Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

NẾT ĐẤT


Ảnh: Xuân Trường

- Cháu đang điên hết cả đầu! Bác tính, bố cháu  thì Viện K không nhận truyền hoá chất nữa. Đưa sang Bạch Mai chỉ được 2 ngày họ cũng trả về, giờ chỉ nằm chờ chết trên đa khoa tỉnh. Vây mà…ở nhà nó chó má thật!
Thằng Phục dứt lời ôm đầu gục xuống. Các ngón tay luồn vào đống tóc bù xù như tổ quạ, đun đẩy vầy vò. Nó là con giai út của lão Quyền, tuổi mới gần 30, nhưng ánh mắt vừa ngẩng lên nhìn tôi cầu cứu lộ vẻ mệt mỏi trên gương mặt phờ phạc. Hệt như cậu học trò dốc sức ôn thi nhưng lại biết tin mình bị trượt. Thì hàng tháng nay, anh em chúng vất vả ngược xuôi, thay nhau hầu bố rồi lại phải về chăm cả vợ. Rõ khổ.
-Ờ! Bác cũng có nghe, khúc mắc gì mà vợ cháu dại dột… may phúc ấm tổ đường phù trì đã khỏi về nhà rồi hả?
-Không! Khúc mắc gì đâu. Thằng anh cháu giở trò khốn nạn, nên vợ cháu phẫn chí thôi bác ạ!
 Trưa nắng chang chang, tôi lụi cụi theo chân Phục, về ngay nhà nó, xem sự thể ra sao, đi trên nền ngõ bê tông ngoằn nghèo giữa hai bên tường gạch xây cao, hơi nóng phả lên hầm hập, rợn người. Trong ngôi nhà mái bằng cũ kỹ chẳng mát hơn gì ngoài ngõ mặc cái quạt cây quay nhẫn nại, được Phục chĩa về phía tôi lừ lừ xoay và phát ra tiếng rền rĩ đều đều..
Vợ Phục tên Hoài cao ráo mà cũng dầy mình, tuy giờ hơi bị xọm đi trong bộ quần áo có vẻ mới rộng ra, nhưng nhìn vẫn khá vâm váp. Gương mặt không đẹp cũng không xấu, tuy đôi lông mày to mà thưa, chắc khá lâu chưa tỉa nên trông lem nhem, không ăn nhập với đường vẽ xanh lè cong vút. Nhưng chả sao, lấy vợ làm ruộng chọn phom người này, to bẹ nhớn buồng, phải quá rồi. Tôi thầm nghĩ và đón cốc chanh đá cô trao, hớp luôn một ngụm, nghe cô hồn nhiên kể:
….Đang mệt sẵn, uống cốc nước anh Tuyền đưa cho xong là cháu ngủ luôn. Tôi chột dạ, bỏ mẹ, tội phạm công nghệ cao đã tràn về vùng thôn quê hẻo lánh rồi ư? Thì bác tính, trời nóng bức lại đang con mọn, quần chùng áo dài làm gì? Thấy nôn nôn, cứ tưởng con bé đòi ty cơ, cháu phát cho một cái, ai ngờ nó không bỏ mà còn làm già. Cháu tỉnh luôn, chửi luôn, xin lỗi bác mẹ đứa nào làm gì tao đấy? Nó nhăn nhở anh biết hết của em rồi, cho xin tý đi. Cháu tức quá mà không sao ngồi dậy được. Nó thì cứ bên giường, mồm lải nhải tay khuờ khoắng. Điên tiết, cháu mới thọc tay tóm lấy bộ hạ nó, bóp luôn hai phát. Nó kêu giẫy lên rồi lủi mất. Cháu khẳng định anh Tường là vì giọng nói và dáng người lồi lồi vậy, nhầm sao được ạ!
- Không đe doạ hay cưỡng bức gì chứ? Tôi ngập ngừng hỏi thêm.
-Sức mấy mà cưỡng được cháu? Nhưng mà cháu ức lắm. nghĩ nhục quá bèn xuống bếp lấy gói thuốc sâu, xé ra, hoà nửa cốc uống luôn, rồi cháu chả biết gì nữa.
