khỏe cho cựu chiến binh Sơn La nhân kỷ niệm 40 năm vượt sông Thạch Hãn, đoàn bác sĩ quân y viện 103 đưa thiết bị tối tân nhất lên đã phát hiện thêm mấy bác bị tiểu đường chưa rõ căn nguyên. Còn hỏi ngày xưa đóng quân những đâu, vùng ấy có bị ảnh hưởng chất độc da cam không? Đúng gu bác Giản nhà mình rồi. Lăn lộn khắp các chiến trường  tận mắt thấy địch rải chất độc mầu da cam vàng rực như mầu áo đội bóng đá Hà Lan (!) hồi ấy tức hết ngực nhưng còn đông sức, mới lại khí thế cách mạng sôi nổi át đi. Giờ mình ốm yếu nó mới quật lại.
Thực ra thì, đường huyết của bác vượt ngưỡng tý thôi (chắc như em bây giờ)  nhưng bác siêu, tinh thông cả y học hiện đại, muốn nặng hơn tý vẫn được, rồi sau  đó về lại ngưỡng an toàn vẫn được. Dễ như trở bàn tay.
Bác khơ khớ cười, giỏi chó gì, tình cờ thôi. Cà phê thì sáng nào chả một phin đặc xoắn. Năm ngoái ông con rể hụt đưa vào Nha Trang chơi, đi quán cà phê thấy đứa kêu một hạt, đứa bảo, cháu nghiền nên phải hai. Mình cũng làm thử loại 2 hạt, thấy ngon quá. Hỏi bí quyết, chả đứa nào rành. Về quê mình pha thử, nêm vài giọt nước mắm Phú Quốc vào, thấy cũng khá giống. Nghiện cà phê mặn từ dạo ấy. Còn cái bữa viện 103 lên khám thì có lẽ bởi thế này, thế này…do một thằng cò nó mách.
 Một tháng sau, khám lại, mình nện công thức y như thế. Chỉ số đường huyết lại loạn cả lên như ma trận. Huyết áp đùng đùng cao ngất ngưởng. Tháng nữa, cũng y như thế. Tháng nào hơi thấp thì mình lại tăng liều ấy (ấy) lên. Kiến hiệu ngay. Kết luận mình bị tiểu đường cứng cựa. Suy giảm hệ miễn dịch chết toi gì ấy.
Đúng ra, bí mật nhé, nếu không gặp dịp rầm rộ rà soát các đối tượng/( hoặc con cái họ) đã ở vùng nghi phơi nhiễm chất độc điôxin, để tổng hợp cho Hội nạn nhân chất độc mầu da cam đi Mỹ kiện… thì chắc gì mình đã tiểu đường nặng thế đâu.( Cười bí hiểm. Bác vốn ghét Mỹ đến xương tủy, ghét đến đời sau ). Phen này kiểu gì Mỹ cũng thua trắng bụng. Ta được thế giới và cả trong lòng nước Mỹ ủng hộ. Làm ngay, chớp thời cơ luôn. Có tình nguyện viên( thường gọi là cò chính sách) làm cho hết, chi phí thấp. Mình nghiễm nhiên có sổ. Phụ cấp mỗi tháng giờ là triệu bẩy. Đơn giản! Ha ha…
Inh giật thót người: Một triệu bẩy! Răng đánh vào nhau lập cập. Ước chi em cũng có sổ này. Nhưng em lại sợ. Tiểu đường hay chết non lắm.
- Lo bò trắng răng!
-Thế có nghĩa là bác không bị đái đường chứ gì? 
- Ô kìa! Mày hỏi lạ. Sao không bị. Nhưng không nặng như là cái máy tối tân  ma toi kia nó báo đâu? Hiểu chửa? Lừa máy điện tử dễ ợt. Mà các bác sỹ giờ chỉ tin kết quả do máy in ra thôi.
- Thế thuốc men hàng tháng … ?
- Có ngu mới không uống. Bảo hiểm nó bao 95 % rồi. Mỗi tháng chỉ vài chục thôi. Dưng mà uống đúng toa… thì chui nhanh vào 6 tấm đấy!
- Bác siêu thật. Tháng nào bác thừa, em xin.
 Thế rồi bác đi nhanh quá. Em ân hận quá, không can bác được nhời nào. Láng máng em nghi, lậy bác xá tội, hình như là khi mình cứ muốn có bệnh, thì cơ thể bắt buộc phải chiều mình thôi, bác nhỉ? Hu..hu.
4. Anh “cò“ chính sách.
.      Khuôn mặt trái xoan xưa của bà Sim đã xọm đi bởi vô số nếp nhăn nheo. Nghe thủng câu chuyện thì nước mắt bà tự lúc nào ầng ậc chảy. Từng giọt lăn qua má xuống rồi đọng lại nơi lúm đồng tiền thủa thanh tân ngày trước làm nên các vết dúm dó trông càng tội nghiệp. Bà xuống mã từ hồi ông đổ bệnh, nhưng thật sự tàn tạ khi bác Giản qua đời. Đêm dài ra bao nhiêu bởi bà lang thang đuổi theo bao ý nghĩ lúc hay, lúc dở. Có khi đang đêm giật mình, hốt hoảng khi quờ tay, mãi chưa chạm thấy người ông. Để mỗi sáng sớm, bà lại chới với nhìn sâu vào mắt ông, nửa như tiên liệu, nói dại bao lâu nữa sẽ đến lượt ông đây? Nửa như kiếm tìm tia nắng ấm sưởi ấm niềm tin chắc nịch nơi ông ở hiền gặp lành, sẽ tai qua nạn khỏi. Hai hòn than rực lửa trong đêm đen trừ tịch ngày xưa ấy thiêu đốt trái tim thiếu nữ ngay khi bà mở mắt sau cơn mê sảng.
Giờ thì bà tin ông, nghe ông. Đói no bấm bụng chịu vậy, màng chi của phù vân, như của có chân, nó chạy, báu bở gì. Không oong đơ gì nữa nhá, lót lá dắt ngay cái ngữ cò chính sách ấy ra khỏi cửa nhá!
Anh ta thiêng thật. Ông Inh vừa vè vè lượn ra khỏi cổng thì hắn xộc vào, cười cười, nói nói, có tin mừng cho ông bà đây.
-Thôi xin anh, anh đi ngay cho, kẻo ông Inh về là ông ấy đánh đấy!
- Sao thế ạ! Hắn ngơ ngác/ hay giả bộ ngơ ngác làm bà Sim muốn nổi cơn tam bành: Sao giăng gì? Một mình bác Giản tôi là quá đủ rồi. Chúng tôi không muốn bị anh lừa nữa đâu.!
- Dạ sao lại là lừa ạ. Chính sách của nhà nước hỗ trợ cho các bác thật mà. Hai bác xem kỹ, rồi ký vào đây. Chiều cháu qua xin.
Bà Sim không đuổi quầy quậy nữa. Mình đã mất gì đâu. Chén nước cũng chưa. Ông Inh về, xem giấy cũng nghĩ vậy, nhưng vẫn bán tin, bán nghi.  Giờ lắm đứa lừa đảo tinh vi lắm. Tiền mình, vàng bạc đeo tai, đeo cổ còn tháo đưa cho nó tất nữa là. Phải lên huyện hỏi thôi. Xã mình ú ớ lắm, toàn bị ăn quả lừa.Tiếng là khám bệnh miễn phí ( mỗi cái ống nghe, hững hờ rê rê quanh vú ) nhưng thuốc thì bán đắt lòi mắt, đắt hơn cả bọn buôn ngoài đầu chợ.
Chẳng dè, chuẩn bị đón giao thừa năm nay, nhà ông Inh đón ngay quả lộc to tướng. Chính phủ cho thực hiện nghị quyết 62.*** Ngoài tiền mặt ra, đủ cái Tết, quan trọng nhất là ông được cấp thẻ Bảo hiểm y tế suốt đời. Vâng, đến lúc chết. À ! Chết còn có tiền mai táng phí nữa. Đấy là phần an ủi dành cho những quân nhân trực tiếp đánh Miên, chống Tầu  hiện chưa có chế độ đãi ngộ gì.
Anh chàng nọ, tình nguyện viên trợ giúp pháp lý vùng cao còn hứa, sẽ tìm hồ sơ để làm cho ông bà được hưởng chính sách theo nghị quyết 142 *** dành cho những người đi lính trước 75, mà về suông ấy. Chắc sẽ hơi bị lâu, vì cả nước đã làm xong 3,4 năm nay rồi. Dân vùng sâu không biết, nên bị thiệt. Phải quá. Nó tử tế quá. Té ra, nó không phải cò. Nghe đâu lương hợp đồng của nó chỉ bằng tiền công thằng bé nhà mình đi phụ hồ thôi đấy.
Sẽ nhớ mãi giao thừa năm nay; sướng chảy nước mắt.
                                                               
                                                                           Nha Trang, 3/2015
       * Hàng dát: Người bán thịt gia súc.
       ** Tên bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu
       *** Tên các nghị quyết về chính sách với người có công trong kháng chiến và bảo vệ tổ quốc