Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Ngơ ngác

Trước sự  cách tân thơ, mình ngơ ngác. Không biết sự hay của các bài thơ ấy. Mình có hỏi nhà thơ Kim Dũng, anh ấy cũng nói: Chưa thẩm kỹ được! Song chắc chắn một điều, thơ hay thì phải rung động trái tim người. Không lẽ, mình không là người trung bình?
Đọc một số người phản bác, trong đó có Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hiếu... nay thêm một vị phân tích bài "đỉnh "của " đỉnh "cách tân Nguyễn Quang Thiều, cũng là  một cách học chứ sao
Bài đăng trên trang Lê Thiếu Nhơn
BÀI THƠ VỤNG VỀ CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU 

       
 TRẦN ĐÌNH THU

Tôi nghe tiếng bài thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” của Nguyễn Quang Thiều từ rất lâu, nhưng mới được đọc nó cách nay 2 năm. Lúc ấy tôi tìm kiếm những bài thơ hay trên mạng để đưa vào danh mục bình chọn thơ hay. Khi tiếp xúc với văn bản bài thơ này, tôi lập tức thất vọng với cái danh xưng “hay nhất thế kỷ 20” của nó.
 

Đây là một bài thơ với ý tứ đơn giản, viết về cuộc sống nghèo ở một vùng sông nước. Đàn bà lo việc bếp núc (gánh nước sông), đàn ông lo cuộc sống gia đình (đi câu), trẻ con không được chăm sóc chu đáo (cởi truồng chạy theo mẹ). Qua nhiều năm tháng, cảnh nghèo nàn ấy không đổi thay (năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời người). Đấy, toàn bộ ý tứ chỉ có vậy. Không có gì khác ngoài những ý tứ lộ rất rõ trong bài thơ.
 

Để cho bài thơ không bị rơi vào sự tầm thường đơn giản như vậy, tác giả thêm vào một “nhân vật” là những con cá thiêng (những con cá thiêng quay mặt khóc). Nhưng sự cố gắng này không đem đến hiệu quả gì thú vị cho bài thơ. Cá thiêng, cuối cùng nó chỉ là con cá bình thường, con cá không chịu ăn mồi, vì người câu vụng về quá (trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi).
 

Tôi có đọc thấy tác giả có nói lý do khi viết bài thơ: Đó là những hình ảnh đẹp nhưng đau lòng. Cái tứ ấy có thể làm thành một bài thơ hay. Nhưng có cái tứ ấy ở trong tay, tác giả lại “lực bất tòng tâm”. Đọc lên không thấy đẹp, không thấy đau lòng mà ngược lại thấy chán. Nói về cái đẹp, đâu ai chỉ cho tôi thấy chỗ nào đẹp đâu? Có thể có những sự cố gắng miêu tả ở những câu này:
 
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng

Nhưng do cái cách dùng từ dùng hình ảnh của tác giả tôi thấy dửng dưng lắm. Cũng là phụ nữ gánh, ta hãy xem Hàn Mặc Tử tả thế nào:
 
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? 

Chẳng cần miêu tả cụ thể cái đòn gánh một đầu bấu vào đâu, đầu còn lại bấu vào đâu, chẳng cần vẽ ra mây ra trời, nhưng hình ảnh hiện lên thật rõ ràng, sinh động. Vì sao vậy? Làm thơ cũng như vẽ tranh. Ăn thua là cái nét vẽ thôi, không cứ là anh vẽ nhiều hay vẽ ít. Hàn Mặc Tử không vẽ cụ thể nhưng hình ảnh gợi lên cụ thể. Nguyễn Quang Thiều tỉ mẩn vẽ từng chút nhưng bức tranh cứ như không thấy gì. Vô hồn.
 

Tôi không thấy buồn khi đọc bài thơ. Vì sao vậy? Đó là do cách chọn hình ảnh của tác giả. Có nhiều cách chọn trước một đối tượng.
 
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái
Đây là những hình ảnh của những người đàn bà xấu xí. Mà đàn bà xấu xí thì chỉ làm cho ta thương thôi chứ không làm cho ta buồn. Đàn bà đẹp mới làm cho ta buồn. Đàn bà xấu may chăng chỉ gây sự chú ý cho các nhà từ thiện khi đi cứu trợ.
 
Ta hãy đọc một đoạn thơ buồn của Yên Thao:
 
Tôi có người vợ trẻ 
Đẹp như thơ 
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ 
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín 
Ai ra đi mà chẳng từng bịn rịn 
Rời đau thương nào đã mấy ai vui 
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi 
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ

Người vợ trẻ của Yên Thao phải đẹp thì độc giả mới nao lòng, mới “nghe hồn nhỏ lệ”. Chứ người vợ trẻ của Yên Thao mà “móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái” thì chẳng có ma nào thèm buồn. 
 

Nguyễn Quang Thiều không tinh tế khi làm thơ. Hay nói cách khác, anh có tố chất của người viết văn xuôi hơn là làm thơ. Vì thế anh lựa chọn hình ảnh không thơ. Đọc bài thơ cứ như là đọc bài văn xuôi, tả cái xóm nghèo lao động nào đó ở quê tác giả. Tác giả quên phắt cái từ “nàng thơ” đi rồi. Xưa nay có ai làm thơ vì đàn bà xấu không? Thị Nở có thể trở thành một hình ảnh điển hình là nhờ gặp ông nhà văn Nam Cao. Chứ nếu thị mà gặp ông nhà thơ thì đời thị cũng chẳng ra gì đâu.
 

                ***
Nguyên văn bài thơ

Những người đàn bà gánh nước sông
                        
 
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt

Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi

Bàn tay kia bấu vào mây trắng

Sông gục mặt vào bờ đất lần đi

Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ

Những con cá thiêng quay mặt khóc

Những chiếc phao ngô chết nổi

Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi


Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy

Sau những người đàn bà gánh nước sông và lũ trẻ cởi truồng

Chạy theo mẹ và lớn lên

Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến

Con trai lại vác cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ

Và cá thiêng lại quay mặt khóc

Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét