Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Mười bốn trăng tê tái gôm cùm

Lâu không vào blog. Mình có sao đâu mà cũng bị chặn hoài. Tự nhiên sinh ra ngại.
Nay tải một bài viết về Bác Hồ, trong khoảng thời gian " Mười bốn trăng tê tái gông cùm" ( Tố Hữu) đẻ " Lại thương nỗi đọa đầy thân Bác." Vâng dù thế nào di nữa

HỒ CHÍ MINH NHỮNG NGÀY TRONG TÙ Ở QUẢNG TÂY TRUNG QUỐC
21.5.2012
Chịu trách nhiệm biên tập:  Quách Vĩ Vĩ
Người dịch:  Quốc Thanh
Trích yếu:  Phùng Ngọc Tường nói với Lý Tông Nhân:  “Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây chỗ các ông, thế ông không sợ Tưởng Giới Thạch đổ vấy  cho mình à?” Lý Tông Nhân thấy Phùng Ngọc Tường nói rất có lý, liền đồng ý cùng với ông ta đi gặp Tưởng Giới Thạch.
Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, và cũng là người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc. Trong cả sự nghiệp cách mạng dài tới 60 năm của ông, có một thời gian bôn ba, phấn đấu, tìm đường cứu nước ở nước ngoài. Hồ Chí Minh từng nhiều lần tới Trung Quốc, đã kết nên tình hữu nghị nồng hậu với Đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng đã phải trải qua bao nguy hiểm và gian nan. Bị bắt ở Quảng Tây vào thập kỷ 40 của thế kỷ 20 chính là một đoạn trải nghiệm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của ông.
Bị bắt ngồi tù
Năm 1942, cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã có được sự tiến triển quan trọng. Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) do Đảng cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam) chỉ đạo sáng lập đã có ảnh hưởng không ngừng lan rộng. Rất nhiều nơi đã triển khai hoạt động du kích. Nhưng Việt Minh vẫn chưa thiết lập được mối liên hệ với bất cứ quốc gia nào trong mặt trận chống Pháp trên thế giới. Đồng thời, mối quan hệ giữa tổ chức Việt Minh ở khu vực Hoa Nam Trung Quốc với chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc đang có chiều hướng căng thẳng. Trước tình hình ấy, việc làm sao để Việt Minh liên hệ được với bên ngoài, nhằm mở rộng thêm ảnh hưởng của mình và tranh thủ được sự viện trợ của quốc tế một cách có hiệu quả, đã trở thành một vấn đề bức bách. Để hoàn thành được nhiệm vụ trọng yếu và nguy hiểm này, đòi hỏi phải phái một người vừa hiểu biết về Trung Quốc, lại vừa có uy tín tới Trùng Khánh. Và Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập Việt Minh liền trở thành ứng cử viên được mọi người nhất trí lựa chọn. Vào trung tuần tháng 8, Nguyễn Ái Quốc  rời khỏi căn cứ địa chống Pháp ở tỉnh Cao Bằng Việt Bắc bí mật tới Trung Quốc. Để bảo vệ bí mật, đánh lạc hướng theo dõi từ bên ngoài, ông đã dùng một cái tên mới – Hồ Chí Minh. Cái tên Hồ Chí Minh kể từ đó đã đi theo ông ta suốt đời.        
  Ngày 25.8.1942, Hồ Chí Minh đến Ba Mông Vu ở huyện Tịnh Tây Quảng Tây, đầu tiên ở tại nhà người nông dân Từ Vĩ Tam 3 ngày. Ngày 27.8, được người nông dân Dương Đào Đới dẫn đường. Khi đi đến thôn Túc Vinh, huyện Đức Bảo thì bị cảnh sát thôn ở Văn phòng thôn của Quốc dân đảng truy hỏi. Cảnh sát thôn phát hiện trong người Hồ Chí Minh ngoài có giấy chứng nhận của “Chi hội Việt Nam – Hiệp hội chống xâm lược quốc tế” ra, còn mang theo cả thẻ hội viên “Trung Quốc thanh niên tân văn ký giả học hội” và giấy thông hành quân dụng của Sở chỉ huy Chiến khu thứ tư của chính quyền Quốc dân đảng. Nhưng tất cả những giấy tờ chứng nhận ấy đều đã hết hạn, cảnh sát thôn nhận định Hồ Chí Minh có nhân thân phức tạp, là nghi can gián điệp quan trọng nên liền ra lệnh bắt giữ ông. Ngày 29.8, Hồ Chí Minh bị giải đi từ huyện Đức Bảo tới huyện Tịnh Tây. Nhà cầm quyền Tịnh Tây cho rằng Hồ Chí Minh là người Việt Nam mà lại mang trong người nhiều loại giấy tờ chứng nhận của phía Trung Quốc, rõ ràng là nghi can gián điệp quan trọng, liền quyết định giao ông ta cho cơ quan quân sự tối cao của Quảng Tây -  Văn phòng Quế Lâm thuộc Ủy ban quân sự chính phủ Quốc dân để thẩm tra. Hồ Chí Minh viết thư cầu cứu huyện trưởng Tịnh Tây, bởi ông ta đã từng gặp vị này ở Quế Lâm, nhưng vị huyện trưởng đã từ chối không gặp. Hồ Chí Minh lại viết thư cho quan chức cấp cao Quốc dân Đảng cũng không có hồi âm.    
  Ở Tịnh Tây, một nông dân Trung Quốc tên là Vương Tích Cơ từng kết nghĩa anh em với nhà cách mạng Việt Nam đã đến nhà tù để thăm Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh thông qua Vương Tích Cơ để viết thư về trong nước, báo tin ông ta đang bị bắt ngồi tù. Ở Tịnh Tây được nửa tháng, nhà cầm quyền lại giải Hồ Chí Minh tới một nơi khác. Cứ như vậy, cách 2 tuần hoặc nửa tháng, nhà cầm quyền lại đổi Hồ Chí Minh đến một nhà tù khác. Mỗi lần di chuyển đều bắt ông ta mang còng tay và cùm chân, đồng thời có 5 lính vũ trang áp giải. Thường là lên đường vào lúc sáng sớm, rồi đến chiều tối mới đến được một nhà tù khác, nhiều khi còn phải đi tới hai ba ngày.  
  Trong phòng giam, tù nhân chính trị ở lẫn với các tù nhân nghiện hút và bị bệnh giang mai, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phòng giam chật chội tới mức đến cả một chỗ nằm cũng không có. Nhiều khi Hồ Chí Minh đành phải ngồi cả trên thùng phân, nếu có ai đi đại tiểu tiện, còn phải đứng lên nhường cho người ta ngồi. Sáng ra, việc đầu tiên cần phải làm là đi đổ thùng phân. Có một lần, Hồ Chí Minh vừa tỉnh dậy đã phát hiện thấy có người tù bên cạnh bị chết. Gây khó chịu khổ sở nhất ở trong phòng giam là ghẻ lở, rận rệp, tối đến còn có muỗi. Các tù nhân gọi rận là “chiến xa”, rệp là “xe tăng”, muỗi là “máy bay”. Sống trong tình cảnh ấy, Hồ Chí Minh bị ghẻ lở đầy người, người gầy giơ xương, tóc bị rụng rất nhiều. Tính từ 29.8.1942, Hồ Chí Minh lần lượt bị giam ở 13 nhà tù thuộc 13 huyện Tịnh Tây, Điền Đông, Long An, Thiến Đẳng, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu… Đến 10.12.1942 thì tới Quế Lâm. Không lâu sau, lại bị giải đến Liễu Châu giao cho Cục chính trị Sở tư lệnh trưởng Chiến khu thứ tư để thẩm vấn.       
 Được tự do trên danh nghĩa
  Được biết Hồ Chí Minh bị bắt ngồi tù ở Quảng Tây, Đảng cộng sản Việt Nam vô cùng sốt ruột, đã nhiều lần lấy danh nghĩa “Chi hội Việt Nam – Hiệp hội chống xâm lược quốc tế” để gửi điện cho Tôn Khoa là Viện trưởng Viện lập pháp chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc nhờ tìm tung tích của Hồ Chí Minh. Sau đó lại thông qua các phương tiện truyền thông như hãng tin AP, Reuters, AFP, TASS… để tạo dư luận, tìm đủ mọi cách để buộc chính quyền Quốc dân đảng thả Hồ Chí Minh. Nhưng chính quyền Quốc dân đảng đã làm ngơ. Trước tình hình ấy, Đảng cộng sản Việt Nam đành phải cầu cứu tới Đảng cộng sản Trung Quốc. Diên An lập tức gọi điện báo cho Chu Ân Lai đang ở Trùng Khánh để nhờ ông ta nghĩ cách giải cứu Hồ Chí Minh. Chu Ân Lai đã biết Hồ Chí Minh từ hồi ở Pháp vào thập niên 20 của thế kỷ 20. Thời kỳ đại cách mạng, giữa hai vị đảng viên cộng sản trẻ tuổi còn qua lại với nhau nhiều lần hơn ở Quảng Châu và đã thiết lập nên tình cách mạng sâu đậm. Nhận được chỉ thị từ Diên An, Chu Ân Lai tuy bị ốm nặng vừa khỏi, phụ thân lại vừa qua đời, nhưng vẫn đích thân tới gặp Tưởng Giới Thạch để trao đổi trực diện. Đồng thời lại còn ủy thác cho vị tướng ái quốc Phùng Ngọc Tường tới vận động Lý Tông Nhân là nhân vật cộm cán của Quảng Tây[i], hối thúc phía Quảng Tây nhanh chóng tìm ra tung tích Hồ Chí Minh. Chu Ân Lai nói với Phùng Ngọc Tường: “Hồ Chí Minh là người bạn lâu năm của tôi, nếu có gì bất trắc thì sao còn nói chuyện đạo nghĩa được nữa.”    
 Phùng Ngọc Tường vừa kiên quyết chống Nhật, lại vừa có cảm tình với đảng cộng sản, phản đối Tưởng Giới Thạch đầu hàng bán nước. Giải cứu Hồ Chí Minh trong tình thế này phải hết sức mạo hiểm. Qua các kênh khác nhau, ông ta biết được đích thân Tưởng Giới Thạch tham dự vào vụ án Hồ Chí Minh, nếu không có cái gật đầu của Tưởng Giới Thạch thì chẳng ai dám làm gì. Sau khi bàn bạc với Đoàn cố vấn Liên Xô do Quốc dân đảng mời đã quyết định sẽ lợi dụng mối mâu thuẫn giữa Lý Tông Nhân với Tưởng Giới Thạch để buộc Tưởng Giới Thạch phải thả Hồ Chí Minh.   
  Phùng Ngọc Tường nói với Lý Tông Nhân:  “Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây chỗ các ông, thế ông không sợ Tưởng Giới Thạch đổ vấy cho mình à?” Lý Tông Nhân thấy Phùng Ngọc Tường nói rất có lý, liền đồng ý cùng với ông ta đi gặp Tưởng Giới Thạch. Phùng Ngọc Tường nói với Tưởng Giới Thạch: “Hồ Chí Minh có phải là cộng sản hay không tạm thời không bàn, mà ngay cả có đúng là thế thì ông ta cũng thuộc Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta có quyền, liệu có cần phải bắt giữ các đảng cộng sản nước ngoài không? Các thành viên của Đoàn cố vấn Liên Xô chẳng phải cũng là đảng cộng sản đó sao? Thế sao không bắt giữ họ đi? Đồng thời, Việt Nam đã ủng hộ chúng ta kháng chiến, Hồ Chí Minh phải là bạn của chúng ta, chứ sao lại trở thành tội nhân? Giả dụ lại đi coi những bạn bè nước ngoài ủng hộ chúng ta kháng chiến là tội nhân, thế thì cuộc kháng chiến của chúng ta là giả à? Lại chẳng mất hết mọi sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế hay sao? Nếu là kháng chiến thực sự, thì phải mau chóng thả Hồ Chí Minh ra!” Lý Tông Nhân ngồi cạnh cũng đế thêm: “Cái lẽ phải thả Hồ Chí Minh, Phùng tiên sinh đã nói cả rồi. Tôi xin hỏi ông, sao lại phải bắt giữ Hồ Chí Minh ở Quảng Tây? Đây chẳng phải là đổ vấy cho Quảng Tây sao? Đây là ý của cấp dưới hay là mệnh lệnh của ông?” Tưởng Giới Thạch đuối lý, đành nói: “Thôi được, sẽ cho người đi điều tra xem sao ngay”. Cuộc nói chuyện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thả Hồ Chí Minh sau đó.      
  Trong khi đó, trong nội bộ tổ chức Việt kiều “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” (gọi tắt là Việt cách) ở Liễu Châu cũng đánh nhau kịch liệt, tổ chức rơi vào trạng thái tê liệt. Một vài người có cái nhìn sâu sắc trong Cục chính trị Chiến khu thứ tư của chính quyền Quốc dân đảng, dựa trên những gì đã biết về con người Hồ Chí Minh, cũng đã kiến nghị Tư lệnh trưởng Chiến khu thứ tư Trương Phát Khuê thả Hồ Chí Minh, để ông ta tham gia vào các hoạt động của “Việt Nam cách mạng đồng minh hội”. Chính trong bối cảnh ấy, Tưởng Giới Thạch cuối cùng đã phải ra lệnh cho Chiến khu thứ tư thả Hồ Chí Minh. Vì vậy mà Hồ Chí Minh đã được rời khỏi nhà tù vào 10.9.1943, để giao cho Cục chính trị Chiến khu thứ tư “quản chế”. Từ đó, Hồ Chí Minh được trả lại tự do trên danh nghĩa.   
  Tham gia hội nghị
Hồ Chí Minh tuy đã ra khỏi nhà giam, nhưng vẫn chưa thực sự được trả lại tự do.  Mong muốn của Trương Phát Khuê là để Hồ Chí Minh phục vụ cho mưu đồ của ông ta, điều này khiến cho Hồ Chí Minh lại có thêm được một quãng trải nghiệm khó quên. Tháng 10.1942, tổ chức Việt kiều “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” được thành lập ở Quảng Tây, các ủy viên ban chấp hành đều là những người có mối quan hệ mật thiết với Quốc dân đảng lâu nay, đứng đầu là một vị tướng của Quốc dân đảng tên là Trương Bội Công.   
  Một người khác nữa là Nguyễn Hải Thần, ông ta đã ở tuổi thất tuần, cư trú tại Trung Quốc suốt từ năm 1912, tiếng Việt đã quên mất gần hết. “Việt Cách” ngay từ ngày đầu thành lập đã bị khốn đốn bởi những người đứng đầu tranh quyền đoạt lợi, loại trừ lẫn nhau. Ngoài ra, một bộ phận các thành viên của Việt Nam độc lập đồng minh ở Côn Minh cũng lần lượt viết thư cho Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Khuê, tuyên bố không thừa nhận “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” vừa mới được thành lập, với lí do tổ chức này không có đại diện ở trong nước, hơn nữa chủ tịch ban chấp hành lại là do một vị tướng của Quốc dân đảng Trung Quốc đảm nhận. Trước tình hình ấy, theo ý đồ của Trương Phát Khuê, vào tháng 8.1943 đã thành lập một tổ chức có Việt Minh tham gia ở Liễu Châu, lấy tên là Ủy ban trù bị Hội nghị những người ái quốc Việt Nam, đồng thời mời Hồ Chí Minh tham gia.    
  Lúc đầu, Hồ Chí Minh từ chối không tham gia. Ông ta nói: “Thời gian tôi chờ đợi tự do đã rất dài rồi, bây giờ không còn có quyền để hoang phí thêm một ngày nào nữa. Trong nước có rất nhiều việc cấp bách và quan trọng đang chờ tôi. Ở đây sẽ có một người thay mặt tôi tham gia”. Nhưng đến ngày hôm sau, Hồ Chí Minh liền nhận được thư của Trương Phát Khuê. Trong thư Trương Phát Khuê yêu cầu Hồ Chí Minh bất luận thế nào cũng phải tham gia vào ủy ban này, rồi còn giở giọng ép buộc cho biết sự tham gia của Hồ Chí Minh là điều kiện tiền đề để trả lại tự do cho ông ta. Sự việc đã rất rõ ràng, Trương Phát Khuê muốn thông qua Hồ Chí Minh để điều khiển cuộc hội nghị lần này. Chính vì Trương Phát Khuê đã biết được thân thế và uy tín của Hồ Chí Minh, đã ý thức được đối thủ cần giao thiệp sau này chính là Hồ Chí Minh, cho nên đã thay đổi hẳn thái độ ứng xử với Hồ Chí Minh. Sự tham gia của Hồ Chí Minh sẽ khiến cho không khí của Ủy ban trù có sự thay đổi rất lớn. Những thành viên phản đối mạnh mẽ việc hợp tác với Đảng cộng sản Việt Nam và Việt Minh trong “Việt Cách” trước đây, lúc này không còn hằm hè gì nữa. Như vậy, vấn đề thành viên tham gia hội nghị của Ủy ban trù bị sẽ nhanh chóng đi đến thống nhất. Những thành viên này là:  Đảng cộng sản Đông Dương, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt  Minh), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách), Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Đại Việt Đảng. Một số đại biểu phản đối Đại Việt Đảng tham gia hội nghị, với lí do nó có khuynh hướng thân Nhật. Hồ Chí Minh thì tán thành để cho Đại Việt Đảng tham gia, cho rằng như vậy sẽ tranh thủ được những phần tử có tư tưởng ái quốc trong đó để phục vụ cho cách mạng. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn đề nghị mời thêm một vài đại biểu thuộc các đoàn thể không tham dự vào chính trị  như Hội Phật giáo, Hội Khai trí… tham gia hội nghị. Tiếp đó, Hồ Chí Minh còn đề xuất mở rộng thêm thành viên hội nghị, để cho đại biểu các Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc cùng được tham gia hội nghị với Việt Minh. Những đề nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ  từ những người lãnh đạo Việt Cách như Trương Bội Công… Họ cho rằng nếu làm như vậy thì thế lực của Việt Minh sẽ chiếm đại đa số trong hội nghị. Trước tình huống này, Hồ Chí Minh quyết định mời Trương Phát Khuê  đứng ra làm trọng tài, thế rồi liền viết cho Trương Phát Khuê một bức thư. Trương Phát Khuê vốn tôn trọng Hồ Chí Minh, lại cân nhắc đến cả đoạn khởi đầu tốt đẹp mà ông ta vừa mới tiếp xúc với Việt Minh, không muốn dẫn đến phiền phức trong chuyện này, nên đã ủng hộ đề nghị của Hồ Chí Minh.      
  Mấy ngày sau, Trương Phát Khuê mở tiệc mời đại biểu các phía của Ủy ban trù bị, đồng thời có một bài nói rằng: “Tôi cho rằng, nếu đợi cho đến khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn toàn thấu đáo rồi mới tổ chức hội nghị là quá sai lầm. Từ sự cân nhắc này, tôi đã mời đại biểu Hồ (Hồ Chí Minh) soạn thảo bản kế hoạch tổ chức hội nghị giùm tôi. Tôi đã xem rất kĩ và cho rằng đây là một bản kế hoạch cách mạng, chỗ nào cũng thể hiện được tinh thần bình đẳng và nguyện vọng tăng cường đoàn kết giữa các đảng phái cách mạng của Việt Nam. Tôi xin tiến cử bản kế hoạch này với các ông”. Bài nói của Trương Phát Khuê đã chốt lại, Trương Bội Công đành phải cảm ơn Trương Phát Khuê  mà không dám có ý kiến gì khác. Các đại biểu khác cũng buộc lòng phải tán thành với bản kế hoạch do Hồ Chí Minh soạn thảo.    
  Để bảo đảm cho cuộc hội nghị được tiến hành thuận lợi, không bị bên ngoài phá rối, Trương Phát Khuê đã lấy hội trường của Chiến khu thứ tư làm địa điểm tổ chức hội nghị. Hội nghị đã được tiến hành rất “trang nghiêm”, “long trọng”, đại biểu các phía đều đóng âu phục giầy da, nhưng Hồ Chí Minh thì vẫn ăn mặc như thường ngày. Ông ta biết rõ không ít người trong hội trường đều đứng về phía đối lập với cách mạng Việt Nam, nhưng trong cuộc họp vẫn tỏ ra tự nhiên thoải mái. Trong bài nói của mình ông đã chú trọng giới thiệu những hoạt động của Việt Minh, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của Pháp, Nhật. Trương Phát Khuê nhiều lần vỗ tay, biểu thị sự hoan nghênh bài nói của Hồ Chí Minh, đồng thời ngồi dự cho đến lúc tan họp. Nhờ có Trương Phát Khuê đích thân trấn giữ mà Hồ Chí Minh được bầu làm ủy viên dự bị Ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách).      
 Khi hội nghị kết thúc, Hồ Chí Minh nói với người ngồi cạnh: “Kết quả của cuộc hội nghị là thành công lớn của chúng tôi. Chúng tôi tham gia hội nghị là đúng, còn tẩy chay hội nghị là sai lầm. Tất nhiên, chúng tôi không thể ảo tưởng về Tưởng Giới Thạch, nhưng chúng tôi có thể, và hơn nữa là cần phải thông qua Trung Quốc để tìm đường liên hệ với các đồng minh khác, nhằm tranh thủ được sự viện trợ cho sự nghiệp giải phóng của chúng tôi”. Trương Phát Khuê đã tổ chức được cuộc hội nghị thành công và đạt được mục đích cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội bằng sự ủng hộ và giúp đỡ của Hồ Chí Minh. Sau khi thỉnh thị Trùng Khánh, Trương Phát Khuê đồng ý cho Hồ Chí Minh về nước, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam.     
  Trong điều kiện nhà tù hết sức khắc nghiệt và sự giám sát chặt chẽ của cai ngục, Hồ Chí Minh đã viết 133 bài thơ chữ Hán, bao gồm các thể thơ thất tuyệt[ii], thất luật[iii], ngũ sắc và tạp thể. Hồ Chí Minh đã viết chúng trên giấy bồi, đính lại thành một cuốn sách nhỏ, trên bìa viết 4 chữ “Ngục trung nhật ký”. Những bài thơ này đã dùng thứ ngôn ngữ giản dị để phơi bày sự đối xử phi nhân tính mà các phạm nhân phải chịu đựng dưới sự thống trị của Quốc dân đảng, đã thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc đối với quần chúng lao khổ, đã phản ánh được ý chí kiên cường, niềm tin tất thắng và tấm lòng rộng mở của một nhà cách mạng vô sản. Bài đầu tiên trong đó viết rằng:  Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao, Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao.  
Bản tiếng Việt © Việt Sử Ký 2012
Bản tiếng Việt © Quốc Thanh

[i]   Nguyên văn:  Quế hệ (桂系):  Một trường phái quân phiệt ở thời kỳ Trung Hoa dân quốc lấy tỉnh Quảng Tây và người địa phương làm trung tâm –ND.
[ii]   Thất tuyệt:  Thơ bốn câu, mỗi câu bảy chữ – ND
[iii]   Thất luật:  Thơ tám câu, mỗi câu bảy chữ – ND.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét