Ai làm hỏng " Di sản tục ngữ"?
Hay là những sai lầm của Nhà ngữ học Nguyễn
Đức Dương trong Từ
điển tục ngữ Việt
Hoàng Tuấn Công
NQL:Công nhận Hoàng Tuấn Công là đại cao thủ ngôn ngữ. Đọc anh thật sướng. Không mấy khi mình đọc bài viết học thuật kiểu này say mê đến quên cả giờ ăn.
Trong bài
“Giới
8X, 9X với di sản tục ngữ” trên báo
Lao động cuối tuần (số 10-8/3/2013)
Nhà ngữ học, TS Nguyễn Đức Dương viết:
“Không
ít ý kiến cho rằng giới trẻ ở độ tuổi 8X, 9X ngày nay đang quá thờ ơ với tục
ngữ [TN]. Một cô giáo dạy văn ở THCS tôi quen đã không chia sẻ nhận định ấy, mà
thậm chí còn gay gắt bác lại. Theo cô, các em chỉ thờ ơ khi chưa thấu hiểu nội
dung thôi, chứ một khi đã nắm được rồi, các em còn tỏ ra thích thú là đằng
khác”.
Thế rồi, được sự giúp đỡ của cô giáo nọ, Nhà ngữ học Nguyễn Đức
Dương đã làm một cuộc trắc nghiệm thú vị: Đưa ra 10 câu tục ngữ, mỗi câu kèm 2
cách giải thích trong 2 cuốn sách để các em chọn “
thích” hoặc “
không thích”:
một cách giải thích trong
Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của
GS Nguyễn Lân (NXB Văn Hóa - 1989); một của chính Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương
(trong
Từ điển tục ngữ Việt-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2012). Kết quả
(theo bài báo): cách giảng giải của Nguyễn Đức Dương được các em học sinh đánh
dấu
“thích” chiếm tỉ lệ áp đảo so với
GS Nguyễn Lân. Nguyễn Đức Dương (NĐD) đi đến kết luận:
“Nhận xét cuối cùng xin để bạn đọc tự đưa ra. Riêng về phần mình, chúng
tôi chỉ có một nhận xét nhỏ: Làm cho nội dung của các đơn vị tục ngữ vốn vô giá
của chúng ta sai lệch đi tới mức ấy thì ít người ưa và lắm người ghét âu cũng
là chuyện thường. Chẳng phải vô cớ mà người xưa hay dặn: “Tiên trách kỷ; hậu
trách nhân”(Nên tự trách mình trước
khi trách người)”.
Việc làm trên của TS Nguyễn Đức Dương
thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao của một Nhà ngữ học lão thành đối với thế
hệ trẻ. Nhưng tiếc thay, chính ông lại quên mất lời “người xưa hay dặn”. Bởi GS Nguyễn Lân giải thích sai đã đành, đến
lượt mình, Nguyễn Đức Dương lại mắc phải cái sai kiểu khác, không kém phần
nghiêm trọng. Sau đây là một phần nhỏ
những sai lầm trong cuốn Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức
Dương, kể cả những câu được nhà ngữ học xem là chuẩn mực, đem ra làm mẫu cho
các em học sinh, qua đó phê phán GS Nguyễn Lân.
Những
câu in đậm, in nghiêng của Nguyễn Đức Dương. Nội dung gạch đầu dòng là trao đổi
lại của Hoàng Tuấn Công:
Ăn khi đói; nói khi say
Ăn là chuyện hay diễn ra khi bụng đói; nói
là chuyện hay diễn ra khi đã ngà ngà say.
-Đối với loài vật, chúng
chỉ ăn khi đói (theo bản năng). Nhưng với con người, chúng ta còn ăn để thưởng
thức, ăn cho vui, ăn để giao lưu, kết tình bạn bè... Ba ngày Tết, bụng không
đói, mồm chẳng thèm, thế mà người ta vẫn ăn. Thậm chí ăn rất nhiều món, nhiều
thứ. Còn khi “đã ngà ngà say” có
người nói nhiều, nhưng không ít người lại im thít, hoặc lăn ra ngủ tít thò lò !
Cái “chân lý” mà Nhà ngữ học đưa ra thật khó đứng vững. Vả lại, giải thích như
vậy thì còn gì là tục ngữ nữa ? Thử hỏi ta học được gì qua cách giải thích của
N.Đ.D ? Tục ngữ là tri thức, là kinh nghiệm cơ mà ?
Câu tục ngữ đang bàn khuyên người ta cần
thận trọng trong ăn và nói, đặc biệt là
lúc đói và lúc say. Ăn lúc đói có thể không làm chủ được
bản thân, ăn hỗn, ăn tham làm mất tư cách con người (Miếng ăn là miếng nhục-Tục ngữ); hoặc khi đói ăn không kịp nhai, ăn
uống bậy bạ, dễ sinh bệnh tật. Nói lúc say (Rượu vào lời ra, Nói với người say như vay không trả-Tục ngữ) dễ
sinh ra nói càn, nói bậy, phạm sai lầm, mắc lỗi đáng tiếc. Cách giải thích “tự
nhiên chủ nghĩa” của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương khiến câu tục ngữ bị mất đi
giá trị vốn có của nó là giáo dục, răn đời sâu sắc.
Ăn
vụng không biết chùi mép
Đã
ăn vụng lại còn chẳng biết chùi mép (thì quả là dại dột hết chỗ nói). Hay dùng
để nhắc mọi người hãy nhớ chùi kỹ mép
sau khi ăn vụng xong (cho khỏi bị phát giác).
-Cứ
theo cách lý giải này, tục ngữ khuyên dạy “mọi
người” (trong đó chắc hẳn có tôi, chúng ta và cả… nhà ngữ học ?!) “nhớ chùi kỹ mép sau khi ăn vụng xong”
(!) để sao cho trót lọt, “cho khỏi bị
phát giác” (!) Hóa ra tục ngữ cũng dạy kinh nghiệm ăn vụng thế nào cho khéo
ư ?
Thực ra, đây là một câu chửi, câu phê phán,
chế giễu, mỉa mai kẻ làm chuyện vụng trộm, bất chính nhưng lại hớ hênh, để lại chứng cứ, dấu vết quá rõ
ràng khiến người đời cười chê.
Ba tháng con sẩy, bẩy tháng con sa
Mới
ba tháng mà đã sinh (thì gọi là) con sẩy, mới bẩy tháng mà đã sinh (thì gọi là)
con sa.
-Dân gian không có ý dùng tục ngữ
để giải nghĩa từ vựng “con sẩy” và “con sa” trong tiếng tiếng Việt.
“Ba
tháng con sẩy, bẩy tháng con sa” là câu tục ngữ đúc kết
kinh nghiệm dưỡng thai, an thai của dân gian (mà đến nay đã được khoa học chứng
minh): trong ba tháng đầu thai kỳ, người mẹ thường dễ bị sẩy thai nhất. Bởi vậy
trong thời kỳ này, chuyện đi đứng, sinh hoạt, thai phụ phải kiêng khem cẩn
thận. (Đông y có bài thuốc “an thai”, Tây y cũng có liệu pháp điều trị chống
sẩy thai). Vượt qua được thời kỳ 3 tháng đầu, thai nhi sẽ ổn định hơn. Tuy
nhiên đến tháng thứ 7, thai phụ lại rất dễ bị đẻ non (con sa). Do đó từ tháng
thứ 7 người mẹ cũng phải cẩn trọng trong đi đứng, sinh hoạt để tránh bị sinh
non. Ba tháng con sẩy, bảy tháng con sa
là vậy đó.
Báng
đầu thằng trọc phải nể lòng ông sư
Cốc (vào) sọ những kẻ đầu trọc thì
phải nể lòng ông sư (vì đầu ông sư cũng trọc).
-Từ “báng” cũng có một nghĩa là “cốc”. Tuy nhiên, trong câu tục ngữ trên, “cốc” không
thể hiểu là “cốc (vào) sọ” được. Nếu “cốc” vào đầu kẻ trọc thì kẻ trọc chịu
đau, đâu ảnh hưởng gì đến ông sư ? Báng (
謗) là từ Hán-Việt có nghĩa
là: báng bổ, mỉa mai,lên tiếng chê bai,
xúc phạm đến hình ảnh hoặc những điều đối với người khác là linh thiêng. Câu
này có ý khuyên mọi người nên thận trọng khi ăn nói, nhất là những lời có ý
báng bổ, xúc phạm kẻ khác.
Bạng duật tương trì ngư ông đắc lợi
Trai và cò mà
tranh ăn với nhau thì kẻ được hưởng lợi thường là ông đánh cá (vốn được mời
đứng ra phân xử vụ tranh chấp). Hay dùng để khuyên mọi người chớ có tranh ăn
với nhau mà dễ bị kẻ ngoài cuộc đoạt mất.
-Sẽ thật không phải nếu dám coi
thường nhà ngữ học - TS Nguyễn Đức Dương chưa hề biết đến điển cố“Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”.Tuy
nhiên, việc TS giải thích sai câu tục ngữ này lại nói lên điều đó.
Ở đây không có chuyện “trai và cò tranh ăn với nhau”, càng
không có chuyện ông đánh cá “vốn được mời
đứng ra phân xử vụ tranh chấp”. Điển cố này tóm tắt: Theo Chiến quốc sách, một hôm con trai mở
miệng phơi nắng trên bãi cát, cò đi kiếm mồi, mổ ngay vào ruột con trai, trai
liền khép chặt hai mảnh vỏ lại. Cò và trai cùng giằng nhau mãi, không con nào
chịu nhường con nào, lão đánh cá đi qua thấy vậy liền chộp được cả hai (Điển Cố văn học - Nhà XB Khoa học xã
hội - Hà Nội 1977).“Tương trì” nghĩa
là níu giữ, giằng co nhau, không phải là “tranh
ăn”như soạn giả giải thích. Lẽ nào
nhà ngữ học không biết đến cả mấy câu ca dao diễn dịch rất hay câu chuyện này:
“Cái cò mà mổ cái trai, Cái trai quặp lại lại nhai cái cò, Ngư ông bước tới lò
dò, Giơ tay chộp lấy cả cò lẫn trai” ?!)
Cà làng Hạc ăn gãy răng; khoai làng
Lăng ăn tắc cổ
Cà
làng Hạc (rắn tới độ) có thể làm gãy cả răng khi nhai; khoai làng Lăng (cứng
tới độ) có thể làm tắc cả cổ khi nuốt.
-Lẽ
nào nhà ngữ học lại không hiểu lời ăn tiếng nói của dân gian ? “Gãy răng” và “tắc cổ” chỉ là cách nói ngoa dụ mà thôi. Cà làng Hạc (nay thuộc TP
Thanh Hoá) là thứ cà màu trắng, ăn rất giòn. Khi cắn, âm thanh quả cà vỡ ra,
giòn tan, khiến người ta tưởng như hàm răng người ăn cà cũng gãy ra, vỡ theo đánh “đốp”. (Còn có
giống cà quả nhỏ, mầu trắng, ăn giòn tan như “pháo” nên gọi là cà pháo). Làng Lăng (làng Linh Lộ-xã
Quảng Hợp-Quảng Xương- Thanh Hóa) có giống khoai tên là Ô Xập, lá chia nhiều
thùy hình chân vịt, củ tròn, bột trắng xóa từ ngoài vào trong nên khi ăn thường
bị nghẹn, cảm tưởng như cổ bị tắc
lại. Câu tục ngữ này ngợi ca hai sản vật cà
và khoai đều ngon, quý, không phải chê“rắn”
và “cứng tới độ” ăn “gãy răng khi nhai” và “tắc cả cổ khi nuốt” như soạn giả lầm
tưởng.
Chiêm
khê; mùa thối
(Tình trạng hay gặp ở vùng chiêm
trũng là đất gieo trồng) trong vụ chiêm hay bị khê; trong vụ mùa hay bị thối.
-Từ
“khê” được Nguyễn Đức Dương giải
thích “Khê (Đất phơi ải) chẳng tài nào
khô nỏ và tơi xốp nổi (do ít được dãi dầu cùng nắng gió)”. Và chữ “Thối (Đất làm dầm) chẳng tài nào nhuyễn ra
nổi (do nước mất hết khả năng ngấm sâu vào đất).
Loại
đất cày ải không đủ thời gian hoặc điều kiện thời tiết làm cho khô nỏ, người ta
gọi là ải thâm, không ai gọi đất “khê”(Ải thâm không bằng dầm ngấu) Nếu
đất “không tài nào nhuyễn ra nổi” nguyên
do “nước mất hết khả năng ngấm sâu vào
đất” thì sao gọi là “thối” được ?
Câu
tục ngữ trên nói về khó khăn của vùng đất không chủ động được tưới tiêu.Vụ
chiêm (gắn với mùa khô) chỉ trông chờ vào nước trời, nên đất đai, cây trồng thường bị “khê” - khô cháy (“khê” - trong từ cơm khê -
cơm bị cháy khét). Vụ mùa (gắn với mùa mưa lũ) hệ thống tiêu nước kém nên
đất đai và cây trồng bị ngâm đến thối trong nước lũ. Bởi thế đối tượng mà tục
ngữ nói đến ở đây không chỉ là đất gieo trồng (như NĐD giải thích) mà bao gồm
cả cây trồng trên đất ấy (cụ thể là cây lúa nước).
Thực
ra câu tục ngữ “Chiêm khê, mùa thối”
chỉ là cách nói hình tượng hơn câu “Chiêm
khô; mùa úng” mà nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương dẫn ra ngay sau đó. Tuy
nhiên, soạn giả lại tìm ra một cách giải thích khác, kèm thêm một cái sai khác: “Chiêm khô; mùa úng(Tiết trời hay gặp) khi làm chiêm là hanh
khô (vì ít mưa); khi làm mùa là úng ngập (vì mưa nhiều)”. Theo cách giải
thích này, Nhà ngữ học đã biến câu tục ngữ nói về nỗi khổ cực của người trồng
lúa trên vùng đất canh tác khó khăn thành câu tục ngữ có nội dung nhận xét về
đặc điểm “thời tiết hay gặp” của vụ
chiêm và vụ mùa.
Đám
cưới chọn ngày; đi cày chọn hướng
(Làm)
đám cưới thì nhớ chọn ngày (lành); cho trâu ra đồng đi cày thì nhớ chọn hướng
(vượng).
-Làm đám cưới “chọn
ngày (lành)” thì đúng rồi. Nhưng “cho
trâu ra đồng đi cày” cũng phải “nhớ
chọn hướng (vượng)” mới cày thì nghe kỳ dị quá ! Nếu vậy, muốn trở thành
thợ cày, người ta phải đi học thày phong thủy trước đã; và khi ra đồng, ngoài
con trâu, cái cày, bác nông dân còn phải kè kè thêm cái la bàn ? !
Sản
xuất nông nghiệp Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ. Ruộng thì vuông, ruộng hình chữ
nhật, ruộng xéo, gẫy góc, đủ mọi hình thù. Đường cày đầu tiên sẽ là đường quyết
định cho tất cả đường cày, luống cày tiếp theo. Do đó, phải chọn hướng để cày,
sao cho có được nhiều đường cày dài, trâu ít phải quay đầu, đồng nghĩa ít phải
cuốc bờ, cuốc góc. “Đi cày chọn hướng”
chỉ đơn giản vậy thôi.
Đất sỏi có chạch vàng
Đất chỉ toàn là sỏi với
đá, nhưng sinh sống bên dưới lại là những con
chạch bằng vàng.
-“Chạch
vàng” ở đây không phải là “những con chạch bằng vàng”
mà là những con chạch béo vàng-thứ
chạch thường sinh sống dưới đất bùn có nhiều màu mỡ.
Đóm
ăn ra; tim la ăn vào
Đóm
là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra: tim la là chứng hay ăn theo hướng từ
ngoài vào.
-Có
thể dễ dàng nhận ra soạn giả chép nhầm từ “đom” thành “đóm” rồi giải nghĩa từ vựng, diễn giải nội dung tục ngữ rất khiên
cưỡng. Tại sao bỗng đâu đem chuyện đóm cháy so sánh với bệnh tim la ? Mặt khác khi cố tình lý
giải “đóm là thứ hay cháy theo hướng từ
trong ra ngoài” cho hợp với từ chép nhầm khiến đã sai càng thêm sai. Khi
đóm cháy, ngọn lửa lan dần từ ngoài vào phía trong (phía tay người cầm đóm) đâu
có cháy từ phía trong tay người cháy ra ngoài ? Sai sót này xuất phát từ chỗ
soạn giả không hiểu quy luật cấu trúc từ của tục ngữ, thành ngữ dân gian. (Giống
trường hợp câu Áo cứ tràng, làng cứ xã bị GS Nguyễn Lân chép nhầm thành Áo cứ chàng,
làng cứ xã , mà chính Nguyễn Đức Dương đã từng phê phán trong phần phụ lục Từ
điển tục ngữ Việt).
Đom
(là cách gọi tắt bệnh lòi đom hay lòi dom)
cũng là tên gọi khác của bệnh trĩ. Bệnh này là chứng sa trực tràng, phát
triển theo chiều hướng “ăn ra”, tức
ngày càng lòi (lồi) ra ngoài hậu môn. Còn bệnh “tim la” (hay tiêm la
hoặc xiêm la, bệnh lậu) lại xâm nhập (chủ yếu qua đường tình dục, đường máu…) rồi
ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng, không
nhìn thấy được. Như vậy lòi đom và tim la đều là hai chứng bệnh. Câu “Đóm cháy ăn
ra; tim la ăn vào” (thêm chữ “cháy”)
Nguyễn Đức Dương dẫn ra ngay sau đó và cho rằng đồng nghĩa với“Đóm ăn ra; tim là ăn vào”, chẳng qua
chỉ là một dị bản ngụy tạo, mục đích cố chứng minh cho cái vô lý của “Đóm ăn ra, tim la ăn vào” mà thôi.
Đói giỗ cha; no ba ngày
tết
Hay bị đói là vào dịp giỗ
cha (vì đâu còn lúc nào mà nghĩ tới chuyện ăn trong khi đang mải lo chuyện cúng
giỗ); hay được ăn no là vào dịp ba ngày Tết (vì đó là một thông lệ vốn có tự
ngàn xưa)
-Không phải "hay đói là vào dịp giỗ
cha". Chẳng có ở đâu phong tục làm giỗ cha lại theo quy luật như
thế. Giỗ cha là dịp lễ trọng (Trâu bò được ngày phá đỗ, cón cháu được
bữa giỗ ông - tục ngữ). Nếu "đói vì mải lo chuyện cúng
giỗ" thì cúng xong cũng phải được ăn chứ ? Tục ngữ có câu
"Trước cúng cha sau va vô miệng" cơ mà ? (Chữ va có
tính chất hài hước, ý chỉ con cháu ăn uống thực sự sau khi cúng giỗ). Thực
ra, câu tục ngữ “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết” được hiểu như sau: Ngày giỗ cha
rất quan trọng, nhưng không dứt khoát phải cỗ bàn thịnh soạn. Gặp năm mùa màng
thất bát, đói kém, chiến tranh loạn lạc thì ngày giỗ cha có khi chỉ có nén
hương, chén nước, bát cơm, quả trứng gọi là nhớ ngày kỵ. Như thế không có gì là
trái đạo lý. Bởi tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ
đầy, "Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng". Thế nhưng ba ngày Tết lại
là chuyện khác. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm, nhưng
ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng
phải ăn no. Thế nên có câu "Giàu hay nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo
trong nhà". Tết đến người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn ăn để lấy may
cả năm. Ngày Tết được ăn ngon, ăn no, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ thì hy vọng cả
năm cũng sẽ được như vậy. Tóm lại, câu tục ngữ đưa ra ngày quan trọng (giỗ cha)
để so sánh, khẳng định một ngày khác quan trọng hơn: Tết là ngày quan
trọng nhất trong tất cả những dịp lễ quan trọng trong năm; Có thể bị
đói vào ngày giỗ cha nhưng ba ngày Tết dứt khoát phải được no. Ta còn
bắt gặp cách nói này của dân gian trong câu "Cha chết không lo bằng gái to
trong nhà". Thực tế "cha chết" là đại
tang, việc lớn lắm. Thế mà dân gian lại đem so sánh và cho rằng không bằng chuyện "gái
to trong nhà". Thủ pháp này cũng nhằm gửi đến một thông điệp,
kinh nghiệm: có con gái lớn đến tuổi lập gia đình ở trong nhà là nỗi lo
lắng lớn, (ví như lo quá lứa lỡ thì, lo chẳng may “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”,
chửa hoang, tai tiếng...) Sẽ là việc làm khá hài hước nếu chúng ta thắc mắc và
cố đi tìm nguyên nhân tại sao, ở đâu lại có chuyện coi thường việc "cha
chết" như vậy.
Tham khảo: Về
câu "Đói giỗ cha no ba ngày Tết", trên Báo Lao
động Cuối tuần (7/1/2012), mục "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng
Việt" PGS TS Phạm Văn Tình cho biết: "bản thân tôi nhiều lúc cũng không rõ nguyên do từ đâu
dẫn đến câu tục ngữ này. Hầu hết các sách sưu tầm văn hoá dân gian chỉ thống kê
chứ chưa giải thích kỹ câu đó (...). Đầu năm 2010, khi cuốn “Từ điển tục ngữ
Việt” (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) xuất bản, tôi
vội vã tra ngay". Theo PGS TS Phạm Văn Tình "cách cắt nghĩa như vậy (tức cách giải thích của Nguyễn Đức Dương-HTC) cũng chưa thật rõ ý". Thế là PGS TS Phạm Văn Tình đã phải đi làm cuộc
"điền dã" không cần thiết theo cách "hỏi các cụ cao niên ở nhiều nơi tôi qua (Đông
Cứu, Gia Lương, Hà Bắc; Yên Xá, Ý Yên, Nam Định; Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái
Bình...)" để được các cụ
giải thích tại sao lại đói vào ngày giỗ cha rất dài dòng. Theo đó, cách giải
thích của PGS TS Phạm Văn Tình công phu hơn nhưng cũng không ngoài một số
nguyên nhân là phải lo chuyện lễ lạt, cúng cấp, tiếp khách...nên bị đói vào
ngày giỗ cha như TS Nguyễn Đức Dương. Việc làm này khác nào cất công đi tìm
hiểu xem ở đâu, tại sao lại có chuyện “Cha
chết không lo bằng gái to trong
nhà”.
Đói
no vua bếp hay; đắng cay bà gừng biết
Cả
khi đói lẫn khi no vua bếp đều biết tường tận; cả khi khỏe mạnh lẫn khi ốm đau
bà gừng đều biết rõ hết. Hay dùng để ngợi khen lòng cảm thông sâu sắc của ông
Táo và củ gừng đối với thân phận của người nghèo ở nông thôn hồi trước.
-Nguyễn Đức Dương chú thích: "Bà gừng. Tên dân gian hay dùng để gọi
củ gừng theo lối ẩn dụ, vị thầy thuốc
tài ba vẫn cứu giúp người dân quê nghèo trong việc chạy chữa mọi thứ bệnh tật".
Cách giải nghĩa và chú thích nghe thật mùi mẫn.
Thế nhưng, đó chỉ là lời “tán” vô căn cứ. Nghĩa đen của câu thành ngữ này là:
Ông Bếp phụ trách việc bếp núc nên gia chủ đói hay no, nấu nướng ăn uống món gì
đều không giấu được. Còn “bà Gừng” thường được
dùng để "làm thang" cho ấm thuốc Bắc (cắt ba lát gừng bỏ chung với ấm
thuốc để đun). Vì "nằm" ngay trong siêu thuốc suốt quá trình sắc nên
thuốc đắng hay cay "bà gừng đều biết"
cả, không thể giấu được. Và vai trò của "bà gừng" chỉ là phụ gia dẫn
thuốc, để tăng công hiệu của thuốc. Không nên vì không hiểu mà tâng bốc "bả"
thành "vị thầy thuốc tài ba vẫn cứu
giúp người dân quê nghèo trong việc chạy chữa mọi thứ bệnh tật" (!)
Nghĩa bóng câu thành ngữ này là: Không thể
giấu giếm được sự thật; Sự thật sẽ được xác minh bởi những người trong cuộc.
Đừng chờm mà có ngày chấn móng
Đừng
(xây tường vách) chờm (ra quá xa
chân móng đỡ nó) mà có ngày sẽ bị chấn móng.
-“Chấn
móng” được Nguyễn Đức Dương chú thích: “(Tường vách) bị gãy gập lại ngay tại nơi
tường, vách tiếp giáp với chân móng”. Thế nhưng như thế là tường bị đổ chứ móng đâu có chấn ? Hơn
nữa, nếu giải thích theo hướng này thì “chờm”
(vần ch) phải thay bằng “trờm” (vần
tr) mới đúng. Việt Nam tự điển giải
nghĩa: “Trờm: Thừa ra, trùm lên cái khác. Tóc trờm quá tai, Vung trờm miệng
nồi”. Đây là “chờm” kia mà ? Cách
giải thích của Nguyễn Đức Dương không thể đứng vững, bởi nội dung tục ngữ chẳng
liên quan gì đến chuyện xây dựng tường vách. Đại Nam Quấc âm tự vị
(Huình Tịnh Paulus Của) giải thích từ chờm: “Chờm: nhảy
dựng, nhảy xơm mà chụp... Ngựa chờm-
Ngựa dựng lên mà chụp”. Và xin tham khảo Việt Nam tự điển giải nghĩa một số từ có trong câu tục ngữ đang
bàn: “Chờm: Cũng như chồm (...) Móng:
Móng chân móng tay, móng lừa móng ngựa (...) Chấn: Xén, cắt bớt đi: Chấn móng ngựa”. Như vậy, từ chỗ lầm lẫn
“chờm” (động từ) với trờm (tính từ) rồi lại giảng sai nghĩa
từ vựng của “chờm”, Nhà ngữ học
Nguyễn Đức Dương đã cho cái móng ngựa đi xa cả ngàn dặm rồi biến
thành cái...móng nhà (!) Câu Đừng chờm mà có ngày chấn móng theo nghĩa đen là lời đe nẹt đối với con ngựa
bất kham: Đừng nhảy chồm lên mà có ngày
bị chấn (cắt, xén) bớt móng đi (do nhảy chồm nhiều móng bị bè, bẹt ra).
Hiểu theo nghĩa bóng: đây là lời răn đe, cảnh cáo đối với kẻ ương bướng,
ưa phá phách, sẽ có ngày tự mình làm hại mình.
Gà
kị hổ mang; lúa kị màng rạp
Gà là giống rất kỵ rắn hổ mang (tới độ dễ bị
chột đi sau khi bị giống rắn ấy “thổi”); lúa là giống rất kỵ màng rạp (tới độ
khó mà trổ nổi sau khi bị lũ rầy ấy ập tới
hút nhựa)
-Nguyễn Đức Dương chú thích: “Màng
rạp dt. Tên dân gian hay dùng để chỉ giống rầy chuyên hút nhựa từ lá lúa khiến lá bị đen đi và không sao làm nổi
đòng”.
Giải thích như vậy là không hiểu tập tính sinh
trưởng và sự gây hại của con sâu rầy thế nào. Con rầy không bao giờ "hút nhựa từ lá lúa". Vì nhựa
(chất dinh dưỡng của lúa) không tập trung ở lá mà ở thân, bẹ lúa. Thứ hai “lũ rầy” không “đánh tập kích” kiểu “ập tới hút nhựa” giống như đàn chim mà
chúng di trú ngay tại ruộng, đẻ trứng, sinh sôi nảy nở, lứa nọ gối lứa kia (gọi
là rầy gối lứa) và thi nhau chích hút
ở phần thân dưới gốc lúa. Thế nên khi phun thuốc diệt rầy, người ta phải rẽ lúa
thành băng, đưa trực tiếp vòi phun xuống gốc lúa để thuốc tiếp xúc trực tiếp với
con rầy chứ không phun trên bề mặt của lá lúa. Nếu bị rầy hại nặng ở thời kỳ nào, cây lúa sẽ bị chết khô giống như hơ
vào lửa (gọi là cháy rầy). Đâu phải
chỉ “khiến lá bị đen đi và không sao làm
nổi đòng” hay "khó mà trổ nổi" như cách giải thích của nhà ngữ học. Còn
cái thứ hại mà “khiến lá bị đen đi” chính
là do giống rệp muội đen chứ không phải
rầy. Rệp chích hút nhựa cây, chất thải
của chúng tiếp tục được một loại nấm cộng sinh tạo thành lớp phấn màu đen phủ
kín lá cây, nên gọi là rệp muội đen.
Và rệp muội đen thường gây hại trên cây trồng cạn như: cây ăn quả, mía, chuối,
cam quýt ...chứ không phải cây lúa nước.
Mài mực dỗ con: mài son đánh giặc
Mài mực (nho là việc dễ làm còn hơn
cả) dỗ con; mài son (cục là việc khó làm còn hơn cả) cầm quân đánh giặc.
Mài
mực ru con, mài son đánh giặc
Mài mực (nho là việc dễ làm còn hơn
cả) ru con; mài son (cục là việc khó làm còn hơn cả) cầm quân đi đánh giặc.
-Nguyễn Đức Dương giải thích câu này
không đến nỗi sai lạc nghiêm trọng như
GS Nguyễn Lân: “Mài mực ru con, mài son đánh giặc. Nói các ông đồ ngày xưa ngày thường
ngồi dạy học đồng thời giúp vợ làm việc vặt trong nhà, nhưng khi có giặc thì
tham gia phục vụ quân sự” (Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam-NXB
Văn hóa thông tin-1989) Nhưng soạn giả Nguyễn Đức Dương lại mắc phải cái sai kiểu khác.
Xin hỏi, trẻ nhỏ mà quấy khóc, dỗ được
nó nín, ru cho nó ngủ đâu dễ tới mức có thể đem so sánh với những việc làm dễ
nhất trên đời ? Tục ngữ cũng đâu nói “dễ
làm còn hơn cả” ru con, hay “khó làm
còn hơn cả” đánh giặc. Hơn nữa, mài mực nho đâu có dễ ?
Câu tục ngữ “Mài mực ru con, mài son đánh giặc” được diễn giải là: Mài mực phải mài nhẹ nhàng giống như ru con (hoặc dỗ con); mài son phải mài mạnh mẽ giống như đi đánh giặc. Bởi
vì, mực tàu đóng thành thỏi rất rắn, nhưng khi mài lại không được phép mạnh
tay. Nếu sốt ruột, mài mạnh tay cho nhanh, mực sẽ không mịn, sinh ra lắm hạt
sạn nhỏ; khi viết ngọn bút bị xơ, nét bút không đẹp. Ngược lại, nếu mài nhẹ
nhàng, từ từ, êm ái (như “ru con”)
mực trong thỏi sẽ ngấm dần, hoà tan, quyện với nước, cho một thứ mực mịn màng,
sóng sánh, khi viết đầu bút chụm lại, bút lông có độ đàn hồi tốt và nét bút
không bị xơ, cứng, mặt chữ bóng, đẹp. Còn đối với mài son. Xưa kia, người ta
thường lấy các loại đá có màu đỏ trong tự nhiên để làm son, rất rắn. Tuy nhiên,
son không yêu cầu mịn như mực, bởi thông thường người ta không dùng son để viết
chữ mà chỉ dùng để phê, khuyên, đánh dấu
hoặc đóng ấn, triện. Do đó, khi mài son được phép mài (và phải mài) mạnh tay
mới được (mạnh mẽ như đi “đánh giặc”
vậy). Việc mài mực rất quan trọng. Chuyện kể rằng, xưa có người ở làng Hạc Oa
(nay thuộc TP Thanh Hóa) chuyên mài mực cho Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh,
sau được hàm Cửu phẩm, gọi là ông Cửu Mặc (ông Cửu phẩm mài mực).
Mâm
cao đánh ngã bát đầy
Mâm cỗ bày lắm món đặt chồng lên nhau
bao giờ cũng đánh bại dễ dàng các mâm cỗ chỉ bày vài ba món dù đĩa nào cũng được đơm rất đầy. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Mâm cỗ bày lắm món
bao giờ trông cũng bắt mắt hơn là mâm cỗ chỉ bày vài ba món được đơm đầy”.
-Giải thích như vậy câu tục ngữ trở nên tầm
thường quá. Cần chú ý hai khái niệm: mâm
cao và bát đầy. Mâm cao là mâm được dọn ra ở vị trí cao
(sang) nhất thường dành cho các vị chức sắc, các cụ cao niên hoặc người được
tôn trọng trong làng xã (hay đình đám). Còn bát
đầy được hiểu là đồ ăn thức uống không được dọn thành mâm (cỗ) mục đích chỉ
cốt ăn uống cho no bụng. Do đó, cái “mâm cao” sang trọng giữa làng vẫn được
người ta thích hơn là cái bát đầy ở
xó bếp. Vì "Một miếng giữa làng bằng
một sàng xó bếp" kia mà ! Dân gian còn có câu: "Mâm cao, cỗ đầy", nghĩa là được cả danh và lợi: vừa sang
trọng về vị trí, vừa thịnh soạn về các món ăn. Chữ "mâm cao" ở đây chính là mâm cao trong câu "Mâm
cao đánh ngã bát đầy" chứ không phải là "mâm cỗ bày lắm món đặt chồng lên nhau" như cách giải
thích của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương.
Mẻ không ăn cũng chết
Mẻ mà chẳng ăn thì
cũng chết (nên có để dành được đâu mà cố để giành) Hay dùng để khuyên mọi người
chớ có dè sẻn những thứ không thể để giành được mà uổng công.
-Thực ra ở đây là mẻ không được ăn chứ không phải không
ăn đến mẻ. Mẻ không phải là loại gia vị thiết yếu. Cho nên người ta chỉ
nuôi mẻ bằng cơm nguội, cơm thừa, thậm chí cơm đã có mùi thiu mới đem cho mẻ
(ngày xưa hiếm lương thực). Nếu thừa cơm thì cho mẻ ăn, không thừa thì thôi. Thế
nên có câu thành ngữ Coi như mẻ (xem
thường, xem khinh ai đó giống như mẻ). Có vẻ như mẻ thật dễ tính, ăn cũng được, không ăn cũng không sao.
Tuy nhiên, thực tế, nếu mẻ không được ăn trong thời gian dài, lọ mẻ hết chất
tinh bột để vi khuẩn gây men hoạt động thì mẻ cũng chết như thường. Câu tục ngữ trên đề cao tầm quan trọng nhu cầu ăn
uống của tất cả mọi sinh vật. Ai cũng phải ăn uống mới duy trì được sự sống. Vì
đến dễ tính như mẻ kia không ăn cũng chết cơ mà !
Mồ
cha chẳng khóc khóc đống mối; mồ mẹ chẳng khóc khóc bối bòng bong.
Mồ
cha chẳng khóc, lại khóc mấy nấm đất do mối đùn; mồ của mẹ chẳng khóc, lại khóc
mấy cái búi bòng bong. Hay dùng để chê trách những kẻ quá tin vào lời đám thầy
địa lý/thầy cúng tới độ chỉ đi than khóc các thứ vớ vẩn, mà chẳng thèm ngó ngàng
gì tới mồ mả của cha mẹ mình.
-“Bòng bong” ở đây được nhà ngữ học Nguyễn Đức
Dương chú thích là “búi xơ vót ra từ các
đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết".
Nếu chỉ dừng ở việc diễn giải tục ngữ thì
đúng. Nhưng thêm mấy dòng chú thích lại trở thành sai. Đũa tre cắm trên bát cơm
cúng gọi là "đũa bông" chứ không phải là “bòng bong”. Có một loại gọi là bòng bong là phoi tre (kiểu như
phoi bào nhưng dài mà mảnh hơn, quăn hơn) do người ta vót nan tre, nứa để đan đồ
đựng rồi vò thành đống. Có câu "Rối như búi bòng bong" cơ mà ! Mấy
cái xơ của đũa tre vót ra tuy cong tít nhưng một đầu vẫn dính vào chiếc đũa nên
xơ nào ra xơ ấy chứ đâu có rối ? Còn bòng
bong trong câu tục ngữ lại là một loại dây leo, hay mọc ở các bụi rậm, mầu
nâu, mảnh như sợi miến mà dai, quấn nhằng nhịt vào nhau. Câu “Rối như bối bòng
bong” cũng được dùng để chỉ loại bòng bong này.
Trở lại với câu tục ngữ. Cái tổ mối đùn nó lùm
lùm gần giống như một nấm mồ vô chủ. Còn
cái bụi rậm nhằng nhịt những búi (bối) bòng bong cũng tựa như một ngôi mộ bịt
thất lạc, lâu ngày hóa hoang rậm. Thế nên, ông thầy đi tìm mộ mới chỉ vào đó để
người ta khóc lóc, khấn vái, vì cứ ngỡ mộ tổ tiên ông bà bấy lâu không ai chăm
sóc. Còn nếu khóc búi “bòng bong” là “búi xơ vót ra từ các đôi đũa tre cắm trên
bát cơm cúng đặt trên quan tài người mới chết", thì lúc này con cháu
đang than khóc chung quanh làm sao có thể nhầm ra mộ tổ tiên mình bị thất lạc
được ?
Một
ngôi sao một ao nước Mỗi một ngôi sao hiện ra trên bầu trời đêm hôm
trước (là điềm ngày mai trời sẽ trút xuống mặt đất) một ao đầy nước mưa.
-Rất khó chấp nhận cách giải thích trên của Nguyễn
Đức Dương. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, nếu đêm hôm trước bầu trời đầy sao là
dấu hiệu ngày mai trời sẽ không một gợn mây, nắng chang chang. Đâu có chuyện
ngược đời, đêm hôm trước càng nhiều sao, ngày mai càng mưa lớn ?
Vậy, câu tục ngữ của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương được
hiểu như thế nào ? Nói như dân gian “đến trời cũng không thể hiểu nổi”. Bởi
hình thức chính xác của câu tục ngữ là: Một sao, ao nước. Một sao nghĩa là không có ngôi sao nào. “Một” là từ Hán Việt có nghĩa như
sau:
- “① Chìm đắm, bị nước
tràn ngập gọi là một. ② Chết, mất rồi, có khi viết là 歿. ③ Hết, như một
thế 沒世 hết đời. ||④ Không có, chế người không biết chữ gọi
là một tự bi 沒字碑 ý nói trong lòng không có một chữ nào. ⑤ Mất tích, như mai một 埋沒
vùi mất, dẫn một 泯沒 tan mất, v.v.” (Hán Việt tự điển-Thiều Chửu).
- “Một 沒: Không, không có (một
hữu 沒有)① Chìm, lặn: một nhập thủy trung 沒入水中 Chìm xuống dưới nước;...③ Ẩn, mất: (xuất
một 出沒 ẩn hiện” (Từ
điển Hán Việt - Trần Văn Chánh, lược trích)
Nghĩa của từ “một”
trong Hán văn là như vậy. Thế nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày, hoặc câu kết hợp
Hán + Nôm, người ta có dùng “một” với nghĩa là không có, ẩn giấu, chìm lấp, mất không ? Thưa là có:
- Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của : “Một
歿. Chết, mất: (...) “Làm tờ một hạ: làm giấy khai về sự bị ăn trộm, ăn cướp, cho làng làm
chứng”.
- Việt Nam tự điển -
Hội Khai Trí Tiến Đức : “Một 沒 mất (không dùng một mình) một tích, mai một. Một thú: mất thú: đi chơi không có bạn thật
là một
thú”.
Kết
luận: từ “một” trong câu tục ngữ Một sao, ao nước được hiểu là vắng, không có, chìm mất, ẩn mất. Tục
ngữ dùng “một” với ý là sao trời bị
chìm lấp, bị che lấp đi bởi mây đen. Một
sao, ao nước được hiểu: Nếu sao đêm
bị mây đen che lấp hết thì ngày mai mưa to, ao chuôm đầy nước. (Dị bản nhìn sao
để đoán thời tiết: Đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa; Mau sao
thì nắng, vắng sao thì mưa).
Như vậy, do người sưu tầm (hoặc chính do Nhà ngữ học) không
hiểu tục ngữ “Một sao, ao nước” là gì nên tự ý chữa “một” (tính từ), thành “một”
(số từ) và thêm ngôi cho "sao": “Một ngôi sao, một ao nước". Thế nhưng tục ngữ chẳng những
không dễ hiểu mà trở nên bế tắc về cách hiểu. Cuối cùng soạn giả từ điển giải
thích theo kiểu ngược đời, bất chấp thực tế khách quan.
Lắm
thầy rầy ma
Càng có lắm
thầy (cúng) bao nhiêu thì lũ ma càng kéo tới quấy rầy bấy nhiêu. Hay dùng để
khuyên mọi người chớ có tin những lời nhảm nhí của đám thầy cúng về ma quỷ (vì
đó đều là những trò lừa đảo chỉ cốt moi tiền).
Lắm
thầy thối ma.
Càng có lắm thầy (lang) bao nhiêu
thì các con bệnh càng dễ hóa thành ma thêm bấy nhiêu. Hay dùng để nhắc mọi
người là chớ có tin vào các trò chữa chạy của đám lang băm mà dễ bị mất mạng.
Lắm
thầy thối ma; lắm cha con khó lấy chồng
Càng có lắm
thầy (lang) bao nhiêu thì các con bệnh càng dễ hóa thành ma thêm bấy nhiêu;
càng có lắm bậc làm cha (dự phần vào việc chọn chồng cho con) bao nhiêu thì các
con càng khó lấy chồng thêm bấy nhiêu.
-Hai
dị bản “rầy ma” và “thối ma” là đồng nghĩa. Nhưng thật khó
hiểu, “rầy ma”(lưu ý: khác ma rầy) được soạn giả giải thích là do “thầy cúng” mà“lũ ma kéo tới quấy rầy”, còn “thối
ma”lại được giải thích là do “thầy
lang” nên“các con bệnh dễ hóa thành
ma”. (Con bệnh dù nặng đến mấy, khi chưa chết cũng không thể gọi là ma
được). Và điều quan trọng cả hai cách hiểu này đều sai.
Câu Lắm
thầy rầy ma, hay Lắm thầy thối ma đều
liên quan đến cùng một “thầy” đó là thầy
cúng. Nghĩa đen được hiểu: khi một người chết (không phải con bệnh như cách
hiểu của NĐD) nằm đó, nếu để cho nhiều
thầy cúng xem ngày giờ đưa ma, hay chọn huyệt để táng sẽ rất phiền hà. Vì
thầy này nói được, thầy kia nói không, lắm ý kiến khác nhau, hậu quả người chết
cứ nằm đó, muốn yên thân, mồ yên mả đẹp cũng không xong. Rầy ma là như thế. Thậm chí khi thầy phán chưa chọn được giờ tốt,
ngày tốt thì người chết cứ nằm đó đợi, đến mức xác chết bắt đầu phân hủy (thối)
còn chưa được chôn. Thối ma là như vậy.
Đất
sỏi có chạch vàng
Đất chỉ toàn là sỏi với đá, nhưng
sinh sống bên dưới lại là những con chạch bằng
vàng.
-Có
ai đúc chạch “bằng vàng” yểm dưới đất
sỏi chăng ? Xin thưa“Chạch vàng” ở
đây không phải là “những con chạch bằng vàng” mà là những con chạch béo vàng-thứ chạch thường sinh sống dưới
đất bùn có nhiều màu mỡ. Ở đây, đất sỏi mà lại vẫn có chạch vàng như thường.Ý
dân gian muốn nói đến vùng đất tuy khô cằn, nghèo khó nhưng lại sinh ra những
nhân tài kiệt xuất, hoặc sản vật nổi tiếng.
Trong
Từ
điển tục ngữ Việt có những câu soạn giả suy diễn sai hoàn toàn. Ví dụ:
Kẻ
ăn rươi người chịu bão
Kẻ
muốn ăn rươi nhưng lại bắt người khác phải dầm mưa bão để vớt về cho mình. Hay
dùng với ẩn ý: nh. Ngồi mát ăn bát vàng.
-Không
ai đi “dầm mưa bão để vớt rươi” cả.
Rươi là giống rất mẫn cảm với thời tiết, nên bao giờ nó cũng từ dưới bùn sâu
chui lên trước khi thời tiết thay đổi. Giống rươi lại phải thật tươi ăn mới
ngon. Thế nên, bắt đầu có rươi là dân đồng sác nhao ra đồng vớt ngay. Nếu gặp
phiên chợ thì gánh chạy cho nhanh để kịp bán khi rươi còn sống, bò lúc nhúc.
Bằng không cũng phải gánh vội đi bán ở các làng xã lân cận cho kịp. Khi rươi
ươn, vỡ bụng, chảy gạch ra coi như hỏng. Thường người ta vớt được rươi lên,
hoặc mua rươi về nấu ăn xong, nửa ngày, hoặc một ngày sau đó mới nổi mưa gió
trái mùa như hiện tượng bão, gọi là “bão rươi” hoặc “mưa lấp lỗ rươi”. (Câu đố
về rươi: Mỗi năm vài bận ra chơi, Làm cho
lở đất long trời mới nghe). Chỉ ít dân đồng sác và mấy xã lân cận là được
ăn rươi (do số lượng có hạn và rươi khó bảo quản để vận chuyển đi xa bán). Thế
nhưng cả tỉnh, cả huyện phải chịu chung cảnh thời tiết mưa bão ấy. Kẻ ăn rươi người chịu bão là như vậy.
Quạ
ăn dưa bắt cò dãi nắng
Quạ
muốn ăn dưa nhưng lại bắt cò phải dãi nắng (để kiếm dưa về cho mình). Hay dùng
với ẩn ý: nh. Kẻ ăn rươi, người chịu
bão.
-Trong
thực tế nghĩa đen, làm gì có chuyện con quạ bắt con cò phải dãi nắng “để kiếm dưa về cho mình” ? Không nên
suy diễn thay cho lời giải thích câu tục ngữ.
Quạ là giống chim đa thực. Ngoài gà con, xác thối...chúng
còn rất thích ăn các thứ quả như mít, dưa hấu…(vào mùa mít rừng chín, chúng
khoét vỏ, chui đầu vào ăn, con nào con nấy đầu trọc lóc do bị nhựa mít “vặt”
hết lông). Chìa khóa để giải mã câu tục ngữ trên là “Nắng tốt dưa, mưa tốt
lúa”. Thời tiết nắng nhiều khiến quạ được chén những quả dưa ngọt lành. Trong
khi đó, cò không ăn được dưa (loài chim này chỉ ăn tôm tép, cá con, côn trùng…)
lại phải chịu chung đặc điểm thời tiết nắng nóng chang chang ấy (đôi khi làm
cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường kiếm ăn của cò).
Như vậy, hai câu “Kẻ
ăn rươi, người chịu bão” và “Quạ ăn
dưa, bắt cò dãi nắng” ý nói: lợi ích hoặc hoàn cảnh thuận lợi của (nhóm)
người này, đôi khi (vô tình) gây trở ngại, khó khăn đối với (nhóm) người khác. Ví
như mùa hè nắng nóng kéo dài, dân kinh doanh du lịch biển “hốt bạc”. Trong khi
người thường hoặc nông dân cày cấy lại “lãnh
đủ”. Không thể hiểu và dùng với ẩn ý “Ngồi
mát ăn bát vàng” như Nguyễn Đức Dương giải thích.
Quan
họ thịt gà; giỗ cha thịt ếch
(Thết
các liền anh liền chị trong làng) quan họ thì nên dùng thịt gà; (làm giỗ cho
cha thì nên dùng thịt ếch).
-Cách giải thích sai lầm nghiêm trọng. Trong
các lễ vật dâng cúng, con gà được xem là con vật hiến tế rất quan trọng. Thế
nên, không có gà cúng, người ta còn có thể thay bằng quả trứng gà. Gà hay xôi
gà là lễ vật sang trọng đối với cả người sống và người chết. Trong khi đó mặc
dù thịt ếch thơm ngon, trắng như thịt gà, dân gian hay gọi là gà đồng (gọi theo tên chữ của ếch là điền kê田雞). Nhưng thịt ếch đâu có được coi là loại đồ ăn “ra tấm, ra miếng”; càng
không phải là phẩm vật dâng cúng thể hiện sự kính trọng đối với tiền nhân. Do
đó, giảng rằng: “(làm giỗ cho cha) thì
nên dùng thịt ếch” là cách giải thích liều, không hiểu gì về phong tục tập
quán của người Việt. Mặt khác các liền
anh, liền chị trong làng quan họ thì liên quan gì đến giỗ cha ?
Thực ra, câu tục ngữ này có hình thức là: Con họ thịt gà; giỗ cha thịt ếch. Cách phát
âm của người Thanh Hóa, con phát âm gần
giống như cu...ân (quân). Con họ tức là con cháu trong họ. Vì không hiểu con họ là gì nên người sưu tầm tục ngữ (hoặc soạn giả) chữa “quân họ”
(con họ) thành “quan họ” rồi giảng
sai hoàn toàn nội dung. Câu tục ngữ đang bàn nói cách cư xử trái với lẽ thường,
đáng phê phán: Đối với hạng con cháu trong họ thì làm thịt gà thết đãi; đến khi
giỗ cha mình (ngày rất quan trọng) lại làm thịt ếch để cúng. Dị bản: Có khách làm thịt kha (gà) giỗ cha làm thịt ếch.
Mưa
rừng cọ; gió rừng thông
(Gặp) mưa
trong rừng cọ cũng như gió trong rừng thông (thì chớ có lo ướt cũng như lo lạnh
vì đã được cọ cũng như thông che chắn hết cho rồi).
-Giải thích như vậy là không hiểu.Thực ra, trong rừng cọ,
chỉ cần mấy hạt mưa đã nghe tiếng lào rào, lộp bộp rất lớn do hàng ngàn giọt
mưa rơi trên tàu lá cọ (lá cọ bản rộng, dày, cứng). Và trong rừng thông, chỉ
cần thoảng làn gió đã nghe vi vút hoặc tiếng rít lên như muôn ngàn ngọn roi
quật vào không khí, (do thông là cây lá kim). Thế nên thơ, nhạc hay ví thông reo, thông hát, thông ru là vậy. Câu
tục ngữ trên đưa ra nhận xét: Tiếng mưa
trong rừng cọ nghe rất lớn, tiếng gió trong rừng thông nghe rất mạnh (so
với thực tế).
Nuôi lợn ăn cơm không; nuôi tằm ăn
cơm nhộng
Nuôi lợn (chẳng mấy khó
nhọc nên) chỉ được ăn cơm không có thức ăn; nuôi tằm (vốn khó nhọc) nên sẽ được
ăn cơm với cả nhộng nữa.
-Ý dân gian không ám chỉ nghề nào
vất vả, khó nhọc hơn nghề nào, mà ý nói sự khác biệt giữa hai nghề. Nghề nuôi
lợn giống như ống tiết kiệm, dồn mãi tới lúc đầy (lợn béo) mới xẻ thịt hoặc bán
một lần duy nhất, không thể mỗi bữa xẻo ra vài miếng thịt mà nấu ăn dần. Tuy
nhiên, đối với nghề nuôi tằm, mỗi lứa tằm vài ba tháng, tằm kéo kén ươm tơ có
nhộng ăn, người nuôi được thu sản phẩm phụ, trong khi nuôi lợn ngày xưa cả năm
mới được một lứa. Nghĩa là mối lợi của nghề nuôi tằm có thể khai thác dần, rải
rác mà không cần phải đợi đến lúc ươm, dệt thành tơ lụa mới có.
Rau
cải làng Tiếu nấu nước điếu ăn cũng ngon
Rau
cải (trồng ở ) làng Tiếu (vốn ngon tới độ chỉ)
nấu với nước điếu thôi ăn vẫn cứ
thấy ngon.
-Cách hiểu và diễn giải của soạn giả khi dùng “chỉ”, “thôi” trong câu khiến bạn đọc
hiểu lầm “nước điếu” là loại nước lã
bình thường (nấu món canh suông) nhưng khi có rau cải làng Tiếu để nấu thì ăn
vẫn cứ thấy ngon. Tuy nhiên, nước điếu có mùi hôi, khắm, vị đắng chát rất khó
tả. Lỡ đánh đổ chút ít ra nhà, đến cả người vốn nghiện thuốc lào cũng không
chịu nổi cái mùi của nó. Nước điếu độc nên người ta còn dùng để tắm trừ ghẻ cho
chó. Thế mà rau cải làng Tiếu thơm ngon, ngọt lành tới độ có thể hóa giải được
cả nước điếu, khiến khi nấu canh rau cải với thứ nước “kinh khủng” đó, ăn cũng
(vẫn) ngon. Như thế câu tục ngữ phải được diễn giải là: Rau cải làng Tiếu dẫu có nấu
với nước điếu ăn vẫn ngon.
Thông
thường, một câu tục ngữ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Tuy nhiên, hiểu theo
nghĩa nào cũng phải đảm bảo tính biện chứng. Trong Từ điển tục ngữ Việt,
soạn giả Nguyễn Đức Dương có hẳn một hạng mục (được ghi ngoài bìa sách) là “dịch” một số câu tục ngữ gốc Hán. Soạn
giả không đưa ra phần nguyên văn chữ Hán, cũng không chú thích nghĩa từ vựng
trong câu dẫn đến sai sót khá nghiêm trọng bởi hiện tượng đồng âm, dị nghĩa; đồng tự, đa nghĩa.Ví dụ:
Kỵ
hổ nan hạ
Tránh
mặt hổ thì khó mà hạ sát được nó.
-Thay
vì dùng chữ kỵ 騎 là cưỡi,
soạn giả lại đưa ra chữ “kỵ” 忌 là kiêng tránh, sợ; chữ hạ 下với nghĩa là xuống, lại được chọn hạ 下 với nghĩa là “hạ sát”. Thoạt nghe cũng có lý. Thế
nhưng, giết hổ mà chọn cách đối mặt với hổ là hạ sách, là bất đắc dĩ. Người ta
có thể “tránh mặt hổ” mà vẫn giết
được hổ dễ dàng bằng cách đặt bẫy, đánh bẫy, nấp bắn. Vậy soạn giả nghĩ sao ?
Cần trả lại nghĩa vốn có (đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân gian)
là:Cưỡi lên lưng hổ thì khó xuống
(hay nói Thế cưỡi hổ, hoặc Ở thế cưỡi hổ).
Lão
bất tử thành tặc
Già rồi mà chẳng chịu chết đi cho
yên phận thì dễ hóa thành giặc. Hay dùng để chê những kẻ đã già mà chẳng chịu
sống yên phận, nên hay gây ra bao thứ rắc rối cho con cháu trong nhà.
-Thực ra chữ tặc 賊 ở
đây không có nghĩa là “giặc” mà là ranh, tinh quái, gian xảo, xảo quyệt. Ví
dụ “Lão thử chân tặc老鼠眞賊 = con
chuột này ranh ma lắm" hoặc “Giá nhất khỏa nhân chân tặc 這一夥人眞賊 = bọn này xảo quyệt lắm ( Xem Tự điển Hán Việt - Trần Văn Chánh
-NXB Từ điển bách khoa-2011). Mặt khác chữ “lão”
không chỉ có nghĩa người già, mà còn
chỉ chung các giống loài khi sống lâu
thường trở nên khôn ngoan, tinh quái.
Câu này dịch nghĩa là: Già mà không chết
sẽ thành kẻ tinh quái, dịch thoát thành tục ngữ là: Sống lâu thành xảo quyệt; gần nghĩa câu tục ngữ Việt Mèo già hóa cáo (con mèo sống lâu thường
mang bản chất của một con cáo khôn ngoan, tinh quái). Giải thích như nhà ngữ
học Nguyễn Đức Dương “Già rồi mà chẳng
chịu chết đi cho yên phận thì dễ hóa thành giặc” vô tình đi ngược lại tinh
thần “Kính lão đắc thọ”, dễ khiến các cụ cao niên buồn lòng.
Lộng
giả thành chân
Cái
giả hễ cứ được mặt sức hành hoành thì dần dà rồi sẽ hóa thành cái chân.Hay dùng
để nhắc mọi người đừng để cho cái giả mặc sức hoành hành nhằm tránh xảy ra tình
trạng thực giả lẫn lộn.
- Chữ lộng
弄 ở đây có nghĩa là giở thủ đoạn, lại được soạn giả hiểu nôm
na là lộng hành rồi giải thích “Cái giả hễ cứ được mặt sức hoành hành thì
dần dà rồi sẽ hóa thành cái chân”. Nghĩa này có thể chấp nhận được.Tuy
nhiên, câu tục ngữ phải chữa lại là “Giả lộng thành chân” mới đúng với ngữ pháp
tiếng Hán. Bởi vậy, câu tục ngữ “Lộng giả thành chân” phải được hiểu là: Dùng thủ đoạn biến giả thành thật. (Có
khi chữ “lộng” cũng được dùng với nghĩa “đùa cợt”: Vờ đùa cợt để biến giả thành thật).
Lương
y đa kỳ tật
Các
viên thầy thuốc giỏi đa phần đều có lắm thói quen kỳ lạ.
-Chữ
“tật” 疾 nghĩa là bệnh, “kỳ
tật” 奇疾 là bệnh lạ, bệnh nặng, bệnh hiểm ác, nhưng bị soạn giả hiểu nôm na “kỳ tật” là “thói quen kỳ lạ”.
Thực
tế, có nhiều thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cho nhiều người nhưng chính mình lại
hay bị những chứng bệnh nan y, bệnh lạ mà bản thân không khám, chữa cho mình
được. Thế nên, câu thành ngữ này phải được dịch là: Thầy thuốc giỏi hay bị chứng bệnh (lạ) hiểm ác, nói đến sự trớ trêu
của nghề thầy thuốc, “Dao sắc không gọt được chuôi”.
Mệnh
do ngã lập; phúc tự kỷ cầu
Số mệnh là do
tự mình định đoạt lấy (chứ đâu phải do trời sắp xếp sẵn); phúc đức là do mình tự cầu xin lấy (chứ đâu phải do trời tự ý ban
cho).
-Nếu nói “phúc
đức là do mình tự cầu xin lấy” chỉ có nghĩa không cần người khác cầu xin hộ, nhưng vẫn có nghĩa là bản thân
mình không tự quyết định được mà phải đi cầu xin người khác mới có.
Như vậy, chữ “cầu” (求)ở
đây phải được hiểu nghĩa là tìm,
không thể hiểu nghĩa là cầu xin như dịch giả nhầm lẫn. Câu tục
ngữ được dịch là: Số mệnh tự ta định
đoạt, hạnh phúc tự mình tìm lấy.
Nhìn chung, với sách biên soạn, (đặc biệt là lĩnh vực
tục ngữ, thành ngữ) khó tránh khỏi sai sót. Tuy nhiên, tỉ lệ sai sót, mức độ
sai sót, hạn chế (số lượng hàng trăm câu) như Từ điển tục ngữ Việt của Nhà
ngữ học TS Nguyễn Đức Dương là quá lớn. Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ còn nhận thấy
không ít lỗi về từ vựng, cách giải nghĩa, cách diễn đạt, từ ngữ,v.v...mà khuôn
khổ bài viết này không thể nêu hết (*). Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương
nhiều lần kêu gọi các nhà biên soạn sách giáo khoa đưa “di sản tục ngữ” vào nhà
trường (xem Bài “Sao không đưa tục ngữ
vào giảng dạy ở bậc tiểu học” - Báo Thanh
Niên). Đề xuất này không có gì sai. Tuy nhiên, nếu các em học sinh tiếp thu
“di sản tục ngữ” thông qua “kênh” Từ điển
tục ngữ Việt của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương với những “sai lệch” như trên thì thật nguy hại !
H.T.C