Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

QUÊ NGOẠI XA MỜ SƯƠNG

Lâu quá rồi, chẳng viết được gì.
Cặm cụi mãi mới cuốc được từng này. Mời ai quan tâm đọc cho vui ạ! Ảnh minh họa lấy trên mạng của nhà thơ trẻ Hoàng Anh Tuấn
Bà nội bảo đường vào bản của bà hồi ấy bé như dải võng mảnh vắt ngoằn ngoèo qua núi đồi thâm u rậm rạp. Cắt ngang chỗ lõm nhất ấy là dòng suối Nưa mải miết đêm ngày, len lỏi chảy qua những hòn cuội gồ lưng lên kêu róc rách. Cây cối la đà, xanh um che khuất những hõm nước lặng, lạnh ngắt đây đó hoắm sâu vào vách đá bí hiểm. Trong số hang đó có nơi trú chân của phân đội vũ trang tuyên truyền 99. Đi dưới lòng suối chẳng mấy khi nhìn thấy mặt ông giời, chỉ toàn sương mù mờ ẩm ướt, chim muông ríu ran hót kêu, chạy nhảy.
-99! Nghe quen quen. Nơi 100 ông thoát ly thì 99 ông hai vợ đúng không ạ?
-Bậy quá! Ông nội ngừng tay vót nan chép miệng. Thôi để bà kể tiếp đã đi.
-Xế trưa hôm ấy, nhận tin cấp báo, ta đi ngay ra suối Nưa, chỗ âu nước mạn trên thác, xanh trong ngằn ngặt. Nhìn xuống dưới qua làn bọt nước tung lên trắng xoá chỉ thấy vài ba bà già trần lưng ngồi nghỉ trên bờ bên các cù lở lăn lóc chất đầy rau quả. Đã bắc loa tay định gọi thì một thằng giai bất ngờ nhô người nhoài lên hòn đá sát nơi ta đứng. Ta giật thót mình rồi bật cười ngặt nghẽo. Giống quá. Hai quả bòng non phơi khô xuôn dây buộc vào ngực nẩy tưng tưng dưới làn áo cóm trắng dấp dính ướt như muốn bật hàng khuy bướm bạc. Anh Nhạ! Ta reo lên khe khẽ. Anh cao, mỏng mình, da trắng như gái bản; đặc biệt nhất là hai bên khoé miệng lúc nào cũng tươi còn có lúm đồng tiền nữa. Có lẽ cái miệng biết nói giỏi nên bộ đội chủ lực phái anh sang làm bộ đội du kích. Mấy anh ở lẫn cùng dân bản, dạy người ta cất giấu lương thực, đặt bẫy rào bản hay chạy trốn lên rừng sâu để không bị bắt lính, đi phu. Bảo họ cùng nhau nhất quyết không đưa vợ con về làm con chó canh quanh đồn giặc. Đại loại thế, mí lại dạy bắn súng cho du kích các bản nữa. Dạy suông với súng thôi, hứa khi nào gặp địch càn thì cho bắn đạn thật, mục tiêu thật một thể, làm ta mong nhiều lắm. Vừa vấn khăn trên mớ tóc giả, anh bảo nay chị em ta làm con chim mồi đấy. Rồi hạ giọng dặn thế thế, ta giẫy nẩy lên, nhỡ nó làm thật thì chết tao à?
 Bỗng có tiếng cú ám hiệu rúc lên, lát sau tiếng giầy lộp cộp khua xuống dốc, tiếng xì xồ ngày một rõ. Dưới thác mấy bà già nháo nhác lủi vào mép suối, trốn vào rừng. Anh Nhạ đợi nhìn rõ bọn chúng lội suối mới khoác cù lở lên vai, dắt tay ta chạy. Được vài bước giả vờ vấp rơi củ lở, (thả) con vịt xổ lồng bay ra kêu quạc quạc. Đoành! Tiếng nổ đanh xé làm ta giật thót tim, chim muông hốt hoảng bay tán loạn. Tiếng cười hô hố, tiếng quát tháo, tiếng huýt gió lẫn tiếng lội nước rào rào như trâu đầm gấp gáp phía sau. Anh Nhạ nắm chặt tay, nhìn thật sâu vào mắt ta khẽ nói nhưng rành rọt: Bình tĩnh nhé! Rồi biến mất hút. Ta sợ quá, kêu ầm lên, vừa khóc vừa lồm cồm nhỏm dậy bò ngược suối. Run quá, tim đập thùynh thụych như trống đám ma. Vấp ngã dúi dụi, vãi cả đái. Tiếng chân sải nước sầm sập. Tiếng gió vồ hụt sát sạt sau lưng. Tiếng chửi xì xồ. Rồi thằng tây như con ngựa bạch đã vồ được chân ta, lúc ta ngã sóng soài. Nó cười khùng khục. Tiếng thở hồng hộc sát bên tai phả mùi hôi hám như ngựa đẻ làm ta muốn oẹ. Bàn tay lông lá chạm vào da thịt ta rờn rợn, lúc chạy cái áo đã văng đâu mất.
- Mẹ ơi!
Ta vùng vẫy thét lên.
Lúc gian nguy nhất ai cũng bất chợt thốt lên như thế, nhưng ta thì bỗng thấy mẹ đau quằn quại trong vòng vây lông lá đen thui, sàm sỡ hối hả của quỷ dữ.
-Mẹ ơi!  
Nước mắt ràn xuống môi mặn chát.
Thương tiếc mẹ ta quá chừng!
Trận càn năm trước, lần đầu tiên bản Háng của ta biết giặc dã man rợ đến nhường nào. Lửa cháy ngút trời, đạn nổ chát chúa, khô khốc. Tan hoang nhà cháy, cây đổ, cháy nổ bùm bụp. Tiếng rống của trâu bò lợn gà bị giết. Tiếng khóc thảm thiết, thê lương của người già, con trẻ lẫn tiếng cười nói khả ố, tiếng quát nạt, chửi bới lẫn tiếng roi vọt của bọn tây. Mãi chạng vạng tối không nghe động tĩnh gì nữa, tưởng yên rồi, bố mẹ dắt ta lần về bản mong kiếm cái bỏ bụng. Suốt cả ngày chui lủi dưới hang đất như con dúi đã có gì cho vào mồm đâu. Không ngờ gặp ngay quỷ dữ. Thằng tây đen xì, bế thốc ta lên vắt vai, giữ một tay cứng như kẹp sắt, mặc ta gào thét, quẫy đạp, tay kia kéo lê khẩu súng loẹt quẹt trên đất. Mẹ ta nhanh như cắt giật lấy cây súng, bảo bố chạy đi. Thằng quỷ phải vứt ta xuống để giằng co với mẹ. Chỉ chờ có thế, bố ta quặp luôn lấy con gái yêu lăn ào xuống vực. Hai bố con nằm dưới thung nghe thấy tiếng gào thét phẫn uất, biết điều gì đang xẩy ra với mẹ. Mắt ông vằn đỏ, hai bàn tay hết giơ lên lôi giật tóc lại giận dữ đấm xuống đất tróc cả rễ cây lên mà cào cấu. Hôm sau, trong rừng sâu bố con ta tìm thấy mẹ tím ngắt, co quắp trong váy áo toang hoàng, lấm láp. Cục máu đọng cùng dãi xanh sều khô nơi khoé mép, hàm răng ngậm chặt miếng lá ngón nhai dở. Bố run run cúi xuống, lập cập quờ tay vuốt cặp mắt mẹ còn trợn trừng. Ta đứng như trời trồng, răng cắn môi tứa máu, từ trong ngực uất nghẹn thốt lên con thề sẽ trả thù cho mẹ.
 Năm ấy ta 12 tuổi, giai bản nhiều thằng muốn bắt ta làm vợ.
Người yêu tôi gục đầu vào vai bà, mắt đỏ hoe, thút thít nấc lên.
-Nín đi cháu dâu. Bà âu yếm quài tay ra sau vỗ về, móm mém:  vợ lính thì phải cứng cỏi mạnh bạo lên chứ!
 Thế hệ 8x chúng tôi ngại học những môn xã hội, nói gì đến sử, bởi chúng ít giúp mình kiếm công ăn, việc làm trong thời buổi học càng cao, càng dễ thất nghiệp; còn lứa 9x như em thì…bói cả trường, may có vài ba mống còn thiết tha môn học không bắt buộc thi này. Chuyến thăm quê nội ngoại của tôi trước ngày chúng tôi quyết định về ăn chung bát, ở chung nhà càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn là vì thế.
- Ờ nhể! 3 đời ông cha con mình đều lính lấy nhau rồi. Cứng rắn lên cháu  dâu để nghe bà kể tiếp đi đi.
-          Tôi kể đến đâu rồi hở ông?
-         Thì cái đoạn ác liệt nhất mà tôi vãi cả c. ra quần ấy!
Bà nội lại hào hứng kể:
-Đoành! Ớ ợ! Tiếng súng nổ, tiếng rống như bò bị cắt cổ cùng tiếng giẫy giuạ ùng ục trong nước. Thằng tây đang xấn xổ giằng xé váy ta thoáng sững người nhổm lên ngó. Lập tức ta cong người bật dậy, rút con dao lá mía giắt cạp váy chĩa ra luôn về nó. Cùng lúc đó tiếng quát dõng dạc:
- Luviê lơ-măng! ( Giơ tay lên!)
Vụt đứng lên từ đám rau cải xoong, anh Nhạ hướng nòng súng còn khét lẹt mùi thuốc vào ngực nó kèm tiếng kéo quy lát rốp xoạch. Thằng tây bủn rủn giơ tay quá đầu, khuỵu gối xuống, mặt bạc phếch với đôi mắt kinh hoàng. Anh Nhạ nói mấy câu tiếng Pháp và chỉ xuống dưới cách đó dăm bước, nơi thằng đồng bọn nửa chìm nửa nổi đang rên ư ử, khiến nó dập đầu lạy như bổ củi. Đoạn anh đưa súng cho anh Xôn ( ông nội các cháu đây này) mới lao đến hỗ trợ, rồi rút phăng thanh kiếm giắt thắt lưng ra, gại gại đầu mũi cong nhọn hoắt vào ngực nó lờm xờm lông lá, vạch thành nét vẽ máu kéo xuống bụng. Nó ngửa bộ mặt đầy lông lên giời lắp bắp gì không rõ, lại thấy anh Nhạ túm lấy tóc ngôi nó lôi lên, xẻo ngang một phát sợt da đầu trắng hếu, cầm dứ dứ trước mặt nó. Nó gật lia lịa rồi run rẩy đứng dần lên, chưa dám tin mình còn sống, vẫn cụp mặt, lòng khòng bò lùi đến chỗ thằng trúng đạn, hì hục xốc nó truội lên, truội xuống...
Ông nội vừa nâng chén rượu thóc Hang Trú nhắp ngụm nhỏ khà một tiếng, gật gù: Khó khăn nhất của đời một thằng lính là vượt qua nỗi sợ lần đầu nhằm vào Người mà bóp cò. Hôm ấy ông… phọt pịa.(*)  Thật đấy. Khơ Khơ! Cháu dâu, cháu giai ông thông cảm nhá!
 Ông nội ngửa cổ tu nốt, rồi lại rót cho mình chén nữa, thong thả góp chuyện:
-Trai Mường Phù Yên xưa, ai chả bắn giỏi. Ông cũng vậy để săn kiếm con gà, con chồn, trên rừng, con chiên, con quất dưới sông đành là một nhẽ. Còn để oai với giai Thái, giai Mông… lúc giữ đất, giữ mường và cả giữ những đứa con gái nữa chứ. Nhưng giơ súng bắn vào người thì…quả đây là lần đầu. Rủn tỷ quá. Lạnh từ trong bụng rét ra tay, mà mồ hôi từ đầu, từ trán vã ra, ròng xuống mắt cay xè, răng va nhau lập cập. Ôi! Cái khẩu súng săn quen thuộc của của bố ta để lại, xưa nay ta chỉ giương lên rê vào chỗ nào mình thích là bòm chưa bao giờ sảy, xương thú có hàng đống mà sao hôm nay bướng bỉnh?Dường như thấy ta luống cuống, hồi hộp, anh Nhạ bảo đếm đi, khi nào anh hô mới được bóp cò…
Cái thằng tây đen tay lăm lăm súng lì lợm bước từng bước dài, đầu còn ngoảnh ngang nghiêng ngó, chứ không hau háu vất súng đi như thằng tây trắng chạy trước. Chắc biết ông chưa lấy đường ngắm được nên anh Nhạ hô nhằm vào ngực cho chắc ăn. Ông đã tỳ chặt vào hõm vai, mà súng cứ rung bần bật không sao áp má.
-Một ! Hai !  Ba ! Bắn ! Khẩu lệnh nhỏ chắc như đanh đóng vào gỗ ruối.
Ui giời! cú nín thở nặng như đá đè ngực được hất ra. Hai phát đạn nổ cùng một lúc. Thằng tây đen nhẩy dựng lên rồi đổ vật xuống nước. Thằng đồng bọn đứng trông chừng phía sau nó quay đầu cắm cổ chạy thục mạng. Sướng không tả được.
Ông lại tự thưởng cho mình chén nữa. Khà khà! Sướng đến giờ. Các cháu ạ Nhưng phát đạn bắn gần, phá một hốc như cái bát ở lưng nó còn phì phì bọt lẫn máu đỏ lòm chính là của anh Nhạ, súng săn đạn ria của ông không phá được thế. Nhưng anh Nhạ nhất quyết bảo đó là thành tích của ông. Không sao, quan trọng nhất sau lần ấy, ông giết tây không cảm thấy thấy ghê tay chút nào nữa.
-         Thế bà có sướng như ông không hở bà ? Tôi vô lễ hỏi cắt ngang.
-Không! Không đâu cháu giai ạ! Ta ấm ức lắm, có dịp ngon thế mà không trả thù cho mẹ được. Rửa nhục cho ta nữa chứ. Nó giằng xé cào cấu váy xước cả chân cẳng đây. Vết răng quỷ nhằn nhằn trên mặt, trên cổ ta nữa này, tởm lợm đến bao giờ mới sạch. Trời ơi! Sao anh Nhạ lại thả cọp về rừng? Muông thú bị thương bao giờ cũng dữ tợn hơn huống chi thằng giặc. Nó quay lại trả thù thì còn ác nhiều lắm! Chi bằng đánh rắn phải đập nát đầu…Nghĩ vậy, ta phăm phăm bước tới chỗ hai thằng tây đang tha lôi nhau ì ạch. Nhưng vừa vung dao lên thì anh Xôn đã chộp  lấy cổ tay ta, đoạt ngay lấy. Anh Nhạ nghiêm mặt: Lính cụ Hồ không giết tù hàng binh!
*
 Mối tình của chúng tôi giản dị như ốc vít với bu lông.
Tốt nghiệp khoa công trình, trường đại học kỹ thuật quân sự, tôi được điều về đội kinh tế quốc phòng, đóng quân ở huyện nghèo vùng sâu Sốp Cộp, đã bốn năm mà chưa hề bị ai hớp mất hồn cả. Công việc cuốn hút đã đành, cái chính là tôi ngại chuyện đằng đẵng xa nhà chồng nơi, vợ nẻo; lúc tắt lửa tối đèn hay con cái ốm đau. Mọi thứ đều chất lên đầu vợ, tội lắm. Suốt thời niên thiếu tôi sống cùng mẹ trong gian lán tập thể của tỉnh đội dựng tạm cho, ngóng bố đỏ mắt hết Mèo Vạc, Hà Giang lại tít tận bên Lào, tôi thấu hiểu và cảm phục những người vợ lính.
Cuối buổi giao lưu văn nghệ kết nghĩa giữa đoàn thanh niên tỉnh đội Sơn La với sinh viên trường Đại học Tây Bắc có tiết mục tếu “ Nếu - Thì” cứ ngỡ nhàn nhạt, tôi lấy giấy ghi đại ” Tôi là Lính” rồi bỏ vào thùng cho có lệ. Ai ngờ vui phết. Ngẫu nhiên thôi, ví như bên nam ước nếu anh chưa có vợ; gặp ngay lời thưa của cô nữ chanh chua “thì em hẹn anh kiếp sau.”…khiến hội trường cười nghiêng ngả. Lời ướm nếu ‘Tôi là Lính” xướng lên 2  lượt tôi cảm thấy nó cộc cộc, quê quê thế nào, nên vẫn nấn ná. Xướng lần 3 mới miễn cưỡng đứng dậy rồi nhanh nhẹn bước lên sân khấu trong tiếng ồ rân rân của phái nữ: Chuẩn men! Nam tính quá!
- Sao thế nhỉ? Thượng úy còn là lính à?
Em Xi ( MC) cũng hỏi ỡm ờ vậy.
-Vâng ! Chào các bạn. Tôi là Lính. Đinh Công Lính. Tên cúng cơm cũng là tên thường gọi. 28 tuổi. Có 2 con ( giơ 2 ngón tay hình chữ V khá sành điệu) mà chưa được ai cho gửi rể. Báo cáo hết!
Bỏ tay nọ, giơ tay kia chào tạo dáng khá hài hước. Ấy là sau này em bảo thế. Yêu cái dáng ngồ ngộ của tôi như củ khoai đặt giữa ổ bánh mỳ từ giây phút ấy.
- Chính xác! Thật như đếm! Thật như Lính! Hết ý!  Tiếng vỗ tay ràn rạt.
Phía đối diện, cô gái emxy ( MC) thướt tha trong bộ áo dài xanh nõn chuối cũng khôn khéo miệng vừa nói vòng vo, tay vừa khuấy lộn rất dẻo các tờ còn lại trong thùng, chọn rồi gỡ ra, lướt mắt mỉm cười đọc to, rõ to: “ Em là Ngần mà không ngại theo anh” Hay ! Hay quá phải không các bạn? Xin một tràng pháo tay!
 Và vỗ tay.
 Em bẽn lẽn đứng lên. Tôi, sao lúc này bỗng nhắng thế cơ chứ, chạy vội xuống đỡ tay, sánh vai em thanh thoát bước lên.  Có lẽ, chương trình tôi là chiến sỹ  trên TV ngấm vào máu, giờ mới được dịp phát tiết hay sao mà tôi trở nên hoạt bát, ga lăng thế không biết.
 Em tên Ngần thật.
Biết em từ ấy, thi thoảng điện thăm nhau, lương vương đôi chút thôi chứ hơn trăm cây số dễ gì muốn là gặp được. Mãi đến hôm đón đoàn trí thức trẻ tình nguyện vào nhận công tác, không ngờ có em. Vừa nhác thoáng thấy, tim tôi đã như muốn nhảy khỏi nơi cư trú. Em bộc bạch, về quê, em chắc suất làm máy may công nghiệp quá, như các chị em ở làng chẳng ai học hết phổ thông thôi. Tiền đâu chạy được vào đâu? Buồn lắm phải không anh? Vả lại, em cũng muốn thử sức mình ở nơi khó khăn. Từ hôm ấy, ( em đỏ mặt, khẽ khàng ) em cứ ước mong được quân đội các anh tuyền dụng.
-         Có muốn làm vợ lính ở luôn đây không nào, anh làm mối cho!
Cả hai đỏ mặt. Dường như ai cũng nghĩ thầm: ốc đòi mang cọc cho rêu. Nhìn nhau cười phá lên, lòng trào dâng niềm vui phơi phới, lạ chưa từng thấy.
Tôi quân kỹ thuật, em dân kinh tế, làm việc khá ăn ý với nhau trong việc xây dựng và thực hiện dự án phát triển nông thôn mới trên địa bàn được phân công, và cảm thấy… như ốc vít với bu lông, không muốn / không thể thiếu nhau, kể cả trong ý nghĩ.
*
Bà tôi tuổi đã 80, dáng đi vẫn thảng thớm, nhanh nhẹn và làm lụng không ngơi tay, bà biết xe lanh, nhuộm chàm, dệt váy như gái Mông; lại cả nấu rượu, thêu thùa như đàn bà Thái. Từng ở sườn dãy U bò cao ngất hoang sơ rồi theo ông tôi bươn bả dọc sông Đà, bà tôi không nhớ hết mình đã bao lần dựng tổ ấm ở những đâu nhưng ký ức rớm máu trái tim thiếu nữ thì không bao giờ quên được. Bà nói nhiều về anh bộ đội vũ trang tuyên truyền chiến khu 99 ( Trước lúc bị lộ gọi là Pắc Pắc) năm xưa với lòng cảm phục pha lẫn thương yêu đến nghẹn ngào.
Bà chầm chậm lục trong rương lấy cái hộp gỗ nhỏ, do ông nội đẽo gọt công phu tặng bà hơn 60 năm trước rồi mở ra. Vẫn phảng phất thơm hương Pơ mu. Một tấm ảnh đen trắng( lụa) khổ 4x6 đã ố vàng được bà ngắm rất kỹ trước khi đưa cho chúng tôi xem. Trái tim bà đã trao cho người này.
-Úi! Ông nội cháu. Bà ơi! Ông nội cháu đây thật mà! Hu hu! Ông ơi! Hai tay Ngần run run áp tấm ảnh vào ngực, ngửa khuôn mặt đầm đìa lên nức nở. Ông bà  tôi sững sờ rơm rớm theo. Tôi lặng lẽ đứng yên để mọi được khóc cho nhẹ lòng.
( Còn nữa)
                                                                                08/7/2016

(*) Nghĩa bóng : Vãi cả c. non

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét