Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

THÁI TỬ ĐẢNG

VẦNG TRĂNG HẠ HUYỀN
( Ký sự hai lần qua Sơn La)
1.Giáp hạt năm 1987.
 Đói vàng mắt.
Quê tôi, vựa lúa nơi châu thổ sông Hồng mà dân phải nháo nhác chạy lên vùng bán sơn địa Đồn Dương, Hàng Trạm (Hoà Bình) khuân sắn về kìn kìn, lấy công làm lãi, chỉ dám ăn đầu đầy, nhiều sơ, ít bột sái quai hàm. Mới  ở Đức về, khá giả hơn người làng tí chút, tôi đong gạo trắng, thổi cơm thơm nhức mũi mấy đứa cháu hàng xóm thập thò ngoài đầu ngõ. Nhìn những ánh mắt hau háu quanh nồi cơm phả hơi ngào ngạt, nhớ cảnh sung túc bên Đông Âu trẻ em ngày ăn 5,6 bữa lòng tôi se sắt…
Thế rồi, tôi bỗng thành “ con phe” bất đắc dĩ đầy tủi nhục.
Đó là khi tôi lên thăm và chuyển quà cho gia đình anh bạn trên Điện Biên, đợi hai ngày vẫn không mua được vé xe về. Đang buồn nản thì gặp được ngay chàng lính xế quá cảnh tăm hàng để xuôi cho quá giang. Mừng như chết đuối vớ cọc, giá có đắt hơn,  nhưng lại được thoải mái trải nghiệm cùng “ hung thần đường 6”. Mới nghĩ đã sướng rên.
Rong ruôỉ đến Mường Ẳng thì xe dừng lại ăn hàng. Sắn thái lát/ chặt khúc phơi ối ái suốt dọc đường. Mỗi nhà mỗi giá, tuỳ độ trắng ngon, hoặc khô, hoặc ẩm; nói chung là thuận mua vừa bán; lão xế cứ vờ ca cẩm đắt như thuốc đau mắt thế hả giời? Nhưng rắc rối chỉ thực sự nổi lên khi mã cân cuối cùng được ních lên chật thùng; cửa hậu đóng mãi mới chịu ăn ngàm, Chốt sổ, lão xế khẩn khoản chỉ đủ trả mỗi hộ nửa tiền, còn khất chuyến sau lên thanh toán nốt. Thế là ầm ầm như chợ vỡ. Dân bản xông lên xe, nhất quyết một hai đòi bới tháo sắn xuống. Lão xế ma lanh, liếc xéo vào chiếc RADO mạ vàng trên cổ tay tôi thầm thì cầu cứu. Lão rủ tôi chung. Nào có biết giá cả gì đâu, lờ lãi thế nào, nhưng nghĩ đến những đứa cháu ở nhà đang thèm cơm, nửa xe sắn này dễ cứu được cả đại gia đình qua cơn bĩ cực, tôi gật đầu cái rụp, với điều kiện lão phải chở về tận nhà cho tôi. Hợp đồng miệng được ký kết bằng cái bắt tay. Xong.
Lão lái xe được tôi cứu nguy bàn thua trông thấy, sướng củ tỷ, cười  nói ha hả, chuyện như pháo rang qua đèo Pha Đin.
-Dằng dặc quanh co thế này mà cụ Tố Hữu xưa chỉ gọi là dốc nhỉ?
-Đây thuộc đất Sơn La rồi chú em ạ! Thuận Châu, tiếng vậy thôi chứ có mà nghịch châu. Nghịch nặng. Xa xưa tên là Mường Muổi, có giặc Thượng Nghiễm ngang ngạnh chống lại triều đình, đức Lê Thái Tông phải hai lần thân chinh phạt mới yên. Thời phong kiến đế quốc bọn người Mông xưng vua đấy, Pháp còn phải kiềng. Đầu thị trấn rồi, nghỉ tý nhỉ?
- Có gì lạ không? Tôi háo hức.
- Giời ơi! Thế mà cũng đòi báo với chả chí! ( Tôi trót chém gió, mình là thông tin viên báo quân đội ) Đây là nơi cụ Hồ, bác Giáp lên thăm khu tự trị Thái Mèo, khen khoai sọ bản Củ Cang ngon lắm đấy!
-Hay quá! Thế phải mua một vài rọ về ăn xem ngon mức độ nào mà được lãnh tụ khen nhỉ?
Một đèo nữa. Lại một đèo nữa. Nhìn hai bên đồi rặt đất cằn, cây cộc điù hiu. Xuống hết đèo gặp thị xã Sơn La phơi mình lô nhô trong nắng. Nghèo quá, chẳng mấy cái nhà ngói. Tôi thốt lên. Thì ra thị xã vừa qua bị hoả hoạn thiêu rụi bản Lầu. Đang dọn những bức tường đổ nát, những cây cột đen nhẻm, xiêu vẹo tang thương. Ông lính xế lại được dịp trổ tài hiểu nhiều, biết rộng, hào phóng dừng xe, chỉ tay sang nghĩa trang Gốc Ổi ( đúng ra là Tô Hiệu). Đối diện bên kia trên đỉnh ấy là khu di tích Nhà ngục Sơn La, cổ thụ xanh um rủ bóng trầm tư. Giờ ta vẫn đặt bộ máy hành chính tỉnh ở trên đồi Khau Cả ấy đấy. Đẹp. Bao quát hết cả vùng. Cha bố thằng thực dân giỏi thật. Quy hoạch trước hàng trăm năm mà không lạc hậu nhỉ? Lão cười sằng sặc khi xe lăn qua cầu Cầu Trắng, huơ tay qua vô lăng: Chú mày nhìn thấy gì chưa, chả bù cho mấy kiến trúc sư thời ta còn giỏi nữa? Ồ hô! Đếm đi! Một dãy 13 nhà vệ sinh mới xây vôi quét trắng toát, ý tứ quay lưng ra đường, còn mặt hướng vào khu đất rộng làm bãi đỗ xe ca.! Đúng là khổ nhục kế, binh pháp Tầu chú mày nhỉ?
Tôi phục lão lái xe sái cổ. Nếu không vướng cái xe sắn ngẫu hứng trời đánh kia, thế nào tôi cũng tụt xuống đây thăm thú để thoả lòng khao khát. Xe đã qua mà cổ tôi còn ngoái lại. Đấy là sân bay Nà Sản hoang phế, nhìn từ quốc lộ 6 vào thấy loang loáng đường băng còn sáng nhễ. Đầu tôi như vang lên lời giảng về nghệ thuật đánh công kiên rút ra bài học từ xương máu các dũng sĩ can trường đánh trận Nà Sản ác liệt năm nào…
           Chiếc Barie bằng cây tre quyệt sơn mầu đỏ trắng xen kẽ nhau như con rắn cạp nong khổng lồ vừa nhổng lên cho một chiếc xe qua, lại đã vội hạ ngay xuống bởi chiếc dây thừng có người đeo băng đỏ sải tay ghì kéo một lèo, va mạnh vào chốt ngang xuyên hai đố đứng chôn vệ đường, rung lên bần bật. Tiếng còi xoé lên, cùng với lá cờ đuôi nheo mầu đỏ trong tay chú mặc sắc phục vừa chạy ra giơ lên vụt xuống, nhanh và dứt khoát như nhát chém.
           - Gì thế nhỉ? À! Thì ra là ngăn sông cấm chợ vẫn nghe nói trên đài.
           - Đây là đâu ? Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
          Mấy người trong đội liên ngành vững như bê tông, không mảy may xúc động trước sự van nài của các khổ chủ chúng tôi. “ Lý lẽ con phe”, lời phỉ báng thoát ra từ miệng người đeo xắc cốt đen như mũi kiếm xiến vào tim khiến tôi, chẳng những không gục ngã, mà mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Tôi cãi vì thấy cực vô lý. Sắn đâu phải hàng quốc cấm. Bảo là nhà nước quản lý thì tại sao trên Điện Biên, Thuận Châu… phơi bán đầy đường, ai mua bao nhiêu tuỳ thích?
         - Chờ đấy! Lão tổ trưởng hậm hực nhìn tôi nói rồi cùn cụt bỏ đi, khoảng nửa giờ sau thì tôi hoàn toàn bị giục xuống bởi tờ giấy pơluya trắng, đánh máy chữ xanh tím than, phó chủ tịch huyện ký, được dấu quốc huy đỏ chót đóng đè lên, do lão đích thân trịnh trọng mở xắc cốt ra, đưa cho tôi với vẻ mặt đắc thắng. Đó là quyết định thu mua xe sắn chúng tôi với giá chỉ nhỉnh hơn tiền thuê bốc vác một chút.
           Tỉnh dậy, tôi ngơ ngác nhìn quanh, toàn người lạ, bần thần nhớ chuyện vừa nãy, lại buốt nhói nơi ngực. Thì ra, lúc tôi tiếc của, khựu xuống mê man, người ta dìu vào nằm nghỉ nhờ nhà cô gái này. Hỏi han, biết cô là lính D này, E nọ, F391 mới chuyển ngành về huyện hội phụ nữ. Trời ơi! Tôi mừng rỡ reo lên. Cùng đơn vị rồi. Trước anh ở Bộ tham mưu 559, giờ đổi là Binh đoàn 12 đấy em. Vâng! Như là đã gặp nhau ở đâu rồi ấy, anh nhi?
. Em chu đáo như người chị hiền biết lo toan, động viên tôi mạnh dạn trình bày hoàn cảnh lên chú bí thư đi. May ra…. Bên uỷ ban áp nguyên tắc, đôi khi thái quá, khổ dân. Chứ khối Đảng và đoàn thể đều thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc, vận dụng mềm mại để thấu tình đạt lý của chú bí thư…Em lại cũng như đứa em gái ngoan, xăng xái đi kiếm giấy bút, kê bàn, kéo ghế… khiến tôi phấn chấn hẳn.
Và một phần ngàn tia hy vọng đã loé lên.
Cơm nước xong, (nhệu nhạo vài miếng để em vui lòng, chứ nuốt sao nổi) tôi hăm hở thảo ngay một đơn kêu cứu khẩn cấp rồi tất tả cùng em ( người nhà rồi mà) sang nhà chú chánh văn phòng huyện uỷ. Gọi là nhà cho sang, chứ thực chỉ là nửa gian lán lợp gianh, vách trát bùn rơm, nền đất lồi lõm mà nhẵn thín, trông gọn gàng sạch sẽ. Chăm chú nghe xong câu chuyện tôi trình bày, chú bảo, bây giờ dân cũng phải học mà biết buôn, chứ cân gạo hôm nay bán ra, tiền giữ chặt trong váy, sáng mai chỉ mua được có bẩy tám lạng, không biết nó chạy đi đâu mất? Ai cho nhiều tiền thì mình khắc bán cho, ai bán rẻ mình khắc mua, không ép buộc nhau được? Tôi mừng quýnh, liu ríu nói không rõ lời:Đú…ng  đúng vậy bố ạ! Chú đứng lên cẩn thận gấp tờ đơn đặt vào lòng cuốn sổ, bỏ trong túi thổ cẩm khoác lên vai không quên dặn tôi cứ yên tâm ngồi đợi chú lên tr×nh thủ trưởng.
Thực lòng, tôi không dám mơ ước cao xa, chỉ mong họ duyệt lại mua cho cái giá phải chăng để mình đỡ lỗ thôi, chứ theo như tờ quyết định quỷ quái kia, thì rõ mất đứt cái RADO mạ vàng cùng chiếc nhẫn 24 Cara đeo ngón giữa, kỷ vật được bòn nhặt, tích cóp từ hàng trăm đêm lọ mọ quét tầu hoả nơi xứ tuyết lạnh thấu xương…Lại hiện lên hình ảnh những đứa cháu đói dài cổ ngong ngóng chú về kiếm bữa ăn no. Ngồi một mình trong phòng chật hẹp xa lạ, thời gian như chậm quánh lại. Quen tay giơ lên xem giờ. Nhẹ bÉng råi. Buồn não ruột. Giận mình quá. Tự dưng đâm đầu vào rọ. Hận lão lính xế bẻm mép ngáy pho pho, mặc kệ tôi ngược xuôi hồ tẩu. Và uất ức… cứ duyềnh lên.
Tiếng chú văn phòng lướt vào tai nhẹ như gió thoảng:
-Bí thư mời đồng chí lên gặp ngay bây giờ!
Tôi lập cập theo sát chân người cán bộ mái tóc đã hoa râm nhưng dáng rất thanh thoát, nhanh nhẹn, còn phân vân không biết bí thư sẽ hỏi gì để giả nhời thì đã thấy chú ra hiệu dừng lại. Qua cánh cửa khép hờ, dáng người đàn ông cúi lom khom nghiêng tai áp vào ống nghe, còn ống thoại có vẻ như hơi nghểnh ra xa đang lúi húi ghi chép. Sau này, tôi mới ngộ dần, phải chăng đó là phong thái của những người nghe nhiều hơn nói. Chứ lúc ấy, tôi chỉ biết hít một hơi đẫy cho bớt hồi hộp. Bí thư huyện ủy còn khá trẻ so với sự tưởng tượng của tôi, dáng người tầm thước, rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị với hàng chân mày rậm, nhưng vẫn toát lên vẻ phúc hậu. Ánh nhìn thẳng. chân tình chứ không vẻ gi soi mói, lời nói cũng ấm cúng: Đồng chí có giấy tờ chứng minh những điều đã viết trong đơn chứ ?
-Thưa anh! (đang là đối tượng bị xử lý, tôi đâu dám đồng chí, đồng tình với bí thư ) Có đủ ạ!
- Thế thì tốt! Anh lại cắm cúi viết. Lúc sau anh ngẩng lên:
-Đồng chí có vi phạm theo quyết định xxx về quản lý lương thực, đáng  phải xử lý như quyết định do đồng chí phó chủ tịch huyện đã ký ban sáng.
Tôi sững người, chưa kịp định thần thì anh như đọc luôn trong tờ giấy giải quyết công việc:
“Nhưng xét nguồn gốc hàng hóa, nhân thân chủ hàng cũng như phương tiện, nếu đúng như đơn trình bày, đề nghị đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân huyện linh hoạt xem xét giải quyết thu hồi lại quyết định đã ký.!”
Trong lúc chờ chú Páo (tên đồng chí chánh văn phòng huyện uỷ) lên đóng dấu, anh rót nước mời tôi, cử chỉ ân cần như tiếp người thân làm tôi cảm động. Anh hỏi giá mua sắn trên Điện Biên, giá thu mua huyện mới áp sáng nay, rồi rủ rỉ tâm sự như không hề có sự ngăn cách nào, giữa quan đầu huyện với kẻ vãng lai đang vướng oan khiên:
-  Góc độ cá nhân mà nói, nếu các anh mà về địa phương tôi tiêu thụ sắn cho bà con, tôi còn cảm ơn. Sản xuất phải nhờ lưu thông kích thích  mới phát triển được. Năm ngoái, mận tam hoa đổ thối đầy vệ đường xót xa lắm. Vụ sắn này phải thay đổi, tôi đã kiến nghị thường vụ khẩn cấp xem xét chứ cứ để mấy ông bà lương thực mới thương nghiệp quen khệnh khạng, giá cả đã bèo bọt, lại chậm tiền, thái độ hách dịch nữa…dân không chịu đâu? Mình lại dùng chính sách để ép, thì dân chết đói. Bản thân người làm dịch vụ phải thay đổi chứ, phải cạnh tranh lành mạnh với tư thương như các anh chứ (Tôi giật thót người, lắp bắp. Dạ ..da.) Mục đích cuối cùng là giá cả phải hợp lý, người đi buôn sống thì người trồng sắn cũng phải có ăn mới sống được. Rồi giọng anh chùng xuống, trồng cái anh sắn này, phá đất lắm. Anh khoe bản anh, xã anh mới đưa cây cà phê chè  vào chắc hiệu quả kinh tế cao hơn. Có khách đến, tôi ý tứ lui ra, đúng lúc chú Páo tới  dẫn tôi sang bên ủy ban trình bày với chủ tịch huyện. Từ lúc ấy, tôi như người ngoại quốc, mù mờ nghe hai chú trao đổi với nhau bằng tiếng Thái chả hiểu gì. Một lúc sau, xuất hiện thêm một cán bộ người cao gầy, nói giọng Nghệ. Anh ta chắp bút, sau khi hỏi tôi một số thông tin. Cuối cùng, anh xin phép chủ tịch đọc biên bản làm việc. Trời ơi! Ba cái tiêu chí mà đồng chí bí thư gợi ý, đã được anh diễn giải thế này:
1/ Xuất xứ hàng hoá: Sắn mua giá cao từ Lai Châu về. Không hoá đơn. Tội danh lũng đoạn thị trường.
2/ Nhân thân chủ hàng: Bộ đội (học nước ngoài) nghỉ phép kết hợp buôn chuyến.
3/ Phương tiện: Xe quân sự đánh quả.
Tôi chỉ biết kêu trời thầm trong bụng. Suy diễn kiểu này quả không sai là mấy nhưng oan lắm. Miệng nhà quan có gang, có thép. Lớ ngớ dễ ngồi tù đến nơi chứ chả bỡn đâu ?
Những tưởng mình kiên gan lắm, đã từng tay bo với thằng Tầu cao vượt cả chỏm đầu, bị nó đá cho ngã sóng soài, thế nhưng đúng lúc nó giơ cẳng đạp vào háng thì tôi bật dậy húc đầu chí mạng vào háng nó làm cu cậu chết giấc ngay tức khắc. Sao giờ đây tôi cam chịu để hai hàng nước mắt túa ra.? Em gái huyện hội thập thò vẫy vẫy: Sao rồi anh? bọn quản lý thị trường bảo 5 giờ không đến nhận tiền thì họ xung công quỹ! Chú Páo đến bên tự lúc nào, đặt tay lên vai tôi bóp nhẹ, rồi tất tả cắm đầu bước rảo về khu huyện uỷ.
Bạn đọc kính mến! Tôi không đủ vốn từ để diễn tả hết nỗi uất hận được vất đi, thay bằng niềm hân hoan vỡ oà ở phút cuối cùng ngày làm việc hôm ấy khiến tôi nức nở, cứ đứng như trời trồng trước cửa phòng chủ tịch huyện, khiến ai đi qua cũng ngạc nhiên rồi phì cười. Mãi sau lão lính xế chạy ra lôi xềnh xệch, quát toáng lên, tôi mới nín, lẽo đẽo theo lão về kho lương thực nhận lại hàng. Chằng buộc xong xuôi thì trời tối mịt.
 Ngồi vào mâm cơm được một lúc thì điện tắt ngấm (Máy phát chỉ chạy chừng chừng mười rưỡi, mười một giờ vậy vậy.).Ôi! trăng hạ tuần! Ai đó kêu lên, rồi tất cả cùng ngó lên đỉnh đầu thích thú. Trăng sáng nhễ nhại và mát lạnh. Bê mâm ra ngoài sân, lại quàng chéo tay nhau uống rượu nhận anh em. Hẹn gặp lại. Nhá. Nhất định rồi. Vậy mà tôi vô tâm quá, đã không hỏi tên em. Đến giờ vẫn chưa biết tên em. Dù chỉ cần nhắm mắt là hình ảnh cô gái mảnh dẻ, nước da nâu giòn, mái tóc thưa thả xoã ngang lưng, với ánh mắt đầy lo toan của một người quen tần tảo bữa ấy…lại hiện lên. Nao lòng.
2. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, mãi đến năm 2010, tôi mới có dịp ngược Tây Bắc, giữa mùa thu ngô mênh mông vàng rộm. Suốt rẻo Mộc Châu, Yên Châu đến Mai Sơn thi thoảng lại gặp nhà xưởng sấy ngô khung thép, mái tôn to rộng xếp cao chất ngất, 2,3 con đầu kéo 4, 5 chân lùi vào ăn hàng vẫn còn lọt thỏm. Sơn La là thủ phủ mới của cà phê và ngô. Hai cây chủ lực cùng với cây chè truyền thống đã xoá đói, giảm nghèo và làm nên thương hiệu mạnh cho hòn ngọc miền Tây tổ quốc. Sơn La đã thay da đổi thịt từng ngày. Sự no ấm, phong lưu đã hiển hiện từ những bộ đồng phục học trò đẹp mắt, phấp phới tấp nập trong các khu trường cao tầng khang trang, đầy ắp những tiếng cười vui; hiển hiện trên những khuôn mặt phụ nữ rạng ngời mải miết hái cà phê từng chùm đỏ rực mà tôi vừa hỏi chuyện. Ở cả anh thợ lái chiếc máy cày be bé, như rong chơi trên ruộng nước. Hiển hiện ở các cơ sở dịch vụ hiện đại ô tô, điện máy, viễn thông… Rồi chợ, rồi dọc các phố sầm uất đầy ắp hàng hoá.cao cấp xếp tràn cả vỉa hè mời mọc người mua..nói không ngoa chứ không hề thua kém thị trấn miền Đông nước Đức hồi tôi học.(1987). Tuy đây đó ở vùng sâu, vùng xa… vẫn còn  gian khó, thậm chí nghèo, nhưng tôi vững tin so với hơn 20 năm trước, ngày tôi lạc bước quá giang, Sơn La đã vươn dậy thần kỳ, như một giấc mơ và còn tiến mạnh hơn, vững chắc hơn.
 Nghĩ về chuyến đánh quả cò con vô tiền khoáng hậu năm nào, về sự ấu trĩ một thời cung cách phân phối lưu thông, tôi càng nhớ em bộ đội chuyển ngành về huyện hội phụ nữ, nhớ chú Páo, chánh văn phòng huyện uỷ, chắc đã mừng lên đại thọ. Đặc biệt, người bí thư huyện uỷ Mai Sơn hồi đó, qua báo đài tôi được biết anh vẫn tỉnh uỷ viên, hiện là phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, uỷ viên Hội đồng dân tộc QH ( khoá XII.) Tài ấy, đức ấy anh xứng đáng được giao trọng trách ấy để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Dấu ấn đậm nét của chính khách từng đăng đàn nhiều lần trên nghị trường quốc hội, chính là nguyện vọng cấp thiết nảy sinh từ cuộc đại di dân lịch sử trên công trường thế kỷ lớn nhất Đông Nam Á mà anh được gần triệu dân Sơn La tin yêu gửi gắm quyền thay mặt họ. Vâng ! Thưa các bạn chính là anh Cầm Chí Kiên. qua chú Páo, hồi ấy tôi còn biết anh là con trưởng của nhà cách mạng lão thành, người vinh dự dược Bác Hồ đặt tên: Cây Măng Vàng.( Hoàng Nó) trong hơi men chuyếnh choáng tôi nhanh nhẩu tiếp lời: Trứng rồng lại nở ra rồng/ Măng vàng vàng đã măng vàng lớn khôn.
 Loanh quanh tôi cũng gặp được anh, bên lề hội nghị. Hơn 20 năm rồi thấy anh có già đi, hói lên đỉnh đầu, càng lộ vầng trán rộng sáng láng, thông minh. Phong thái vẫn khoan thai, đĩnh đạc như xưa. Vẫn giọng nói ấm, vang và ánh nhìn nồng hậu..Tôi gợi chuyện xưa, hỏi anh còn nhớ chăng? Thật không ngờ. Anh ngơ ngác một lúc rất lâu mới khẽ gật đầu, cười độ lượng, nắm chặt tay tôi: Buồn cười nhỉ? Ôi !Cái chỉ đạo mang tầm chiến lược góp phần xoá nạn cát cứ địa phương, ngăn sông cấm chợ đáng nguyền rủa. Đó là ánh trăng hạ tuần, đêm trước của đổi mới, tạo đà cho đổi mới, với anh chỉ nhẹ nhàng như lẽ tự nhiên vậy thôi sao?
3. Mấy ngày gần đây rộ lên chuyện Thái tử Đảng, tôi bỗng nhớ tới anh cùng câu chuyện lúc sa cơ thời trẻ, cùng với suy nghĩ thật bình dị. Nếu mọi thái tử Đảng vì lợi ích của dân, dám chỉ đạo thay đổi cả quyết định của chính quyền…thì sao ta không hoan nghênh ủng hộ?

                                               NĐ, 9/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét