Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

NƯỚC ĐÂU CÒN TỰ CHẨY

( Truyện ngắn)
I
Chuyện chẳng to nhớn gì mà lại hoá rầy rà.
Cái anh chàng Hon cù lần bỗng dưng cắn quái, thẳng thừng đứng dậy xin trả lại cái chức “quản lý, vận hành nước sạch ” cho bản đúng vào ngày long trọng công bố quyết định tách bản Quàng thành hai, mới ác chứ.
Hôm ấy vui, nhiều chuyện lớn chẳng ai thèm để ý.
Vài ngày sau cũng chẳng thấy ai có ý kiến gì.
Cứ tưởng cái chân lìu tìu của anh chàng Hon, để nên, quên thôi, ảnh hưởng chi đến hoà bình, an ninh của hai bản đang cuồng lên chia, tách với bầu bán. Chỉ đến chiều nay, cái vòi nước từ bể bê tông dưới chan(1)  nhà trưởng bản lầm lỳ rỏ vài giọt rồi câm như hến, không te te chảy như mọi khi, người ta mới ớ ra, hết nước rồi. Một người cậy khuy, mở cái nắp bằng tôn, nhoai nửa người qua khuông cửa bể, khoắng tay chán không thấy gì, lùi trở ra xác nhận: Mất hẳn rồi!
- Thôi khiêng qua nhà bên kia.! Túm cả vào đây. Nào!
 Con lợn cắp nách mới cạo lông vừa mổ phanh xong nhưng khiêng nhùng nhằng khó đi quá.
Bực thật. Ngồi họp trong nhà chẳng yên, ông Doản ra đầu chan, khum tay làm loa lớn tiếng gọi vống lên: Ới Hon! xem nước tý đi!
Rộ theo hàng lô tiếng gọi giục giã: Ới Hon! Ới Hon!
Bể nhà bên ấy cũng chỉ te te được một lúc, rồi lại giở quẻ bé rớt lại như sợi lanh. Những tiếng lầm rầm, không hẳn là bực, cũng không ra đùa: Hon à! Ới ới..Hon à là Hon ơi…Ơi! Và hic híc cười. 
Thuýt- con rể ông Doản, mới được cất nhắc lên phó bí thư bản 2, vừa nhống lên trên bể chứa xem nước về, thong thả tháo con dao đeo thắt lưng giắt vào vách, chậm rãi bước lên cầu thang. Thủng thẳng:
- Làm ăn như cục cứt mà lúc nào cũng tiền …tiền !
Trong nhà, mọi người vừa thông qua biên bản. Tiếng vậy thôi, chứ có gì đâu mà chia. Mấy cái phong bì được tặng ngày tách bản, mới đủ con trâu. Còn gạo, còn rượu, rau cỏ mắm muối hôm liên hoan…giờ ngồi chia nợ với nhau. Trên các gương mặt còn lộ vẻ lo toan, song ánh mắt ai dường như cũng lấp lánh vui. Cán bộ cũ thì san bớt đi phần nào nặng nhọc. Cán bộ mới được bầu sẽ từ tháng này lĩnh luôn tiền chính phủ. Không vui mới lạ. Rồi mọi người sực nhớ ra, còn cái quan trọng chưa chia, mà chia kiểu gì đây. Ấy là cái đường nước, hôm họp tách bản, nhà anh Hon đã chẳng xin rút chân dịch vụ rồi ấy? Hỡi nào nay nước chả mất. Chắc nó sợ, dừa nhau không bản nào trả công chăng,? Người nọ liếc người kia, ngẫm ngợi, rồi gật gù. Không phải thằng Hon không có lý?
-Thế trước đấy, nó có nói gì với cháu không? Là tôi hỏi cái nhà anh Hon ấm ớ ấy! Ông Doản liếc rồi ký roẹt vào tờ biên bản, bên dưới chức danh bí thư chi bộ bản Quàng 1, vừa hỏi vừa đưa cả kẹp “trình ký” mới toanh cho trưởng bản, được đôn từ phó bản cũ lên trong cuộc họp chiều qua bầu đến lần thứ 3 mới ngã ngũ.
-Dạ cũng có. Nó phàn nàn tháng ấy chỉ thu được của bốn hộ thôi. Ba nghìn một hộ, vị chi 12 nghìn, được mỗi lít xăng chạy quanh, không có công.
- Chết thật! Sao không báo cáo tôi?  Rách việc rồi.  Chuyện này tôi rõ mà.
Tai nghe lời bí thư, nhưng mắt ai cũng nhóng sang nơi đầu gió, mùi thịt chuột nướng lá chanh ngào ngạt bốc thơm lên từ gian bếp. Khác. Ai cũng cảm thấy thế. Tống cựu nghênh tân cốt cán phải khác. Đặc sản, sành điệu hơn liên hoan dân dã chứ!  -Thôi, chuyện đâu còn đó, mời cựu bí thư bản Quàng “to”  tuyên lý do kẻo nguội mất ngon ạ!
Câu pha trò dí dỏm làm ông Doản thấy vui vui, nhếch mép cười. Toàn bộ chục cốt cán của cả 2 bản nay ngồi đây mới vài hôm kia, hôm qua còn là quân ông ráo. Bây giờ tuy vẫn bí thư nhưng quân chỉ còn non nửa, vậy nên cái vị thế của bản Quàng “to” nghe  có vẻ sang.  Rồi ông lại thoáng buồn. Bản Quàng trước ngày di vén, là bản lớn trên trăm hai hộ dân đang quen sống sướng ven thị trấn huyện Quỳnh Nhai. Điện có rồi. Ít ra là được sáng lúc ăn cơm tối. Đôi ba nhà ỷ eo tý nhạc đêm, chứ ban ngày, còn hay mất điện, chẳng ai cần. Đường đá dăm đến bản rồi, lác đác có ngõ còn đổ bê tông cho xe máy lên dốc khỏi pan. Trường lớp khang trang thuận tiện cho trẻ đi học lắm. Chả vậy mà khối đứa ở bản đã tốt nghiệp phổ thông. Mấy đứa còn đỗ cả trung cấp với cao đẳng, hồ sơ đang xếp ở huyện chờ phân việc nữa kia.
         -Còn lâu thì chỗ ở mới mới bằng nơi ở cũ, đừng nói hơn!
          Hồi ấy, họp hành không dám nói ra miệng thôi, sợ mất quan điểm, chứ ai chả nghĩ thế. Hóa ra thật.
Một trận mưa đầu tiên trên quê mới di vén lên, dai mà khốc liệt, sầm sập suốt 2,3 ngày đêm.  Sáu, bẩy hộ gắp “khăm”(2)  bị vào ở chỗ đất mượn, khủng khiếp đêm hôm ấy. Đánh roạt một cái, mênh mông là đất và nước ào ào sụt xuống. Sáng ra nửa quả đồi trôi đất phủ lấp, chỉ còn thấy mấy cái cột nhà chênh chếch giương lên ngó trời. Hú vía. Bản năng của dân sông nước mách bảo, may họ đã lẳng lặng bỏ của chạy lấy người hết từ chiều rồi. Bản Quàng bị cô lập trong bùn đất nhầy nhụa. Mấy cái Win ngã lộn cổ, may không chết ai. Họ réo chửi tên ông, tội húng thành tích làm họ khổ. Chứ đâu biết đầu binh cuối cán như ông xơ múi gì. Đôn đáo ngược xuôi, lên huyện sang xã, về bản chỉ với căng hải ( hai cẳng), được cái rạc người như con cá phơi khô.  
Chửi ông nhiều nhất là lão thương binh Tựu. Ưu tiên đặc biệt, thích ở đâu, được đấy, không phải gắp khăm khiếc gì, lão Tựu khôn ranh ngay lô đất có cái ao cũ, hý hửng sẵn nong, sẵn né, có thu luôn, ngờ đâu bây giờ bị đất lấp bằng địa cả. Tiếc của, hận trời và cả tức nhiều người ( trong đó có ông) lão Tựu chửi vung lên, đơn từ gửi tới lui các cấp, nhất quyết đòi bỏ đây ra ngoài thị trấn. Đến giờ, thi thoảng lão còn vẫn trầm ngâm sám hối, hồi ấy không có ông Doản với chi bộ sáng suốt, không khéo bây giờ … đi thì mắc núi, trở lại mắc sông cũng nên. Lão lương thương binh, không sợ đói, nhưng đoàn tầu há mồm kéo theo ra huyện mới, làm gì để có cái bỏ miệng qua ngày? Lão còn hăm hở dẫn năm sáu ông đàn ông cùng bị trôi nhà, cơm đùm, cơm nắm đi tìm nơi ở khác. Đi chán lại về, lấy đâu ra đất vô chủ nữa, rừng núi đã giao cho dân sở tại từ tám hoánh. Cuối cùng, lại vẫn dân bản Quàng lành rách đùm bọc nhau thôi.

II
Tang tảng sáng hôm nay, ông Doản một mình lần lên mó.(3) Hôm qua nghe anh con rể  Thuýt nói ông đã ngờ ngợ, nhưng tính ông vậy cứ muốn sờ tận tay, xem sự thể ra sao. Thực ra thì, thi thoảng ông có lên đây, khi với trưởng phó bản, khi kiểm tra cái này, cái nọ, nó quen mắt dần đi hay sao, chứ không sửng sốt như hôm nay, trời còn tranh tối, tranh sáng, như cái hình ảnh vài ba năm trước hiện lên khi đậm, khi nhòe trong tâm thức ông.  Khe suối Nậm Sát Luông, khi ấy đích thân ông xắn cao quần dẫn tổ khảo sát lội ngược dòng, tìm nơi đặt đập đầu mối, nhiều lúc phải bò chui qua những bụi cây gai tối mò, dầy trệt muỗi vắt, chứ đâu thông thống và lổn nhổn trơ xương khô khỏng thế này. Lại có chỗ còn san ra làm tí tẹo ruộng nữa. Vừa thương, vừa giận quá cái dân bản mình, cần cù không phải lối. Trông ngược lên hai bên đồi cây xanh có mấy đám cành lá khô cháy nham nhở, thoảng mùi khen khét. Chết thật! Rừng đầu nguồn bị chặt tỉa, thưa ngoãng ra cả rồi.
Ông ngồi phệt xuống mặt đập, thả chân vào âu nước tưởng tượng như mới năm ngoái, kiểm tra kết thúc bảo hành công trình. Mọi người đứng ở đây, nghe nước rào qua cửa tràn như tiếng đàn reo, phấn khởi ký biên bản rồi giao luôn cho cu Hon. Chứ đâu như bây giờ, vũng nước chỉ to bằng cái ang, lúc nhúc bọ gậy, sủi ngầu tăm, như thách ông ước thử nông sâu. Lúc ấy, lòng ông đã trào dâng một niềm vui khó tả nữa. Ấy là Hon, trai bản ngoan (con gái ông có vẻ thích), ông nhắm cho đi học kỹ thuật vận hành nước tận ngoài thị xã Sơn La được chính thức giao quản lý. Ông từng hy vọng nó sẽ vào biên chế của công ty cấp nước toàn tỉnh(!)
Cố kìm nén tiếng thở dài thì ông lại rùng mình, sởn da gà. Cái sợ mơ hồ từ đâu lò dò đến. Loáng thoáng lướt trong đầu là những cái nhìn từ khắp mọi chỗ tầng tầng lớp lớp xoáy vào mặt ông nghiêm nghị quá. Những khuôn mặt hiền từ thân thuộc lắm, gặp đâu đó rồi, khi tỏ, khi mờ …Tổ tiên ta chăng?  Không nghe thấy ai nói gì, nhưng đều lộ vẻ trách cứ khiến ông run như sắp phát sốt. Cả những gương mặt mới gặp hôm họp hội đồng ở huyện, ở xã không nhớ tên thôi. Từng câu nhấn nhá móc hiểm váng lên: Trách nhiệm của người đứng đầu điểm tái định cư kiểu mẫu đến đâu? Sao để đến nông nỗi này? Chính phủ trả lương người tàn phá tài nguyên đất nước à? Ông đứng chôn chân, run run giữa mênh mông lặng phắc. Bỗng từ đâu đó xổ tung ra lời nói ngang như cành bứa: Hương ước chả là gì với tập quán. Trông cả vào rừng mãi quen rồi, hết nạc thì vạc xương thôi. Chả ai đun cây ngô cháy èo cả ôm không sôi ấm nước! Nhịn đói giữ rừng ư! -Đừng mơ giữa ban ngày! Lão Tựu quát. Giật mình. Ồ! Té ra là mơ màng,  mới chợp mắt một tý. Ông mừng quá, định đứng lên, nhưng cái chân chưa muốn lại ngồi im. Hết hồn, vã cả mồ hôi. Phải, lão Tựu có nói câu ấy, hôm họp bàn hương ước bản mới, đã bị ông với tư cách chủ tọa vặc no đòn. Nhưng sao hôm nay, cũng lời nói hung hăng ấy lại như cái phao để ông bíu vào, giải cho ông thoát khỏi nỗi lo tội lỗi. Ông cười mỉa một mình. Ừ ! Có lẽ phải vậy. Ngay như nhà mình, bà ấy tỷ mẩn gom dễ đến nửa gậm sàn củi đun dần, huống hồ nhà khác.
Nắng đã lên từ lúc nào mà gắt như đổ lửa. Đôi chân đưa ông đi vô thức những đâu, chẳng nhớ nữa. Ông đến và ngồi bên cái trụ bê tông treo ống nước từ lúc nào, nhìn xuống cái huổi sâu hoẳm bao lâu, nghĩ những gì chả nhớ. Chỉ thấy lòng trống rỗng, xơ xác và khô khát. Không nhẽ bám đu theo cáp để sang bên kia, chứ lội xuống huổi lở lói sâu thăm thẳm thế kia, rồi lại leo ngược trở lên, thì ngại quá thể. Bỗng có tiếng cười khanh khách giòn tan, quen thuộc phía sau lưng. Ông giật mình nhìn lên. Thì ra vợ chồng đứa con gái ông, trên nương về, dắt tay nhau phăm phăm tụt dốc.
-Bố thăm nước à! Như đã hiểu hết, chàng rể Thuýt đưa ông chai nước, nói bâng quơ: Tại bố ở cao mãi nên giờ ngại tụt xuống thôi!
Rõ cái thằng … ăn với chả nói.
Chắc nó nói đại vậy, không ý tứ gì đâu, nhưng vô tình lại trúng cái điều ông mới nghĩ, đang nghĩ, còn chưa rõ nét. Cuộc sống cũng như đường nước vậy cứ chẩy trong khuôn khổ, nhưng lúc nào cũng muốn xổ ra, người lãnh đạo không ngại tụt xuống, leo lên, bám theo để phát hiện và xử lý, nghĩa là gì nhỉ, quản trị hay cai trị gì đấy nhỉ. (như nhau thôi). Đúng quá rồi. Thằng Thuýt nói vớ vẩn thế mà hay. Ở cao mãi rồi ngại xuống. Ấy là người ta thôi chứ mình cao gì đâu mà ngại. Ừ thì xuống! Xuống ngay. Ông cảm thấy khỏe lạ thường, có lẽ đi xuống bên người thân, vững dạ hơn. Bột đất lầm lên lả tả rơi theo.
III
           
Như thành lệ, cứ xong chương trình Đảng trong cuộc sống hôm nay, là ông nằm trong màn giơ điều khiển tắt ti vi ngủ, chứ không thích phim, rặt đồ Tầu đâm chém nhau ghê chết. Nay bấm ba bốn cái liền, cái ti vi vẫn bướng bỉnh quảng cáo nhem nhẻm, làm ông bực mình nhỏm dậy lần nút tắt tay.  Hình như có cái gì ở ngay trong nhà này, bản này vài ngày nay đang vô hình cố kết nhau lại chống mình? Gần hai chục năm làm lãnh đạo bản, ông ngộ ra khối thứ, nhất là trước và sau mỗi kỳ bầu bán như vừa rồi. Phải tĩnh tâm suy xét lại.
-Giận cái thằng Hon. Tại sao cờ đến tay mà nó không phất nổi, để mang tiếng mãi là cù lần. Phí cả sự ưu ái của mình bấy lâu nay. Thôi thì cứ quên chuyện ông dấm nó cho con gái ông đi, bởi nhân duyên có lẽ là thiên định, khắc vồ lấy nhau thật, chẳng ai nỡ ép, có ép cũng chẳng được. Mặt khác, thằng Thuýt ma lanh hơn, nó cưa thẳng con ông với cả cự ly và tốc độ “khủng “. (Bọn trẻ kháo nhau thế). Cu Hon hồi ấy có nhờ nhiều bậc cha chú, cả ông nữa, có nhời phân tích…rồi cả bạn bè phản ứng, nhưng địch không lại, đành chịu.
-Nhưng còn cái sự cử tuyển? Học hành rồi đáng giá thế, sao giờ Hon lại bó tay bỏ cuộc? Tại sao? Hay là bài của thằng nào lấy Hon làm tốt thí?
- Công bằng mà nói, nó vẫn ngoan. Có ai kêu ca gì nó đâu. Dùng dè xẻn, bản vẫn đủ nước. Mệt mỗi ngày 2 lần khóa bể nọ, mở bể kia ra. Nó chán là phải. Ai đời gần 130 hộ dùng nước, chỉ có 4 hộ cho nó tiền. Nhiều nhặn gì cho cam, mỗi tháng 3 nghìn bạc.
          -Ờ !Mà tại sao chỉ 3 nghìn một tháng thôi, ít thế nhỉ.?
           A! ha. Nhớ rồi. Tại nó chứ ai? Hừm! Chính thằng Hon hồi ấy chẳng đã phân tích nào là công trình phúc lợi công cộng rồi thì cách tính bậc thang, khuyến khích tiết kiệm…vv. Mấy ông lãnh đạo bản chả xúm lại biểu quyết, gật gù, tính cua trong lỗ phụ cấp thế tương đương an ninh bản đó là gì? Rồi mình đã chẳng động viên, bản mình trước nghèo mà đến tháng vẫn nộp tiền điện nước răm rắp cả, có hộ nào chây đâu? Bây giờ khá nhiều rồi, ai nỡ quỵt mà sợ…
          Gà gáy canh tư, mỏi người ông Doản trở dậy đi giải quyết nỗi buồn. Cái giật nước lại hẫng lên trêu ngươi ông, có đâu hết sạch rồi. Ông lại bực, giật giật mấy cái cho đứt luôn. Hiện đại thì hại điện. Ừ phải rồi! Nghĩ ra rồi, cứ như là vừa tống đi cái nỗi buồn canh cánh thì đầu óc quang đãng ra vậy. Ông giơ tay chém gió, như  trong hội nghị, cả bản mình cũ có nhà nào xổm bệt gì đâu, đi nương về vén váy lên ào xuống suối, chứ đâu đã có vòi sen trong nhà tắm, hỡi chi mỗi tháng chỉ vài ba nghìn bạc nước! Bây giờ mèng ra mỗi hộ cũng ngày nửa khối. Ăn chơi phải chịu tốn kém. Nước bây giờ đâu có tự chẩy về bể từng nhà được nữa phải bỏ công sức. Làm như Hon tốt quá ấy chứ, nhưng đã mấy ai cho tiền? mà cho bao nhiêu? Có bõ công chưa? Nó nghỉ vì bạc đãi. Con giun xéo lắm phải quằn chứ. Ai xung phong làm thay anh ta không nào? Họp. Họp ngay. Sắp thối rinh cả nhà, cả bản lên bây giờ.
IV
          Khi mấy cán bộ của hai bản lục tục kéo nhau về nhà ông Doản, ấm nước cũng vừa sôi. Vợ chồng Thuýt xăng sái đổ bã, rửa tráng chén. Cái anh siêu tốc xịn chỉ 7 phút, sướng thật bố nhỉ? Chả bù ngày xưa, lom dom bếp củi hàng tiếng đồng hồ, nước lại cớm khói, trà mất cả ngon. Ông Doản đứng lên, với tư cách là ma cũ, (ông tếu táo thế) chủ trì cuộc hội ý đột xuất này. Ngắn gọn:
-Mất điện 3 ngày, bản mình chỉ chuyệch chọac, nhưng vẫn chịu được, chứ mất nước 3 ngày thì lôi thôi to. Thối inh cả bản. Mọi người ồ ồ đế vào: Không nước nấu cơm ăn, lấy gì ỵ mà lo thối!
-Đề xuất này: Mức thu như cũ là lỗi thời. Phải tăng. Tăng bao nhiêu, giờ ta bàn, quyết, nhưng có lộ trình để dân bàn bạc chán chê đi, tâm phục, khẩu phục, vài tháng sau mới áp dụng.  Mua nước phải trả tiền. Quá 1 tháng là cắt nước xem có trắng mắt ra không? Mọi người lại nhìn nhau: Cựu bí thư hoành tá tràng thế!
-Về nhân sự tôi nghĩ nên cho đấu thầu. Mọi người nhìn nhau: Ma nào nhận làm, nói chi tranh giành nhau mà phải đấu thầu, đá thoẹt. Bảo Hon thôi. Bố mắt(4)  hụt, nói là phải ừ ngay, cấm có cãi.  Nhất trí Hon thôi!  Nó làm vẫn tốt mà. Úi giời! Chưa chắc đâu. Nó sợ vãi đái rồi. Thằng này hiền, nhưng cục, nói bỏ là thôi ngay đấy, không dọa suông đâu. Giờ có thính nhử, nó cũng đứng xa vái cả mũ bảo hiểm.!
-Tôi xin đề cử đồng chí Thuýt!
Ai nấy sững người, chưa hiểu thì giọng ông Doản đã chùng như tâm sự: Một thời gian nữa, có thể hàng năm, bản mình vẫn chưa thoát khỏi được cái ý nghĩ nước là của trời cho vô tận, chính phủ cho đường ống, khắc tự chẩy về bể nhà mình. Vậy nên người vận hành quản lý phải nhẫn nhịn thêm, lấy tinh thần đảng viên để phục vụ. Tôi cử đồng chí Thuýt, bởi ít nhiều cũng đã có phụ cấp phó bí thư rồi, thiệt thòi tý chút vì đường nước chắc là chịu được nhỉ? Thuýt ngồi há hốc mồm, chưa kịp phản ứng gì lại đã có giọng chì chiết của vợ ghé sát tai: Chết chưa, ai bảo chê anh Hon làm ăn như cục cứt!
Lão Tự mọi khi hay nổ lắm, nhất những lúc bí thư áp suy nghĩ của mình thành nghị quyết, nay cầm chén trà lim lim, tay kia mân mê chòm râu dê đen nhánh: Cao thủ thật! Tiếng ông Doản lại đã oang oang:
-Nhưng quan trọng nhất, sống còn đây, nói cho mọi người cùng sợ này: Nước đâu mà chẩy mãi?
                                                            Nha Trang 3/2015
 



   .(1) Chan: Đầu hồi nhà ( gần bếp) người Thái
      (2) Khăm:  số bí mật
      (3) Mó: Nơi nước trong đất tự chảy ra
    (4) Bố mắt: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét