Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

LÀM ĐÀN BÀ KHÓ LẮM

1. Chẳng cần phải giả vờ nữa, cái đầu gối giờ nhức nhối thật rồi, tưởng có bầy dòi lúc nhúc đang rấm rứt cắn trong xương, bà Cảo bặm môi, dồn sức vào mười đầu ngón tay bấm bẹo và nhay nhay mãi vẫn chả ăn thua gì.
-Sao cái của nợ ở chết mãi bên ấy cơ chứ? Bà lẩm bẩm rủa. Sự nghi hoặc mơ hồ tựa cái nhọt lớn dần trong lòng bà, giờ to rồi, nóng rồi, bức bối lắm rồi. Đứa đứt ruột đẻ nó ra thì nó bỏ mặc ruồi tha, kiến cắn lại rỗi hơi đi hầu lềnh kẻ dửng người dưng; có uất không hả cái đầu gối này? Không thèm bấu bẹo nữa mà đấm, đấm cật lực vào đôi gối củ lạc tội nghiệp chỉ da bọc xương rồi bà ti tỉ khóc. Lúc sau hơi dịu trong người thì nghe líu ríu tiếng nói cười của con gái vọng từ ngoài ngõ; bà lại bốc hoả, gạt phăng luôn bộ ấm chén cọc cạch chiếc úp, chiếc ngửa trong cái khay nhôm trên phản xuống nền nhà kêu đánh xoảng, rồi hổn hển chết mất thôi, khổ cái thân tôi, giời ơi là giời!
 Đứa con gái huơ huơ tay, nghểnh cái đầu lên, môi miệng cười cười con đây, con đây; lon xon qua miếng sân chạt rảo nhanh vào nhà, rờ rẫm qua cửa, đụng phải người bà, vội ngồi thụp xuống, xoa nắn rối rít. Đó là Xuân, con gái út bà Cảo, hồi xưa ông ép bà cố mói khi đã hết sạch bẩn mình rồi. Nó là đứa con chấy rận, mà giời nỡ bắt tội, hồi ba bốn tuổi, sau trận đậu mùa, mắt nó mờ dần đi rồi chả nhìn thấy gì nữa; từ bấy đến nay, ngót bốn chục năm.
 Bà Cảo biết tỏng, nó vừa từ đâu về nên giận ra mặt, quầy quậy vung hất tay Xuân ra, răng lại nghiến lợi trèo trẹo. Thằng bé độ 6, 7 tuổi vừa nãy dắt Xuân về thấy thế đâm hoảng lùi lùi dần ra ngõ mới dám cắm đầu chạy.
 Sao bà chả bực cơ chứ? Con gái già này có nhớn mà chẳng có khôn. Hồi gái tơ hơ hớ bà đã chẳng nơm nớp lo canh ngày, canh đêm không mày đã phải bả lũ đàn ông hau háu rình thỏ non phổng phang, trắng bễu mà ngờ nghệch rồi đấy à? Bà chả lạ cái loại khát thằng chống gậy cà cới dai như đỉa đói, ỡm ờ gạ thả giống là giỏi ấy. Ra nếp thì nó rước, nhược bằng tẻ thì nó bỏ của chạy người. Nhõn thằng giai mạn Thuận bằng vai phải lứa, mù đặc đấy nhưng cải lương, nhạc vàng hay như yểng, nỉ non rủ làm vợ chồng xẩm bám tầu hỏa sinh nhai, mày sợ con cái sau này nảy giống bố mẹ sẽ mù tịt, khổ hơn. Ừ! Vậy là đúng! Nhưng hiện giờ đám danh giá dường này, gái lành khối đứa mơ chả được. Họa là người dở mới chê sao mày cũng lắc? Hử? Hử ?…
 Nghĩ mà tiếc đứt ruột! Ông con rể hờ ( phải gọi thế mới phải phép) ấy bảo đón cả bà lên phố nữa (Không dám) cũng tiêu chả hết lương hưu đại tá tháng hơn chục triệu bạc. Con cái ông ta phương trưởng bên Úc cả, sơn hào hải vị gửi về xoành xoạch nên nước da ông càng đỏ au đồng hun và nói cười oang oang như lệnh vỡ thế. Chúng gửi tiền công cả năm cho Trung tâm tầm quất người mù để ông đến chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Lạ, cả cơ sở chín mười tay đấm bóp đó, ông ấy chỉ thích mỗi cái Xuân nhà bà đánh cho thôi. Sướng cái sự dịu dàng, không, ông ta bảo yêu quý cử chỉ ân cần như âu yếm của con gái bà qua từng động tác, chứ không chỉ là bổn phận bán mua công sức thôi đâu. Đấy chả duyên ông Tơ bà Nguyệt xe cho thì cái gì khiến ông ấy đức cao vọng trọng hạ cố xuống làm bạn nhà mình chân đất mắt đui hử? Ông ta còn thủ thỉ, nếu cưới được hôm trước, hôm sau ông ấy sẽ làm ngay lại bìa hồng, để con Xuân nhà bà được chung quyền. Nghe vậy, biết vậy nhưng rồi làng xóm nhỏ to thì bà nở thầm từng khúc ruột. Ai đó chả mách bà rằng nhà ông ta 3 tầng lừng lững mặt phố nườm nượp người, chỉ mẹt dưa, liễn cà bày ngoài cửa, cũng tùng tiệm cho bà già chả sợ mang tiếng ăn bám ai. Ờ! Có nhẽ thế thật chứ. Bà vốn mát tay mà. Dưa, cà vàng ươm và thơm lựng chả bao giờ kháng khú. Mới nghĩ đến thế lòng già đã lâng lâng trẻ lại như trưa hè ngồi dưới bóng tre phanh yếm áo hứng gió nồm nam. Ui giời! Nói dại chứ, vài mươi năm nữa, ông ấy về già, nó còn được tý lương mà bấu víu, chứ đâu khốn khổ như đời bà! Làng xóm ai cũng mừng vun vào. Đúng giời có mắt các bá nhẩy, có phúc có phần cấm có sai. Người bạo miệng bảo cái Xuân như chuột sa chĩnh gạo, ngang trúng sổ xố độc đắc đấy. Bao giờ làm lễ Vu quy nhớ cho chúng tôi ướt mép, ướt môi với nhá.
 Bà chắc mẩm bao nhiêu thì càng đau bấy nhiêu khi con Xuân cứ một lặng, hai lặng để rồi cuối cùng buông một câu vỗ tuột mọi niềm hồ hởi của bà rơi xuống đất. Giời bắt tội ai nấy chịu, đèo bòng chi cho khổ người, khổ ta!
 Bà Cảo bực lắm. Thuyền rồng đến tận nơi đón rước, còn cành cao cành thấp thì suốt kiếp thuyền chài nhá, lọ mọ hơn cả tao chứ tưởng à? Tim vàng tim bạc đâu ra mà hão huyền chờ với chả đợi. Nhưng đấy là chỉ bực một, còn cái tội hễ sểnh ra là nó cứ men mẻn sang hứng việc cho nhà Cường trên xóm Chùa mới làm bà bực hai, bực ba cơ. Uất nghẹn đầy ứ cổ đây này, nuốt làm sao được mà cơm với chả cháo. Cháo với chả lão. Được con gái day bấm mân mê vùng vai gáy, xoa bóp chân tay bằng sự thuần thục với cả lòng ăn năn, cơn hỏa của bà Cảo từ từ hạ cùng tiếng lảm nhảm thưa dần rồi lịm hẳn. Một lúc sau từ cái miệng mở hờ bà đã thở hắt ra những tiếng khù khù nặng nhọc. Xuân hiểu và thương mẹ lắm. Bà phổi bò, bực lên thì mất mặn mất nhạt vậy chứ giận ai được lâu bao giờ đâu. Sao hôm nay đốc chứng thế chứ? Hay là mẹ biết chuyện rồi? Ý nghĩ len lỏi qua làm Xuân thoáng sững người, bất chợt ngơi tay, ruột gan bổi hổi lo. Bà Cảo tinh thật, đang phù phù đều lại rên rỉ ngay được sao ông không về dẫn tôi đi? Để tôi một mình khổ vầy ông ơi, hời… Xuân mím môi, đôi tay ráo riết miết vần để bà ư hừ khẽ dần rồi lại chìm vào giấc ngủ gà chập chờn đầy mộng mị.
2. Ông đại tá hưu là khách ruột của cơ sở tầm quất người mù vài ba năm nay, gần đây mới nghe mấy bà sồn sồn rỉ tai nhau Xuân làm sướng lắm, nhẹ nhõm lắm muốn trải nghiệm tý xem sao. Nể ông, chủ dàn xếp cho, bảo con này nó yếu ngày đánh bốn ca thôi. Xong mỗi ca, nó phải thiền nửa tiếng mới lại sức. Ác cái, các bà khách ruột thay nhau giữ rịt kín mít lịch, càng khiến ông tò mò. Đúng. Mê mẩn không tin nổi. Đôi cườm tay cô nàng vần vũ nông sâu rung động cả buồng gan lá lách làm đan điền ông hừng hực, thức ran cả vùng ủ rũ bấy lâu. Rõ là nguồn năng lượng sinh học tràn trề, tràn sang làm ông phấn chấn. Hồi tại ngũ, cậu công vụ con lão tầm quất chiếu manh ở Cửa Nam chẳng đêm nào không làm các khớp của ông kêu khùng khục. Nghỉ hưu thì được mấy cô mù dở ở cơ sở mát xa lành mạnh thành phố này, biết hoàn cảnh ông đã rất ân cần vuốt ve, âu yếm thái quá, nhưng có bao giờ ông cảm thấy trẻ ra như lúc này. Tự nhiên muốn Xuân là của riêng mình. Vua chúa xưa chẳng từng lấy âm dưỡng dương đó thôi. Ông hăm hở tìm về quê Xuân, rồi dốc hết bầu tâm sự với bà Cảo. Ông vững tin thành công, bởi mình có rất nhiều lợi thế. Chẳng ngờ Xuân an phận, không bắt nhời. Âu cũng đành, nhân duyên là nợ. Giờ ông chỉ muốn Xuân tuần đánh cho vài lần mà cũng khó. Nghe đâu, anh chàng liệt hút cạn sức nàng rồi.
*
3. Chàng liệt tên Cường, suýt soát ba mươi tuổi, vóc vâm váp, tay như khúc chão bện rám nâu, khoanh để trước lòng, nằm lặng phắc trên giường đệm bông lau vải gai thô bụi bặm. Anh ta nhìn trân trân lên trần nhà chưa trát, không biết thức hay ngủ;  bởi lúc ngáy mắt nó vẫn mở hờ thế. Ai đến hỏi thăm đều liếc vào nơi cổ anh vẫn hằn vết thâm xì như người đeo tràng hạt chật, tay nắm cái bắp tay rồi sờ cái chân khô khỏng dưới lớp vỏ chăn nhàu nhĩ mầu cháo lòng, anh ta cũng kệ, không nhúc nhích.
Xuân ngồi trên chiếc ghế nhựa áp đuôi giường, lưng quay ra cửa, tay luồn dưới chăn cần mẫn nắn từng tý cẳng chân Cường. Thực ra, chẳng ai bảo cô ngồi xoa bóp lâu thế đâu. Hôm qua nghe mẹ bảo nhà Cường vợ tót sang Đài làm ôsin chồng hận đời tự tử, Xuân thót hẫng người muốn sang đó ngay xem sao. Ừ! Phải đấy. Mình nghèo hèn chẳng giúp được gì thì cũng nên có lời an ủi, xoa dịu cái đau buốt trong gan ruột bố con nó. Chớ theo người ta bỏ lời ác như quạt gió vào lò phải tội. Mẹ hào hứng thế cơ mà …
 Có hai cô cậu nhà báo về quay hình và ghi chép. Một người rờ rờ cái vòi nhựa trắng quấn từ háng Cường dẫn ra đang rỉ nước giải xuống cái lọ để dưới gậm giường, hỏi có biết mót không, ị cũng thế à? Ác nghiệt quá! Sao bảo khoảng nửa năm cơ thể sẽ phục hồi cơ mà? Ba bốn người đứng vây quanh hùa vào. Ôi giời! bác sỹ giờ vậy cả đấy. Xiền! xiền… không thì tay đau sẽ cắt chân. Không khéo chú Cường nhà mình bị thế… Đấy! Mới bảo phải 1 tỷ sang Sing phẫu thuật lại, tháo mấy cái đinh đóng nhầm vào tuỷ ra… Chết thôi! Nghèo thì chịu chết oan thôi.
Cuối năm ngoái, Cường cùng hai thợ xây bị ngã giáo khi đang trát ngoài ngôi nhà tầng trên phố, tưởng may không bị chết tươi và máu me toé nhoè như các thợ bạn, nhưng lại là kẻ đáng thương nhất. Mấy tháng nằm các bệnh viện trung ương vẫn không cứu được mấy đốt sống lưng cuối, anh đành bất lực chứng kiến nửa dưới cơ thể héo dần đi tong teo rồi mềm oặt. Nằm ngủ lắm cũng chán, không ngủ thì nhức mỏi, muốn cũng không tự ngồi dậy được. Ăn uống, ỉa đái phải gọi. Vậy có phải là sống không? Anh ta cắn răng tự hỏi. Ngắc ngoải chẳng làm được gì, ngày nào cũng người đòi nợ nhục quá. Uất ức cái vợ bạc bẽo, bỏ con tếch đi theo thằng nào. Muốn chết quách đi. Âm thầm lập mưu, rồi anh ta kiếm đoạn dây thép buộc 1 ly chập đôi tròng quanh cổ làm thòng lọng, luồn chiếc đũa cơm qua đó làm con nín xoắn vặn thít chặt căng xong, bình tĩnh rút ra, vứt đi. Động tác buộc cốt thép quen thuộc đơn giản mà chắc đét từng kiếm cơm cho đời thợ hồ đâu ngờ lại để kết liễu chính mình. Trời xui, đất khiến đứa bạn vô tình đến chơi tồng tộc phi xe máy lao thẳng vào sân. Trông thấy mặt Cường phù to, tím tái đã hiểu ngay sự tình và thằng này giỏi biết xử lý khẩn cứu được anh cu chán đời, dại dột.
Bố Cường, ông lão gầy gò, đầu tóc muối tiêu rối bù, lập cập bưng khay nước vối đến, đôi mắt lờ đờ ẩn dưới hốc trũng sâu, chậm chạp nhìn khách và hàm răng khấp khểnh chiếc mất, chiếc còn nhô chìa ra khiến đôi má tóp quắt lại, phều phào mời. Ai cũng ái ngại, ông ngần này tuổi đầu nhẽ được ung dung. Ông nói nhỏ, bên kia giường Xuân dỏng tai lên mới nghe câu được câu chăng. Vợ nó mỏng mày, hay hạt lại nhẫn nhịn nên cu cậu càng hận đời tợn…cắn răng chịu mãi, đêm nào chẳng tấm tức sụt sịt … rồi mới xin tôi về đằng ngoại vài ngày nói là chữa bệnh(!). Tôi ừ hữ bảo con cứ lánh đi dăm bữa nửa tháng yên tâm mà chữa trị. Nhà nhiều anh chị em thay nhau mỗi đứa chăm cho vài buổi. Biết đâu nó ma lanh, lá mặt lá trái thế! Thức lâu mới biết đêm dài cụ ơi, báu gì ngữ lanh lảnh tiếng đồng, chả hại chồng cũng hại con ấy, xéo sớm đỡ chật nhà. Ấy chết nói thế phải tội. Chuyện tiền nong à, tôi biết đâu nói đấy nhá. Trước thì tích cóp được đồng nào đổ vào cả cái nhà này rồi. Mọi người quay cổ ngó khắp lượt căn nhà mái bằng một thò hai thụt đang trát dở, cửa sổ gài tạm bằng phên tre. Chúng nó định bụng cứ dấn lên rồi vợ chồng chịu khó làm trả dần. Nghe đâu mới gán ngân hàng? Ai ngờ tai hoạ giáng xuống đau xót quá. Vâng đúng! Mới thế chấp lấy tiền cứu cháu ạ. Chủ nhà họ có động thái gì quan tâm? Thôi thì oan gia trái chủ, họ phúng đứa chết bao nhiêu tôi không biết còn cho em nó nhà tôi lít máu truyền. Anh thợ cả cũng lo cho vài triệu. Anh em họ tộc nhà tôi chỉ nhiều tình cảm, chạy lên chạy xuống thăm hỏi chứ tiền thì không có mấy, ai cũng nghèo cả. Thế sao đủ được, những mấy chục cơ mà? Còn thì cái Mơ giật nóng chỗ nọ, bỏ chỗ kia cũng nhiều, tôi bắt ghi chép đầy đủ cả. Ơn cứu mạng, lậy giời đất nhà tôi đâu dám quên. Nhưng ai bảo nó vay một chục, một trăm, hay một triệu thì tôi cũng đều chỉ biết vậy. Chứ bảo bố con tôi lo trả ngay thì nói bạc lỗ mồm… Vâng đúng là bức xúc quá cháu nó phẫn chí mất khôn…
 Lòng Xuân nhói lên. Chị ơi cứu em với! Không tiền tiếp máu, chồng em chết mất! Đôi hoa tai trong hộp nỉ êm mượt được gỡ ra rừ mấy lớp giẻ rách khâu quấn kỹ…
 Sung sướng cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt cô tìm mua con lợn thừa vú về lê la để mẹ đỡ buồn. Vứt lăn lóc thế, ngoảnh đi ngoảnh lại nó đã chắc nịch như ông đồ rau, bán đi được món. Xuân cẩn thận gấp từng tờ tiền làm tư cuộn vào nhau trong tờ giấy bóng nhét vào cạp quần chân què thùng thình của mẹ. Mẹ còn gài 2 cái kim băng chặn 2 bên mới bỏ vào giỏ đồ linh tinh treo trên vách, phía đuôi giường. Xuân nhớ in lúc mẹ giật nảy mình như đỉa phải vôi khi đứa con gái út tật nguyền lần sờ đôi dái tai, tháo cái nút vo bằng miếng giấy bạc lót vỏ bao thuốc lá tựa như hạt đỗ, rồi thay vào đó bằng đôi hoa tai một đồng cân vàng ta, nhẵn thín và mát rợn tay. Hôm ấy dùng dằng mãi, con biếu mẹ, mẹ tặng con làm của hồi môn nghẹn ngào, mắt ai cũng ngân ngấn nước. Mấy đêm sau đang ngủ mẹ cũng giật thót người thì thào còn không hay bị lừa mất rồi. Vùng mình gần đây xảy ra nhiều vụ thôi miên lắm. Cứ mê mẩn vào mở hòm bê hết tiền, vàng ra cho người ta mới khiếp chứ.
  …Đừng nói lời lãi làm gì, cứu được người là chị vui.…
Cô vội gạt ngay dồn hết tinh lực vào đôi tay. Cường vẫn thiêm thiếp ngủ, thi thoảng giật mình, khẽ thở dài rồi lại thỉu. Xuân cảm thấy từ sâu thẳm trong lòng Cường ngọn lửa sân hận đang hừng hực. Những viên thuốc an thần cô y tá cho Cường uống chỉ làm anh ta không thấy rát buốt thôi. Lửa càng bốc lên dữ nữa vì xung quanh luôn có không khí rủa xả uất hận hun nung. Sao lành vết thương, nói chi hồi phục. Xuân không được học, không nghĩ được xa, không biết nói hay, không dám nhiều lời nhưng cô lờ mờ cảm được những gì người ta không nhìn thấy. Hình như muôn ngàn con mắt li ti ở lỗ chân lông bàn tay mỗi khi cô tập trung tinh tinh thần sờ vào đối tượng. Rõ quá rồi. Cường cần một chỗ dựa êm mềm nhưng không bị chao đảo để bình tâm lắng lại, tĩnh tại rồi mới khoẻ và vui lên. Tiếc thay chỗ quý giá ấy bị chính Cường vô tình điên lên phá nát. Chứ chưa hẳn tại Mơ bất ngãi, bất nghì bỏ đi? Bây giờ nhà chỉ hai đàn ông kẻ tàn tật, người già nua luôn nhăn nhó, quanh ra quẩn vào với thằng bé, ăn còn phải dỗ thì sao giải toả cơn hoả đang ngùn ngụt? Rồi 3 miệng ăn trông cả vào phụ cấp mất sức chỉ đủ ngày vài bữa cháo loãng? Nhưng thiếu nhất cái dịu mát, bao dung của người đàn bà. Tiếc rằng mình…cô cắn môi lưỡng lự. Nhưng tình cảnh này thôi đành lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch chứ biết sao giờ? Xuân mỉm cười mỉa mình, rồi quả quyết. Mai cháu sang. Mơ trả tiền cho cháu làm việc này rồi! Lúc chào về cô điềm tĩnh bảo nhỏ ông bố Cường như thế.

*
( Còn nữa )

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

ĐẾN GIÀ MỚI CHỢT TỈNH

Đôi lời: Đến già mới chợt tỉnh là Hồi ký của ông Tống Văn Công, nguyên TBT báo Lao động, mình cóp về để bạn nào chưa biết bản chính thì xem cho vui, có thể bồi bổ thêm nhưngx điều mình chưa ngộ!

GẶP BA NHÀ VĂN BỊ VÙI DẬP.

Tôi gặp nhà văn Hà Minh Tuân ngay sau khi ông bị lâm nạn năm 1962. Bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến nguyên là cảm tử quân Hà Nội năm 1946, phụ trách công tác Tuyên truyền – Thi đua của Nhà máy gỗ Hà Nội ở Bến Chương Dương, gần bãi sông Hồng. Tôi đến nhà máy gặp anh Tiến tìm tài liệu viết báo và nhân đó xin mua gỗ vụn làm củi đun bếp. Anh Tiến cho biết, ông Hà Minh Tuân vừa bị cách chức giám đốc Nhà xuất bản Văn học, đang lao động cải tạo ở đây. Công việc của ông là khuân gỗ dưới bến sông Hồng xếp lên xe hai bánh, kéo xe về, xếp gỗ vào kho nhà máy. Lúc giải lao giữa ca, anh Tiến mời ông vào văn phòng uống nước, trò chuyện với chúng tôi. Ông hơn tôi một giáp, hoạt động cách mạng từ năm 1943, tham gia khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội, rồi vào bộ đội lên đến chính ủy trung đoàn, sau tiếp quản Hà Nội được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Văn học. Nếu ông cứ chuyên tâm vào việc “gác cổng chính trị” như các vị giám đốc khác thì hẳn đã leo lên cấp Vụ, cấp Bộ rồi, hoặc ít nhất cũng được yên vị tới lúc hưởng lương hưu. Nhưng do có máu mê văn chương, năm 1957 ông viết quyển “Trong lòng Hà Nội”, năm 1960 ông viết “Giữa hai trận tuyến”. Cả hai tác phẩm đều được đánh giá đã “đóng góp xuất sắc cho nền văn học xã hội chủ nghĩa”. Ông hăm hở viết một tác phẩm không né tránh, không bóp méo hiện thực, từng trang nóng bỏng hơi thở cuộc sống, có tựa đề “Vào đời”, một bài học cho lớp trẻ trong giai đoạn mới. Quyển sách vừa xuất bản thì lập tức bị “ăn đòn hội chợ” của các nhà phê bình nhân danh “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Số bài phê bình tốn giấy mực hàng chục lần quyển sách 200 trang của ông. Ông phải làm bản tự kiểm điểm sai lầm vì đã viết quyển sách bôi nhọ xã hội tốt đẹp dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và ngồi nghe cấp trên và cả cấp dưới của mình xỉ vả, rồi nhận quyết định cách chức, đi lao động cải tạo vô thời hạn. Nhà thơ Xuân Sách có bốn câu thơ đúc kết cho ông về sự kiện này:
“ Bốn mươi tuổi mới Vào đời,
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ.
Giữa hai trận tuyến ngu ngơ,
Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”?
Cho đến nay có nhiều bài viết về chuyện ông bị kỷ luật cách chức, đều bảo là không rõ sau đó ông làm gì ở đâu. Về tuổi tác, cấp bậc ở bộ đội, ở cơ quan và học vấn tôi thấy mình ở dưới ông rất xa. Từ khi bắt đầu cầm bút tôi chỉ chuyên tô hồng, cho nên tôi nghĩ là ông sai, nhất là Đảng đã cho rằng ông sai. Do đó, anh Trần Dũng Tiến và tôi khuyên ông nên cố gắng lao động cải tạo cho tốt để được phục hồi công tác. Nhưng ông vác gỗ mãi cho tới ngày Mỹ ném bom Hà Nội mà cấp trên cũng chẳng đoái hoài tới. Ông bỏ việc, biến mất, không ai biết “Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”? Lúc ấy bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến chê trách Hà Minh Tuân vô Đảng sớm mà sao quá thiếu “đảng tính”! Không ngờ tới cuối đời, bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến cùng các cựu chiến binh Hà Văn Quận, Trần Anh Kim tích cực góp ý “Đảng phải đổi mới chính trị”, đã bị đòn đau hơn Hà Minh Tuân: Ngồi tù!
Nhiều bài viết về nhà văn Hồ Dzếnh đều nói ông chỉ làm thợ hợp đồng ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Có người nói ông chỉ làm ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Năm 1968 tôi đến Nhà máy cơ khí Quang Trung Hà Nội (gần Bệnh viện Bạch Mai) để viết về phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”. Thư ký công đoàn nhà máy là ông Lâm Thành Keng (người Việt gốc Hoa Chợ Lớn, sau 30–4–1975 làm Chủ tịch công đoàn quận 5) giới thiệu với tôi có hai tổ đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa: Tổ đúc và tổ hàn. Ông nói thêm, đặc biệt tổ đúc có một nhà văn nổi tiếng trước cách mạng là Hồ Dzếnh nay là thợ làm khuôn đúc rất giỏi. Tôi chọn viết về tổ hàn vì từng thích bài “Thợ hàn lò cao” nổi tiếng của Chính Yên miêu tả những thợ hàn tài hoa như nghệ sĩ. Tuy vậy, tôi cũng gặp tổ trưởng tổ đúc và ông Hồ Dzếnh để tìm hiểu về những người thợ làm công việc nặng nhọc nhất. Nghe tôi nói tiếng Sài Gòn ông Hồ Dzếnh vui vẻ bảo ông từng sống trong ấy và hiện nay có nhiều người ruột thịt của ông ở trong ấy. Tôi thắc mắc hỏi ông vì sao một nhà thơ, một nhà văn nổi tiếng như ông đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” lại chọn cho mình cái công việc quá nặng nhọc này. Tôi có quen biết một vài nhà văn nhà thơ thời tiền chiến ở các cơ quan văn hóa văn nghệ và nghĩ nếu ông ở đó thì thích hợp và có ích cho đất nước hơn. Ban đầu ông nói úp úp mở mở, có lẽ vì e dè trước một nhà báo của chế độ. Dần dần thấy sự chân thành ngô nghê của tôi, ông cởi mở kể cho nghe những éo le oan khuất của mình không dễ gì được thông cảm. Sau khi Hà Nội nổ súng chống Pháp, số đông văn nghệ sĩ tản cư đã chuyển dần theo hướng lên Việt Bắc. Ông lại chạy ngược về Thanh Hóa quê ông, rồi xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Huyền Nhân, sinh con được bốn tháng thì bà bị thổ tả qua đời. Cuộc sống quá khó khăn, con không có sữa, ông buộc phải mang con vào Sài Gòn sống nhờ người anh ruột có cửa hàng xe đạp ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu). Năm 1954, Hiệp định Geneve quy định đất nước tạm thời chia làm hai miền. Đang có cuộc sống yên ổn ở Sài Gòn, nhưng ông lại nhất quyết phải mang đứa con bốn tuổi ra miền Bắc, bởi ngoài đó mới là chế độ mà ông đã góp phần xây dựng. Ra Bắc, ông “đi bước nữa” với bà Hồng Nhật ở 26B Phố Huế. Vợ chồng ông ở cả tầng trệt có thể buôn bán kiếm sống. Sau giải phóng Hà Nội, cán bộ quản lý nhà đất cho rằng gia đình ông ít người mà chiếm khu nhà quá rộng, họ quyết định lấy tầng trệt phân phối cho cán bộ từ chiến khu về. Ông đến các cơ quan văn hóa tìm bạn cũ. Lãnh đạo văn nghệ từ Việt Bắc về coi ông là kẻ đã rời bỏ kháng chiến “dinh tê” về thành, nhìn ông “đầy cảnh giác”! Ông Trần Đĩnh kể trong cuốn Đèn Cù: “Đại hội văn nghệ năm 1961, giờ nghỉ, Tố Hữu tìm tôi lắc đầu chán ngán nói ‘chuẩn bị để Hồng Linh nhận hoa của Bác thì lại thành Hồ Dzếnh’! Tôi nói, có ai bảo Hồng Linh đâu, với lại, tôi đùa, cũng là người Hoa cả mà anh. Tố Hữu nghiêm mặt: ‘Hồng Linh kháng chiến, Hồ Dzếnh trong thành, sao lại ‘cũng’ được? Bác mà biết thì ra làm sao”? (Đèn Cù, trang 172). Để kiếm sống, ông xin ký hợp đồng với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm làm những công việc nặng nhọc không đòi hỏi tay nghề cao và ít ai muốn làm. Sau khi tiếp quản nhà máy, cán bộ quan tâm đến lý lịch, họ xếp ông vào diện không đưa vào biên chế để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đến khi Mỹ ném bom miền Bắc, ông xin làm ở Nhà máy cơ khí Quang Trung để được gần nhà, tiện việc đi lại và chăm sóc vợ con.
1
Chân dung Hồ Dzếnh
Dù có thấy tiếc cho sự không may của ông, nhưng tôi không nhận thức được sự “bất cận nhân tình” của chế độ mà ông là nạn nhân. Đứng bên ngoài hệ thống chính trị, Hồ Dzếnh quan sát miền Bắc xã hội chủ nghĩa một cách tỉnh táo trong hồi ký “Quyển sách không tên” (Nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ). Ông nhận ra cái sai cốt lõi tác hại lâu dài của nền giáo dục: “Bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị”. Ông cũng là người sớm nhận ra “văn học nô lệ cho chính trị”, do đó “nhà văn không khác gái điếm. Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại”. Và “Tác phẩm của một cá nhân tuy được mang tên mình, nhưng phải xen vào công trình của tập thể”. Ông quan sát tình trạng của đất nước: “Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí. Trong cuộc xáo trộn Bắc – Nam, có cái gì còn nguyên giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người không còn quý nữa nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại”.
Ngày 20 tháng 8 năm 1970 báo Nhân Dân đăng 5 bài thơ của Lý Phương Liên: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Lời ru với anh”, “Về người cha đã khuất”, “Thư gửi người bạn gái Mỹ”. Tác giả là công nhân trẻ ở nhà máy cơ khí. Báo của Đảng ca ngợi: “Một bông hoa vừa nở đã ngát hương”. Tất cả các báo đua nhau tìm xin thơ Lý Phương Liên coi như đó là giành đẳng cấp về cho tờ báo. Báo Lao Động bị chậm chân vì người phụ trách việc này là nhà thơ Thái Giang đang nghỉ phép. Do đó, tôi được giao nhiệm vụ khó khăn này: Phải xin cho được ít nhất một bài thơ của Lý Phương Liên cho số báo sắp ra. Tôi đến nhà Lý Phương Liên gặp lúc chị đang tiếp hai người khách, nhà thơ Minh Giang phụ trách phòng văn hóa văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và nhà thơ Phạm Tiến Duật mới từ chiến trường miền Nam ra. Tôi thuộc bài thơ “Gửi anh bạn Triều Tiên” của Minh Giang từ năm 1950 đến nay mới được gặp nhà thơ cho nên rất vui. Với tư cách một đàn anh từng trải, hiểu biết, nhà thơ Minh Giang nhận xét, hiện nay chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược, giải phóng miền Nam và xây dựng miền Bắc. Phạm Tiến Duật là nhà thơ tiêu biểu ở chiến trường giải phóng miền Nam. Lý Phương Liên là nhà thơ tiêu biểu của hậu phương lớn miền Bắc. Lựa lúc thích hợp, tôi ngỏ ý xin thơ đăng báo thì Lý Phương Liên cho biết, tập thơ chép tay của chị do bác Huyền Kiêu và bác Hải Như giữ. Các báo muốn đăng thơ của chị đều phải qua hai bác ấy. Mừng quá, nhà thơ Hải Như là bạn vong niên của tôi (anh hơn tôi chín tuổi). Tôi vội vã cáo từ mọi người để đi xin thơ đăng báo. Báo Lao Động đăng ba bài thơ của Lý Phương Liên có bài bình luận do tôi chấp bút. Ít lâu sau, báo Văn Nghệ đăng một trang thơ Lý Phương Liên có bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Dư luận sôi lên cho rằng cho tới lúc ấy, “Nghĩ về Thúy Kiều” là bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên. Nhiều anh em báo Lao Động chê trách tôi không biết chọn thơ hay đã để sổng mất bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Nhưng ngay hôm sau có tin “một đồng chí lãnh đạo (nghe nói là Trường Chinh) cho rằng “Nghĩ về Thúy Kiều” ẩn chứa tư tưởng phản động! Một cây đa cây đề của làng thơ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông Hoàng Trung Thông phê phán “Nghĩ về Thúy Kiều” là: “Rắc rối cầu kỳ trong diễn tả, yếu đuối sướt mướt trong tình cảm, bi quan tăm tối trong tư tưởng ”. Các nhà tuyên huấn Đảng cho rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại một thân phận Thúy Kiều:
“… Trái đất chúng mình cho đến hôm nay,
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi.
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối.
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen.
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen.
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến.
Còn những đất đai triền miên chinh chiến…”
Trong giới văn chương, nhiều người không đồng ý với những nhận xét áp đặt của tuyên huấn, nhưng như giáo sư Trần văn Giàu viết trên báo Văn Nghệ ngày 19– 9– 1987 về tình trạng phê bình trong chế độ xã hội chủ nghĩa: “Lắm khi để nhận xét độc đoán không cho phép cãi lại”.
Hơn 40 năm sau, nhiều bạn đọc vẫn nhớ và có lời khuyến khích, Lý Phương Liên đưa in tập thơ của thời tuổi trẻ, mang tên “Ca Bình Minh”, tên của một trong năm bài thơ in trên báo Nhân Dân lần đầu tiên. Chị thổ lộ: “Tôi nín lặng suốt 40 năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn, cơ cực, không liên quan đến ai. Tôi không thán oán. Người chịu nhiều cay đắng vì thơ tôi là chồng tôi.” Bạn đọc dễ dàng cảm nhận vị đắng cay trong những lời “tôi không thán oán” của chị.

NHÀ VĂN SƠN NAM,
CỘNG TÁC VIÊN ĐẦU TIÊN.

Báo Lao Động Mới chuẩn bị xuất bản số đầu tiên đúng dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám. Anh Sơn Tùng (nguyên Tổng thư ký báo Đại Dân tộc của anh Võ Long Triều), thư ký tòa soạn’ mời nhà văn Sơn Nam viết bài về ngày lịch sử này. Nghe giới thiệu tôi là tổng biên tập, anh ôm chầm lấy khen, “trẻ quá, giỏi lắm”. Tôi nói, trẻ gì nữa anh, bốn mươi ba tuổi rồi! Tôi khoe, đã biết anh từ khi anh là Phạm Anh Tài. Anh ngạc nhiên hỏi tôi thời chống Pháp ở đâu, làm gì. Khi biết tôi công tác ở Trạm 23, anh nói mình có qua trạm đó. Tôi lại khoe, đã viết cho báo Nhân Dân Miền Nam và đã dự buổi lễ công bố giải nhất cho cuốn “Bên rừng Cù lao Dung” của anh. Anh nói, họ có mời nhưng mình không đi, gần một tuần sau mới biết truyện được giải.
Anh không mang theo tài liệu, cây bút cũng không có. Anh hỏi tôi cho anh một chỗ ngồi, cây bút bi và vài tờ giấy trắng. Đến 11 giờ 30 tôi mời anh nghỉ, ăn bữa “cơm tập thể” với anh em ký giả, rồi viết tiếp. Anh nói, cho mình chậm năm phút cho xong bài.
Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì bài viết của anh ghi rõ nhiều tên người, nhiều đơn vị, những ngày tháng nối tiếp cho đến khi khởi nghĩa. Một trí nhớ phi thường! Sau bài kỷ niệm “Cách mạng Tháng Tám”, chúng tôi còn đặt anh viết những dịp kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, Nam kỳ khởi nghĩa, Toàn quốc kháng chiến… Anh cũng đến tòa báo với tay không như thế. Anh nổi tiếng với “Hương rừng Cà Mau”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn”, “Cá tính miền Nam”… Anh được xem là một nhà Nam Bộ học.
Có lần tôi hỏi anh đánh giá thế nào về tiểu thuyết “Hòn Đất” của Bùi Đức Ái (Anh Đức). Nhà văn Anh Đức thời chống Pháp chưa có tên tuổi gì. Anh nói, nó thuộc loại truyện minh họa cho chánh trị thôi, bố cục không chặt, nhiều chi tiết khó tin. Tôi kể với anh, quyển này được Tố Hữu gọi là “Hòn Ngọc” của văn học Việt Nam. Anh cười, nếu Tống Văn Công bảo một nhà phê bình văn nghệ nào đó nhận xét như vậy thì mình ngạc nhiên, chớ còn ý kiến của một ông chính trị thì khỏi bình luận.
Ngẫm nghĩ một chút, anh lại hỏi, Công nè, ngoài Bắc sao không thấy các nhà phê bình văn nghệ nhận xét tác phẩm mà chỉ thấy mấy ông chính trị chê thế này, phán thế kia. Quyển sách, bài thơ bị Tố Hữu, Trường Chinh chê thì tác giả của nó cũng coi như bị nghỉ chơi. Cả xã hội phải im re, không ai dám bào chữa. Tôi bảo anh, tình trạng đó đã có từ thời bưng biền Nam Bộ kháng chiến, do anh không bao giờ đi họp cho nên không nghe đó thôi. Tôi nhắc lại chuyện các ông Hà Huy Giáp, Lưu Quý Kỳ chê bài nhạc “Tiểu đoàn 307” lai Tây không cho giải mà chọn bài Tự túc cho giải nhất. Họ chê truyện Kén rể của Ngũ Yến không có lập trường giai cấp và họ khen truyện thơ “Chú Hai Neo” của Nguyễn Hải Trừng theo thể lục bát, nôm na, chất văn học còn kém xa “Lục Vân Tiên”.
Hồi đó, anh ở Gò Vấp quá xa trung tâm thành phố. Tôi luôn bận nhiều việc rồi sau đó ngồi ở Hà Nội nhiều hơn Sài Gòn, nên không tới thăm anh.
Một lần tại cơ quan miền Nam báo Lao Động, hai anh em gặp nhau sau nhiều năm, cùng ngồi uống trà, bù khú chuyện đời. Anh bảo, mình nói điều này Tống Văn Công đừng đưa lên báo nha, có hứa vậy không để mình nói? Tôi cười, anh Sơn Nam mà cũng biết sợ à? Anh đáp, sao không sợ? Lớn cỡ Nguyễn Tuân còn sợ thì Sơn Nam nhằm nhò gì! Tôi xin hứa, rồi im lặng chờ đợi. Anh hạ giọng gần như thì thầm: “Bao giờ văn nghệ còn chịu sự lãnh đạo của Đảng thì chẳng có tác phẩm nào ra hồn đâu”! Tôi cười lớn bảo, lẽ ra anh không nên dặn tôi đừng đưa lên báo mà dõng dạc yêu cầu: “Tớ có ý kiến này, Tống Văn Công ghi cho chính xác rồi đăng ngay lên báo cho mọi người đọc”! Anh ngẩn người một chút, rồi cười hăng hắc, vậy ra Tống Văn Công cũng nhát như Sơn Nam à?