*         *         *
 Cái làng nhỏ của tôi, như nhiều làng khai hoang khác xa đường cái, gần nửa thế kỷ sống quây quần củ lạc, sắn khoai là chính, hoà thuận ấm êm lắm. Sợi dây liên lạc với cố hương ngày càng bền chặt, thật đến khó tin. Ấy là một lũ thau tháu U50 bây giờ được sinh ra ở làng tôi cùng lý do sơ tán. Hồi đânh Mỹ ác liệt, giai làng tôi (ở xuôi) hăng hái tòng quân mấy ai sợ chết thân mình, nhưng lo cho tương lai lắm, không người nối dõi thì sau này đánh đấm làm sao? Thành ra, các cu (vị thành niên) ào ạt bị rủ lên thăm người làng; 5,6 ngày đường mãi tận nơi heo hút. Đến đây thì ở lại đây/ bao giờ bén rễ xanh cây mới về. Mới ngoài” thập lục” tý mà đã bị giao khoán, cứ cho tôi thằng cò rồi muốn đi đánh Tây, đánh Tầu bao lâu cũng mặc. Ối giời! Gái hơn hai, hay bốn có sao, ruộng ngấu cấy mới chắc ăn! Khối ông sau này sửa sai cái quyết định tầm chiến lược có tính lịch sử ấy bằng câu dạy của người xưa ” cả sông đông chợ…”  bởi khi các bà lam lũ lọm khọm khí sớm, thì đầu gối các ông vẫn trèo non lội suối chưa hề mỏi. Làng tôi to dần lên cùng chế độ phụ hệ đa thê, như là thương hiệu của đất này làm bọn giai trẻ ra ngoài có thời bị trêu xấu hổ lắm. Nhưng rồi, đâu năm kia, năm kìa có đoàn người, lỉnh kỉnh máy móc tới vùng quê tôi nghiên cứu phong thuỷ. Ngờ đâu ngọn núi sừng sững độc trụ kình phong đã khôi phục lại cái danh khiếm mỹ làng đa thê. Thế là ồn rầm lên chuyện khí thiêng trời đất, kéo theo lũ lượt khách thập phương hiếm muộn đến chiêm bái…
  Cả làng có vài mống thoát ly như tôi, làm công chức quèn ngoài tỉnh,  rồi lấy vợ, sinh con trở thành người phố thị, nói có người nghe, đương nhiên; nhưng đe chẳng ai thèm sợ. Tôi chẳng buồn vì điều đó, thậm chí còn coi thường, phù du đô hội, chen leo làm gì. Tôi ít về, nhưng mỗi khi về với làng, thấy mát rượi, xa mọi bon chen, cạm bẫy tôi thấy sướng. Ở quê, cái gì cũng thật, họ nhường nhịn nhau, kể cả những gia đình con bà nọ, bà kia nhưng tôn ty trật tự cứ răm rắp. Thế mà bỗng nhiên nay, mảnh hồn làng tôi hằng tự hào và tôn thờ có nguy cơ nhàu nhĩ. Chao ôi! Lậy giời đó đừng là sự thật. Chỉ là cơn ác mộng của người bị choáng do men gan bỗng chốc vọt lên cao như tôi tưởng tượng ra thôi.
Tiếng xe máy rồ rồ phi thẳng vào sân rồi tắt ngấm. Tuyền vứt xe, lừ lừ đi vào, nhè mặt Phục thọi cái bụp, nhanh đến nỗi tôi vội đứng lên đã thấy mồm Phục máu đỏ loè. Rồi nó xỉa tay sang, may tôi đỡ kịp rồi giữ chặt, nhưng tay kia nó đã vả nghe đánh bốp ở mặt vợ Phục. Con nọ chẳng vừa, nó cúi xuống ngay gầm giường, lôi ra thanh sắt đứng tấn, thách mày vào đây.
- Chúng mày giết nhau à! Thì đánh tao trước đi! Tôi giằng tay khỏi Tuyền rồi bình tĩnh, nhìn từng đứa dằn giọng: Đánh bác đi cháu!
Cái anh cu Tuyền này, hồi trẻ đi bộ đội canh gác trại giam Bất Bạt, quen đánh phạm nên giờ nhiều khi thấy ngứa mắt là thu tay, giơ chân, phạt mãi không chừa. Nó chào tôi bằng câu hỏi xấc bác mới về chơi à, nhưng mắt nó vẫn phóng sang vợ chồng thằng em những tia dữ dằn như có lửa.
- Đừng thấy tao nhiều vợ mà tưởng tao ăn cả cứt, đéo cả ma nhá!
Hàng xóm thấy ồn ã lục tục kéo nhau đến, câu ra câu vào râm ran như.họp chợ thế là tôi mặc nhiên trở thành” thẩm phán” bất đắc dĩ, dù chỉ biết nghe. Ông già Ính đứng dậy, chắp tay vào bụng, quay bốn phía từ tốn nói:
-Họ ta vốn dòng dõi hương sư, sao lại thể tất cho việc làm vô luân thế được? anh cả nhà tôi hiện đương nắm phó ban văn hoá, ăn nói sao đây với làng với xã? Mấy tiếng đế rụt rè: Phải! Không có lửa, làm sao có khói nhỉ?
-Cháu đề nghị lập biên bản gửi ra xã, phạt cảnh cáo anh Tuyền làm gương. Vẫn biết là chưa gì, nhưng răn đe không đủ mạnh thì sẽ có ngày…
-  Lập lập cái con tườu. Tuyền nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến. Kiện chúng nó tội vu cáo thì có. Cùng lúc âý, một người đứng tuổi đứng dậy ấn vai Tuyền xuống, đoạn giơ tay chỉ vào đầu người vừa nói lúc trước:
-Cất ngay ý nghĩ ngu si vào cái đầu đất đi cho tôi nhờ. Chú muốn nuôi bọn công quyền hở? Nay nó gọi lên bắt viết vài chữ. Tuần sau lại gọi lên bắt viết mấy chữ. Tháng sau lại gọi củng cố hồ sơ. Tàn gia bại sản mà theo kiện nhá. Ai kiện ai đây? Hai anh em kiện nhau! Rõ là nồi da xáo thịt! Ngu.. ngu cả lũ!
Tôi thật sự hoảng, người nọ phản biện người kia, phừng phừng khí thế, xem ra chả ai chịu ai, khác hẳn nết làng tôi xưa; càng khác xa kiểu ngậm miệng ăn tiền hoặc ào ào nói chiều lòng xếp, rồi giơ tay nhất trí ngay với ý kiến xếp vẫn thường diễn trong các buổi họp ở cơ quan.
-Dưng mà nói đi cũng phải nói lại thế này. Đàn bà con gái cốt phải kín đáo. Mấy lần tao sang thăm ông Quyền thấy mày mặc kiểu gì mà hở tứ lung tung cả. Tao bảo ngay cả bố mẹ chồng mày. Ăn chung ở đụng phức tạp lắm. Mỡ để miệng mèo. Không nhìn thấy thì thôi, chứ nhìn thấy thì thằng đàn ông nào chả sinh lòng tham. Các cụ dậy sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ cấm có sai đâu. Tôi nói vậy, ai không cho là phải thì nhời tôi cứ giả lại tôi.! Lại có tiếng xì. Bà cố đỉn (đỉn, nói vụng rất thầm ) giảng dậy quá đúng! Và tiếng vỗ tay đèn đẹt hoà theo tiếng cười khục khục vang lên từ mồm lũ cháu chắt bất trị.
Ô! Có lẽ đúng! Đúng thật. Bà cố ( tôi phải xưng vậy theo vai vế) đã mặc áo đỏ trong lễ mừng thượng thượng thọ Tết vừa rồi mà vẫn còn minh mẫn lạ. Cố là chứng nhân để cuộc phân chia dẩi đồi cà phê bạt ngàn, ngựa chạy nửa ngày chưa hết cho đàn con cháu ngót bẩy chục người, khi vừa xong tang cụ cố ông. Có lẽ từng ấy năm nai lưng cùng chồng con khai phá rừng hoang, nước hiếm, từng mang lễ hỏi vợ cho chồng cốt để thêm người, thêm việc…bấy nhiêu năm tay hòm khoá, thay cụ ông cai quản cắt đặt cho đống người ai nào việc nấy, cố đã rút ra triết lý đó chăng? Vậy mà trong số con của cố, lão Quyền đến giờ vẫn khư khư giữ cái quyền cầm trịch cho các con, nên  giờ mới ra nông nỗi này chăng? Tôi lờ mờ, hình dung rõ là con cái lão đã chán ngấy cảnh sống bó buộc và bí bách này lắm rồi, Nhưng cái uy của lão Quyền còn khá lớn, bởi cái sổ đỏ mấy trăm mét vuông thổ cư với ngôi nhà mái bằng cũ còn mang tên lão mà thôi.
  Bỗng một đống lùm lùm lù lù như trôi vào sân, khựng lại trước cửa chính. Ló ra dáng người bé choắt, cái mũ dây cuộn vành lên lộ khuôn mặt đỏ sực, hối hả dỡ gốc lạc từ trên xe thồ xuống. Thị chẳng nhìn vào trong nhà, như đã lâu lắm rồi chả cần biết cái gì xảy ra, chỉ cắm đầu cắm cổ làm cho xong việc mình, mà việc thì lúc nào cũng lút đầu thị.
-Lanh! Lanh bỏ đấy hẵng.Vào đây! Tiếng anh chồng, xẵng như ra lệnh. Rồi tiếng xì xầm, xen tiếng cười bỡn cợt. Làm quá người quắt như cái kẹo vặn rồi. Lạc giồng khoảnh nào mà mẩy vậy?
 Lanh tháo mũ làm quạt, phơ phẩy qua khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi  bước rảo vào nhà:- Úi! Quáng nắng quá, chả nhìn thấy ai! Con này lạ. Thế là chào rồi đấy phỏng? Có nhìn thấy ai đây không?
-Thôi để cháu nó uống cốc nước mát đi, rồi kể lại sự tình hôm ấy xem sao nào! Tôi giơ tay ra hiệu cho cháu không phải nhổm lên chào tôi nữa. Trong lúc mọi người chiềng cho nhau những củ khoai lang ruột vàng còn bốc khói, thơm ngầy ngậy, xuýt xoa san sẻ những vốc lạc mới luộc nóng rẫy thì một bà nhanh nhảu đã nghé sang tôi, tranh thủ phô lý lịch.
Con bé Lanh này là vợ thứ ba chính thức của cu Tuyền, có đăng ký hẳn hoi ở bên ngoại tận vùng đất vịt Vân Đình. Nhưng chỉ làm dăm mâm gọi là thôi. Thím Quyền vác nón trao lõi mấy lần cho anh cu Tuyền rồi phát ngượng với dân làng chẳng dám xuống đón dâu. Ông Quyền hồi ấy đương khoẻ, mải  thu cà phê với bà hai ở Kông Tum, không về.
-.Vậy mà xem ra bốn đứa con dâu nhà lão Quyền mỗi đứa này xí gái tý, nhưng đảm nhất đấy. Mà lại khổ nhất đấy. Tiếng xì xầm cốt lọt lỗ nhĩ tôi
-Lạ gì tính khí ông bà Quyền, chỉ yêu dâu nào dẻo mỏ. Kiểu này thì chết đứa không biết thớ lợ.thôi. Ừ! mà tôi nghe mấy hôm nay ông Quyền ốm quá ra, hễ thấy mặt vợ chồng thằng Tuyền bén mảng tới mép giường bệnh là xua như đuổi tà. Oái oăm vậy!.
Một bà huých nhẹ vai tôi, nhướng mắt để tôi nhìn sang cô cháu Hoài, rồi lắc đầu: Chả kiểu gì, đớn lắm! Đi máy may chả đâu họ nhận. Được mỗi cái mồm với lại của đáng tội …Hì hì…nhiều phân cho tốt lúa!.
Lanh đứng dậy cái phắt, như đứa học trò hiểu bài, chỉ chờ cô giáo gọi phát biểu. Hôm đấy thím chả bảo mưa thì gọi dậy thu lạc nhá, đúng không? Lúc ông Tuyền lấy nước cho nhá, thím bảo em mệt lắm, thi thoảng chị sang xem em còn thở không nhá, đúng không? Một lần tôi sang sờ thì bảo em không sao đúng không? Lúc sau ông Tuyền đi soi cá suối về tôi bảo ông ấy tiện xem giúp tôi, ngộ nhỡ thím chết ra đấy có phải mang tiếng vợ chồng tôi đúng không?
-Ối giời ơi! phường chèo, phường chèo! Thật thế á! Mấy bà sồn sồn cùng reo lên ngạc nhiên có vẻ phấn khích nữa.
-Sao không thật? Cháu thề có bóng mặt giời…sáng ra thuốc sâu, thuốc sia nó bảo với cháu là em giận chồng, muốn chết đi cho thằng Phục nó khổ. Vợ chồng cháu chả ì ạch khiêng nó nặng như trâu trương ra công nông ông Ngợi để đón xe thì giờ ở âm ty hạ tiền rổì chứ không à?
Con Lanh nói một thôi một hồi, từng câu chắc nịch như nắm cơm làm khuôn mặt vợ chồng em dâu tái dần, trong khi mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo. -Vừa nẫy ở trên nương tôi mới biết thím dựng chuyện đổ vấy cho ông Tuyền nhà tôi, điên lắm không có nhẽ lồng về vả cho gẫy răng? Cái đồ ăn điêu nói đặt gắp lửa bỏ tay người, không sợ tội mù mắt à? Nó loi choi xấn đến, tôi vội giơ tay ngăn, ước tính nó đứng chưa chắc đầu đã cao ngang mồm con nọ nên phì cười, làm mọi người cũng ồ lên cười theo. Chim chích đòi ghẹo bồ nông!
-Cháu nói vô phép các ông, chứ cả nhà ông Lường ( bố đẻ cô Hoài)đều ở nhà thấy ma đỏ mắt, bảo huyện không chữa được mới đưa lên tỉnh (!).Quan trọng hoá quá, bé xé ra to chứ. Cháu đây này, theo sát đít nó, cháu nghe thấy hết. Bọn bác sĩ nó bảo chữa làm quái gì cái đứa chán sống ấy? Xơ múi gì đâu, tống mẹ nó lên tuyến trên cho nhẹ nợ! Rõ ràng ràng thế. Bệnh viện tỉnh nó chả phạt cho mấy triệu thấy chưa?. Nhưng mà không phải vì uống thuốc sâu đâu. Ngộ độc thuốc giảm cân thì có!
-Ơ cái con này quăn quăt thế mà sõi nhể? Thật vậy không?
Nó chạy một mạch vào buồng em dâu, lôi ra 4, 5 cái vỏ hộp chữ Tầu, chữ Tây, in hình một bà béo phì phát tởm đứng bên thiếu phụ eo thon tạo dáng làm duyên. Đây các bác xem cháu nói sai à, hơn tháng giời uống vụng chồng khoe với cháu xuống 7, 8 cân thịt rồi. Chả hỡi.?
Mọi người rồ lên, nhao nhao giành nhau xem thứ thuốc ngày nào chả nhem nhẻm rao trên ti vi, giờ mới được cầm sờ tận tay, trầm trồ như vật lạ ngoài hành tinh rơi mới rơi xuống vậy.
Tôi đưa tay ôm cái đầu ong ong, cúi gằm mặt xuống thầm kêu: Làng ơi!  loạn thật rồi. 
*         *         *
Vĩ thanh: Sáng nay lại bon về quê, thấy đập vào mắt ngay ngã ba rẽ vào làng là túp lều lợp tôn xanh, với dòng chữ viết sơn đỏ nguyệch ngoạc trên tấm bảng dựng mép đường nhận làm thuê các kiểu, tôi dừng lại, ngó vào. Thằng Tuyền, mặt đầm đìa mồ hôi đang bổ con Minsk cổ lỗ, bên ông khách ngồi chồm hổm xem chăm chú.  Nó dừng tay, chép miệng:
-Bao nhiêu năm làm lụng, đổ cả vào cái nhà ở chung mang tên bố, chia nhau cũng khó, nên cứ nấn ná, núp bóng bố, thằng nọ mong bẩy thằng kia đi khỏi nhà. Luẩn quẩn như gà vướng tóc. À! bố cháu khoẻ lại rồi, lại thích cầm cân nảy mực rồi. Chán. Vợ chồng cháu chả chấp chuyện cái Hoài, nhất quyết bỏ làng ra đứng đường.

Rồi muốn ra sao thì ra, bác ạ!