Rất khúc chiết!
MẤY KHÚC TẢN LUẬN
1/ "Nàng Thơ" ở đâu?
a/ Hiện thực cuộc sống đã là thơ.
Cả cuộc đời của Bác Hồ là một bài thơ vĩ đại. Nhiều nhà thơ nhạy cảm đã bắt được nàng Thơ ngay trong những sinh hạt đời thường của Người và cứ thế mà đưa luôn vào sáng tác. Trường hợp bài "Đêm nay Bác không ngủ" của nhà thơ Minh Huệ là một ví dụ. Tác giả hầu như không cần phải dùng đến các thủ pháp nghệ thuật. Bài thơ chỉ kể lại rằng vào một đêm có một vị "vua" không ngủ. Người đi "dém chăn" chăm lo cho giấc ngủ của các chiến sĩ. Nàng Thơ ơi! Chính hiện thực cuộc sống đã là Nàng.
Tố Hữu kể rất thật về tội ác của Mỹ - Diệm thời những năm sáu mươi của thế kỷ trước trong "Lá thư Bến Tre":
"Anh biết không Long Mỹ, Hiệp Hưng
Chúng giết thanh niên ác quá chừng
Hai sáu đầu trai bêu cọc sắt
Ba hôm mắt vẫn mở trừng trừng
Có những ông già chúng khảo tra
Chẳng khai chúng chém trước sân nhà
Có chị gần sinh không chịu nhục
Lấy vồ nó đập vọt thai ra"
Ngoài sự man rợ của giặc độc giả còn thấy được nỗi khổ nhục của người dân mất nước, lòng căm thù giặc ngùn ngụt dâng trào. Tác giả chỉ cần tả thực đã đủ là một bài thơ tố cáo có nhiều tầng ý nghĩa.
Chúng ta hãy đọc những dòng viết rất thật của nhà thơ Vương Trọng về mười cô thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc:
"Bữa cơm cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mỳ luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường
.......Ngày bom vùi tóc tai còn bết đất
Nằm xuống mộ mái đầu chưa gội được"...
Ở đây tác giả cũng không hề sử dụng một thủ pháp nghệ thuật nào. Cái tài của nhà thơ có chăng chỉ là người biết chọn lọc những chi tiết hiện thực đã là thơ.
Cảm động quá! Đến phạm nhân trước khi người ta đưa đi thi hành án tử hình còn được cho ăn no. Đến người thường chết, trước khi khâm liệm còn được người nhà tắm rửa sạch sẽ. Người đa cảm đọc câu thơ ấy không cầm lòng được.
Trong sinh hoạt bình dị của cuộc sống hàng ngày cũng không thiếu gì những chi tiết nên thơ. Ta hãy đọc thơ của Trần Doãn Nho, một tác giả không chuyên ở Câu Lạc Bộ thơ Non Côi viết về tình cảm của hai vợ chồng nghèo trong bữa ăn đạm bạc:
"Canh bầu thêm quả trứng tròn
Canh rau thì hết, trứng còn nhường nhau."
Hiện thực tươi roi rói. Cặp lục bát không dùng bất kỳ một thủ pháp nghệ thuật nào nhưng ai cũng phải thừa nhận đây là một câu thơ hay.
Nàng Thơ ơi! Nàng ở ngay trong cuộc sống thường ngày. ấy thế mà các nhà thơ đi tìm nàng sao mà khổ sở? Họ lao tâm khổ tứ rượt đuổi nàng như chơi trù ú tim ấy thế mà có khi cả đời chẳng một lần bắt gặp.
Nhưng nếu có cơ may gặp được nàng thì xin các nhà thơ cứ ung dung "rước nàng về dinh". Tôi tin tưởng những câu thơ ấy có sức truyền cảm mạnh nhất và chả bao giờ cũ.
b/ Sự thăng hoa của cảm xúc cộng với các thủ pháp nghệ thuật đã dắt Nàng Thơ theo ngòi bút hiện hình lên trang giấy.
Như nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã tổng kết là muốn có những câu thơ tài hoa thì người viết phải có ba yếu tố: xúc cảm khác thường, suy nghĩ khác thường và cách nói khác thường (các thủ pháp nghệ thuật). Các thủ pháp nghệ thuật có thể là nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ... v.v...
Nàng Thơ bây giờ lại không hiện hình ngoài hiện thực nũa, nên khi chụp nguyên bản hiện thực thì lại chả thấy thơ đâu. Chỉ khi nhìn nhận qua lăng kính của các nhà thơ người đọc mới thấy. Nàng hoàn toàn ẩn mình trong sự tài hoa của mỗi cây bút.
Khi nhìn ba cây kim đông hồ có nhà thơ viết:
Ba thanh đoản kiếm vô tư lụ
Chém mọi thời gian, mọi kiếp người
Với trái đất Xuân Diệu chiêm nghiệm":
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Và Đoàn Mạnh Phương đằm mình trong cõi tâm linh:
Tôi xây một nghĩa trang tận đáy lòng mình
Chôn cất những giấc mơ gãy cánh
Ta có thể tìm thấy vô vàn những câu nhờ các thủ pháp nghệ thuật mà Nàng Thơ hiện ra khi thì kiều diễm, lung linh, khi thì huyền ảo, mê hoặc, thực sự thôi miên người đọc trong nhiều tầng ý nghĩa:
Giọt sương không cửa không nhà
Nghe mùa xuân gọi tìm sa tóc mình
(Nguyễn Sĩ Đại)
Em giặt áo bên dòng sông nọ
Mấy lần thơm lại nắng quê hương
(Bế Thành Long)
Mây lặng nghe triều hóa lũ
Nước đi tìm lẽ công bằng
(Ngô Hà Phương)
Điếu thuốc ngún dần những hao hơi lầm lũi
Ngọn nến ngắn dần những hoang tưởng đảo điên
(Nguyễn Liên Châu)
Lời cho không thật ngọt ngào
Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh
(Phạm Hồng Oanh)
Ăn khói ăn hương, anh để dành bơ gạo
Chống con thuyền giáp hạt giữa trần gian
(Hoàng Đình Quang)
Bởi không biết sống nên không biết chêt
Nửa thế kỷ bị lưu đày trong cõi tung hô
(Phùng Cung)
Thôi em chuyển bệnh sang ta
Để ta cảm hết khỏi ngà ngật em
Để em má đỏ môi mềm
Mắt trong veo, mái tóc huyền chấm vai
Ta về lấy bệnh làm vui
Nghe trong da thịt có mùi hương em
(Từ thế Mộng)
2/ Thơ - Sự sáo mòn hay giả tạo.
Thơ là tiếng nói của tình cảm. Vì vậy điều tối kỵ nhất trong thơ là sự giả dối. Tình cảm của tác giả trong văn cảnh đó có thể là thật nhưng không biết diễn tả đành dùng lối nói cũ mòn khiến câu thơ giảm sức thuyết phục.
Bây giờ ta xét hai cách viết của hai nhà thơ nổi tiếng về cùng một chủ đề là tinh thần lạc quan yêu đời của những chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vừa qua của dân tộc.
Đoạn đầu của bài thơ "Những thi sỹ không làm thơ", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm Viết:
"Các anh yêu Tổ quốc đến cháy lòng. Là củ sắn hạt ngô, là bát cháo sẻ nửa húp với nhau trong tầm tọa độ. là đêm trắng trũng sâu tròng mắt đuổi giặc rồi sáng ra cười ha hả trong rừng..."
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những con người lạc quan, yêu đời. Trong những điều kiện vô cùng khó khăn, khốc liêt của chiến trường ngưòi ta vẫn thấy các anh: "Đuổi giặc rồi sáng ra cười ha hả trong rừng". Hình ảnh này rất "đắt", nó đã hoàn toàn chinh phục được những độc giả khó tính nhất bởi tính chân thực không thể chối cãi.
Còn Tố Hữu thì viết:
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"
Nói "lòng phơi phới dậy tương lai" chỉ là lối nói ước lệ, chung chung, thiếu thuyết phục bởi độc giả không thể cảm thấy cái "phơi phới" như thế nào. Còn như tiếng "cười ha hả" của các chiến sỹ trong thơ Hoàng Nhuận Cầm thì độc giả chẳng những nghe thấy, nhìn thấy mà thậm chí còn hình dung ra được cả vẻ mặt hân hoan của những con người phi thường đang sở hữu chúng.
Bây giờ thơ giả tạo, sáo mòn quá nhiều. Một tác giả khi mất người thân đã viết:
"Em ra đi trái tim anh như muốn rụng
Đau thắt lòng, đất như sụt dưới chân"
Độc giả đọc câu thơ này chẳng thể cảm được "trái tim rụng", "đau thắt lòng" cụ thể nó ra sao. Kể cả đến "đất sụt dưới chân" cũng chỉ là cách nói suông, ai cũng có thể nói được, chẳng cần đến nhà thơ.
Tự Đức xưa vừa là một vị vua, vừa là một nhà thơ. Khi người vợ yêu của mình là Bằng phi mất Ngài đã có một bài thơ đường luật nhan đề “Khóc vợ” thật xúc động, trong đó có hai câu thực như sau:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Không hề có một từ biểu cảm nào nhưng dẫu ta có thét lên hàng vạn lần câu "trái tim như muốn rụng”, hàng triệu lần câu “đau thắt lòng” cũng chẳng thể thuyết phục bằng 14 âm tiết của hai câu thơ ấy. Vì quá thương vợ mà nhà vua đã làm những việc tưởng như phi lý. Ngài tưởng đập vỡ gương soi là tìm thấy bóng, xếp tàn y lại là để dành được hơi của người quá cố. Ngài đã cố hết sức để níu kéo một chút gì đó dẫu chỉ là cái bóng, làn hơi. Câu thơ vừa thể hiện sự yêu thương dào dạt, vừa thể hiện sự xót xa đau đớn đến tột độ. Những câu thơ như thế, nếu nói nhà thơ đã vắt óc, moi tim bày ra trang giấy, quả thực, không là quá đáng.
Căn bệnh lười suy nghĩ đã giết chết khả năng sáng tạo của người viết. Sau khi đổ hết tâm huyết tìm tòi những từ ngữ hay ho, bay bổng ghép thành vần điệu, tưởng thế là hay. Sự ngộ nhận này đôi khi là nguyên nhân của nhiều phiền toái. Ai khen thì tâm đắc, quý hóa. Ai góp ý cũng chả nghe lại cho rằng họ khinh mình, xảy ra hiểu lầm, ảnh hưởng tới tình cảm.
Vậy thế nào là lối nói mòn cũ? Tôi xin tạm định nghĩa như sau: Đó là lối nói người ta đã dùng hoặc lạm dụng những mỹ từ đã có sẵn. Những tác giả viết theo kiểu này, cái tình của họ có thể là thật nhưng cũng rất có thể là giả. Thật, bởi vì trình độ viết có hạn đành chấp nhận dùng lại những cách nói đã có sẵn. Gỉa vì tình của người viết chưa chắc đã đến mức độ ấy nhưng họ giỏi sắp những mĩ từ đã có sẵn thành vần điệu của thơ. Tôi xin dẫn chứng một thực tế là hiện nay người ta bán ngoài chợ nhiều câu đối ca ngợi công đức tổ tiên, cha mẹ… được rất đông người mua về treo trước ban thờ, chẳng hạn như câu: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ - Mây trời lồng lộng chẳng phủ kín công cha”. Đây là câu đã có sẵn. Nếu ta cạn nghĩ, cứ thấy ai treo đôi câu đối ấy trong nhà đều coi họ là những người thương cha mẹ thật lòng thì quả là một sai lầm. Một đứa con bất hiếu vẫn có thể bỏ ra vài trăm ngàn để mua đôi câu đối ấy. Khi làm thơ nói về chữ hiếu cũng vậy, vớ được cái kho ngôn từ sẵn có chúng ta thường tha hồ mà vơ vao. Nào là “tảo tần khuya sớm”, nào là “chắt chiu dành dụm”, nào là “nhân từ”, rồi “biển cả”, “nước trong nguồn” v.v… toàn những điều mà người đọc đã biết tỏng từ lâu. Tuy nhiên ai cũng thương cha mẹ mình thật lòng và đều muốn dành cho các đấng sinh thành những từ ngữ hay nhất trên đời để ca ngợi nhưng lại không hiểu rằng nếu làm thơ như thế chưa đủ để thuyết phục người đọc. Thành thử đọc hàng trăm bài nhưng chúng cứ na ná như nhau, khiến ta có cảm giác nhàm chán. Rất ít người tìm được cách thể hiện riêng, gây ấn tượng sâu sắc như những câu thơ của nhà thơ Vương Trọng sau đây:
“ Đã có lần con khóc giữa chiêm bao/ Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó/ Đồng sau lụt, bờ đê sạt lở/ Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn/ Anh em con nhịn đói suốt ngày tròn/ Trong chạng vạng, ngồi co ro bậu cửa/ Có gì nấu đâu mà nhóm lửa/ Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về” (khóc giữa chiêm bao).
Tuy cùng một chủ đề về mẹ nhưng hình ảnh người mẹ ở đây là một bà mẹ thực, cúa riêng tác giả. Người không thương mẹ thật không thể viết được như thế.
3/ Thế nào là thơ và đạo thơ?
*Thơ
Thường thì một bài thơ dài không phải câu nào cũng là thơ. Nhưng ngược lại cả một bài thơ mà lại chả có một câu đủ tiêu chuẩn được gọi là thơ thì không được. Một thí dụ:
"Cây dừa cao tỏa nhiều tàu / Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng"
(Cây dừa - Trần Đăng Khoa)
Trên đây là một câu thơ gồm có một câu lục và một câu bát.
Câu lục "Cây dừa cao tỏa nhiều tàu" chưa phải là thơ. Đây là một câu nói bình thường ai cũng có thể nói. Đến câu bát "Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng" cây dừa mới vút lên thành thơ. Bởi sau tám âm tiết của câu thơ ta có thể ra suy ít nhất hai tầng ý nghĩa nữa:
a/ Cây dừa rất đẹp, mang tâm hồn của con người
b/ Tình cảm của tác giả đối với cây dừa, với thiên nhiên.
* Thế nào là thơ đạo.
Ai cũng biết đạo văn là lấy thơ, văn của người khác làm thơ, văn của mình. (Ở bài viết này tôi chỉ đề cập đến thơ nên tôi dùng khái niệm "thơ đạo" cho tiện.) Thế nhưng nhiều người có những câu chưa phải là thơ lại giống của một người đã viết trước vẫn bị quy là thơ đạo.
Ví dụ trong ba trường hợp sau:
1- Có người viết:
"Một đời dừa chẳng âu sầu / Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng"
Xét trường hợp này tuy câu lục khác hoàn toàn nhưng câu bát là của Trần Đăng Khoa. Đúng là thơ đạo!
2- Cũng có người viết:
"Chờ ai, dừa đứng bên cầu / Dang tay ôm mối âu sầu cô đơn"
Xét trường hợp trên tác giả ví von tàu dừa như cánh tay. Giống của Trần Đăng Khoa. Cũng là thơ đạo!
3- Lại có người viết:
"Cây dừa cao tỏa nhiều tàu / Soi gương nước biếc bên cầu lung linh".
Xét trường hợp thứ ba thấy tuy câu lục hoàn toàn giống của Trần Đăng Khoa nhưng ở câu bát hình ảnh cây dừa khác hẳn. Ai dám bảo là thơ đạo? Câu lục có phải là thơ quái đâu mà bảo là thơ đạo?
Hàng ngày có hàng ngàn nhà thơ, viết ra hàng trăm câu, hàng trăm bài thì sự trùng lặp trong một số câu nào đó là điều khó tránh khỏi. Chứ chưa nói gì trong một tháng, một năm có hàng chục ngàn bài thơ mới ra đời mà kho từ vựng của mỗi quốc gia lại hầu như không sinh thêm. Độc giả khi phán xét xem người viết sau có đạo của người viết trước không phải xem câu ấy có là thơ hay chưa cái đã.
Nếu lỡ có các câu thơ (đúng nghĩa là thơ) giống nhau của hai người, trước khi kết luận là ai đạo của ai thì cũng phải bình tĩnh xem xét kỹ trên nhiều bình diện. (điều này tôi không bình luận)
Nếu các câu chưa là thơ mà đã bị "đánh cắp" thì hơi đâu mà tố nhau cho mệt. Thiết nghĩ nếu các nhà thơ chỉ làm văn vần, ca vè thì chẳng cần phải động não mấy, một ngày mỗi người cũng viết được hàng tá bài "thơ". Gỉa dụ có người đánh cắp cái loại "thơ" ấy thì còn mừng là đằng khác!
Vừa qua trên các trang mạng rộ lên chuyện tố cáo nhau đạo thơ. Tôi thấy nhiều trường hợp đúng nhưng cũng có không ít trường hợp oan sai do người tố cáo chưa hiểu được đâu là câu thơ, đâu là câu chưa phải thơ.
Trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du dùng rất nhiều các câu tục ngữ, thành ngữ xen vào trong các câu thơ mà chẳng để trong ngoặc đơn ngoặc kép gì, ai dám bảo thơ của cụ là thơ đạo?
4/ Văn hóa ứng xử trên cõi ảo.
Từ ngày có in tơ nét loài người có thêm cơ hội giao lưu với nhau trên cõi ảo. Vì là ảo, chẳng ai phạt vạ ai được nên người ta dễ thể hiện hết bản chất của mỗi người. Cách ứng xử tốt giữa người với người trên cõi ảo cũng là một nét đẹp văn hóa mà chúng ta cần phát huy.
"Con người thế nào, chà rào thế vậy".
Khi bật máy mở mạng ta thường thấy những câu cảm ơn, xin lỗi... Những câu văn, bài thơ hay, những lời góp ý chân thành... hẳn phải là của những người có tâm có đức, ta đáng phải nể trọng.
Ngược lại cũng có những người phát ngôn bạt mạng, những lời thiếu tế nhị. Họ nhằm vào những sơ suất của người khác để công kích, bôi nhọ. Thậm chí còn cố tình suy diễn máy móc để chụp mũ, quy kết phục vụ cho dã tâm của họ. Đó là những biểu hiện của tính ích kỷ, nhỏ nhen của một số người hay đố kỵ, ghét ghen. Khi thấy người khác có lỗi thì tìm mọi cách nói xấu thậm chí là thóa mạ, lăng nhục, xúc phạm nhau. Họ không ngờ rằng chính họ đang hạ thấp họ. Cách tốt nhất để mọi người tôn trọng mình trước tiên là mình phải biết tôn trọng người khác.
Những người "ném đất giấu tay" ngoài đời thực cũng biết việc làm của mình là xấu nên ở cõi ảo họ thường không công khai danh tính.
Tôi mong rằng dù đến với nhau trên cõi ảo hay cõi thực mọi người đừng để cho những dòng chữ hoặc lời nói của mình bêu riếu chính mình trước bàn dân thiên hạ.
Tiện đây tôi xin gửi tới cư dân mạng mấy câu:
Trần gian thiếu đất khóc cười
Để giờ cõi ảo cuộc người tỉnh say
Gian manh phô kín mặt ngày
Kẻ đeo mặt nạ, người bày chân dung
Bao nhiêu rác rưởi bần cùng
Khoác com-lê cũng trùng trùng hiện ra
I-meo lột xác con ma
Ranh khôn xoay úm ba la chín chiều
Khéo ngoan lọc thứ mà yêu
Ngẫm xem đốt mã bao nhiêu mặt người
Trần gian chật đất khóc cười
Vào In-tơ-net xin mời tự nhiên.
Non Côi ngày 7-11-2014
Trần Kế Hoàn
(Hội VHNT Nam Định)
Để giờ cõi ảo cuộc người tỉnh say
Gian manh phô kín mặt ngày
Kẻ đeo mặt nạ, người bày chân dung
Bao nhiêu rác rưởi bần cùng
Khoác com-lê cũng trùng trùng hiện ra
I-meo lột xác con ma
Ranh khôn xoay úm ba la chín chiều
Khéo ngoan lọc thứ mà yêu
Ngẫm xem đốt mã bao nhiêu mặt người
Trần gian chật đất khóc cười
Vào In-tơ-net xin mời tự nhiên.
Non Côi ngày 7-11-2014
Trần Kế Hoàn
(Hội VHNT Nam Định)
Trên phần phản hồi, có người nêu bài thơ" Sóng" của Tế Hanh, có câu mở" Biển một bên em một bên" và sau này Trần Đăng Khoa với "chút thơ tình người lính biển" nổi tiếng là 1 trong 5 bài thơ hay nhất về biển đảo có câu: Biển một bên và em một bên"... Có thông tin Trần Đăng Khoa đã xin lỗi trên báo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét