Vùng quê Trang
nhiều mù lắm, có ngày chẳng thấy mặt trời đâu, chỉ sáng nhờ nhờ. Vậy nên da con
gái mà vẫn cứ mai mái thôi, không tươi tắn, đen giòn như người vùng biển quê
anh. Nắng, gió lồng lộng, thích thế. Hè năm thứ hai, lớp nuôi dậy hổ (bọn em thường đùa vậy) tổ chức pinic ở bãi
biển Diêm Điền gặp cánh giai măng trường Biên phòng diễn tập phòng thủ bờ biển.
Hút nhau từ cái nhìn đầu tiên. Yêu và hứa đại, chẳng ngờ đất Vân Hồ nghe thơ mộng,
Hang Trùng nghe bí hiểm ghê ghê giờ lại thành quê. Bởi Tiển đơn giản, dễ hoà đồng.
Ra quân, ba lô lộn về quê Trang trình bày hoàn cảnh, xin cho hai đứa xuôi Thái
Bình ra mắt họ hàng. Ít lâu sau, cưới. Chàng sắm chiếc xe cà tàng, với bộ đồ
nghề rung rúc, thuê ké chái quán ở ngã ba đầu làng, kỳ cạch kiếm ngày vài ba cân
gạo đổ nồi. Nàng thì cực khó, ấy là cố kế hoạch để còn son rỗi, mới dễ mua việc.
Cái nghề cao quý thì cái giá cũng đắt đỏ làm sao? Dễ phải bán cả cái nhà bố mẹ
may mới đủ. Buồn quá, xin ngồi lỳ cắt chỉ ở xưởng may trên thị trấn từ 6 giờ sáng
đến 8 giờ tối, tháng sau bóc phong bì lương, Trang muốn ngất, đúng 3 yến gạo. Lỗ
cả xăng xe. Cố vài tháng nữa. Thi thoảng còn làm thêm giờ, mà cũng chẳng hơn
được là bao. Chủ bảo, thời kinh tế suy thoái, có việc là quý rồi, lương từ từ đã,
cơm chưa ăn, gạo còn đó!
Cực
chẳng đã, vợ chồng Trang đành ngược Vân Hồ.
-Dù sao vùng sâu cũng dễ xin việc, nhất là
con dân tộc được đào tạo bài bản! Niềm tin ấy, với Trang mỗi năm lại càng
nhợt nhạt thêm đi. Chuyện tốt nghiệp phổ thông trung học chẳng còn quý hiếm, đáng
nể gì với trẻ con Hang Trùng. Ngay cả mấy đứa học cao đẳng ra cũng "sường
thôi", huống chi là mình? Trang buồn bã cất ước mơ cô giáo mầm non xuống đáy
cù lở(3) đựng quần áo cũ cùng với tấm bằng lâu chẳng muốn nhìn ngó nữa.
Tiển chẳng cay cú gì, nó như con
dao pha, quăng đâu cũng tìm ra việc. Khi xây chuồng bò, lúc phụ máy san đồi, lấp
ao, giờ thì buôn gốc đào, kiếm ăn được. Nhưng Trang giờ cũng như các đàn bà Mường
ở Hang Trùng lam lũ, phải bám vào đất mới sống nổi. Vậy nên nó mới rũ người như
tầu lá chuối bị sương muối, khi biết tin ít đất ruộng nhà nó sắp bị thu hồi để
xây dựng trụ sở huyện mới lập. Ruộng ấy xưa là chân đồi, lúp xúp cây găng gai mọc
chen với đá chồ lổn nhổn. Hồi miếng nương nhà nó dưới Suối Lìn, phây phây như mông
lợn, quanh năm lúc lỉu su su, bố mẹ nó phải cắn răng nhường lại cho bọn Nhật trồng
chè, mấy bố con trằn lưng khai phá chỗ này, tướp cả mấy đầu ngón chân, ngón
tay. Khi vợ chồng Trang lếch thếch dưới xuôi lộn lên, cả nhà xúm lại, sân siu
nhau dành cho. Mỗi năm, không đếm được bao nhiêu mồ hôi vợ chồng nó rỏ xuống.
Cái giống cây găng gân guốc, gốc đốt thành than, nhưng chỉ vài trận mưa, thân
gai lại tua tủa như chông dựng, vô ý chạm vào buốt tận óc. Sau mỗi vụ, bao nhiêu
gánh lá chó đẻ với phân bớn đôn vào, giờ miếng ruộng mới nạc như miếng tiết, lại
sắp mất; ai chả nẫu ruột? Họp, nói hay như đài, huyện nói thế, xã cũng nói vậy,
bản cũng nói theo vậy, toàn những người chả bị mất gì! Nó uất quá, đứng lên thưa
lại, có bá nào nhượng lại vài trăm mét đất ruộng cho nhà cháu làm không, cháu
xin trả cao gấp rưỡi giá đền bù, thì mọi người nhìn nhau cười cười, lảng…Ai chả
biết, mấy hôm nay người Mông ở Ba Khe, Pa Háng đang ào ạt hạ sơn về mua đất sắp
lên thị trấn. Thịt gần xương, mới ngon,
dân gần quan mới khôn!. Cái lý ông Mông làm cho giá đất ở đây bỗng nhiên vùn
vụt lên như nước sông Đà dâng mùa lũ.
-Không có đất thì làm gì để có cái
đút miệng? Cũng đã bao nhiêu lần vợ chồng Trang nặng nhời hỏi nhau câu ấy, không
trả lời được. Chỉ còn mỗi cách lùi sát rừng ma thôi, lấp Khe Hang làm ruộng, nhưng
Trang lại không muốn vậy. Tiển lại ôm đầu:" Pó tay. Chấm com!"
Có người mách, dưới xuôi, hễ ai bị
thu hồi đất canh tác, chủ đầu tư ưu tiên cho vào làm công ngay ở nơi mình hiến đất
ấy. Nhiều người còn được học nghề mới tuyển dụng nữa cơ! Ôi thật thế á? Trang sướng
miên man. Mình sẽ được làm con công múa ư?
Nó rụt cổ vào, nó xoè cánh ra... chị em ta cùng lộn cầu vồng... giữa bầy
trẻ hớn hở nô cười như nắc nẻ. Trong lâng lâng ảo giác, Trang thấy lãnh đạo huyện giờ không " hắc
xì dầu" khó đăm đăm như trước đây cô thường nghĩ, mà họ cũng gần như dân, (Tại
vì mình hay gặp họ ở ngay trên miếng đất cũ nhà mình mà!) Trang hý hửng viết đơn
và phấp phỏng. Biết đâu, trời có mắt thật?
- Có làm không? Tiếng Tiển nói như
quát hệt gáo nước dội vào giấc mơ giữa ban ngày ngọt ngào, làm Trang chợt tỉnh,
lắp bắp: Không, không!
-
Chục ca máy san lấp. Nghìn mét ống dẫn nước rừng ma về, chịu khó vài năm nhặt đá,
độn phân.. rồi ra mỗi năm kiếm vài chục bao thóc!
- Đấy là kỷ niệm của em, là nơi
tâm hồn em được khai sáng trong cơn bĩ cực nhất. Đã dẫn xuống xem rồi mà đầu
anh vẫn chuối. Tức thế!
Trang bịt tai, vùi đầu vào đống chăn
gối con gái vừa rũ tung ra, chân đập bồng bồng xuống đệm, bụi mù. Tiển "Pó
tay" lại nhe nhởn dong cái Uây Tầu
ra ngõ, thả trôi dốc nổ phành phành, lượn.
Rồi
một buổi Tiển rước từ đâu về một ông cụ, xuống thăm cây đào dưới hang xong, có ý
chờ Trang, dù một hai anh chồng chém gió: Con quyết là được. Ba triệu, lại quả 5
chục gọi là gia lộc! Cụ già vẫn phân vân:
- Cô nhà ta làm gì hả cậu?
- Gõ đầu trẻ, nhưng mất dạy ngay từ
lúc ra trường, cụ ạ!
- Ra thế! Quý hoá quá!
Xế chiều, khi cụ trùm đào thế về
xuôi, cả Vân Hồ, đúng hơn là cả thị trấn sắp thành tên đã ồn rầm chuyện cây đào
dưới khe Hang. Loại đào hiếm lá, ken dầy nụ, ủ những 2 hay 3 năm mới khai hoa,
nghe đâu xưa tiến vua, cống chúa gì ấy, tên gọi là Thất Thốn. 99 triệu, con Trang còn làm cao không bán! Kẻ
khen: Sướng nhỉ? Bỗng dưng vớ được đống tiền. Thôi cũng bõ cái số nó lận đận!
Người chê: Ngu thế, già néo đứt dây thôi? Tưởng đồng đen chắc? ông già lỡm cho
tiếc đấy, không mua đâu!
Còn Trang, cô biết, ông cụ sẽ không lên!
Vì cả hai đều biết thừa, chỉ cần
đưa khỏi hang, cây đào sẽ chết!
Hang Trùng, Nô-en
2013
(1) Nhạc cụ dân tộc, giống như cây nhị, hồ
(2) Người
mang vác thuê
(.3) Gùi
đeolưng đan bằng mây.