Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

LÀM ĐÀN BÀ KHÓ LẮM

1. Chẳng cần phải giả vờ nữa, cái đầu gối giờ nhức nhối thật rồi, tưởng có bầy dòi lúc nhúc đang rấm rứt cắn trong xương, bà Cảo bặm môi, dồn sức vào mười đầu ngón tay bấm bẹo và nhay nhay mãi vẫn chả ăn thua gì.
-Sao cái của nợ ở chết mãi bên ấy cơ chứ? Bà lẩm bẩm rủa. Sự nghi hoặc mơ hồ tựa cái nhọt lớn dần trong lòng bà, giờ to rồi, nóng rồi, bức bối lắm rồi. Đứa đứt ruột đẻ nó ra thì nó bỏ mặc ruồi tha, kiến cắn lại rỗi hơi đi hầu lềnh kẻ dửng người dưng; có uất không hả cái đầu gối này? Không thèm bấu bẹo nữa mà đấm, đấm cật lực vào đôi gối củ lạc tội nghiệp chỉ da bọc xương rồi bà ti tỉ khóc. Lúc sau hơi dịu trong người thì nghe líu ríu tiếng nói cười của con gái vọng từ ngoài ngõ; bà lại bốc hoả, gạt phăng luôn bộ ấm chén cọc cạch chiếc úp, chiếc ngửa trong cái khay nhôm trên phản xuống nền nhà kêu đánh xoảng, rồi hổn hển chết mất thôi, khổ cái thân tôi, giời ơi là giời!
 Đứa con gái huơ huơ tay, nghểnh cái đầu lên, môi miệng cười cười con đây, con đây; lon xon qua miếng sân chạt rảo nhanh vào nhà, rờ rẫm qua cửa, đụng phải người bà, vội ngồi thụp xuống, xoa nắn rối rít. Đó là Xuân, con gái út bà Cảo, hồi xưa ông ép bà cố mói khi đã hết sạch bẩn mình rồi. Nó là đứa con chấy rận, mà giời nỡ bắt tội, hồi ba bốn tuổi, sau trận đậu mùa, mắt nó mờ dần đi rồi chả nhìn thấy gì nữa; từ bấy đến nay, ngót bốn chục năm.
 Bà Cảo biết tỏng, nó vừa từ đâu về nên giận ra mặt, quầy quậy vung hất tay Xuân ra, răng lại nghiến lợi trèo trẹo. Thằng bé độ 6, 7 tuổi vừa nãy dắt Xuân về thấy thế đâm hoảng lùi lùi dần ra ngõ mới dám cắm đầu chạy.
 Sao bà chả bực cơ chứ? Con gái già này có nhớn mà chẳng có khôn. Hồi gái tơ hơ hớ bà đã chẳng nơm nớp lo canh ngày, canh đêm không mày đã phải bả lũ đàn ông hau háu rình thỏ non phổng phang, trắng bễu mà ngờ nghệch rồi đấy à? Bà chả lạ cái loại khát thằng chống gậy cà cới dai như đỉa đói, ỡm ờ gạ thả giống là giỏi ấy. Ra nếp thì nó rước, nhược bằng tẻ thì nó bỏ của chạy người. Nhõn thằng giai mạn Thuận bằng vai phải lứa, mù đặc đấy nhưng cải lương, nhạc vàng hay như yểng, nỉ non rủ làm vợ chồng xẩm bám tầu hỏa sinh nhai, mày sợ con cái sau này nảy giống bố mẹ sẽ mù tịt, khổ hơn. Ừ! Vậy là đúng! Nhưng hiện giờ đám danh giá dường này, gái lành khối đứa mơ chả được. Họa là người dở mới chê sao mày cũng lắc? Hử? Hử ?…
 Nghĩ mà tiếc đứt ruột! Ông con rể hờ ( phải gọi thế mới phải phép) ấy bảo đón cả bà lên phố nữa (Không dám) cũng tiêu chả hết lương hưu đại tá tháng hơn chục triệu bạc. Con cái ông ta phương trưởng bên Úc cả, sơn hào hải vị gửi về xoành xoạch nên nước da ông càng đỏ au đồng hun và nói cười oang oang như lệnh vỡ thế. Chúng gửi tiền công cả năm cho Trung tâm tầm quất người mù để ông đến chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Lạ, cả cơ sở chín mười tay đấm bóp đó, ông ấy chỉ thích mỗi cái Xuân nhà bà đánh cho thôi. Sướng cái sự dịu dàng, không, ông ta bảo yêu quý cử chỉ ân cần như âu yếm của con gái bà qua từng động tác, chứ không chỉ là bổn phận bán mua công sức thôi đâu. Đấy chả duyên ông Tơ bà Nguyệt xe cho thì cái gì khiến ông ấy đức cao vọng trọng hạ cố xuống làm bạn nhà mình chân đất mắt đui hử? Ông ta còn thủ thỉ, nếu cưới được hôm trước, hôm sau ông ấy sẽ làm ngay lại bìa hồng, để con Xuân nhà bà được chung quyền. Nghe vậy, biết vậy nhưng rồi làng xóm nhỏ to thì bà nở thầm từng khúc ruột. Ai đó chả mách bà rằng nhà ông ta 3 tầng lừng lững mặt phố nườm nượp người, chỉ mẹt dưa, liễn cà bày ngoài cửa, cũng tùng tiệm cho bà già chả sợ mang tiếng ăn bám ai. Ờ! Có nhẽ thế thật chứ. Bà vốn mát tay mà. Dưa, cà vàng ươm và thơm lựng chả bao giờ kháng khú. Mới nghĩ đến thế lòng già đã lâng lâng trẻ lại như trưa hè ngồi dưới bóng tre phanh yếm áo hứng gió nồm nam. Ui giời! Nói dại chứ, vài mươi năm nữa, ông ấy về già, nó còn được tý lương mà bấu víu, chứ đâu khốn khổ như đời bà! Làng xóm ai cũng mừng vun vào. Đúng giời có mắt các bá nhẩy, có phúc có phần cấm có sai. Người bạo miệng bảo cái Xuân như chuột sa chĩnh gạo, ngang trúng sổ xố độc đắc đấy. Bao giờ làm lễ Vu quy nhớ cho chúng tôi ướt mép, ướt môi với nhá.
 Bà chắc mẩm bao nhiêu thì càng đau bấy nhiêu khi con Xuân cứ một lặng, hai lặng để rồi cuối cùng buông một câu vỗ tuột mọi niềm hồ hởi của bà rơi xuống đất. Giời bắt tội ai nấy chịu, đèo bòng chi cho khổ người, khổ ta!
 Bà Cảo bực lắm. Thuyền rồng đến tận nơi đón rước, còn cành cao cành thấp thì suốt kiếp thuyền chài nhá, lọ mọ hơn cả tao chứ tưởng à? Tim vàng tim bạc đâu ra mà hão huyền chờ với chả đợi. Nhưng đấy là chỉ bực một, còn cái tội hễ sểnh ra là nó cứ men mẻn sang hứng việc cho nhà Cường trên xóm Chùa mới làm bà bực hai, bực ba cơ. Uất nghẹn đầy ứ cổ đây này, nuốt làm sao được mà cơm với chả cháo. Cháo với chả lão. Được con gái day bấm mân mê vùng vai gáy, xoa bóp chân tay bằng sự thuần thục với cả lòng ăn năn, cơn hỏa của bà Cảo từ từ hạ cùng tiếng lảm nhảm thưa dần rồi lịm hẳn. Một lúc sau từ cái miệng mở hờ bà đã thở hắt ra những tiếng khù khù nặng nhọc. Xuân hiểu và thương mẹ lắm. Bà phổi bò, bực lên thì mất mặn mất nhạt vậy chứ giận ai được lâu bao giờ đâu. Sao hôm nay đốc chứng thế chứ? Hay là mẹ biết chuyện rồi? Ý nghĩ len lỏi qua làm Xuân thoáng sững người, bất chợt ngơi tay, ruột gan bổi hổi lo. Bà Cảo tinh thật, đang phù phù đều lại rên rỉ ngay được sao ông không về dẫn tôi đi? Để tôi một mình khổ vầy ông ơi, hời… Xuân mím môi, đôi tay ráo riết miết vần để bà ư hừ khẽ dần rồi lại chìm vào giấc ngủ gà chập chờn đầy mộng mị.
2. Ông đại tá hưu là khách ruột của cơ sở tầm quất người mù vài ba năm nay, gần đây mới nghe mấy bà sồn sồn rỉ tai nhau Xuân làm sướng lắm, nhẹ nhõm lắm muốn trải nghiệm tý xem sao. Nể ông, chủ dàn xếp cho, bảo con này nó yếu ngày đánh bốn ca thôi. Xong mỗi ca, nó phải thiền nửa tiếng mới lại sức. Ác cái, các bà khách ruột thay nhau giữ rịt kín mít lịch, càng khiến ông tò mò. Đúng. Mê mẩn không tin nổi. Đôi cườm tay cô nàng vần vũ nông sâu rung động cả buồng gan lá lách làm đan điền ông hừng hực, thức ran cả vùng ủ rũ bấy lâu. Rõ là nguồn năng lượng sinh học tràn trề, tràn sang làm ông phấn chấn. Hồi tại ngũ, cậu công vụ con lão tầm quất chiếu manh ở Cửa Nam chẳng đêm nào không làm các khớp của ông kêu khùng khục. Nghỉ hưu thì được mấy cô mù dở ở cơ sở mát xa lành mạnh thành phố này, biết hoàn cảnh ông đã rất ân cần vuốt ve, âu yếm thái quá, nhưng có bao giờ ông cảm thấy trẻ ra như lúc này. Tự nhiên muốn Xuân là của riêng mình. Vua chúa xưa chẳng từng lấy âm dưỡng dương đó thôi. Ông hăm hở tìm về quê Xuân, rồi dốc hết bầu tâm sự với bà Cảo. Ông vững tin thành công, bởi mình có rất nhiều lợi thế. Chẳng ngờ Xuân an phận, không bắt nhời. Âu cũng đành, nhân duyên là nợ. Giờ ông chỉ muốn Xuân tuần đánh cho vài lần mà cũng khó. Nghe đâu, anh chàng liệt hút cạn sức nàng rồi.
*
3. Chàng liệt tên Cường, suýt soát ba mươi tuổi, vóc vâm váp, tay như khúc chão bện rám nâu, khoanh để trước lòng, nằm lặng phắc trên giường đệm bông lau vải gai thô bụi bặm. Anh ta nhìn trân trân lên trần nhà chưa trát, không biết thức hay ngủ;  bởi lúc ngáy mắt nó vẫn mở hờ thế. Ai đến hỏi thăm đều liếc vào nơi cổ anh vẫn hằn vết thâm xì như người đeo tràng hạt chật, tay nắm cái bắp tay rồi sờ cái chân khô khỏng dưới lớp vỏ chăn nhàu nhĩ mầu cháo lòng, anh ta cũng kệ, không nhúc nhích.
Xuân ngồi trên chiếc ghế nhựa áp đuôi giường, lưng quay ra cửa, tay luồn dưới chăn cần mẫn nắn từng tý cẳng chân Cường. Thực ra, chẳng ai bảo cô ngồi xoa bóp lâu thế đâu. Hôm qua nghe mẹ bảo nhà Cường vợ tót sang Đài làm ôsin chồng hận đời tự tử, Xuân thót hẫng người muốn sang đó ngay xem sao. Ừ! Phải đấy. Mình nghèo hèn chẳng giúp được gì thì cũng nên có lời an ủi, xoa dịu cái đau buốt trong gan ruột bố con nó. Chớ theo người ta bỏ lời ác như quạt gió vào lò phải tội. Mẹ hào hứng thế cơ mà …
 Có hai cô cậu nhà báo về quay hình và ghi chép. Một người rờ rờ cái vòi nhựa trắng quấn từ háng Cường dẫn ra đang rỉ nước giải xuống cái lọ để dưới gậm giường, hỏi có biết mót không, ị cũng thế à? Ác nghiệt quá! Sao bảo khoảng nửa năm cơ thể sẽ phục hồi cơ mà? Ba bốn người đứng vây quanh hùa vào. Ôi giời! bác sỹ giờ vậy cả đấy. Xiền! xiền… không thì tay đau sẽ cắt chân. Không khéo chú Cường nhà mình bị thế… Đấy! Mới bảo phải 1 tỷ sang Sing phẫu thuật lại, tháo mấy cái đinh đóng nhầm vào tuỷ ra… Chết thôi! Nghèo thì chịu chết oan thôi.
Cuối năm ngoái, Cường cùng hai thợ xây bị ngã giáo khi đang trát ngoài ngôi nhà tầng trên phố, tưởng may không bị chết tươi và máu me toé nhoè như các thợ bạn, nhưng lại là kẻ đáng thương nhất. Mấy tháng nằm các bệnh viện trung ương vẫn không cứu được mấy đốt sống lưng cuối, anh đành bất lực chứng kiến nửa dưới cơ thể héo dần đi tong teo rồi mềm oặt. Nằm ngủ lắm cũng chán, không ngủ thì nhức mỏi, muốn cũng không tự ngồi dậy được. Ăn uống, ỉa đái phải gọi. Vậy có phải là sống không? Anh ta cắn răng tự hỏi. Ngắc ngoải chẳng làm được gì, ngày nào cũng người đòi nợ nhục quá. Uất ức cái vợ bạc bẽo, bỏ con tếch đi theo thằng nào. Muốn chết quách đi. Âm thầm lập mưu, rồi anh ta kiếm đoạn dây thép buộc 1 ly chập đôi tròng quanh cổ làm thòng lọng, luồn chiếc đũa cơm qua đó làm con nín xoắn vặn thít chặt căng xong, bình tĩnh rút ra, vứt đi. Động tác buộc cốt thép quen thuộc đơn giản mà chắc đét từng kiếm cơm cho đời thợ hồ đâu ngờ lại để kết liễu chính mình. Trời xui, đất khiến đứa bạn vô tình đến chơi tồng tộc phi xe máy lao thẳng vào sân. Trông thấy mặt Cường phù to, tím tái đã hiểu ngay sự tình và thằng này giỏi biết xử lý khẩn cứu được anh cu chán đời, dại dột.
Bố Cường, ông lão gầy gò, đầu tóc muối tiêu rối bù, lập cập bưng khay nước vối đến, đôi mắt lờ đờ ẩn dưới hốc trũng sâu, chậm chạp nhìn khách và hàm răng khấp khểnh chiếc mất, chiếc còn nhô chìa ra khiến đôi má tóp quắt lại, phều phào mời. Ai cũng ái ngại, ông ngần này tuổi đầu nhẽ được ung dung. Ông nói nhỏ, bên kia giường Xuân dỏng tai lên mới nghe câu được câu chăng. Vợ nó mỏng mày, hay hạt lại nhẫn nhịn nên cu cậu càng hận đời tợn…cắn răng chịu mãi, đêm nào chẳng tấm tức sụt sịt … rồi mới xin tôi về đằng ngoại vài ngày nói là chữa bệnh(!). Tôi ừ hữ bảo con cứ lánh đi dăm bữa nửa tháng yên tâm mà chữa trị. Nhà nhiều anh chị em thay nhau mỗi đứa chăm cho vài buổi. Biết đâu nó ma lanh, lá mặt lá trái thế! Thức lâu mới biết đêm dài cụ ơi, báu gì ngữ lanh lảnh tiếng đồng, chả hại chồng cũng hại con ấy, xéo sớm đỡ chật nhà. Ấy chết nói thế phải tội. Chuyện tiền nong à, tôi biết đâu nói đấy nhá. Trước thì tích cóp được đồng nào đổ vào cả cái nhà này rồi. Mọi người quay cổ ngó khắp lượt căn nhà mái bằng một thò hai thụt đang trát dở, cửa sổ gài tạm bằng phên tre. Chúng nó định bụng cứ dấn lên rồi vợ chồng chịu khó làm trả dần. Nghe đâu mới gán ngân hàng? Ai ngờ tai hoạ giáng xuống đau xót quá. Vâng đúng! Mới thế chấp lấy tiền cứu cháu ạ. Chủ nhà họ có động thái gì quan tâm? Thôi thì oan gia trái chủ, họ phúng đứa chết bao nhiêu tôi không biết còn cho em nó nhà tôi lít máu truyền. Anh thợ cả cũng lo cho vài triệu. Anh em họ tộc nhà tôi chỉ nhiều tình cảm, chạy lên chạy xuống thăm hỏi chứ tiền thì không có mấy, ai cũng nghèo cả. Thế sao đủ được, những mấy chục cơ mà? Còn thì cái Mơ giật nóng chỗ nọ, bỏ chỗ kia cũng nhiều, tôi bắt ghi chép đầy đủ cả. Ơn cứu mạng, lậy giời đất nhà tôi đâu dám quên. Nhưng ai bảo nó vay một chục, một trăm, hay một triệu thì tôi cũng đều chỉ biết vậy. Chứ bảo bố con tôi lo trả ngay thì nói bạc lỗ mồm… Vâng đúng là bức xúc quá cháu nó phẫn chí mất khôn…
 Lòng Xuân nhói lên. Chị ơi cứu em với! Không tiền tiếp máu, chồng em chết mất! Đôi hoa tai trong hộp nỉ êm mượt được gỡ ra rừ mấy lớp giẻ rách khâu quấn kỹ…
 Sung sướng cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt cô tìm mua con lợn thừa vú về lê la để mẹ đỡ buồn. Vứt lăn lóc thế, ngoảnh đi ngoảnh lại nó đã chắc nịch như ông đồ rau, bán đi được món. Xuân cẩn thận gấp từng tờ tiền làm tư cuộn vào nhau trong tờ giấy bóng nhét vào cạp quần chân què thùng thình của mẹ. Mẹ còn gài 2 cái kim băng chặn 2 bên mới bỏ vào giỏ đồ linh tinh treo trên vách, phía đuôi giường. Xuân nhớ in lúc mẹ giật nảy mình như đỉa phải vôi khi đứa con gái út tật nguyền lần sờ đôi dái tai, tháo cái nút vo bằng miếng giấy bạc lót vỏ bao thuốc lá tựa như hạt đỗ, rồi thay vào đó bằng đôi hoa tai một đồng cân vàng ta, nhẵn thín và mát rợn tay. Hôm ấy dùng dằng mãi, con biếu mẹ, mẹ tặng con làm của hồi môn nghẹn ngào, mắt ai cũng ngân ngấn nước. Mấy đêm sau đang ngủ mẹ cũng giật thót người thì thào còn không hay bị lừa mất rồi. Vùng mình gần đây xảy ra nhiều vụ thôi miên lắm. Cứ mê mẩn vào mở hòm bê hết tiền, vàng ra cho người ta mới khiếp chứ.
  …Đừng nói lời lãi làm gì, cứu được người là chị vui.…
Cô vội gạt ngay dồn hết tinh lực vào đôi tay. Cường vẫn thiêm thiếp ngủ, thi thoảng giật mình, khẽ thở dài rồi lại thỉu. Xuân cảm thấy từ sâu thẳm trong lòng Cường ngọn lửa sân hận đang hừng hực. Những viên thuốc an thần cô y tá cho Cường uống chỉ làm anh ta không thấy rát buốt thôi. Lửa càng bốc lên dữ nữa vì xung quanh luôn có không khí rủa xả uất hận hun nung. Sao lành vết thương, nói chi hồi phục. Xuân không được học, không nghĩ được xa, không biết nói hay, không dám nhiều lời nhưng cô lờ mờ cảm được những gì người ta không nhìn thấy. Hình như muôn ngàn con mắt li ti ở lỗ chân lông bàn tay mỗi khi cô tập trung tinh tinh thần sờ vào đối tượng. Rõ quá rồi. Cường cần một chỗ dựa êm mềm nhưng không bị chao đảo để bình tâm lắng lại, tĩnh tại rồi mới khoẻ và vui lên. Tiếc thay chỗ quý giá ấy bị chính Cường vô tình điên lên phá nát. Chứ chưa hẳn tại Mơ bất ngãi, bất nghì bỏ đi? Bây giờ nhà chỉ hai đàn ông kẻ tàn tật, người già nua luôn nhăn nhó, quanh ra quẩn vào với thằng bé, ăn còn phải dỗ thì sao giải toả cơn hoả đang ngùn ngụt? Rồi 3 miệng ăn trông cả vào phụ cấp mất sức chỉ đủ ngày vài bữa cháo loãng? Nhưng thiếu nhất cái dịu mát, bao dung của người đàn bà. Tiếc rằng mình…cô cắn môi lưỡng lự. Nhưng tình cảnh này thôi đành lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch chứ biết sao giờ? Xuân mỉm cười mỉa mình, rồi quả quyết. Mai cháu sang. Mơ trả tiền cho cháu làm việc này rồi! Lúc chào về cô điềm tĩnh bảo nhỏ ông bố Cường như thế.

*
( Còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét