3.Một người đồng ngũ
I
Nấn ná mãi,
ông Inh vẫn chưa viết đơn xin vào Hội nạn nhân chất độc mầu da cam.
Tạng ông vậy.
Cái gì cũng muộn hơn người đời một tý.
Ngay chuyện
vào Hội cựu chiến binh, không có ông Giản xẵng lên, mắng cho thì chắc gì giờ
ông Inh đã được chân chuyên phủ quốc kỳ lên linh cữu chiến hữu, mỗi khi tiếng
kèn tây trầm hùng cử bài “Hồn tử sỹ”. Có ông Inh kính cẩn thao tác nghi thức
thiêng liêng nhất ấy, con cháu người quá cố cảm thấy hãnh diện và tự hào; đám
tang sang trọng hẳn. Khổ thân ông Giản, thân thiết với nhau là vậy, nhưng khi
ông hai năm mươi thì ông Inh lại nằm
Viện nội tiết trung ương, không cách gì về kịp, hội phải cử ông hàng dát* làm
thay. Con cháu ấm ức mãi đến giờ. Ai đời, lão hàng dát rải phứa lá cờ như che
bạt chạy mưa, chẳng ra thể thống gì?
Có lẽ, sự ra đi của ông
bạn chí cốt, càng làm ông Inh thêm lừng khừng.
Sướng như ông
Giản, ai chả biết, dưng mà khổ như ông Giản thì chắc chỉ một mình ông Inh mới tường tỏ thôi.
Ông với bà Sim chả thầm
ao ước được như vợ chồng ông Giản. Hai suất lương hưu, cộng với phụ cấp thương
tật và mới đây có thêm tý chất độc da cam nữa của ông để mỗi sáng mở mắt ra là
ông bà ấy đã có 3 trăm bạc nằm bàn mời tiêu rồi.
Nhưng hôm nay thì ông
dứt khoát với bà Sim, không da cam da quýt gì sất, kệ mấy ngày qua, hội cho
người vào giục; còn mấy tay cò, ráo riết lắm. Hắn chả cần tiền, hắn làm không
vì tiền, mà để tích phúc.(!) Cổ tích thật. Vì hồi làm cho ông Giản, hắn chỉ
nhận đủ chi phí đi các nơi để xác minh thôi, không lấy công. Tuốt tuột chỉ mất
độ nửa năm phụ cấp, còn lại thân chủ hưởng suốt đời. Lãi to. Chẳng phải nát óc
nghĩ cây gì, con gì, lụi cụi suốt ngày mòn vẹt ngón chân, ngón tay như vợ chồng
ông.
Biết vậy nhưng ông Inh
vẫn khăng khăng thôi.
Bà Sim tuy tiếc lắm,
nhưng chả dám cãi. Đây là lần thứ hai sau mấy chục năm ăn ở với nhau, ông quyết
mà không đợi bà nhất trí.
Ừ! Cái lần bà ngất xỉu,
chẳng biết đầu cua tai nheo gì, nhưng ông bảo hôm ấy có trời đất, quỷ thần
chứng giám cả, thì đành nhẽ; còn lần này, mặt ông rắn đanh, từ bỏ mối lợi mười
mươi đang hiển hiện, sao ông lại giấu bà?
-Anh sợ đau vong linh bác
Giản!
Bà Sim cứng hàm. Run.
Xưa nay, bác Giản luôn như chân lý của ông bà.
II
Giản xưa là lính cùng đơn vị với Inh và Sim,
dở ông, dở thằng như anh thường tự giễu. Thiếu úy không số khi Giản xuất ngũ
cuối 82, chẵn chục năm lăn lộn khắp các
chiến trường. Mỗi lần nghe thế, Inh cũng khẽ chun mũi rủa thầm: Phét! Chỉ
đúng tý ty, nhưng lăn lộn chó gì, không kỷ luật đã may lại còn vớ suất thương
binh nữa.
Chuyện thật như bịa.
Hồi ấy sau năm 75 đi thu hồi vũ khí. Dong ruổi
suốt từ Khe Sanh, Lao Bảo, dọc ngang xương cá theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua
Khâm Đức… Làng Rô, rồi Đắc Tô, Đắc Pét… vào tận Tây Ninh, Đồng Xoài… Lính tráng
được đi thế là sướng lắm. Cái “Nước non
ngàn dặm”** thuộc lầu lầu nay mới được mắt nhìn, tay sờ Inh sướng rơn. Đã
không phải sái quai hàm nhai bo bo laị thoải mái cải thiện. Quá dễ khi sổng đơn
vị. Gặp suối nào lăn tăn tăm cá chỉ rắc ít thuốc nổ rời nơi đầu nguồn; lúc sau
cá ngứa mắt nhao nhỉnh loạn xạ dưới hạ lưu. Cầm cái vợt xiêu, vơ nắm lá bứa, là
có nồi canh chua ngon tuyệt. Gặp sông to, Long Đại, Thu Bồn… càng sướng. Ục một
cú, cá nổi trắng a mặt nước. Vớt phứa mấy con to, quăng vào thùng đạn, ung dung
ngồi ca bin phì phèo điếu thuốc, nhìn kẻ bơi xuồng, người lội bộ ào ào đi hôi,
giành giật nhau í ới. Có những lần gặp quân cảnh tuýt còi xoe xóe, nhưng vía có
ông đeo băng đỏ nào dám trèo lên xe vũ khí, dẫu biết mười mươi mấy cha “ nhặt ống bơ” đích thị là thủ phạm vụ nổ mìn đánh cá mới
rồi.
Một hôm, bỗng nghe tằng tằng cái roạt, qua làn
khói súng đen mờ, khét lẹt thấy Giản giẫy đành đạch trên thùng xe, Inh phóc vội
lên. Cái đùi trắng hếu như cây chuối hột của nó xối ra tia máu thẳng tưng, phọt
trúng mắt Inh, rào cả xuống miệng mặn và nóng hổi. Inh luống cuống, nhằm chỗ đó
bóp chặt, mồm hô:
-Đau chỗ nào nữa?
Giản vẫn gào như bò
rống:
-Đau quá! Ối giời ơi! Hồ chủ tịch muôn
năm!
Mấy thằng bám đít xe đu
lên, có thằng tuột phịch xuống. Một thằng thấy mặt Inh đầy máu vội xổ cuộn băng
lập cập cuốn lòng thòng vòng qua hết mắt, mũi.
-Mày điên à ! Tao có sao
đâu?
-Tao chết mất! Cái tay!
Cái tay này! Giản rên rỉ.
Hai ngày cầm máu, điều trị, sang ngày thứ 3 Viện
quân y 59 cho Giản về đơn vị nghỉ ngơi, kệ anh chàng một mực kêu vẫn còn đau
lắm. Té ra, may thật, được garô kịp thời, động mạch ở đùi Giản chỉ sợt nhẹ, mất
tý phần mềm, chút máu thôi. Nhưng tuyệt vời, viên đạn xơi nghiến của Giản chóp
múp ngón út bàn tay trái, nghĩa là cũng có mất tý xương, nên sau đó, nghiễm
nhiên được xếp hạng là thương binh để anh oách mãi về sau. Kịch bản anh kể mỗi
lúc một oanh liệt thêm. Đâu như là mình anh chọi tay bo với ba bốn tên Furô
mang dao găm, mã tấu. Đá lộn cổ được thằng này thì thằng nọ từ phía sau cầm cây
lê Mỹ khoắng lung tung, không may mình bị dính sượt đùi. Còn đứt đốt ngón tay
út ấy à, thường thôi. Hai thằng trước mặt cùng giơ mã tấu nhằm đầu mình bổ
xuống, mình chắp tay theo thế hoa sen nở, tổn thất như thế là thấp nhất….
Dạo ấy, đơn vị Giản kiểm
điểm nhau toé lửa mãi. Lỗi rành rành là của mấy thằng đi thu hồi, không khám
súng, lại buộc táo lu, xếp/ chất đống trong xe? Nhưng thử hỏi - Tổ đi thu hồi
vặc lại- Ai cho phép đồng chí Giản chỉ huy anh em không xếp dỡ nhẹ nhàng theo
quy định, lại đứng thưỡn người vứt xuống như vất củi ??? -Dưng mà thôi giơ cao,
đánh khẽ vậy. Đa phần lính cựu có cái nhìn khoan dung hơn, nói:- Dù sao các
đồng chí ấy cũng đương thi hành nhiệm vụ. Chuyện súng cướp cò, hay toác nòng
gây thương vong/thương tích cũng không hẳn là không gặp….
III
Rất nhiều đêm ông Inh
khó ngủ, trân trân nhìn lên ánh sao le lói lọt xiên qua kẽ ngói, nén tiếng thở dài.
Cuộc sống cũng như dưới mái nhà này, nói chung là mưa không dột, nắng không
thiêu, tương đối đồng đều mọi chỗ vậy; nhưng vẫn có những kẽ hở. May ai, nấy
được. Như nằm chỗ này. Bất giác ông cười mỉm, thích chí với lối so sánh có phần
khập khiễng, nhưng rất trực quan- nhìn thấy sao đêm. Còn dịch đi một tý- ông
lấy mông hích nhẹ sang bà, rồi quay cổ ngó nghiêng loanh quanh thì lại không
thấy. Gần như tất cả đều không thấy. Thế là thần may mắn mỉm cười với riêng bác
Giản. Có nhẽ cả vùng này chỉ mình bác Giản thôi. Ông cười khơ khớ thành tiếng.
Nhẹ lòng quá. Thôi, ai lại đi so kè với bác Giản dẫu thời gian tại ngũ hai anh
em suýt soát 10 năm như nhau. Chỉ có điều, sau đận bị thương, Giản chuyển sang
hưởng lương quân nhân chuyên nghiệp ( Khôn thật) Inh ắc ê nửa năm nữa, rồi phục
viên để đi tìm Sim, chạy chữa mãi, nàng mới nên người để được cưới nhau. Nhưng
cái chất máu chiến lại bừng bừng khi Nhà nước ban hành Lệnh tổng động viên
tháng 3 năm 79, Inh được thăng một hạt, điều lên chốt chống Tầu. Đánh chẳng ra
ra đánh, cứ nhũng nhẵng gầm ghè nhau mãi, chán, ba năm xin về, vẫn thượng sĩ
kịch tường. Ba lô lộn về quê với bà vợ liêu xiêu trong bộ đồ nhầu nhĩ mầu cứt
ngựa. Chẳng biết quần anh hay quần mình, Sim vẫn thường nhầm nhọt vậy, ai cười
thì chống chế cho đỡ nhớ chồng. Inh về thấy thế cũng cười như mếu.
Bà Sim thấy động ngang
hông, hích hích, đẩy đẩy lúc còn ngái ngủ nên làu bàu. Lúc lâu thấy im, bà lại
nhớ, chép miệng quờ tay, tìm tìm, không thấy. Mở mắt bà đã nhìn thấy ông ngồi đăm chiêu bên tách
trà phả hơi thơm ngầy ngậy.
Từ hồi bỏ thói quen cà
phê sáng, vì sợ đường máu và cao huyết áp, ông quay sang uống trà mạn cho đầu
óc tỉnh táo. Quê ông đất chè, toàn giống Shan. Tuy không hấp dẫn kẻ háo bởi
hương thơm nồng nàn như cô gái đẹp người, nhưng nó quyến rũ đàn ông bởi cái vị
đượm, khác chi thiếu phụ dịu dàng đẹp nết. Uống nó, cứ se se chát, ngòn ngọt
mãi nơi cuống họng. Nhưng đầu môi giờ lại thấy nhạt, bàn tay theo thói quen lần
lần nơi túi áo tìm điếu thuốc ông đã thề vứt bỏ. Bỗng ông thở thật mạnh, đứng
lên, nói dứt khoát: Thôi là thôi !
Nghĩ bụng, bao thuốc xoàng giờ cũng mươi
nghìn, bỏ rẻ tháng ba trăm bạc, ích gì đâu, khi thuốc tiểu đường đã ngốn đi vài
triệu. Trời ơi! Tìm đâu ngần ấy tiền mỗi tháng? Đâu đó lại vang lên, mở mắt ra
là có vài ba trăm bạc mời tiêu. Ông chép miệng, nén tiếng thở dài, nên cái tiếc
nuối mơ hồ bấy lâu nay giờ hiện dần, xót xa lắm.
-Thôi là thôi cái gì hở ông? Bà Sim nghe thấy
mấy lần thôi, thôi nhưng chả hiểu gì hết, mới bức xúc ngồi hẳn dậy, vừa vấn
tóc, vừa thả chân xuống giường, loẹt quẹt tìm đôi dép lê, vừa hỏi cho rành rẽ.
-Lậy vong linh bác xá
tội! Ông Inh thầm khấn thầm- Em không dám sấc với bác đâu, nhưng cô Sim cật vấn
em nhiều quá, cứ ngỡ em bị làm sao, bác nhá, thôi đành…. Thề có quỷ thần 2 vai
chứng giám…
IV
Buổi khám sức khỏe cho cựu chiến binh Sơn La
nhân kỷ niệm 40 năm vượt sông Thạch Hãn, đoàn bác sĩ quân y viện 103 đưa thiết
bị tối tân nhất lên đã phát hiện thêm mấy bác bị tiểu đường chưa rõ căn nguyên.
Còn hỏi ngày xưa đóng quân những đâu, vùng ấy có bị ảnh hưởng chất độc da cam
không? Đúng gu bác Giản nhà mình rồi. Lăn
lộn khắp các chiến trường tận mắt
thấy địch rải chất độc mầu da cam vàng rực như mầu áo đội bóng đá Hà Lan (!)
hồi ấy tức hết ngực nhưng còn đông sức, mới lại khí thế cách mạng sôi nổi át
đi. Giờ mình ốm yếu nó mới quật lại.
Thực ra thì, đường huyết
của bác vượt ngưỡng tý thôi (chắc như em bây giờ) nhưng bác siêu, tinh thông cả y học hiện đại,
muốn nặng hơn tý vẫn được, rồi sau đó về
lại ngưỡng an toàn vẫn được. Dễ như trở bàn tay.
Bác khơ khớ cười, giỏi
chó gì, tình cờ thôi. Cà phê thì sáng nào chả một phin đặc xoắn. Năm ngoái ông
con rể hụt đưa vào Nha Trang chơi, đi quán cà phê thấy đứa kêu một hạt, đứa
bảo, cháu nghiền nên phải hai. Mình cũng làm thử loại 2 hạt, thấy ngon quá. Hỏi
bí quyết, chả đứa nào rành. Về quê mình pha thử, nêm vài giọt nước mắm Phú Quốc
vào, thấy cũng khá giống. Nghiện cà phê mặn từ dạo ấy. Còn cái bữa viện 103 lên
khám thì có lẽ bởi thế này, thế này…do một thằng cò nó mách.
Một tháng sau, khám lại, mình nện công thức y
như thế. Chỉ số đường huyết lại loạn cả lên như ma trận. Huyết áp đùng đùng cao
ngất ngưởng. Tháng nữa, cũng y như thế. Tháng nào hơi thấp thì mình lại tăng
liều ấy (ấy) lên. Kiến hiệu ngay. Kết luận mình bị tiểu đường cứng cựa. Suy
giảm hệ miễn dịch chết toi gì ấy.
Đúng ra, bí mật nhé, nếu
không gặp dịp rầm rộ rà soát các đối tượng/( hoặc con cái họ) đã ở vùng nghi
phơi nhiễm chất độc điôxin, để tổng hợp cho Hội nạn nhân chất độc mầu da cam đi
Mỹ kiện… thì chắc gì mình đã tiểu đường nặng thế đâu.( Cười bí hiểm. Bác vốn
ghét Mỹ đến xương tủy, ghét đến đời sau ). Phen này kiểu gì Mỹ cũng thua trắng
bụng. Ta được thế giới và cả trong lòng nước Mỹ ủng hộ. Làm ngay, chớp thời cơ
luôn. Có tình nguyện viên( thường gọi là cò chính sách) làm cho hết, chi phí
thấp. Mình nghiễm nhiên có sổ. Phụ cấp mỗi tháng giờ là triệu bẩy. Đơn giản! Ha
ha…
Inh giật thót người: Một
triệu bẩy! Răng đánh vào nhau lập cập. Ước chi em cũng có sổ này. Nhưng em lại
sợ. Tiểu đường hay chết non lắm.
- Lo bò trắng răng!
-Thế có nghĩa là bác
không bị đái đường chứ gì?
- Ô kìa! Mày hỏi lạ. Sao
không bị. Nhưng không nặng như là cái máy tối tân ma toi kia nó báo đâu? Hiểu chửa? Lừa máy điện
tử dễ ợt. Mà các bác sỹ giờ chỉ tin kết quả do máy in ra thôi.
- Thế thuốc men hàng
tháng … ?
- Có ngu mới không uống.
Bảo hiểm nó bao 95 % rồi. Mỗi tháng chỉ vài chục thôi. Dưng mà uống đúng toa…
thì chui nhanh vào 6 tấm đấy!
- Bác siêu thật. Tháng
nào bác thừa, em xin.
Thế rồi bác đi nhanh quá. Em ân hận quá, không
can bác được nhời nào. Láng máng em nghi, lậy bác xá tội, hình như là khi mình
cứ muốn có bệnh, thì cơ thể bắt buộc phải chiều mình thôi, bác nhỉ? Hu..hu.
4. Anh “cò“ chính sách.
. Khuôn mặt trái xoan xưa của bà Sim đã xọm
đi bởi vô số nếp nhăn nheo. Nghe thủng câu chuyện thì nước mắt bà tự lúc nào
ầng ậc chảy. Từng giọt lăn qua má xuống rồi đọng lại nơi lúm đồng tiền thủa
thanh tân ngày trước làm nên các vết dúm dó trông càng tội nghiệp. Bà xuống mã
từ hồi ông đổ bệnh, nhưng thật sự tàn tạ khi bác Giản qua đời. Đêm dài ra bao
nhiêu bởi bà lang thang đuổi theo bao ý nghĩ lúc hay, lúc dở. Có khi đang đêm
giật mình, hốt hoảng khi quờ tay, mãi chưa chạm thấy người ông. Để mỗi sáng
sớm, bà lại chới với nhìn sâu vào mắt ông, nửa như tiên liệu, nói dại bao lâu
nữa sẽ đến lượt ông đây? Nửa như kiếm tìm tia nắng ấm sưởi ấm niềm tin chắc
nịch nơi ông ở hiền gặp lành, sẽ tai qua
nạn khỏi. Hai hòn than rực lửa trong đêm đen trừ tịch ngày xưa ấy thiêu đốt
trái tim thiếu nữ ngay khi bà mở mắt sau cơn mê sảng.
Giờ thì bà tin ông, nghe
ông. Đói no bấm bụng chịu vậy, màng chi của phù vân, như của có chân, nó chạy,
báu bở gì. Không oong đơ gì nữa nhá, lót lá dắt ngay cái ngữ cò chính sách ấy
ra khỏi cửa nhá!
Anh ta thiêng thật. Ông
Inh vừa vè vè lượn ra khỏi cổng thì hắn xộc vào, cười cười, nói nói, có tin mừng
cho ông bà đây.
-Thôi xin anh, anh đi
ngay cho, kẻo ông Inh về là ông ấy đánh đấy!
- Sao thế ạ! Hắn ngơ
ngác/ hay giả bộ ngơ ngác làm bà Sim muốn nổi cơn tam bành: Sao giăng gì? Một
mình bác Giản tôi là quá đủ rồi. Chúng tôi không muốn bị anh lừa nữa đâu.!
- Dạ sao lại là lừa ạ.
Chính sách của nhà nước hỗ trợ cho các bác thật mà. Hai bác xem kỹ, rồi ký vào
đây. Chiều cháu qua xin.
Bà Sim không đuổi quầy
quậy nữa. Mình đã mất gì đâu. Chén nước cũng chưa. Ông Inh về, xem giấy cũng
nghĩ vậy, nhưng vẫn bán tin, bán nghi. Giờ lắm đứa lừa đảo tinh vi lắm. Tiền mình, vàng
bạc đeo tai, đeo cổ còn tháo đưa cho nó tất nữa là. Phải lên huyện hỏi thôi. Xã
mình ú ớ lắm, toàn bị ăn quả lừa.Tiếng là khám bệnh miễn phí ( mỗi cái ống
nghe, hững hờ rê rê quanh vú ) nhưng thuốc thì bán đắt lòi mắt, đắt hơn cả bọn buôn
ngoài đầu chợ.
Chẳng dè, chuẩn bị đón
giao thừa năm nay, nhà ông Inh đón ngay quả lộc to tướng. Chính phủ cho thực
hiện nghị quyết 62.*** Ngoài tiền mặt ra, đủ cái Tết, quan trọng nhất là ông
được cấp thẻ Bảo hiểm y tế suốt đời. Vâng, đến lúc chết. À ! Chết còn có tiền
mai táng phí nữa. Đấy là phần an ủi dành cho những quân nhân trực tiếp đánh
Miên, chống Tầu hiện chưa có chế độ đãi
ngộ gì.
Anh chàng nọ, tình
nguyện viên trợ giúp pháp lý vùng cao còn hứa, sẽ tìm hồ sơ để làm cho ông bà
được hưởng chính sách theo nghị quyết 142 *** dành cho những người đi lính
trước 75, mà về suông ấy. Chắc sẽ hơi bị lâu, vì cả nước đã làm xong 3,4 năm
nay rồi. Dân vùng sâu không biết, nên bị thiệt. Phải quá. Nó tử tế quá. Té ra,
nó không phải cò. Nghe đâu lương hợp đồng của nó chỉ bằng tiền công thằng bé
nhà mình đi phụ hồ thôi đấy.
Sẽ nhớ mãi giao thừa năm
nay; sướng chảy nước mắt.
Nha Trang, 3/2015
* Hàng dát: Người bán thịt gia súc.
** Tên bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu
*** Tên các nghị quyết về chính sách với
người có công trong kháng chiến và bảo vệ tổ quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét